04-02-2015 | VĂN HỌC

Những con chí mén, vài nhân vật nữ và Sisyphe của Nguyễn Xuân Hoàng

  NGUYỄN TÀ CÚC

Ngoài phố mưa bay xuân bốc rượu

Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê

Ới ơi bạn tác ngoài trôi giạt

Chẳng đọc thơ ta tất cũng về.

   [Thâm Tâm, Vọng nhân hành]



  Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
   trong đám tang Đỗ Ngọc Yến
(8-2006)

Tôi vốn là một người ít bầy tỏ được tình cảm một cách gọn ghẽ. Trước cái chết của một người có quen nhiều hay quen ít, chữ nghĩa biến thành những hòn đất nặng chình chịch. Chúng có thể dùng để rải lên quan tài nhưng chẳng thể bay bổng vào chốn hư không nơi mà người bạn ấy đã hóa sang kiếp khác. Thế mà đây lại là một trường hợp đặc biệt: Ngày 27 tháng chín là ngày ra mắt cuốn Văn học Miền Nam: Nhóm * Tạp chí văn học *Tác giả (Nguyễn Tà Cúc) tại Phòng Hội Nhật báo Người Việt, nhưng Nguyễn Xuân Hoàng [1940-2014], người có nhiệm vụ làm MC cho ngày hôm đó, đã qua đời hai tuần trước. Cả sự quen biết với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cựu Thư ký Tòa soạn báo Văn-Sài gòn lẫn cuốn sách trước khi in xong, không xuông xẻ. Tôi từng phê bình anh kịch liệt về vài vấn đề thời sự văn nghệ cách đây mười mấy năm. Cuốn sách gặp vấn đề cá nhân cứ đình mãi lại.


Sau này, có dịp gặp, có dịp biết vài sự việc anh thổ lộ, tôi hiểu ra thêm một chút và anh trở thành một người bạn, nhất là khi anh lại là bạn đã lâu của nhà thơ Viên Linh, chủ nhiệm chủ bút tạp chí Khởi Hành mà tôi là Thư ký Tòa soạn. Chỉ cách đây khoảng ba năm, anh thu thập hết các truyện dự định làm một cuốn Toàn tập và gửi cho tôi một phần bản thảo nhờ xem lại vì "Bắc kỳ giỏi chính tả" và bảo tôi phải cố mà cho xuất bản tác phẩm của mình. Hôm họa sĩ Lê Tài Điển từ Pháp sang đây giới thiệu cuốn Những mảnh rời (tháng 11. 2012), Nguyễn Xuân Hoàng hỏi ngay: "Cuốn sách của Tà Cúc tới đâu rồi? Sao chậm thế? Phải nhanh nhanh lên chứ. Tổ chức ra mắt sách anh em gặp nhau nhé, chả có nhiều dịp đâu." "Ồ đâu có cần đâu. Anh Tô Thùy Yên nổi danh thế mà qua đây mới in thơ kia kìa." Anh chỉ ngay vào Viên Linh: "Đó là vì Tô Thùy Yên không có một ông trình bày sách bên cạnh. Tà Cúc phải lợi dụng chứ."


Đi vòng vòng một lúc, anh trở lại và nói hai điều. Thứ nhất, than phiền nhăn nhó anh bị người MC hôm đó giới thiệu là ...Don Juan:


-"Sao lại giới thiệu tôi là Don Juan nhỉ."

-"Được khen là Don Juan còn kêu nỗi gì. Cả cái phòng này có ai được khen thế!"

-"Don Juan về già còn nói làm sao. Cái gì về già cũng thảm cả. Nhưng tôi có bao giờ là Don Juan đâu, trẻ hay già.


Thứ hai, anh cười một-chút, cái kiểu cười-e-lệ của Nguyễn Xuân Hoàng, không ha-hả-hả như người Nam Kỳ Tô Thùy Yên:

- "Này, bí mật hai anh em mình nhé. Chắc chắn tôi sẽ xuống hôm ra mắt sách của Tà Cúc. Tôi sẽ làm MC nhé. Đừng cho Viên Linh biết. Bất ngờ. Thư ký Tòa soạn báo Văn giới thiệu Thư ký Tòa soạn Khởi Hành!"


Tôi cảm động lắm vì biết rõ anh vốn không phải người hay se sua trước đám đông. Với hành động ấy, anh muốn công khai bầy tỏ sự hỗ trợ với một người phê bình trẻ hơn, tại một nơi mà sự tự do cho người ta thêm phương tiện để trình bày những khám phá mới. Hơn thế nữa, cách nói ấy cho tôi biết anh coi tôi như một đồng nghiệp (mà không như một người hậu sinh). Nhưng anh bất ngờ lâm bạo bệnh và ngày ra mắt sách của Thư ký Tòa soạn Khởi Hành-Bộ mới đã không có mặt Thư ký Tòa soạn tạp chí Văn-Bộ cũ. Thay vì bất ngờ cho Viên Linh, cho bạn bè khác thì anh [và chị Gia-Vy cùng gia đình] rồi tôi nữa, bị định mệnh chơi khăm một cú quá bất ngờ vì không ai có thể tưởng tượng anh qua đời nhanh đến thế. Cũng chỉ mới cách đây hai năm, anh còn gửi bài và tài liệu cho Viên Linh để làm số Khởi Hành "Chủ đề Nguyễn Xuân Hoàng" (tháng 5 & 6. 2012). Chính qua dịp ấy, tôi mới biết đích xác hơn con người nhà văn và con người trong cõi sống Nguyễn Xuân Hoàng.


NHỮNG CON CHÍ MÉN VÀ NHÂN VẬT NỮ CỦA NGUYỄN XUÂN HOÀNG


Đa số đều có cảm tưởng Nguyễn Xuân Hoàng là một người không-gay-gắt trong cách viết, từ sáng tác cho tới các bài viết trong mục "Sổ tay" (Văn Bộ mới- tái bản, Hoa Kỳ) hay trên Blog VOA. Nhưng tôi có linh tính rằng dưới mặt phẳng của cái biển xem ra êm đềm kia là những cơn sóng ngầm dữ dội. Trong một số Khởi Hành cũ, xuất bản trước 1975, tôi lục được một bài viết chứng tỏ Nguyễn Xuân Hoàng-nhà viết bình luận có thể rất sát phạt, mà lại dùng hình ảnh của phụ nữ để sát phạt. Tôi trưng thí dụ của con sóng ngầm này: anh có lời bàn về một hiện tượng "tầm gửi" không đẹp trong văn giới lúc ấy :

Chí mén


Vào những buổi trưa ở miền quê, thời tản cư chạy giặc Pháp, tôi được nhìn thấy cái cảnh tượng đặc biệt, đặc biệt đến khó quên. Đó là hình ảnh một người đàn bà (hoặc thiếu nữ) ngồi xõa tóc bên hiên nhà, trong nắng ấm, lim dim mắt để cho một người đàn bà (hay thiếu nữ) khác vạch từng chân tóc tìm kiếm những con vật nhỏ li ti bỏ vào miệng, dùng lưỡi đẩy con vật nhỏ này ra giữa răng rồi cắn phụt xuống trong nỗi thống khoái của cả khuôn mặt. Con vật nhỏ có hình dáng như một con rận, hay con trùng, sinh sống trên da đầu giữa đám tóc dầy, và nẩy nở trong sự bẩn thỉu.


Người ta gọi tên nó là chí

Chí gồm chí đực và chí cái

Chí con của hai vợ chồng chí gọi là CHÍ MÉN


Như tôi vừa mới nói, chí sinh sôi và nẩy nở trong sự bẩn thỉu của tóc và da đầu, do đó chính sự sạch sẽ sẽ làm cho chí không còn nơi nương tựa. Nhưng có một điều kỳ quặc là những người đàn bà hay thiếu nữ đang ngồi lim dim mắt dưới nắng bên chái hiên kia có thể là những người rất ham chuộng sự sạch sẽ. Nhìn đôi mắt to đen của họ […] làn da mặt ửng hồng tươi mát của họ, tôi không thể tưởng tượng ở một con người như thế có thể là địa bàn hoạt động cho những con chí mén […] Cho đến khi câu hỏi của tôi đến tai mẹ tôi. Bà nhìn tôi cười nói: “Ở dơ thì sinh chí. Phải rồi. Nhưng có nhiều người sạch nuôi chí để có được cái cảm giác sung sướng khi nghe thấy sự nhột nhạt của con vật đang chạy qua chạy lại trên da đầu. Và nỗi sung sướng đó của họ sẽ còn lớn hơn nữa nếu được một người khác đặt tay lên đầu họ, vạch tìm những con vật mà họ đang nuôi mà họ biết là nó đang có trên đầu mình.”


Đó là một điều kỳ quặc khó tin nhưng có thực.


Trong đời sống văn học nghệ thuật chúng ta tại đây hình như cũng có một vài người đàn bà và một vài con chí mén. Một vài con chí mén vô danh và được ca ngợi, mụ đàn bà càng thống khoái vì được nổi tiếng . Nếu chưa được nổi tiếng, mụ sẽ được nổi tiếng, nếu đã nổi tiếng, mụ càng nổi tiếng hơn. Bởi vì chính những con chí mén đó gãi cho đúng chỗ ngứa của mấy mụ đàn bà.


Và một điều giống, hết sức giống giữa hai thứ chí mén này: đó là nó sẽ phải chết khi bắt đầu đủ lớn. Trên mái tóc người đàn bà, chí mén lớn sẽ trở thành chí đực và chí cái. Mà chí đực và chí cái chính là sự ngứa ngáy khó chịu nhất của da đầu. Vì thế, họ phải loại trừ nó, nó phải chết.


Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật, chí mén được nuôi dưỡng trong những điều kiện không thuận lợi mấy, nhưng rồi nó cũng sẽ lớn lên. Nếu nó kiên gan trì chí và có thực tài cũng có thể nó chết ngay từ buổi đầu tiên được ca ngợi vì vỗ tay hoan hô quá nhiều và khi đó nó (sẽ) trở thành cái gai nhọn làm xốn mắt người đàn bà muôi dưỡng nó. Như vậy, chiếc gai đó phải được nhổ, nó phải chết. Tội nghiệp những con chí mén! Bởi vì rốt cuộc chỉ còn những người đàn bà sống. Một người đàn bà được định nghĩa theo kiểu Schopenhauer là con vật tóc dài nhưng với những ý tưởng ngắn.” [Nguyễn Xuân Hoàng, Chí Mén, Tuần báo Khởi Hành số 119, ngày 26.8.1971, trang 2-Trích dẫn của Nguyễn Tà Cúc, "Nguyễn Xuân Hoàng, Tác giả hay Nhân vật?", Khởi Hành-Bộ mới, số 187&188, Tháng 5&6, 2012]

Điều bất ngờ ở đây là, trái với cảm tưởng chung, Nguyễn Xuân Hoàng đã thẳng thắn đế cập đến một tệ nạn trong văn giới nếu cần. Điều bất ngờ thứ hai là anh lại dùng hình tượng phụ nữ [đàn bà và các con chí mén] trong khi anh lại vẫn được biết đến bằng một số nhân vật nữ rất đẹp, rất lãng mạn, rất liều mạng vì tình yêu. Cũng trong bài thượng dẫn, tôi có dịp nhận xét về vài nhân vật nữ ấy:

[...] Ông là người biết dựng truyện, biết viết đối thoại và biết dàn tâm lý nhân vật, nhất là các nhân vật đàn bà thủ vai tình địch. Trong Người đi trên mây, cô nữ sinh Uyên và cô tiếp viên hàng không Quỳnh đều là những tay có võ công thượng thừa nếu nói theo kiểu truyện chưởng rất thịnh ở Miền Nam thời đó, thời 1972 khi một số các tác phẩm của ông xuất hiện. Anh chàng Trần Lâm Thăng, đối tượng của hai cô, chỉ là một chiếc gối nhồi bông được các cô vất sang một bên cho rảnh chỗ khi tung những đòn trực diện. Họ gọi điện thoại đến cho nhau rồi hẹn hò gặp gỡ trò chuyện, trước nặc danh sau ra mặt, để chứng tỏ sự hiện diện, không phải ở trái tim người đàn ông--là một nơi rất khó kiểm chứng-- mà ở một chỗ chắc chắn sẽ làm cho tình địch dễ dàng phát điên lên được: nơi chăn và gối mà Trần Lâm Thăng cũng là một người tình rất thụ động, xem ra không khác gì một trong những chiếc gối nhồi bông còn lại. Thậm chí, cả hai đều cao cường đến nỗi chẳng lộ ra chút ghen tuông nào." Nguyễn Tà Cúc, sđd, trang 43-44]

Ngoài những nhân vật nữ xuất hiện rực rỡ trong cái nền của một Việt Nam Cộng hòa thịnh thời hay đã mất, còn một điều nữa mà bạn hữu thường nói đến một cách đùa vui khi nhắc đến Nguyễn Xuân Hoàng: anh hay kêu buồn và kêu "chỉ muốn chết cho rồi".


NGUYỄN XUÂN HOÀNG VÀ ALBERT CAMUS


Một người bạn văn chí thân của anh đã có lần gọi đùa anh là "Nguyễn Đông Hoàng" vì nỗi buồn ảm đạm của anh. Nỗi buồn ấy không phải bí mật gì vì hầu như ai cũng biết cả. Anh có lần nhắc tới nỗi buồn dai dẳng ấy không phải để than thở mà để khích lệ tinh thần tôi vì theo anh, không có gì khổ hơn là ngành phê bình trong hoàn cảnh thất thoát tài liệu, nhân chứng và nhất là trong tình trạng tranh tối tranh sáng với bóng của người Cộng sản vẫn còn trùm lên trên nhiều sinh hoạt văn học nghệ thuật trong nước. Theo anh-- khác với ngành phê bình là ngành sử dụng tài liệu dẫn đến những cảm xúc không thể tránh được khi chứng kiến hay phải đương đầu với bất công hiện ra qua những tài liệu đó, lắm khi như một thách đố-- sáng tác là một phương cách mà nhà văn vẫn có thể dựng cho mình một thế giới khác tuy sử dụng chất liệu thật. Theo tôi, đó là lý do quan trọng nhất giải nghĩa tại sao tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng luôn luôn có bóng dáng của chính tác giả cùng thấp thoáng bạn hữu:

Ông lại vẫn bị (hay được) đồng hóa với nhân vật chính và với nhan đề các tác phẩm của ông như Người đi trên mây hay Kẻ tà đạo [...] Để thành công trong việc phản ảnh được thời đại ấy, Nguyễn-Xuân Hoàng đã làm một việc táo bạo, khác hơn hết thẩy những tác giả cùng thời, khiến dẫn đến sự ngộ nhận như đã nói trên. Việc ấy là hầu hết độc giả Miền Nam đều có thể nhận ra những Ngô Thế Vinh, những Phan Nhật Nam, những Trịnh Công Sơn vv qua những Vinh, những Nhật, những Nguyễn Giang vv… Vài chi tiết về đời thực của họ được đưa vào truyện một cách thản nhiên khiến cho, khi đan vào những chi tiết hư cấu về nhân vật chính (cái tôi) Trần Lâm Thăng, người đọc dễ dàng được thuyết phục bằng cốt truyện (tưởng tượng) mà tác giả gầy dựng. Trong một không khí nửa thực nửa hư, một phần của xã hội Sàigòn với chân dung của những thanh niên trí thức hiện rõ, càng hiện rõ hơn sau khi xã hội Sàigon biến mất vào tháng tư, 1975. (Nguyễn Tà Cúc, sđd, trang 44)

Nhưng họ không chỉ là những Vinh, những Nhật, những Nguyễn Giang. Họ còn phản ảnh cả một Miền Nam sau 1975. Trần Hồng Châu [bút hiệu của giáo sư Khoa Trưởng Văn khoa Nguyễn Khắc Hoạch] nhận xét về Nguyễn Xuân Hoàng và Trần Lâm Thăng, một nhân vật của Nguyễn Xuân Hoàng:

Hình ảnh Trần Lâm Thăng, giáo sư triết học, chơi vơi, vật vờ, mất hướng, sau 1975, với những vòng quay 180 độ, những trắng thành đen, đen thành trắng, những đổ vỡ, tan tác, gây nội thương trầm trọng trong thể xác và tâm hồn….Nỗi yếu hèn và tính cách nhuyễn thể của Trần Lâm Thăng có thể coi là khía cạnh bụi và rác của Việt Nam, sau tháng Tư 75 định mệnh. Tâm trạng cô đơn, khắc khoải, gắn liền với kiếp người, càng nổi bật hơn với không gian nhà tù nhỏ đầy bóng tối, khi con người chỉ là loài sói ác độc đối với đồng loại. Không gian ngột ngạt, hãi hùng của Koestler trong Le Zéro et L’infini. Không gian Đáy địa ngục, không gian Đại học máu của nhiều thế hệ Việt nam đã bị tước đoạt mất tuổi thanh xuân và những giấc mơ đẹp nhất. Bóng những hung thần cai ngục và công an chấp pháp [...] Nhưng, giữa đêm đen dầy đặc bao phủ, Trần Lâm Thăng, người gầy như bộ xương, bẩn thỉu, lam lũ, mắt dại đi vì bóng tối nhà tù nhỏ, hay, sau này, đi lang thang, chơ vơ, lạc lõng trong nhà tù lớn, vẫn còn một vài vầng ánh sáng, một vài điểm tựa, một vài phù tiêu để bám víu trong cơn nguy biến, hầu làm dịu bớt cô đơn, tuyệt vọng. Cuối đường hầm vẫn còn chút ánh sáng. Trong màn đêm bỗng rực lên một dự phóng bình minh[...] Với một cái nhìn khá sắc bén, với văn phong quen thuộc, xây dựng trên cái đơn giản tinh luyện đã dẫn, tác giả tương đối thành công, khi làm sống lại tâm tư xa rời thực tế, chán chường, lạc lõng, nhưng không hẳn tuyệt vọng, của một kiếp người trôi giạt, vật vờ giữa bụi và rác, giữa những địa động cuồng loạn của thời đại và quê hương chúng ta." (Trần Hồng Châu, "Bụi và Rác của Nguyễn Xuân Hoàng", Khởi Hành số 187&188, trang 59-60)

Nếu có dịp nhìn thấy bản thảo bài viết này của Trần Hồng Châu, người đọc sẽ thấy ông gạch dưới câu: "nhưng không hẳn tuyệt vọng". Đó là cốt tủy của nỗi buồn "tôi chỉ muốn chết cho rồi" mà không hẳn tuyệt vọng của Nguyễn Xuân Hoàng. Và đó là lý do tại sao có dính dáng đến Camus trong nỗi buồn không -tuyệt vọng này. Nguyễn Xuân Hoàng, như các bạn văn nghệ đã biết, hay kêu buồn. Đến nỗi có một người bạn vừa tâm sự chính thức về nỗi buồn lê thê bất tuyệt ấy như sau:

Lúc còn ở Đức, có lần tôi bỗng nhận một cái email của anh. [...] không ngờ anh bảo, 'anh đang xuống tinh thần lắm Nga à, chỉ còn muốn tự tử chết thôi em ạ'. Và rồi anh bắt tôi hứa đừng kể cho ai nghe, anh than anh buồn và đơn độc. Đọc xong cái thư, tôi bàng hoàng. Đọc xong cái thư, tôi như trên đống lửa. [...] Cuối cùng chịu không nổi nữa, tôi quyết định gọi cho anh Nguyễn Mộng Giác. [...] Mãi sau cùng tôi mới nhỏ giọng hỏi 'anh Hoàng khỏe không anh?'. Anh Giác đáp khỏe. Tôi lại vòng vo, 'tinh thần anh ấy thế nào?' Bất thình lình tôi nghe anh Giác bật cười. [...] Anh Giác hỏi lại, giọng trêu chọc, 'Nga nghe nó than buồn, than xuống tinh thần phải không?' Tôi lại im. Nghĩ bụng không lẽ anh Giác là người không nhạy cảm. Và thú thật là tôi đã khá bất bình khi nghe anh lại cười 'Vy bịnh, nhưng không nhõng nhẽo như Hoàng đâu Nga ơi.' Ngày hôm sau [...] tôi phone cho Lê Minh Hà [...] Nhưng cũng thật bất ngờ, không như tôi tưởng, không nghe tiếng Hà kêu lên 'giời ơi, sao thế' như nhiều lần trước đây, mà ngược lại, một tràng cười khanh khách phía bên kia đầu giây đã khiến tôi giật bắn người. Và Hà bắt đầu 'giời ơi', kể, 'em cũng một phen mất vía như chị rồi nhé. Anh ấy cũng bảo như thế với em đấy…'[...] Hà nói, 'Nhưng chị đừng có lo, ông anh của mình nhõng nhẽo lắm cơ'…Nhõng nhẽo lắm cơ! Giọng của Hà trong vắt, dẫu vừa cười vừa nói nhưng nghe rất chắc nịch. Khẳng định." (Hoàng Nga, "Nhõng nhẽo", Diễn đàn Da màu, ngày 17. 9. 2014- http://damau.org/archives/33463)

Có thể là Nguyễn Xuân Hoàng "nhõng nhẽo" nhưng nếu một người từng bị ám ảnh bởi nỗi cô độc ghê rợn có khi bị nghề viết làm trầm trọng hơn thì sự trầm uất hay tự tử chỉ là kết quả tất yếu của sự ám ảnh ấy. Nghề văn vốn lại không cho phép người ta vui chơi. "Viết văn không để mua vui", Mặc Đỗ từng nói thế, nói chi mua vui được tới ...vài trống canh (Nguyễn Du). Đã có lúc anh hỏi tôi về cách chế ngự con quỷ dị thường ấy. Hồi tôi sang Pennsylvania ...du học nốt những năm dang dở, tôi có dịp hiểu anh nhiều hơn vì tôi cần tài liệu để viết một chương trong luận án. Chương này nhắm ghi lại thời điểm và nội dung của một số tạp chí văn học của người Việt tại Hoa Kỳ. Anh [và Chủ nhiệm& Chủ bút Đặng Hiền của Hợp Lưu] sẵn lòng gửi báo và/hay trả lời với những thùng sách đầy báo Văn.


Lúc ấy là chớm đông. Anh hỏi làm sao tôi sống được một thân một mình, không có xe, không gia đình, không bạn hữu ở một xứ khỉ ho cò gáy không có cả một Starbuck [tôi không ưa Starbuck nhưng đó là cái mốc để đánh giá sự hợp thời mà cùng lúc, chẳng liên quan gì đến sự điệu nghệ về văn hóa của một thành phố dân cư]. Nơi này được mỗi một rạp hát thì chỉ chiếu độc một phim--có khi lại là phim nhi đồng-- vào một xuất nhất định buổi tối nên 3 năm ở đấy tôi không thể đi xem phim nào dù tôi là một con "sâu phim" chứ không phải "sâu rượu". Tôi đáp lại rằng, không, tôi đi học vì có lý do dù tuổi này mà đi học thì chữ tác đánh chữ tộ là thường. Và không, chúng tôi, bọn sinh viên nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò vẫn kéo nhau vào mấy nghĩa địa cổ kính giữa đêm khuya rượt đuổi vo tuyết ném nhau ào ào như những cầu thủ thượng thặng hay ẩn núp sau các mộ bia có khi xây cách đây gần trăm năm. Nhưng làm sao tránh được sự thỉnh thoảng mất tinh thần khi đối mặt cái vô nghĩa của kiếp người? Ngao ngán nhất là trong chồng sách mượn, bàng hoàng bắt gặp chữ ký của học giả Nguyễn Văn Tố, người bị bắn chết lúc còn rất trẻ. Hay những cuốn sách của các tác giả ngoại quốc đầy lời lăng mạ Miền Nam. Những lúc ấy, tôi vẫn tự hỏi: "Học làm gì? Viết làm gì? Khi tóc không còn xanh, lòng cũng không còn trẻ?"


Anh trả lời rằng anh đã có dịp thấy tuyết, những đêm tuyết sáng nhờ nhờ và cái ánh sáng hắt hiu ma quái ấy làm anh bồn chồn. Trời đất không còn rỡ ràng trời đất mà chỉ là một khối hỗn mang đầy đe dọa làm cho anh ngờ ngờ sợ, cái sợ của một người đã kinh qua nhiều nỗi chấn thương, đã có dịp thẩm vào xương tủy đến tận cùng cái éo le ác độc của thời thế và cả con người nhưng phải yểm kín nó vào một góc tim mà tiếp tục sống. Chính lúc ấy, chính lúc anh nói về cái "ngờ ngợ sợ" ấy mà tôi chợt hiểu ra đã có những lúc anh không liệm mãi được sự tuyệt vọng "Sống làm gì? Viết làm gì?" mà thốt lên những lời than nghe chừng rất nhàm chán với bao bạn hữu mà lại khốc liệt với tâm linh anh biết bao.


Rồi chúng tôi nói tới các nhà văn tự tử. Nguyễn Xuân Hoàng cho Ernest Hemingway đứng đầu sổ phong thần. Sau tới Stephan Zweig, Virginia Wolf, Vladimir Mayakovsky, Arthur Koestler, Primo Levi, Yukio Mishima, Sylvia Plath, Anne Sexton và Iris Chang (1968-2004) vv. Iris Chang là tác giả cuốn The Rape of Nanking (1997) bạch hóa tội ác của quân đội Nhật khi họ chiếm đóng một phần Trung Hoa. Khi còn sống, bà không ngừng lên tiếng đòi Nhật Bản phải lên tiếng chính thức nhận lỗi về những tội ác này.


Riêng tôi, tôi nghĩ anh còn có thêm một cớ để chán sống: Nguyễn Xuân Hoàng là người không ưa xuất hiện-và-phát biểu, nhưng thời thế đẩy anh vào toàn những nơi anh phải xuất hiện-và-phát biểu. Anh từng là Thư ký Tòa soạn tạp chí Văn-Sài gòn. Anh từng giữ phần vụ Chủ bút&Chủ nhiệm hay trong ban biên tập của vài tờ báo khác tại California, toàn những nơi phải xuất hiện-và- phát biểu, dẫn đến việc anh rất tức giận khi bị giới thiệu trước công chúng là "Don Juan", một thứ nhãn hiệu dính đến những tin đồn tạp nhạp mà chẳng liên quan gì đến nghề viết của anh cả. Nhưng trên hết thảy, Nguyễn Xuân Hoàng đã sống qua những ngày của Trần Lâm Thăng (một nhân vật trong truyện của anh), những ngày mà Tô Thùy Yên bộc lộ bằng thơ, những ngày chồng chất tuyệt vọng và kinh hoàng, những ngày khiến có người đã tự tử:

Kẻ mới tới bày tòa giữa chợ

Giải người ra, sỉ mạ ba đời

Cho đeo bảng, dong đi khắp phố,

Bắn bỏ bên đường, cấm nhận thây

(Tô Thùy Yên, “Nỗi đợi”, Thơ Tuyển, trang 161, 1995, Minnesota)

khiến cho:

Trăm họ lần lượt bỏ xứ trốn

Biển thì hung hãn, thuyền mong manh

Ta nghe kể lại: xác lên bãi

Nằm dài dài như lúc chiến tranh

(Tô Thùy Yên, sđd, trang 163)

Dẫn tới số phần phụ nữ:

Sách cũ em chôn cạnh mộ thầy

Hình anh em gửi gió heo may

Nhà anh giặc ở con anh lạc

Còn xác thân em dưới cát lầy

(Viên Linh, Thủy Mộ Quan, Đoạn 91, Hội Sinh viên và Chuyên gia Công giáo Việt Nam tại Mỹ châu và tác giả xuất bản, Hoa Kỳ, 1982)

Cuối cùng Nguyễn Xuân Hoàng không tự tử. Thế hệ anh rất quen thuộc với Albert Camus và câu tuyên ngôn bất hủ "Chỉ có duy nhất một vấn đề triết lý nghiêm trọng nhất: đó là vấn đề tự tử." Nhưng Camus không dừng ở đó. Camus đặt ngược câu trả lời cố hữu và cho rằng phải cố mà sống:

[...] Camus chú trọng đến giây phút con người ý thức được rằng mọi sự đều phi lý. Khi con người “thức tỉnh”, đột nhiên trong một giây phút cảm thấy cái vô nghĩa của đời sống trôi chảy hàng ngày, thấy cái phi lý, đó là lúc giác ngộ. Cái phi lý ở đây bắt nguồn từ sự so sánh bi đát giữa cuộc đời phi lý với ý muốn tật tự, hữu lý trong thâm tâm con người. Giác ngộ rồi, sẽ thấy triết lý cao xa nhất là bám chặt lấy cuộc đời đầy phi lý, đi hẳn vào giữa khuôn khổ của hiện hữu, như lời thơ Pindare mà Camus hằng yêu mến: ”Hồn ta ơi đừng nghĩ đến cuối đời bất diệt, hãy tận hưởng, hãy khai thác triệt để để khu vực của khả dĩ, của hiện hữu!” Phải tận hưởng, phải sống nhiều vì thái độ khôn ngoan nhất vẫn là nhìn thẳng vào cái phi lý của cuộc đời, bình tĩnh khai thác tới mức tối đa cái gì là khả dĩ, trong khuôn khổ cuộc đời phi lý. Phải tạo nên một hình ảnh Sisyphe sung sướng trong cái phi lý, “phải tưởng tượng Sisyphe sung sướng” (lời Camus) vì không còn giải pháp nào khác. Lối thoát tự nhiên người ta nghĩ đến trước nhất, khi cảm thấy đời phi lý, có lẽ là tự sát. Nhưng đó không phải là một giải pháp hay. Vì theo Camus, khi biết cuộc đời phi lý, thái độ tự nhiên, thực nhất, tức là sống trong cuộc đời phi lý đó. Tự vẫn, tức là đã gián tiếp bắt cuộc đời phải có một ý nghĩa mà nó không hề có." [Trần Hồng Châu, Dăm ba điều nghĩ về Văn học Nghệ thuật, "Camus giữa lòng thế kỷ XX-Con người khao khát đi tìm hạnh phúc trong cái phi lý của cuộc đời", trang 175-176, Văn Nghệ-Võ Thắng Tiết xuất bản, Hoa Kỳ, 2001]

Nguyễn Xuân Hoàng xuất thân là một giáo sư Triết. Tôi biết anh nhớ nằm lòng câu “phải tưởng tượng Sisyphe sung sướng” và anh đã sống như một Sisyphe -sung sướng. Nhất là khi anh lại có cái an ủi là có người vợ yêu và con yêu bên cạnh. Anh đã không ngừng lăn hòn đá Văn học Miền Nam của anh bằng cách viết văn, làm báo dù bản thân anh chỉ muốn "yên thân". Sau khi rời Miền Nam, anh đã trở lại ngay với sáng tác, với tạp chí Văn do nhà văn Mai Thảo giao cho dù công việc làm báo tiếng Việt ở đây muôn phần khó khăn. Anh rơi vào một thời gian dài cực nhọc với định mệnh gánh vác một tờ báo không đủ độc giả để nuôi nó. Tờ Văn số cuối cùng không xuất bản: chỉ có bìa mà không có ruột. Còn tôi, tôi trả lời anh về con quỷ dị thường cứ chực bắt chúng ta phải trầm uất: tôi tin, sau cùng, có Công lý. Anh cũng đồng ý như thế: chúng ta, người cầm bút, phải cố hết sức mà giữ cho được phần Công lý sao cho cầm cự được với phần Phi lý, cái phần đầy oan nghiệt và làm chúng ta phẫn nộ mà không cách nào giải nghĩa được: tại sao Nhượng Tống bị ám sát, tại sao những người ngay lại thua trận, tại sao có những kẻ ngoa ngôn ngụy ngữ từ trước 1975 mà cho đến giờ này vẫn chưa học được bài học nào, mà vẫn nhơn nhơn ngoa ngôn ngụy ngữ?


Bởi thế, tôi cũng tin, mà anh cũng tin, dù bất cứ một sự cố gắng nhỏ nhoi nào cũng sẽ hay đã biểu dương được "niềm vinh dự của kiếp người", biểu dương được một sự vĩnh cửu trong cái hạn hẹp của đời sống, trong sự đoàn kết của một cộng đồng văn chương Việt Nam ngoài nước đã không ngừng sáng tác: "Biểu dương - hãy biểu dương cùng tận / Vinh dự lầm than của kiếp người" (Tô Thùy Yên). Đúng, trong chúng ta có những người phải viết về những điều u ám, như thể cái nghề nó vận nó xoáy vào mình nhưng đâu văn chương chỉ phải cái tội ảm đạm và dễ làm người ta ủ dột muốn chìm vào một giấc miên du thăm thẳm. Còn có thứ văn chương khác đỡ người ta đứng dậy dù là văn chương ta, văn chương Tàu hay văn chương Tây:

Tôi sinh ra là con nhà nghèo, mắt vẫn thường nhìn xuống đất... Nhưng nhìn xuống như thế mãi, nhiều lúc tôi thấy mỏi cổ...Cho nên bắt chợt đòi phen ngửa mặt trông trời...Chừng ấy tôi phải mượn sách vở để làm khuây. Trong những sách vở đó thì Nam Hoa kinh của thày Trang là cuốn tội đọc lại kể trăm lần mà không biết chán. Trong khi đọc Trang tôi có cảm tưởng như mình được cất lên Tiên giới...Cõi đời ấy tự có riêng trời, đất, cỏ hoa, không bợn chút bụi trần và xa hẳn các tiếng cười khóc thở than ồn ào trong vòng danh lợi. Mình tôi nhẹ hẳn đi ...Và lòng thì đầy những ngậm ngùi tha thứ... [Nhượng Tống, Nam Hoa Kinh, Tựa "Cùng bạn đọc"- Viết tại Nhà xuất bản Tân Việt, đêm 21 tháng 3 năm Giáp thân, 1944 ]

Sách vở quả không làm chúng ta vui nhưng ít nhất làm khuây được chúng ta. Người viết nào mà không biết thế, nhất là Nguyễn Xuân Hoàng? Cho nên buồn thì có buồn thật, khiến có lúc hóa cuồng mà than vãn cùng đồng nghiệp nếu không có một cô hồ ly bên cạnh để than, nhưng thâm tâm thì tự nhẩm lại những bài văn trác tuyệt, những câu thơ chí thành:

BUỔI ĐẦU

THANH NAM

[Tặng bằng hữu ở Seattle]


Tới đây mùa đã xuân hồng

Cây vui trổ lá nụ mừng đơm hoa.

Xin chào bằng hữu gần xa

Dẫu chưa quen biết đã là anh em

Đất lành chào mộng bình yên

Tình Đông nghĩa Bắc càng thêm mặn nồng

Đường vui chào bước tao phùng

Rộn ràng phố thấp, chập chùng đồi cao

Ngất ngây hương vị buổi đầu

Say say men rượu ngọt ngào chất nho

Tới đây như tự bao giờ

Ngẫu nhiên nắng sớm, tình cờ mưa khuya

Tủi mừng dăm mặt cố tri

Tưởng xa nghìn dặm lại về một phương

Ngậm ngùi câu chuyện tha hương

Nhìn nhau, tóc đã tuyết sương điểm buồn

Lạc trong trận đấu mê hồn

Còi chưa mãn cuộc, chân còn tới lui

Về đây chung phận, chung đời

Chung tay tiếp lửa đẩy lùi bóng đêm

Thôi, chào quá khứ ngủ yên

Những đau thương cũ vùi quên cuối trời

Giã từ luôn nữa nổi trôi

Cành sương chim đậu, bến vui thuyền về...

[Seattle, 30-4-1976]

Trời không bao giờ yên, đất cũng không bao giờ tĩnh thì xá gì những vọng động gây ra từ một cơn gió quái? Sau cơn gió quái 30.4, Thanh Nam đã gượng được để chào mừng bằng hữu mà chính ra là để chào mừng chính ông: đã làm thơ nghĩa là cầm bút lại được. Cộng đồng văn chương Biển-ngoài hôm nay vắng thêm một người nhưng những người còn lại sẽ vẫn tiếp tục trên con lộ nhân sinh dù có khi trong hành trang vừa trĩu nặng một nỗi buồn thánh thót rơi mãi trên ngày tháng ngắn dần theo vòng quay sinh mệnh vừa niềm tin của một người viết biết ngày mai sẽ là của sự thật và công lý: Nguyễn Tà Cúc, Thư ký Tòa soạn Khởi Hành -Bộ mới, Hoa Kỳ, một người cũng như bao người nữa còn phải tiếp tục, chào vĩnh biệt Thư ký Tòa soạn Tạp chí Văn- Sài gòn Nguyễn Xuân Hoàng.


Nguyễn Tà Cúc

Nguồn: Tác giả gởi