19-09-2015 | VĂN HỌC

Đọc Chỉ là Đồ Chơi

  NGUYỄN MẠNH TRINH


    Nhà văn Trịnh Y Thư

Chỉ Là Đồ Chơi gồm những bài viết ngắn, mà tác giả gọi là “tạp bút”, đề cập tới nhiều vấn đề văn học.


Trịnh Y Thư tự hỏi có gì mới trong tình yêu không và ông cho rằng “những bài thơ tình đông tây kim cổ chẳng qua chỉ là biến tấu từ mẫu đề “Quan quan thư cưu. Tại hà chi châu. Yểu điệu thục nữ. Quân tử hảo cầu” do một thi nhân nào đó sống cách nay hai ba nghìn năm ở lưu vực sông Hoàng Hà trong giây phút ngẩn ngơ nhìn người con gái đẹp giặt lụa ven sông, lòng bỗng tràn ngập nỗi cảm xúc yêu thương, viết xuống. Và ông cho rằng không có cách nào làm mới tình yêu bằng văn chương. Bởi thế, nhà văn Issac Bahevis Singer khuyên người viết "đừng sáng tạo những điều mới lạ trong quan hệ nam nữ” và nhà soạn nhạc Leonard Bernstein cũng “không làm mới tình yêu trong những tác phẩm của mình”.


Thực ra, suy nghĩ như vậy cũng chỉ là ở một khía cạnh. Bởi vì, cuộc sống mông mênh, không có sự kiện nào giống sự kiện nào mà ở trong cái khác biệt cũng có cái đồng dạng. Và chẳng có một điều gì toàn bích để lập lại trong những tác phẩm thi ca. Theo tôi, có khi đi tìm cái mới trong cái đã cũ mà vẫn có tính sáng tạo. Có những điều đã hiện hữu một cách đương nhiên nhưng chưa ai đề cập đến, và bước đi trên con đường chưa ai đặt chân đến phải chăng là một hành động sáng tạo?



      Kệ sách Học Xá

Lời khuyên “viết gì cũng được - bạo liệt càng tốt - miễn sao có nghệ thuật và tương đối mới mẻ một chút” gợi ý một cách viết. “Có nghệ thuật”“tương đối mới mẻ” là hai điều kiện cần nhưng có lẽ chưa đủ có phải? Viết bạo liệt? là không bị câu thúc bởi một giới hạn nào, là khai thác cái phần đen tối sâu thẳm của con người, là kiểu văn chương của ông tổ “sa đích” Marquis De Sade? Có phải đó là những cứu cánh cho văn chương trong sự khai phá? Có sự khác biệt nào, biên giới nào giữa truyện khiêu dâm tầm thường và truyện dục tính nghệ thuật? Vô luân một cách nghệ thuật như Lolita của Vladimir Nabokov có phải là đỉnh cao của nghệ thuật viết văn?


Những tiền đề mà tác giả Chỉ Là Đồ Chơi nêu ra để đến một kết luận. Dù như thế, khát vọng làm mới vẫn là mục đích muôn đời của nghệ thuật, nhất là trong thi ca. Thế kỷ của thi ca là thế kỷ của cách tân không ngừng từ trường phái này qua khuynh hướng nọ. Thơ tượng trưng cuối thế kỷ 19, vị lai, siêu thực đầu thế kỷ 20 đến hậu hiện đại thế kỷ 21, con đường đi của thi ca là một chuỗi đường đi tìm kiếm cái mới của ngôn ngữ. Trịnh Y Thư viết:

“Mỗi bài thơ là một sự cách tân, mỗi thi sĩ là một người làm mới sự vật mà chúng ta mãi mãi chịu ơn. Có những điều chỉ ngôn ngữ thi ca mới nói được, chỉ thi ca mới có cái” thần giúp chúng ta thấu thị vào tận đáy sâu của bản ngã. Người làm thơ là người nắm trong tay quyền năng ‘soi sáng’ sự vật, quyền năng cho sự vật một đời sống mới, quyền năng ‘đi vào linh hồn sự vật’ và không ai có thể tước đoạt quyền năng từ tay hắn.”

Trịnh Y Thư cũng làm thơ và cũng rất ưu ái với thể thơ lục bát. Nhưng ông lại cảm thấy rằng thể thơ này càng ngày càng bị lấn áp bởi các thể thơ khác như thơ tự do chẳng hạn: “Từ lâu thể thơ lục bát đã không còn sức quyến rũ đối với các nhà thơ Việt Nam nữa nhất là các nhà thơ trẻ. Ngày nay họ chuộng thể tự do hơn cho thích hợp với phong cách và tinh thần Hậu Hiện Đại. Có nhà thơ còn thẳng thừng tuyên bố ông thà “làm thơ tự do dở chứ không thèm làm thơ lục bát hay.”


Thực tình, thời nào cũng có những người có ý tưởng cực đoan như vậy và không phải chỉ thơ lục bát bị hắt hủi như thế. Thơ tiền chiến cũng đã bị chê bai, bị đả kích nhưng vẫn giữ được vị trí trong hồn những người yêu thơ. Thơ lục bát, trong suốt hành trình thi ca của hai mươi năm văn học miền nam và ở hải ngoại cũng có những thay đổi và phát triển từ phạm vi ngôn ngữ và vần điệu. Cũng có thể có những bài thơ không hay vì bị trong khuôn sáo hay có những khoảng trống trong cấu trúc mà Trịnh Y Thư gọi là “bắc cầu” như ông đã dẫn giải, nhưng cũng có những bài lục bát tuyệt vời từ tiền chiến đến thời của Cung Trầm Tưởng, của Viên Linh, của Du Tử Lê, của Phạm Thiên Thư… Tôi nghĩ yếu tố hay vẫn là một cốt tủy cho sự tồn tại vượt qua đãi lọc của thời gian. Mà yếu tố hay nếu phân tích ra thì rất nhiều dữ kiện cấu thành. Nhất là cái tạng sở thích sẽ làm thay đổi nhận định.


Trịnh Y Thư là một dịch giả và ông đã viết về đề tài dịch thuật như một sở trường của mình.

“Trên các diễn đàn văn học đã có khá nhiều những nhận định sâu sắc và giá trị về dịch thuật văn học. Tựu chung có hai khuynh hướng hoặc trung thành với văn bản của nguyên tác hoặc đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch. Theo tôi ở thời đại của chúng ta quan niệm đứng đắn phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa hai xu hướng.


Có khi nào nguyên tác được tái tạo lại để thành một tác phẩm khác không trong dịch thuật? Câu hỏi ấy nhiều người thắc mắc trong đó có cả cá nhân tôi. Những bản dịch nổi tiếng là hay, là tràn đầy nghệ thuật nhưng so với nguyên tác thì có nhiều khi không được tôn trọng mấy. Tại sao? Có phải là dịch giả đã nắm được cáí hồn hay cái thần của nguyên tác để diễn đạt thành một văn phong riêng của mình. Dịch giả chân chính phải là người yêu thích và say mê với chữ nghĩa của nguyên bản và nắm bắt được cái hồn của nguyên tác. Dĩ nhiên, những dịch giả kiểu dịch từng đoạn rồi nhiều người ráp chung với nhau thành một tác phẩm gọi là dịch thuật như những cuốn sách được in dẫy đầy ở trong nước thì chắc chắn chẳng phải là một công việc chuyển ngữ đứng đắn.”

Trịnh Y Thư không chọn dịch thuật mà chính dịch thuật chọn lựa ông.

“Thực ra chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên tôi đặt chân vào thế giới dịch thuật. Chẳng qua tôi chỉ muốn tìm hiểu tư tưởng và nghệ thuật làm văn của các bậc thầy văn chương thế giới và cách tìm hiểu tận tường thấu đáo, nhất là dịch. Cuốn tiểu thuyết Đời Nhẹ Khôn Kham của nhà văn Pháp gốc Tiệp Khắc Milan Kundura tôi bắt đầu dịch từ năm 1986, trích đoạn đăng rải rác trên các tạp chí văn học thời đó như Văn Học, Nhân Văn, Hợp Lưu nhưng phải đợi đến năm 2002 tôi mới xuất bản thành dạng sách in bởi tôi không ngớt tìm ra những câu, những đoạn tôi muốn sửa đổi. Đây là cuốn tiểu thuyết hay nhất của Kundura nó có cấu trúc phức điệu, liên lạc với nhau như một khúc fuga của J.S. Bach và luôn luôn đầy ắp tư duy một đặc tính trong tiểu thuyết của ông. Và quan trọng không kém, tương tự như những người Việt sống xa quê hương chúng ta, Kundura cũng lìa bỏ quê quán Bohêmia của ông năm 1975 và sống lưu vong ở Pháp quốc từ đó đến giờ.”

Chỉ Là Đồ Chơi cũng đề cập tới văn chương của nữ giới, từ bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đến Căn Phòng Riêng của Virginia Woolf, từ giải văn chương Nobel năm 2009 Herta Mueller đến hai mươi năm văn học miền Nam rồi ở hải ngoại. Bên trên tôi dùng từ “hiện tượng” để diễn tả sự xuất hiện của người viết phái nữ trong văn học Việt Nam. Nói như thế là sai. Nó không phải là hiện tượng, nếu hiểu hiện tượng là nhận thức chủ quan, xuất hiện đột ngột trong khoảnh khắc rồi tan biến. Kỳ thực nó là con đường kế thừa. Kế thừa một truyền thống dân tộc luôn luôn quý trọng các tác phẩm văn hoc giá trị. Kế thừa một truyền thông không kỳ thị nam nữ. Kế thừa một Hồ Xuân Hương một mình một cõi đường bệ và ngạo nghễ, suốt chiều dài lịch sử trong khu vườn văn nghệ Việt Nam.


Trịnh Y Thư cũng đã về lại quê cha đất tổ sau một thời gian dài xa cách. Ông viết bài ký “Một kẻ lạ trên phố phường Hà Nội” với tâm trạng của một người phân vân giữa “ở hay về”. Lưu vong, có lẽ là tâm trạng chung của những người cầm bút. Ở đất nước định cư, dĩ nhiên cái tâm trạng lưu vong ấy chẳng thể nào mất đi mà mỗi ngày càng đeo nặng hơn nhất là với những người cầm bút. Còn trở về, thì tránh sao khỏi tâm trạng sống bên lề một xã hội mà từ lâu mình đã sống nhưng bây giờ biến đổi đến không còn dấu tích. Cảnh cũng đổi thay và người cũng thay đổi.


Đọc xong Chỉ Là Đồ Chơi, tôi có cảm giác vừa nói chuyện vừa tranh luận với tác giả về những vấn đề ông đề cập trong sách. Có khi đồng ý có khi không. Nhưng, quả thật tôi đã có cảm giác như tầm mắt nhìn của mình hình như rộng hơn và xa hơn. Không phải là vì những trang sách nhắc đến tác giả này hay tác phẩm nọ. Và cũng không phải những lý luận văn học có từ sách vở hoăc kiến thức mà đôi khi chỉ là lý thuyết và giữa trihành là cả một đoạn đường dài. Tôi đọc với tâm cảm của người Việt Nam, quen thuộc với những vấn đề của văn học Việt Nam dù nhiều khi đề cập đến không gian thời gian dài rộng hơn của văn chương thế giới. [NMT]


07.03.2013


Nguyễn Mạnh Trinh

Nguồn: voatiengviet.com

Chỉ Là Đồ Chơi, Tạp bút của Trịnh Y Thư, Hợp Lưu xuất bản. Sách dày 208 tr. Đề giá $10.00. Không ghi địa chỉ liên lạc.