(Nguyễn Thị Thanh Sâm,
vẽ theo trí nhớ - Đinh Cường)
Nếu phân biệt về giới tính, số lượng và tác phẩm của những người viết “Nam” ngoài vòng đai trong Văn chương miền Nam thời chiến (1954-1975) có khá nhiều: Y Uyên, Lê Bá Lăng, Doãn Dân, Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Luân Hoán, Vũ Hữu Định, Phan Xuân Sinh, Nguyễn Bắc Sơn, Linh Phương... Hầu như không có một người “Nữ” nào viết ngoài vòng đai cả. Có thật vậy không?
Phải đợi đến tháng 10/2011, nghĩa là sau 40 năm từ khi sách được phát hành vào tháng 9/1971, khi trang blog Phay Van với cô chủ thật “đặc biệt” và nhóm bạn yêu thích văn chương mà tôi đã ghi lại trong “Hành trình của Cõi Đá Vàng” [1], thì tôi mới biết đến tên nhà văn Nguyễn Thị Thanh Sâm. Trước năm 1975, trong chúng ta hầu như không mấy ai nghe nói tới tác phẩm “Cõi Đá Vàng” của bà, dù cho cuốn sách ấy được nhà An Tiêm, một trong những tên tuổi của miền Nam thời bấy giờ, xuất bản. Cuốn sách ra đời, rất im hơi lặng tiếng, không được một lời giới thiệu hoặc ca ngợi bởi những ngòi bút phê bình điểm sách ở thủ đô Sài Gòn thời bấy giờ. Cũng là một điều rất đáng ngạc nhiên khi biết rằng tác giả đã khá thân thiết với một số bạn trong giới văn nghệ thời ấy.
Cõi Đá Vàng được Thư Ấn Quán tái bản năm 2012 với tranh bìa của họa sĩ Đinh Cường và Thư Quán Bản Thảo số 51 – tháng 4/2012 giới thiệu tác phẩm Cõi Đá Vàng & thơ của tác giả Nguyễn Thị Thanh Sâm
Đã chín năm từ khi Thư Ấn Quán tái bản cuốn sách này. Bao nhiêu nước chảy đã qua cầu. Họa sĩ Đinh Cường, người vẽ bìa lại cho lần tái bản, và chị Kim Nhung, em gái tác giả cũng là người thay mặt gia đình đồng ý cho Thư Ấn Quán tái bản nay đã đi thật xa. Cả tuần nay đọc lại tác phẩm để thưởng thức cũng là khi tôi nhận ra một thiệt thòi rất lớn. Giả sử ngày ấy, ngay sau khi tác phẩm ra đời tháng 9/1971, nó được những cơ quan truyền thông giới thiệu rộng rãi và được mọi tầng lớp độc giả đón nhận nồng nhiệt... biết đâu tình thế đã khác...
Một cuốn sách rất mực văn chương nhưng đã nói đến những sự thật của chế độ Cộng sản mà tác giả là một thiếu nữ, như bao nhiêu thanh niên thời ấy, khi thấy quê hương Việt Nam bị dẫm nát dưới gót giày xâm lăng của người Pháp đã lên đường đi theo kháng chiến mong ngày giải phóng quê hương khỏi ách thực dân, mang lại thanh bình cho xứ sở. Vâng, bà đã tham gia, đã hiểu và thấy hết tất cả Sự Thật. Và đã viết lại.
Dù ngay đầu tác phẩm bà đã ghi lời đề tặng:
Dâng Tốn tác-phẩm đầu tiên của Sâm.
Cuộc đời này không dung những kẻ thương yêu nhau.
Em đã tìm thấy Anh trong Cõi Đá Vàng.
THANH SÂM
Nhưng ông Tốn, Phan Văn Tốn - phu quân của bà, nguyên là Quận trưởng quận Khiêm Đức, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đức, sau đổi qua làm Chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy Quân sự Đà Lạt, kiêm Quân Trấn Trưởng, kiêm Phó Tỉnh Trưởng Nội An Đà Lạt. Trung Tá sau được vinh thăng Đại Tá, đã tử vong vì một quả mìn khi đi thanh tra đồn Kim Thạch của tiểu khu Tuyên Đức [2]; cũng là nhân vật Phan trong truyện chỉ được nhắc đến thoáng qua ở vài trang cuối của chương thứ 25 như “một người bạn học cùng trường ở Hương Khê ngày nàng còn học ở Liên khu Tư”. Sau này có dịp đọc bài viết “Nhà xưa có hoa mimosa vàng” của Bác sĩ/ Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (hiện đang sinh sống và làm việc ở Canada), tôi được biết thêm về thân sinh của ông Phan Văn Tốn (cũng là cậu ruột của nhà thơ này), “gia cảnh nghèo, sinh bất phùng thời chữ Hán không được dùng, trở thành nông dân bất đắc dĩ, nhà lại đông con”, được một người dì ở Huế “cho không một con bò để cày cấy và làm phương tiện sinh sống. Khi cậu tôi cầm sợi dây thừng dài dẫn con bò từ phố qua đò Thạch Hãn về làng, cũng là lúc bản án dành cho cậu được viết xong. Bọn du kích bắt cậu lên rú tra khảo. Đến ngày thứ ba, cậu không chịu nổi nữa, đành ký giấy tình nguyện hiến con bò cho kháng chiến, với điều kiện cho phép em gái của cậu, tức mẹ tôi, và đứa con gái đầu lòng của cậu, chị Sim, chị của anh Tốn, được lên thăm. Chúng cho phép.
Khi em và con đến, cậu tôi bí mật dặn họ: phải về mau, vì là con gái, chúng chưa có ý định thủ tiêu, đem hết cả nhà tản cư về tỉnh, đêm nay hay đêm mai thôi chúng sẽ giết anh, giết cha. Chúng đánh gãy hết các xương sườn của ông, nên ông biết bản án tử hình đã được ký. Tối hôm đó bọn du kích gọi cậu tôi đi thẩm vấn như thường lệ. Chị Sim khóc lóc nhứt quyết đòi đi theo. Chúng cho chị đi. Người cha bị dẫn sâu vào truông cát, sau cánh đồng bắp bạt ngàn, ven khúc sông uốn cong về thị xã, khủy tay trói ngoặt lại. Đứa con gái lẽo đẽo theo sau. Chúng bất ngờ dùng báng súng đánh vào đầu cậu tôi đến vọt óc ra, trước cặp mắt kinh hoàng của chị Sim. Rồi đào hố lấp xuống. Đứa con gái khóc thét, lăn xả vào ôm lấy cha. Thuận tay, chúng lấp huyệt chôn sống luôn chị Sim trên đồi cát. Mẹ tôi tất tưởi chạy về nhà mang theo lời dặn của anh trai. Từ đó vang vọng mãi trong con cháu gia tộc lời dặn: phải chạy cho xa. Anh Tốn lúc ấy là cán bộ đại đội của Việt Minh, nghe tin cha bị giết, bỏ ngũ về thành.” [3]
Trở lại cuốn tiểu thuyết Cõi Đá Vàng, trọng tâm xoáy vào hai nhân vật Trần và Huỳnh, hai người bạn thân và cũng là hai thanh niên yêu nước, sống có lý tưởng, yêu văn chương, tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, đi theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp, nhưng gia đình thuộc thành phần tiểu tư sản. Trần là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Quân Đội Nhân Dân, đảng viên đảng Cộng sản; còn Huỳnh chỉ là một quần chúng.
Mở đầu cuốn sách, ở chương 2, tác giả đã cho thấy một trong những tính cách của người Cộng sản là “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”, với việc một cô gái trẻ ở thành phố Huế có chồng là một sĩ quan người Pháp, trở về làng thăm nhà và giỗ mẹ đã bị gán ghép cho tội Việt gian làm gián điệp cho Pháp nên công an Việt Minh “quyết định mang ra xử bắn cho rảnh, kẻo lỡ có máy bay bắn, mụ thoát được lại chỉ điểm cơ sở mình cho giặc thì khốn.” Tác giả cũng cho biết thêm “những thù oán, tỵ hiềm riêng tư cũng dựa vào đó để thanh toán nhau nhân buổi loạn ly này.”
Trần đã mục kích cảnh xử tử hình cô gái đó. Chàng cảm thấy bất nhẫn khi người ta đã dùng ba mũi tên tẩm thuốc độc để thử nghiệm trên thân thể người. Và đã lên tiếng: “Người ta không thể dùng con người để thí nghiệm phản ứng của những mũi tên tẩm độc mà người thiểu số chỉ dùng để bắn thú dữ trong trường hợp tự vệ. Giết một con người không thể xem như giết một con thú hoang, chúng ta đã tự hào là những kẻ tiền phong, có phải thế không, vậy các đồng chí nghĩ sao về hành động phi nhân này?”. Từ đây chàng bị “thất sủng”, bị cho là đầu óc còn nặng chất tiểu tư sản, chưa có được “nỗi căm hờn cao độ của một chiến sĩ yêu nước đối với kẻ thù” nên phải đến phân khu để dự lớp chỉnh huấn. Trở về, Trần ngã bệnh nặng, được chị Hiếu, một thiếu phụ góa chồng có hai con, hơn chàng mười tuổi, hết lòng chăm sóc. Tình yêu bắt đầu nẩy sinh từ đó. Trần muốn cưới Hiếu, nhưng Hiếu là người ngoài Đảng nên Đảng không chấp nhận, cùng lúc Trần nhận thấy mình không thích hợp với đường lối cai trị sắt máu nên làm đơn xin ra khỏi Đảng. Do đó chàng bị đưa đến Trung tâm Cải hối Tây Hạ. Nơi đây Trần gặp lại Huỳnh, người bạn văn chương thân thiết, đã bị bắt trước đó và bị tra tấn dã man vì đã “đệ trình bản điều trần về chính sách cải cách ruộng đất lên cơ quan hữu quyền xin chuyển về cấp lãnh đạo trung ương.” Huỳnh bị khép vào tội phản động do công khai chống lại đường lối của Đảng, cộng thêm những bài thơ gây xáo trộn tinh thần trong hàng ngũ bộ đội kháng chiến. Theo Huỳnh, “... cải cách ruộng đất được đề ra trong giai đoạn này sẽ không tránh khỏi làm cho nhân tâm phân tán, tài sản của dân sẽ bị lụn bại trong cơn khủng hoảng của sự thay cũ đổi mới. Song song với cảnh tàn phá chết chóc của chiến tranh, cảnh đấu tố tiêu diệt giai cấp sẽ xảy ra và chúng ta phải mang thêm gánh nặng xương máu của cuộc đấu tranh tương tàn nồi da xáo thịt sẽ còn khủng khiếp gấp ngàn lần tai họa chiến tranh. Sự diệt vong có thể thấy trước mắt vì đó. Một khi nhân tâm đã bị phân tán chia rẽ bởi giai cấp này giai cấp nọ tiêu diệt lẫn nhau, tình trạng đó gieo rắc khắp nơi sự nghi kỵ vu khống, thù ghét, oán hận do đó sự nhất tâm chống giặc cứu nước sẽ bị tan rã mau chóng.”
Tác giả cũng đề cập tới việc “vắt chanh bỏ vỏ” của người Cộng sản. “Trong những thời kỳ kháng chiến còn trong vòng bí mật, người ta dành những tình cảm giống nhau đối với người Quốc Dân Đảng cũng như người Cộng sản, ... người ta yêu mến và tôn sùng tất cả những ai xả thân cho Tổ quốc.
Nhưng ... khi chính quyền kháng chiến đã có cơ sở ở khắp mọi nơi, khi bộ đội Vệ Quốc đoàn đã lớn mạnh, đã đủ sức mở những chiến dịch làm cho địch quân kinh hồn bạt vía, khi mà mọi người đều có thể thấy ngày chiến thắng không còn bao xa nữa, thì trong đời sống kháng chiến đã phân chia rõ rệt hai giai cấp, giai cấp đảng viên thống trị và giai cấp quần chúng bị trị...
Do đó, họ xiết bao kinh ngạc và cảm thấy bị hụt hẫng khi thấy chính quyền kháng chiến do người Cộng sản lãnh đạo có thái độ lãnh đạm loại bỏ hay hững hờ với sự cộng tác nhiệt thành của lớp người bị họ phân loại là thành phần tiểu tư sản, địa chủ hoặc phú nông, đó là lớp người đông đảo đã góp khả năng đáng kể về tinh thần lẫn vật chất để đưa cuộc kháng chiến đến mức trưởng thành như ngày nay.”
Đến giai đoạn này thì Trung tâm Cải hối Tây Hạ đã giam giữ rất nhiều những người yêu nước, hoặc có hành động chống lại với chủ trương sắt máu của Đảng hoặc thuộc thành phần tiểu tư sản bị nghi ngờ là có quan hệ với “địch” như Lương, như Bằng...
Bằng từng hoạt động bí mật trong nội thành, từng bị mật thám Tây bắt, sau này bị liệt vào thành phần tiểu tư sản không cho đánh Tây nữa nên lui về quê nhà thì bị bắt lại đem bỏ tù, bị chính những người từng là “đồng chí” của mình lấy chày giã gạo giã vào ngực. Bằng tuyên bố một câu “xanh rờn” đến rợn cả tóc gáy, “so sánh thì tụi mật thám Pháp chúng nó còn nhân đạo hơn người kháng chiến đối xử với nhau như thế này nhiều.”
Lương đã có vợ và hai con, là người trí thức, đã đậu tú tài nhưng cam phận sống nơi miền quê, làm một thầy giáo làng, không bận tâm đến chính trị. Vì đứa con của Lương bị bệnh nặng, ở miền quê không đủ phương tiện chữa trị, lại thêm tình trạng chiến tranh, giặc bắn phá giết hại, nên Lương bàn với vợ tạm mang hai con về Huế ở với cha mẹ khoảng 3 tháng sau sẽ trở lại. Một mình, buồn và cô đơn, thỉnh thoảng Lương “lang thang ra bờ sông, xuống bến đò nhìn chỗ vợ con ra đi mấy tháng trước cho đỡ nhớ”, nhất là sau thời hạn ước hẹn 3 tháng chưa thấy vợ con quay lại. Sáng sớm mồng một Tết, Lương cũng ra bến đò, thì thấy tàu địch xuất hiện từ xa nên chàng phải lo chạy giặc. Chuyện chỉ có vậy, nhưng chàng bị nghi ngờ làm gián điệp chỉ điểm cho Pháp vào làng để càn quét, giết hại đồng bào. Do đó, Lương bị bắt nhốt vào trại Cải hối Tây Hạ, mang tội Việt gian và bị tuyên án tử hình.
Nhưng người Cộng sản gian manh, chuyên nghề ném đá giấu tay. Sau khi nghe đọc án tử hình, người ta cho Lương ký vào lá đơn xin Chủ tịch ân xá, tưởng như một hành động rất nhân từ. Đêm hôm đó, họ để ngỏ cửa phòng giam, với ý đồ tạo cơ hội cho phạm nhân trốn. Lương đã bị dồn đến đường cùng, sập bẫy, đã chạy trốn nên bị bắn chết với lý do vượt ngục.
Cũng vậy, với Huỳnh và Trần. Biết Huỳnh bị đau tim nặng, cứ đến đêm là có lệnh của cấp trên gọi “làm việc”. Để rồi một đêm nọ trái tim anh đã ngừng đập khi có lệnh gọi. Họ giết Trần còn tinh vi hơn. Sau khi chị Hiếu, vợ Trần (đang mang thai) đã chết do tai nạn trên đường đến trại tù thăm chồng vào một ngày mưa gió, họ đã chôn chị ở cánh đồng làng Nguyệt bên kia sông nơi có một đồn Tây. Rồi Trần được trả tự do và anh đã chết dưới họng súng của giặc Pháp trong đêm giao thừa khi bơi sang bên kia sông để thăm mộ vợ con.
Vài ngày sau, một tờ báo của kháng chiến tỉnh Thừa Thiên đưa tin (dĩ nhiên là láo khoét):
“Thông cáo chính thức của Tỉnh bộ Thừa Thiên:
Nguyễn Trần, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Quân Đội Nhân Dân, trước đây đã có hành động phản cách mạng, phản nhân dân, vừa được chính phủ khoan hồng phóng thích ra khỏi trại Cải hối Tây Hạ sau thời gian học tập cải huấn. Đêm giao thừa rạng ngày mồng một Tết, tên Nguyễn Trần đã bỏ mạng trên cánh đồng làng Nguyệt vì dẫm phải mìn trong khi y đang tìm đường đi đến đồn Pháp gần đó để toan đầu hàng giặc.”
Tuy là một cuốn tiểu thuyết với nội dung chuyển tải nặng về phần chính trị nhưng lại là một cuốn sách với văn chương rất đẹp và thấm đẫm tính nhân văn. Mở bất cứ trang sách nào, ngay cả ở những đoạn buồn thảm nhất, ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy.
“Hình ảnh Hiếu khi chiều hiện lên rõ rệt trong trí chàng, những người bạn tù mang nàng vào trại, khuôn mặt trắng bệt lấm láp bùn đất, miệng nàng khẽ hé mở như một tiếng van xin mơ hồ, hai mắt nhắm nghiền ướt đẫm, mái tóc xõa ra bết lại rũ xuống lòng thòng nhỏ giọt nước mưa, áo quần sũng nước dính bết vào người làm nổi lên cái bụng có thai căng phồng, tròn trĩnh; khi nhìn cái bụng đột nhiên một ý tưởng xẹt qua đầu Trần khiến tim chàng nhói lên sợ hãi. Chàng thấy hình thù cái bụng chửa của người yêu trông như một nấm mộ nhỏ. Giờ đây ý nghĩ ấy lại trở lại với chàng, như một tương quan kỳ bí về sự sinh và tử. Tại sao lại có cái hình thức giống nhau giữa con người khi sắp sinh ra được che chở bằng cái bụng của người mẹ trong hình thái một cái bầu tròn hình bán nguyệt với con người khi đi vào lòng đất được đánh dấu bằng một cái gò nổi cao lên cũng giống một cái hình bán nguyệt hay dưới bất cứ hình thức nào thì cũng thế. Những điều ấy nói gì đây, nó chứng tỏ gì trong cái khôn cùng của đời sống này?”
Hay:
“Cơn mưa đã dứt từ lâu, hơi nước trong không gian vẫn còn trĩu nặng, đâu đó những giọt tranh kêu tí tách, rời rạc, khiến chàng nhớ câu nói của Trường, một bạn tù, vào một ngày đi chặt cây trong rừng, thình lình trời đổ mưa... - Nghĩ cái thân phận của một hạt mưa còn long đong như thế huống hồ cái thân tù của anh em mình, nước từ suối đổ ra sông, từ sông ra biển, từ biển bốc thành hơi nước bay lên trời, thành mây bay lang thang, chán mới tụ lại thành giọt mưa rơi trên ngọn lá, từ ngọn lá rơi xuống mái hiên này, lượn qua lượn lại kéo dày kéo mỏng còn chán khó khăn mới rơi được xuống để thấm vào lòng đất. Khó lắm anh em ơi.”
Và:
“Trần tiếp tục đắm mình trong suy tưởng, trong khi cơn mưa vẫn nặng hạt. Quả thật nếu mọi sự việc trong đời đều do Trời sắp đặt thì Trời quả thật là một đại nghệ sĩ. Đấng Toàn Năng phải thật là nghệ sĩ mới tạo nên được những cơ duyên mang lại cái tư cách kiêu bạc khiếp đảm đến thế kia nơi một gã thư sinh mặt trắng. Cuộc kháng chiến này đã biến đứa trẻ Việt Nam thành chiến sĩ anh hùng, chưa đủ, Thượng Đế còn bắt người Việt Nam gánh chịu một thử thách đau thương vĩ đại, cuộc vật lộn cam go giữa con người thuần khiết Á đông gìn giữ giá trị chân tuyền của lẽ sống với con người tham vọng cùng những giấc mơ kỳ bí quái đản, nhưng đam mê dữ dằn khốc liệt của loài người.”
Gấp cuốn sách lại, tôi vẫn còn suy nghĩ và nuối tiếc. Ngày ấy, nếu tất cả mọi người hiểu rõ được Cộng sản là như thế nào, thì có lẽ chuyện buồn thảm nhất của lịch sử Việt Nam đã không xảy ra.
Có phải vậy không?
Trần thị Nguyệt Mai
18-7-2021
Tham khảo:
[1] Trần Thị Nguyệt Mai - Hành trình của Cõi Đá Vàng, TQBT số 51, tháng 4/2012.
Đã được đăng lại trên một số trang mạng.
[2] Nguyễn Đạt - Người ở đồn Kim Thạch
https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=19855
[3] Nguyễn Đức Tùng - Nhà xưa có hoa mimosa vàng
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=23233