4-11-2020 | VĂN HỌC

Mùa dịch, đọc “Đi, Đọc và Viết” của Phạm Xuân Đài

  LÊ HỮU


“Đi đâu? Đọc gì? Viết gì?” người đọc chắc sẽ tự hỏi vậy khi cầm trên tay tác phẩm mới nhất của nhà văn Phạm Xuân Đài.


Đi, Đọc và Viết (*), nghe như khẩu hiệu giục giã hay tiếng gọi lên đường. “Đi với tôi đến chốn trời xa!…”


“Chốn trời xa” ấy là Paris, là Rome, là Tokyo, Amsterdam, Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh… những xứ sở, những địa danh nào nhà văn từng đặt chân tới. Trong tuyển tập này ông chỉ ghi xuống vài chuyến đi trong số ấy và chừng đó cũng đủ lấy hết một nửa bề dày cuốn sách ngót 400 trang. Tuyển tập gồm ba phần, ngoài phần đầu “Du Ký” ấy, hai phần còn lại là “Giới Thiệu Tác Phẩm – Tác Giả” và “Tạp Bút”.


Trên hết, vẫn là “đi”. Chỉ vì “đọc”, trong một nghĩa nào đó cũng là “đi”, cũng là “những cuộc thám hiểm những cái mà mình chưa biết”, nói như tác giả trong “Lời nói đầu” sách này. “Đọc” là đi vào thế giới của tác phẩm, tác giả ấy. Nhà văn từng có những chuyến đi theo cách ấy, như đã từng “Theo chân Phạm Duy một đoạn đường” hay từng “Cùng Đinh Cường đi vào cõi tạo hình”… là những bài nhận định về âm nhạc và hội họa của ông (tác giả không đưa vào sách này). “Đi” hay “đọc”, cách nào thì cũng là đi. Những chuyến đi như thế được ông ghi xuống những trang sách, đặc biệt lôi cuốn theo cách kể của một người kể chuyện có duyên.


Quê người quê nhà, phố cũ hè xưa


Những du ký vẫn thường có sức thu hút, nhất là được viết từ tác giả Hà Nội Trong Mắt Tôi, tác phẩm từng được rất nhiều người đọc yêu thích của Phạm Xuân Đài. Tác phẩm ấy vừa là tùy bút vừa là du ký, hai thể loại văn học vốn là sở trường và thế mạnh của nhà văn. Du ký có lẽ vì vậy được tác giả đưa lên phần đầu sách với chuyến du hành đầu tiên là “Đi Tây”.


Những ai đi Tây đều có quyền tự hào rằng mình đã từng… đi Tây, từng đặt chân đến kinh đô ánh sáng hay kinh thành hoa lệ của xứ sở văn minh, con người lịch lãm, chỉ vì theo quan niệm “truyền thống” của người Việt mình, như tác giả cho biết, đi nước ngoài thường được hiểu là đi Tây đi Tàu, tưởng như chỉ cần đặt chân được lên hai nước ấy là đủ để thỏa mãn giấc mộng hải hồ.


“Lần đầu tiên đến đất Pháp,” tác giả viết, “tôi gặp Paris với một nỗi sung sướng trẻ thơ và lãng mạn. Với chuyến đi này, tôi bắt đầu cuộc hành trình vào niềm mơ ước có từ thời ngồi trên ghế nhà trường của tôi.”


Thử đọc một, hai đoạn “Paris trong mắt tôi”:

Paris đã bày ra trước mắt tôi hơn là những gì tôi tưởng tượng rất nhiều, uy nghi hơn, rực rỡ hơn và cũng thâm trầm hơn…Tôi đã sững sờ với kiến trúc của Paris. Đó là vẻ đẹp. Đó là hình ảnh của tư tưởng và tinh thần lớn lao, hoành tráng. Nhìn kiến trúc ấy mình thấy như đứng trước cái thăm thẳm của thời gian và lịch sử con người với các thành tựu to lớn cũng như các nỗi niềm mơ mộng của nó…


Nước Pháp là một nước nghệ sĩ, và Paris là nơi kết tinh nghệ sĩ cao độ. Cả Paris như một ngôi đền thiêng thờ phụng từ cái đẹp rất thượng giới của tư tưởng sau các bức tường đại học đến cái đẹp trần thế của một cô gái đứng đường, từ các tác phẩm bất hủ cổ kim trong điện Louvre đến các bức vẽ của những nghệ sĩ vô danh bên bờ sông Seine.

Tương tự, những Bắc Kinh hay Mạc Tư Khoa “trong mắt tôi” được ghi chép từ óc quan sát thật tinh tường, từ trực giác thật tinh tế và những cảm xúc dào dạt. Điều bất ngờ, đan xen vào những dòng bút ký ấy thỉnh thoảng lại hiện lên những địa danh Huế, Sài Gòn, Hà Nội… và những góc phố, những tên đường quen thuộc.


Đi giữa lòng phố xá Paris mà ngỡ như đang thả bộ trên những đường phố lớn Sài Gòn. Đứng giữa lòng cố đô Petersburg mà ngỡ như về lại với kinh thành Huế. Thật lạ, một chiều mưa dừng chân đốt thuốc ở một góc khuất bên hè phố bất chợt thấy mình đang đứng nơi chốn nào rất quen thuộc. Quá khứ dội về như một ánh chớp trong màn mưa nhạt nhòa.


Đây là “mưa Sài Gòn, mưa Paris”:

Buổi chiều mưa hôm ấy tôi đã gặp lại Sài Gòn ở giữa Paris. Thì ra tôi cũng chưa mất hẳn Sài Gòn trên đời này. Tôi đã sống ở Sài Gòn bao nhiêu mùa mưa nhỉ? Chẳng còn nhớ là bao nhiêu, nhưng hình ảnh Sài Gòn dưới cơn mưa rạt rào thì ai đã sống ở Sài Gòn khó lòng quên được. Thời còn trọ học, trên căn gác học trò nhìn mưa rơi phơi phới trên những mái tôn, lòng dịu lại với không khí mát lạnh, nhớ xa xôi đến một khuôn mặt, một mái tóc… (Đi Tây)

Còn đây là “mưa Sài Gòn, mưa Mạc Tư Khoa”, mưa dầm dề như “mưa trên phố Huế”, mưa lất phất như mưa trên núi đồi Đà Lạt.

Tự nhiên tôi có cảm tưởng đây là một cảnh mình đã trải qua, lâu rồi. Ở đâu nhỉ, phải chăng tôi đã đứng dưới một mái hiên như thế này một ngày mưa dầm ở Huế khi còn ở tuổi học trò, hay trong cơn mưa rào rạt tại một tỉnh miền Tây, Cần Thơ hay Châu Đốc, và chắc chắn nhiều lần trước cửa cà phê Tùng ở Đà Lạt nhìn mưa bay mé đồi bên kia… (Đến Với Nước Nga).

Nhà văn nhìn đâu đâu cũng thấy những phố cũ hè xưa, những nơi chốn thân quen, từ thành thị đến ngoại ô xa vắng. Những hình bóng xa xăm của đường xưa lối cũ nằm ở một góc khuất nào trong tiềm thức, chỉ chực chờ cơ hội là xuất đầu lộ diện.

Nơi đây không những tôi bắt gặp Sài Gòn mà còn bắt gặp chính tôi, gã thiếu niên của cuối thập niên 50, chàng thanh niên của thập niên 60, trong một buổi chiều mưa, đứng giữa Sài Gòn, đã nhìn thấy hàng cây lá bên đường ướt nước, mặt nhựa tung bọt trắng, người qua lại trong lớp áo mưa, và bên kia đường, chỗ gần tòa Đô Chánh, có tiệm may Aux Ciseaux d’Art. Tôi của buổi chiều nay giữa Paris trong cơn xuất thần của tâm cảm đang về thăm lại Sài Gòn và nhìn thấy tôi của ba thập niên trước đang đứng trước quán La Pagode... (Đi Tây)

Nhìn mưa phương này nhớ mưa phương nào. Những cơn mưa chiều nơi xứ lạ đánh thức những nhớ thương dịu dàng và những ngày vui mơ hồ trong trí tưởng. Du ký của Phạm Xuân Đài mang một phong cách riêng, nhiều cảm xúc, nhiều thi vị của những hoài niệm đẹp và người đọc dễ chia sẻ cùng ông một mối cảm hoài.


Tấm ảnh tác giả ngồi lặng lẽ nơi hàng hiên của một quán cà-phê vỉa hè ở Paris nhìn người qua lại trên đường phố với đôi mắt mơ màng như thả hồn về những phố cũ hè xưa là một ảnh đẹp.



Không hẳn “chốn quê hương là đẹp hơn cả”, thế nhưng dẫu có đi khắp năm châu bốn bể, có phiêu bạt mãi tận phương trời nào thì cái tâm tình của nhà văn, người từng có bề dày kỷ niệm biết bao năm với nơi chốn ấy, cũng không khác nào “Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” trong câu thơ Sơn Nam.


Những đoạn hay nhất trong loạt du ký của Phạm Xuân Đài, theo nhận xét của riêng tôi, là những đoạn “tức cảnh sinh tình”. Những đoạn này mang phong vị văn chương riêng biệt tạo nhiều hứng thú, gieo vào lòng người đọc nhiều cảm xúc hơn hết và cũng định hình phong cách, tâm hồn con người nhà văn.


Duới tàn cây cổ thụ trong cánh rừng thưa, tác giả đứng lặng yên bên nấm mộ của văn hào Léon Tolstoï. Nấm mộ thấp nhỏ, tầm thường, chỉ là “sè sè nấm đất bên đường”, cũng chẳng có tấm mộ bia nào ghi tên tuổi người nằm dưới lòng đất ấy. Tác giả viết:

Đứng bên mộ Tolstoi tôi cảm thấy lòng thanh thản như đối diện với một cái gì lớn lao mà giản dị, như kiểu gần một vị chân tu. Dưới tàn cây gió thổi bên cạnh nấm đất mộc mạc, tôi như tiếp xúc được toàn bộ tính chất sâu xa, khoan dung, hồn hậu của Tolstoi cũng như bao tác giả Nga khác, họ đã sinh ra, viết lách trên mảnh đất này mà tác phẩm của họ gần gũi với cả nhân loại. Đó là một khoảnh khắc lạ lùng nhất trong đời tôi. Một khoảnh khắc thiên thu… (Đến Với Nước Nga)

Biết bao người sẵn lòng đánh đổi tất cả để có được cái “khoảnh khắc thiên thu” ấy. Tolstoï, nhà văn lớn lao dường ấy mà còn mộc mạc, đơn sơ đến vậy há người phàm bé mọn, dung tục lại còn mải mê chuyện được mất, hơn thua.


Một đoạn “tức cảnh sinh tình” khác, trong chuyến “Đi Tàu” nhà văn tìm đến ngôi cổ tự Hàn San ở Tô Châu chỉ vì cảm khái câu thơ nổi tiếng trong bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế, “Thuyền ai đậu bến Cô Tô / Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”.

Lạ lùng làm sao, một ngày đầu thế kỷ 21, tôi, một người Việt Nam đã đến đây, đã cung kính cầm cái chày vồ cũ kỹ giộng nên mấy tiếng chuông. Tiếng chuông tôi đánh giữa một buổi chiều trong cái thành phố Tô Châu đang tấp nập xe cộ và người buôn bán chắc sẽ chẳng vang đi xa, nhất là chẳng vào thẳng cõi lòng ai như tiếng chuông lúc nửa đêm bay đến chiếc thuyền đang neo ở bến Phong Kiều cách đây mười ba thế kỷ. Nhưng dù sao tôi cũng đã có duyên nghe nó, và hơn nữa, tạo nên nó, cũng như tôi đã có duyên đứng sau chùa nhìn ra con sông lững lờ trôi như vẫn trôi từ nghìn xưa đến giờ…


Gióng lên tiếng chuông của ngày nay cũng là chỉ để nghe lại âm thanh của ngày xưa. Nhìn dòng sông, nhìn cây cầu cũng là để từ đó tưởng tượng ra hình bóng của cây cầu xưa, con sông cũ, và ánh đèn thuyền chài buồn thiu trong đêm tối.

“Lạ lùng làm sao!” Câu nhà văn thốt lên, chính là cái duyên nghiệp dẫn đưa ông đến chốn ấy, để đúng vào cái giây phút ấy, cầm lấy chiếc chày vồ cũ kỹ ấy “giộng nên mấy tiếng chuông”. Có những cảnh ngộ người ta phải sống qua, sống thực, phải cùng một tâm cảnh thì mới “ngộ” được, còn nếu chỉ đọc, chỉ nghe kể lại thôi thì chẳng bao giờ cảm nghiệm được. Chuyện vượt biển chẳng hạn, có chống chọi với sóng gió, với phong ba bão táp mới hiểu thế nào là “biết trời mênh mông, biết ta hãi hùng”.


“Đi” là khám phá, là thám hiểm, nói như nhà văn. Những khám phá ấy không chỉ là cảnh trí thiên nhiên hay công trình kiến trúc nghệ thuật thật hoành tráng mà còn là những con người đặc biệt, thú vị, tác giả gặp gỡ trong những chuyến đi ấy. Những con người thật đáng ngưỡng mộ như một phụ nữ Nga có chồng là người Việt tỵ nạn chính trị, từng biên soạn hàng chục cuốn sách giáo khoa về giảng dạy tiếng Việt, về lịch sử, địa lý, kinh tế Việt Nam và bộ từ điển Nga-Việt đồ sộ… Hoặc đôi lúc chỉ là những con người bình thường tác giả gặp tình cờ trên con phố nào, thật tài tình như cô họa sĩ vỉa hè người Nhật với những bức vẽ chân dung tuyệt hảo thực hiện trong những phút xuất thần; thật bất ngờ như anh tài xế taxi người Nga đưa tác giả đến thăm điền trang của Léon Tolstoï lại từng là diễn viên điện ảnh thủ vai Nga hoàng trong bộ phim “Chiến Tranh và Hòa Bình” đồ sộ chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Tolstoï do Liên Xô sản xuất.… Những con người lạ lùng và lôi cuốn như nhân vật trong những trang tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm.


Chuyến đi đầu tiên, chuyến đi cuối cùng


Phần hai của tuyển tập là “Giới Thiệu Tác Phẩm, Tác Giả”, thường gọi là những bài đọc sách hay điểm sách, tập hợp ít bài trong số khá nhiều bài tác giả từng viết ở thể loại này. Nhà văn, nhà báo Phạm Xuân Đài làm công việc này từ khi nào? Trong “Lời nói đầu” sách, ông cho biết, “Tôi phụ trách mục Sách Báo Trong Tháng, đọc các sách mới xuất bản và viết lời giới thiệu tới bạn đọc. Đây là những dịp rất quý đối với tôi, vì biết mình đã được bạn bè tin cậy.” Viết một bài giới thiệu tác phẩm và tác giả, theo ông cũng “chính là cơ hội để mình chia sẻ một cách sâu đậm tâm tình và nhận xét của tôi đối với một tác phẩm”. Có lẽ chính điều này và công việc này vô hình trung khiến ông trở thành nhà viết Tựa và nhà điểm sách khá “chuyên nghiệp” từ lúc nào.


Có những bộ sách dày cộm không dễ gì ngốn hết một lúc và cũng không thể viết một bài dông dài để “giới thiệu tác phẩm” mà chỉ tóm lược trong ít trang viết, nêu bật những nét chính của tác phẩm cũng như bút pháp, văn phong của tác giả. Trong sách này là những bài giới thiệu theo cách ấy các bộ hồi ký chính trị Gọng Kìm Lịch Sử của cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ Bùi Diễm và Thời Đại Của Tôi của Giáo sư Vũ Quốc Thúc, kinh tế gia và chính khách từng phục vụ cả hai chế độ Đệ nhất và Đệ nhị cộng hòa ở miền Nam.


“Phẩm cách của ngòi bút, sự chân thành và uyên bác của tác giả thuyết phục người đọc,” nhà điểm sách Phạm Xuân Đài viết. “Đó là một nhà chính trị có văn tài, bút pháp của ông già dặn mà tươi tắn, khoa học mà tình cảm, phô bày một cái tâm suốt đời thiết tha với nền độc lập của đất nước, đời sống tự do sung sướng cho dân tộc.” (Đọc Gọng Kìm Lịch Sử của Bùi Diễm)


Từ những chương sách về lịch sử, chính trị tưởng như khô khan không có chỗ nào cho văn chương thi phú ấy, tác giả bỗng chuyển sang đọc Thơ Tuyển 40 Năm của Trần Mộng Tú.


“Hành trình bốn mươi năm làm thơ của Trần Mộng Tú,” tác giả nhận định, “là hành trình của một người đàn bà Việt Nam, đi ra từ đau khổ của chiến tranh và trải nghiệm đời mình như một chứng tích qua một thời gian dài cầm bút làm thơ.”


Không chỉ thi ca mà đến cả âm nhạc cũng cho thấy ở tác giả những cảm nhận thật tinh tế và phân tích thấu đáo. Nhiều người từng nghe, từng hát “Một bàn tay” của Phạm Duy nhưng ít ai thực sự nhận ra được “bàn tay” ấy nói với ta điều gì, mãi đến khi đọc được bài “Về ca khúc Một Bàn Tay của Phạm Duy” của Phạm Xuân Đài mới vỡ lẽ ra. Bàn Tay ấy như chứa những ẩn số mà chỉ người nghe nhạc Phạm Xuân Đài lý giải được.

“Những nét quan trọng nhất của cuộc nhân sinh được gói trọn trong một ca khúc,” ông viết, “chỉ với một hai câu, có khi cô đọng trong một hai từ, tác giả nói đầy đủ tính chất cốt lõi của mỗi giai đoạn của đời người. Chỉ ‘hát’ về đời người chứ không triết lý về nó, nhưng tiếng hát ở đây đôi khi chạm tới chỗ sâu thẳm biến bài hát mang nhiều ý nghĩa triết lý. Một Bàn Tay là Một Đời Người, mà cũng là cái chu kỳ không chấm dứt của con người ‘đi trên dương gian, thở hơi gió từ ngàn năm’.”

Không ngạc nhiên nhạc sĩ Phạm Duy lúc sinh thời lấy làm tâm đắc và từng “khoe” với nhiều người bài viết về Bàn Tay ấy, nói rằng chỉ Phạm Xuân Đài là “nghe” được, “nghe” ra những gì sâu kín ông gửi vào ca khúc này, cũng tựa như “đọc” được những đường chỉ tay bí ẩn, ngoằn ngoèo trong lòng bàn tay người nhạc sĩ.


Trong “Trịnh Công Sơn và Chiến Tranh”, tác giả cho một cái nhìn sắc nét về âm nhạc và tính cách người nhạc sĩ đã viết nên những “Ca khúc da vàng” và những lời “Kinh Việt Nam” nói lên thân phận con người, nỗi đau xót và những bi kịch trong chiến tranh.


Giới thiệu một cuốn sách, với Phạm Xuân Đài vừa là điểm qua những nét chính đặc sắc trong nội dung tác phẩm vừa cho những nhận định về cách viết, giọng văn, có khi nêu bật những kỹ xảo độc đáo trong lối hành văn khiến mỗi tác giả đều được định hình bản sắc riêng. Có lẽ tác giả nào cũng chỉ mong tác phẩm của mình được giới thiệu theo cách ấy. Với óc quan sát, nhận xét tinh nhạy và với khiếu thưởng lãm tinh tế tựa đôi mắt phía sau ống kính của nhà nhiếp ảnh lành nghề, người điểm sách Phạm Xuân Đài chụp bắt được những ý hay, lạ và đẹp mà “mắt thường” khó nhìn thấy được.


Đọc Bên Giòng Sông Hằng của Endo Shusaku (dịch giả Nguyễn Văn Thực), ông đọc thấy “một Tâm-Thức-Mới chuyên chở được muôn dòng sông tư tưởng và tôn giáo. Tất cả những dòng sông tư tưởng đều chảy vào một đại dương hiểu biết và thông cảm.”


Đọc Dặm Trường của Trần Doãn Nho, ông đọc thấy nơi tác giả “khả năng quan sát rất lớn các chuyển biến nơi từng con người, từng cảnh huống của cái xã hội lạ lùng trong đó các giá trị cũ đang phân rã, và con người đang vong thân.”


Đọc Phiếm của Song Thao, ông đọc thấy “nghệ thuật phiếm” qua cách làm mới lối kể chuyện phiếm. “Viết” chuyện phiếm không giống như là “nói” chuyện phiếm mà là cả một nghệ thuật, “giống như cái duyên dáng của một người kể chuyện vui vậy.”


Cũng là đọc, nếu có khác chỉ là trong cách “đọc” của ông thường lóe lên những khám phá mới mẻ, thú vị về nội dung tác phẩm hay con người tác giả. Hơn thế nữa, đấy cũng chính là những điểm tác giả thật tâm đắc về tác phẩm của mình. Cách đọc ấy không khác gì điểm trúng huyệt đạo của đối phương khiến tác giả thật sướng khoái vì có được một “người đọc lý tưởng”. Cách đọc ấy không dễ nếu không phải là người điểm sách có nội lực.


Trong phần Tạp Bút, người đọc lại được đọc thêm một du ký đặc biệt, đấy là chuyến lãng du đầu tiên của những chàng trai “mộng đời phiêu lãng giang hồ” thuở còn ngồi trên ghế nhà trường bậc trung học. Những chàng trai mắt sáng môi tươi và “hồn như đám mây trắng lững lờ” ấy đã làm một cuộc thám hiểm lên miền cao nguyên cũng đầy mây trắng lững lờ. Rừng thông Đà Lạt, bảy ngày bên hồ Than Thở, chuyến đi háo hức và đầy mạo hiểm ấy chắc chắn là chuyến đi đẹp nhất, nhiều hứng thú nhất và cũng khó quên nhất của tác giả và những bạn bè nay đã kẻ mất người còn.


“Đỗ Ngọc Yến, Tuổi Học Trò” và “Tiễn Bạn Về Quê” là những câu chuyện về những tình bạn đẹp và cảm động.


Chưa hết, lại một chuyến đi khác và là “chuyến đi” dài nhất trong đời tác giả. “Đi tù”, như cách người ta vẫn nói. Đấy là bút ký về câu chuyện giữa những người tù không giống như bất cứ câu chuyện nào trong những hồi ký về “tù cải tạo”, và tác giả cũng đã khám phá, học hỏi được biết bao điều mới mẻ, lạ lùng và bổ ích nữa trong “chuyến đi” này để từ đó có cái nhìn thấu đáo hơn về con người, về những điều không hề có trong sách vở nhà trường và cả sân khấu cuộc đời.

Cái xã hội thu gọn lại là nhà tù đã dạy cho tôi rằng đừng có quá thiết tha với việc trả ơn cho chính người đã làm ơn cho mình, mà chỉ cần tâm niệm rằng có một kẻ nào đó đã làm một việc tốt và mình cũng có bổn phận làm việc tốt cho người khác, người khác nói chung, không cần đích danh một người nào.


Cái đầu gối của tôi, nó im ỉm vô tình là thế, nhưng đã giúp tôi thấy lại được điều quí giá ở đời là sự quan tâm đến nhau, chất men làm cho cuộc sống trở nên nồng ấm. Sau khi nhấp chén cay đắng, đã bị làm cho cho hại, cho tàn, cho cân, tôi đã tìm thấy lại chất men nồng ấy của cuộc đời, mà cái đầu gối đôi khi cũng chỉ là một cái cớ. (Chuyện Cái Đầu Gối)

Cái mà tác giả gọi là “chất men nồng ấm” ấy giúp ông nhận ra rằng dù có thế nào đi nữa thì cuộc đời này vẫn còn đáng yêu, đáng sống.


Đấy cũng là bài tạp bút tôi thích nhất trong số những bài gọi là “tạp bút” của tác giả, vừa ly kỳ, vừa cảm động lại vừa bâng khuâng triết lý. Câu chuyện về cái đầu gối ấy hẳn cũng là “biến cố” tác động ít nhiều đến nhân sinh quan của tác giả cho đến mãi về sau này.


Trong khi ấy, “Mì Quảng” lại là một bài thật thú vị về một món ăn thể hiện tính cách, bản sắc của người dân địa phương đã chế biến, sáng tạo và thưởng thức tận tình món đặc sản này.


Với câu “Hãy nói cho tôi biết anh ăn cái gì và ăn như thế nào, tôi sẽ nói anh là người ra sao” thì món Mì Quảng cũng nói lên được bản chất của người Quảng Nam nhiều lắm. Không màu mè kiểu cách, hơi thô thiển nhưng chân thật, rất vững vàng trong nguyên tắc nhưng cũng biết uyển chuyển trong ứng xử, mặc dầu uyển chuyển một cách hơi cứng nhắc. Rõ ràng mì làm sao thì người làm vậy. (Mì Quảng)


“Âm Thanh Trong Tình Quê”, một tạp bút khác là bài phân tích sâu sắc và lý thú về tình tự dân tộc. Thật lạ một điều là, tiếng sáo diều vi vu, tiếng “trâu bò về giục mõ xa xôi”… và những âm thanh nào khác nữa ở miền quê lắm khi ta chỉ nghe được ở trong đầu mình hơn là ngoài đời thực; và lạ hơn nữa, khi “chúng ta đi mang theo quê hương” thì cũng mang theo cả những âm thanh ở trong đầu này.


Tác giả hẳn có dụng ý sắp xếp khi kết thúc phần Tạp Bút cũng là dành những trang cuối tuyển tập này cho một bài về thế giới tuổi thơ. Qua đó, ông bộc lộ nỗi vui sướng được là người tổ chức cuộc thi vẽ cho các cháu thiếu nhi trong ngày Tết Trung Thu. Hẳn là, qua những ánh mắt thơ ngây, qua những bức vẽ hồn nhiên, trong sáng ấy ông cũng muốn tìm lại tuổi thơ ông, cũng muốn leo lên chuyến tàu tốc hành nào, băng qua cánh đồng thời gian tìm lại miền thơ ấu nào đã mất hút trong tâm tưởng. Tôi vẫn cho là chuyến đi ấy, chuyến đi ông mới chỉ phác họa trong những trang sách cuối là chuyến đi ông mong ước được thực hiện hơn cả.


Phạm Xuân Đài, là nhà tổ chức và nhà hoạt động văn hóa, ông luôn dự phóng làm điều gì đó có ý nghĩa như vẫn muốn được “phiêu du khắp nẻo đây đó” mãi cho đến khi gối mỏi chân chồn.


*


“Mỗi tuần đọc một cuốn sách, xem một phòng tranh, nghe một bản nhạc”, câu ấy đọc được nơi bìa một tờ báo văn học ở miền Nam một thời nào nói về những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ở đủ mọi lãnh vực.


Ở Phạm Xuân Đài, ông có đủ cả; hơn thế nữa, ông còn ghi xuống cảm nghĩ về những cuốn sách từng đọc, những phòng tranh từng xem, những bản nhạc từng nghe qua. Đọc những du ký, những tạp bút và cả những bài đọc sách ấy người ta cũng đọc thấy nơi ông một trực giác bén nhạy, một tâm hồn phong phú và chiều sâu suy tưởng.


Đi hay Đọc hay Viết, sau cùng tôi nhận ra một điều, mấy trăm trang sách ấy đều là những trang hoài niệm, những dòng hồi tưởng cả. Hồi tưởng về những mùa vui đã qua trong đời mình chẳng bao giờ tìm lại được, như những người thân, những bạn bè đã rời bỏ thế gian này chẳng bao giờ còn gặp lại. Gọi là tùy bút hay tạp bút, du ký hay bút ký, cách nào cũng là cách tác giả phơi trải những tâm tình. “Đem tâm tình viết lịch sử”, như cách nói của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, ở Phạm Xuân Đài cũng là đem tâm tình viết tùy bút, tạp bút hay du ký. Nói cách khác, những dạng bút ký này của nhà văn có thể gọi là “Tâm bút”.


Cũng như tác giả, ai cũng từng có những chuyến đi trong đời mình, những chuyến đi dài hay ngắn, xa hay gần, những chuyến đi để lại những ấn tượng nào sâu sắc, những kỷ niệm nào khó quên. “Đi” là mở rộng tầm mắt, làm giàu nhận thức và làm tươi mới tâm hồn mình qua những khám phá và cảm xúc mới mẻ. “Đi” cũng là tìm kiếm những niềm hứng khởi làm thay đổi nhịp điệu nhàm chán trong nếp sinh hoạt thường ngày.


Gập cuốn sách lại, tưởng trông thấy được một buổi chiều nào tác giả đứng dưới gác chuông bên dòng sông lờ lững, chậm rãi cầm lấy chiếc chày vồ cũ kỹ gióng lên mấy tiếng chuông chùa Hàn San bay vào thinh không, tưởng trông thấy được tác giả đứng lặng yên bên lối mòn cạnh nấm mộ sè sè thấp nhỏ của Tolstoï trong cánh rừng vắng vẻ lẫn trong tiếng gió rì rào. Hơn bao giờ hết, thấy được cái mênh mông vô cùng tận của đất trời, thấy cái bé mọn của con người, cái hạn hẹp của kiếp người và thấy đời sống nhẹ tênh.


Chúng ta đang ở trong những tháng của mùa dịch bệnh và mùa bầu cử, những tháng bất an và bất ổn. Tìm đọc một cuốn sách hay cũng phần nào giúp tâm trí mình dịu lại để mong đến một lúc nào trời quang mây tạnh lại rời khỏi nhà, lại tiếp tục những chuyến viễn du.


Đi, Đọc và Viết, cuốn sách để đọc và đáng đọc trong mùa đại dịch này.


Lê Hữu


(*) ĐI, ĐỌC và VIẾT, Du Ký, Tùy Bút, Tạp Bút của Phạm Xuân Đài, Nxb Văn Học Press, 2020

* Có thể mua sách trên Barnes & Noble:

https://www.barnesandnoble.com/w/books/1137666051?ean=9781663562456

hoặc tại nhà sách Tự Lực và báo Người Việt, CA.


Lê Hữu

Tác giả gởi