18-10-2016 | VĂN HỌC

Trò chuyện với nhà văn Phạm Phú Minh

  TRẦN DOÃN NHO

Lời Giới thiệu của Trần Doãn Nho (TDN): Tôi quen nhà văn Phạm Phú Minh (PPM – bút hiệu Phạm Xuân Đài) qua Thế Kỷ 21, tờ tạp chí tôi cộng tác từ lúc anh làm chủ bút cho đến số cuối cùng. Có một khoảng thời gian, anh mời tôi vào Ban Biên Tập cùng với một số nhà văn nhà thơ khác. Ngoài việc đóng góp bài vở khá thường xuyên, trong một vài số đặc biệt, tôi cộng tác với anh Minh để thực hiện. Như số về Hồ Hữu Tường, tôi là người trực tiếp đến nhà người con gái của Hồ Hữu Tường, chị Hồ Huệ Tâm, đang dạy ở đại học Harvard, để thu thập một số tài liệu và thực hiện cuộc phỏng vấn. Hay số đặc biệt về Trần Văn Tuyên. Vị cựu phó thủ tướng này có cô con gái ở cùng thành phố với tôi, tôi liên lạc với cô để tìm thêm tài liệu. Hà Nội trong mắt tôi, tác phẩm đầu tay của anh do nhà văn Nguyễn Mộng Giác biếu tôi, là một trong những tác phẩm đầu tiên mà tôi được đọc khi ra hải ngoại. Cái tựa đề khá nhạy cảm này cộng với bút danh Phạm Xuân Ðài mới mẻ khiến cho tập bút ký này trở thành “vấn đề” lúc mới phát hành, gây xôn xao trong cộng đồng người Việt tại một vài nơi, kể cả ở Boston, nơi tôi định cư, khi tác giả đến đây trong một lần ra mắt sách. Nhưng rồi mọi chuyện ổn thỏa khi người ta biết về tác giả và đọc nội dung tác phẩm.


 

Tại buổi Hội thảo Văn Học Miền Nam (Quận Cam, California, ngày 6 & 7 tháng 12/2014) (từ trái sang phải): Trần Doãn Nho, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Hoàng Nam, chị Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Đức Tùng, Phạm Phú Minh, Phùng Nguyễn

Bài viết mới nhất của Phạm Phú Minh, “Vang bóng của một thời sắp qua” [1] (tháng 4, 2016), lược qua sinh hoạt của giới cầm bút hải ngoại và sự ra đi của những cây bút trong vòng vài năm vừa qua. Bài viết ngắn nhưng gây cho tôi một nỗi bâng khuâng lạ lùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hải ngoại mất đi một số khuôn mặt văn học nghệ thuật quan trọng. Nguyễn Mộng Giác (7/12) vừa ra đi chưa nguôi niềm nuối tiếc thì đến Nguyễn Xuân Hoàng (9/14). Rồi Võ Phiến (9/15). Rồi đột ngột Phùng Nguyễn (11/15). Rồi Đinh Cường (8/1/16). Và gần đây nhất, Tạ Chí Đại Trường (3/16). Ðọc xong bài viết, tôi email ngay cho Phạm Phú Minh.


Trần Doãn Nho (TDN): Anh Minh, tôi vừa đọc bài viết “Vang bóng của một thời sắp qua.” Cảm thấy thấm thía. "Những mất mát dồn dập mấy năm gần đây nhắc nhở chúng ta rằng mỗi lớp người đều đóng vai trò trong thời của mình. Một thời đại đi qua bao giờ cũng với những bước chân tiệm tiến, và trong cái cảm thức mất mát, chuyển giao, chuyển tiếp từ từ ấy, hình như ai cũng thấy nhu cầu bắt chước Nguyễn Tuân để vẽ nên cái “vang bóng một thời.” Một thời Việt Nam Cộng Hòa nối dài trong giới văn nghệ đã để lại cái gì đáng kể nhất? Đó chính là văn hóa hành xử: tự trọng, tử tế và rất mực thương yêu tương kính nhau.”


Chao ơi, vang bóng một thời? Anh Minh ơi, có thật là thế hệ chúng ta sắp “vang bóng một thời”?


Phạm Phú Minh (PPM): Quả là tôi có cảm khái ngậm ngùi về tình trạng giới văn nghệ hải ngoại rơi rụng liên tục. Nhưng mình cũng thấy một thời đại có trôi qua thì cũng một cách từ từ thôi, với số lượng sáng tác của lớp già xem như đã ngừng, lớp trẻ hơn thì lai rai…Trong khi đó lớp thế hệ thứ hai ngày càng vững vàng. Kể ra thì chính thế hệ này coi như đang thay thế hẳn lớp trước rồi chứ còn gì nữa. Măng đã mọc và lớn rồi, thì tre già đến lúc nói lời từ giã thôi.


TDN: Ở quận Cam, còn những ai thuộc thế hệ cũ, anh Minh? Đỗ Quý Toàn, Du Tử Lê, Viên Linh, Trúc Chi, Doãn Quốc Sỹ, Nhã Ca, Trần Dạ Từ …? Và ở các nơi khác? Tô Thùy Yên, Trần Thanh Hiệp, Tuý Hồng, Trùng Dương …? Còn thế hệ hai, theo anh, là những ai? Mới đây, đọc đoản văn “Áo khăn ngày cũ" của Trần Mộng Tú. Nhà thơ soạn lại áo khăn những người đã khuất và nhớ những kỷ niệm ngày xưa của người thân, thật bùi ngùi. Văn chương của người đã khuất cũng là một loại áo khăn ngày cũ, đọc lại biết bao cảm khái!


PPM: Tháng 5/2016 vừa rồi, anh chị Đặng Tiến từ Pháp qua Hoa Kỳ chơi, chúng tôi có gặp nhau trong mấy lần hội họp bạn bè. Như Nho biết, Đặng Tiến cũng là một người cầm bút thuộc lớp "cũ", nhưng vẫn hăng hái đề cập một số việc muốn làm, mặc dù sức khỏe coi bộ cũng không tốt lắm. Lớp tuổi sinh cuối thập niên 1930, đầu 40 thì một số vẫn còn viết, như Đỗ Quý Toàn, Du Tử Lê, Viên Linh…. Anh chị Trần Dạ Từ – Nhã Ca vẫn bận rộn với tờ nhật báo Việt Báo của họ. Trùng Dương thỉnh thoảng vẫn tự lái xe từ Oregon xuống Orange County thăm anh em, và vẫn còn viết những bài tường trình kèm hình ảnh về một số sinh hoạt đặc biệt về văn hóa, chính trị của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Anh Trúc Chi còn khỏe mạnh lắm, vẫn ngao du sơn thủy, nhưng viết rất ít. Anh Doãn Quốc Sỹ đang ở với con cái tại vùng này, so với hồi thuyết trình trong hội thảo Tự Lực Văn Ðoàn thì nay yếu đi nhiều, nhất là không còn sáng suốt nữa. Lớp trẻ như Đặng Thơ Thơ, Đinh Từ Bích Thúy, Lê Đình Nhất Lang vân vân, nói chung là nhóm Da Màu, thì tôi nghĩ là họ đang tự khẳng định một cách chắc chắn. Lớp này thì thuộc hẳn thế hệ thứ hai rồi.


TDN: Mới đây, gặp Trần Trung Đạo, nghe nói anh vừa quy y?


PPM: Thầy Thích Như Điển làm lễ quy y cho tôi hồi cuối tháng 3/2016, đặt pháp danh cho tôi là Thiện Văn 善聞. Tôi nói đùa sau buổi lễ rằng tôi vừa được cấp passport cho chuyến ra đi dài sẽ tới. Nhưng tôi cảm nhận một điều rất rõ là tôi đổi khác rất nhiều sau khi quy y, có một sự chuyển hóa sâu trong tâm thức mà chính mình cũng không ngờ.


TDN: Pháp danh anh là “Thiện Văn”. Nghĩa là gì?


PPM: Là lắng nghe điều thiện. “Văn” đây có nghĩa là nghe. Thoạt đầu tôi tưởng “Văn” là văn chương, sau được thầy giảng “Thiện Văn” là lắng nghe điều Thiện. Ngẫm lại cũng đúng, pháp danh đâu phải là một lời chúc nghề nghiệp, mà là một lời khuyên, lời nhắc nhở cách sống hợp với đạo lý. Phải biết lắng nghe, thu thập, tích lũy những gì tốt đẹp.


TDN: Tôi tưởng anh đã phải quy y từ lâu rồi chứ! Dù sao, cũng mừng anh ngộ được đạo. Cũng hơi trễ đó nhé.


PPM: Nói "ngộ được đạo" thì không biết đâu là sớm đâu là trễ. Trên con đường thăm thẳm trải nhiều kiếp, có thể có lúc mình đã ngộ rồi, có thể cũng có lúc mình đã đọa xuống một tầng rất thấp, rồi ngoi từ từ lên. Cứ nhìn kiếp này thì thấy quá khứ của mình cũng trùng trùng nghiệp quả, tốt xấu lẫn lộn. Và khi cái duyên đã tới, thì bước lên được một bậc thang — là lễ quy y vừa rồi. Cứ hãy cho đó là một bước tích cực, còn lại mọi chuyện tiến hay lui, là do mình.


TDN: Nghe như một sư ông giảng đạo! Mà thôi, ta hãy trở lại chuyện đời.


Theo tôi nghe thì hồi trước, hình như anh Minh học Triết, sau đó lại học Quốc Gia Hành Chánh, vì muốn làm quan. Thế mà sau này, sang đây lại là nhà văn kiêm nhà hoạt động văn hóa, lại còn là chủ báo, giám đốc đài truyền hình. Do thời thế hay do yêu thích văn hóa, văn chương? Tôi cũng lạ, nhưng không lạ như anh. Tôi học ban B, khá toán. Thế mà lên đại học, lại thích triết. Xong triết lại không theo triết, chỉ dùng triết mà bàn về văn chương. Trước 1975, hoạt động chính trị chuyên nghiệp, là thành viên tích cực của một đảng phái quốc gia, có tham vọng làm “lớn” (!) Nhưng sau khi qua đây rồi, bỏ hẳn sinh hoạt chính trị, chỉ chuyên chú văn chương. Có những điều chính mình thay đổi mà mình không ngờ được. Riêng anh thì sao?


PPM: Hóa ra Trần Doãn Nho hiểu "tiểu sử" của tôi rắc rối hơn chính nó rất nhiều. Tôi là dân ban C, sau khi đậu tú tài thì đi đâu bây giờ? Sư phạm là gần nhất, thi thử vài môn, tôi nhớ là Triết và Anh văn, đậu cái nào thì đi cái nấy. Sau đó, đậu vào Triết. Tốt nghiệp, ra đi dạy, thì có cơ hội hoạt động với đám bạn cũ mới trong chương trình Hè 1965 như Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Đoàn Viết Hoạt, Đỗ Quý Toàn, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc, Phan Văn Phùng.… rồi khẳng định luôn hoạt động thanh niên như một phương cách của giáo dục. Tổng Trưởng Văn Hóa Giáo Dục Trần Ngọc Ninh của thời ấy đồng ý quan niệm giáo dục này, mở rộng cửa cho sinh hoạt thanh niên vào trường học. Tôi không học Quốc Gia Hành Chánh. Sở dĩ tôi về làm cho Dân Vận là do biệt phái từ Giáo Dục, khi Lê Đình Điểu thỏa thuận với Hoàng Đức Nhã nắm Dân vận quốc nội (Nguyễn Ngọc Bích nắm quốc ngoại). Vụ biệt phái này đưa mình vào tù sau biến cố 75.


Trong biến cố 1975 một số bạn bè trong nhóm chúng tôi đã kịp di tản ra nước ngoài, trong đó có Đỗ Ngọc Yến, sang Mỹ thành lập báo Người Việt từ năm 1978. Một số anh em trong nhóm đi nước ngoài, dù có cư ngụ tại Nam California hay không, đều dưới hình thức này hay hình thức khác góp sức với Yến xây dựng tờ báo này. Từ đó mỗi khi có người trong nhóm từ Việt Nam thoát ra được đều có khuynh hướng gia nhập tập thể Người Việt. Đến lượt tôi cũng vậy, qua Mỹ định cư theo diện H.O. thì tấp vô báo Người Việt như là một chuyện đương nhiên. Thậm chí khi tôi còn ở tù, anh em đã cho tôi một số cổ phần trong công ty đó rồi. Nói vậy để Nho thấy cái nhóm anh em kết lại từ 1965 vẫn coi như có sợi giây vô hình ràng buộc nhau, như trong cùng một đảng vậy, dù chưa bao giờ lập đảng. Cái “đảng” ấy, có tên là Anh Em, nghe nặng tình cảm.


Và tấp vô Người Việt thì còn con đường nào khác ngoài việc làm báo? Cứ vậy, nghề dạy nghề, nhưng tôi cũng thấy cái căn bản triết học từ những năm sư phạm là nền tảng cho mọi hoạt động, kể cả viết lách của tôi.


Nhưng ảnh hưởng lớn nhất cả đời tôi là tư tưởng Phật giáo, mặc dầu cuối đời mới làm lễ quy.


 

Phạm Phú Minh cắt bánh sinh nhật khi báo Thế Kỷ 21 bước vào năm thứ chín,
tổ chức vào ngày 12 tháng Mười năm 1997

TDN: Anh thuộc loại đa tài. Viết văn, làm báo, tổ chức các sinh hoạt văn hóa. Có lẽ sinh hoạt văn chương, văn hóa quận Cam mà thiếu anh thì thiếu nhiều lắm. Làm chủ hai tờ báo, đứng ra tổ chức trực tiếp hay gián tiếp hàng chục buổi ra mắt sách và các sinh hoạt văn hóa như hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn, về Văn học Miền Nam, về Võ Phiến, về Nguyễn Mộng Giác .… Anh dám đoạt giải là một trong những người năng động nhất trong các sinh hoạt văn hóa ở quận Cam. Cuộc đời anh quả là đầy những hữu ích. Tôi đoán là anh yêu thích văn hóa hơn là sinh kế.


PPM: "Anh thuộc loại đa tài," câu của Nho làm tôi rất thích thú nhưng cũng rất ngạc nhiên. Vì chưa bao giờ tôi nghĩ mình là người "có tài" thôi, chứ khoan nói là nhiều tài. Bây giờ tâm sự một chút với Nho. Thời còn trẻ tham gia hoạt động với anh em, cái món tôi dốt nhất, sợ nhất là tổ chức. Bày ra một việc gì, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ăn nói trước công chúng thì không suông sẻ, hay sợ hãi vu vơ. May là tôi ở giữa một đám bạn rất giỏi, những Lê Đình Điểu, Trần Đại Lộc, Đỗ Quý Toàn, Phan Văn Phùng, Hà Tường Cát .… đều là những tay mà sinh hoạt nào họ cũng có thể tổ chức dễ dàng.


Khi mở ra Chương Trình Phát Triển Thanh Niên Học Đường (CPS) mùa hè 1966, anh em đặt tôi phụ trách việc gì Nho biết không? Trưởng ban Tài chánh! Một người tốt nghiệp ban Triết lo về tài chánh! Tôi phải vừa học vừa làm, cuối cùng chi tiêu 20 triệu cho trại công tác năm ấy cũng hoàn tất tốt đẹp. Đó là cái "tài" đầu tiên của tôi: không có ai làm thì mình làm, rồi cuối cùng cũng tạm coi là hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng cũng phải nhớ ơn chị Nguyễn Thị Cẩm Hường, một giáo sư Anh văn, lúc đó là Tổng Thủ quỹ đã góp công rất lớn điều hành tốt đẹp quỹ này.


Khi ra nước ngoài năm 1992 cũng vậy, anh em giao cho tôi điều hành tờ Thế Kỷ 21 xuất bản từ năm 1989, một tờ báo đã ổn định, sáng lập bởi Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Đỗ Quý Toàn .… Tôi chỉ là người thừa hưởng những thành tựu của bạn bè, phát triển tờ báo theo đường hướng đã định từ trước. Chính trong việc làm báo Thế Kỷ 21 mà tôi dần dần thoát ra khỏi trạng thái thụ động vốn là bản chất của tôi. Tôi bắt đầu có những sáng kiến và sự quyết định của riêng tôi, mở những mục mới cho báo, làm những số báo đặc biệt, tổ chức hội thảo với nhiều loại đề tài .… Chính tôi cũng ngạc nhiên về khả năng mới mẻ này của mình, nhưng nhìn lại thì tôi hiểu là phải như thế thôi. Bạn rất thân của tôi, chuyên viên tổ chức trại và các sinh hoạt từ trước đến nay là Trần Đại Lộc qua đời năm 1997, rồi đến Lê Đình Điểu 1999, một cách vô thức tôi tự thay thế họ tổ chức các sinh hoạt văn hóa cho nhóm Người Việt.


Với hội thảo và triển lãm về Phạm Quỳnh mà tôi phối hợp với chị Thụy Giao, một nhà báo từ San Jose, tổ chức năm 1999, tôi tự tin hẳn, và không sợ về vấn đề tổ chức nữa. Sự biến chuyển ngay từ bản thân đó khiến tôi phải hiểu thế này: tôi là một người dự trữ của nhóm Người Việt, để thay thế cho những tay chuyên về hoạt động tổ chức sẽ mất sớm. Sẵn cái trớn đó, tôi tổ chức các sinh hoạt khác mà Nho đã biết, tương đối thoải mái dễ dàng, khiến chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên.


Thành ra tôi không bao giờ nghĩ mình có tài, là một ý nghĩ rất thành thật. Tôi là người bị (hay được) ép buộc hay đào luyện bởi tình thế với một ý thức trách nhiệm rõ rệt, chứ bản chất của mình thì không có một khả năng, hoặc một thiên hướng tự thân. Đi sâu vào mỗi sinh hoạt thì "ở trong còn lắm điều hay" nhưng tổng quát thì như thế.


TDN: Khi nói tài, theo tôi, là nói đến những gì người ta đã thực hiện được, đã thể hiện ra bằng công việc. Để có một thành tích nào đó, ai mà chẳng trải qua những cái "dốt", cái "sợ"… Điều hành một tờ báo như Thế Kỷ 21 trong cả 10 năm, để lại một số lượng bài vở đủ mọi mặt, từ văn hóa, văn học, chính trị, xã hội, tôn giáo, thông tin sinh hoạt.… Đó là một tờ báo bách khoa, một dấu ấn lớn của sinh hoạt văn hóa hải ngoại. Đó còn là nơi xuất hiện biết bao nhiêu khuôn mặt cũ, mới.


Đọc lại Thế Kỷ 21 có thể nói là nhìn lại diện mạo của cái "vang bóng" khá lạ lùng của một VNCH nối dài. Tôi chỉ mong có được một chút "ép buộc" như anh mà đâu có được. Anh có còn nhớ anh lo cho tờ báo bao nhiêu năm? Bao nhiêu số báo? Đã tạo ra bao nhiêu tên tuổi?


 

Các bìa báo Thế Kỷ 21: Số Ra Mắt; Tranh bìa Thái Tuấn (2000;
Tranh bìa Nguyễn Đồng cho số đặc biệt Phan Thanh Giản;
số đặc biệt Hoàng Đạo với tranh bìa của Đặng Thơ Thơ

PPM: Tờ Thế Kỷ 21 ra đời vào tháng 5 năm 1989, lúc bấy giờ tôi còn ở Việt Nam. Tôi đến Mỹ vào cuối năm 1992, và bắt đầu vào làm báo này đầu năm 1993, lúc đó chủ nhiệm là Lê Đình Điểu, chủ bút là Vương Hữu Bột (tức Đỗ Quý Toàn), tổng thư ký là Nguyễn Xuân Hoàng. Trong thực tế, chỉ một mình Lê Đình Điểu lo mọi chuyện, vì Nguyễn Xuân Hoàng bận làm tổng thư ký cho nhật báo Người Việt, còn Đỗ Quý Toàn ở tuốt bên Canada. Thời gian này tôi tập sự với Lê Đình Điểu. Cho đến số tháng 9/1993 thì tôi được phong làm phụ tá cho chủ bút Đỗ Quý Toàn. Tháng 11, 1995 lên chức Tổng thư ký tòa soạn (thay cho Nguyễn Xuân Hoàng). Từ năm 1997, làm chủ nhiệm, với chủ bút vẫn là Đỗ Quý Toàn. Rồi từ khoảng đầu thế kỷ 21, Đỗ Quý Toàn thôi làm chủ bút, tôi thay thế mãi cho đến khi tôi nghỉ sau khi làm xong số 223, tháng 11 năm 2007, và tờ báo cũng không còn là của Người Việt nữa, nhưng sau mấy số cũng đóng cửa luôn. Trong số cuối này (số 223) có một truyện ngắn của Trần Doãn Nho, Một chút Việt Nam. Tuy chức vụ thì lung tung như thế nhưng trong thực tế thì Lê Đình Điểu lo mọi chuyện cho tờ báo cho đến cuối năm 1995 thì tôi lo, vì Điểu bận điều hành đài phát thanh VNCR từ giữa năm 1995. Như vậy coi như tôi điều hành mọi chuyện cho Thế Kỷ 21 từ đầu năm 1996 cho đến 2007, tổng cộng là 155 số trên tổng số 223 số.


TDN: Trong trên hai trăm số báo, về mặt xã hội, chính trị, sử, đời sống, khoa học, anh có còn nhớ những ai đã cộng tác và họ thuộc thành phần nào không? Và riêng về mặt văn chương (biên khảo, sáng tác…), anh còn nhớ thuộc thành phần, thế hệ nào? Có ai trong nước cộng tác? Có bao nhiêu số có chủ đề đặc biệt?


PPM: Hỏi như vậy là buộc tôi phải nhìn lại “lịch sử” của tờ báo. Cũng là một việc tốt.


Nhìn lại số đầu trước tiên, gọi là Số Ra Mắt, thay vì gọi số 1. Nó có một Hội Đồng Chủ Biên, với Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Xuân Hoàng v.v… Chủ biên là Nguyễn Xuân Hoàng, phụ tá là Hoàng Khởi Phong. Với một nhóm gọi là Biên Tập (không có chữ Ban) khá đông người, xin ghi ra một số: Bùi Bích Hà, Bùi Bảo Trúc, Bùi Vĩnh Phúc, Cao Xuân Huy, Đặng Phùng Quân, Lê Tất Điều, Lưu Trung Khảo, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Mộng Giác, Thế Giang, Trần Thanh Hiệp, Phạm Cao Dương v.v…; và một nhóm Cộng Tác: Mai Thảo, Võ Phiến, Phạm Công Thiện, Phạm Duy, Đào Trung Đạo, Nguyễn Tất Nhiên v.v…


Sở dĩ tôi phải đi lại từ đầu, để cho Nho thấy khi khởi sự, Thế Kỷ 21 đã có một dàn nhân sự viết lách khá hùng hậu. Nó đã khởi đi như thế. Đến số 2 thì thấy Chủ nhiệm kiêm Chủ bút là Đỗ Ngọc Yến. Số 3 lại đổi mới: Chủ nhiệm Đỗ Ngọc Yến, Chủ bút Vương Hữu Bột (Đỗ Quý Toàn), Chủ biên Văn học Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ biên Biên khảo Lê Đình Điểu. Như tôi đã đề cập ở trên, thay đổi vị trí cho hợp lý thôi, thực tế Lê Đình Điểu làm mọi việc. Bốn năm sau số ra mắt (tháng 5, 1989) tôi mới gia nhập vào làm việc biên tập lẫn trị sự, và sáu năm sau, từ đầu năm 1996, tôi mới thật sự “nắm” tờ báo. Dĩ nhiên sáu năm sau thì người cộng tác bài vở có thêm bớt so với lúc ban đầu. Những vị như Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy, Mai Thảo, Lưu Trung Khảo, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng v.v… hầu như không còn đóng góp bài vở nữa, một số vì có tờ báo riêng của họ. Một số cây bút cũ tiếp tục, cộng với nhiều cây bút mới đóng góp thường xuyên:


– Về bình luận thời sự kinh tế chính trị: Ngô Nhân Dụng, Tôn Thất Thiện, Nguyễn Quốc Khải, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Mạnh Hùng, Đinh Xuân Quân, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Minh Cần, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Xuân Nghĩa, Cổ Lũy…


– Về biên khảo (lịch sử, văn hóa, văn học…): Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Lê Văn Lân, Trương Bảo Sơn, Trần Gia Phụng (Canada), Trần Anh Tuấn, Trần Kiêm Đoàn, Tôn Thất Thiện (Canada), Vũ Thư Hiên (Pháp), Đoàn Thanh Liêm, Trần Hữu Thục, Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Hưng Quốc (Úc) Nguyễn Văn Tuấn (Úc), Trần Từ Mai (tức Trần Huy Bích), Trần Ngươn Phiêu, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Hoài Vân (Pháp), Nguyễn Duy Chính, Phan Quốc Sơn, Như Phong Lê Văn Tiến, Cung Tiến, Thụy Khuê (Pháp), Trần Đông Phong, Nguyễn Hữu Chi (Canada), Đặng Tiến (Pháp), Vũ Quốc Thúc (Pháp), Trần Minh Tùng, Tiêu Dao Bảo Cự (Việt Nam), Hà Sĩ Phu (Việt Nam), Nguyễn Minh Cần (Nga), Huỳnh Hữu Ủy, Võ Phiến, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Lâm Lễ Trinh, Lê Xuân Khoa, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Mạnh Hùng (Luân Đôn), Đoàn Viết Hoạt, Phạm Đỗ Chí, Từ Trì (Pháp), Lưu Văn Vịnh, Phan Thanh Tâm, Nguyễn Hữu Chung (Canada), Nguyễn Gia Tiến (Thụy Sĩ), Nguyễn Quốc Trị, Bùi Hạnh Nghi (Đức), Quỳnh Giao, Lữ Phương (Việt Nam), Trần Trung Đạo, Đào Trung Đạo, Nguyễn Huệ Chi (Việt Nam), Phạm Công Thiện, Thang Ma v.v…


– Về sáng tác (thơ, văn): Trần Mộng Tú, Trần Hồng Châu, Tạ Tỵ, Dương Kiền (Na Uy), Võ Phiến, Cung Tích Biền (VN), Trần Doãn Nho, Hồ Minh Dũng, Hồ Phú Bông, Lý Thừa Nghiệp (Úc), Chu Vương Miện, Trần Vấn Lệ, Nguyễn Tường Thiết, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Lê Hồng Hưng (Hòa Lan), Kiệt Tấn (Pháp), Trần Yên Hòa, Song Thao (Canada), Hồ Đình Nghiêm (Canada), Hoàng Chiều Nhân (Canada), Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Hiền (Hòa Lan), Vũ Thư Hiên (Pháp), Lê Lô, Từ Thức (tức là Trần Công Sung, Pháp), Trần Bang Thạch, Trang Châu (Canada), Trần Huy Sao, Tôn Nữ Thu Nga, Luân Hoán (Canada), Lê Minh Hà (Đức), Trần Ngọc Tuấn (Tiệp), Phạm Thị Hoài (Đức), Hòa Đa, Lê Tất Điều, Nguyễn Ái Nhân, Nguyễn Thị Kim (VN), Phan Lạc Tiếp, Hà Kỳ Lam, Hoàng Khởi Phong, Sơn Diệm Vũ Ngọc Ánh, Hồng Khắc Kim Mai, Trần Quán Niệm, Tường Linh (VN), Mạc Phương Đình, Nguyễn Đức Tường (Canada), Bùi Bích Hà, Xuân Đỗ, Du Tử Lê, Hoàng Quân (Đức), Nguyễn Văn Thực (Nguyễn Văn Thà -NaUy), Tâm Thanh, Khánh Hà (Na Uy)… Còn nhiều, không thể kể hết được.


Nói chung, những người đóng góp bài vở cho Thế Kỷ 21 (không kể các tác giả đã qua đời mình đăng lại tác phẩm của họ như Nhất Linh, Khái Hưng, Hồ Hữu Tường, Tạ Ký…) mà tôi liệt kê tên ở trên phần lớn đều là những tên tuổi nhiều người biết, đọc qua là biết thành phần xã hội và thành tích của họ. Có thể nói là những tên tuổi nặng ký, không chỉ riêng trong giới cầm bút hải ngoại, mà là của Việt Nam.


Nhưng tôi sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới các họa sĩ đã đóng góp tài hoa của mình để giúp cho phần mỹ thuật của tờ báo. Trước hết là đôi nghệ sĩ Nguyễn Đồng-Nguyễn Thị Hợp, suốt 18 năm từ số đầu tiên cho đến số cuối cùng của Thế Kỷ 21 đã giữ công việc trình bày bìa báo và đóng góp các minh họa cho các trang trong. Họa sĩ Ngọc Dũng và Vũ Thái Hòa (Pháp) ngay trong những số đầu tiên đã đóng góp nhiều hình vẽ trang trí (vignette), các năm sau có các họa sĩ Thái Tuấn, Đinh Cường gửi tranh đóng góp rất tích cực lâu dài. Các họa sĩ cũng nhiều lần gửi hình chụp các bức tranh quan trọng của mình để làm bìa báo. Thời đó, thập niên cuối của thế kỷ 20, quý vị họa sĩ đều gửi họa phẩm trên giấy, bằng đường bưu điện. Về hý họa, các số đầu thường có tác phẩm ký tên Gúc và Kúm (cho tới nay tôi cũng chưa được biết quý vị này là ai), rồi đến họa sĩ Hiếu Đệ cộng tác một thời gian. Họa sĩ Babui Mamburao vẽ hý họa cho Thế Kỷ 21 trong mười mấy năm liền cho đến ngày báo đóng cửa.


Lục báo cũ riết mấy hôm nay tôi cũng thấy thấm mệt rồi. Về những số báo đặc biệt thì tôi nhớ đâu nói đó thôi nhé: Võ Phiến; Khái Hưng; Phạm Quỳnh; Hồ Hữu Tường; Nhất Linh; Hoàng Đạo; Thạch Lam; Phan Thanh Giản; Nguyễn Gia Trí; Thanh Tâm Tuyền; Trần Văn Tuyên; Từ Chung; Vũ Hoàng Chương; Hà Nội; Sài Gòn; Hội thảo Văn Học Hải Ngoại: Thành Tựu và Tiềm Năng; Cải cách ruộng đất; Sông Cửu Long. Có thể còn, nhưng ít và không quan trọng. Muốn xem lại Thế Kỷ 21 một cách nhanh chóng, Nho có thể vào mục Thư Viện trên Người Việt Online, tìm Thế Kỷ 21 bấm xem là tiện nhất.


TDN: Trong dịp lục tìm lại báo cũ để nói chuyện với anh, tôi tò mò đọc lại nhiều số Thế Kỷ 21 và với con mắt tương đối khách quan, tôi đã gặp những số báo rất hay. Càng về sau hình như càng hay. Tôi bỗng nhớ đến lời Đỗ Quý Toàn nói hôm tôi tới thăm tháng 7/2016 vừa rồi: “Công lớn của ông Minh là thời gian làm báo Thế Kỷ 21, cho đến số cuối cùng.” Theo tôi, đó là một cái nhìn sâu sắc và toàn diện.


PPM: Cám ơn Nho, cám ơn Đỗ Quý Toàn. Nghe lời khen, tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi nghĩ là quý vị sẽ nói công của tôi là tổ chức các cuộc triển lãm và hội thảo, với nhiều thành công vang dội trong xã hội …. nhưng Nho và Toàn chỉ nhắc tới Thế Kỷ 21. Mà nghĩ cho cùng, tổ chức triển lãm hội thảo là công tác nổi, chính làm báo mới là công việc âm thầm mà có ảnh hưởng lâu dài.


TDN: Đúng thế, anh Minh. Theo tôi, có thể nói tạp chí Thế Kỷ 21 là “hơi thở” của miền Nam thời VNCH. Không chỉ là vì Thế Kỷ 21 có mặt của nhiều, rất nhiều những nhân vật đã từng góp phần xây dựng và duy trì chế độ miền Nam về mặt chính quyền cũng như về mặt văn hóa xã hội, mà còn vì cái cách thể hiện, tính chất văn hóa, sự thảo luận nghiêm túc, đứng đắn và lương thiện. Nó cho thấy, những người thua cuộc chỉ “thua cuộc” chứ không thua về chính nghĩa, không thua về văn hóa, về tính nhân bản, về sự tự do cũng như về mặt trí tuệ. Những bài viết trong Thế Kỷ 21 không có cái ngậm ngùi của những kẻ lưu vong, cũng không có cái hằn học của những kẻ thất cơ lỡ vận, hay đổ lỗi cho “ai đó”, mà tràn đầy niềm tin ở một nước VN sẽ được phục hồi. Là một chủ biên, anh có nhận thấy như thế không?


Thế Kỷ 21 cũng còn là “hơi thở” của hải ngoại, về phương diện văn chương, chính trị, tranh đấu cũng như về phương diện đời sống. Nhiều mặt sinh hoạt phong phú của đồng bào hải ngoại cũng như các sự kiện chính trị, xã hội trên thế giới đã được đưa vào. Từ chuyện lạm dụng tình dục trẻ em của một số cha cố ở Hoa Kỳ, cải cách ruộng đất ở miền Bắc, kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát Mậu Thân của Cộng Sản Việt Nam, vụ Khủng Bố 9/11 Hoa Kỳ, những tiết lộ mới về cái chết của tổng thống Ngô Đình Diệm, đại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế, những khám phá của khảo cổ học về Thánh kinh, Cộng Sản Việt Nam phá bia tưởng niệm thuyền nhân tỵ nạn ở Galang và Bidong. Vân vân. Cũng ghi nhận phần sách báo trong tháng, nơi Phạm Xuân Đài đã rất công phu và đầy thiện chí giới thiệu những sách mới. Không phải chỉ là những dòng giới thiệu khô khan, mà là những bài điểm sách nho nhỏ, để giúp độc giả có một cái nhìn về tác phẩm, chứng tỏ người đọc đã bỏ ra thì giờ và công sức, chứ không chỉ “làm cho có”. Anh đã làm công việc này như thế nào?


PPM: Hai đoạn viết về "hơi thở" của Nho rất hay, đó là những nhận xét rất sắc sảo của một cái nhìn khách quan và trí tuệ. Các nhận xét vừa rồi của Nho lâu nay tôi chỉ cảm nhận một cách mơ hồ, bây giờ mới có người phân tích một cách rành mạch. Tôi sẽ dựa vào các nhận xét ấy để khai triển thêm, vì mình là người trong cuộc, bây giờ có một cái nhìn vô tư của "người ngoài" thì dễ cho mình nhìn lại mọi chuyện hơn.


Người thực hiện tờ báo cứ lo cắm cúi làm, có khi không ý thức hết những điều như Nho nhận xét, nhưng khi đọc thì thấy rất đúng, rất phục. Nếu Nho định gợi ý cho tôi đưa ra những nhận xét tổng quát của mình về tờ Thế Kỷ 21 thì tôi nghĩ chỉ cần khai triển hai đoạn vừa nói là cũng đủ vinh dự cho Thế Kỷ 21 lắm rồi. Còn nếu đi sâu vào từng vấn đề của tờ báo, về từng số báo thì lúc đó lại là những công phu khác, phức tạp hơn.


PPM: Buổi sáng nay tôi ngồi xem lại những số báo Thế Kỷ 21 đầu tiên, bắt đầu từ tháng 5-1989. Thời gian đó tôi mới ra tù được hơn một năm, mùa hè 1989 tôi lần đầu tiên đi Hà Nội, để rồi về viết Hà Nội Trong Mắt Tôi. Thời đó anh em ở Mỹ bắt đầu giao động một cách phấn khởi vì những biến chuyển ở Nga và Đông Âu. Những anh em cốt cán của báo Người Việt như Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Đỗ Quý Toàn, Hoàng Ngọc Tuệ v.v… bàn với nhau: nhật báo Người Việt là cơ quan thông tin cho cộng đồng, đồng thời cũng là nơi làm ra tiền để nuôi sống anh em. Cần phải có thêm một tờ tạp chí để nói lên ước vọng, lý tưởng đối với đất nước Việt Nam. Vì thế Thế Kỷ 21 ra đời đúng vào giữa năm 1989.


Tại sao lấy tên Thế Kỷ 21?


Đỗ Ngọc Yến, người đứng đầu nhóm, viết bài mở đầu cho Số Ra Mắt, với nhan đề: "Thập niên 90: bước chuyển tiếp đưa Việt Nam vào thế kỷ 21". Vậy Thế Kỷ 21 coi như là mục tiêu mà tờ báo nhắm tới. Thập niên 90 là 10 năm rèn dũa, chuẩn bị chào đón thế kỷ mới, mà mọi người coi sẽ là sân khấu chính cho quá trình đổi mới và xây dựng Việt Nam.


TDN: Thì ra thế! Xin anh tiếp…


PPM: Qua những số báo mở đầu, với những cây bút uy tín từ trước 1975 ở Việt Nam: Đỗ Quý Toàn, Phạm Cao Dương, Trần Thanh Hiệp, Võ Phiến, Phạm Duy, Mai Thảo, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Công Thiện, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Ngọc Bích, Lê Đình Điểu…; cộng với các cây bút mới nổi ở hải ngoại như Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Bá Trạc, Trần Mộng Tú, Trần Diệu Hằng, Đỗ Kh., Hoàng Mai Đạt… đã tạo ngay tức khắc những số báo nặng ký. Rất trí tuệ. Rất điềm tĩnh. Không hô khẩu hiệu. Không nặng cảm tính. Nghĩa là rất trưởng thành, có trình độ và viễn kiến cao.


Khi tôi bước vào tòa soạn Thế Kỷ 21 trên đường Moran thì tờ báo được ba tuổi rưỡi.


Bây giờ tôi nói qua về việc điểm sách. Lê Đình Điểu là người sáng lập ra mục Sách Báo Trong Tháng, khi tôi vào làm thì đã có mục này, viết khá kỹ. Tôi vốn thích đọc sách, nên xin giữ một chân, mỗi tháng góp nhận xét cho vài ba tác phẩm. Từ đó các bài điểm sách của tôi được nhiều người thích, và dần dần tôi là người duy nhất phụ trách mục đó.


Nhưng làm một mình thì đó là công việc nặng nhọc, trung bình mỗi tháng tôi phải đọc khoảng 10 cuốn sách. Dĩ nhiên không thể đọc hết tất cả các trang của một cuốn sách, nhưng phải tới một mức nào đó để có thể có nhận xét riêng về văn phong, kỹ thuật và câu chuyện trong sách hầu có thể trình bày trong ít chục dòng. Mỗi lần viết điểm một quyển sách tôi như đang sáng tác một cái gì đó, cũng phải động não, rút ruột để nhận định rồi lựa một cách viết cho phù hợp. Nói chung là nặng nhọc, tuy chỉ viết một đoạn ngăn ngắn trong một mục cuối cuốn báo.


Tôi nhớ thời ấy có lần Khánh Trường tới nhà tôi chơi, khen phần điểm sách của Thế Kỷ 21, cho là khá so với một số các tạp chí khác. Cùng trong nghề, Khánh Trường cười cười: Tay nào viết giới thiệu sách cũng vậy, lật sách coi có lời Tựa không, không có thì hơi buồn. Vì có lời Tựa thì công việc rất nhanh, chỉ cần trích vài ba nhận xét (và khen ngợi) của người khác bỏ vào bài là coi như xong (tôi cũng có dùng “phương pháp” này, nhưng ý của tôi mới là ý chính). Một độc giả ở Texas, anh Thiện Ý (thỉnh thoảng cũng có viết bài cho Thế Kỷ 21) đề nghị tôi tập họp những bài điểm sách để in thành sách. Nhưng tôi thấy chưa tới mức đó, các bài viết tuy có kỹ nhưng chưa đạt đến chỗ phê bình sách. Tôi tự thấy mình chưa có trình độ của một nhà phê bình, chỉ nhận xét với tư cách một người đọc sách bình thường, nói ra cảm nghĩ và một số nhận xét của mình cốt chỉ để giới thiệu sách mới cho độc giả tờ báo của mình thôi. In thành sách phải ở một trình độ khác.


Phạm Công Thiện, vốn từ trước chưa quen biết gì với tôi hết, cũng vì đọc Thế Kỷ 21 mà tìm đến nhà tôi chơi mà thành bạn. Có lần Thiện nói đại ý thấy được tấm lòng của tôi qua những bài điểm sách. (Tôi không nhớ mình có điểm cuốn nào của Phạm Công Thiện không).


Khi viết điểm sách, tôi có một quan điểm chung thế này: phải gắng tìm ra ưu điểm để khen, không đào bới khuyết điểm để chê, trừ một số trường hợp cần thiết. Tôi nghĩ đã bỏ nước ra đi tị nạn xứ người, đã lo làm lụng cực nhọc để sống mà còn chịu khó bỏ công viết lách, in sách thì đã là một việc đáng khen, nên khuyến khích. Nên hầu hết bài nào tôi cũng có ý kiến tích cực. Một hôm có một phụ nữ gọi tôi, xưng là độc giả Thế Kỷ 21, trách tôi đã làm cho bà ta mua lầm một quyển sách quá dở, chỉ vì những lời khen của tôi trong bài điểm sách.


Nhưng cũng có lần vì tôi chê một quyển sách mà ông tác giả gần như mở một cuộc bút chiến với tôi!


TDN: Anh cho biết tiếp cách điều hành tờ báo. Cũng xin hỏi rõ: trong việc điều hành và chọn lựa bài vở, anh hoàn toàn tự quyết định hay phải qua Ban Điều Hành của công ty Người Việt (và nhật báo Người Việt)? Nhân tiện, xin anh ghi lại cho vài chi tiết sau (một cách tổng quát): anh đã tổ chức hay bảo trợ tổ chức bao nhiêu lần ra mắt sách và hội thảo, nói chung là các sinh hoạt văn hóa, xã hội? Và Thế Kỷ 21 đã đứng ra xuất bản bao nhiêu đầu sách?


PPM: Về “khung” tổ chức, chúng ta thấy có in trên báo Thế Kỷ 21 một Hội Đồng Quản Trị khoảng 7, 8 người. Tùy thời gian số người này có thể thay đổi, có khi người này ra, người khác vào, nhưng trong đó luôn luôn có các vị như Đỗ Ngọc Yến, Đỗ Quý Toàn, Hoàng Ngọc Tuệ, Phạm Phú Minh… Đó là một hội đồng có tính cách tượng trưng, để cho thấy Thế Kỷ 21 có một tập thể độc lập coi ngó chứ không phải phụ thuộc vào báo Người Việt. Trong thực tế, hội đồng đó không làm việc thường xuyên, người được chỉ định hoặc bầu ra để làm chủ nhiệm hay chủ bút quyết định mọi việc trong việc điều hành tờ báo.


Riêng tôi từ 1995 bắt đầu sát cánh với Điểu trong việc lo bài vở, và từ đầu năm 1997 thì một mình tôi lo cho đến số cuối cùng. “Lo” đây là toàn quyền trong việc chọn lựa bài, thêm mục này, bớt mục kia, tìm ra và quyết định những người hợp tác mới, có sáng kiến làm những số báo có chủ đề đặc biệt. Nói chung, toàn bộ nội dung của tờ báo là do một mình tôi trách nhiệm. Người tham gia sát cánh với tôi nhất là Đỗ Quý Toàn như một cây bút chủ lực về bình luận thời sự chính trị, và giữ một mục nhiều người đọc là Sổ Tay, gom những bài bình luận do Toàn viết đã đăng trên báo Người Việt suốt tháng qua, sửa chữa lại cho gọn và làm nên mục này. Toàn và Điểu (mất năm 1999) là những người hay góp ý về nội dung lẫn hình thức của tờ báo.


Trong tất cả các anh em, tôi là người duy nhất làm việc full time cho Thế Kỷ 21. Tôi làm việc tại nhà, không có văn phòng tại báo Người Việt. Sau khi Điểu mất thì tôi tham gia thêm công việc của đài phát thanh VNCR, viết bài, đọc bài, và vào thời gian cuối, làm Tổng giám đốc.


Điều tích cực nhất cho bản thân tôi từ khi tôi lãnh trách nhiệm làm báo Thế Kỷ 21 là sự quan hệ xã hội. Rất nhanh tôi có được một mạng lưới rất tin cậy từ những người cộng tác, hầu như khắp thế giới. Tôi cho việc này là cái được lớn nhất cho cả cuộc đời tôi, đôi khi làm tôi ngạc nhiên. Từ những vị trí thức mình nghe tiếng đã lâu như Tôn Thất Thiện, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Huy Bích, Phạm Cao Dương, Võ Phiến, Phạm Duy, Nguyễn Gia Kiểng, Thụy Khuê … tự nhiên đến một lúc nào đó bỗng thành những người bạn tâm giao; các người cầm bút cùng lứa với mình, hoặc trẻ hơn như các anh em đi từ Hà Nội đang ở Đông Âu trở nên thân thiết thì rất đông; đặc biệt các gia đình như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Trương Bảo Sơn, Le Mur Nguyễn Cát Tường… thì tuy tôi mới quen biết trong thời kỳ làm báo Thế Kỷ 21, nhưng ngay lập tức cảm thấy gần gũi quen biết nhau như từ lâu lắm rồi, đến độ coi nhau gần như bà con; một số các cây bút trẻ như Nguyễn Văn Thực (Na Uy), Tôn Nữ Thu Nga, Hoàng Quân (Đức)… đã đến với Thế Kỷ 21 và coi tôi như một người bạn lớn tuổi.


Trong một chuyến đi du thuyền với bạn bè trên biển Baltic, tôi lên bến Oslo (Na Uy) được hai vợ chồng nhà văn Tâm Thanh-Khánh Hà đón ở bến tàu để đưa đi chơi. Buổi trưa về nhà anh chị thì được gặp các bạn văn cư ngụ ở Oslo Nguyễn Văn Thực, Trương Kim Anh, Song Chi cùng nhau ăn uống. Trong bữa ăn, Nguyễn Văn Thực nói với mọi người một câu khiến tôi sửng sốt: “Không có anh Phạm Phú Minh thì cũng không có Nguyễn Văn Thực.” Thực giải thích ngay: “Anh Minh đã đăng các sáng tác của tôi trên báo Thế Kỷ 21, nhà xuất bản Thế Kỷ của anh đã ấn hành hai cuốn sách của tôi.” Lúc đó tôi mới hiểu ảnh hưởng sự phổ biến bài vở của một tác giả trẻ trên Thế Kỷ 21 có tầm quan trọng như thế nào. Tối hôm đó trở lại tàu tôi kể lại với các bạn cùng đi câu nói của Nguyễn Văn Thực, thì anh Nguyễn Tường Thiết lại làm tôi sửng sốt hơn nữa khi thốt ra: “Tôi cũng thế, không có anh thì không có tôi.” Các câu nói đó chỉ để khẳng định một điều: tờ báo Thế Kỷ 21 quả là có ảnh hưởng khá quan trọng đối với uy tín của các cây bút cộng tác.


Không có mạng lưới quen biết được thành hình một cách rất tự nhiên do việc làm báo thì coi như tôi không thể nào làm thành công trong việc làm báo nói chung, hoặc khi thực hiện những số báo đặc biệt, hay lớn lao hơn, tổ chức các buổi tưởng niệm, triển lãm, hội thảo .… Cái mà tôi gọi là “mạng lưới” đó thật ra là một khối tinh thần, một tình thân thiết, tin cậy xuất hiện giữa tôi và một số rất đông người trong giới văn hóa. Dĩ nhiên là qua tờ báo, nhưng đôi khi tôi thấy tờ Thế Kỷ 21 chỉ là một cái cớ, một chất xúc tác trực tiếp, còn cái duyên chữ nghĩa, duyên văn nghệ, văn hóa giữa mình và họ dường như đã tồn tại sẵn đâu tự bao giờ…


Trở lại mấy câu hỏi của Nho về các buổi ra mắt sách, các chương trình hội thảo, triển lãm, các số báo đặc biệt và việc xuất bản sách của Thế Kỷ 21. Đó là các mảng khác nhau về tính chất và tầm cỡ tổ chức.


Về sinh hoạt ra mắt sách, thực ra tôi rất ít khi tổ chức. Người khác tổ chức và mời mình phát biểu thì nhiều. Có thời gian anh em ta viết sách rất hăng, và trong chỗ bạn bè mình phải nhận lời mời phát biểu cũng hơi dồn dập. Cũng có trường hợp họ đưa sách đọc trước, mình thấy không thích hợp để phát biểu, phải từ chối. Các buổi ra mắt sách là loại sinh hoạt nhỏ, gọn, ảnh hưởng trong xã hội không lớn, nhưng nó hâm nóng hoạt động văn học nghệ thuật trong cộng đồng.


Không thể nhớ hết đã phát biểu bao nhiêu lần ra mắt sách, nhưng nhớ một số bài phát biểu mà chính mình và tác giả cuốn sách đều hài lòng. Ví dụ bài nói về cuốn Thơ Tuyển Bốn Mươi Năm 1969-2009 của Trần Mộng Tú; bài điểm cuốn Hồi ký của Vũ Quốc Thúc (tác giả ở Pháp nhưng nhờ nhà xuất bản tổ chức ra mắt sách tại báo Người Việt, Nam California, Hoa Kỳ. Xong việc, tôi gửi bài phát biểu qua Pháp cho tác giả đọc, được trả lời: Tôi đang bệnh, nhưng đọc bài của anh tôi hết bệnh)…


TDN: Trong số nhiều sinh hoạt mà anh đứng ra, trực tiếp hay gián tiếp, tôi có tham dự và làm thuyết trình viên vài lần. Gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất là cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Ðoàn và Văn Học Miền Nam. Riêng anh, (những) lần sinh hoạt nào khiến cho anh mãn nguyện nhất?


PPM: Hai cuộc hội thảo sau đây để lại cho tôi nhiều ấn tượng tích cực nhất:


Ngày Phạm Quỳnh: Đối với tôi, Phạm Quỳnh gần như là một nhân vật huyền thoại. Tổ chức Ngày Phạm Quỳnh (tháng 5, 1999) và làm số báo Thế Kỷ 21 về Phạm Quỳnh là những việc tôi cho là cần thiết để chiếu rọi ánh sáng vào nhiều nơi còn khuất lấp trong cuộc đời cũng như trong cái chết của ông.


Trước ngày hội thảo tôi có một buổi gặp gỡ các người con của học giả Phạm Quỳnh là chị Phạm Thị Hảo (con gái thứ năm của học giả, đến từ Maryland), chị Phạm Thị Hoàn (con gái thứ tám, đến từ Paris), anh Phạm Tuân (con trai út, cũng đến từ Maryland). Buổi trò chuyện này được công ty điện toán Kicon quay phim và đưa lên mạng lưới Internet toàn cầu. Ngoài những kỷ niệm êm đềm trong gia đình do bà Hoàn và ông Tuân gợi lại, bà Phạm Thị Hảo đã kể chuyến đi tìm hài cốt của cha vào năm 1956 do chính bà thực hiện. Lần đầu tiên sự việc này được người trong gia đình thuật lại, khiến nhiều người rất xúc động.


Tôi xin trích một đoạn thư của anh Phạm Tuân gửi ban tổ chức sau khi Ngày Phạm Quỳnh kết thúc:

“Là người con của gia đình, sau khi dự Ngày Phạm Quỳnh về lại Maryland, tôi còn cảm thấy bàng hoàng, xúc động trước những sự việc xẩy ra, với những gì các anh chị bên ấy đã làm… Ngày 8 tháng Năm 1999 là một ngày khó quên, ngày mà chúng tôi, những hậu duệ của cố học giả Phạm Quỳnh mong mỏi, chờ đợi từ hơn một nửa thế kỷ! Với ‘Ngày Phạm Quỳnh’ cha tôi đã sống lại trước lịch sử! (…)


Chẳng nói nhiều, các anh chị cũng thừa hiểu chúng tôi cảm kích, tri ơn công việc của các anh chị sâu xa đến chừng nào.” (Phạm Tuân – Silver Spring, MD).

 

Từ trái: Phạm Tuân, Phạm Thị Hoàn, Phạm Phú Minh,
Phạm Thị Hảo và Tôn Nữ An (cháu ngoại Phạm Quỳnh)
trong buổi trao đổi tại Kicon, 5.1999.

– Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn: Đã diễn ra trong hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2013 tại báo Người Việt, Nam California. Từ mười năm trước tôi đã làm số báo Thế Kỷ 21 đặc biệt và xuất bản một cuốn sách về Nhất Linh. Rồi đến năm 2011 cùng với một số anh chị em sưu tầm và số hóa xong báo Phong Hóa và Ngày Nay. Vào mùa hè năm 2012 anh Nguyễn Tường Thiết cho tôi biết vào tháng 7 năm 2013 bà con Nguyễn Tường sẽ tề tựu về Little Saigon để làm đám giỗ kỷ niệm 50 năm Nhất Linh qua đời (7/7/1963 – 7/7/2013), tôi bỗng nảy ra ý “phải làm một cái gì đó” nhân dịp này. Đây là lần đầu tiên sáng kiến tổ chức do một mình tôi nghĩ ra, những lần khác là do gợi ý và cùng bàn bạc với một số bạn bè.


Hậu duệ của thế hệ Tự Lực Văn Ðoàn trong ngày hội thảo tại Nhật Báo Người Việt.


 

Từ trái: Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang (con trai nhà văn Thạch Lam), nhà văn Doãn Quốc Sĩ (con rể nhà thơ Tú Mỡ), ông Trần Khánh Triệu (con nuôi nhà văn Khái Hưng), nhà văn Phạm Thảo Nguyên (con dâu nhà văn Thế Lữ), nhà văn Nguyễn Tường Thiết (con trai nhà văn Nhất Linh), bà Minh Thu (con gái nhà văn Hoàng Ðạo). (Hình: Triết Trần/Người Việt)


    Kỷ Yếu Triển Lãm Và Hội Thảo Về Báo Phong Hóa Ngày Nay Và Tự Lực Văn Đoàn

Như mọi người đã thấy, đây là một công cuộc sinh hoạt triển lãm và hội thảo về văn học có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại hải ngoại. Cuốn Kỷ Yếu và bộ DVD về cuộc hội thảo đã ghi lại diễn tiến suốt hai ngày. Tôi nghĩ tầm vóc cuộc triển lãm và hội thảo cùng số người tham dự đông đảo một cách khác thường xứng đáng với tầm quan trọng của Tự Lực Văn Đoàn và ảnh hưởng của nó đã tạo được trong xã hội.



    Hội Thảo Về Văn Học Miền Nam
    1954-1975

Cuộc hội thảo Văn học Miền Nam do anh Nguyễn Hưng Quốc đứng ra tổ chức năm 2014 tôi cũng rất tâm đắc, vì cũng là mảng văn học bị cộng sản vùi dập, chúng ta cùng ngồi lại đặt để lại giá trị tự thân của nó.


TDN: Ngoài phần làm báo, tổ chức sinh hoạt văn học nghệ thuật, anh còn đứng ra xuất bản một số tác phẩm có tính chất đặc biệt, chẳng hạn như tuyển tập Võ Phiến, truyện của Nguyễn Bình Phương và một vài tác giả khác. Tập kỷ yếu Tự Lực Văn Đoàn cũng rất công phu, sẽ trở thành một tài liệu văn học quý giá sau này. Với riêng cá nhân tôi, tác phẩm gây nhiều ấn tượng nhất là Nghệ Thuật tạo hình Việt Nam của Huỳnh Hữu Ủy. Một, đó là công trình biên khảo hội họa duy nhất tính cho đến nay về hội họa Việt Nam; và hai, Ủy là bạn thân của tôi, chúng tôi đã sống qua cả một thời nhiễu nhương từ khi còn mài đũng quần trong lớp đệ thất cho đến nay khi ra hải ngoại và theo dõi rất sát, rất kỹ con đường viết lách của Ủy. Trong lời đề tựa cho cuốn sách, anh cho biết “chi phí in ấn khá cao” khiến cho việc in tác phẩm này mất nhiều thời gian và cần sự giúp đỡ của nhiều người có thiện chí với nghệ thuật. Cho nên, khi cầm cuốn sách trên tay, độc giả “cảm thấy được sức nặng của bao khó nhọc, bao quyết tâm và bao tấm lòng.”


Nhưng nói chung, dù là làm gì và làm cho ai, tôi thấy trong đó có tấm lòng của anh đối với văn học nghệ thuật Việt Nam, đúng không? Đó có phải là động lực thúc đẩy anh làm việc? Hay có yếu tố nào khác?


PPM: Đang làm báo, sao lại nhảy vào việc xuất bản?


Mọi chuyện tình cờ thôi. Tháng 7 năm 2002 tôi thực hiện số đặc biệt về Nhất Linh, khá tốt, với sự yểm trợ tài liệu của cô Kim Anh con ông Trương Bảo Sơn từ Canada, và Nguyễn Tường Thiết từ Seattle mà tôi mới quen biết. Số báo đó bán chạy, một thời gian ngắn là tuyệt bản, đó là một hiện tượng hiếm có trong làng báo. Nhiều người gửi thư về tòa soạn hỏi mua, vì địa phương của họ không còn số nào. Đến một lúc tòa soạn cũng hết luôn, tôi nghĩ phải làm một cuốn sách, chứ có ai đi “tái bản” một số báo bao giờ. Thế là tôi bắt tay làm cuốn Nhất Linh Người Nghệ Sĩ Người Chiến Sĩ, với bài vở lấy từ số báo cũ cộng thêm một số bài viết mới. Vì tài liệu về Nhất Linh phong phú và thú vị quá nên tôi quyết định làm một cuốn sách thật đẹp, in màu trên giấy láng. Được cái, tuy nhà xuất bản là Thế Kỷ (do Điểu sáng lập, đã xuất bản một số sách), nhưng tất cả kinh phí in ấn lần này đều do Người Việt đài thọ hết.



Đến Tuyển Tập Võ Phiến cũng thế, tôi đứng ra chủ trương nhưng nhật báo Người Việt lo chuyện in ấn bên Đài Loan, theo chỉ dẫn của chị Trương Anh Thụy in tại nhà in quen, do một người Tàu Chợ Lớn quản lý. Tôi giới thiệu nhà in này cho một số bạn bè, từ đó Song Thao cho đến hôm nay vẫn còn in Phiếm với ông Tàu Chợ Lớn này.


Sau vụ này tôi “đỡ đầu” việc xuất bản sách của một tác giả mới của Thế Kỷ 21, là Nguyễn Văn Thực bên Na Uy, quyển Người Thích Nhìn VúBên Giòng Sông Hằng. Rồi đến sách của Nguyễn Đức Tường, Tà Áo Văn Quân.


Cuốn Nghệ thuật tạo hình Việt Nam của Huỳnh Hữu Ủy thoạt đầu tôi cũng có ý định tự mình xuất bản, nhưng sau thấy quy mô cuốn sách lớn quá so với sức của mình, tôi phải chia sẻ công việc và trách nhiệm cho nhiều người mới thành được. Nhờ sự tháo vát của lớp trẻ thuộc hội VAALA (Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ) mà Y Sa, con của Lê Đình Điểu, là người đứng đầu, từ sắp xếp lại nội dung, tìm nhà in bên Đại Hàn, vận động tài chánh cho đầy đủ sách mới xong (phải có số tiền 20 ngàn đô la mới bắt đầu được, trong đó tôi kiếm được 10 ngàn). Hội VAALA cũng do anh em Người Việt thành lập vào đầu thập niên 1990, sau khi Điểu lâm bệnh nặng và qua đời thì Hội được chuyển lại cho lớp người trẻ.


Riêng cuốn Xe Lên Xe Xuống của Nguyễn Bình Phương tôi in năm 2011 khi không còn tạp chí Thế Kỷ 21 nữa, mà đã bắt đầu thời kỳ Diễn Đàn Thế Kỷ (một tờ báo mạng do tôi phụ trách từ năm 2010). Một người quen với tôi ở Hà Nội trình bày với tôi Nguyễn Bình Phương vừa viết một cuốn sách rất đặc biệt, có nhu cầu xuất bản ở hải ngoại vì trong nước chắc chắn bị cấm. Thời gian này tôi không có ý định làm xuất bản nữa, nhưng khi nghe như vậy, tôi bảo gửi bản thảo cho tôi, đọc xong tôi quyết định xuất bản ngay. Cũng hơi liều, lần này in sách phải lấy tiền nhà mà trả chứ Diễn Đàn Thế Kỷ không có đồng xu nào. May mà cũng thu được vốn, và gửi sách thay nhuận bút cho tác giả đầy đủ.


Quyển cuối là Kỷ Yếu hội thảo Tự Lực Văn Đoàn, lấy tiền bá tánh mà in (mượn, hoặc tặng), rồi cũng in được đàng hoàng và trả hết nợ.


Tôi in một quyển sách khi nào tôi thấy cuốn đó cần in hay đáng in, chỉ có hai tiêu chuẩn đó thôi. Khi lời khi lỗ, khi vận động người khác yểm trợ chi phí, nhưng hình như không lúc nào tôi có cảm giác được “lời” về tiền bạc. Ví dụ cuốn Kỷ Yếu sau khi thu hồi được vốn, có ai hỏi, tôi tặng chứ không bán nữa (trừ các nhà sách).


Nhân đây tôi xin nói thêm về một sinh hoạt văn hóa khác do tôi sáng lập năm 2003 còn hoạt động tới ngày nay, đó là cuộc Thi Vẽ Thiếu Nhi nhân dịp Tết Trung Thu. Năm đó ngoài việc làm báo Thế Kỷ 21, tôi còn lo đài phát thanh VNCR, có lẽ vì công việc hằng ngày nhộn nhịp mà tôi nảy ra ý tổ chức cuộc thi vẽ này. Ngay lần tổ chức đầu tiên tại báo Người Việt vào dịp Tết Trung Thu năm 2003, cuộc thi vẽ đã đạt quy mô lớn với khoảng 300 thí sinh thiếu nhi và thiếu niên, và có tiếng vang rất tốt về phẩm chất cũng như là một sinh hoạt có ý nghĩa trong cộng đồng. Các năm tiếp theo thì hội VAALA đều đặn phụ trách tổ chức tổng cộng đã được 12 lần, chỉ có Trung Thu năm nay 2016 thì tạm nghỉ một năm vì Hội bận quá nhiều việc khác.


TDN: Hà nội trong mắt tôi, một bút ký nhẹ nhàng nhưng sâu lắng và thấm thía. Tôi cũng đã từng ra Hà Nội nhiều lần và viết về Hà Nội như anh, qua bài “Lô Sơn Yên Tỏa.” Tôi tìm thấy rất nhiều điều tương đắc. Mấy chục năm sau, tuy bây giờ Hà Nội đã thay đổi nhiều, nhưng những nét chính, sản phẩm của một chế độ chính trị hà khắc, dường như vẫn thế. Tôi ghi lại vài đoạn:

– “Chỉ tiếc khi nhìn ngôi sao trên đỉnh tháp Rùa thì trí tưởng tượng của tôi về câu chuyện con rùa đòi thanh gươm của Lê Lợi không thể nào hoạt động được, nó tê cứng như con chuột bị con rắn thôi miên vậy. Tôi tự hỏi có phải trong trường hợp nào cũng cần phải đem cái hiện tại đè lên trên cái cổ truyền như thế không. Thỏa mãn một nhu cầu nhất thời có khi lại làm hại một sự thành tựu đã lâu đời.”


– “Công thức sống tại thành phố này là: tôi là trung tâm, cái gì không phải tôi chỉ là phụ. Mọi cái xoay chung quanh là để phục vụ cho tôi, tôi tìm mọi cách khai thác cho mình tất cả những gì có thể khai thác được trong tầm tay. (…) Còn nếu cố tìm một chữ để diễn tả chung lối sinh hoạt của dân Hà Nội thì tôi thấy không chữ nào hơn là chữ “tùy tiện.” Từ việc lưu thông trên đường, đến mua bán, đến lấy nước, tắm giặt… tất cả đều theo một nguyên tắc: làm theo cách nào tiện lợi cho mình nhất thì làm.”

Một đoạn trong bài “Chùa là cái Thiện của làng”:

– “Tức là người dân trong xã hội miền Bắc không những bị ngăn chặn thông tin với thế giới bên ngoài mà còn bị ngăn chận với thế giới bên trong của họ: họ thiếu tôn giáo, thiếu hẳn sự thể nghiệm, sinh hoạt cái tâm thức vô cùng sâu thẳm và phong phú vốn con người ai cũng có.”

PPM: Không ngờ Nho đọc lại “Hà Nội trong mắt tôi,” tôi rất cảm động…


TDN: Tôi đọc cuốn này lâu lắm rồi, từ khi mới qua Mỹ, sách do Nguyễn Mộng Giác gửi tặng. Và mới đọc lại đây.


PPM: Tôi viết bài Hà Nội trong mắt tôi tại Sài Gòn sau khi đi Hà Nội chơi trong một tháng mùa hè năm 1989. Một tháng ở nhà ông anh ruột, đảng viên, trung tá, nhưng thời anh tôi còn đi học tại trường Lê Khiết, Quảng Ngãi (1948-52) vẫn còn chịu ảnh hưởng của hai ông anh rể đều là Quốc Dân Đảng, nên cái nhìn của ông anh về mọi sự khá quân bình và hiểu biết chứ không giáo điều như những kẻ ít học hoặc bị bưng bít. Ngay cả bà chị dâu, tốt nghiệp kỹ sư dệt tại Liên Xô, cũng có cái nhìn thoáng, và đặc biệt bà ấy ghét Tố Hữu thậm tệ.


Chính hai ông bà rủ tôi đi xem vở kịch Trái Tim Chó tại nhà hát lớn Hà Nội, xem xong bà có vẻ bị sốc có lẽ vì không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của kịch bản, cho mãi khi đọc bài Hà Nội trong mắt tôi thì thắc mắc của bà mới được giải tỏa. Bây giờ cả hai ông bà đều đã quy tiên, và tôi thấy cảm tình của tôi đối với ông anh tập kết và chị dâu rất sâu đậm.


Nhờ ở Hà Nội một thời gian lâu và được gặp gỡ tương đối nhiều giới qua vợ chồng ông anh, tôi đã quan sát được những điều như Nho mới trích dẫn. Hà Nội bây giờ thì chắc bề ngoài thay đổi nhiều lắm rồi, những cái ngô nghê như ngôi sao trên đỉnh tháp Rùa hẳn là đã được dẹp bỏ, nhưng lắm điều đã gắn chặt vào tâm tính, tâm hồn người dân miền Bắc của thời xã hội chủ nghĩa khắc nghiệt bây giờ cũng không cách nào gột rửa một cách nhanh chóng được. Những thứ mà tôi gọi là “gắn chặt” ấy không nằm trong ý thức hệ cộng sản đâu, tôi nghĩ hầu hết dân miền Bắc giờ này, với nhiều mức độ khác nhau tùy trình độ, đều đã ngộ ra lý thuyết cộng sản là thứ dỏm. Cái còn dính mãi trong tâm trí họ là hậu quả của cuộc sống kinh tế chỉ huy, là một cuộc sống vừa bị đè nén vừa nghèo đói của thời xã hội chủ nghĩa. Nó đã tạo nên trong con người sống thời đó một loại bản tính thứ hai, và mãi đến ngày hôm nay vẫn còn phảng phất nơi họ như một thứ bản năng. Nếu so sánh thì thấy người miền Nam khác hẳn, không hề có những đặc tính như vậy, mà tôi nghĩ phải trải qua những năm tháng cực khổ thiếu thốn và bị đè nén như thế nào những dấu vết như thế mới hằn đậm nét lên tâm tính của con người. Dĩ nhiên đây chỉ là nhận định tổng quát của tôi, nhưng có nguồn gốc từ những quan sát cụ thể từ nhiều cá nhân mà tôi tiếp xúc. Ít nhiều ai trong xã hội đó đều bị vướng vào cái mà tôi tạm gọi là bản tính thứ hai ấy. Dĩ nhiên không phải là lỗi ở họ, mà ở chỗ chế độ khắc nghiệt mà họ đã sống.


Phần tâm linh cũng bị méo mó sau thời gian sống trong xã hội miền Bắc: nó mang tính thực dụng rõ rệt. Chính quyền sau mở cửa càng tiếp sức để làm hư hỏng tín ngưỡng bằng những “lễ hội” đầy mê tín với mục tiêu rõ rệt là kiếm tiền. Trong Hà Nội trong mắt tôi, tôi chỉ quan sát lớp người cũ chưa ra khỏi ảnh hưởng của những năm cấm đoán tôn giáo nghiệt ngã, vừa nhân danh xã hội chủ nghĩa vừa lý do chiến tranh. Hồi đó chưa có những hiện tượng lễ hội hoành tráng nhưng rỗng tuếch về ý nghĩa như sau này.


TDN: Tôi ra miền Bắc nhiều lần, bon chen kiếm sống, đi nhiều nơi, nhiều vùng khác nhau (anh có thể đọc thấy qua những bài ký đăng trên Thế Kỷ 21 và in lại trong Loanh quanh những nẻo đường) nên nhận thấy cái chế độ chính trị “hà khắc” này thoát thai từ ý thức hệ Cộng Sản, khiến cho nó “hà khắc” còn hơn cái hà khắc của một bạo chúa ngày xưa. Chính cái ý thức hệ này, khi mang ra áp dụng, tạo ra những biến tướng, những dị bản trong tâm lý người dân, lắm khi người ta không tìm thấy sự liên hệ. Hồi đó, khoảng năm 1983, có lần tôi đi tàu lửa, xuống ga Vinh, chứng kiến cảnh hàng chục người vây quanh đánh đập liên tục và không thương tiếc một cậu thiếu niên chỉ vì bắt gặp cậu ta ăn cắp một cái trứng gà, trong lúc những người khác chứng kiến một cách khoái trá. Mới nhìn, ta thấy có vẻ như chứng tỏ những người đó rất ghét cái ác, cái bất lương. Thực ra, tôi nhìn thấy có vẻ như họ thiếu cái ‘thiện” thông thường, trả thù cái “hà khắc” bằng sự hà khắc với nhau. Một cách giải tỏa tâm lý.


Nhưng thôi, hãy trở lại chuyện văn chương. Hầu như tất cả các hoạt động của anh đều dính líu trực tiếp đến văn chương. Và anh viết văn. Rất văn. Nhưng trông bộ anh không quan tâm đến chuyện sáng tác mấy. Truyện không thấy viết. Thơ không hề thấy. Sau Hà Nội trong mắt tôi, tập hợp những bài viết in rải rác đó đây, về sau này, anh viết khá nhiều: giới thiệu sách, những bài bút ký, những bài điểm sách, giới thiệu sách hay những bài tản mạn khác về văn học, văn hóa, chính trị…Nhiều bài đọc rất thấm, chẳng hạn bài “Vang bóng một thời sắp qua”.


Anh quan niệm MÌNH như thế nào? Và anh nhìn văn chương như thế nào?


PPM: Chuyện tôi không viết văn thì rất rõ, nhưng Nho là người đầu tiên phát giác là tôi không hề sáng tác. Tôi tự biết điều đó từ lâu. Truyện ngắn đầu tiên và cuối cùng tôi viết là đăng trên báo xuân của trường Chu Văn An niên khóa 1959-60, khi tôi học Đệ Nhất C ở đó. Tôi không bao giờ làm thơ. Nói chung, tôi không có năng khiếu sáng tạo. Những gì tôi viết thiên về nhận xét, bình phẩm một cái gì đó, ngay cả ở các du ký. Khuynh hướng ấy nếu đẩy cao một chút nữa thì có thể là nhà phê bình, nhưng vì tôi không học cao về lý thuyết văn chương, nên chỉ làm người điểm sách. Mình biết cái tầm của mình chỉ ngang đó.


Những bài có chút trình độ “văn” của tôi chính là các tùy bút, vẫn chứa nhiều nhận xét, bình phẩm, ít khi mang được tình cảm của mình vào. Thì cũng có lúc cảm khái, chẳng hạn khi thấy cả một thế hệ của nhà văn miền Nam sắp đi qua, ghi xuống một chút tình cảm xúc động. Chút ít như vậy thôi. Hình như ngòi bút của tôi lý trí nhiều hơn tình cảm, và thiếu chất tài hoa. Trong các bài thi thời trung học không bao giờ tôi chọn luận đề văn chương, mà chỉ viết về “nghị luận luân lý” hoặc cái gì tương tự. Cái “tôi” viết lách tóm lại chỉ có bấy nhiêu.


TDN: Tôi chẳng “phát giác” cái gì cả. Chưa hề đọc được sáng tác nào của anh thì bảo anh chưa hề sáng tác, thế thôi. Một cách hỏi để được trả lời ấy mà.


Ngược lại với nhận xét của anh về mình, tôi nhận thấy những bài viết của anh, chất văn rất nhiều, lại đậm đà hơn nhờ những suy gẫm. Có thể nói là một loại văn-triết. Văn lai triết. Loại văn lai lai này khiến nó trông có vẻ … nghị luận, nói theo kiểu của anh. Thì tránh sao được. Bao năm lặn sâu vào những suy tư triết học làm sao không “méo mó nghề nghiệp”. Chả thế mà nhìn sự vật bao giờ cũng nhìn qua lăng kính của những cảm nhận của một người suy tư. (Tôi cũng học triết, nên có người chê tôi là cách viết văn của tôi khi nào cũng mang tính lý sự.) Văn triết cũng là văn. Nhưng nhất định không phải là nghị luận luân lý. Những bài viết của anh đậm đà chất tùy bút. Nó lang bang, nhưng không lang bang …một cách vô định. Này nhé,

“Nhưng các đám mây tím ấy mang một vẻ đẹp kỳ lạ. Cao mà không ngạo, tím mà thanh thoát, như một lời hẹn hò mà không mong sự tương phùng. Nó là một nỗi bâng khuâng. Nó đưa người ta trong một chốc lát vào một tâm cảnh huyền hoặc tựa hồ trong dáng vẻ và màu sắc ấy có chất ma túy nhẹ và loãng nhưng đủ gây một ma lực khiến bâng khuâng, tưởng như trong ấy cảnh và người của một kiếp xa xôi nào đấy, nhưng lâng lâng niềm vui chờ mong của một cuộc hẹn hò mãi mãi.” (“Hoa tím bâng khuâng,” Phạm Xuân Đài)

PPM: Cám ơn Nho…


TDN: Ngoài việc điều hành trang mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, anh còn dự tính gì cho những hoạt động tương lai?


PPM: Ngoài chuyện làm báo, hiện nay tôi đang viết hồi ký. Đó không phải là một “dự định” mà là một việc tôi đã bắt đầu làm khá lâu rồi, có thể từ mươi năm nay, nhưng còn mịt mù không biết bao giờ thì xong. Vì thế cuốn hồi ký ấy cũng có thể coi là một công việc của tương lai.


Tôi viết không liên tục, thường hay bỏ dở dang khi bận những việc khác. Có dạo Thơ Thơ khuyên tôi một ý rất hay, là đừng viết hồi ký theo lối biên niên, mà theo từng sự việc nổi bật trong đời. Theo lời khuyên ấy tôi đã viết cho Da Màu bài Tết năm Đinh Hợi-1947, là cái tết cuối cùng ở làng trước khi gia đình tôi đi tản cư. Tính tôi hay bỏ dở dang công việc lắm, khi qua cơn hào hứng ban đầu tôi xao lãng dần, có khi quên phứt luôn. Một số bài du ký tôi đăng trên Thế Kỷ 21 trước đây cũng ở trong tình trạng dở dang như vậy. Được cái báo một tháng mới ra một lần nên độc giả cũng chẳng để ý, mà chính tôi cũng chẳng để ý, coi như quên luôn, coi như bài ấy đã kết thúc rồi. Rồi cũng xong.


Vì thế “dự án lớn” hồi ký đời tôi không biết có dấu chấm hết trước khi tôi chết không, dù là viết theo biên niên hay theo sự kiện. Dù năm nay tôi đã 78 rồi tôi cũng không cảm thấy cần phải nhanh với chứ vội vàng lên với chứ chút nào hết. Mọi việc vẫn tà tà theo cái cách của tôi, tới đâu thì tới.


Việc viết hồi ký là thiết thân với mình mà tôi còn cà rề như vậy, huống chi các việc khác liên quan đến những vấn đề như văn học, chính trị, xã hội… thì tôi càng thấy “lỏng lẻo” lắm, vì cảm nhận rất rõ lực bất tòng tâm rồi. Có lẽ chỉ còn một việc mà tôi cho là rất đáng làm bây giờ, đó là nghiên cứu kinh Phật. Đôi khi tôi tự hỏi, đến khi nào thì trí tuệ và tâm linh mới nhập được làm một đây ?!


TDN: Mừng anh! Hy vọng điều này sẽ giúp anh luôn luôn tìm thấy bình an trong tâm hồn.


Nhưng trước khi chấm dứt câu chuyện, xin hỏi anh một câu hỏi có hơi riêng tư một chút. Tên anh là Phạm Phú Minh, “Phạm Phú” ở đây có liên hệ gì đến nhân vật Phạm Phú Thứ trong lịch sử?


PPM: Tôi là cháu cố trực hệ (ba đời) của ông Phạm Phú Thứ, người làm phó sứ cho phái bộ Phan Thanh Giản đi sứ qua Pháp năm 1863 dưới thời vua Tự Đức.


TDN: Thì ra thế! Là hậu duệ của một nhân vật lịch sử, anh có cảm tưởng gì đặc biệt về ông cụ cố?


PPM: Làm cháu của một danh nhân thì luôn luôn có một niềm vinh dự, nhưng nhiều khi cũng… bứt rứt. Tôi có một bà cô ruột (chị của cha tôi), một lần trước 1975, khi ấy cô đã ngoài tám mươi, đã hỏi tôi rằng: “Như anh Hiển của con, qua Pháp đi học đậu được bằng cấp như thế, thì đã bằng ông cố ngày xưa chưa?” Cô của tôi, một bà già không biết chữ suốt đời lo việc tằm tang, tại sao đã hỏi tôi một câu như thế? Rõ ràng là trong tâm hồn cô tôi luôn luôn có sự theo dõi, so sánh và mong ước đám con cháu được lừng lẫy. Nhưng một mảnh bằng tiến sĩ trên đất Pháp mà đem so sánh với sự nghiệp của ông cố tôi, thì quả thật khó quá!


Theo tôi, ảnh hưởng quan trọng nhất của tổ tiên đối với con cháu là việc tạo lập nên một nề nếp trong đời sống. Nếu một nhân vật trong quá khứ đã đánh dấu được một thành công nổi bật nào đó về nhân cách, về tài năng, về đức độ, về học vấn thì cả gia tộc được hưởng trực tiếp nề nếp tinh thần của một cách sống, cách ứng xử cho hợp với đạo đức và danh dự mà chúng ta gọi là gia phong. Một nhân vật sáng chói của một giòng họ lúc nào cũng như hiện diện để nhắc nhở con cháu một điều gì đấy, luôn luôn khiến mình phải cảnh giác không phạm phải những điều không xứng đáng. Đó là cái tôi cảm thấy rõ rệt nhất trong đời tôi, với tư cách là cháu của cụ Phạm Phú Thứ, một nhân vật lịch sử.


(Thực hiện qua email, từ tháng 6/2016 đến tháng 9/2016)

Trần Doãn Nho

Nguồn: diendantheky.net