05-02-2018 | VĂN HỌC

Tuổi Trẻ Ông Phó Quận Phạm Thành Châu

  NGUYỄN NGỌC CẢNH, Ph.D.


   Nhà văn Phạm Thành Châu

Tác giả truyện ngắn Phạm Thành Châu và tôi quen nhau từ thuở học cùng lớp ở Trung Học Trần Quí Cáp, Hội An. Tôi không biết có phải vì mình nay tuổi đã ngoại thất tuần và vì đã xa nhau hơn 50 năm nên tôi không còn nhớ là hai đứa bắt đầu biết nhau từ năm nào mà chỉ còn nhớ là cả hai cùng học Đệ Nhất C niên khóa 1962-1963. Hay cũng có thể là vào những năm trước Tú Tài I bạn Châu của tôi không gây nhiều ấn tượng cho tôi như vào năm Đệ Nhất? Vào năm ấy tôi còn nhớ rất rõ Phạm Thành Châu là một học trò tinh nghịch nhứt lớp nhưng lại là làm Trưởng ban trật tự của lớp! Tôi không nhớ thủ tục bầu bán như thế nào nhưng tôi được lãnh cái danh dự làm Trưởng lớp còn PTC bị lãnh cái nợ làm Trưởng ban trật tự. Tình thật mà nói nếu Trưởng lớp có quyền chọn các trưởng ban để làm việc hiệu đoàn với mình chắc có lẽ tôi đã “bổ nhiệm” ông bạn quí hóa của tôi làm “Trưởng ban mất trật tự”!


Phạm Thành Châu tinh nghịch nhưng rất ngộ nghĩnh nên ai nếu không thương thì cũng không ghét được. Mỗi tuần Châu ngồi ghi vào vở cô giáo Anh văn trẻ đẹp Lê Thị Tường Loan mỗi buổi dạy mặc áo dài màu gì, cầm xách tay màu gì, và đi giày cao gót màu gì để đến thứ Hai tuần sau “bá cáo” cho cả lớp biết! Phòng học của lớp Đệ Nhứt C nằm sát lộ chính chạy từ dưới Trường Nam Tiểu học ở huớng đông lên hướng tây qua trước mặt Trung học Trần Quí Cáp bên tay trái và trại lính Công binh bên tay phải. PTC ngồi ở cuối bàn gần cửa sổ sau; nếu ngoãnh đầu lại thì nhìn ngay vào cổng chính của trại Công binh nơi xe nhà binh thường xuyên ra vào khá ồn ào.


Những xe Jeep nhỏ có tiếng máy “tao nhã” hơn thường không lấn áp tiếng giảng bài của giáo sư trẻ ở trong phòng học của chúng tôi. Nhưng những tiếng máy gào thét “thô lỗ” của xe vận tải “rêm xê” thì lúc nào cũng làm cho học trò lũ chúng tôi chẳng nghe thầy nói gì ở trên bảng! Chính vì vậy mà mỗi khi nghe như có tiếng xe ra cổng, Cô Tường Loan thường muốn biết là xe lớn hay nhỏ để có thể dừng giảng bài chờ cho xe ra khỏi cổng. Một hôm cô gọi “Châu, xem có xe ra hay không?” Ông bạn tinh nghịch của tôi lanh lẹ trả lời “Thưa Cô có!” Cô Loan hỏi “Xe gì?” “Dạ thưa Cô xe đạp.” Châu đáp lại! Cả lớp phát lên cười rộ.


Trưởng ban trật tự có nhiệm vụ phân công tác chùi bảng mỗi ngày. Có một hôm phiên trực rơi trúng vào một đồng môn vắng mặt; thế thì Trưởng ban trật tự phải thay thế. PTC lên bảng tìm không ra khăn lau bảng trong khi giáo sư sắp bước vào lớp, Châu lanh lẹ sè hai bàn tay mình ra và nói lớn “Hãy xem Trưởng ban trật tự làm việc” và dùng hai bàn tay xóa sạch bài viết của giờ học trước còn để lại!


Đó là nói chuyện trong lớp khi có thầy. Còn lúc lớp buổi sáng trước 8 giờ trong lúc ngồi chờ thầy vào lớp, Châu thường cầm đầu diễu cô Thúy Quỳnh “xết xi” trẻ đẹp dạy ở Trường Nam Tiểu Học. Sáng nào cô cũng ỏng ẹo đi bộ ngang trường chúng tôi. Mỗi khi thấy cô, Châu và đồng bọn bắt chước mấy đứa nhỏ bán bánh mì buổi tối thường rao “Bánh mì nóng dòn đây” và cùng la lớn ” Thúy Quỳnh nóng dòn đây”!


Thời tinh nghịch vô tình vô tội của tuổi học trò đứng hàng ba sau ma quỉ ấy nay đã xa tịt mù trong quá khứ dài hơn nữa thế kỷ. Tôi xa PTC sau khi đậu Tú tài II năm 1963. Tôi ngược ra hướng bắc vào Đại học Sư phạm Huế, còn bạn tôi xuôi hướng nam vào Sài Gòn học Quốc gia Hành chánh. Sau bao năm lên voi làm Phó Quận Trưởng thời Việt Nam Cộng Hòa rồi xuống chó làm tù cải tạo của thời “Bắc thuộc” cho đến khi đi tìm được tự do ở đất Cờ Hoa.


Sách có câu “thời thế tạo anh hùng” và vì hoàn cảnh đổi thay mà nay PTC đã trở thành một văn sĩ viết truyện ngắn hay ít ai sánh kịp.


Anh đã xuất bản được 4 tập truyện ngắn nhan đề:


– Bức Họa Khỏa Thân

– Nhớ Huế

– Lý Lẽ của Trái Tim

– Lời Tỏ Tình


(Nguồn: Kệ sách Học Xá)

Đây là những câu chuyện cười ra nước mắt phản ảnh trung thực cuộc đời đầy khổ nhục của những anh hùng Việt Nam tự do sống dưới chế độ nô lệ của Hà Nội sau 1975. Người chồng có thể hiểu trong đầu mình cái đau quặn người của vợ khi sinh đẻ nhưng là đàn ông, vì không bao giờ có kinh nghiệm bản thân “đau đẻ”, không bao giờ có thể đồng cảm được cơn đau vô tả của người đàn bà khi sinh con. Tương tợ như thế, một số người may mắn như tôi không bị sống trong trại tập trung của Cộng sản vẫn có thể hiểu trong đầu mình những khổ nhục thể xác và tinh thần mà bạn bè bị kẹt lại ở Miền Nam phải trải qua nhưng không thể nào cảm thông được trong tim mình những nổi não nề trong tinh thần của cuộc sống lao tù chính trị dưới chế độ vô nhân bản của Cộng sản. Nhưng một điều rất đáng ngac nhiên mà tôi phải cảm ơn PTC là qua những truyện ngắn của nhà văn tị nạn này tôi đã nhận ra được cái não nề, quằn quọi trong tinh thần của những người bạn đi “cải tạo” khiến tôi không cầm được nước mắt. Đó là cái tài thiên phú ít có.


Văn của PTC nhẹ nhàng, hài hước, và lôi cuốn khiến ít ai có thể bỏ đọc nửa chừng. Tuy văn có vẻ như đùa cợt, nội dung thật là sâu sắc thâm trầm. Tuy tác giả trải qua nhiều kinh nghiệm đắng cay, PTC vẫn không hoàn toàn mất tin tưởng vào thiện tính của con người. Đây là một trong những yếu tố đặc thù phản ảnh nhân tình của tác giả. Ý thức hệ phi nhân bản có thể xóa mờ tâm tính của một số người Việt chúng ta, nhưng truyện của PTC cho những ai trong chúng ta còn giữ lại được chút nghĩa “đồng bào” thấy còn hé mở một tia ánh sáng, dầu yếu ớt, trong cái tâm mù lòa của những người đã đi lầm đường trước năm 1975.


Cảm ơn bạn Châu đã cho tôi những giây phút vui buồn vì nhân tình thế thái trong đất nước Việt Nam thân yêu vào giai đoạn lịch sử loạn ly. Bạn là một trong những chứng nhân lịch sử quan trọng của dân tộc Việt cho một giai đoạn khổ nhục nhất của người Việt sống trong cảnh anh em đô hộ anh em.


Nguyễn Ngọc Cảnh, Ph.D.


Lưu ý: Độc giả có thể liên lạc với nhà văn Phạm Thành Châu qua số ĐT (571)480-3276 hoặc (703)569-0124, hay địa chỉ email: chaupham3276@gmail.com


Nguyễn Ngọc Cảnh

quocgiahanhchanhmd.com