Nhà văn Tràm Cà Mau
”Triết lý củ khoai” là một tuyễn tập gồm những truyện ngắn và những phiếm luận của tác giả Tràm Cà Mâu, một cái tên đặc sệt miền Nam nhưng tác giả lại chính là một người con dân của miền sông Hương núi Ngự, một người Huế “chay”, tức là Huế một trăm phần dầu.
Thoạt nhìn cái tựa của cuốn sách chúng ta đã thấy ngay cái chất “tếu” không những bàng bạc trong đó mà lại còn lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật như một thách đố với các bậc hiền nhân quân tử, các nhà hiền triết Đông, Tây. Triết là một môn học được học sinh biết đến vào năm cuối của chương trình trung học. Môn học này theo tôi “nghiên kíu” thì thấy rất ít học sinh và sinh viên đại học ưa chuộng, trừ những “con người” có đôi chút gàn gàn, bướng bướng, lập dị trong tư tưởng hay trong lối sống, cách ăn mặc, trong phong cách v.v… Cũng vì thế mà chữ Philosophie thường được giới sinh viên, học sinh gọi tắt là Philo rồi đọc lái lại thành Folie nghĩa là “Điên”. Tôi không dám vơ đủa cả nắm nhưng trong số các bằng hữu của tôi những người mê Triết và những giáo sư Triết tôi quen đều không nhiều thì ít đều “mát dây”. Tôi có một anh bạn, nay đã ra người thiên cỗ, vốn là giáo sư Triết tại một trường Trung học ở miền Trung, một sáng tinh sương sau khi “x. bầu tâm sự”, tâm hồn và thể xác nhẹ lâng lâng anh đã phát ngôn một câu xanh rờn rằng:
“Tau vừa tìm ra lý do vì sao Đức Phật Thích Ca phải từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp con thơ để ra đi tìm ánh đạo vàng. Đấy chẳng qua vì Ngài chợt thấy con người lúc ngồi chồm hổm bài tiết đã mang một hình hài quá xấu, xấu đến não nề, xấu đau xấu đớn, xấu đến nổi không thể nào mô tả được”. Quý vị thấy ông bạn này tỉnh hay điên? Lại một anh bạn khác cũng máu Triết đầy dẫy trong người. Sau năm 1975, trong một buổi học tập chính trị Mác Lê Nin anh ta đã đứng lên phát biểu một câu không ăn nhập gì vào đề tài của cuộc thảo luận:
“Tôi không ra đi như các bạn của tôi không phải là vì tôi đồng ý với các anh về những danh từ độc lập, tự do, hạnh phúc v.v… mà vì tôi muốn ở lại với quê hương để ngày ngày nhìn lá me bay và làm thơ ca ngợi tình yêu.”
Đấy, Triết đến như thế đấy thì mấy anh chàng cán bộ ngoài Bắc chân ướt chân ráo vào Nam, hăm hở truyền bá một mớ giáo điều về Mác Xít, Lê Nin Nít học thuộc lòng như vẹt thì họ làm sao mà hiểu nổi phải không quý vị. Có mà tức hộc máu mồm khi nghe phát biểu “linh tinh” như thế!
Bây giờ đến lượt Tràm Cà Mâu, cha đẻ ra triết thuyết củ khoai! Tác giả đã rút hết tinh tuý của các triết thuyết từ Âu sang Á như Khổng Tử, Lăo Tử, và Chu Tử v.v…, đã đọc kinh Phật, kinh Thánh, kinh Koran, kinh của đạo Bà Hai và đã xào nấu tất cả lại thành một món hổ lốn thật rẻ tiền, đơn sơ mộc mạc như lời ca dao, rất dễ dàng tìm thấy trên chợ đời như trái bắp, như củ khoai nên tác giả đã đặt tên cho triết thuyết này là: ”Triết lý củ khoai” và tóm lược lại bao hàm trong một câu ngắn gọn: “Nếu chỉ có một củ khoai thôi, thì hãy nướng nó cho thật thơm mà đớp.” Tràm Cà Mâu lại giải thích tiếp: “Cái triết lý đơn giản này đã giúp tôi thấy được rằng hạnh phúc là cái rất cụ thể, rất gần gũi, bất cứ ai và bất cứ lúc nào cũng có thể tìm được hạnh phúc rất dễ dàng”.
Quả thật như thế, tinh thần lạc quan của tác giả, “triết lý củ khoai” của tác giả đã thể hiện trong các câu chuyện như “Cô Bắng Nhắng”, “Tạo Nhàn”, “Tuổi già là thời sung sướng nhất”, ”Lang vườn bất đắc dĩ” và “Ngộ đạo đất trời”. Quan niệm sống nhàn nhã, vô ưu, xem đời toàn màu hồng, giải quyết mọi sự trên đời thật giản dị, giải thích tất cả khúc mắc trong cuộc sống dưới lăng kính trong suốt không gợn một vết mờ, quy tất cả mọi sự trên đời về một mối lạc quan na ná như “lạc quan tếu”, rất chi là thú vị và đơn giản. Mọi người ai cũng có thể nghĩ ra lối sống đơn sơ mộc mạc đó khi đã được tác giả trình bày ngọn nguồn minh bạch, nhưng chính mình thì vì muốn bi thảm hoá cuộc đời nên đã không nghĩ đến khía cạnh thô sơ và lạc quan đó khiến mình phải lâm vào hoàn cảnh bi đát, khắc khoải đầy lo âu của cuộc sống bấp bênh không lối thoát. Ta hãy nghe tác giả Tràm Cà Mâu mô tả cái chết của ông Tư trong “Ngộ đạo đất trời”:
“Vào nhà, mỗi khách viếng tang được phát một tờ giấy màu hồng, bên trên ghi bài thơ: “Khi tôi nhắm mắt”. Trên bệ thờ có cái ảnh ông Tư phóng lớn, miệng cười toe toét, tóc bù gió lộng. Trước tấm ảnh có cái hộp vuông chứa tro xương của ông Tư. Tiếng nhạc vui vang vang từ máy hát”.
“Hoạt cảnh” trên đây là do thân nhân của ông Tư tạo dựng nên theo lời căn dặn của ông Tư khi ông biết trước ông sẽ chết vì căn bệnh ung thư ngặt nghèo. Ta cùng đọc mấy câu thơ sau đây của ông Tư trong bài thơ phân phát cho bằng hữu và bà con lúc đến viếng tang để thấy cái niềm lạc quan của ông Tư hay là cái “triết lý củ khoai” của Tràm Cà Mâu mà ông Tư là môn đệ được chính thống chân truyền:
“Khi tôi chết, viếng tang đừng buồn bả
Cười cho to kể chuyện tếu vui đùa,
Trong sáu tấm biết chắc tôi hả dạ
Lên tinh thần ấm áp buổi tiễn đưa.”
Và còn 8 đoạn thơ với chiều dài như trên, thuần một màu sắc yêu đời và lạc quan trong cuộc sống mà theo đó chỉ có người thấm nhuần “triết lý củ khoai” mới có thể sống trọn vẹn trong hạnh phúc. Quý vị có muốn đọc trọn bài thơ trăn trối này không? Mua ngay một cuốn “Triết lý củ khoai” sắp tái bản nay mai! Tôi quảng cáo không công cho Tràm Cà Mâu vì sự hữu hiệu vô lường của triết thuyết này.
Thật là một trùng hợp ngẫu nhiên lý thú vì tôi vừa được một ông bạn gửi cho một tài liệu ông sưu tầm đâu đó nhận định rằng nguồn gốc của hạnh phúc là sự lạc quan trong đời sống. Quan niệm này hoàn toàn giống với “triết lý củ khoai” của Tràm Cà Mâu. Tôi xin phỏng dịch từ nguyên bản viết bằng tiếng Pha Lang Sa sang tiếng An Nam ta hầu quý vị :
Bạn không nên than thân trách phận khi phải rửa một chồng chén đủa bát dĩa mà nên nghĩ rằng bạn đang có được một căn nhà để mà ăn, mà ở chứ không phải đang đầu đường xó chợ.
Nếu bạn phải đóng thuế cho chính phủ USA, bạn không nên tức giận cho rằng “Của ta họ giật” như các “Công ty hợp doanh” ở quê nhà được viêt tắt là “CTHD”. Bạn phải nghĩ là bạn đang có công ăn việc làm chứ không phải bảy nghề như những người đang bon chen kiếm “job”.
Dọn dẹp nhà cửa đang bừa bộn sau một “party” ư? Còn hạnh phúc nào bằng khi nghĩ đến những giờ phút trước đó bạn được bằng hữu vây quanh hàn huyên tâm sự, ăn tục nói phét để níu kéo tuổi xuân.
Áo quần của bạn đã bó chặt lấy thân hình bắt đầu phì nộn của bạn chăng? Sống để mà ăn thì ăn để mà béo mập đâu có gì phải băn khoăn lo lắng!
Cuối tuần phải cắt cỏ mờ người, lau chùi cửa kính và sàn nhà, đau lưng mỏi cổ, tay chân rũ rượi. Không có gì mà ầm ĩ! Bạn đang có một mái nhà để trú ẩn hơn rất nhiều người phải màn trời chiếu đất, ăn ngủ ở gầm cầu, xó chợ.
Nắn nót viết thư khiếu nại, than phiền này nọ với nhà cầm quyền chăng? Bạn đang ở một nơi chốn mà bạn có tự do ngôn luận chứ không phải bị tước bỏ mọi thứ tự do như ở các nước chuyên chế đôc tài. Bạn không thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều người ư?
Bạn phải trả bill tiền điện, tiền gas, tiền heat? Điều đó chứng tỏ là bạn được ấm no. Còn gì sung sướng cho bằng !
Đang sắp hàng chờ đợi đến phiên mình, bạn nghe tiếng nói oang oang đằng sau lưng? Không có gì phải bực mình! Tai bạn còn thính lắm, chưa đến nổi điếc không sợ súng!
Giặt một đống áo quần dơ, ủi một mớ áo quần nhàu nhèo chứng tỏ rằng bạn có cái ăn cái mặc chứ không phải trơ thân ông cụ.
Sau một ngày làm việc, thân thể rả rời, bắp thịt đau nhừ? Đấy là bạn đang còn khã năng làm việc nặng nhọc, chưa phải ngồi xe lăn lúc ra phi trường! Sướng chán! Oai chán!
Sáng sớm nghe đồng hồ báo thức reo inh ỏi không được ngủ nướng? Đừng lấy thế làm buồn mà quăng đồng hồ báo thức vào thùng rác! Bạn phải nghĩ là bạn đang còn sống trên đời!
Sau cùng, nếu chẳng may bạn thỉnh thoảng bị bà “boss” trong nhà của bạn đuổi bạn ra sofa nằm chèo queo một mình hay bị quào cấu hoặc như cựu tổng thống Hoa Kỳ lãnh nguyên một bình hoa sứt trán mang sẹo lúc ra điều trần trước lưỡng viện thì bạn cũng đừng lấy thế làm buồn. Bạn phải ngẩng cao mặt mà nhìn đời vì bạn có “phước” lắm mới ở vào tuổi của bạn mà vợ còn khỏe mạnh có thể đủ sức thượng cẳng chân hạ cẳng tay (nhằm nhè gì ba miếng võ mèo quào chó cắn đó!) chứ như ông láng giềng của bạn, bà vợ đã bệt rệt, nói năng thều thào, dáng đi xiêu vẹo như nhành liễu trước gió, làm gì đủ sức mà quần thảo nhau như bạn và người bạn trăm năm đầu gối tay quào của bạn.
Bây giò quý vị đã đồng ý với triết lý củ khoai chưa? Nếu đồng ý thì ra ngay siêu thị mua mấy củ khoai Dương Ngọc bên ngoài vỏ màu trắng ngà, bên trong màu tím ngát hoàng hôn đem về rửa sạch sẽ, bỏ vào microwave từ 3 đến 4 phút rồi lấy ra “đớp”. Cam đoan quý vị sẽ thấy đời đáng yêu như câu thơ của một ông bạn Triết gia của tôi:
“Đời đẹp quá tôi buồn không kịp !”
Phải công nhận là làm bạn với triết gia, lắm lúc cũng thích thú ra phết vì được nghe những câu “ranh ngôn” rất chí lý mà mấy ai phán được ngoài mấy ông đồ gàn như tôi:
Hữu duyên vớ được Đồ gàn
Vô duyên vướng phải anh chàng lăng nhăng
Trong nhà chỉ chực hung hăng
Ra đường nhút nhát nói năng chán phèo
Đồ gàn mới dám chơi leo
Đồ say, Đồ tỉnh, Đồ nghèo chớ chê
Trầu cau mang đến rước về
Đồ thương, Đồ quý, Đồ mê tới già.