7-11-2017 | VĂN HỌC

Thơ Thành Tôn, thân xác như một ám ảnh hiện sinh

  TRẦN DOÃN NHO

 

Nhà thơ Thành Tôn. (Hình: Trần Văn Nam)

“Thắp Tình” là tập thơ đầu tay và cũng là tập thơ duy nhất của Thành Tôn. Gọi là thắp tình, nhưng chỉ một phần – phần đầu – trong đó, nhà thơ “thắp” lên những tình cảm đời thường: tình đôi lứa, tình cha con, tình gia đình.


“Nếp sống bình yên màu xanh sắc lá

Gói ghém cuộc đời nắng hạ mưa đông”

  (Hương Đồng Phấn Nội)


Nghe hiền hòa, tém tủm, dễ thương, nhẹ nhàng như những hình ảnh tìm thấy trong những bài thơ thời tiền chiến… Tuy nhiên, trong phần sau, thơ chuyển vào một không khí khác. Tứ thơ đã khác, hơi thơ khác, ngôn ngữ khác và tư tưởng thơ cũng hoàn toàn khác.


Thay vì nói chuyện trời nắng trời mưa, chuyện vườn cà vườn rau, hay chuyện gặp gỡ, chia xa, nhà thơ đưa người đọc bước hẳn vào một thế giới của những hoài nghi, xao xuyến và tra vấn. Và chính những xao xuyến, hoài nghi và tra vấn này làm nên nét tinh túy và độc đáo trong thơ Thành Tôn.


Nhưng hoài nghi và xao xuyến gì? Tra vấn ai? Xin thưa, thân xác.


Trong nhiều bài thơ, thân xác luôn luôn được nhắc đến cách này hoặc cách khác: “mặt mình,” “nhìn tay chân mặt mũi,” “khuôn mặt,” “nhân dạng,” “bộ xương,” “thân,” “ngực,” “tay,” “phiến trán,” “thân ta,” “tủy xương,” “xác lạ,” “xác thịt,” “thân thể,” “hình nhân,” “châu thân,” “hai vai,” “máu,” “vòng tay”…


Tóm lại, anh đưa vào thơ khá nhiều bộ phận của cơ thể con người và lặp đi lặp lại chúng trong nhiều dạng khác nhau. Là thân xác, nhưng chúng không hẳn như một đối tượng vật chất (và do đó, không chứa đựng yếu tố dục tính như từ “thân xác” có thể gợi ra) mà như một hiện diện để đối thoại, hơn thế nữa, để tra vấn. Tra vấn về sự hiện hữu của nó. Mà cũng là tra vấn về sự dính líu của nó với chính cái “tôi” của mình.


Thỉnh thoảng, nhà thơ nhắc đến sự soi gương, nghĩa là sự đối diện về mặt thân xác: buổi sáng soi gương, muốn soi mặt, ngắm ta, gương soi mặt nọ…


Đẩy xa hơn, thơ Thành Tôn chứa đựng nhiều hình ảnh của quan hệ “tôi” – “tôi,” một đối diện siêu hình: tôi giả lả với tôi, tôi tra gạn tôi, tôi lập lờ tôi, tôi buông tôi, tôi đấm đá tôi, tôi tách khỏi tôi, tôi rời tôi, tôi trở về tôi, giả dụ tôi.


Sao lại hai cái “tôi” ở đây: tôi nào và tôi nào? Thực ra, đây là quan hệ giữa “tôi”/ “cái tôi” và thân xác. Nói khác đi, quan hệ thân/tâm. Bằng cách tạo ra những thi ảnh mập mờ, bài “Niềm Riêng” phác họa mối quan hệ phức tạp đó.

“Ngắm ta dị tướng kỳ hình

Ngay thân thất lạc cong mình bơ vơ

Trăm năm xê dịch hằng giờ”

Trong cái thân xác đó, vẫn có sự chia cách:

“Gương soi mặt nọ thường hằng

Ta trong ý kẻ đôi đằng loanh quanh

Máu nào trăm sợi phân ranh

Bóng chao tượng động hồn nhanh xác rù”

Soi gương thì cái “mặt nọ” (thân xác) y như thể đó là một ai khác. Nhưng lại cũng chính là “ta.” “Hồn” thì nhanh mà “xác” thì rù. Thành thử, “đôi đằng loanh quanh.” Một mà hai. Hai mà lại một.


“Gõ Cửa Đời” cho ta một cái nhìn cụ thể hơn quan hệ đó:


“Tôi sống đời tôi trong xác lạ

Người gọi tôi mà tôi không tôi”


Hai câu thơ này lạ. Lạ và bao quát. Có thể nói, đó là ý tưởng nền tảng cho những dòng thơ của Thành Tôn về quan hệ thân/tâm, tạo nên một ám ảnh. Nó nói lên một nghịch lý. Thân xác là kẻ lạ. Nó không phải là “tôi.” Như con ốc mượn hồn, cái “tôi” chui vào trong thân xác như cái vỏ của một ai đó để sống “cuộc đời mình.”


Nhưng mặt khác, khi nói đến “tôi” cũng là nói đến thân xác mà tôi cư ngụ. Người khác (tha nhân) chỉ thừa nhận tôi qua cái thân xác này, cho đó là “tôi.” Mà thực ra, không phải là “tôi”: Tôi không tôi. Vì thân xác là cái tôi mượn, chứ không là “tôi.”


“Tôi mượn xác thịt này/sống một đời lạ hoắc”


Thật là rối rắm! Tôi mượn thân xác để “sống một đời lạ hoắc.” Nghĩa là sống cuộc đời của một ai đó, chẳng phải là cuộc đời tôi. Cho nên thân xác, theo nhà thơ, là “miền cư ngụ”:

“Tôi thỏa thuận xác thân miền cư ngụ

(…) Nên trở về tôi thằng lạ mặt

Trở về tôi cùng một chiếc gông

Làm kẻ lưu vong trên thân xác

Có đứng đi đâu ý định riêng”

 (Miền Cư Ngụ)

Như thế là đã rõ: thân xác là chốn ngụ cư. Mà chốn ngụ cư lại cũng là chốn lưu vong. Và thân xác trở thành một nhà tù. Tôi đeo thân xác như đeo một chiếc gông. Và làm một kẻ lưu vong. Nên rốt cuộc, tuy là “tôi” đó, nhưng “tôi” vẫn là một kẻ lạ, mãi mãi lạ đối với mình. Chả thế mà có lúc, nhà thơ lại nhìn ra một hiện tượng khác: đào ngũ.

“Ta bắt gặp ngoài ta hình bóng

Những đường quen nét thuộc nghi ngờ

Kẻ đào ngũ lầm lì, ngập ngọng

Nhàn nhạt trong cơ thể hồ đồ

Kẻ đào ngũ, chính ta trong hắn

Ngực cơ hồ đập nhịp ai xa”

 (Kẻ Đào Ngũ)

Hóa ra, miền cư ngụ, chốn lưu vong lại cũng chính là nơi đào ngũ. Ai đào ngũ? Và đào ngũ ai? Hóa ra, chính “tôi” đào ngũ “tôi”: ta trong hắn.


Ta và hắn nằm trong nhau. Tôi vừa là thân xác nhưng lại vừa không phải. Không có thân xác làm sao có kiếp người. Nhưng không có tinh thần (tôi) thì thân xác sẽ chẳng có ý nghĩa gì ngoài một vật thể vô tri vô giác, tự suy đồi và hủy hoại. Tóm lại, hiện hữu con người là một tổng hợp nhị nguyên: tâm hồn và thân xác. Hay nói cho gọn là tâm và thân. Nó là hai nhưng lại là một. Là một nhưng lại là hai. Chính cái hai-hai-một-một đó, mà con người hiện hữu trong cuộc đời như một “hiện sinh.” Nhà thơ khẳng định:

“Ta nào thấy mặt ta

Nếu không nhờ kẻ khác

Em nào phải là em

Nếu tôi không có mặt”

 (Gõ Cửa Đời)

Như thế, hiện sinh là một quan hệ ba mặt: thân-tâm và tha nhân.

“Không là anh nếu tôi vắng mặt

Sống là soi vào nhau

Đừng sắp chúng ta thành công cụ

Đã đành là động vật như ai”

 (Thuyết Giáo)

Quan hệ tâm/thân (mind-body relation) vốn đã tạo nên một vấn nạn lâu đời trong triết học cổ kim Đông Tây. “Mind-body relation” trở thành “mind-body problem” ngay từ thời của những triết gia Hy Lạp cổ đại như Platon, Aristote cho đến Descartes… rồi Nietzche, Freud, Merleau-Ponty…


Platon ngày xưa cũng như Descartes về sau, theo truyền thống duy lý, xem thể xác chỉ là cái phù du, hư huyển, trôi nổi. Chính cái linh hồn trú ngụ trong đó mới là tạo nên hiện hữu. Chả thế mà Descartes đã quả quyết: Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu. Họ đã “phong thánh” cho tinh thần, xem tinh thần là linh hồn, và điều này đã ảnh hưởng sâu rộng trong tôn giáo, nhất là Thiên Chúa Giáo.


Các triết gia cận đại và hiện đại thì nhìn một cách khác. Nietzche chẳng hạn, nhấn mạnh đến nguồn gốc thể xác của tinh thần, cho rằng “thân” thì đi trước “tâm.” Freud thì dùng “vô thức” như là một trung gian giữa thân và tâm… Rốt cuộc, chẳng ai đưa ra một giải đáp dứt khoát.


Có lẽ Thành Tôn không có ý muốn đem thơ của mình lao vào cuộc tranh cãi dằng dai không dứt này. Nhưng rõ ràng những tranh cãi đó đã ảnh hưởng sâu đậm lên cảm hứng thi ca của anh. Là nhà thơ, Thành Tôn không quan tâm trả lời cho vấn nạn thân xác-tâm hồn. Mà chỉ khắc khoải về sự ràng buộc của chúng.


Không có ràng buộc đó, con người không hiện hữu, nhưng đồng thời, đó là một ràng buộc kỳ lạ, thậm chí kỳ quặc. Anh đã thơ-hóa nó. Không những thế, tôi hồ nghi rằng anh phải đã từng lặn sâu vào những trầm tư triết học. Ám ảnh thân xác đẩy tới ám ảnh siêu hình.

“Vòng tay ôm thân mình không giáp

Tôi cô đơn trong dáng thế con người”

 (Gõ Cửa Đời)


“Tôi rờ khắp châu thân rồi tự hỏi

Có tay chân mặt mũi cũng tình cờ

Ở trong đó âm thầm vang tiếng gõ

Và máu hồng chắc cũng hư vô”

 (Công Cuộc Kiếm Tìm)

Viết về tiểu sử của anh, nhà thơ Luân Hoán cho biết, sau khi tốt nghiệp trung học năm 1962, “Vì hoàn cảnh gia đình, anh vừa học Văn Khoa Huế, vừa dạy giờ tại các trường tư thục Phan Thanh Giản, Thánh Vinh Sơn (…). Cùng lúc này anh ghi danh học hàm thụ môn triết tại Đại Học Đà Lạt.”


Chi tiết nho nhỏ này có thể giúp ta hiểu rõ hơn nỗi khắc khoải lạ lùng trong thơ anh.


Những khắc khoải đượm mùi triết lý!

Trần Doãn Nho

Nguồn: nguoi-viet.com

———

Ghi chú:

Những đoạn thơ của Thành Tôn trích dẫn trong bài viết được tham khảo từ các trang mạng Luân Hoán, Bạn Văn Nghệ (Trần Yên Hòa) và Du Tử Lê.