21-12-2022 | VĂN HỌC

Phạm Xuân Tích: Suy Tư Và Ước Mơ

  ĐÀO NHƯ


Khi nhận được tập tiểu luận “ SUY TƯ VÀ ƯỚC MƠ” của tác giả Pham Xuân Tích, tôi liền điện thư cho tác giả với chân tình: “Tích ơi! Cuối năm bạn gửi đến tôi một quả bom tấn”. Tác giả, người bạn chí thân của tôi, trả lời “Anh Thể! Anh chịu khó đọc thật kỹ, đó là công trình suy tư của tôi trong nhiều năm tháng’’. Tôi sực nhớ đây là tác phẩm của tác giả vừa bước vào tuổi tám mươi mốt. Chắc chắn phải là tiếng hót của con chim bị nhốt trong chiếc lồng hạn hẹp của không gian và thời gian còn lại... Chính tác giả đã viết trong phần “Lời Mở” của tập tiểu luận này: “Không có tuổi nào hạn định ước mơ, cũng không có ước mơ nào hạn định tuổi tác...”.


Có thể nói “Lời Mở” của tâp tiểu luận, thật sự nói lên nội dung của thiên tiểu luận mà tác giả Pham Xuân Tích có tham vọng triển khai và phân tích khả năng trí tuệ của con người mà ông thu gọn trong 5 chữ “Suy Tư và Ước Mơ”.


Ngay phần đầu của “Lời Mở”, tác giả đã khẳng định : “Không có một giá trị duy nhất nào đặt thành một tiền đề cũng không có một quan điểm riêng tư nào được áp đặt làm tiêu chuẩn.”. Con người sống với một tư duy tự do. Điều này khiến tôi nhớ đến câu nói thời danh của nhà tư tưởng Việt Nam, Nguyễn Trần Bạt: “Con người sanh ra đã có tự do. Tự do như tài sản vốn có của con người... Tự do là một không gian dành cho mỗi cá nhân, tùy thuộc vào khả năng của mình, mỗi cá nhân đều có quyền làm chủ không gian ấy, khai thác nó và hơn nữa là mở rộng nó.”. (*) Ý tưởng này tương tợ với tư tưởng của tác giả Phạm Xuân Tích: ”Con người được sinh ra nơi trần thế, với tất cả sự tự do của tâm linh trong môi trưòng sống, của ước vọng riêng tư cũng như ước vọng tim tới. Phải chăng đo là điều kiện hiên hữu tự nhiên”.


Liền sau đó tác giả Phạm Xuân Tích nhìn nhận cái thế giới mà chúng ta đang sống, trong mọi hoàn cảnh với cái giới hạn của không gian và thời gian, đã có những khác biệt của các hệ tư tuỏng diễn biến liên tục, tạo ra những xung đột. Do đó không có thời kỳ hòa bình thật sự lâu dài, và đó là những dữ kiện lịch sử tiến hóa của nhân loại. Nhận định trên của tác giả nhắc tôi nhớ lại lời ghi chú lớn của sử gia Will Durant trong tuyển tập The Lessons of History: “Chiến tranh luôn gắng bó với lịch sử loài người ngay cả trong thời đại tiến bộ và dân chủ. Trong suốt 3421 năm biên niên sử của nhân loại chỉ tìm thấy 268 năm không có chiến tranh. Hòa binh chỉ là thế quân bình tạm bợ được dàng dựng do những siêu cường hoặc các thế lực có sức mạnh ngang nhau...” (**).


Những dữ kiện lich sử này, đánh tan giấc mơ của nhiều người khi họ ‘suy tư và ước mơ’ về tương lai nhân loại. Trong một bài viết, nhà bình luận thời sự Pháp, Archange Flippé, cho rằng con người là con vật bất toàn (l’homme est un animal imparfait). So sánh với các chủng loai khác, tạo hóa đã tạo ra con người với nhiều nhược điểm, nhất là về sức vóc. Chính vì các nhược điểm ấy đã thúc đẩy con người tìm cách tạo ra ngôn ngữ để đối thoai đoàn kết với nhau. Do đó con người trở thành con vật siêu đẳng khống chế những chủng loại khác. Con người đã biết sáng chế kỹ nghệ, xây dựng cơ xưỡng, chế tạo xe hơi, máy bay, tàu thủy, tàu lặn, vũ khí... Và nhất là con người đã tạo ra những hệ tư tưởng khác nhau, đưa đến sự tranh chấp giữa các ý thức hệ gây ra chiến tranh cục bộ, đại chiến thế giới. tiêu diệt lẫn nhau hàng loạt...


Nhân loại hôm nay, cứ tưởng mình đã thoát khỏi những nhược điểm mà tạo hóa bất công đã ban phát cho con người. Nhưng trong thực tiển con người vẫn là con vật bất toàn- L’homme demeure un animal imparfait...


http://welovewords.com/documents/lhomme-est-un-animal-imparfait


Thật sự dưới ánh sáng của mặt trời không có gì mới lạ hôm nay so với hôm qua. Từ thế kỷ thứ XVIII, nhà bác học Antoine Lavoisier đã đánh động cho nhân loai biết: Rien ne se perd, Rien ne se crée, tout se transforme. Không có gì mất đi cũng không có gì là mới lạ, tất cả chỉ là sự chuyển dịch ngay cả Suy Tư và Ươc Mơ của nhà tư tưởng Pham Xuân Tích mặc đầu ông đã viện dẫn những sử liệu từ thời cổ đại đến thời dân chủ hiện đại, để chứng minh rằng con người luôn cố gắng biến chuyển thay đổi bộ mặt xã hội ngày càng tốt hơn, đưa nhân loại đến môt thiên đường. Tuy nhiên thiên đường luôn ở phía trước, ngoài tầm với của một nhân loại bất toàn.


Trước khi kết thúc tập tiểu luận “Suy Tư và Ước Mơ”, Tác giả Phạm Xuân Tích nhắc lại những “suy tư và ước mơ” của riêng ông về tương lai của đất nước xuyên qua câu chuyện trao đổi giữa tác giả và ông Vương Văn Bắc, cựu Ngoại Trưởng của chính phủ VNCH. Tác giả Phạm Xuân Tích cũng nhắc lại quyết nghị của Đại hội Văn bút Thế giới lần thứ 61 năm 1994 tại Prague, lên án chế độ Hà Nội vi phạm nhân quyền và yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam:


1- Phải tôn trọng các điều khoản trong Bản Tuyên Ngôn Quôc Tế Về Nhân Quyền. Đặc biệt Điều 19, đảm bảo quyền Tư Do Phát Biểu Tư Tuỏng.


2- Thả hết các tù nhân vì đã sử dụng quyền tự do tư tưởng này.


Vâng, dù là con người là con vật bất toàn đi chăng nữa, Tự Do Tư Tưởng được coi như là tài sản vốn có của nó. Không ai có quyền tước đoạt Tự Do Tư Tưởng của con người. Hy vọng đó cũng là chủ đích của tác phẩm “Suy Tư và Ước Mơ” của Phạm Xuân Tích./.


Đào Như

OHIO-Stow Spring Run Ct

Dec 20-2022


GHI CHÚ

(*)  - Nguyễn Trần Bạt-“Cội Nguồn Cảm Hứng”-nhà xuất bản Hội Nha Văn-2011

(**) - WILL and ARIEL DURANT-The Lessons of History-1968-SIMON AND SCHUSTER, NEW YORK.


Đào Như

Nguồn: Tác giả gởi