Nhà biên khảo
Nguyễn Tuấn Khanh
Tác phẩm biên khảo “Bước Đường của Cải Lương” của tác giả Nguyễn Tuấn Khanh sẽ ra mắt ở Viện Việt Học vào Chủ Nhật 24-8-2014. Sau đây là cuộc nói chuyện của nhà biên khảo Nguyễn Tuấn Khanh với phóng viên Việt Báo về cơ duyên viết sách rất dày công này.
- Nghe nói anh là dân Bắc Kỳ, sao lại ưa cải lương, cơ duyên nào giai Hà Thành phải lòng giọng ca sông nước Miền Tây?
Đáp: Vâng, tôi là dân Bắc kỳ 54 và có lẽ tôi đến với bộ môn Cải Lương là do “thời thế đưa đẩy” thì đúng hơn. Thưở nhỏ, khái niệm về Cải Lương của tôi rất mù mờ, chỉ biết là có những ban cải lương như Cửu Long, Thành Công phát thanh vào buổi trưa mỗi ngày và tối thứ Bảy thì có chương trình trực tiếp truyền thanh tuồng cải lương của những gánh hát thời đó từ những radio của nhà lối xóm mở ra cho... cả xóm nghe. Đến khi có chương trình Tân Cổ Giao Duyên trên đài phát thanh vào buổi chiều mỗi ngày thì những tên tuổi như Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Nga, Mỹ Châu, Minh Phụng, Lệ Thủy... được các bà bác, bà dì lối xóm khen chê là cô đào này ca “mùi”, anh kép kia “nhai chữ” điệu nghệ, nhưng lứa tuổi mới lớn của chúng tôi lúc đó chỉ để ý đến những bản nhạc của Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Lê Hựu Hà... từ những quán cà phê mà thôi.
Qua Mỹ năm 75, thời gian đầu rất nhớ nhà, may mà tôi tìm mua được những băng cassettes thu trước 75 do các người tỵ nạn sang lại và bán qua đường bưu điện. Vì sự hiếm hoi của văn hóa phẩm lúc đó nên tôi gặp gì mua nấy để nghe. Từ đó, những bài tân cổ, những vở tuồng cải lương đã kéo ký ức tôi về căn nhà tôi ở trong con hẻm nhỏ dẫn vào chợ Vườn Chuối rồi tôi “lậm” cải lương hồi nào không hay.
Thích nghe Cải Lương là một chuyện, nhưng muốn biết đầy đủ cái hay, cái đẹp của bộ môn này lại là một chuyện khác. Tôi tìm đọc những sách và tài liệu viết về cải lương nhưng vẫn chưa lấy làm thỏa mãn nên phải “vô” nghề để tìm hiểu thêm. Khoảng 14 năm trước, tôi gia nhập đoàn Tiếng Vọng Quê Hương của giáo sư đàn tranh Ngọc Dung ở San Jose nên được làm quen với nhạc sĩ vĩ cầm Kim Nguyên, trước kia ông là kép chánh của đoàn Kim Chung. Nhờ ông mà tôi quen biết thêm nhiều ca, nhạc sĩ của giới cải lương nên từ đó tôi mới có ý định viết vì thấy ít người biết về lịch sử của bộ môn này.
- Anh đã đi cùng trời cuối đất để nghiên cứu cải lương, hỏi là anh đi đơn độc hay với người nào? Có vết thương lòng nào không?
Đáp: Tôi chỉ đi đơn độc và vết thương thì chưa có, nhưng trầy trụa chút đỉnh thì… hơi nhiều, cũng may là không có vết thẹo nào cả. Lạ lắm, đa số các ca sĩ, nhạc sĩ cổ nhạc miền Nam rất giàu tình cảm. Khi diễn trên sân khấu anh thấy các ca sĩ khóc ra nước mắt, mình tưởng là họ đóng kịch, nhưng nếu anh có dịp xem họ tập tuồng, anh sẽ thấy là họ khóc thiệt là ngon ơ với cảm xúc chân thật của họ mà dân trong nghề gọi là “nhập vai”. Nhạc sĩ (thầy đờn) cũng vậy, tôi đã thấy nhiều lần các nhạc sĩ vừa đờn vừa lau nước mắt khi gặp những bài bản sầu thảm và họ cũng “nhập vai” như ca sĩ. Những tình cảm đó thể hiện rõ trong tánh tình chân thật của người miền Nam là họ rất nhiệt tình, nhưng đừng hiểu lầm sự nhiệt tình đó thành tình cảm nam nữ thì mình dễ... bỏ mạng lắm.
- Anh có biết chơi đờn, hay hát cải lương?
Đáp: Hồi nhỏ tôi có học đờn kìm về hát chèo thuộc bộ môn cổ nhạc Bắc phần, sau này theo đoàn Tiếng Vọng Quê Hương thì học đờn cổ nhạc miền Nam. Tuy mê học đờn nhưng tôi... tối dạ lắm, không có khiếu về đờn, ca nên tôi chỉ học về kỹ thuật của những ngón đờn để hiểu biết mà thưởng thức thôi.
- Xin cho biết đờn ca tài tử (bây giờ đang quảng bá trong nước) có gì khác với cải lương, và hỏi anh thích môn nào hơn?
Đáp: Đờn Ca Tài Tử khác với Cải Lương và mỗi loại có cái hay riêng của nó. Căn bản của Đờn Ca Tài Tử là 20 bài tổ gồm có 4 thể điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán và mỗi bài rất dài. Thí dụ như bài Tứ Đại Oán 6 lớp, nếu ca nguyên bài sẽ mất cả nửa tiếng đồng hồ và chỉ có một người ca nên nghe hoài rất chán. Ngoài ra, vì là bài tổ nên những bài này phải giữ theo khuôn nhịp, chữ đờn (nốt nhạc) nhất định, không được thay đổi. Sau này, để đỡ nhàm chán nên một bài được chia ra cho nhiều người ca và có ra điệu bộ nên gọi là “Ca Ra Bộ”, cuối cùng Ca Ra Bộ được viết thành những vở ca kịch có đối thoại do nhiều người đóng và được gọi là Cải Lương. Ngoài ra, cùng một thể điệu ca, nếu ca trong Đờn Ca Tài Tử thì điệu nhạc đờn chậm và lời ca được luyến láy ngân nga dài hơn là ca trong tuồng Cải Lương vì ca Cải Lương chủ yếu về diễn xuất và đối thoại nên điệu nhạc phải đờn nhanh cho hợp với động tác diễn xuất. Khi Cải Lương thành hình và được phổ biến rộng rãi thì Đờn Ca Tài Tử bị đi dần vào quên lãng và chỉ có một số ít người theo mà thôi.
Ngày 5 tháng 12 năm 2013 vừa qua, Đờn Ca Tài Tử đã được UNESCO chính thức công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” và đang được quảng bá rầm rộ trong nước. Tôi không hiểu đây là điều đáng mừng hay lo vì khi đã được gọi là “di sản” tức là bộ môn đó đang trên đà xuống dốc cần được bảo vệ và phục hưng, thế nhưng hôm đón nhận bằng UNESCO vinh danh Đờn Ca Tài Tử được tổ chức tại hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ) vào ngày 22 tháng 2 năm 2014 vừa qua, có sự tham dự của thủ tướng chính phủ cùng các nhà khoa bảng, các nhà nghiên cứu về âm nhạc nhưng buổi văn nghệ trình diễn Đờn Ca Tài Tử lại có pha trộn cả ca Cải Lương và Vọng Cổ!
- Xin anh kể vài kỷ niệm trên bước đường truy tìm bước đường cải lương.
Đáp: Tìm kiếm được đúng tài liệu là công việc khó khăn nhất của các nhà nghiên cứu. Khi viết về đề tài Dạ Cổ Hoài Lang, tôi cũng đã tìm được đầy đủ những văn bản xưa từ năm 1924 do tôi đặt mua từ Thư Viện Quốc Gia Pháp. Nhận thấy bài Dạ Cổ Hoài Lang tôi tìm được khác với bài đang được phổ biến ở Việt Nam nên tôi đã liên lạc với một vị nhạc sư ở Việt Nam để nhờ ông ta đờn minh họa, nhưng ông ta hỏi lại tôi là có chắc đó là bản in gốc không vì “ở Bạc Liêu ‘tụi nó’ làm dữ dằn lắm, anh phải chắc là bản gốc mới nên phổ biến”. Nghe ông ta nói vậy thì tôi cũng hơi chùn lòng vì bản mình mua được là in ra từ microfilm.
Thời may, vì biết tôi đang viết về cải lương nên mỗi khi tìm kiếm được những sách vở gì liên quan đến bộ môn này, giáo sư Nguyễn Văn Sâm, nguyên giảng sư trường đại học Văn Khoa Sàigòn thường gởi cho tôi. Nhân dịp Tết năm 2009, giáo sư Sâm biếu tôi cuốn “Bản Đờn Tranh và Bài Ca” của Phụng Hoàng San in năm 1905, Tết năm 2012 ông lại biếu tôi cuốn “Bản Đờn Kìm” của Lê Mai in năm 1925. Tết năm nay giáo sư Sâm lại mượn cho tôi một đĩa hát 78 vòng thu khoảng năm 1922 của gánh hát thầy Năm Tú có bài Dạ Cổ Hoài Lang. Một sự tình cờ ngẫu nhiên là tôi đang cần tìm kiếm những tài liệu này cho bài Dạ Cổ Hoài Lang và giáo sư Sâm lại tình cờ biếu những món quà Tết có giá trị như vậy. Có lẽ đây là “cơ duyên” như anh nói đó. Tôi có thu một CD tài liệu về bài Dạ Cổ Hoài Lang để biếu trong buổi ra mắt sách tới đây.
- Anh nghĩ là có cách nào cứu bộ môn cải lương không bị thế hệ trẻ bỏ lơ đi?
Đáp: Cải Lương là bộ môn nghệ thuật sân khấu độc đáo của miền Nam được thành hình từ sự “đổi mới” theo định nghĩa ban đầu của hai chữ cải lương, do đó ta thấy nghệ thuật sân khấu cải lương thay đổi biến chuyển không ngừng từ ngày ra đời cho tới năm 75. Nếu anh theo dõi từng thời kỳ của cải lương, anh sẽ thấy mỗi thời có cái hay, cái lạ của nó và mỗi thời có những nghệ sĩ tiêu biểu cho thời đó, thí dụ như thời Bảy Nhiêu, Năm Phỉ, Phùng Há, Năm Châu qua Tư Chơi, Năm Nghĩa, Út Trà Ôn, Việt Hùng, Minh Chí và sau này là Minh Phụng, Mỹ Châu, Minh Vương, Lệ Thủy..., thời nào cũng có khán giả tuy đôi khi có sự thăng trầm khác nhau.
Nghệ thuật cải lương mang đậm cá tính của người miền Nam thời khai hoang mở cõi, thích hợp với mọi hoàn cảnh giống như cây lúa xạ, lên xuống theo con nước. Cải lương là bộ môn cổ nhạc duy nhất của Việt Nam mà ta có thể pha trộn các thể loại nhạc Ta, Tây, Tàu vào cùng những vở tuồng đủ các thể loại Âu, Á, xưa, nay mà người xem không thấy chói tai hoặc lập dị, tính chất phóng khoáng đó chỉ tìm thấy ở người miền Nam. Sau 75, sự sáng tạo phóng khoáng đó đã không còn, không những vậy, lại còn phải đi vào khuôn phép và bị kiểm soát gắt gao nên cải lương không còn đất sống.
Hiện nay, chỉ có giới trẻ ở miền Tây còn quan tâm tới cải lương, nhưng những bài bản và tuồng tích sáng tác mới thì không có nhiều mà đa phần thì giống nhau về nội dung và hình thức nên khó thu hút được nhiều người. Theo tôi nghĩ, trước tiên là phải để cho các soạn giả sáng tác tự do theo ý của họ, sau đó, nên có một chương trình giáo dục giới thiệu cổ nhạc cho các lớp trung học để cho giới trẻ làm quen với nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam thì may ra mới cứu vãn được.