Nhà thơ Tạ Ký (1928-19.3.1979).
(Hình do Viên Linh cung cấp)
Nghe tin An Giang mở một con đường chạy qua mộ nhà thơ Tạ Ký, mà không ai rõ vợ con ông ở đâu, tôi chạy cái tin trên Khởi Hành số 49, 11.2000, kêu gọi độc giả lưu tâm. * Các bạn học cũ của anh ở Khải Định khóa 1948-1955, do bà Ngô Thị Vân đại diện, đã liên lạc ngay và hơn một tháng sau, chúng tôi gửi thẳng tới An Giang gần hai ngàn mk, Cuộc viễn liên tảo mộ Santa Ana-An Giang được tiến hành... Mộ nhà thơ Tạ Ký dời về Nghĩa trang Gò Dưa Thủ Đức, nằm bên cạnh và cùng hướng với Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn.
"Kính bái hương hồn nhà thơ Tạ Ký: Hai mươi hai năm qua, bà con ở quê nhà Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam cũng như tất cả bằng hữu của nhà thơ ở Sài Gòn hay ở các nơi gần, xa khác đều chung một nỗi nhức nhối triền miên về trường hợp tạ thế, về phần mộ của nhà thơ, về ngày tháng mất, mơ hồ về địa điểm. Nhưng rồi ngày hôm nay, trong thời điểm của tiết Thanh Minh, (12 tháng 3 Tân Tỵ, 5 tháng 4, 2001) những người đại diện cho bà con, bằng hữu của nhà thơ đã đến được tận nơi này. Chúng tôi đã đến quá chậm! Những nén hương tâm thành đã được cắm quanh mồ nhà thơ quá cố thân yêu. Ôi, những nén hương đã đốt âm thầm từ 22 năm qua, phút này mới cháy! Xin thâm tạ đất và người Chợ Mới - An Giang đã bảo bọc một hình hài bất hạnh suốt 22 năm qua. Xin cảm ơn mọi tấm lòng trước cũng như sau đã dành cho nhà thơ quá cố Tạ Ký". Đó là trích đoạn điếu văn đọc tại lễ cải táng hài cốt Tạ Ký từ Chợ Mới - An Giang về nghĩa địa Gò Dưa, Thủ Đức, tôi chép lại từ cuốn video đã nhờ người bạn trẻ thực hiện đặc biệt cho Khởi Hành, với phí tổn, thù lao từ quĩ tờ báo, người bạn trẻ không hề đòi hỏi.
Lễ cải táng Tạ Ký được thực hiện từ lúc trên Khởi Hành số 49, tháng 11 năm 2000, có đăng một đoạn thư dưới hình thức một cái tin, do chủ bút đặt tựa là “Mộ Nhà Thơ Tạ Ký Sắp Tan.” (trang 39). Nội dung mong mỏi ai là thân nhân Tạ Ký hãy lo rời mộ anh ngay, vì An Giang đã qui định mở một con đường chạy ngang qua nghĩa địa, hơn nữa mùa nước lụt đang tới. Một khi mộ không được rời, kể như Tạ Ký sẽ không còn mồ mả. Anh người Quảng Nam, cuối năm 1978 tan tác gia đình trên đường vượt biển, rồi bỏ xác nơi đất lạ quê người đã 22 năm. Sẽ không ai còn biết nắm xương của tác giả thi phẩm “Sầu Ở Lại” sẽ phiêu dạt nơi nào, dưới khe mương đồng ruộng hay trong đống bụi rác quận Chợ Mới, nếu mộ không kịp rời đi nơi khác
Sau khi số báo phát hành, tôi nhận được một cú điện thoại từ Thousand Oaks California gọi đến. Người gọi là Bà Ngô Thị Vân, trong thân quyến thi sĩ bác sĩ Kỉnh Chỉ, chị là độc giả dài hạn của Khởi Hành từ số 1, 1996. Vốn là bạn đồng song với người xấu số tại trường Khải Định trong các năm học 1948-1955, chị cho biết sẽ nhắn gọi mọi người đóng góp nếu Khởi Hành liên lạc được với những người ở Việt Nam có thể cụ thể đứng ra lo việc cải táng cho Tạ Ký. Tôi nghĩ là được, và tờ báo văn nghệ của chúng tôi cũng sẽ kêu gọi các bạn văn góp tay. Lá thư nói trên của anh Định Trầm Ca, * người từng có thơ đăng trên Khởi Hành trước 75 ở Sài Gòn. Tôi liên lạc được với anh Ca vào tháng 12.2000, anh cho biết một người cháu mà Tạ Ký từng nuôi cho ăn học trong nhà có thể đứng ra lo được, nếu ngoài này giúp cho sở phí. Tôi báo lại cho chị Vân. Và những cú điện thoại, điện thư được chị gọi đi các nơi cho bằng hữu bạn học Tạ Ký, ở Hoa Kỳ và ở các nước khác, như Gia Nã Đại, Pháp...
Ngày mồng 7 tháng 1.2001, chị Ngô Thị Vân gửi đến Khởi Hành một xấp ngân phiếu qua đường bưu điện, phần lớn đề tên tôi, những ngân phiếu đề tên Ngô Thị Vân chị đã chuyển ra tiền mặt gửi kèm. Thật quá nhanh, tôi vui thầm.
Chàng Tạ Ký, lạ thật đấy, chúng ta chỉ gặp nhau có hai hoặc ba lần trong đời, một lần chàng tới Bến Tắm Ngựa góc đường Công Lý, Yên Đổ thăm tôi - hình như cùng với Thế Viên hay/và Châu Trị- khoảng 1960, và một lần cụng hai cái ly, đúng ra là hai cái cốc, to tổ chảng, ở khu chợ lộ thiên trên lề đường Lê Văn Duyệt - Chợ Đũi - trong một chiều tối có mưa nhẹ, vậy mà tôi vào những ngày đầu của thiên niên kỷ mới này, lại giúp lo việc rời mộ cho chàng, bằng cả những cú điện thoại trực tiếp gọi về Việt Nam. À, hình như còn gặp thoáng qua đâu đó gần rạp Rex, thời gian chàng dạy ở Petrus Ký, và bà vợ ngồi bán vé xi-nê ở cái rạp này. Đúng thế, nhớ rồi. “Toa hay đi xi-nê, bảo vợ mọa nó mua vé cho, - vợ mua tên Hồng. - chứ sắp hàng như người ta thì lâu lắm; có khi không có vé đâu.”
Không mua được vé là chuyện thường khi Rex chiếu những phim như The Guns of Navarone với các tài tử Gregory Peck, David Niven, Anthony Quinn hay phim Tora! Tora! Tora! với hai giàn tài tử gạo cội Mỹ Nhật (diễn lại vụ tấn công Trân Châu Cảng. “Vợ mọa - như thế, như thế ” - và một lần mua vé, tôi hình dung lời mô tả của bạn, nhắm cho đúng người, hỏi có phải chị Hồng không. Và tôi đã nhờ chị mua vé cho đôi ba lần vào những dịp rạp Rex có phim hay, biết chắc là rạp sẽ đông, bằng một cú điện thoại gọi trước. Tôi đã ngạc nhiên khi thấy chị: không ngờ người bạn có vợ trẻ như thế. Tôi quen cả hai vợ chồng nên sau này lúc làm giám khảo cuộc thi truyện ngắn cho báo Người Việt, thời Lê Đình Điểu trông coi tờ báo, một cây bút trẻ có tên Tạ Thái khiến tôi có hỏi cậu có liên hệ gì với nhà thơ họ Tạ không, cậu gật đầu, nhận là con trai Tạ Ký. Thái có tới ở tạm trong nhà tôi ở đường Commonwealth thành phố Fullerton một hai tuần gì đó. Tôi phong thanh biết vụ vượt biên của gia đình bạn hồi 1978, khi vợ con may mắn đi thoát trên chiếc tàu an toàn vững chắc của mấy người quen ở rạp Rex, còn Tạ Ký đã tới lầm bến hẹn trong giông bão cuộc đời, bàng hoàng trong đêm đen và sóng bạc vần vũ, khi tỉnh cơn mê chỉ còn một thân một mình trên bờ bãi hoang vắng.
Trên 20 năm nay thu thập tài liệu về những cái chết trong tù của các Văn nghệ sĩ trí thức, tôi không tìm được tin gì thêm về Tạ Ký. Đột nhiên Vào dịp Valentine năm 2001 đang lái xe trên thông lộ Beach hướng về phía biển, tôi đã nhìn thấy bảng hiệu tiệm Callender là tiệm có quầy salade all you can eat, dường như vì trong thân thể đang thiếu chút tươi xanh của rau cỏ, trái cây, tôi ghé vào. Đi một mình vào tiệm trong cái đêm mà người ta đi với cả gia đình, nên để có đối tượng hàn huyên, đành là trong im lặng, tôi vớ một tờ báo trong xe mang theo, đặng nói chuyện với người trong báo. Đó là tờ Đặc san Đất Quảng Xuân Tân Tỵ. Đọc bài Trần Thế Phong, tôi đã thấy lại Tạ Ký, thấy vài điều tôi muốn biết về những ngày cuối cùng của anh trên đời.
Chuyện kể xẩy ra trong khu nhà thương của Sư đoàn 18 Bộ binh, lúc ấy được dùng làm một trại giam Quân Cán Chính Miền Nam.
“Tôi nhớ vào một buổi tối, tôi đang loay hoay viết thư về cho gia đình thì thấy Thanh (một người bạn tù) cõng trên lưng một người tới chỗ tôi. Người đó cao gầy, nước da trắng trẻo, tóc hoa râm, mắt đeo đôi kính cận, mặc bộ đồ pyjamas màu mỡ gà, cổ quấn một chiếc khăn bằng bao cát. Thanh đặt người ấy trên sạp ngủ của tôi và giới thiệu: 'Đây là giáo sư, nhà thơ Tạ Ký, cùng quê với tụi mình đó.'
Nghe đến giáo sư, nhà thơ Tạ Ký, tôi lặng đi vài giây và đứng dậy chào:
-- Thưa thầy, được nghe tên thầy và danh thầy từ lâu; những năm học ở Sài Gòn có nhìn thấy thầy lái chiếc Vespa dạy học tại trường Petrus Ký, không ngờ hôm nay lại được gặp thầy trong chốn lao tù này.
Anh Tạ Ký khoát tay bảo:
-- Đừng gọi thầy bà gì, cứ gọi anh em cho thân mật, mình cùng quê Quảng Nam với nhau mà.
-- Thưa anh anh vẫn khỏe? Anh là nhà giáo, một nhà thơ, tại sao vào đây?
Anh Tạ Ký nói:
“Vào đây không khỏe cũng phải khỏe. Giáo sư bị động viên, gốc sĩ quan “ngụy” thì phải đi tù chứ chú em? Hơn nữa cộng sản có để những người trí thức ở ngoài đâu? Phải cho vào tủ hết để chúng dễ kiểm soát.
-- Vậy gia đình anh vẫn còn ở lại Sài Gòn chứ?
Nghe nhắc đến gia đình, tôi thấy anh lặng yên, đôi mắt xa xăm như có điều gì u ẩn trong lòng. Anh ừ thật nhỏ và nói sang chuyện khác.
TRÍCH NHẬT KÝ CỦA TẠ KÝ
24/9/78. Vợ con đi, đến nay đã 20 ngày. Thế là xong. Đời mình chỉ còn 2 con, nay cũng mất nốt. Nghĩ mà ngán ngẩm. Đàn bà thật là độc!
Chúng nó đi khoảng 10g tối ngày 6/9 tức là 5/8 âm lịch (mậu ngọ). Không biết rồi tương lai hai con sẽ ra sao?
Sau đó, là một sự bối rối vô cùng cho mình. Thôi thì từ 6/9 đến 12/9 mình suy nghĩ nhiều, và đi đến một quyết định. Đồ đạc trong nhà bán đổ bán tháo. Bác Sáu, nhất là chị Ba, tham quá, quơ hết, đồ cũ, mùng mền... Mình cũng không biết gửi cho chị ấy bán những thứ gì, vì “chỉ”qua xách đại đi, chỉ biết đưa tiền bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu.
Dồn được hơn ngàn bạc, xuống đến CT thì tối 14/9 bị thằng chở Honda ôm cướp mất khoảng 600 đồng, 2 quần. May mà nó không giết mình... Nghĩ đến câu Kiều “Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”... May còn con gái nuôi để an ủi. Có gửi cho nó một ít đồ, số cây là vốn liềng cuối cùng của đời mình.
9/10. Nước lụt lên rất cao. Súng đại bác nổ vang vọng.
29/10. Vừa đi LX về.
Nước lụt rút khỏi nền nhà. Con gái không biết đi chưa? Cơn bão số 13 của cái năm thiên tai lũ lụt này. Bão xuất phát từ PLT thổi qua Nghĩa Bình. Không có sách gì đọc, buồn quá.
30/11. Buồn chi lạ! Vẫn nằm ỳ một chỗ. Chưa được thư từ gì của con gái, và hai thằng con trai (vượt biển với mẹ) cũng bặt tin luôn. Không biết chúng sống chết ra sao? Và nếu sống thì sống cách nào? Nó nghe lời mẹ nó nên rất có thể đi đến thảm trạng. Chắc gì người nào dẫn mẹ nó đi đã bảo bọc được tất cả chúng nó. Gạo ở đây mà cũng 2000 $ một lít. Dạo năm ngoái nghe đâu có 300 $. Lý do vì lụt, hư hết tủa. Ở đây mình thường đau bụng, có lẽ vì nước không đun sôi. Bà chủ gia đình sợ tốn củi nên bả cũng đau bụng hoài. Đêm đêm nghe pháo kích ì ầm. Thôi, còn chiếc xe đạp mang theo, chắc Tết này phải bán quá.
9/12 Đi LX và CT. Gửi thư cho con gái. Không được tin tức gì của nó và cũng chẳng ai lên xuống Sai gòn mà biết. Không biết ngày mai ra sao.
17/12 Tối vừa rồi tự nhiên lạnh run, răng đánh bù cạp, phải đắp 4 cái mền. Sắp qua năm 1978. Vẫn không được tin gì của con Bảy (con gái nuôi). Không biết đi được chưa.
24/12/78. Noel. Dieu est mort. [Thượng Đế đã chết).
Nhật ký chấm dứt ở ngày 24. Ngày hôm sau Tạ Ký bị bắt.
“Kính thưa quí vị quan khách,
Có niềm hạnh phúc nào hơn khi chúng tôi (thay mặt cho gia đình nhà thơ Tạ Ký) được gia đình ông Tiêm, ân nhân đã cưu mang nhà thơ Tạ Ký trong những ngày cuối đời - đã giữ gìn và trao lại cho chúng tôi những kỷ vật quý giá gồm: mấy tập thơ, nhật ký, bản thảo và nhiều thứ nữa.
Gia đình ông Tiêm, nhất là cậu Anh đã chạy vạy lo cơm nước cho nhà thơ. Rồi chính cậu Anh đi thăm nuôi khi nhà thơ Tạ Ký (bị bắt), bị tình nghi “có vấn đề. ” Rồi nữa, cũng chính cậu Anh nhận là thân nhân, làm thủ tục, nhận xác, nhờ người tẩm liệm, mua áo quan, chôn cất, dựng bia, xây mộ... Chúng tôi dám khẳng định rằng: Nếu không có gia đình ông Tiêm, thì mãi mãi sẽ không có buổi lễ cải táng nhà thơ, nhà giáo Tạ Ký ngày hôm nay.
Thay mặt gia quyến và ban tổ chức, xin chân thành cám ơn sự giúp đỡ tận tình của tất cả quí vị. Em: Tạ Duy Trung (soạn).
Sài Gòn 4.2001
Kính gửi anh Viên Linh,
Tôi gửi anh 7 tấm ảnh và một số bài vở gom được trong buổi lễ cải táng anh Tạ Ký. Trong việc dời mộ anh Tạ Ký, tôi đã nhờ một số người hỗ trợ như sau: Huỳnh Bá Thắng (đá ganide, chỉ lấy 1/2 giá); họa sĩ Phạm Cung làm tượng không nhận bồi dưỡng; Thông camera nghỉ hai ngày ở xưởng phim đi Chợ Mới; người khắc bia cũng lấy 1/2 giá)... Đỗ Ngọc Anh gửi bản chiết tính theo đây (do tôi tổng hợp từ sổ tay ĐNA). Bản thân tôi giúp với tất cả nhiệt tâm nhưng không tham dự chuyện chi phí.
“Tạ Ký mất lúc 13 giờ thứ Hai, 19.3.1979 tại bệnh xá huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang do bệnh gan tái phát (từ trại giam đem đi đến bệnh xá thì chết). Những người chôn cất và lập mộ: Anh Nguyễn Quí Trượng (đã qua đời) và người cháu, Nguyễn Hoàng Anh, con ông Cả Tiêm, anh cả của chị Trượng.”
VÀI ĐOẠN THƠ CỦA TẠ KÝ:
Tôi sẽ chết vô duyên như đã sống
Đất nghĩa trang đã chắc chi còn rộng
Không biết năm đâu,
sẽ hướng phương nào
Nghĩ thêm buồn
cho câu chuyện mai sau.
(Tạ Ký, Thêm Buồn, Sầu Ở Lại).
Thân cát bụi chẳng còn chi hối tiếc
Nhưng lòng riêng khao khát chút tình thương...
Đóa mộng vàng son đã rã cánh bên thềm
Tôi cô độc bước chân về nghĩa địa.
(Tạ Ký, Bài Thơ Viết Trước Khi về)
[Viên Linh, viết 2001, bổ sung 2015, nửa tháng trước ngày giỗ thứ 36 của Tạ Ký. Tặng chị Ngô Thị Vân ở Thousand Oaks. Cảm ơn anh Đinh Trầm Ca ở Sài Gòn đã gửi cho tôi thơ, hình ảnh, video, và nhất là 12 trang Nhật Ký cuối cùng của Tạ Ký.]
THẾ HỆ BỐN LĂM
“Chúng tôi:
Những kẻ sinh ra chưa biết nụ cười,
Đã thầm khóc trong bao năm khói lửa.
Mười tám tuổi, vải thô thay nhung lụa,
Giày vỏ xe hơi mòn gót liên khu,
Một dải miền Trung rừng rậm, sương mờ,
Vui kháng chiến, tình non sông muối mặn.
....
Chúng tôi:
Thế hệ bốn lăm
Vui chưa bao nhiêu nhiều lúc khóc thầm
Một phần tư thế kỷ,
Lừa lọc, gian ngoa, một bầy ác quỷ,
Tuổi thanh xuân tàn như một giấc mơ!”
(Tạ Ký)
Lời thơ của bài này tuôn trào tự tâm can, không thấy dấu vết của gọt giũa, đó là một điển hình của thơ thanh niên thời thế. Những năm về sau, thơ Tạ Ký không còn thấy sự cởi mở tràn lan như thế nữa. Vào đời, sống trong môi trường giáo dục, dạy học đây đó, Tạ Ký lan man từ yêu đương lứa đôi ngược dòng về những chuyện tình sử nước người, hay tình sử của chính mình được kể lại trong hình bóng của kiều nữ.
Hoang sơ tím áo nữ kiều
Ngọt môi mùa loạn ngàn xiêu gió thành
Mộng vừa rụng ngọc Oanh Oanh
Nửa đêm cùng nửa tuổi xanh dâng chàng.
(Tạ Ký, Tình xưa sử nến)
* Lá thư đã ở trong tay một tờ báo không chuyên về văn học cả tháng, nên vốn là bạn người quá cố trước 75, tôi lấy đăng trên Khởi Hành, tin rằng sẽ có hiệu quả. Hiệu quả đã nhanh không thể ngờ. Vụ này đã được tường thuật đầy đủ trên Khởi Hành số 55.