Nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh
(1949 - 24.8.2021)
Nhà thơ, nhà biên khảo Nguyễn Mạnh Trinh đã từ biệt gia đình, từ giã bạn bè, và giã biệt cõi đời vào một buổi sáng sớm của một ngày hứa hẹn nắng gắt của tháng Tám tại Nam California. Tin ông mất được loan đầu tiên trên trang Facebook của Văn Học Press, sau đó được bạn bè truyền tay, chia sẻ lại trong sự sửng sốt, bất ngờ, cùng sự thương tiếc dành cho một người bạn rất khiêm tốn, hiền lành.
Nhà văn Trịnh Y Thư, một bạn thân của ông Nguyễn Mạnh Trinh, cho biết nhà thơ đã qua đời lúc 4 giờ sáng thứ Ba, ngày 24 tháng 8, 2021 tại tư gia. Ông chỉ mới vừa từ nhà thương về nhà được một hôm thì ra đi vĩnh viễn, để lại người vợ thân yêu là bà Nguyễn Thị Thế, thọ 73 tuổi. Lễ hỏa táng sẽ được cử hành ngày 10 tháng 9.
Trên mạng xã hội, chỉ trong mấy giờ sau khi hay tin nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh đã mất, hàng chục bằng hữu đã mau chóng viết những dòng thương tiếc. Dưới đây là một số dòng ý kiến tiêu biểu, nói lên tấm lòng thương yêu dành cho nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh.
- Tài tử Kiều Chinh: Oh no!!! I'm shocked. Nguyễn Mạnh Trinh, R.I.P. Xin chia buồn cùng tang quyến.
- Nhạc sĩ Trần Chí Phúc: Thành Kính Phân Ưu! Một cây bút giới thiệu văn học duyên dáng! Nguyễn Mạnh Trinh!
- Nhà văn Trịnh Thanh Thủy: Vô cùng thương tiếc. Nhớ mãi nụ cười hiền và một Nguyễn Mạnh Trinh nho nhã điềm đạm. Thành kính chia buồn cùng gia đình anh.
- Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc: Vô cùng thương tiếc! Bình thường Nguyễn Mạnh Trinh rất trẻ khỏe mà! Yên nghỉ nhe Trinh! Chia buồn sâu sắc với NTT.
- Nhà văn Nguyễn Văn Sâm: Trời ơi là Trời! Tin sét đánh ngang tai! Người em văn nghệ tôi thương mến vô cùng!
- Nhà văn Nguyễn Bá Trạc: Cái gì vậy trời?!!!
- Nhà văn Đỗ Khiêm: Sao vậy bạn Nguyễn Mạnh Trinh, bạn ra đi đột ngột quá!
Trong bốn thập niên, Nguyễn Mạnh Trinh ban đầu xuất hiện trong giới văn chương là một nhà thơ, dần dần ông chuyển sang biên khảo và trở thành một trong những nhà bình luận văn thơ viết khỏe nhất tại hải ngoại. Trong tình thân, các bạn văn thường nói giỡn Nguyễn Mạnh Trinh là “một nhà thơ to con,” vì ông có thân hình vạm vỡ (ông từng đi lính trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa), không phù hợp với ấn tượng một thi sĩ phải là một anh chàng thư sinh, thân hình ẻo lả, ốm yếu, tay cầm điếu thuốc, miệng nhắp ly cà phê (hay rượu), mắt mơ màng nhìn xa xăm, vân vân. Ông sống rất lành mạnh, chừng mực, không hút thuốc, không bia rượu, cũng không lăng nhăng chuyện tình cảm, có nụ cười rất hiền hòa và thường híp mắt cười mỗi khi bị bạn bè chọc ghẹo. Ông chỉ có một đam mê là thơ, hay thi ca theo lời ông từng nói với ký giả Mặc Lâm của đài RFA trong một cuộc phỏng vấn năm 2009.
Khi đó Mặc Lâm cho biết “Nguyễn Mạnh Trinh không nhận mình là cây bút phê bình văn học chuyên nghiệp, ông tự nhận mình chỉ là một người đọc văn, ghi lại cảm nghĩ và chia sẻ những bài viết ấy trên mặt báo với những người yêu văn học như ông.”
Ông đã nói với Mặc Lâm về việc viết bài phê bình thơ văn, “Thật ra tôi là người yêu thơ và yêu mến sách vở. Vì yêu thơ thành ra tôi muốn làm một nhịp cầu giữa độc giả và người sáng tác. Tác phẩm đầu tiên mà tôi viết là tập thơ của nhà thơ Nguyên Sa số 1. Có những bài viết mà tôi nghĩ rằng là phản ảnh tâm tư của một số đông độc giả.”
Nguyễn Mạnh Trinh ngồi ở quán Cafe Factory với bạn bè trước khi đại dịch Covid-19 ập đến đầu năm 2020. (Hình Ngọc Hoài Phương cung cấp)
Dưới đây là trích đoạn từ một bài viết của nhà văn Trịnh Thanh Thủy đăng trên Facebook cá nhân chiều thứ Năm, 26 tháng 8, về tiểu sử và tác phẩm của Nguyễn Mạnh Trinh:
“Vô cùng thương tiếc nhà thơ, nhà biên khảo và truyền thông Nguyễn Mạnh Trinh đã ra đi mãi mãi (1949-2021). Tháng Tám chưa qua, hạ chưa tới. Thu còn xa lắc, lá chưa kịp chín vàng, mà anh đã rụng rơi. Thủy mãi nhớ nụ cười hiền của một Nguyễn Mạnh Trinh nho nhã điềm đạm. Thành kính chia buồn cùng gia đình anh. Xin thắp nén hương lòng gởi đến anh, một tài hoa vừa thong thả rong chơi về miền phương ngoại.
“Nguyễn Mạnh Trinh sinh năm 1949 tại Hà Nội, lớn lên ở miền Nam. Năm 1969, ông tình nguyện gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ tại Không Đoàn 60 Bảo Trì Tiếp Liệu thuộc Sư Đoàn 6 Không Quân Pleiku từ khi thành lập đơn vị này vào những năm 1971 cho đến ngày tàn cuộc chiến.
“Sau biến cố 1975, ông tị nạn tại Hoa Kỳ và bắt đầu dấn thân vào những sinh hoạt văn học nghệ thuật tại tiểu bang California. Ngoài viết văn và làm thơ, ông thường viết những nhận định văn học liên quan đến tác phẩm của những tác giả nổi danh như Xuân Vũ, Trần Văn Minh, Dương Hùng Cường, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Vũ Hữu Định, Quang Dũng, Phạm Đình Chương, Phạm Công Thiện, Tô Thùy Yên, Kim Tuấn, Du Tử Lê… Những bài viết của ông xuất hiện trên hầu hết các tạp chí văn học tại hải ngoại.
“Ông chủ trương tủ sách tác giả tác phẩm Đời và là thành viên trong nhóm chủ trương Hợp Lưu - Hoa Kỳ. Nguyễn Mạnh Trinh cùng với Nhã Lan chủ trương chương trình “Tản Mạn Văn Học” trên đài phát thanh Little Saigon mỗi sáng thứ Bảy, được đông đảo người Việt tại California theo dõi.
“Tác phẩm đã xuất bản: Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt, 1985). Tập truyện Hai Mươi Ba Người Viết Sau 1975 (biên tập cùng Trịnh Y Thư, Văn Nghệ Hoa Kỳ, 1989). Rì Rào Sóng Vỗ, tập truyện ngắn.”
Nhà văn Vĩnh Hảo, chủ bút Nguyệt San Chánh Pháp từng viết về thơ của Nguyễn Mạnh Trinh như sau:
“Thơ mới của Nguyễn Mạnh Trinh đọc lên, nghe như nhạc. Một loại nhạc buồn thấm thía. Một loại buồn rất đau. Nhất là bài này, Dặn Anh Khói Sóng, giọng thơ thật trầm tĩnh, mà nỗi đau thì lạnh tê vào tận tim gan:
Anh, rẽ thẳng ngôi em làn tóc xõa
Không quanh co khuất khúc mối tình em
Dù biển gió sẽ rối tung trăm ngả
Anh vuốt ve cho giấc ngủ em mềm
Anh, ru em lời ca dao mật ngọt
Cho em quên cơn khát biển nhọc nhằn
Nhìn thẳng mắt em chân trời hy vọng
Cho mênh mông anh trán phẳng vết nhăn
Anh, vuốt khẽ cho em tà áo mộng
Khép sau lưng tia nắng đẹp phố phường
Ô kìa anh tung tăng đôi bướm đẹp
Đang nô đùa bãi cỏ biếc quê hương
Anh đọc nhỏ thơ anh lời dưới mộ
Có phải em đang dần rã xác thân
Có phải đang bập bềnh muôn khói sóng
Đường hải hành trăm lối dạt phân vân
Anh, hãy hôn em bờ môi vời vợi
Ấm vòng tay tà áo đẹp em đan
Đợt phiêu bạt gió bên trời tiếng gọi
Ơi nụ cười sao đau xót vô vàn
Anh, em đã vùi trong lòng biển thẳm
Vèo cánh chim qua nhịp sóng đoạn trường
Rêu xanh sẽ muôn đời xây nấm mộ
Trái tim không ngưng nhịp đập quê hương.
Thành kính phân ưu cùng gia đình nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh trước sự mất mát đau buồn này.