Phan Ni Tấn (trái) và Song Thao
(Montreal, 09/2017)
Trong bài tựa cuốn “Có Một Thời ở Quê Hương Tôi”, cuốn sách mới nhất của Phan Ni Tấn, tác giả Lê Hữu kể lại chuyện có lần hỏi Phan Ni Tấn: “Tay nhạc tay thơ, tay nào phải tay nào trái?”. Chàng cười cười trả lời: “Vợ cả vợ hai, vợ nào…cũng là vợ cả!”. Phan Ni Tấn vừa cưới thêm vợ ba. Đó là… văn xuôi.
Nói tới Phan Ni Tấn người ta chỉ biết anh đàn hát, thơ thẩn. Nay bỗng dưng anh… trở mặt in ra một cuốn mà anh gọi là “tập truyện”, dày ngót nghét 200 trang, gồm tới 36 bài viết. Ngoài một vài bài có thể gọi là “truyện”, tôi thấy phần lớn gần với “chuyện” hay “hồi ký rời” hơn. Dù gọi là gì chăng nữa thì đây là một cuốn sách rất hấp dẫn. Anh quả đã ghi thêm một nghề mới trong lý lịch văn học của anh. Thơ và nhạc của Phan Ni Tấn đã định hình vững chắc từ lâu qua 12 tác phẩm gồm sách và CD như hai cây nạng chống đỡ sự nghiệp sáng tác của anh. Nay anh thêm một cây gậy mới ra ràng để tạo thành thế chân vạc. Như ba cạnh của một hình tam giác. Không thể gọi là một tam giác cân được mà phải gọi là tam giác bằng với hai cạnh dài có một cạnh đáy ngắn hơn.
Tôi cố nhìn vào cái…đáy này coi nó ra sao. Trước khi nhìn, có lẽ tôi phải thủ thế trước. Tôi quen Phan Ni Tấn đã lâu, thấy anh hiền một cục, nhiều khi giỡn mặt nhau mà không thấy cần phải thủ thế nhưng sau khi đọc cuốn sách của anh, tôi phải coi chừng. Anh là một người có võ. Hơn nữa. là một thầy dạy võ.
“Giữa niên khóa lớp Đệ Nhị trường trung học Pleiku tôi bắt đầu học võ Bình Định. Tôi không học trường lớp võ nghệ nào ngoài ông thầy võ bất đắc dĩ của tôi là anh Bảy. Vậy thôi. Mà cũng tại cái giọng Bình Định nghe “nẫu nẹt” lạ tai nên người ta gọi anh là Bảy Nẫu. Anh là lính trơn, từ tiểu khu Bình Định chuyển về đây thuê nhà ở sát vách nhà cô Tư tôi ở khu chợ mới trên đường Tăng Bạt Hổ. Hằng ngày Bảy Nẫu thấy tôi hay tập tạ có vẻ có “căn cơ con nhà võ” nên chiều chiều ở đơn vị về anh hay lôi tôi ra sau hè dạy võ… Lúc đầu tôi tưởng học võ để cường thân kiện thể chớ không nghĩ đến việc gì khác. Ai dè gần một năm sau đột nhiên Bảy Nẫu nghiêm mặt thông báo tháng tới sẽ dắt tôi xuống chợ cũ đi thi đấu, bắt tôi ra sức luyện tập ngày đêm bất kể nắng mưa”.
Số bài đề cập tới chuyện võ nghệ coi bộ lấn lướt. Tôi vốn không ưa chuyện đánh đấm (có biết đành đấm chi đâu mà ưa!) nhưng nghe chuyện của những cao thủ võ lâm trong chuyện kể của Phan Ni Tấn cũng đã con…ráy. Thú vị nhất là truyện “Con Rạch Bầu Nhum”. Chú Tôi và thím Tìa sanh cùng ngày cùng tháng cùng năm. Dĩ nhiên không phải sanh đôi. Hai người chẳng ruột thịt chi. Họ là hàng xóm láng giềng với nhau. Cả hai đều là hậu sinh của hai gia đình võ nghệ Bình Định. Cả hai đều được học những miếng võ gia truyền. Lâu ngày chày tháng, họ bắt mùi nhau, nên duyên chồng vợ. Vợ chồng có lúc này lúc kia, chuyện thường. Nhưng với cặp vợ chồng con nhà võ này, chuyện hơi khác thường. Hục hặc nhau là họ rủ nhau ra sân đi quyền! “Riết rồi thành thông lệ. “Cắn” nhau đến sứt đầu lỗ trán xong hè hụi thoa bóp, nắn gân, sửa khớp, băng bó vết thương cho nhau đâu vào đó rồi… chú thím lại”yêu” nhau ra rít. Kết quả của “sự yêu” là sòn sòn năm một thím Tìa cho ra đời bốn cặp sinh đôi vị chi là tám mống khiến cả làng cả xóm phải lắc đầu le lưỡi. Trai cũng như gái, y chang tía má sắp nhỏ: khỏe như văm, và mạnh thì như trâu cui”. Thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau, lần nào thím Tìa cũng hơn một đường quyền. Rồi chú Tôi bỗng sanh tật thích đá gà. Thím Tìa không ưa gà. Vợ chồng hục hặc nhau dữ. Dữ tới mức hai người quyết ăn thua đủ. Chú thề độc: lần này mà thím Tìa thắng nữa chú sẽ đi luôn.
“Vợ chồng ăn ở với nhau tới đầu bạc răng long, rốt cuộc lúc tỉ thí chú Tôi vẫn không làm sao thắng được thím Tìa. Cũng mấy chiêu thức quen thuộc đó, cũng ba cái khẩu quyết rành rọt đó, nhưng không biết ông già vợ truyền bí quyết gì mà qua tay thím Tìa nó trở nên biến ảo khôn lường, đã áp đảo chú Tôi thật mãnh liệt. Lúc bị thím đánh té ngồi trên đất, chú Tôi vừa tức vừa thương vợ nhiều hơn. Chú nhớ hoài cặp mắt nhơn hậu, biết cảm thông và tha thứ của người đàn bà nhà quê, là thím Tìa khi thím cúi xuống kéo chú Tôi đứng dậy. Cũng may, lúc đó vợ chồng con út đang làm cỏ lúa ngoài ruộng không hay biết gì”.
Thua vợ, chú Tôi giữ lời hứa, qua Hà Tiên ở với vợ chồng thằng Tư. Sự đời có sanh có diệt, chú Tư theo ông bà ông vải. Đúng lúc vợ thằng Tư hớt hơ hớt hải chạy về Bầu Nhum báo hung tin thì con Út cũng chạy bay ngược qua Hà Tiên báo tin thím Tìa lìa đời. Hai vợ chồng sanh cùng ngày, cùng tháng cùng năm, chết cũng cùng năm, cùng ngày, cùng tháng. Chuyện nghe như…truyện. Truyện thì tác giả muốn cho chết trùng nhau lúc nào mà chẳng được. Nhưng Phan Ni Tấn lại kết câu chuyện tưởng như không thật này bằng mấy dòng chót: “Chuyện tôi viết ra đây là do anh Hai Tụ, con của chú thím Tôi trong lúc trà dư tửu hậu đã kể cho tôi nghe năm 1972 tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Năm đó tôi cùng Đại Úy Vĩnh từ Kontum ra Qui Nhơn công tác với sư đoàn Bạch Mã, Đại Hàn, mới biết ở Tây Sơn có lễ hội truyền thống phát huy tinh hoa võ thuật. Tại đây tôi quen biết võ sư Hai Tụ. Từ đó đến nay ngót 45 năm tôi không còn nghe tin tức gì về anh”.
Hình như tác giả thích chuyện quyền cước. Tôi không đếm nhưng trong “Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi”, các nhân vật đánh võ tùm lum tà la trên các trang sách. Tôi lọc ra hai truyện tiêu biểu. Chuyện võ của vợ chồng chú Tôi thím Tìa. Và chuyện “Huyền Phổ Đại Huynh”của một linh mục. Cuộc đời ông cha này khá ly kỳ. Ông là đệ tử của Hòa Thượng Tuyết Đình Phúc Dụ, phương trượng chùa Thiếu Lâm do vua Hán Vũ của nhà Bắc Ngụy xây năm 497 trên đỉnh Thiếu Thất tại Tung Sơn, Hà Nam, Trung Hoa. Khi trở về Việt Nam, đại huynh Huyền Phổ không mở trường phát huy võ thuật, không quy y tam bảo, lại cải đạo đi tu khoác áo nhà dòng. Cuộc đời của vị linh nục này khá đặc biệt.
“Thời linh mục Huyền Phổ còn tại thế, câu chuyện về Cha khá đặc biệt. Một tông đồ của Chúa lại là một cao thủ võ lâm ưu thời mẫn thế. Tuy đã ngoài bốn mươi, trong chiếc áo chùng đen, Huyền Phổ vẫn nhanh nhẹn, lừng lững như một con gấu trên đường vân du hành hiệp và truyền đạo. Một linh mục bụi đời với tấm thân gồ ghề, hình tượng hiệp nghĩa cỡi ngựa ô thường xuất hiện giữa đám thảo dân hiền lành, nhỏ bé ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Sapa, Mẻo Vạc, Mù Cang Chải, Tả Giàng Phình… Dắt ngựa rảo giữa chợ phiên linh mục Huyền Phổ luôn luôn thân thiện, hào phóng, vui tay phát quà bánh cho trẻ con, rao giảng tin lành cho người lớn, nên tên tuổi Cha đã mau chóng trở thành một trang dị khách, lưu truyền suốt chiều dài dẫy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ”.
Cha Huyền Phổ rất ghét những kẻ gian hùng. Có bốn hạng người cha phải trừng trị nếu không cải hóa được. Đó là: giặc ngoại xâm, kẻ giết người, quân đầu trộm đuôi cướp và bọn hiếp đáp dân lành. Mang trên người chiếc áo chùng thâm, cha không thể giết người nhưng trừng trị bọn này tới nơi tới chốn bằng cách điểm vào huyệt đạo khiến chúng tê liệt, bại xụi, suốt đời trở thành kẻ vô dụng. Cha đã điểm huyệt hai tên lính Lê Dương cưỡng hiếp hai cô gái quê và “biến chúng thành thái giám”. Ám khí của cha là những viên bi xe đạp. Cha đã dùng để bắn vào huyệt đạo của bốn tên Việt cộng đang hành quyết một người dân khiến chúng rũ người bất khiển dụng. Cũng với ám khí phóng ra, cha đã xử hai tên cướp trên phố Hàng Buồm, Hà Nội. Cha Huyền Phổ đã theo đoàn người di cư vào Nam năm 1954. Chuyện nghe như huyền thoại xảy ra từ thời ông cố tổ có những hiệp sĩ hành hiệp trên đường vân du nhưng tác giả lại thêm vào đoạn kết:
“Đó là một quãng đời ngang dọc, đầy sôi nổi và dũng cảm của linh mục Huyền Phổ, qua lời kể của Cố Đạo Francis Bay. Cố Bay, bạn đạo của cha Phổ, cũng là bạn đồng hành di cư vào Nam trên cùng một chuyến tàu “há mồm” với cha Phổ. Ở Ninh Thuận, trong lúc làm việc ở ga Kà Rôm, rảnh rỗi tôi viết ra truyện ngắn này. Hồi đó cố Bay kể sao tôi ghi lại y như vậy, nhưng trong kỳ nghỉ hè, đáp tàu lửa về Sài Gòn, tôi vô ý làm thất lạc cái cạp-táp trong đó có cốt truyện tôi viết về cha Phổ. Mãi đến 60 năm sau, ở Canada tôi mới viết lại truyện ngắn này. Để phù hợp với cách kể chuyện qua bút pháp riêng của tôi, tôi đã tự ý thay đổi một số chi tiết về cha, để – ở đâu đó, vời vợi trên cao sanh kia – hình ảnh sống động của Huyền Phổ lại tỏa rạng trong trí nhớ, trong tình thương của con người bằng vẻ đẹp bác ái của một Kitô hữu: linh mục Huyền Phổ và vẻ đẹp quả cảm của một trang dũng sĩ: Huyền Phổ đại huynh”.
Tôi thấy con người thật của Phan Ni Tấn ngoài đời trong những dòng chữ này: chân chất, hiền hòa, nói năng củ rủ như tâm tình. Nhưng trong cái vỏ hiền hòa đó sao tôi vẫn thấy ánh lên chút tinh ma của một tâm hồn sắc sảo, sống nhiều, rất rành đời. Đời của anh bạn họ Phan này không cho phép anh ngu ngơ. Anh là tên “tù cải tạo” rất sớm, trước chúng tôi, ngay từ khi Ban mê Thuột thất thủ vào ngày 10 tháng 3 năm 1975. Hai năm sau, anh trốn trại và xuống Sài Gòn. Ban ngày anh lang thang vô định, trốn chui trốn nhủi như chuột. Ban đêm anh màn trời chiếu đất. “Có đêm ngủ ở chợ Thái Bình. Có đêm rúc trong xe nước mía ở Ngã Tư Bảy Hiền. Có đêm ngủ bậy trên cây vú sữa đường Lương Hữu Khánh. Có đêm ngồi co ro dưới chân Cầu Bông…Tôi ngủ bậy bao nhiêu, câu thơ thương cảm trong hồn tôi trào ra bấy nhiêu. Chim có tổ, người có tông; tôi cũng là người nhưng còn có cái gì đây! Người đời nhìn tôi thân tàn ma dại lúc bấy giờ chẳng ai ngờ mình cũng từng là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa”.
Viên sĩ quan này là người xứ mô, chơi với anh tôi nghĩ anh là dân miệt dưới, Rạch Giá, Cà Mau chi đó. Vì thơ anh hay quanh quẩn nơi con nước lợ này. Văn anh cũng…miệt dưới không kém. Đọc chơi vài câu:
“Từ đó, đời thương hồ của con Ứng lại trôi giạt muôn phương. Lúc thì chợ nổi Cái Răng, lúc Ba Láng, lúc bến đò Châu Giang, lúc lại giạt xuống tận con kinh Xác Cò, quê ngoại thím Tư Đực, để biết đâu là cùng trời cuối đất. Thân gái mười hai bến nước, con Ứng gắn bó với đời ghe và sông nước nhiều hơn trên bờ. Có lần ở Ngã Bảy Phụng Hiệp, nó đang lui cui chụm lửa nấu cơm chiều ở đuôi ghe, chợt nghe thím Tư Đực la hoảng: “Í mèn ơi, A Ứng! Thiếu chút xíu là tao quên trớt quớt. Mầy cầm tiền chạy lên quán chệt Chịa mua cho thím chai dầu lửa coi”.
Nhưng tôi bé cái lầm, anh là người xứ đất đỏ Ban Mê Thuột. Làm sao tôi biết được chuyện này khi chưa bao giờ thấy anh đóng khố thổi khèn. Nhưng anh cũng chỉ là dân ngụ cư nơi xứ đất đỏ thôi. Anh khai thân thế như thế này: “Quê nội tôi ở Cần Giuộc. Quê ngoại lại ở Huế. Một bổn hai quê cho nên trong tôi chảy hai dòng máu Trung Nam Kỳ. Nó không chảy ngược xuôi như dòng sông Cái Lớn ở quê vợ Rạch Giá, mà nó hòa quyện vào nhau nhẹ nhàng chảy vào đời tôi”.
Dòng máu Trung kỳ là thứ dữ. Đó là dòng máu của bà Hồ Thị Chỉ, cố tổ của anh. Bà Hồ thị Chỉ là con gái quan Thượng Thư Hồ Đắc Trung, khi nạp cung được phong làm Nhất Giai Ân Phi, chính phi của vua Khải Định. Vua có 12 bà vợ nhưng bà được sủng ái nhất vì vừa có sắc, vừa nết na, lại giỏi tiếng Pháp, giữ vai thông ngôn cho nhà vua. Có một chi tiết khá thú vị về bà cố tổ của tác giả: bà là Nhất Giai Ân Phi, coi như Hoàng Hậu, vì thời nhà Nguyễn không sắc phong Hoàng Hậu. Vậy nên khi bà Từ Cung, một cung nữ trong triều, sanh ra Bảo Đại, ông được coi như con của bà chính phi Hồ Thị Chỉ. Chuyện Bảo Đại có phải là con của vua Khải Định không còn là một nghi vấn. Vì vua Khải Định là gay! Khi vua Khải Định thăng hà, Bảo Đại lên ngôi đã đầy bà Hồ Thị Chỉ ra ngoài cung và phong bà Từ Cung là Hoàng Thái Hậu.
Tới đời ông ngoại anh là quan thất phẩm, quan lại trong triều gọi là “Ông Cụ Thất”. Bà ngoại anh là “Bà Cụ Thất”. Sau khi ông ngoại anh mất, bà ngoại anh dắt đàn con 8 đứa ra Nha Trang, rồi lên Ban Mê Thuột lập nghiệp. Tuổi thơ của anh ở nơi vùng đất đỏ này.
Vậy anh là dân… chàng hảng. Một chân ngoài Huế, một chân ở Cần Giuộc. Sau anh mọc thêm một chân nữa ở Ban Mê Thuột. Vậy nên “quê hương tôi” nằm dài từ Trung vào Nam, rất tốn chỗ. Bạn bè thấy anh có vẻ Nam hơn Trung lại là chuyện khác. Chuyện anh bị nắm cẳng!
Chuyện mần răng, tôi phải giây mơ rễ má một chút, lạng qua chuyện cô Ba.
“Cô Ba là con thứ hai của ông bà Chín Hiến, gồm sáu người con. Ông Chín Hiến, người Triều Châu, là một thương gia giàu có nức tiếng ở chợ Thứ Ba. Ngoài lẫm lúa, quanh năm chứa đầy kho, bao gạo chỉ xanh trăm ký chất từ nền xi măng lên tới trần nhà, ông còn làm chủ ba chiếc ghe chài, một dẫy nhà lầu ba căn đồ sộ. Năm 1948 ông Chín Hiến lập gia đình với một phụ nữ Việt, người Tiều gọi là An-nàm-nán. Thím Mười, vợ ông Chín Hiến, tánh tình hiền lành, chất phác, suốt ngày chăm chút mảnh vườn, thửa ruộng, tần tảo nuôi con. Trong sáu người con, ba trai, ba gái, ngoài tùa hia Cuôn là anh Hai, cô Ba là trưởng nữ trong gia đình. Cô tên Khả Khiếm, nhưng người làm trong nhà vốn quí mến cô, thường thân mật gọi là cô Ba. Cô Ba có nước da đen giòn của người miền biển, mái tóc mượt mà rẽ ngôi, thả dài ngang lưng, miệng lúc nào cũng cười tươi tắn. Cô Ba giống mẹ, có tài quán xuyến từ trong ra ngoài. Hồi nhỏ cổ đã có năng khiếu về nữ công gia chánh. Từ thêu thùa, may vá đến nấu nướng đều giỏi giang. Tổ chức tiệc tùng hay đám cưới đám hỏi nào mà thấy cô lăng xăng trong bếp là ai nấy thảy đều an tâm”.
Thập niên 80, gia đình cô Ba vượt biển qua Canada. Cả gia đình chịu khó làm ăn nên người nào cũng thành công, nhà cửa đàng hoàng. Cô Ba rồi cũng có chồng. Gia đình yên ấm, hạnh phúc. Chồng cô Ba là ai, lại phải đọc tiếp đoạn cô Ba… về già.
“Cô Ba đã bước vào tuổi 60. Ở cái “lục thập nhàn”, thân hình có vẻ đẫy đà, tóc tuy có bạc, sợi rụng ít nhiều mà sao trông cổ vẫn còn mặn mà hết sức; vẫn nói cười cởi mở, vẫn mần ăn buôn bán nuôi mỗi thằng con thôi, mà cũng thành ông kỹ sư này ông kỹ sư nọ. Còn đức ông chồng của cô Ba nghe nói đã nghỉ hưu mấy năm rồi, hình như mắc cái bệnh đãng trí gì đó. Nghe thiên hạ xì xầm “thằng cha cựu sĩ quan gốc núi này ở Việt Nam sức mấy mà với tới cô Ba!”. Mà đụng tới sĩ quan sĩ quyết vào thời buổi chiến tranh là thím Mười trề môi: “Lấy mấy ông sĩ quan chỉ mau thành góa bụa chớ sướng ích gì”. Vậy đó, chạy lạc ra xứ người cái gì cũng đổi khác hết trơn. Có điều, hổng cần biết thằng chả là ai mà quơ nhắm cô Ba là tốt số quá chừng rồi! Con Miên, ở đợ trước kia cho ông bà Chín Hiến ngồi bắt chí cho đứa con gái, lắc đầu chép miệng nói: “Thằng chả hên thiệt à nghen. Chắc kiếp trước có tu”.
Cô Ba tôi thấy quen quen. Mà thằng cha sĩ quan gốc núi tôi thấy cũng quen quen. Hình như tôi có gặp hai người này nhiều lần. Cũng có lẽ mắt tôi kèm nhèm, nhìn người nọ lộn qua người kia. Tuổi tôi, lộn là thường!
Gấp cuốn “Có Một Thời Ở Quê Hương Tôi” lại, thấy vui. Bạn ta một thời ca hát, một thời thơ thẩn, nay lại bắt đầu một thời văn vẻ. Bắt đầu nhưng, như Tây họ nói, là một coup de maitre. Chơi cú đầu đã xịn liền. Tôi khoái cái văn phong không giống ai của ông bạn lang thang hết đường núi đường rừng tới đường sông đường nước. Lối kể tỉnh bơ, tưởng là của người đứng bên lề, nghiêng người ngó chơi, nhưng lại kẹp thêm mấy miếng tình hết sức tình vào.
Tôi đã nói tới cái tam giác đều tạo bằng hai cạnh thơ và nhạc dài ngoằng cùng cạnh văn mới khởi đầu ngắn ngủn trong sự nghiệp văn học của ông bạn họ Phan. Nhưng hình như không phải vậy. Cái cạnh văn coi bộ cũng có thể ngang ngửa với hai cạnh trên. Tôi chờ ông bạn kéo giãn cái cạnh dưới ra cho bằng hai cạnh kia. Lúc đó sẽ có cái tam giác cân, cạnh nào ra cạnh nấy. Như một cánh diều, bay cao, bay cao!
02/2019