16-10-2018 | VĂN HỌC

“Trên ngưỡng cửa bình minh”

 PHẠM KHẮC TRUNG


    Giáo sư Tạ Ký
    (1928-1979)

Mùa hè năm 1975, lúc học môn “Chính trị cơ bản” mang chủ đề “Viêt Nam đất nước anh hùng”, sinh viên chúng tôi thường kháo đùa với nhau về cách thức ứng xử để được chấp nhận trong cuộc sống mới rằng, “Hãy đem những điều ông bà, bố mẹ bay từng làm ra mà chửi”, hay nhẹ nhàng hơn, “Hãy nói trái với lòng mình”…


Dù rằng trong giờ thảo luận, nhiều sinh viên cũng phát biểu linh tinh, trật khỏi đường ranh do nhà trường quy định đấy, nhưng lúc làm bài kiểm, trên giấy trắng mực đen thì đố dám!


Trong bài thi cuối khóa, sau khi đã nêu ra những thành quả của cách mạng theo bài bản mà bài thi đòi hỏi, tôi viết ra bài thơ dưới đây để thay lời kết luận, với ghi chú rằng tác giả là một nhà thơ cách mạng mà tôi không nhớ tên, để nói lên những suy nghĩ và hướng đi của mình:


Trên ngưỡng cửa bình minh

Ta dang tay đón:

Ánh sáng – nụ cười

Đồng xanh – xưởng lớn

Là tương lai

Con chim nào hót lạc khúc ca xưa?

Lạc lõng!

Và hạnh phúc không chỉ là giấc mộng

Ta đi lên!


Trên ngưỡng cửa bình minh

Sau lưng là bóng tối

Từng thế hệ đã khai đường mở lối

Để ngày nay đời tắm nắng huy hoàng

Gió bốn phương về, hoa nở ngàn phương

Đời đẹp quá, còn đâu giờ khắc khoải

Đời đẹp quá, đẹp thay tình nhân loại

Thương nhau

Chẳng kể màu da

Chẳng kể Tây – Tàu


Bài thơ quá hay nên bài thi này tôi được điểm rất cao, đến nỗi giáo viên phụ trách lớp là Nguyễn Văn Tuấn (lúc ấy họ gọi chung là giáo viên hết, chứ không phân biệt giáo sư và giáo viên như xưa), từ trường chính trị Nguyễn Ái Quốc điều vào, gặp gỡ và tham khảo ý kiến tôi về tình huống những sinh viên trong tổ không đạt đủ điểm thi ấn định (khoàng 1/3 SV Cửu Long không đạt đủ điểm bài thi này). Dĩ nhiên là tôi tìm cách bênh vực những người bạn ấy, dẫn đến kết quả là ngay trong hôm ấy, giáo viên Nguyễn Văn Tuấn đã cộng thêm điểm chính trị và sinh hoạt vào để tất cả mọi người đều đạt đủ điểm thi ấn định mà vượt qua chặng thử thách ban đầu. Câu chuyện này chính giáo viên Nguyễn Văn Tuấn đã rò rỉ ra sau này, khiến nhiều bạn hiểu lầm tôi và gây cho tôi nhiều hệ lụy không nhỏ, nhưng xin miễn bàn ở bài này.


Sự thật, bài thơ trên mang tựa đề “Trên ngưỡng cửa bình minh”, của thầy Tạ Ký, lúc đó đang đi học tập cải tạo, mà tôi đã cắt bỏ 2 câu chót khi chép làm bài thi.


Ai đó đã nói, “Một nửa ổ bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải sự thật”.


Bài thơ “Trên ngưỡng cửa bình minh” có 21 câu: 19 câu đầu nêu lên những ước vọng và ngợi ca những thành quả như một xu hướng của thời đại; 2 câu chót phản đề, phá vỡ mọi điều đã ca ngợi ở trên. Như vậy, cắt bỏ 2 câu chót, nghĩa là tôi đã hủy diệt sự thật.


Niên khóa 1972-1973, tôi học lớp 12B2, trường trung học tư thục Thăng Long, tọa lạc trên đường Hồng Thập Tự, góc đường Nguyễn Thiện Thuật, gần công trường Cộng Hòa, Saigon. Năm đó tôi trốn giờ Anh Văn, chui xuống lớp 11 học lậu giờ Việt Văn với thầy Tạ Ký, được thầy ưu ái ký tặng tôi tập thơ “Sầu ở lại”. Tôi trân quý tập thơ này vô cùng nên ôm ấp đọc đi đọc lại, nghêu ngao và thuộc lòng một số bài trong tập thơ này. “Trên ngưỡng cửa bình minh” là một trong số những bài thơ tôi yêu thích.


Khi liên lạc được với giáo sư Lê Tấn Lộc (bạn dạy học thân của thầy Tạ Ký) ở Montreal, Canada, và đọc lại được tập thơ “Sầu ở lại” trên webside của thầy, tôi có than phiền với thầy Lộc là thiếu bài thơ “Trên ngưỡng cửa bình minh”? Thầy trả lời đại khái rằng, webside của thầy chỉ dẫn tới tập thơ đó thôi chứ thầy không có thẩm quyền. Thầy bảo, “Khi sưu tầm, dĩ nhiên người ta có nhiều thiếu sót, ai biết thì bổ túc thêm!”


Tôi đã search tìm trên tất cả các hãng chương trình, từ Google, Yahoo, MSN, Microsoft Edge, cho chí Blog của Tạ Thái (con trai thầy Tạ Ký), và Vườn Thơ Tkaraoke…, nhưng hoàn toàn không thấy dấu vết bài thơ “Trên ngưỡng cửa bình minh”. Thôi thì đành ghi lại nơi đây theo trí nhớ để lưu giữ chút duyên:

TRÊN NGƯỠNG CỬA BÌNH MINH

Tác giả: Tạ Ký


Trên ngưỡng cửa bình minh

Ta dang tay đón:

Ánh sáng – nụ cười

Đồng xanh – xưởng lớn

Là tương lai

Con chim nào hót lạc khúc ca xưa?

Lạc lõng!

Và hạnh phúc không chỉ là giấc mộng

Ta đi lên!


Trên ngưỡng cửa bình minh

Sau lưng là bóng tối

Từng thế hệ đã khai đường mở lối

Để ngày nay đời tắm nắng huy hoàng

Gió bốn phương về, hoa nở ngàn phương

Đời đẹp quá, còn đâu giờ khắc khoải

Đời đẹp quá, đẹp thay tình nhân loại

Thương nhau

Chẳng kể màu da

Chẳng kể Tây – Tàu…


Đây ngưỡng cửa bình minh

Loài người ngóng đợi!

Tôi nào có dám bình phẩm thơ thầy Tạ Ký. Điều tôi làm ở đây là dàn trải tấm lòng của cá nhân tôi đối với người thầy mà tôi hằng kính quý đấy thôi.


Tôi thương thầy Tạ Ký lắm. Như bao thanh niên khác từng ôm ấp giấc mơ tuổi trẻ, thầy những mong làm hay, làm đẹp cho đời, và làm giàu cho quê hương đất nước kính yêu:


Ánh sáng – nụ cười

Đồng xanh – xưởng lớn

Là tương lai


Thầy từng bay bổng với ước mơ tuổi trẻ:


Con chim nào hót lạc khúc ca xưa?

Lạc lõng!


Rồi ôm con tim dấn bước, quyết tâm thực hiện cho bằng được giấc mơ của thầy:


Và hạnh phúc không chỉ là giấc mộng

Ta đi lên!


Thầy đã hiên ngang “công đồn giết giặc”:


Mười tám tuổi, vải thô thay nhung lụa,

Giày vỏ xe hơi mòn gót liên khu,

Một dải miền Trung rừng rậm, sương mờ,

Vui kháng chiến, tình non sông muối mặn.

Chúng tôi lớn trong tiếng rền lựu đạn,

Ba-lô da nặng trĩu cả vai gầy.


Để kịp nhận ra sự thật bẽ bàng:


Vui chưa bao nhiêu nhiều lúc khóc thầm

Một phần tư thế kỷ,

Lừa lọc, gian ngoa, một bầy ác quỷ,


Để rồi thầy trăn trở, chua xót lưu lại đôi dòng bằng chính thủ bút của thầy nơi trang đầu, tập thơ “Sầu ở lại”:


Khi ba mươi biết được chuyện xưa lầm

Thì đau khổ đã hằn trên trán nhỏ,

Thì uất hận vạch trời nhưng chẳng tỏ,

Rồi cô đơn như một kẻ chăn cừu

Trên đồi cao nhìn tinh tú luân lưu.


Tôi phục thầy Tạ Ký nữa. Thầy biết rằng lầm nên thầy quay lưng bước ra ngay tức khắc, rồi thầy mạnh dạn đánh thức anh em để khỏi mang thêm cái ách nặng vô lối, thức tỉnh đồng loại đang say đắm ngủ vùi trong cơn mộng tưởng viễn du:


Đây ngưỡng cửa bình minh

Loài người ngóng đợi!


Nhưng ẩn chứa bên trong là niềm cô đơn, khắc khoải…


Sau 30/04/75, trong nỗi hoang mang, hoảng loạn, tôi chợt hiểu ra nỗi lòng riêng của thầy:


Tuổi thanh xuân tàn như một giấc mơ!

Hoảng hốt, điên cuồng, nhẫn nhục, bơ vơ,


Phải đợi mãi tới năm 1989 thì cộng sản Đông Âu mới tan rã, kéo theo sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết năm 1991, Tổng Bí Thư đảng cộng sản Liên Xô, ông Mikhail Gorbachev thú nhận rằng, “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng: cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá” (I have devoted half of my life for communism. Today, I am sad to say that The Communist Party only spreads propaganda and deceives). Lúc đó, người ta mới nhìn nhận rằng chủ trương thế giới đại đồng (bên kia biên giới cũng là quê hương), là chủ trương lưu manh không hơn không kém.


Thế nhưng, nhiều người vẫn cố bám chặt vào cái chủ nghĩa lỗi thời, bệnh hoạn, lợi dụng chủ trương lưu manh đó như tấm ván cứu rỗi để bảo đảm an ninh và tài sản của gia đình họ. Họ ngụy biện rằng cộng sản bây giờ sai nhưng cộng sản ngày xưa đúng, đảng CS Nguyễn Phú Trọng sai nhưng đảng CS Hồ Chí Minh không sai… Rồi họ đánh đồng kinh tế toàn cầu với thế giới đại đồng và cổ vũ cho một chủ trương lưu manh khác qua chiêu bài “cộng sản mang màu sắc Trung Hoa”, để công khai và dễ dàng hợp thức hóa công cuộc bán nước của họ.


Thật ra, theo nguyên tắc truy chứng trong toán học, phép truy chỉ SAI khi ĐÚNG truy ra SAI:


Đ –> Đ :  Phép truy Đúng

Đ –> S :  Phép truy Sai

S –> Đ :  Phép truy Đúng

S –> S :  Phép truy Đúng


Như vậy, một khi đã thừa nhận cộng sản ngày nay SAI rồi, thì phép truy chỉ ĐÚNG khi cộng sản ban đầu cũng SAI.


Trong bài diễn văn đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (Khóa 73), tại New York, sáng ngày 25 tháng 09 năm 2018, Tổng Thống Donald Trump nêu rõ cương lĩnh đối ngoại của Hành Pháp Mỹ: “Nước Mỹ phải do chính người Mỹ định đoạt. Chúng tôi loại bỏ ý thức hệ của chủ nghĩa toàn cầu và giương cao lý tưởng yêu nước (America is governed by Americans. We reject the ideology of globalism and accept the ideology of patriotism).”


Tổng thống Donald Trump kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho con người. Tất cả mọi nơi mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản được đem ra thử nghiệm, chúng đều để lại những hậu quả khốn cùng cho xã hội trên mọi lãnh vực, và đẩy người dân tới chỗ tận cùng của cơ cực, đói nghèo… Đơn cử điển hình trường hợp ở Venezuela, Tổng thống Trump phát biểu:

“Giải pháp dài hạn duy nhất cho cuộc khủng hoảng di cư là giúp người dân xây dựng một tương lai hứa hẹn hơn ở đất nước của chính họ. Hãy làm cho đất nước của họ vĩ đại trở lại.


Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một thảm kịch nhân đạo ở Venezuela. Hơn 2 triệu người đã phải di tản. Cách đây không lâu, Venezuela còn là một trong những quốc gia giàu có nhất trên trái đất. Hôm nay, chúng tôi tuyên bố cấm vận bổ sung nhằm vào chính quyền Venezuela, những nhân vật, cố vấn thân cận của ông Maduro.”

Nói chung, bài diễn văn của Tổng Thống Donald Trump trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (Khóa 73), tại New York, sáng ngày 25 tháng 09 năm 2018, xác định 3 sứ mệnh của nước Mỹ đối với Trật Tự Thế Giới, trong mục tiêu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again):


– Thứ nhất là tôn trọng Nhân Quyền,

– Thứ hai là tuân thủ hệ thống pháp luật,

– Thứ ba là ứng xử có văn hóa với các nước láng giềng.


Đó cũng là lời giải thích đích đáng, lý do nước Mỹ liên tiếp mở ra nhiều mặt trận tấn công Trung Cộng trong mấy tháng nay. Tổng Thống Donald Trump nhấn mạnh: “Tại Mỹ, chúng tôi tin vào sự uy nghiêm của tự do và phẩm giá của mỗi cá nhân. Chúng tôi tin vào quyền tự trị và hệ thống luật pháp. Và chúng tôi đánh giá cao nền văn hóa duy trì sự tự do của chúng tôi – một nền văn hóa được xây dựng trên nền tảng là những gia đình mạnh mẽ, lòng tin sâu sắc và sự độc lập.”


Phạm Khắc Trung

Nguồn: sangtao.org