Ngô Thế Vinh là một tên tuổi đã thành danh ngay từ trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH năm 1971 với tác phẩm Vòng Đai Xanh. Sau này ông có thêm hai giải thưởng: 1) Giải Văn Học Montréal 2002 Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và 2) Giải Văn Việt Đặc Biệt 2017 với Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch.
Một trùng hợp thật ngẫu nhiên khi tạp chí văn học nghệ thuật Ngôn Ngữ phát hành vào tháng 2-2024 cũng vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 ra số đặc biệt giới thiệu Bác sĩ / Nhà văn / Nhà hoạt động môi sinh Ngô Thế Vinh. Năm Rồng, giới thiệu người kết nghĩa với Cửu Long, tưởng không còn gì thích hợp hơn.
Như trong bài Tựa viết cho tập truyện “Mặt Trận Ở Sài Gòn”, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng nhận định: “Không có một khoảng cách nào giữa tác giả và những trang viết của ông. Người đọc có cơ hội theo dõi những tác phẩm của Ngô Thế Vinh, từ tiểu thuyết đầu tay Mây Bão xuất bản vào thập niên 60 tại Sài Gòn, đến tập truyện Mặt Trận Ở Sài Gòn này, vào giữa thập niên 90 ở California Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ nhận ra ngay điều này: Ngô Thế Vinh trong sách và Ngô Thế Vinh ngoài đời chỉ là một.” Thế nên người viết mạo muội lần theo những trang sách, lắp ghép những mảnh puzzles đó đây, để mong được biết thêm về ông. Hy vọng bài viết sẽ góp chút tài liệu nhỏ nhoi cho những thế hệ sau tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời và văn nghiệp của một thầy thuốc tận tụy với bệnh nhân, một nhà văn luôn muốn hướng ngòi viết đến cải cách xã hội, có tầm nhìn xa đã quan tâm sâu sắc tới vấn đề Kinh-Thượng ngay khi còn là sinh viên Y khoa, và cũng là nhà môi sinh gióng tiếng chuông “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng” từ hơn 20 năm nay. Một luận án tiến sĩ về ông chắc chắn sẽ mở ra nhiều vấn đề lý thú. Rất mong các bạn trẻ sẽ quan tâm.
NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
Ngô Thế Vinh, chính quán tại Hà Nội, nhưng ông chào đời ngày 1-4-1941 ở thị xã Thanh Hóa, nơi thân phụ ông là giáo sư dạy Pháp văn tại Collège Thanh Hóa. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng phát, với chính sách tiêu thổ kháng chiến, cả một thị xã bị san bằng, gia đình ông phải tản cư về Bồng Trung, một làng quê bên bờ con sông Mã thuộc Liên khu IV, được coi như an toàn khu thời bấy giờ [1]. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức. Thân phụ nguyên là giáo sư Pháp văn trung học Khải Định tại Huế từ trước thập niên 1940s, khi ông chưa ra đời, cùng thời và cũng là bạn với họa sĩ Mai Trung Thứ, là giáo sư hội họa tại trường này [2]. Gia đình ông có ba anh em trai, tất cả đều thành đạt. Anh cả Ngô Thế Cường (1936 – 2022) nối nghiệp bố, nguyên Giáo sư Anh văn trung học Nguyễn Trãi, Sài Gòn. Anh thứ Ngô Thế Hùng (1939 – 2023), nguyên Dược sĩ Trung tá Quân lực VNCH và Ngô Thế Vinh là út, nhà văn, nguyên Y sĩ Đại úy Quân lực VNCH.
Tuổi thơ đã được ông ghi lại:
“... trên những thửa lúa vàng, giữa tuổi ấu thơ, tôi đã cùng với đám trẻ quê nghêu ngao hát bài Em Bé Quê và mấy bài ca kháng chiến khác của Phạm Duy. Ký ức chiến tranh lúc đó chỉ là hình ảnh một thị xã Thanh Hóa đang nguyên vẹn đẹp đẽ bị san bằng do chính sách “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh. Liên Khu IV vẫn được coi như an toàn khu, không có lính Tây Lê-dương đến càn quét, và cảnh bom đạn nếu có là từ trên cao, với những chiếc máy bay Bê-Vanh-Nớp / B29 của Pháp bay dọc theo con sông Mã, gầm rú trên bầu trời, rồi từng đợt xả xuống những băng đạn lửa đum đum bắn chìm các thuyền đò, không có bộ đội chỉ có dân dã buôn bán di chuyển trên sông. Cảnh tang thương chết chóc lớn nhất mà tuổi thơ tôi đã chứng kiến là từng đợt máy bay Pháp bỏ bom oanh tạc ngôi chợ Rừng Thông với nhiều máu me và xác chết.” [1]
THỜI THANH NIÊN
Năm 1952, khi được 11 tuổi, ông cùng gia đình từ Thanh Hóa hồi cư về Hà Nội [1]. Rồi thời cuộc chuyển biến, theo dòng người di cư năm 1954, gia đình ông trở lại Huế lần thứ hai. Cha ông tiếp tục dạy tại trường Khải Định, còn NTV cũng đổi trường từ trung học Chu Văn An (Hà Nội) chuyển sang trường Nguyễn Tri Phương rồi Khải Định - Quốc Học (Huế). Năm 1955, khi 14 tuổi, một kỷ niệm vẫn đậm sâu trong tâm trí là ngày ông được tuyên hứa – niềm mơ ước của hầu hết Hướng Đạo sinh vừa nhập đoàn. NTV nhớ lại, “Đó là vào một buổi sáng tinh sương, trời đầy sương mù, mặt trời chưa hoàn toàn ló dạng, nơi đồi Vọng Cảnh [tây nam cố đô Huế], lúc ấy còn hoang sơ. Cũng chính tại nơi đây vào năm 1789, Vua Quang Trung đứng trước ba quân ban lời hiểu dụ trước khi xuất quân ra Bắc tiêu diệt 20 vạn quân Thanh nơi thành Thăng Long, một huyền sử rất ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’ nhưng sao chẳng thể nào quên... Tuy thời gian sinh hoạt Hướng Đạo rất ngắn ngủi, chỉ khoảng hơn 2 năm, nhưng lại có một ảnh hưởng thật lâu dài với tôi cho tới những năm về sau này.” Cũng trong năm đó, thân phụ ông qua đời. Rồi khi hai anh đã đậu Tú Tài I & II cũng là lúc NTV học xong lớp Đệ Tam (1957) gia đình ông chuyển vào Sài Gòn để chuẩn bị cho ba anh em vào đại học. Lần chuyển trường thứ ba này, NTV học tại Chu Văn An (Sài Gòn) hai năm cuối của bậc trung học. Trong cuộc phỏng vấn với nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh năm 1996, ông chia sẻ: “Vẫn còn mẹ và anh, nhưng tôi ra đời sớm. Vào ở Đại học xá Minh Mạng khi vừa xong trung học” [3]. Đó là vào năm 1959, 18 tuổi, ông theo học Đại học Khoa học Sài Gòn, là sinh viên lớp dự bị Y khoa PCB / Physique Chimie Biologie niên khóa 1959-1960 [2]. Sau đó ông vào học trường Y khoa Saigon.
Ông chia sẻ:
“Bước vào năm đầu y khoa, thay vì như các bạn đồng khóa tập trung vào học tập, tôi đã không được gương mẫu như vậy, sớm say mê chuyện viết lách làm báo và cả rong chơi với giới nghệ sĩ nhóm bạn Nghiêu Đề, thường lui tới xóm Bùi Viện gần Ngã tư Quốc tế, ngay từ lúc họ như những ‘viên ngọc ẩn thạch’, giới hội họa như Nguyễn Trung, Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyên Khai; nhóm thơ văn Trần Dạ Từ, Nguyễn Đức Sơn / Sao Trên Rừng, Trần Tuấn Kiệt, Trần Đức Uyển / Tú Kếu, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Thụy Long, mỗi người một vẻ với khao khát nghệ thuật là mẫu số chung mà họ hướng tới...” [2].
Hình 1: Những ngày thơ ấu ở Hà Nội 1953, hình chụp ba anh em và cụ thân sinh, kỷ niệm ngày Ngô Thế Vinh học sinh trường Hàng Than, mới đậu tiểu học và chuẩn bị vào trường Trung học Chu Văn An Hà Nội; từ trái, anh Ngô Thế Hùng, anh Ngô Thế Cường, Giáo sư Ngô Văn Bắc - GS trường Trung học Trưng Vương Hà Nội, và Ngô Thế Vinh.
[tư liệu gia đình NTV]
MÂY BÃO – TIỂU THUYẾT ĐẦU TAY (1963)
Rất yêu văn chương do sớm được đọc những cuốn sách trong tủ sách của thân phụ trong đó có sách của Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng không như những tác giả khác khởi nghiệp từ những truyện ngắn, tác phẩm đầu tay của ông là tiểu thuyết Mây Bão, “mang nhiều dự phóng nhưng không ngờ cũng lại tiên tri cho một cuộc hành trình với rất nhiều gian truân nhưng không tới” [3], hoàn tất vào cuối năm 1962, lúc 21 tuổi. Mây Bão được nhà xuất bản Sông Mã của chính ông và Nghiêu Đề tạo dựng, phát hành vào năm sau, 1963, với bìa do họa sĩ Nghiêu Đề thực hiện. Ông đã chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ về bản thảo cuốn sách này “là với Bộ Thông tin, khi lần đầu tiên được ông giám đốc Hội đồng Kiểm duyệt lên lớp thế nào là trách nhiệm của người cầm bút, rằng phải phản ánh chính diện cái xã hội mà nhà văn đang sống thay vì phản diện. Dĩ nhiên quan niệm viết của tôi lúc đó rất khác ông và ngay cho đến bây giờ vẫn không thay đổi.” [3]
Ông tâm sự: “Khi còn là một sinh viên, như các bạn đồng trang lứa, chúng tôi quan tâm tới những vấn đề xã hội. Mơ ước và phấn đấu cho công bằng xã hội, tôi nghĩ đó là giấc mơ chung của lứa tuổi thanh niên. Dĩ nhiên không đơn giản để tìm một con đường đi tới giấc mơ ấy. Từ những quan niệm khác nhau, phương thức hành động khác nhau, nảy sinh ra những đấu tranh và thuyết phục. Hòa mình vào dòng sinh hoạt chung ấy, bảo rằng đó là hoạt động chính trị, theo một nghĩa rộng điều đó không sai. Nhưng nếu chính trị hiểu theo nghĩa phe nhóm đảng phái, thì tôi chưa hề tham gia và cũng không muốn dấn thân vào con đường chông gai ấy...” [3]
NGUYỆT SAN TÌNH THƯƠNG (1963–1966)
Nhiều biến động chính trị đã xảy ra tại Miền Nam Việt Nam trong năm 1963. Mở đầu là “cuộc tranh đấu đòi quyền bình đẳng tôn giáo của Phật Giáo Việt Nam bắt đầu ở Huế với cái chết của tám Phật tử đêm 8/5/1963 tại đài phát thanh, rồi cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn và chiến dịch tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21/8/1963. Ba biến cố quan trọng của phong trào Phật Giáo tranh đấu này dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng kéo dài nửa năm và kết thúc bằng cuộc chính biến lật đổ chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm vào ngày 1-11-1963.” [4]
Sau cuộc chính biến ấy, tờ báo Tình Thương, cơ quan tranh đấu văn hóa xã hội của sinh viên Y khoa đã ra đời. Theo lời kể của Bác sĩ Trần Xuân Dũng (YK 1965), “Vài tuần sau khi cuộc cách mạng 1-11-1963 thành công, anh Trần Xuân Ninh, lúc đó vừa học hết năm thứ 6 Y Khoa, nảy ra ý kiến, cần phải xuất bản một tờ báo cho Sinh viên Y Khoa. Anh bèn tự đánh máy trên giấy stencil một giấy mời rồi đem đi in ronéo, và phổ biến tại trường và các bệnh viện, thỉnh cầu anh em sinh viên tới họp để bàn vấn đề này. Tới ngày giờ ấn định, gần 50 sinh viên có mặt. Trần Xuân Ninh mở đầu cuộc họp, trình bày những lý do tại sao Sinh viên Y Khoa cần phải có một diễn đàn của chính mình, một cơ quan ngôn luận riêng. Sau hơn 3 giờ bàn luận, mọi người đều đồng ý là phải xuất bản một tờ báo. Toàn thể anh em đề nghị Trần Xuân Ninh làm Chủ nhiệm. Anh Ninh từ chối, lý do là chỉ còn 3 tháng nữa anh sẽ phải lên đường nhập ngũ...” [5] Tình Thương số 1 đã phát hành vào tháng 1/1964 với Chủ nhiệm: Phạm Đình Vy, Chủ Bút: Nguyễn Vĩnh Đức, Tổng Thư ký: Trần Xuân Dũng, Thư ký: Nghiêm Sỹ Tuấn, Quản lý: Phạm Như Bách và Ban biên tập gồm Trần Đông A, Hoàng Thiện Căn, Tôn Thất Chiểu, Lê Quang Dũng, Nghiêm Đạo Đại, Vũ Thiện Đạm, Nguyễn Long Hợp, Dương Hồng Huy, Trần Mộng Lâm, Phạm Văn Lương, Trần Xuân Ninh, Hồ Tấn Phước, Lê Sỹ Quang, Ngô Thế Quí, Hà Ngọc Thuần, Trương Thìn, Tô Văn Thình, Đỗ Hữu Tước, Đỗ Thị Văn, Ngô Thế Vinh, Đặng Vũ Vương. Ngô Thế Vinh đã gắn bó với tờ báo này ngay từ số 1 cho tới số 30 (tháng 6/1966) khi tờ Tình Thương bị Nội các Chiến tranh đóng cửa [6], trong ban biên tập, nguyên tổng thư ký (từ Tình Thương số 9 tháng 9/1964) rồi chủ bút (từ Tình Thương số 25-26 tháng 1&2/1966).
Xuyên suốt thời gian ấy, tờ báo có nhiều khuynh hướng khác nhau như NTV đã trình bày trong “Tìm lại thời gian đã mất: Nguyệt san Tình Thương 1963-1967”:
– Khuynh hướng đại học/ academic phải kể tới Nghiêm Sỹ Tuấn, Đặng Vũ Vương, Bùi Thế Hoành [Bùi Thế], Hà Ngọc Thuần, Nguyễn Vĩnh Đức...
– Sinh hoạt văn nghệ: với Lê Văn Châu [Trang Châu], Đỗ Nghê [Đỗ Hồng Ngọc], Hằng Hà Sa [Tôn Thất Chiểu], Đặng Đức [Đặng Đức Nghiêm], Trần Đoàn, Phạm Hồng [Phạm Đình Vy]...
– Riêng trang phiếm luận “Ngang Dạ” với logo là một biếm họa qua nét vẽ tài hoa của Hoàng Thiện Căn trên mỗi số báo là một tiết mục vui tươi được nhiều người đọc, do các cây viết như Trần Xuân Dũng, Trần Đông A, Nguyễn Thanh Bình, Trần Mộng Lâm. Trang “Thế Giới Chúng Tôi” do Đỗ Hữu Tước [Đỗ Trần] phụ trách, là tạp ghi những mẩu chuyện liên quan tới thế giới những người Áo Trắng...
– Thiên về chính trị Phạm Văn Lương, Trần Xuân Ninh, Phạm Đình Vy, Hà Xuân Quỳnh [Cát Quỳnh], Đường Thiện Đồng, Trương Thìn [Lê Trương].
– Những cây viết khác mà tôi còn nhớ được ... như Lê Sỹ Quang, Nguyễn Tường Giang, Vũ Văn Dzi, Dương Hồng Huy, Ngô Thế Quý, Phạm Bá Lương, Phan Giang Sang, và giai đoạn sau có thêm Vương Ngọc Lâm, Vương Ngọc Phát… Về trang sinh hoạt sinh viên, thời sự, phóng sự do Ngô Thế Vinh và Phạm Đình Vy. Phụ trách Hộp Thơ và trả lời thư tín do Trang Châu.
– Các bạn đồng môn như Nghiêm Đạo Đại, Trần Công Phát, Trần Nguyên Tường, Phạm Văn Hanh, Đỗ Thị Văn, Đặng Ngọc Cương và những anh chị khác nữa đã cùng góp sức với sinh hoạt Tình Thương mà nay không thể nhớ hết… và cũng không thể không kể tới số bài viết từ những phân khoa khác như Bùi Khiết bên Dược khoa, và cả các cây viết bên ngoài như thơ Lữ Quỳnh, Ninh Chữ, Từ Kế Tường, Nguyễn Đắc Xuân…
– Về trình bày và biếm họa cho tờ báo chủ yếu là hai họa sĩ cây nhà lá vườn rất tài hoa là Liza Lê Thành Ý, Kathy Bùi Thế Khải, có thêm cả Hoàng Thiện Căn và không thể không nhắc tới một tài năng của Hội Họa Sĩ Trẻ là Nghiêu Đề cũng đóng góp những mẫu bìa rất đẹp cho các số báo Xuân lúc đó như Bách Khoa và Tình Thương.
Tuy là báo sinh viên nhưng cũng có các bài viết khá thường xuyên của các Giáo sư Y khoa. Như GS Trần Ngọc Ninh viết về các vấn đề Giáo Dục và Tinh Thần Đại Học, hai Giáo sư Nguyễn Đình Cát và Bằng Vân Trần Văn Bảng viết về các đề tài Văn chương và Y khoa, GS Ngô Gia Hy viết về phân tích chính trị thời sự, Bác sĩ Vũ Thị Thoa từ BV Nhi Đồng cũng viết bài đăng tải trên Tình Thương…” [7]
Từng số báo đưa ra những vấn đề thời sự nóng bỏng, kèm theo những thiên phóng sự, phỏng vấn rất hấp dẫn... Chẳng hạn TT số 19 (tháng 7/1965) có Phỏng vấn Tướng Thi về thời cuộc & Phỏng vấn Donald K. Emmerson, Phó chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Hoa Kỳ về thái độ của sinh viên Mỹ đối với cuộc chiến tranh VN. TT số 25&26 (tháng 1&2/1966) về Chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và những sự thật về Fulro với ví von thật sống động “Fulro, một cỗ xe với ba tên xà ích phiêu lưu”, cùng những bài viết, tài liệu rất quý của Phạm Đình Vy, Ngô Thế Vinh, Ya Ba và Nguyễn Tường Vũ cộng thêm Phỏng vấn Nay Luett, một nhân sĩ cấp tiến Thượng. TT số 28 (tháng 4/1966) chủ đề Nông thôn Việt Nam và công thức Kibbutz Do Thái với bút ký “Bốn tuần trong Kibbutz” của Đường Thiện Đồng. TT số 29 (tháng 5/1966) có Chín mươi sáu phút với Thượng tọa Thích Trí Quang và phóng sự Về Miền Trung sau những ngày bão lửa chính trị... [8]
Với nội dung phong phú, như nhà báo Hoàng Ngọc Nguyên nhận định, “một tờ báo sinh viên nhưng vượt cả những rào cản thường tình của một tờ báo sinh viên để dấn thân vào cuộc sống của đất nước, của xã hội” [9], báo Tình Thương ngày một lớn mạnh, “đã thu hút thêm nhiều độc giả, không chỉ trong giới sinh viên mà cả ngoài dân chúng qua hệ thống phát hành báo chí ... ra xa tới tận miền Trung... Khoảng tháng 6/1964, tức chỉ nửa năm sau ngày xuất bản, Tình Thương đã có đủ phương tiện để thuê một tòa soạn khang trang có cả thư ký, ở địa chỉ 103 Nguyễn Bỉnh Khiêm Sài Gòn.” [7]
Ngô Thế Vinh say mê làm báo, viết bài. Nhờ Tình Thương “có khả năng – dĩ nhiên bằng phương thức nghèo”, nên ông đã có điều kiện “ra miền Trung, lên Cao nguyên để làm những phóng sự đặc biệt tại chỗ”, và vẫn còn nhớ “Quảng Ngãi trắng khăn tang sau vụ lũ lụt lớn nhất miền Trung; chứng kiến đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Lệ Mỹ – nước mắt người Mỹ ở Đà Nẵng; sinh hoạt cố đô Huế khi sinh viên chiếm đài phát thanh và nhất là những lần lên Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột để theo dõi các vụ bạo loạn của người Thượng thuộc phong trào FULRO...” [3] Ông yêu nghiệp báo đến nỗi tuy đang năm thứ tư nhưng đã “có ý định bỏ học để có toàn thời gian theo đuổi những sinh hoạt báo chí... Bây giờ nhớ lại, tôi không thể không cám ơn anh tôi đã khuyên tôi hoàn tất hai năm còn lại để ra trường và lúc đó không có ai cản trở tôi làm những công việc mà tôi thích” [3], như ông đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Hoạt động đến số 30 (tháng 6/1966), Tình Thương bị Nội các Chiến tranh của Tướng Nguyễn Cao Kỳ đóng cửa, [6] khép lại một thời kỳ làm báo rất sôi nổi, tâm huyết của những người áo trắng.
Hình 2: Họp sinh viên liên khoa để cấp tốc hình thành tổ chức Cứu trợ nạn nhân lũ lụt Miền Trung năm 1965 -- một trận lụt lịch sử 100 năm tại các tỉnh Miền Trung; từ phải SVYK Đặng Ngọc Cương, trưởng Đoàn Cấp Cứu Thường trực Y Khoa, SVYK Ngô Thế Vinh, SV Văn Khoa Từ Thức Trần Công Sung.
[tư liệu BS Đặng Ngọc Cương]
THẾ HỆ CHIẾN TRANH
Rồi ông cũng học xong, mãn khóa tốt nghiệp YK 68 và trình luận án Tiến sĩ Y khoa Quốc gia vào ngày 28/5/1969 với đề tài An Epidemic of triorthocresyl phosphate Poisoning in Vietnam, 1967 (Intoxication by Aircraft Turbo Engine Lube Oil) / Dịch ngộ độc triorthocresyl phosphate ở Việt Nam, 1967.
Hình 3: Ngày trình luận án Tiến Sĩ Y Khoa 28.05.1969, với Hội Đồng Giám Khảo gồm Giáo Sư Bùi Quốc Hương, Chủ Tịch Hội Đồng và 3 thành viên Giáo Sư Phan Đình Tuân, Bác Sĩ Đỗ Thị Nhuận, Bác Sĩ Pierre Hautier. Có một chi tiết cảm động, GS Phan Đình Tuân khi giở mấy trang đầu bản luận án của Ngô Thế Vinh, thấy dòng chữ đề tặng “Để tưởng nhớ tới thân phụ Giáo Sư Ngô Văn Bắc”, GS Phan Đình Tuân cho biết, “Vậy khi xưa, tôi là học trò của Thầy ở trường Khải Định”. Nhận diện hình, hàng trước từ trái, BS Đỗ Thị Nhuận, GS Phan Đình Tuân, Nguyễn Thụy Hưng, Ngô Thế Vinh, GS Bùi Quốc Hương, Nguyễn Duy Toàn, Nguyễn Ánh Nga; hàng sau: Trương Văn Thành, Nguyễn Tiến Tài, Đặng Đức Nghiêm, Nguyễn Cẩm Thạch, Đinh Gia Cường, BS Pierre Hautier. Phía sau trên cao là di ảnh Hippocrates, để các bác sĩ tân khoa đọc lời thề:“Trước sự hiện diện của các Thầy ở Trường Y Khoa này, của các Bạn đồng môn, và trước di ảnh Hippocrates, tôi xin hứa và thề sẽ trung thành với quy tắc Danh dự và Liêm khiết trong khi hành nghề y sĩ.” [tư liệu NTV]
Với Ngô Thế Vinh, “Binh nghiệp không phải là điều tôi lựa chọn nhưng tôi hiểu rất sớm thế nào là đời sống quân đội, nhưng phần quan trọng hơn theo tôi là thứ kỷ luật nơi chính mình...”, [3] ông đã nhập ngũ vào quân đội khóa Trưng Tập 11 Y Nha Dược sĩ mới tốt nghiệp, với cấp bậc Trung úy. Khi kết thúc thời gian huấn luyện quân sự, ông chọn về Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù thuộc binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt với địa bàn hoạt động là vùng cao nguyên chung đụng rất nhiều với các sắc dân thiểu số, cũng do mối duyên sẵn có với những người Thượng ngay từ thời sinh viên. Nhờ đó ông có thêm chất liệu sống để hoàn tất tác phẩm Vòng Đai Xanh trong giai đoạn này. [10]
Là y sĩ trưởng liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, NTV đã có mặt ở những chiến trường xa xôi, heo hút vùng Tam Biên (Việt-Miên-Lào) mà chứng tích còn được ghi dấu nơi những trang viết của ông như Delta 49 - Trại Bunard 1969, Dakto Tây nguyên 1971, Tân Cảnh - Tây nguyên 1971, Bồng Sơn - Thung lũng An Lão 1971, Thị trấn Krek - Cambodia 1971, Kontum 02/1972...
VÒNG ĐAI XANH VÀ MẶT TRẬN Ở SÀI GÒN
Tác phẩm Vòng Đai Xanh được viết xong năm 1969, nhà xuất bản Thái Độ in năm 1970 và đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật VNCH 1971, nhưng do bận hành quân trấn giữ Kontum, ông đã không rời đơn vị để về Sài Gòn lãnh giải trước Tết Nhâm Tý (1972).
Sau Tết, khi được chuyển về Sài Gòn để chuẩn bị xuất ngoại tu nghiệp thì ông lại nhận được trát gọi ra hầu tòa về bài “Mặt trận ở Sài Gòn”, một bút ký ngắn ghi lại cuộc hành trình ý thức của một người lính chấp nhận cuộc hy sinh chiến đấu gian khổ hiện tại, đồng thời cũng có những mơ ước về một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai, đăng trên tạp chí Trình Bầy số 34 vì tội “có luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội”. Ngày 18/5/1972, ông Chánh Án Tòa Sơ thẩm Sài Gòn Nguyễn Huân Trình đã xác nhận tội trạng của tác giả bài báo và phạt án treo 100.000 đồng tiền vạ, cùng là bồi thường 1 đồng bạc danh dự cho Bộ Nội vụ. Vì đây là vụ án có tính cách tượng trưng và để tránh một tiền lệ cho nhà văn có thể bị truy tố ra tòa bất cứ lúc nào về những phát biểu trong sáng tác của họ, nên Ngô Thế Vinh quyết định kháng án lên Tòa Thượng thẩm. [10]
Hình 4: Hành quân Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù tháng 5/1971, căn cứ xuất phát từ Dakto, với nhiệm vụ thám sát theo dõi sự di chuyển của Bắc quân dọc biên giới xuống tới vùng Tam Biên Việt, Miên, Lào. Trong hình từ trái: Trung úy Nguyễn Sơn, Liên Toán Trưởng các Toán Thám Sát; Trung úy Nguyễn Ích Đoan, Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 Xung Kích, Y sĩ Trung úy Ngô Thế Vinh; Trung úy Nguyễn Hiền, sĩ quan Ban 2. [tư liệu: Nguyễn Hiền]
XIN CHỌN NƠI NÀY LÀM QUÊ HƯƠNG
Tháng 7/1972, NTV được đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ về ngành Y khoa Phục hồi / Rehabilitation Medicine tại quân y viện Letterman General Hospital, Presidio San Francisco. Nhân chuyến đi này, ông có dịp đến thăm nhà văn Linh Bảo qua giới thiệu của chủ nhiệm Bách Khoa Lê Ngộ Châu như đã được tường thuật trong “Đến với Linh Bảo – Từ Gió Bấc tới Mây Tần” [2]. Và gặp bạn đồng môn, bác sĩ TQLC Nguyễn Trùng Khánh biệt danh Tôn Kàn. Bài viết Tôn Kàn được ông trích dẫn và dùng làm chapeau cho truyện ngắn “Cựu Kim Sơn chưa hề giã biệt” [11]:
"Thế rồi, cái gì phải đến cũng đến. Ngày trở về Việt Nam đã tới. Mấy tuần trước đó có vài người khuyên tôi nên ở lại. Nếu tôi muốn họ sẽ giúp tôi trốn sang Canada. Tôi lưỡng lự mãi. Một bên là cám dỗ của một đời sống mới, tự do và đầy đủ tiện nghi. Một bên là nỗi nhớ nhung, mái tóc bạc của bà mẹ già, ngọn gió rì rào trong bụi tre ngà, một tô phở nóng, một cái gì rưng rức khó tả. Và nhất là cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa bác sĩ Rieux và Rambert trong La Peste của Camus: “Il n’y a pas de honte à préférer le bonheur, mais il peut avoir de la honte à être heureux tout seul.” NTV hẳn đã suy nghĩ rất nhiều cho quyết định rất quan trọng của cuộc đời mình.
Đoạn văn thật đẹp và thật cảm động sau đây cũng chính là tâm sự của tác giả:
“Buổi sáng nắng đẹp, cầu Golden Gate rực rỡ ửng hồng, nơi mỏm sương mù gần bệnh viện Letterman vẫn như còn sương khói ẩn hiện mờ mờ. Đứng trên chiếc du thuyền, phơi mình trong nắng chan hòa nhưng vẫn thấm lạnh vì từng đợt từng đợt những cơn gió từ biển thổi sâu vào trong vịnh. Không suy nghĩ, như một cử chỉ dứt khoát, Phan ném chiếc máy ảnh, cả những cuộn phim rơi sâu xuống lòng vịnh. Hành động trong khoảnh khắc tưởng như chẳng có ai có thể chứng kiến. Một bà Mỹ già, đôi mắt vui và rất sáng đang tiến lại phía chàng. Hình như ông đã để rơi chiếc máy hình xuống biển. Thay cho câu trả lời Phan nói rất bâng quơ. Gió thổi vào vịnh lớn quá, thưa bà.
Vĩnh biệt Cựu Kim Sơn. Thanh thản nhẹ nhàng không lưu luyến buồn vui, để rồi ngày mai chưa biết ra sao nhưng chàng sẽ trở về với bà mẹ già, những người lính đồng đội và cánh đồng lúa thơm chín vàng của Việt Nam. Chẳng phải Cựu Kim Sơn, Phan đã để trái tim mình ở Sài Gòn. Chàng mơ ước cho xứ sở cái sung túc mà người Mỹ đang có nhưng bằng niềm tin tạo dựng với sức lao động vốn siêng năng của người dân mình...” [11]
Về nước vào đầu năm 1973, NTV trở thành Bác sĩ huấn luyện Trường Quân Y VNCH.
NHỮNG BƯỚC CHÂN DIỄN HÀNH THẦM LẶNG
Những ngày cuối tháng 4/1975, “khi mà cứ điểm cuối cùng là Sài Gòn cũng không còn hy vọng đứng vững, thì người ta bắt đầu chạy tứ tán ra các vùng biển, nhào vào các hải cảng và phi trường để tìm phương tiện thoát thân... Phan với vợ và con nhỏ, cùng bốn năm gia đình khác, mỗi người với túi hành lý nhẹ, ngồi kín chiếc xe van chờ bốc họ nơi sân sau của một khách sạn gần trung tâm thành phố. Mỗi người bước lên xe là một trao đổi sòng phẳng. Không biết bằng cách nào, có lẽ qua giúp đỡ của gia đình, vợ Phan đã đưa được tên cả ba người vào danh sách. Người đàn bà quá hiểu chồng, sống bằng trực giác phụ nữ, nàng tìm cách chuyển con sang tay Phan. Như vậy nàng có thể yên tâm cho tới khi vào được bên trong của phi trường. Dù lẫn cả trẻ con nhưng sao không khí thật nặng nề và im lặng. Chiếc xe lầm lũi chạy nhanh trên các đường phố nhao nhác... Chuyền lại đứa con sang tay vợ, như có linh tính con bé nhất định ôm chặt lấy bố, òa khóc khi lọt sang vòng tay mẹ nó. Khi chiếc xe vừa dừng lại nơi trạm kiểm soát, do một quyết định rất nhanh, không biết có tự bao giờ, Phan mở cửa bước xuống, dặn vói vợ. Em và con đi trước, rồi anh sẽ gặp hai mẹ con. Phan tránh không nhìn thẳng vào khuôn mặt vợ, vì biết mình chẳng thể cứng lòng quyết định dứt khoát về một cuộc chia ly như vậy...” [11]
Quyết định ấy có phải đến từ người Mẹ hiền chân chất, đơn giản, rất yêu quê hương nhưng không hiểu rõ chế độ cộng sản, đã khuyên nhủ, “Hết chiến tranh rồi, các con nên ở lại góp tay xây dựng đất nước”? Có thể thoáng hiện trong đầu Phan cuộc phân ly giữa hai miền Nam Bắc năm 1954, ngỡ sẽ gặp lại nhau hai năm sau nhưng rồi cuộc trùng phùng phải đợi đến hơn 20 năm. Lần này biết đến khi nào? Mẹ đã lớn tuổi, có chờ được tới ngày ấy? Ở lại, để được góp tay xây dựng lại quê hương đổ nát sau chiến tranh, biến ước mơ năm nào thành hiện thực “Chàng mơ ước cho xứ sở cái sung túc mà người Mỹ đang có nhưng bằng niềm tin tạo dựng với sức lao động vốn siêng năng của người dân mình...” [11] Ở lại, với câu đối thoại ngắn ngủi giữa bác sĩ Rieux và Rambert trong La Peste của Camus vang vang trong đầu: “Il n’y a pas de honte à préférer le bonheur, mais il peut avoir de la honte à être heureux tout seul.”
Ở lại, trong khi bằng mọi giá người khác tìm cách thoát thân vào thời điểm đó, có phải là một quyết định lầm lẫn nhất trong cuộc đời ông? Ở lại, để chứng kiến những giây phút cuối của một Sài Gòn thất thủ sau lời kêu gọi đầu hàng của tướng Big Minh vào gần trưa ngày 30-4-1975. “Hoang mang, ngỡ ngàng, rồi bàng hoàng đau đớn. Lệnh đầu hàng là ‘phát súng thi ân’ cho những đơn vị quyết tâm tử thủ cho tới viên đạn cuối cùng...” [11] Nhưng ông cũng được chứng kiến “những bước chân diễn hành thầm lặng của một tiểu đội lính vô danh ở ngày giờ cuối cùng của một thành phố trước khi mất tên Sài Gòn” để sau này trong những ngày tù đày, ông luôn hồi tưởng đến. “Trên đường Công Lý, từ hướng phi trường Tân Sơn Nhứt, không biết từ bao giờ, chuẩn úy Ngộ và tiểu đội của anh vẫn trật tự lầm lũi theo hàng một tiến về hướng Dinh Độc Lập. Trước đó nhiều ngày đơn vị anh và các tiểu đoàn Nhảy Dù đã bám trụ ngày đêm từ ngã tư Bà Quẹo tới cổng Phi Long, như nút chặn vững chãi cho cửa ngõ đi vào Sài Gòn và cả bảo vệ vòng đai phi trường. Người chuẩn úy da sạm đen, gương mặt xương gầy với đôi mắt rất sáng nhưng buồn. Súng lục trễ bên hông, trên tay một cây gậy nhỏ, dẫn đầu tiểu đội 12 người lính da cũng đen sạm trong những bộ rằn ri lấm bụi bạc sờn. Không chút ảnh hưởng nao núng bởi những khuôn mặt dân chúng hoảng loạn giữa một thành phố xao xác, họ vẫn đều bước theo chân người chuẩn úy, với ba-lô trên vai và mũi súng chúc xuống. Có điều gì đó rất thiết thân và thiêng liêng ràng buộc giúp họ thắng mọi sợ hãi trong nỗi sống chết không rời. Cuộc diễn hành kỳ lạ với không trống chiêng không cờ xí, hoàn toàn vắng mặt hàng tướng lãnh đẹp đẽ trong nhung phục với ngực đầy huy chương trên kỳ đài, mà chỉ có những sĩ quan cấp thấp như chuẩn úy Ngộ và các đồng đội vô danh của anh vẫn can đảm bình thản tới gần tuyến lửa, đi tới trong kỷ luật đội ngũ, diễn qua rải rác những đám đông dân chúng lớn nhỏ tụ tập nhao nhác trên các con phố của một Sài Gòn đang chết dần...” [11]
GULAG ARCHIPELAGO MADE IN VIETNAM
NTV cho biết, “Sau 1975, trừ một số ít đã được di tản trước đó, số bác sĩ còn ở lại trước sau đều bị tập trung vào các trại tù cải tạo. Từng hoàn cảnh cá nhân tuy có khác nhau nhưng tất cả hầu như đồng một cảnh ngộ: bị giam giữ trong đói khát, với lao động khổ sai và học tập tẩy não. Những bao gạo in nhãn ‘Đại Mễ’ đầy mối mọt viện trợ của Trung Quốc được đưa vào nuôi tù cải tạo trong giai đoạn này. Không khác với các trang sách viết của Solzhenitsyn về Gulag Archipelago nhưng là Made in Vietnam, tinh vi hơn với phần học thêm được cái ác từ Trung Quốc.
Cũng thật trớ trêu, trại giam đầu tiên của tôi lại là Suối Máu (Tân Hiệp, Biên Hòa), nơi từng là trung tâm huấn luyện của Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, một đơn vị mà tôi đã từng phục vụ. Như một chính sách rập khuôn, không giam giữ lâu ở một nơi, cứ sau một thời gian, các tù nhân lại bị tách ra, di chuyển đi các trại khác. Từ Suối Máu, tôi lần lượt trải qua các trại Trảng Lớn (Tây Ninh), Đồng Ban (Phước Long) và trại cuối cùng là Bù Gia Mập (Bình Phước). Một số khác thì bị đưa ra Bắc, sau này được biết là điều kiện tù đày khắc nghiệt hơn rất nhiều.” [2]
Đó là những tháng ngày tồi tệ nhất, kinh hoàng nhất và cũng lãng phí nhất trong cuộc đời mà không bao giờ ông và những người tù cải tạo muốn nhớ đến. Nên sau này, khi tới Vân Nam thăm con đập Manwan, “được chỉ đường tới Câu Lạc Bộ Công Nhân, nơi chúng tôi có thể dùng bữa ăn chiều. Khu nhà ăn tập thể sạch sẽ khang trang... Vào giờ ăn, công nhân hay kỹ sư, tất cả đều rất trẻ và ngồi chung bàn... Thêm một người bước vào phòng ăn, tay cầm một chiếc tô bằng sắt tráng men trắng, khuôn mặt trẻ ánh mắt thông minh với cặp kính cận. Như một flashback, chiếc tô bằng sắt tráng men đi lãnh cơm bỗng chốc gợi lại cho tôi cảm xúc của những ngày tù cải tạo ở quê nhà, cũng ba năm chứ ít sao. Tôi bảo Wu nên ra ngoài kiếm một quán ăn nhỏ nào đó dưới phố.” [12]
Khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Lê Quỳnh Mai, ông chia sẻ thêm: “... ngoài những giờ ‘cuốc đất trồng rau’ hay ‘đốn tre trảy gỗ trên ngàn’, cũng phải tìm cách làm cho đầu óc mình bận rộn, tôi học thêm chữ Hán từ người bạn cải tạo nằm kế bên, anh nguyên là giáo sư dạy toán Trường Võ Bị Đà Lạt. Anh ấy rất thông minh, chỉ dẫn có phương pháp cho học những bộ chữ căn bản rồi từ đó phân tích ý nghĩa của những chữ mới. Bằng cách ấy ngữ vựng của tôi rất khá khi ra trại. Bây giờ thì bao nhiêu chữ trả lại thầy, chỉ còn đôi ba từ không bao giờ quên vì mang dấu ấn sâu đậm của một tâm trạng nào đó như chữ ‘Nhẫn’ với hình mũi dao trên trái tim hay câu ‘Khổ hải vượng dương, hồi đầu thị ngạn’... ” [13]
CHÚT RƯỢU HỒNG ĐÂY, XIN RƯỚI XUỐNG
GIẢI OAN CHO CUỘC BIỂN DÂU NÀY
(Tô Thùy Yên – Ta Về)
Ba năm sau ra tù, ông ngậm ngùi nhìn một Sài Gòn đã hoàn toàn đổi khác. Ngôi trường Y khoa cũ ngày nào ở số 28 Trần Quý Cáp êm ả rợp bóng cây xanh nay đã trở thành khu triển lãm “Tội ác Mỹ Ngụy”, không chỉ trưng bày vũ khí súng đạn, chuồng cọp với đủ dụng cụ tra tấn mà còn có cả sách báo nọc độc tàn dư văn hóa của “chủ nghĩa thực dân mới” [sic] trong đó có cuốn Vòng Đai Xanh của chính ông.
Khi đến thăm một bạn cố tri, từng là giáo sư đại học, tốt nghiệp ở Mỹ về Việt Nam từ cuối thập niên 1960, đầy lý tưởng, ôm mộng lớn về một cuộc cách mạng xã hội, thì trong ánh mắt người bạn này “lộ rõ vẻ bất an. Thoáng nét vui mừng nhưng anh kịp kìm hãm, vừa nói vừa canh chừng nhìn ra cửa: ‘Biết toa được ra trại thì mừng nhưng cũng xin toa đừng tới thăm’... Gia đình bên vợ anh ở Mỹ đang làm thủ tục bảo lãnh, nghĩ rằng việc có liên hệ với lính ngụy với tù cải tạo có thể là cản trở cho cuộc hành trình hy vọng của gia đình anh tới bến bờ tự do ấy...” [2]
Nhưng ông cũng “có được niềm vui ấm lòng khi gặp người bạn tấm cám Nghiêu Đề. Nghiêu Đề cho biết mới gặp Sao Trên Rừng đi xe gắn máy từ Đà Lạt xuống, ngạc nhiên thấy Nguyễn Đức Sơn lần đầu tiên ăn vận đồ lớn complet cravate, hỏi tại sao thì Sơn cười giọng khinh mạn: ‘có vậy mới khỏi lẫn với tụi nó’.” [2]
Khoảng thời gian đó, do thiếu rất nhiều bác sĩ, sau khi ra tù, ông trở lại với nghiệp y của mình. Là bác sĩ điều trị và giảng huấn tại Trung Tâm Quốc gia Phục Hồi và Trường Vật Lý Trị Liệu Sài Gòn từ năm 1979 cho đến khi đi định cư Hoa Kỳ vào cuối năm 1983. Ông đã cùng với các bạn đồng nghiệp cũ góp công đào tạo những chuyên viên VLTL để cùng với các bác sĩ hoạt động như “bước thứ ba” của y khoa tiếp theo các bước y khoa phòng ngừa và y khoa điều trị.
NTV cũng có những bữa cơm ấm áp gia đình tại nhà Dương Nghiễm Mậu.
“Tuy sống gần khu Chợ Cũ, sẵn những quán ăn vỉa hè và nhà hàng, rất tiện cho nếp sống cơm hàng cháo chợ, nhưng thường sau một ngày làm việc, thay vì về nhà tôi ghé nhà Nghiễm, được chị Trang vợ Nghiễm cho thêm chén thêm đũa với những bữa ăn đạm bạc nhưng ngon miệng vì là bữa cơm hạnh phúc gia đình. Trong tù, tôi và Nghiễm thì đã quen với những bữa ăn đói ngày đêm, ra ngoài tuy rau đậu nhưng cũng là bữa tạm no. Người lớn thì không sao, nhưng với trẻ nhỏ đang tuổi ‘mau ăn, chóng lớn’ thì khẩu phần ấy phải xem là suy dinh dưỡng. Nếu không là ngày phải ra trễ, tôi ghé qua chợ mua một món ăn gì đó, đem tới bày thêm vào mâm cơm gia đình. Có thêm món thịt, thêm chút chất đạm thì hôm đó với hai đứa nhỏ như là bữa tiệc. Những lần gặp nhau, tôi và Nghiễm đều ít nói. Hình như Nghiễm có viết ở đâu đó là những điều không cần nói ra nhưng cũng đã hiểu nhau rồi. Chỉ có cô giáo Trang vợ Nghiễm sau một ngày dạy học mệt nhọc nhưng lúc nào cũng có đôi chuyện vui từ trường đem về gia đình.” [2]
Thời kỳ này ông cũng hoàn tất hai cuốn sách Y học: “Khái Luận Y Học Phục Hồi” (Nxb Y Học 1983) và “Từ điển Y Học Phục Hồi Anh–Pháp–Việt” (Nxb Y Học 1984).
TRỞ LẠI VỚI DÒNG CHÍNH
Ngô Thế Vinh chia sẻ, “Khoảng từ 1987, qua giới thiệu của bạn đồng môn Phạm Quang Thùy, GS Hoàng Tiến Bảo và tôi cùng được nhận vào làm Clinical fellow / volunteer không lương nơi Department of Medicine & Hypertension, USC Medical School với hai giáo sư Vincent DeQuattro và Robert Barndt. Nơi đây, không phải chỉ có Việt Nam, mà còn có các bác sĩ thuộc nhiều quốc tịch khác như Nam Hàn, Hồng Kông, Phi Luật Tân, Syria và cả Nhật Bản... Hệ thống y khoa Mỹ lạnh lùng và tàn nhẫn với bất cứ một bác sĩ ngoại quốc nào tới Mỹ theo diện di dân muốn hành nghề trở lại, cách đối xử khác xa với thành phần du học nếu sau đó trở về nước. Tại USC Medical Center, đám bác sĩ ngoại quốc chúng tôi tuy chưa có bằng hành nghề, nhưng cũng được tiếp xúc với bệnh nhân, để chọn lọc và ghi tên họ tham gia vào các công trình nghiên cứu y khoa, theo protocol, thực hiện các cuộc phỏng vấn, lập hồ sơ với folder cho từng người; ngoài ra hai ngày mỗi tuần chúng tôi được tham dự các buổi khám bệnh của hai vị giáo sư Mỹ này. Mỗi ngày, sau khi làm xong phần vụ được giao phó, hai Thầy trò lại cùng nhau xuống Norris Medical Library nơi có cả một rừng sách, phía sau Bệnh viện để dùi mài kinh sử; chủ yếu là nghe tape và xem video các bài giảng y khoa, giống như mấy trung tâm luyện thi Kaplan nhưng phải trả tiền khá đắt.
Và rồi tôi đã qua phần thi cử FMGEMS, có được mấy cuộc phỏng vấn / interviews để vào NRMP (National Resident Matching Program). Sau đó tôi rời California đi New York với hy vọng hoàn tất chương trình nội trú & thường trú nơi hệ thống các Bệnh viện Đại học SUNY Downstate ở Brooklyn, New York.” [2] Sau một năm Nội trú / Internship và hoàn tất chương trình Thường trú ba năm về Nội Khoa / Internal Medicine Residency, NTV trở về California, làm bác sĩ điều trị và giảng huấn tại một bệnh viện VA thuộc hệ thống Đại học Y Khoa UCI từ 1991.
MEKONG – DÒNG SÔNG NGHẼN MẠCH
Từ năm 1995, như một bước ngoặt của cuộc đời, NTV đã đến với sông Mekong cũng như vấn đề môi sinh. Ông kể lại:
“Năm 1995 tôi đã có kỷ niệm về một ngày rất khó quên với nhà báo Như Phong nơi thủ đô tỵ nạn Little Saigon. Ðó vào sáng thứ Bảy của một ngày tiết Thu nắng đẹp miền Nam California, Anh Như Phong hôm ấy rủ tôi tới gặp mấy người bạn trẻ thuộc Nhóm Bạn Cửu Long mà tôi chưa hề quen biết nhân có buổi mạn đàm đầu tiên tại Phòng Sinh Hoạt báo Người Việt. Trên bàn thuyết trình hôm đó có kỹ sư Phạm Phan Long, tiến sĩ Phạm Văn Hải và nhà báo Ðỗ Quý Toàn. Kỹ sư Phạm Phan Long là người đầu tiên lên tiếng báo động về những hiểm họa cho dòng sông Mekong khi Trung Quốc có kế hoạch xây một chuỗi những con đập Bậc thềm Vân Nam. Lúc đó chỉ mới có một con đập đầu tiên Manwan / Mạn Loan 1.500 MW trên dòng chính sông Lancang–Mekong vừa được xây xong (1993). Ngày hôm ấy với tôi quả thật là mối ‘duyên khởi’ bởi vì đây cũng là lần đầu tiên tôi tiếp cận với một vấn nạn mới mẻ của đất nước: đó là những bước phát triển ‘không bền vững / unsustainable development’ của con sông Mekong. Cũng từ đó tôi được làm quen với những người bạn mới như KS Phạm Phan Long, KS Ngô Minh Triết, KS Nguyễn Hữu Chung và rồi thêm những người bạn khác của Mekong Forum, tiền thân của Viet Ecology Foundation về sau này.
Rồi phải kể tới một bài báo đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật (03-11-1996): Khai thác sông Mekong: nhìn từ góc độ Việt Nam tuy đứng tên Kỹ sư Phạm Phan Long nhưng do 4 người viết, họ đều là những chuyên gia từ hải ngoại: Tiến sĩ Phạm Văn Hải (Mỹ), Kỹ sư Nguyễn Hữu Chung (Canada), Tiến sĩ Bình An Sơn (Úc). Nội dung bài viết ấy cho tới nay vẫn còn nguyên tính thời sự... Cũng đã hơn 25 trôi năm qua, tôi vẫn là người bạn đồng hành bền bỉ với Nhóm Bạn Cửu Long, vẫn cứ là một con chim ‘báo bão’ từ những đám mây đen độc hại ngày càng dày đặc hơn không ngừng đổ xuống từ phương bắc.” [2]
Từ bước ngoặt cuộc đời này, NTV đã viết nên hai tác phẩm được đánh giá cao, được xuất bản và tái bản nhiều lần:
– Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng [Văn Nghệ, California 2000, tái bản 2001; Nxb Giấy Vụn Việt Nam 2014]
– Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch [Văn Nghệ, California 3/2007; Văn Nghệ Mới 12/2007; Nxb Giấy Vụn, Việt Nam 2012]
TÁC PHẨM VĂN HỌC
NTV sớm đến với văn chương, đã có tác phẩm xuất bản từ 60 năm trước và hiện nay ông vẫn còn tiếp tục viết. Có thể kể:
– Mây Bão [Sông Mã, Sài Gòn 1963; Văn Nghệ, California 1993]
– Bóng Đêm [Khai Trí, Sài Gòn 1964]
– Gió Mùa [Sông Mã, Sài Gòn 1965]
– Vòng Đai Xanh * [Thái Độ, Sài Gòn 1970; Văn Nghệ, California 1987; Văn Học Press, California 2018]
– Mặt Trận Ở Sài Gòn * [Văn Nghệ, California 1996]
– Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng * [Văn Nghệ, California 2000, tái bản 2001; Nxb Giấy Vụn Việt Nam 2014]
– Mekong – Dòng Sông Nghẽn Mạch * [Văn Nghệ, California 3/2007; Văn Nghệ Mới 12/2007; Nxb Giấy Vụn, Việt Nam 2012]
– Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa I [Việt Ecology Press 2017]
– Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa II [Việt Ecology Press 2022]
– Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân [Tập San Y Sĩ Việt Nam Canada, Việt Ecology Press 2019]
trong đó những tác phẩm có dấu * đã được dịch sang Anh Ngữ và xuất bản tại Hoa Kỳ. Riêng bộ sách Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa I & II đang được Tiến sĩ Eric Henry dịch, dự trù sẽ ra mắt cuốn I trong năm 2024.
Với bộ ba cuốn sách song ngữ Việt-Anh: Mặt Trận Ở Sài Gòn (2020), Vòng Đai Xanh (2020) và Mekong – Dòng sông nghẽn mạch (2021) do nhà xuất bản Văn Học Press & Việt Ecology Press ấn hành, Ngô Thế Vinh luôn quan tâm đến những thế hệ tương lai.
Người viết rất tâm đắc với nhận định của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng:
“Ngô Thế Vinh là nhà văn của những ước mơ, hay nói rõ hơn ông là nhà văn của lương tâm.
Người ta hiểu lý do vì sao Ngô Thế Vinh phải ra hầu tòa trong khi trước đó, tác phẩm Vòng Đai Xanh của ông vừa được giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc 1971. Bởi vì ngoài vai trò một bác sĩ và một người lính, ông còn là một nhà văn ước mơ về một xã hội tốt đẹp hơn. Ông là một người lính chiến đấu cho tổ quốc, hy sinh cho một lý tưởng, nhưng ông không muốn sự hy sinh ấy nhằm bảo vệ cho ‘một thứ xã hội trên cao’, một xã hội hưởng thụ thừa mứa, của ‘một đám người kêu gọi chiến tranh nhưng lúc nào cũng ở trên và đứng ngoài cuộc chiến ấy.’
Hơn ai hết, Ngô Thế Vinh biết rõ những suy nghĩ của anh trong một xã hội đang tan rã ở Sài Gòn lúc bấy giờ cũng chẳng khác nào những suy nghĩ của bọt biển, thế nhưng khi cầm bút viết xuống trang giấy những suy nghĩ ‘phạm thánh’ ấy trong một không khí đe dọa và khủng bố, phải nói Ngô Thế Vinh là một người dũng cảm.” [14]
Dược sĩ Bùi Khiết, một người bạn của NTV, chia sẻ:
“Với ông người Việt Nam giết chóc tàn hại nhau chỉ là hiện tượng ở vào một thời điểm trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Con người Việt Nam thương yêu nhau, đùm bọc nhau mới là bản chất Việt Nam. Làm văn hóa hướng về chân thiện mỹ thì phải phát huy bản chất ấy.
... Ngô Thế Vinh rất đôn hậu về cái gốc. Ông không hận thù nhưng buồn và thương tiếc. Cảm nghĩ của tôi, Ngô Thế Vinh chấp nhận và cam chịu giữa hai lằn đạn. Cả hai phía bên này lẫn bên kia có vẻ khó chịu và nghi ngại ông. Bởi ông là nhà văn lấy chính trị làm bối cảnh mà lại viết và trình bày theo lương tâm. Chính cái lương tâm trong sáng từ bi và bác ái đó làm bóng đêm thủ đoạn chính trị bị lộ diện. Như con thú đêm khi lộ diện thì cuồng quẫy chống đối khó chịu.” [14]
Người viết muốn thêm, Ngô Thế Vinh còn là một con chim báo bão, “Nghệ sĩ không thể chỉ là nhân chứng mà hắn phải có tâm thức của một tiên tri” như ông đã bày tỏ trong truyện ngắn Đêm Mắt Lưới đi trên Tình Thương số 24 (tháng 12/1965). Vòng Đai Xanh được viết xong vào năm 1969 vẫn còn nguyên tính thời sự cho tới hôm nay, điển hình là vụ nổ súng tại Đắk Lắk ngày 11/6/2023 vừa qua. Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng đã báo động từ hơn hai mươi năm trước tình trạng khô hạn, cạn dòng, ngập mặn... sẽ xảy ra khi các quốc gia ở thượng nguồn liên tục xây dựng các đập thủy điện bất chấp hệ sinh thái của thiên nhiên và đời sống của cư dân ven sông mà hiện nay tất cả chúng ta đã thấy rất rõ ràng hậu quả.
Giọng văn điềm tĩnh, lời đẹp, ý nhân hậu là điều độc giả nhận ra khi đọc văn Ngô Thế Vinh.
“Không chỉ đau vì mất chân, Tụng biết mình vẫn còn sống nhưng đau xót hơn chỉ sợ làm mẹ buồn. Tụng xé ngay mảnh áo làm vòng garrot tự cấp cứu cầm máu. Tụng nổi tiếng lì khi còn trong chiến trận, trong đời Tụng chưa từng biết khóc là gì nhưng bây giờ thì đôi mắt mờ lệ nhìn về phía nắng hanh chiếu vàng trên những bụi tre phía xa, thấp thoáng đâu đó là nóc nhà quen thuộc, nơi đó có bà mẹ già và cả con Bé Tư đang lúp xúp lặt mớ rau cho nồi canh chuẩn bị bữa ăn chiều. Tụng không nghĩ tới mình, không màng tới cái đau như xé truyền lên từ mỏm chân cụt mà lại cứ miên man với ý nghĩ là sắp tới đây, phải ăn làm sao nói làm sao với má bây giờ, để cho bả khỏi khổ. Hòa bình rồi hạnh phúc tính là dài lâu nhưng rồi ra cũng chỉ là tính riêng cho mỗi từng ngày.” (Ngô Thế Vinh – Người Y Tá Cũ)
“Trong cái mênh mang của cơn say lịch sử, có ai nghĩ được rằng cuộc chiến đang diễn ra giữa những người Việt lại có thể xóa nhòa một nền văn minh Angkor cổ kính. Và trong cái hoang vu lặng lẽ của buổi chiều tàn, giữa ngôi làng đổ nát kia, tôi tưởng tượng rằng vẫn còn một người đàn bà không rõ mặt mũi vẫn ẩn nhẫn ngồi ôm đứa con ru cho bú. Phải chăng vẫn còn hình ảnh an ủi tuyệt đẹp và ngàn năm của ý nghĩa tồn sinh nhân loại. Đó là sự sống thách thức và cũng là tha thứ bao dung đối với cả cuộc chiến tranh dài đẵng và vô ích này, với những tàn phá vô tri của bọn đàn ông và khí giới bom đạn.” (Ngô Thế Vinh – Nước Mắt Của Đức Phật)
Là bác sĩ, nên cách nhìn của ông cũng rất “thầy thuốc”:
“Theo cách nhìn y khoa, với người viết, thì chỉ với hai đoạn đường ngắn: con Đường Sách 144 m và tuyến Đường Metro Bến Thành Suối Tiên 19,7 km có thể xem đó là hai chỉ dấu sức khỏe – vital signs của Sài Gòn. Chừng nào có sinh hoạt ‘được gọi là bình thường’ nơi hai tụ điểm ấy: một nét văn hóa và một nét công nghệ cao – là biểu trưng cho một thời kỳ Sài Gòn khỏe mạnh, một Sài Gòn phục sinh, vui tươi trở lại với rộn rã ca khúc của Y Vân ngày nào: Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!” (Ngô Thế Vinh – Con Đường Sách Sài Gòn và Câu chuyện đốt sách)
Hay:
“Trong 48 năm qua, nhiều công trình cải tạo lớn đã được đem ra thử nghiệm trên khắp ĐBSCL như: đắp đê ngăn lũ, làm đê kè để giảm sóng hay chuyển hướng dòng chảy, xây dựng hàng loạt những cống chặn mặn… Có thể nói là các ‘chuyên gia quốc doanh’ từ ngoài Bắc vào Nam không hiểu gì hệ sinh thái tinh vi của ĐBSCL, nên đã thô bạo dùng ‘dao mổ trâu’ để thực hiện những cuộc giải phẫu thần kinh và đã để lại những hậu quả tác hại lâu dài, rất khó sửa chữa.” (Ngô Thế Vinh – Nửa Thế Kỷ Cải Tạo Làm Cạn Kiệt Tài Nguyên Một ĐBSCL Đang Chết Dần)
NGÔ THẾ VINH ĐỜI THƯỜNG
Phạm Ngọc Lân, dược sĩ tốt nghiệp năm 1968, cùng khóa 11 Trưng Tập với Ngô Thế Vinh đã kể lại trong hồi ức “Cha Vô Danh”:
“Ngày thứ hai mùng 2 tháng 6 năm 1969, khóa 11 Trưng Tập được đưa lên học quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Anh Vinh là đại đội trưởng khóa sinh, phải vô cùng vất vả vì những cuộc đối đầu với thành phần lãnh đạo của trại. Bất mãn đầu tiên đến với cả đại đội khi một công lệnh được phổ biến sáng thứ tư 11 tháng 6, là chủ nhật tới sẽ chỉ được nghỉ phép 10 tiếng đồng hồ thay vì 24 tiếng từ chiều thứ bảy đến chiều chủ nhật. Thứ hai là có một người trung sĩ đưa lệnh kêu mấy chục người phải đi khuân đồ đạc dọn trại cho ai đó. Trước đó, ngày thứ ba và thứ tư các khóa sinh ở lại trực phòng đều bị khiển trách nặng nề vì phòng ngủ không được sạch sẽ, tuy các bạn này cũng đã cố gắng làm hết sức mình. Rồi còn bị dẫn qua các phòng của các đại đội khác để cho thấy người ta giữ sạch sẽ ra làm sao. Thế là đến 11 giờ trưa trong giờ nghỉ học, cả đại đội tập họp để ủng hộ anh Vinh đại đội trưởng đến trình bày vấn đề với Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng. Sau đó cả đại đội biểu quyết sẽ phản đối bằng cách không về phép chủ nhật nếu chỉ được phép 10 tiếng đồng hồ, không tuân lệnh đi khiêng đồ đạc vì đó không phải là cách cư xử với những sĩ quan khóa sinh, và không hợp tác trong một chương trình văn nghệ của tiểu đoàn. Đến trưa lại có công lệnh đọc trước đại đội, cảnh cáo đại đội 45 vì đêm thứ ba không ra ngủ ngoài trời. Lời cảnh cáo rất gay gắt, kèm thêm lời đe dọa là nếu tái phạm thì cả đại đội sẽ bị phạt cúp phép, các cấp trưởng (trung đội trưởng, đại đội trưởng) sẽ bị nghiêm phạt. Điều bực bội nhất cho các khóa sinh là công lệnh được đọc cho tất cả 6 đại đội của tiểu đoàn Nguyễn Huệ nghe, sẽ đọc trong hai ngày liền, mỗi ngày hai lần! Sở dĩ đêm thứ ba không ra ngủ bên ngoài vì trời mưa, lại không có dụng cụ để dựng lều nên phải ngủ trong nhà, nhưng trong tư thế sẵn sàng, quần áo trận vẫn mặc, không giăng mùng mà chỉ trùm đầu bằng cái lưới muỗi thôi. Không khí căng thẳng tiếp tục lên cao và qua ngày hôm sau thứ năm 12 tháng 6, đại đội quyết định phản ứng mạnh hơn. Buổi trưa tất cả tập họp ngoài sân, lấy lon trung úy ra đeo lại trên cổ áo, hàng ngũ nghiêm chỉnh trong khi anh Ngô Thế Vinh đại đội trưởng vào ‘làm việc’ với Thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Chiều cùng ngày, Vinh lên gặp Thiếu Tá liên đoàn phó, ông này hứa sẽ đưa việc này lên cấp trên giải quyết. Đến tối, có lệnh từ liên đoàn xuống tách riêng đại đội F-45 ra một trại riêng biệt, chỉ cách trại cũ hơn 200 thước, và từ nay đại đội này sẽ tự quản lý lấy doanh trại của mình, còn việc học tập quân sự vẫn tiếp tục trong khuôn khổ tiểu đoàn Nguyễn Huệ như cũ. Thế là lúc 9 giờ tối, mọi người lục đục dọn nhà, khiêng các giường sắt qua hai căn nhà rộng của doanh trại mới, kê làm hai hàng giường hai tầng chồng lên nhau, trung đội 1 và 4 ngủ trong một căn, hai trung đội 2 và 3 trong căn còn lại.
Hình 5: Khóa sinh sĩ quan Ngô Thế Vinh 1969 và những ngày ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung; tuy chưa ra chiến trận nhưng Khóa Trưng Tập 11 Y Nha Dược đã bị tổn thất và cả tang tóc, do vụ nổ của một trái mìn Claymore hướng thẳng vào doanh trại các khóa sinh sĩ quan Quân Y, khiến một bác sĩ tử vong ngay tại chỗ và nhiều bạn khác bị thương, và những miểng mìn còn gắn trên cơ thể họ cho tới ngày nay. [tư liệu NTV]
Vài ngày sau, đại đội có lệnh triệu tập đặc biệt lên hội trường, ra mắt Trung Tá liên đoàn trưởng. Sau các thủ tục chào đón nghiêm nghỉ của nhà binh, mọi người ngồi xuống và ông Trung Tá, một người mặt mũi sáng sủa ngồi trên bàn chủ tọa, rút trong túi ra một cái thẻ vàng (chẳng khác gì trọng tài trong trận đá banh quốc tế) và hỏi to, ‘Các anh nói tấm thẻ này màu gì?’ Mọi người trả lời đồng loạt ‘màu vàng’. Ông Trung Tá nói ‘nhưng trong quân ngũ, tôi nói tấm thẻ này màu đỏ, các anh cũng phải nói nó là màu đỏ; quân đội khác với xã hội bên ngoài ở chỗ đó.’ Anh Ngô Thế Vinh giơ tay xin phát biểu: ‘Chúng tôi là những người được đào tạo trong môi trường đại học, và chúng tôi được học hỏi một điều quan trọng. Đó là muốn trở thành người trí thức thì đầu tiên phải biết tôn trọng sự thật trong mọi tình huống, vì thế nên chúng tôi không thể nói tấm thẻ kia màu đỏ trong khi thật ra nó là màu vàng!’ Mọi người ngồi im phăng phắc xem ông Trung Tá phản ứng ra sao, nhưng ông này chỉ nói cho qua chuyện, rồi sang một đề tài khác: ‘Khóa 11 Trưng Tập đến Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để học 9 tuần quân sự căn bản, nên cũng phải theo kỷ luật chung của Trung Tâm, nhưng vì các anh đã là những sĩ quan đeo lon trung úy, nên liên đoàn đã quyết định để đại đội F-45 được tách ra sống riêng trong một doanh trại mà các anh phải tự quản.’
Từ đó về sau, đại đội sống biệt lập với 5 đại đội còn lại của tiểu đoàn Nguyễn Huệ, không còn va chạm với Thiếu Tá tiểu đoàn trưởng nữa, mà ngược lại, dần dần ông Thiếu Tá nổi tiếng kỷ luật và có thành kiến không tốt với giới quân y (vì một lý do bí ẩn nào đó trong quá khứ của ông ta) trở thành người có cảm tình với khóa 11 Trưng Tập...” [15]
Mẩu chuyện trên cho thấy, Ngô Thế Vinh là người lãnh đạo tài năng, tôn trọng sự thật, ứng xử có tình có lý, không cứng nhắc tuân theo những lệnh vô lý của thượng cấp, đấu tranh và đứng về phía kẻ yếu thế, như ông đã từng viết trong tiểu thuyết “Mây Bão” cuối năm 1962: “... ở đâu mà chẳng phải đấu tranh nếu không muốn bị dồn ép tàn lụi hoặc chết dí như những con rệp”. Nhưng cũng nên thêm điều đó chỉ có thể xảy ra thời VNCH tự do, không thể có dưới thời cộng sản chuyên chính.
Bù lại, ông cũng rất nghiêm, không khoan nhượng đối với bất cứ vi phạm kỷ luật nào trong quân đội. Bằng chứng cũng từ những trang viết của Dược sĩ Phạm Ngọc Lân: Một bữa người vợ ra đến bãi tập thăm anh bằng xe Jeep do quen với một sĩ quan làm việc trong quân trường. “Chỉ gặp mặt nhau không được bao lâu nên chàng còn bịn rịn khi có tiếng còi ra lệnh tập họp để đi tập ở bãi khác. Trở lại với đại đội bị trễ vài phút, anh đại đội trưởng khóa sinh Ngô Thế Vinh phạt anh chàng khóa sinh F-205 20 cái hít đất!” [15]
Họa sĩ Đinh Cường chia sẻ:
Những ngày này Ngô Thế Vinh hay phone nói chuyện này chuyện kia cho vui. Làm tôi lại nhớ những ngày xưa cũ, có lần ghé qua căn phòng bạn ở vùng Chợ Cũ, gần đường Ký Con nơi làm tòa soạn tạp chí Sáng Tạo. Bạn đi vắng, tôi và Nghiêu Đề nhìn qua cửa sổ thấy cái giường trải chiếc drap trắng thẳng tưng như giường trong nhà binh. Bạn có nếp sống ngăn nắp, tươm tất. (Đinh Cường – Đoạn ghi cho Ngô Thế Vinh – 17/3/2015)
Nhà thơ Lê Chiều Giang, vợ họa sĩ Nghiêu Đề, người bạn tấm cám của NTV, cho biết:
Thuở Nghiêu Đề lúc cạn tiền, túi hết, anh hay lang thang ra ngồi Café góc phố. Nhưng nếu bán được tranh, coi như tiền có từ trên trời rơi xuống, anh thích ngồi La Pagode. Anh gọi hết bè bạn ra café thuốc lá, kên đời và để huyên thuyên cười nói… Riêng anh Ngô Thế Vinh đã chẳng bao giờ sống bạt mạng như thế. Anh thích ngồi trang trọng chỉ riêng với vài bạn thân ở quán Thanh Bạch. Anh quen biết rất đông giới văn nghệ, nhưng lại ít tham dự cách vui chơi huyên náo của những văn nhân, thi sĩ. Anh rất hòa nhã nhưng dè dặt, lặng lẽ và kín đáo. Sẽ chẳng bạn bè nào hiểu Ngô Thế Vinh đang nghĩ gì. (Lê Chiều Giang – Quỳnh Liêu)
Ngô Thế Vinh là bác sĩ, ông luôn ân cần thăm hỏi, quan tâm đến sức khỏe của bạn bè. Như với Cao Xuân Huy: “Huy và tôi, qua cell vẫn liên lạc với nhau hàng tuần, thường là thứ Năm sau ngày tái khám ở UCLA về. Thường là tôi phone cho Huy...” [2] Tháng 7/2022, người viết đi nghỉ hè ở miền Nam California, chẳng may bị bệnh nên báo cho ông. Ông có lời khuyên và nhờ Bác sĩ Nghiêm Đạo Đại, bạn ông, khám giúp, cho toa. Nơi đây, xin được một lần nữa cảm ơn hai Bác sĩ NĐĐ và NTV đã tận tình giúp đỡ người viết khi xa nhà.
ĐẰNG SAU ÁNH HÀO QUANG
Ai đó đã nói, “Đằng sau mỗi người đàn ông thành đạt đều có một người phụ nữ tuyệt vời”. Với người viết, có đến hai người phụ nữ phía sau Ngô Thế Vinh. Đó là Mẹ và Vợ ông.
Mẹ đã đưa ông vào đời, chăm sóc, vun bón tình yêu quê hương xứ sở cho con qua những câu hát ru từ thuở nằm nôi, dạy dỗ nuôi con nên người. Dưới đây là đoạn văn ông viết về người Mẹ:
“... Khi tôi bước vào nhà thì bà vẫn mải mê đọc cuốn Tâm và Thức của đạo Phật. Tôi yên lặng ngồi xuống một chiếc ghế gần đó: một phút ngạc nhiên đến xót xa khi thấy mái tóc bà đã trắng bạc như sương. Tôi đã xa đời sống, xa bà bao lâu để mới nhận ra sự biến đổi này và bà đã ngồi đó tự bao giờ, trong bao nhiêu năm nay, vẫn trong chiếc ghế bọc da màu nâu quen thuộc với những đồ vật trong phòng giữ nguyên chỗ đứng cũ. Hình ảnh bà gợi sự bình an trộn lẫn với xót xa. Cảm giác không tránh khỏi rưng rưng khi nhìn bàn tay bà với những ngón gầy khô se sắt. Tôi muốn được ôm hôn lên trán, gục mặt vào lòng bà và nắm lấy bàn tay gợi biết bao nhiêu nỗi êm dịu thời tuổi nhỏ nhưng cái không khí tẩm thẫm đạo giáo và sự thanh khiết khổ hạnh đã ngăn tôi lại, đó như một khoảng cách làm khô héo tình mẫu tử vuốt ve và tiếng nói của yêu thương chỉ còn là sự xót xa yên lặng. Bà vẫn còn sống nhưng lại xa hẳn với thế giới hệ lụy này...” [16]
Ngày ấy, Mẹ khuyên: “Hết chiến tranh, các con nên ở lại góp tay xây dựng đất nước”, để rồi không lâu sau đó bà chết trong cô quạnh lúc cả ba con trai đang bị tù “cải tạo”. Đọc Lê Chiều Giang viết về bà, xúc động khôn nguôi:
“Khi biết anh Ngô Thế Vinh đang bị tù giam tại Suối Máu, chúng tôi tới thăm Bà. Mẹ anh Vinh nắm tay anh Nghiêu Đề như tìm lại hơi ấm từ đôi bàn tay người con đang bị giam cầm nơi xa xôi. Bà nhìn Cu Bi con trai của chúng tôi đi lẫm đẫm quanh nhà rồi nhắc nhớ đến Quỳnh Liêu, cô cháu nội mà Bà biết sẽ chẳng còn có bao giờ được gặp lại.” (Lê Chiều Giang – Quỳnh Liêu)
Vợ ông trong mọi nghịch cảnh, đã là hậu phương vững chãi cho ông trong suốt những năm thăng trầm. Sau này khi ông theo đuổi vấn đề môi sinh, với những chuyến du khảo đến những con đập thượng nguồn, qua các quốc gia Trung Hoa lục địa, Lào, Cam Bốt, Việt Nam đầy bất trắc, có người vợ nào không lo lắng? Nhưng bà vẫn để ông thực hiện những gì ông hằng theo đuổi. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã chia sẻ: “Hạnh phúc, như một cách nói đối với tôi là những giờ buổi tối, trong không khí gia đình, nếu không đọc sách, thì cũng được ngồi trước chiếc computer viết hay sửa lại những trang sách viết dở dang.” [3]
CON NGƯỜI XANH CỦA MÔI SINH
Trong bài “Phỏng vấn Ngô Thế Vinh – người đi dọc 4.800km sông Mekong” do phóng viên báo Người Đô Thị Lê Quỳnh thực hiện, khi được hỏi, “nếu được tự nói về mình, ông nhận mình là một bác sĩ, nhà văn, nhà báo, hay là một nhà khoa học?”, NTV đã trả lời:
– Tôi đã được gán cho nhiều căn cước khác nhau, nhưng một cách khái quát, nói như ký giả Long Ân, có lẽ đúng nhất tôi chỉ là con người xanh của môi sinh. [17]
Cho đến nay, NTV vẫn tiếp tục theo dõi tình hình sông Mekong, từ đó viết những bài báo gióng tiếng chuông cũng như đưa ra những biện pháp cần thiết và thích hợp với môi sinh hầu giải quyết vấn đề “thay cho 20 triệu cư dân ĐBSCL không được quyền có tiếng nói”. Theo ông, “Cứu lấy dòng sông Cửu Long” là một cuộc chạy đua với kim đồng hồ, bởi vì “Nói tới nguy cơ là còn thời gian, chứ tiêu vong là mất đi vĩnh viễn / Extinction is forever, Endangered means we still have time” (Sea World San Diego). Ông luôn nhấn mạnh: “Kế hoạch phát triển nào cũng phải tính tới cái giá môi sinh phải trả – environmental costs – đối với sức khỏe của người dân và cả trên nguồn tài nguyên lâu dài của đất nước”, và “Môi Sinh và Dân Chủ sẽ mãi mãi là một ‘Bộ Đôi Không Thể Tách Rời / Inseparable Duo’.”
Hình 6: Ngô Thế Vinh trên khúc sông Lancang-Mekong, xa phía sau là nơi sắp xây con đập Cảnh Hồng / Jinghong 1.350 MW, là con đập dòng chính thứ ba, sau hai con đập Mạn Loan và Đại Chiếu Sơn. [photo by Nguyễn Văn Hưng, 09.2002]
Chẳng hạn, gần đây nhất là các bài viết:
– Bước Qua Lời Nguyền Tiến Hành Dự Án Đập Stung Treng Là Hủy Diệt Môi Sinh – Ecocide – Một Nhìn Lại khi Phnom Penh tuyên bố cho tái phục hoạt / resurrection dự án thủy điện Stung Treng 1.400 MW trên dòng chính sông Mekong phía đông bắc Cam Bốt sát ranh giới với Lào vào năm 2022.
– Nửa Thế Kỷ Cải Tạo Làm Cạn Kiệt Tài Nguyên Một ĐBSCL Đang Chết Dần về công trình “thế kỷ và nghịch thiên” Siêu Cống Cái Lớn Cái Bé của VN được vận hành từ tháng 01/2022 đang giết chết “Dòng Chảy Sinh Thái” của cả một hệ thống sông rạch, gây ra những tác động tiêu cực và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống cư dân trong vùng.
– Từ đế chế Phù Nam – Khmer tới con kênh lịch sử Funan Techo của vương quốc Cam Bốt và Phù Nam Techo – Con kênh lịch sử & Những bước tiến hành dự án giữa triều đại “Cha và Con” về con kênh lịch sử của Vương quốc Cam Bốt 2024-2028 kết nối Cảng Phnom Penh ra tới Vịnh Thái Lan.
Xin được kết thúc bài viết với bài thơ Mekong – nghe như những tiếng chuông gióng của Đỗ Nghê, một người bạn đồng môn viết tặng ông.
MEKONG
tặng Ngô Thế Vinh
Mekong Mekong
Dòng sông nghẽn mạch [1]
Mekong Mekong
Biển Đông dậy sóng [2]
Mekong Mekong
Phù sa cạn kiệt
Mekong Mekong
Cá tôm nghẹn uất
Mekong Mekong
Có người thầy thuốc
Mekong Mekong
Lệ tràn khóe mắt…
Đỗ Nghê
(2014)
……………………….
[1], [2]: tác phẩm của Ngô Thế Vinh
TRẦN THỊ NGUYỆT MAI
Tháng 11/2023
Tham khảo:
1. Ngô Thế Vinh – Tình Quê Hương Trong Nhạc Phạm Duy Và Những Chân Dung
2. Ngô Thế Vinh – Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa I – Việt Ecology Press 2017
3. Nguyễn Mạnh Trinh phỏng vấn Ngô Thế Vinh (tháng 01/1996)
https://www.diendantheky.net/2021/09/phong-van-nha-van-ngo-vinh-cua-nguyen_4.html
4. Tâm Diệu – Phật giáo và cuộc chính biến 1-11-1963
https://thuvienhoasen.org/a18298/phat-giao-va-cuoc-chinh-bien-1-11-1963
5. Trần Xuân Dũng – Hồi sinh đợi ngày – Y sĩ tiền tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn – Người đi tìm mùa xuân [Tập san Y sĩ Việt Nam Canada và Viet Ecology Press 2019]
6. Phỏng vấn nhà văn Ngô Thế Vinh tác giả “Vòng đai xanh” do Nguyễn Mai thực hiện
Nguồn: Chính Văn số 1 Bộ Mới tháng 7-1972. Tài liệu do nhà văn Trần Hoài Thư sưu tập.
Phỏng vấn nhà văn NGÔ THẾ VINH tác giả “Vòng đai xanh” | Trần Thị Nguyệt Mai (wordpress.com)
7. Ngô Thế Vinh – Tìm lại thời gian đã mất: Nguyệt san Tình Thương (1963-1967)
https://damau.org/10605/tim-lai-thoi-gian-da-mat-nguyet-san-tinh-thuong-1963-1967
8. Các tạp chí văn học miền Nam – Nguyệt san Tình Thương do Trần Hoài Thư sưu tập.
https://tranhoaithu42.com/2021/05/17/nguyet-san-tinh-thuong-tai-chinh-trang/
9. Hoàng Ngọc Nguyên – Vòng Đai Xanh: Một cái chết được báo trước
10. Bách Khoa đàm thoại với NTV từ Vòng Đai Xanh đến Mặt Trận Ở Sài Gòn do Lê Ngộ Châu thực hiện – số 370 ngày 01/06/1972.
11. Ngô Thế Vinh – Cựu Kim Sơn Chưa Hề Giã Biệt
https://www.diendantheky.net/2015/04/ngo-vinh-cuu-kim-son-chua-he-gia-biet.html
12. Ngô Thế Vinh – Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch – Văn Học Press & Việt Ecology Press 2021
13. Lê Quỳnh Mai – Tác giả, với chúng ta - Phỏng vấn nhà văn Ngô Thế Vinh (tháng 3/2001)
14. Ngô Thế Vinh – Mặt Trận Ở Sài Gòn – Văn Học Press & Việt Ecology Press 2020
15. Phạm Ngọc Lân – Cha Vô Danh – Editions L'Harmattan (28/2/2019)
16. Ngô Thế Vinh – Vòng Đai Xanh – Văn Học Press & Việt Ecology Press 2020
17. Lê Quỳnh – Phỏng vấn Ngô Thế Vinh, người đi dọc 4.800km sông Mekong
https://cvdvn.net/2022/10/17/phong-van-ngo-the-vinh-nguoi-di-doc-4-800km-song-mekong-2/
-----------------------
– Trích tạp chí Ngôn Ngữ Đặc Biệt tháng 2.2024: Ngô Thế Vinh – Bằng Hữu và Văn Chương.
Sách đã có bán trên Amazon theo link dẫn sau đây:
* Đen trắng (ấn phí: $50.00):
https://www.amazon.com/T%E1%BA%A1p-Ng%C3%B4n-Bi%E1%BB%87t-black-white/dp/B0CTW95RH6/
* Màu (ấn phí: $60.00):
https://www.amazon.com/T%E1%BA%A1p-Ch%C3%AD-Ng%C3%B4n-Ng%E1%BB%AF-Bi%E1%BB%87t/dp/B0CTW66HRW/