20-11-2015 | VĂN HỌC

Từ Biệt Nhà Văn Phùng Nguyễn

  PHAN TẤN HẢI

Nhà văn Phùng Nguyễn đã ra đi.


Lần mới nhất giới cầm bút Nam Cali gặp Phùng Nguyễn là khi anh bay về Quận Cam dự tang lễ nhà văn Võ Phiến. Lúc đó là tuần lễ đầu tiên của tháng 10-2015, trông Phùng Nguyễn vẫn khỏe mạnh, vẫn nói cười đi lại nhanh nhẹn. Vậy mà vài tuần lễ sau, lại có tin Phùng Nguyễn từ trần.


Bản tin trên Da Màu loan báo:

Tin Buồn


Tạp chí Da Màu vô cùng đau buồn báo tin nhà văn Phùng Nguyễn, đồng sáng lập viên tạp chí Da Màu, người bạn, người anh em thân yêu của chúng tôi, vừa đột ngột qua đời sáng ngày hôm qua, thứ Ba 17 tháng 11, 2015 tại Adventist Hospital, Takoma Park, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ.


Nhà văn Phùng Nguyễn, tên thật Nguyễn Đức Phùng, sinh năm 1950. Đi lính từ năm 1968.


Đến Hoa Kỳ năm 1984. Cao Học ngành Quản Trị Kinh Doanh, làm việc trong ngành Tin Học và từng sống và tại California.


Bắt đầu viết từ năm 1994, đã cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, talawas.org, tienve.org, damau.org…

Chủ bút tạp chí Hợp Lưu (năm 2002)

Đồng chủ trương tạp chí mạng Da Màu (2006)

Chủ trương thư viện online Trên Kệ Sách (2008)

Chủ trương Trung tâm ấn hành eBook Kệ Sách (2011)

Phụ trách Blog Phùng Nguyễn: Rừng & Cây trên VOA (Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ)


Sách đã xuất bản:

Tháp Ký Ức, nxb Văn, 1998

Đêm Oakland và Những Truyện Khác, nxb Văn, 2001


Sự ra đi của nhà văn Phùng Nguyễn là một mất mát lớn cho văn học hải ngoại, tạp chí Da Màu, gia đình, và những người bạn thiết của anh.”

 

Trong buổi tiễn đưa nhà văn Võ Phiến đầu tháng 10-2015 tại Little Saigon, California.
Từ phải: các nhà văn Ngô Thế Vinh, Phan Tấn Hải, PHÙNG NGUYỄN, nhà thơ Đặng Hiền,
nhạc sĩ Trần Chí Phúc, nhà thơ Trịnh Y Thư.

Trên trang VOA, lời loan báo như sau:

“Ban Việt ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ rất đau buồn báo tin đến bạn đọc: Nhà văn Phùng Nguyễn, người phụ trách cột blog "Rừng & Cây" trên VOA Tiếng Việt, vừa đột ngột qua đời ngày 17 tháng 11 tại bang Maryland, Hoa Kỳ. Tuy thời gian hợp tác với VOA Tiếng Việt chưa lâu, những bài viết nghiêm túc, độc đáo và đặc sắc của Nhà văn Phùng Nguyễn cũng như của những thi văn hữu được ông mời cộng tác về đề tài văn học-nghệ thuật cùng những vấn đề liên quan đã thu hút sự chú ý của - và được đánh giá cao bởi - đông đảo bạn đọc tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Sự ra đi quá sớm của Ông là một thiệt thòi khó bù đắp không những cho giới văn học mà còn cho những người đọc yêu mến Ông qua cột blog "Rừng & Cây". Ban Việt ngữ xin thành thực chia buồn cùng tang quyến Nhà văn Phùng Nguyễn trước sự mất mát to lớn này. Sự đóng góp quý báu của Ông sẽ được VOA Tiếng Việt luôn trân trọng.”

Văn của Phùng Nguyễn đưa ra nhiều cái nhìn sâu sắc về đời sống, nhìn xoáy vào cả những quan hệ giữa cá nhân và xã hôi, phân tích tinh vi về cả quan hệ rất tế nhị giữa văn học và chính trị - và Phùng Nguyễn viết rất công tâm, không e ngại gì khi anh viết lên những gì anh tin là sự thật.


Phùng Nguyễn thao thức với các thăng trầm của dân tộc, và anh nhìn vào trách nhiệm của người làm văn học đối với diễn biến “hung dữ hóa” đồng bào mình ngày càng hiện rõ ở quê nhà.


Phùng Nguyễn viết những dòng đầu trong bài “Ác mộng trăm năm” đăng ở blog Đài VOA, cho thấy, trích:

“Một trong những câu hỏi mà tôi luôn muốn được trả lời là cái âm mưu biến người miền Nam thành bầy thú dữ chuyên ăn thịt người bắt nguồn từ đâu. Trong bài viết “Đúc khuôn Tội ác” trước đây, tôi đã đưa ra bằng chứng không thể chối cãi về những nọc độc văn hóa tiếp tục lan tràn trong huyết quản dân tộc, phần lớn được chuyên chở bởi các tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong nhiều năm, tôi không tìm được manh mối nào về nguồn gốc của những âm mưu ác độc, vô luân, phản dân tộc này cho đến gần đây, khi tình cờ đọc một truyện ngắn do một người bạn trên Facebook đưa đường dẫn. Và Eureka! Tôi tin rằng mình đã tìm được bằng chứng cụ thể của “khuôn mẫu tội ác” được áp dụng trong gần ba phần tư thế kỷ qua...” (ngưng trích)

Anh tìm ra khuôn mẫu tộc ác nào đã tiêm nọc độc vào dân tộc mình trong 3/4 thế kỷ qua? Những dòng chữ của Phùng Nguyễn hiển nhiên không để cho người hời hợt đọc.


Phùng Nguyễn theo dõi, quan tâm về tình hình văn học quê nhà, và anh trình bày suy nghĩ đó qua bài viết “Xin Rút Tên Ra Khỏi Văn Đoàn Độc Lập” cũng trên Blog VOA.


Cũng nên nhắc rằng Văn đoàn Độc lập (VĐĐL) thực sự chưa thành lập theo luật VN, và chỉ mới có Ban Vận động (BVĐ) Thành lập Văn đoàn Độc lập (VĐĐL)...


Nhưng áp lực nhà nước đã buộc nhiều nhà văn rút ra khỏi hội đoàn đang vận động này.


Phùng Nguyễn chú ý về danh sách các nhà văn trong ban vận động hội đoàn độc lập này, và viết, trích:

“Trong quá khứ, kể từ khi chính thức ra mắt vào tháng 3 năm 2014, danh sách thành viên BVĐ đã không ít lần phải cập nhật cũng vì chuyện người ra kẻ vào. Có trường hợp đặc biệt như của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tác giả Chuyện Kể Năm 2000, người đã cỡi hạc về trời vì bệnh tật. Tuy vậy, BVĐ đã quyết định tiếp tục giữ tên ông trong danh sách thành viên. Những chỉ trích nếu có nhắm vào BVĐ về việc không lấy tên nhà văn Bùi Ngọc Tấn ra khỏi danh sách này sẽ khiến cho người hiểu biết không khỏi buồn cười. Nếu có điều gì không thể tranh cãi thì đó chính là việc nhà văn Bùi Ngọc Tấn không bao giờ muốn ra khỏi BVĐ, sống hay chết, cho đến khi tổ chức này hoàn thành nhiệm vụ của mình. Về những trường hợp khác, người thì lý do này người lý do khác, mỗi người một vẻ nhưng không nhất thiết mười phân vẹn mười, và phản ứng của giới quan sát đối với hành động rút lui của họ cũng không giống nhau. Hầu hết những người xin rút tên ra khỏi VĐĐL đã có cơ hội trình bày lý do của mình một cách công khai...” (ngưng trích)

Quan tâm vê chính trị của Phùng Nguyễn vẫn là những bước chuyển mình của dân tộc. Anh thắc mắc về chuyện Tập Cận Bình tới thăm VN, qua bài “Mệnh Trời?” trên Blog VOA, và nêu nghi ngờ:


“Không ai đủ ngây thơ để tin rằng Tập Cận Bình đã bỏ thì giờ quí báu của mình đến thăm Việt Nam chỉ để… phát chẩn (gồm chút đỉnh tiền bạc và vài câu thơ Đường) và rao giảng về tình cảm chính quyền và nhân dân Trung Hoa dành cho Việt Nam.”


Tuy nhiên, ngòi bút Phùng Nguyễn trở nên phiêu bồng nhất là khi viết về các nhà thơ.


Như qua bài “Nguyễn Đức Sơn - Lão quái dị trên đồi Phương Bối” trên Blog VOA, Phùng Nguyễn nhìn về thi sĩ họ Nguyễn rất mực lãng đãng:


“Nếu như trong Tiếu ngạo giang hồ nhân vật Tiêu tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh, thân là chưởng môn phái Hành Sơn, nhưng luôn xuất hiện với bộ dạng một người ăn mày gầy gò đau khổ, chơi một cây dao cầm cũ kỹ và miệng luôn hát bài Tiêu tương dạ vũ, ông được xưng tụng là “cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm âm” (Trong đàn giấu kiếm, kiếm phát tiếng đàn), võ công lợi hại nơi chốn giang hồ...”(ngưng trích)


Tôi cũng muốn nói lời này: Phùng Nguyễn ơi, xin trân trọng từ biệt bạn.


Tôi cũng nhìn thấy bạn là một nhà văn rất mực tiếu ngạo giang hô theo kiểu riêng của bạn, từ California lui về một góc rừng tuyết ở Maryland, và thỉnh thoảng hát một bài ca “trong đàn giấu kiếm” trên Blog của VOA.


Và bây giờ bạn đã gác kiếm, để an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Thân thương tiễn biệt.


Phan Tấn Hải

Nguồn: vietbao.com