Đọc "Căn Nhà Ngói Đỏ" Nxb Văn Nghệ - "Người Đi Trên Mây" Nxb Người Việt - "Sa Mạc" Nxb Xuân Thu và "Nghĩa Địa Của Người Sống" (trên Thế Kỷ 21) của Nguyễn Xuân Hoàng.
Nguyễn Xuân Hoàng
(Duy Thanh vẽ)
Rất thú vị đọc Nguyễn Xuân Hoàng, cái thú vị của một người thợ lặn đáy biển được mùa ngọc trai, cái thú vị của một người xem trận đấu của hai đội bóng nhà nghề tranh đoạt giải thưởng. Tôi là người mê bóng đá nhất thế gian. Khi đọc Nguyễn Xuân Hoàng nửa chừng tôi nghỉ xả hơi để xem đội Tây Ban Nha đấu với đội Hungari để đi Ý dự giải quốc tề 1990, tôi nghĩ như vậy. Hàng tiền đạo đội Tây Ban Nha như một bầy mãnh hổ. Những làn bóng cắt ngắn rất chẹt, rất gắn bó và rất thần tốc đã tung lưới Hungari hai lần trong hiệp đầu.
Văn của Nguyễn Xuân Hoàng cũng vậy. Ngắn, gắn bó và cuồn cuộn bắp thịt. Nguyễn Xuân Hoàng viết rất ít câu dài. Chương cũng ngắn, gọn gãy. Chương trước mang thai, báo hiệu đẻ chương sau. Đọc xong một chương thấy như leo một đoạn Trường Sơn gai góc. Khó khăn nhưng vẫn hăm hở leo tiếp chặng tới. Văn của Nguyễn-Xuân Hoàng mới lạ, đầy sức lực và suy nghĩ. Chữ của Nguyễn-Xuân Hoàng không cầu kỳ nhưng nặng vì dùng rất kỹ và đúng.
Văn chương hay, theo tôi là một văn chương lôi cuốn bằng nghệ thuật. Tôi đọc một lúc ba cuốn sách và một truyện rời của Nguyễn-Xuân Hoàng. Với mục đích học hỏi một nhà văn. Với tôi, nghệ thuật là công việc khó khăn hơn bất cứ công việc gì. Người nghệ sĩ, do đó, với tôi là người khó có trên đời. Có những nhà nghệ sĩ trở thành nghệ sĩ một cách dường như trời cho. Viết một cuốn sách, làm vài ba bài thơ, bài hát rồi thôi, không thấy xuất hiện nữa, ấy vậy mà đó là những tác phẩm bất hủ. Ngược lại, có những người làm rất nhiều mà không đạt. Trong lúc đó có những người đạt được bằng công lao khó nhọc qua những cố gắng phi thường và những năm tháng không ngừng nghỉ lao động nghệ thuật.
Nguyễn-Xuân Hoàng, qua những quyển sách kể trên, cho ta thấy loại nghệ sĩ nằm trong trường hợp sau cùng này. "Nghệ sĩ phải làm việc như một người Thợ," như Picasso nói... "khác hơn thì đó là buôn lậu." Pavlenko, một nhà văn cổ điển Nga cũng dậy vậy. Hai câu trên đây luôn luôn là thánh ngôn trong tôi.
Đọc Nguyễn Xuân Hoàng, tôi học được rất nhiều về bố cục, về nhân vật, về chi tiết, về chữ. Tôi thử nêu lên một số điều tôi thu thập được, thử xem. Một là để luyện thêm ngòi bút của mình, hai là để giúp các bạn trẻ (nếu có thể) đã có nhiều sách in ra, yêu cầu tôi "đừng ngần ngại góp ý kiến."
Điều này, cố nhiên tôi sẽ làm khi điều kiện cho phép. Nhưng tôi nghĩ là trong nghề văn này không ai có khả năng chỉ vẽ cho người khác mà không học ở chính những người khác đó, hoặc ít, hoặc nhiều. Trong văn học, người viết nên mãi mãi làm học trò là hay nhất.
Với hai mục đích kể trên, tôi viết bài này.
Phải nói trước nhất, một điều tôi thích nói nhất, sau khi đọc một quyển sách là nói nó hay - hay - dở. Tôi rất ghét cái thói quen cửa văn học Hà Nội mà tôi không bao giờ nhiễm, là nói chung chung, làm cho người viết truyện không biết truyện của mình là loại gì, hay-hay~dở? Họ thường nói sách tốt, đáng khuyến khích. Sách nào mà chẳng tốt. Sách, - từ viết cho đến in ra là một việc tốt rồi. Người viết nổi một cuốn sách để in ra là phải tốt rồi. Nhất là ở Hà Nội, in được một quyển sách phải sói đầu vì phải chui lọt 5, 7 tầng cửa tò vò, phải chạy vài ba cái cổng hậu...
Người Đi Trên Mây, Sa Mạc, là hai quyển sách hay.
Trong Căn Nhà Ngói Đỏ có ba truyện hay cả ba.
Truyện Nghĩa Địa Của Người Sống là một truyện hay.
Vì sao tôi nói nó hay? Là vì tôi đọc hết trơn, không bỏ dở, không nhảy cũng không đọc lướt. Tôi mê truyện Tàu kịch liệt. Bây giờ vẫn còn mê. Tại sao mê?
Năm 1962-63 chi đó, khi từ Hà Nội về Miền Nam tôi có mở lớp dạy viết mẫu chuyện cho cán bộ báo chí MTGPMN. Không có bài vở gì cả mà cũng không biết phải bắt đầu bằng cái gì. Tôi bèn đem truyện Tam Quốc ra để dạy. Và bấy giờ tôi mới "tổng kết" được rằng sở dĩ người ta mê Tam Quốc hay những truyện Tàu khác là vì những nhân vật của nó: Quan Công, Trương Phi, Tào Tháo...
Nhân vật là tác giả, nếu văn là người. Thì nhân vật lại là người (hiểu theo nghĩa tác giả) hơn. Nguyễn-Xuân Hoàng cho ta nhiều sinh hoạt qua một mãnh của xã hội Việt Nam. Đọc Nguyễn-Xuân Hoàng tôi thấy được Sàigòn mà tôi không thấy trước kia và tôi còn thấy lại Hà Nội mà tôi từng thấy hằng ngày trong 10 năm. Đọc Nguyễn-Xuân Hoàng tôi thấy người Việt mình, những người mà tôi gặp bất cứ ở nơi nào trong chiến tranh, ngày nay vẫn còn mang vết thương chiến tranh trên da thịt, trong tim - và "vừa đi vừa liếm vết thương mình."
Pouchkine, nhà thơ cổ điển số một của Nga, sau khi đọc Những Linh Hồn Chết của Gogol đã phải kêu lên: "Nước Nga ta bây giờ buồn đến thế sao?" Đó là câu phê bình trung thực nhất, toàn vẹn nhất và sâu sắc nhất, theo tôi, không một nhà phê bình nào viết về Gogol vượt qua nổi. Mặc dù đó chỉ là một lời than, không có tính chất của một câu phê bình.
Tôi không bắt chước Pouchkine, Nguyễn-Xuân Hoàng cũng không phải là Gogol, nhưng tôi cũng thấy rất buồn khi đọc hết sách của Nguyễn-Xuân Hoàng. "Buồn quá buồn!" Phải không, những bạn đã đọc Nguyễn-Xuân Hoàng?
Một cái buồn thấm thía, day dứt, mênh mông, một thứ buồn chết được: cái buồn đất nước nát tan, cái buồn đất nước chông chênh rồi cái buồn mất nước! Chỉ có thế mà ông Pouchkine đã kêu om lên rồi.
Ông Gogol và ông Pouchkine ơi, cái buồn của các ông có ăn thua mẹ gì đối với cái buồn của chúng tôi ngày nay. Cái buồn của các ông là cái buồn của một bầy linh hồn chết được "đi trên mây" của quê hương mình, còn cái buồn của chúng tôi là cái buồn của những người sống mà đi trên đất KHÔNG PHẢI quê hương mình, đi trên SA MẠC NGAY GIỮA CUỘC ĐỜI nhộn nhịp tưng bừng, trong lúc đó thì đồng bào mình, đang còn sống mà đã phải vào nghĩa địa, NGHĨA ĐỊA CỦA NHỮNG NGƯỜI SỐNG lại chính là quê hương mình, làm dân lưu vong ngay trên tổ quốc mình.
Nhân vật của Nguyễn-Xuân Hoàng rất sống. Đọc xong, trong vài chục ông, anh, chị, cô, tôi còn nhớ được đến cả chục. Đó là một thành công. "Phải không?" Tôi cũng bị Nguyễn-Xuân Hoàng "lây" cho cái tiếng "phải không" có rất nhiều trong Sa Mạc này. Một thứ câu hỏi vừa "hỏi" lại vừa "xác nhận" (interrogative và affirmative) cùng một lúc.
Phải không cũng có nghĩa là "Vâng, chính thế!" Nhân vật ông Phan đã bắt tôi phải giật mình khi "tôi bắt tay ông" hai lần, cái "bàn tay mập và mềm, mấy ngón tay ú nhão". Chốc sau (trang sau) thì cũng bàn tay đó nhưng nó "rịn mồ hôi, làm tôi ghê sợ. Tôi muốn rút tay ra, nhưng..." Đó là nét tả vẻ ngoài lẫn trong lòng một bàn tay.
Từ đó trở đi, mỗi lần tôi "gặp" ông Phan thì tôi cứ nghe bàn tay tôi rờn rợn như còn dính mồ hôi của bàn tay mập mềm đó - cái bàn tay "mân mê những chân tóc trắng như đang lựa đếm những suy nghĩ trong đầu"... cũng là cái bàn tay thường bắt tay người này người khác mà "Ít ai đoán được ông Phan sẽ làm gì sau cái bắt tay thân mật và nồng nhiệt của ông"...
Theo tôi mấy nét đó đủ làm cho con người có tên Phan trở thành nhân vật rồi. Cũng như nhân vật Lương Nhuận Phát, chủ hãng phim Lulafilm: "Có thể nói về bất cứ nhà văn nào trên thế giới, nhưng điều đặc biệt là ông chưa bao giờ đọc một tác phẩm nào của họ. Cũng có thể ông chỉ đọc phớt qua hoặc nghe người phụ tá tóm lược cốt truyện và thêm thắt lời phê phán. Điều đặc biệt nữa là ông lôi kéo được hầu hết nhà văn lưu vong..." Ông Phát có tướng một "nhà giàu vất vả." Ông Phát xuất hiện giữa đám văn nghệ sĩ - có cả một cô đào xinê ở Hồng Kông mới sang - với "cái lọ màu trứng gà ung" và kể một cái lý lịch dài dòng về nó không kém cái lý lịch của đám công an VC đòi hỏi ở mỗi người dân dưới chế độ xã nghĩa bây giờ. Cái lọ này chính là DA THỊT của ông chủ hãng Lulafilm như cái bàn tay của ông Phan trên kia. Cả hai ông Phan và Phát đều có cái tên mang chữ Ph. Như trong "Phốp pháp, phập phều." "Tôi tên là Phát mà!" Phát tài, phát tướng.
Những nhân vật chính khác của Nguyễn-Xuân Hoàng: Thăng, Uyên, Quỳnh trong Người Đi Trên Mây; như Kha, Kim, Ron trong Sa Mạc; như bố, mẹ, anh chị (Thảo) trong Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự đều đậm và sắc nét, khi đọc qua khó quên. Một anh giáo sư Triết học "bơ vơ" như người đi trên mây giữa mặt đất, một anh làm báo viết văn bất thường bỏ cả sở làm và hơn nữa, bỏ một người đàn bà đẹp mà nhiều người thèm khát.
Cái anh giáo sư Triết Tây kia có một cái quê hương bấp bênh giữa những cuộn chì gai và tiếng còi giới nghiêm kia, một người đàn ông "ba mươi ba" tuổi đầu hai con, vợ bỏ hay bỏ vợ (thì cũng thế trong trường hợp này) được một cô gái đài các yêu và một người khác - cũng là con gái - yêu, mà lại từ chối trước người con gái đài các và "lắc lư" trước người con gái kia, - một người nếu muốn làm Phò Mã thì sẽ được làm Phò Mã chắc chắn - một con người sống trong một thực tế như vậy mà vẫn cứ sống không thực tế, có thực hay không? Cái con người ấy nếu đốt đuốc mà tìm ở Sài gòn thì sẽ không gặp, vì nó sẽ không có thật. Ấy vậy mà trong văn chương nó thực vô cùng, nó có thật, có thật với tên (Thăng), với tuổi (33), với chức nghiệp (nghề bán cháo phổi), với các thứ tình (tình yêu, tình yêu nước, tình phụ tử, tình mẫu tử, tình bằng hữu) và với những hành động bình thường như mọi người bình thường khác.
Tôi bị cái anh "Tôi" này lôi cuối đi theo cuộc sống anh ta với những nỗi vui buồn giận ghét và phập phồng lo sợ cho anh ta, và thở phào khi anh ta thoát bẫy, cái bẫy mà khi một người "khi đã bị sụp thì khó mà ngóc dậy được."
Nhân vật Đặng Hồng Kha, người viết báo, viết văn trong Sa Mạc cũng lại là một người "đi trên mây" nhưng lại cũng rất thực. Ở đâu bên Cali hay một nơi nào có đông người Việt tị nạn, nếu ai có muốn tìm một ông Kha "bất thường, mất trí" như vậy chắc sẽ không được như ý bởi vì làm gì có một cái con ngợm như thế trên một mảnh đất bon chen và coi vật chất là lẽ sống này? Nhưng cũng như cái ông giáo sư đi trên mây kia, ông Kha này là một con người rất "thực", vì nó sống, nó có cả một cuộc đời. Nó thực vì tất cả mọi người tị nạn ta đều ít nhiều có phần của nó trong mình và vì có một dĩ vãng giống nhau: chiến tranh; một tình trạng giống nhau: lưu đày biệt xứ; có một tình cảm giống nhau: nỗi sầu ly quốc.
Nguyễn-Xuân Hoàng đã làm hơn cái người ta tưởng. Dựng một cái không ra cái có và làm người ta - tôi - say mê nó.
Tôi đọc xong mấy quyển sách của Nguyễn-Xuân Hoàng, tôi gọi phone, nói ngay: "Sách hay lắm. Tôi đọc hết rồi." Và nói tiếp luôn "tôi sẽ viết một bài." Tôi còn cao hứng nói luôn: "Văn học nghệ thuật tự nó chính là một sự cường điệu rồi. Phải không?" Nhà văn nào không cường điệu? Tại sao một hiệp sĩ đấu kiếm bị thương, sắp chết, còn ôm vết thương ca 6 câu rất mùi, rất ăn đờn? Có chuyện như thế xảy ra trên cuộc đời tự cổ chí kim này không? Chắc là không rồi. Nhưng tại sao khi xem cái màn ấy trên sân khấu hay ở video khán giả vẫn mê tít và vỗ tay bể rạp?
Bệnh tưởng của Balzac là một sự bịa đặt hoàn toàn. Nhân vật hoàng thân Mitchkine trong Thằng Ngốc (Nguyễn Tuân dịch là Chàng Ngốc) là một người không có. Việc ném tiền vào lò lửa của Philippona và anh chàng Vania bò mọp xuống giật ra cũng là chuyện bịa đặt. Những Linh Hồn Chết cũng là một chuyện hoàn toàn bịa. Thế nhưng nó sống vô cùng, hơn thế, nó còn bất hủ. Và còn nhiều tác phẩm khác, cũng thế nữa. Viết đến đây, tôi nhớ tác giả Bước Đường Cùng, bậc thầy của truyện Việt Nam. Ông nói với tôi khi tôi hỏi "làm thế nào cụ viết nhanh như thế được?" ông đáp ngay một cách hóm hỉnh: "Truyện là một sự bịa đặt y như thật. Trong nghề viết, anh nào bịa giỏi anh ấy ăn." Câu đó, với tôi, thành chân lý bất di bất dịch. Đúng vậy, anh nào bịa giỏi anh ấy ăn.
Thế nhưng ở miền Bắc trước đây và ở Việt Nam ngày nay, mặc dù là nơi sinh sản ra những bậc thiên tài trong văn chương lại không cho những lời như thế là vàng ngọc, mà họ bắt nhà văn làm ngược lại: "Anh nào lập trường vững, anh đó ăn." Chẳng trách gì văn chương miền Bắc trước đây đã bị văn chương Sài gòn tràn ngập. Còn bây giờ, càng tràn ngập hơn.
Truyện của Nguyễn-Xuân Hoàng có rất nhiều cái hay mà không biết tôi có nói hết ra được trong bài này không?
Nhân vật, dù là rất phụ, cũng rất có nét làm cho người đọc nhớ lâu. Một trong những cái hay của một truyện hay là khi đọc xong người đọc nhớ "người." Nhớ người tức là nhớ cá tính của người đó. Do đó kéo dây theo việc nhớ cốt chuyện. Việc độc giả nhớ người ít hay nhiều đánh dấu thành công của tác giả. Bởi vì chuyện này chuyện nọ chỉ là hành động của nhân vật mà thôi. Có phải người ta thường nói: "Cái ông đó tánh rất Trương Phi." - hoặc - "Thôi đừng có tin cái thằng Tào Tháo đó!" trước khi người ta kể chuyện về Trương Phi và Tào Tháo? Trương Phi: nóng nảy, Tào Tháo: gian xảo.
Cái cô Uyên đài các khác với Quỳnh CAL không những về dáng dấp và khác hẳn tâm tính. Và tình cảm đối với giáo sư Thăng cũng khác Quỳnh.
Uyên thì yêu nhưng nén giấu kỹ, đến phút chót mới "tuyên chiến" công khai và lý luận về tình yêu như nhà triết học. Một nét độc đáo khác của Uyên: uống bia như nước ngọt.
Còn Quỳnh thì say đắm ông thầy giáo một cách nồng nhiệt nhưng dằn vặt ghen hờn. "Em chỉ muốn có với anh một đứa con rồi thôi, em không cần anh nữa! Em muốn sống với anh mà không cần hôn thú!"
Uyên thì nhỏ nhắn, trán bướng bỉnh Quỳnh thì khoẻ mạnh và có núm đồng tiền. Uyên có hàm răng nhỏ và trắng, còn Quỳnh thì có cái răng khểnh...
Nhân vật chính của Sa Mạc là Kha và Kim. Kha thì như đã nói ở trên kia, còn Kim là một học sinh trung học bụi đời vì bị ảnh hưởng đời sống tự do của Mỹ, đi ở chung với bồ Mỹ có con, bỏ con đi làm người mẫu, ham danh vọng và tiền nhưng cuối cùng vẫn không đạt được nguyện vọng. Cô định làm minh tinh, đã bị ông chủ hãng phim Lulafilm "mua" với một giá nào đó nhưng rồi vai trò mà cô ước mong lại bị ông chủ giao cho một cô đào Hồng Kông. So với Uyên và Quỳnh thì Kim còn lãng mạn kỳ tình hơn một mức. Kim gan cóc tía dám mời một ông "viết văn làm báo" - là thứ chúa lãng mạn - đến chia phòng với mình. Để làm gì? Có lẽ để cái ông này giao cho, hoặc đề nghị ông chủ hãng phim giao cho vai chính của kịch bản. Nhưng Kim chỉ nhận lấy một kết quả độc nhất là "ông ta đến rồi đi, đi rồi lại đến và lại đi" và Kim đều dửng dưng lạnh lẽo trước những đi đó của Kha. Nguyễn-Xuân Hoàng định nói gì qua truyện này?
"Mất nước rồi, ta không còn gì cả." Phải không? (Ông Kha có người đẹp trong tay. Bỏ! Có job đủ sống. Bỏ luôn!). Tuy tác giả không nói trắng ra như thế, nhưng đọc xong quyển sách, tôi hiểu như thế.
Mất nước đủ làm cho ta điên rồi: Trong lịch sử có nhiều dân tộc mất nước như dân miền Nam ta không? Có giống dã man nào tự khoe là giải phóng nhân dân mà khi nó tới nhân dân chạy thấy mẹ hay không? Có dân tộc nào bị đồng minh phản bội trói tay cho kẻ thù giết hay không? Mất hết, bỏ hết, đi, chết, tới hay không tới cũng mặc. Đi!
Bấy nhiêu đó không đủ làm cho ta điên hay sao? Mỗi một người chúng ta hoặc đã điên hoặc chưa điên hoặc đang điên mà không biết đó thôi.
Một anh Kha nếu không có trên mặt đất thì nó vẫn có trong chúng ta ít, nhiều hay trọn vẹn, một anh Kha còn mãnh liệt hơn cả chúng ta tưởng, chính ngay trong mỗi chúng ta cơ. Cô người mẫu tên là Kim và cái job ở toà báo chỉ là hai mệnh đề phụ để tác giả làm bật cái mệnh đề chính kia mà thôi! Mất nước rồi, lòng ta, loài người và cả thế giới này là SA MẠC.
Cách đây chừng 30 năm (trời đất!) tôi có đọc một tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp của một nhà văn Hungari, Joland Fordes, tên là La Rue Du Chat Qui Pêche (Con Đường Mèo Câu Cá) nói về gia đình một người Hung tị nạn ở Pháp cư ngụ trên con đường này. Quyển tiểu thuyết đã được giải Quốc tế về Tiểu thuyết (Prix International du Roman). Quyển sách mỏng thôi. Sự việc mô tả trong sách cũng bình thường, chỉ có nỗi ai hoài nhớ đất tổ Quê Cha là trượng nhất. Ngoài ra thì họ cũng có công việc làm, kiếm sống được. Có những đoạn mô tả những thanh niên lưu vong lúc rảnh rỗi không làm gì ngồi ở Quán cà phê thi nhau nhắc lại tên những con đường và những bến tàu điện cùng là đặc điểm của nó, hoặc là ăn cuộc với nhau đánh bật những chiếc thìa cho rơi vào ly cà phê đã uống cạn.
Hôm nay, ngày 3 tháng l1, năm 1989, tại nước Mỹ, tôi, một người tị nạn ngồi viết một bài về nhân vật-nhà văn Đặng Hồng Kha tị nạn, trong lúc sau lưng tôi, trên TV, dân Đông Đức đang ào ào bỏ nước ra đi, trong vòng 10 ngày qua, như tin cho biết, có đến 33 ngàn dân từ phía Đông "đi" sang Tây của nước họ bằng ô tô, mô tô, xe bus, xe ca đủ thứ xe, trừ xe đạp (đang chờ thuê với giá hời ở anh em Hà Nội) KHÔNG CẦN GIẤY PHÉP và sang đến nơi họ thành công dân của nước Đức ngay.
Xin hỏi toàn thế giới: Có dân nào tị nạn thảm khốc, đăng đẳng 15 năm, không ngừng một ngày nào và liều thân một sống mười chết, bị đuổi bắn, bị hải tặc, đến bờ rồi bị đẩy trở ra khơi, lên trại ở 8 năm liền chờ người nhận, không ai nhận, và cuối cùng bị "hồi hương," và khi về đến quê hương thì bị đưa đi mất tích như dân Việt Nam không? Có chuyến đi của dân tộc nào mà trẻ thơ lọt lòng trên thuyền sắp đắm giữa trùng dương hoặc thuyền dạt vào hoang đảo người phải ăn thịt người để sống. Có chuyến đi của dân tộc nào ghe sắp đắm mà bị từ chối vớt lên tàu không?
Dân tộc Việt Nam, chỉ có dân tộc Việt Nam thôi. Cổ kim lịch sử chỉ có dân tộc Việt Nam đi tị nạn trong hãi hùng nhất. Và như thế đó.
Dân Hung, dân Đức đi tị nạn dễ đàng, khoẻ ru. Riêng dân Đức thì tị nạn chẳng qua là một sự đổi chỗ ở xa xa một tí.
Vậy mà đối với dân vượt biển Việt Nam hiện giờ người ta còn đang mưu toan lắm điều ác độc... Như thế chưa đủ làm cho cái nhà văn nhà báo tên Kha kia điên ư?
Đó là chưa kể những chuỗi ngày lao tù trải qua hàng chục trại, sự tan nát gia đình, sự mất mát bè bạn, một cuộc động đất kinh hoàng, một trận cướp lạnh gáy v.v... Những biến cố đó đủ làm cho một người bình thường trở thành một người có trái tim nguội lạnh từ bao giờ, trái tim hình như đã chai lì và tha thiết một cách lãnh cảm với những gì thân yêu nhất, một con người thấy: tình bạn đã nhạt mà tình yêu còn nhạt nhẽo hơn; một con người "đi đến cơ quan mà tưởng mình đã về nhà"; một con người có một quan mềm sống "hiểu chi cho mệt, sống không cần hiểu khoẻ hơn là sống mà lúc nào cũng cố gắng hiểu"; một con người vừa yêu một người đàn bà như điên lại nói như đồng thiếp: "Em chỉ là hiện tại của tôi thôi"; một con người "bị ám ảnh có người luôn luôn rình theo mình"... Tuy nhiên, cái con người ấy vẫn "còn thèm báo Việt Nam, bởi vì nhờ nó tôi biết mình vẫn luôn luôn còn là người Việt Nam"... Cái con người ấy trong mơ vẫn còn "nghe vang động tiếng trống dồn dập của một buổi lễ ở quê nhà ngày nào."
Nếu như Kha quên được chính mình để sống một cuộc đời khác như Ron thì có lẽ Kha sẽ hạnh phúc hơn. Đằng này Kha không thể quên được, từ hang động Nha trang đến cây bã đậu quân trường Quang Trung, từ Yvette đến quán nhậu, từ Point des Blâgeurs đến cô gái di cư Trại Hầm, từ các trại tù trong đó có một người tử tội mà Kha lén cho thuốc hút đến ông chủ ghe vượt biên cho Kha một ân huệ bất ngờ. Một trong những niềm vui của con người là "vọng cổ" nghĩa là nhớ lại thời xưa của mình, nhưng "vọng cổ" đối với người Việt tị nạn ta trở thành đau khổ. Dù có trở nên triệu phú hay là kẻ ăn phút-tem ở xứ người, tất cả đều giống nhau trên điểm đau khổ này. Do đó ít nhiều giống Kha.
Tại sao nhiều tướng lãnh tự vận trong lúc có phương tiện vượt thoát? Tại sao nhiều người đã đến đất hứa, hái ra tiền rồi mà vẫn tỉnh táo bắn súng vào đầu? Tôi rời Sài gòn ba tuần lễ trước khi Sài gòn chết. Gia đình tôi là những người đầu tiên được bốc lên tàu lớn ở Phú Quốc. Khi tàu "ăn khách" xong, nhổ neo, một vạn người ồ khóc vang lên. Tôi lặng câm không một giọt nước mắt, rồi sang Mỹ bằng máy bay. Sau một tháng không làm gì cả, tự nhiên tôi phát đau, Sponsor cho tôi vô nhà thương. Năm ông bác sĩ tìm bệnh, từ chiếu quang tuyến X, thử máu, lấy xương mõ ác để soi kiến hiển vi, thử đờm tìm vi trùng lao, cho uống thuốc sốt rét v.v... 17 ngày liền các ông đều tuyên bố: Không tìm thấy nguyên nhân! Đúng 20 ngày họ cho tôi về nhà. Rồi tôi khoẻ lại. Họ kết luận: Tâm bệnh. Tôi chưa thành người "mất trí" như Kha, nhưng tôi rất gần với Kha. Tôi hiểu Kha. Do đó, tôi cho một con người Việt Nam như KHA là rất THỰC.
Truyện của Nguyễn-Xuân Hoàng viết rất chặt chẽ và nhiều kịch tính. Cái kịch tính thường làm ngạc nhiên người đọc có rất nhiều. Ví dụ chuyện Preed Chomanan con trai tên hải tặc cưới cô gái Việt Nam, nạn nhân của bố chú rễ. Chỉ sau một cái chấm xuống dòng, - đầu chú rễ bị cắt lìa khỏi cổ. Chính cô gái đã gọi cảnh sát đến bắt mình. Chuyện David Gliatto, chuyện Nguyễn Quốc Hùng với một con dao thuỷ thủ đã khử mấy tên VC, chuyện Ngô Văn Phước bắt cóc "tôi" và ơn đền nghĩa trả, chuyện anh tôi trả thù cho chị Thảo, chuyện "tôi" bỏ bữa tiệc sinh nhật cô Uyên để đi với Quỳnh giữa sự ngơ ngác của Uyên v.v...
Ngoài cái kịch tính bằng hành động đó ra, còn cái kịch tính trong những ý nghĩ và đối thoại giữa các nhân vật mà tôi bắt gặp hầu như thường xuyên, cái mà tôi gọi là bắp thịt trong câu văn của Nguyễn Xuân Hoàng.
Hãy đọc một đoạn đối thoại giữa Kim và Kha:
- Anh đi đâu suốt tuần nay?
- Chiều nào ở toà báo ra tôi cũng về ngay mà!
- Rồi anh đi với mấy ông bạn nhậu phải không?
- Tại sao tôi phải ở nhà khi không có Kim?
- Mà tại sao có Kim anh mới ở nhà?
- Ít nhất tôi cũng phải biết là tôi ở đâu, với ai chớ?
- Nhưng anh đâu có cần Kim?
- Ngu!
- Ôm Kim đi!
(Xin chú ý 5 cái dấu hỏi đi liền.)
Yêu nhau một đêm kỳ thú, đến sáng "nhìn rõ thân thể của nhau" rồi:
- Tại sao mình không lấy nhau?
- Tại sao mình phải lấy nhau?
- Người ta không thể sống mãi với nhau như tôi và Kim mà không phải là của nhau.
- Như vậy bây giờ chúng ta chưa phải là của nhau sao?
- Bây giờ chúng ta là của nhau? Và ngày mai thì sao?
- Ngày mai. Kim thích nói chuyện bữa nay.
- Như vậy là tôi cổ hủ lắm sao?
- Anh không cổ hủ nhưng anh không hiểu đời sống Mỹ.
- Phải hiểu đời sống Mỹ sao cho đúng?
- Má Kim nói mày phải lấy chồng đàng hoàng để có một nơi nương tựa. Tại sao người đàn bà phải nương tựa vào đàn ông?
- Sống không phải nương tựa vào nhau sao?
- Phải, sống là nương tựa vào nhau, chứ đâu phải chỉ có người đàn ông mới là tấm vách để cho người đàn bà tựa vào mới đứng được?
- Nhưng còn con cái thì sao?
Xin chú ý: 12 cái dấu hỏi đi liền một lúc và cũng ngần ấy dấu hỏi theo sau trong đối thoại.
Kế tiếp những dấu hỏi chứng tỏ sự xung khắc dữ dội choảng giũa hai luồng ý nghĩ về một vấn đề: "tình yêu" của một người làm báo viết văn và một người đàn bà làm mẫu muốn vươn lên địa vị đào hát bóng bằng kịch bản của ông nhà văn này.
Và đây nữa:
- Hôm nay anh làm sao vậy?
- Tôi tự hỏi là tôi có yêu Kim không?
- Anh nên tự hỏi là Kim có yêu anh không?
- Ừ, câu đó tôi tự hỏi rồi, từ hôm đầu gặp Kim kia.
- Mà anh đã có câu trả lời chưa?
- Hình như chưa.
- Thì anh cứ nói là chưa đi cho nó tiện. Phải không?
Cái ông Kha này lại cũng là một sự tiếp nối hoặc biến thể, hoặc hậu duệ của ông giáo sư Thăng kia. Cả hai đều "đi trên mây". Loại người này có không ít trong bất cứ xã hội nào.
"Chuyến xe đêm" của Pautovski (bố của Sonia Pautovski lưu vong?) cho ta một chàng. Cửa hạnh phúc mở chờ đón ta thế mà ta lại quay lưng đi. (Vì cái gì khác không rõ. Còn cái cửa hạnh phúc thì quá rõ: người đàn bà yêu chàng). Lermontov cũng cho ta một chàng tương tự trong Công chúa Mary: "Chàng nhất định yêu Vera và suýt chết trong một cuộc đấu súng vì nàng, trong khi công chúa Mary yêu chàng thì chàng lại dửng dưng." Truyện này Liên Xô đã làm thành phim chiếu ở Hà Nội, bị bể rạp và bị cấm luôn vì sợ nó làm cho thanh niên Hà Nội "đi trên mây"...
Xin đọc vài đoạn nữa để ta cùng đi trên mây cho nó khoẻ chút chơi. Rồi hãy trở về làm báo viết văn cũng không muộn phải không ông Kha, ông Thăng, ông Hoàng?
- Anh có thoải mái không?
- Không!
- Anh đã tìm kiếm được chưa?
- Tìm kiếm gì?
- Hạnh phúc!
- Có hạnh phúc thật sao?
- Có chứ. Hạnh phúc có thật!
- Em đã gặp nó chưa?
- Đã!
- Theo em thì tôi đã gặp nó chưa?
- Sao chưa! Anh đã gặp nhưng anh có nhìn thấy nó đâu!
- Cái gì? Ở đâu?
- Em. Ở đây!
Nguyễn-Xuân Hoàng chan chát như trong kịch. Nó luôn luôn làm bật lên cái ý mà một đoạn văn không phải là đối thoại không làm bật lên được. Do đó đối thoại của Nguyễn-Xuân Hoàng là loại văn nhất thiết phải có chứ không "khả hữu khả vô."
Xin mời bạn đọc chương cuối Người Đi Trên Mây. . . Hay thật hay. Tôi thích lắm!
Về sự gân guốc của câu văn thì có nhiều. Ở truyện nào cũng có nhiều. Sự diễn đạt ý tứ của Nguyễn-Xuân Hoàng như một đường giây luộc dừa xứ Bến Tre của tôi, do đó, khi nó kéo qua da thì nghe nhám, buốt hoặc trầy xước da, nó không trơn chuồi láng mướt như giây điện kéo qua da thì chỉ nghe êm ái, trơn tuột, nhờn nhợt.
- Người của anh thơ hơn thơ của anh.
- Tôi bỏ Việt Nam vào cái tuổi chưa kịp xây những chấn song để giam giữ kỷ niệm.
- Người ta nói không có cánh cửa nào của chính quyền còn đưọc coi là kiên cố dưới sức gõ của bàn tay ông Lý.
- Sắc đẹp là đồng hành của dối trá và phản bội.
- Làm thế nào tôi có thể đốt hết cánh đồng cỏ hoang của thời gian đăng đẳng này, v.v... và v.v...
- Ngọn lửa TÁP, gió lạnh ĐUỔI, nhà cửa xe cộ NUỐT hết, CẮN một hớp rượu, rượu SAY tao...
- (cùng ngồi trên một chiếc ghế, nhưng) bà Phan thì CHÌM còn cô Quỳnh thì TRẦM MÌNH,...
Đọc mấy câu ở trên, ta thấy sức lao động của người viết. Và cây cọ của hoạ sĩ trường phái tả chân.
- Đẹp trai một cách HUNG BẠO, sắc như DAO cau, mây trắng XỐP,...
- MIẾT những ngón tay trên trán, gió MIỆT MÀI,...
Nguyễn-Xuân Hoàng đã đi quá lên một bước của một nét tả cụ thể, "CỤ THỂ TỐI ĐA" như Leon Tolstoi dạy.
Ngoài ra Nguyễn-Xuân Hoàng cũng là hoạ sĩ siêu thực hay ấn tượng chăng?
"Mắt mũi này là tôi ư? Tôi có cái mặt như vậy ư?"
Trong lúc yêu Quỳnh mà lại nghe hai chân tay tôi trĩu xuống và Uyên đu đưa trên đó. Tôi nghe mưa rơi ào ạt, tôi chạm tay lên đồi núi và khe suối... và mây và mưa - một cõi đá vàng đã hết, v.v...
- Đêm chôn chúng tôi trong chiếc quan tài hạnh phúc.
- Cuộc chiến tranh không lối thoát luôn luôn chen vào giữa hai làn môi chúng tôi.
- Tôi kéo các thứ triết học xuống mặt đường Dalat.
- Kha thấy mình thình lình ngã xuống một vực sâu thăm thẳm, tay chân quờ quạng không biết bám vào đâu... kỳ lạ thay càng thấy hun hút hơn. v. v ...
Và... trên tất cả các nét siêu thực ấn tượng đó là "chân dung" người đi trên mây.
Đọc Nguyễn-Xuân Hoàng tôi còn có cái thú vị khác nữa là trong một truyện chứa đựng nhiều chuyện - hoặc nhiều truyện nén chặt vào có một truyện. Ba truyện trong Căn Nhà Ngói Đỏ rất khác nhau. Đây là tôi muốn nói cái CÁCH chứ không phải nói cái CỐT. Bạn thử đọc xem. Như có một phân thân của tác giả. Tự truyện của một người vô tích sự, nếu tác giả muốn thì có thể viết thành một tiểu thuyết bao trùm cả một quãng dài chiến tranh Việt Nam, trong đó là sự tan nát của một gia đình Việt Nam. Một truyện dài mà viết có 27 trang 3 dòng chữ. Thấy cả cái bộ mặt chiến tranh. Có đoạn đáng lẽ viết thành một chương, Nguyễn-Xuân Hoàng đi có dăm hàng. Khoảng giấy trắng còn "sót" lại dưới ba dòng cuối cùng như một cái biển làm tôi rơi tởm xuống đó, chới với. Tôi không dự tưởng nó kết thúc ở cái chữ "đó". Vậy mà nó kết thúc ở cái chữ đó.
Nguyễn-Xuân Hoàng lạ thật! Cũng như khi tôi "đụng" vào cái đầu anh chàng con trai tên hải tặc, tôi dội ngửa vì nó cách cái phòng tân hôn có một cái chấm xuống dòng. Tôi vội vã lật cái bìa sau sách coi mặt cái ông Đặng Hồng Kha-Nguyễn-Xuân Hoàng xem nó ra mần răng mà "mần" một cú ác như vậy?
Truyện Barbara cũng là một truyện hay. Nếu chỉ đọc một truyện này thôi cũng biết đây là một cây bút đầy bản lĩnh. Truyện viết rất lạ. Tôi chưa từng đọc một truyện như thế ở một nhà văn Việt Nam nào. Không đầu không đuôi, một thứ truyện không có truyện, có cả tuỳ bút hồi ký lẫn lộn nhau như một cái cốc mixed drink tuyệt diệu.
Ở đoạn trên tôi đã viết hoặc là tôi đã gọi điện cho Nguyễn-Xuân Hoàng, nói: "Anh viết hay lắm!. Văn mới lắm. Mới." - Khi đọc vừa xong, tôi có cái cảm giác đó, bây giờ đọc lại thấy nó mới ở chỗ cách diễn đạt triết học. Nói theo kiểu nôm na của tôi là: Nếu tôi chưa ngó cái mái tóc bồng cặp môi son nên hơi ngại, nhưng ngó vài lần thì quen rồi thích.
"Đêm chôn chúng tôi trong quan tài hạnh phúc."
"Tình yêu không phải là hiến dâng mà là chiếm đoạt..." (Sa Mạc)
Tình yêu là một hình phạt. Nó bắt hai người hành hạ nhau." (Sa Mạc)
"Barbara, nơi trú ngụ sau cùng của anh là em, nhưng sau khi anh bay qua đại lộ kinh hoàng của một cuộc chiến tàn bạo, con thuyền trú ngụ ấy đã nhổ neo."
"Có một nơi chứa đầy mâu thuẩn, đó là trái tim ta."
Tôi rất thích những câu như vậy. Cũng như tôi rất thích Barbara. Một truyện không có chuyện gì cả, thế mà Nguyễn-Xuân Hoàng viết thành truyện, mà là truyện hay, đọc rất rung động. Nghe xốn xang, ngậm ngùi, thương, nhớ và sụt sùi cho ai, cho mình... Khi chiếc xe màu xanh chạy vụt qua, cán nát quả cà chua trên mặt đường, anh cảm thấy hạnh phúc mình cũng đã tan nát, đập vỡ. Trái cà đó đâu phải là trái cà, đó là trái tim Barbara!
Philippona, trong L'Idiot đã nói: "Tôi lấy Rogogine là để tự cho mình một hình phạt. Tôi chết mòn với anh ta." Phải không?
Vài năm trước, tình cờ tôi có đọc trên báo một nhà văn khen đại ý một nhà văn nổi danh rằng ông ta đã đem một nhân tố mới vào văn Việt Nam bằng cách kể lại một câu: "Từ bên ngoài bước vào phòng, một người đội mũ phớt..." Ý nói là cách đặt câu động từ trước chủ từ. Văn chương ta sẽ tiếp thu mọi cái mới của văn học thế giới. Tôi chưa đọc hết những nhà văn đương thời nên không dám quả quyết một điều gì tổng quát nhưng có thể thấy Nguyễn- Xuân Hoàng đã đem sự mới mẻ vào văn chương hiện nay.
Căn Nhà Ngói Đỏ được kể một mạch cho một mình mình nghe. Cũng là một chuyện không có chuyện, nhưng lại do một Nguyễn- Xuân Hoàng giản dị kể, không phải Nguyễn-Xuân Hoàng tân kỳ trong Barbara. Nguyễn-Xuân Hoàng bao giờ cũng có những tình tiết rất thú vị. Ở đây có chú bé chơi trò gắn điếu thuốc vào con mồng thả cho nó bay trong đêm tối, cũng chú bé ấy câu được một ngón tay và một chiếc nhẫn vàng.
Nguyễn-Xuân Hoàng định nói cho ta điều gì với căn nhà ngói đỏ này? Sự gắn bó với quê nhà? Hay gì hơn nữa, khác nữa? Một sự nghèo đói dưới mái nhà đỏ? Đỏ có nghĩa là nghèo đói?
Nếu một truyện ngắn nói rõ được một vấn đề gì được gọi là một truyện ngắn hay thì một truyện ngắn - như truyện này - không nói rõ vấn đề gì cả, cũng vẫn là một truyện hay, bởi vì văn học không nhất thiết phải chứng minh như hình học, nó nói cái đó mà không nói cái đó, người đọc tự tìm lấy cái đó, và "cái đó" của hai người đọc chẳng bao giờ giống nhau. Văn học không bao giờ có tác động giống nhau trong hai người, ngay cả trong một người ở hai lần đọc khác nhau. Không có cái gì, bất cứ cái gì, "chung" được cả ngoại trừ cái "chung" giả của "cộng" sản.
Truyện Nghĩa Địa Của Người Sống hàm ba truyện. Hai truyện khác trong cái nghĩa địa đó là: "Anh công an bắt cặp tình nhân cởi truồng đi giữa phố" và một anh công an khác chặn xe cặp vợ chồng vì "ông có vẻ ngụy quá." Hai chi tiết này đủ để viết hai truyện ngắn khác. Cũng hay như truyện nghĩa địa kia, hoặc truyện nghĩa địa kia chia làm ba chương mà cái ý nghĩa địa vẫn không bị loãng.
Trong Sa Mạc, có cái kịch bản phim của ông Kha. Kịch bản này nếu lấy riêng ra viết thành truyện thì cũng hay lắm chứ? Viết rồi đưa cho báo mình in có lẽ tốt hơn bán cho ông chủ Lulafilm chưa biết ngày nào phim ra mắt khán giả. Phải không? Còn như cái chi tiết của anh thanh niên được ông bố Lê Dương nuôi rồi khi ông này ra lệnh cho anh ta đốt ruộng mía trong đó có dân lành chui trốn, anh ta đã bắn vào đầu bố nuôi - nếu không phải là truyện ngắn thì là cái gì?
Còn đây nữa, một người nông dân hiền lành vô lính nghĩa quân bị ăn chặn tiền lương bèn bỏ đi theo cộng sản trong chiến khu, rồi trở về hồi chánh, bị bắt đưa ra toà án binh có phải chăng là quyển tiểu thuyết "thời đại bi tráng, phức tạp và oái ăm" của chúng ta?
Nếu bạn đọc Nguyễn-Xuân Hoàng để tìm "những nhân vật yêu nhau dữ dội và nguyền rũa nhau không tiếc lời", để tìm những nhân vật "rất ít tình ái và nhiều tình dục, lãng mạn có phần lép vế trước xác thịt, một vài nhân vật tự vận vì không lấy được nhau, một vài nhân vật lấy được nhau nhưng bắt đầu chán nản và cả hai cùng ngoại tình,... một linh mục, một tín đồ, một cô giáo, một nam sinh, một mối tình tay ba, v.v... thì bạn đọc sẽ hoàn toàn thất vọng. Cũng như, ngược lại, đối với nhiều người khác nếu họ tìm thấy những cái nói trên ở Nguyễn-Xuân Hoàng thì chắc họ sẽ thất vọng hoàn toàn. Vì: Nguyễn-Xuân Hoàng là nhà tiểu thuyết cho tôi những ý tưởng triết học dầy đặc trên các trang sách và những nét điêu khắc nội tâm chứ không làm phóng sự. Cố nhiên là - cũng như mọi nhà văn - Nguyễn-Xuân Hoàng có chỗ MẠNH và cũng có chỗ YẾU. Nhưng tôi thấy không cần phải mách to mách nhỏ gì cho Nguyễn- Xuân Hoàng cả. Bởi vì, đến như Achilles cũng còn có chỗ yếu nữa là người phàm. Bởi vì hoa hậu cũng còn có người chê xấu nữa là...
Viết đến đây tôi sực nhớ các bạn tôi ở quê nhà. Tôi biết những nhà văn rất tài, nhưng họ không viết được! Họ không viết được cái họ ôm ấp, quyết viết. Họ phải lao lách, tránh né. "Nếu lỡ có viết một câu 'trung' phải biết giật mình viết một câu 'nịnh'!" Nghe nó còn thê thảm hơn cả người đàn ông đến thăm con đang ở với người đàn bà trước đây là vợ của mình. Rõ không? Trả lời!
Ở miền Bắc trước kia và ở Việt Nam ngày nay, không có truyện hay mà chỉ có truyện tốt, bởi vì người viết, khi ngồi viết, phải cài vào tim mình cái búa đóng đinh như một thứ trứng dái đồng hồ cổ lỗ làm cho cái máy đồng hồ bị trĩu xuống, giây thiều không bung được đúng mức, thành thử cây kim chỉ giờ không chậm thì sớm, không bao giờ đúng. Mười năm trước tôi có đọc một bài của Vũ Đức Phúc, phụ tá của Hoài Thanh, kêu gọi nhà văn Việt Nam hãy viết theo Phương Tây. Nghĩa là thương bạn - những người Việt Nam - hơn nữa những nhà văn - lưu vong ngay trên quê hương mình! Trời ơi, dân Việt Nam, văn chương Việt Nam xã nghĩa, nát và cùn đến thế sao? Chỉ viết theo kiểu suy nghĩ của Ai-ma-tốp trong "Chuyện Thảo Nguyên" thì cũng bị coi là "có vấn đề" rồi nữa là cóp Phương Tây. Trong truyện có câu: "Đứng trước họng súng kẻ thù, tôi rất hiên ngang, nhưng đứng trước sai lầm của tôi, tôi lại đầu hàng."
Tôi đã đi trên mây với Nguyễn Xuân Hoàng, tôi đã qua Sa Mạc, sống ở căn nhà ngói đỏ, viếng nghĩa địa người sống cùng Nguyễn-Xuân Hoàng. Tôi cũng đã yêu Quỳnh, Uyên, Kim, Yvette, ông chệt bán sách xôn, tôi cũng đã bắt tay ông Phan, và nghe ông chủ Lulafilm kể chuyện cái hủ Tà lên[?], tôi vẫn nhớ Ron, cái anh đi BMW mà lại mượn một xin của thằng bạn nghèo kiết xác, tôi thích Vinh bị ra toà vì một câu văn: "Dẹp được Mặt Trận Saigon, quân lực ta sẽ thắng ở Cao nguyên" (cũng như bây giờ ta quen nghĩ dẹp được mặt trận hải ngoại ta sẽ có mặt trận quốc nội vậy), tôi vẫn thương "ba tôi" "rượu say tao" và hiểu ra đó là một ông già thất chí, không phải chỉ say rượu, vẫn đau buốt khi thấy pho tượng bà mẹ đau khổ trong bóng hoàng hôn câm...
Và gì nữa. Còn gì nữa... Còn nhiều! Cuộc sống ngồn ngộn, phập phồng rung động của một cái nhân gian trải ra trên mây, dưới sa mạc, trong nghĩa địa, toàn là những nơi khó sống quá! Vậy mà ta phải sống, phải đi, phải rơi vào một cái Thục Đạo Nan rồi vẫn phải bằng một cách nào đó, sống.
Mệt quá! Thôi ta hãy đi tới đường Lê Lợi ăn bánh mì khuya và đi uống bia cho nó khoẻ! "Tìm hiểu thêm làm gì cho nó mệt." Để rồi còn tiếp tục làm rồng trong cuộc Vạn Lý Vân Trình, làm lạc đà đi qua Sahara, hoặc là... ai biết được. Phải không? Hay là mình mở TV coi biểu tình bên Đông Đức? Riêng tôi chắc là phải coi tiếp trận bóng Tây Ban Nha-Hungari! Hungari đã thắng Anh 6-l tại Anh, nhưng họ đã mất đến 6 cầu thủ quốc tế hồi Nga xâm lăng 56, lớp bị treo cổ, lớp lưu vong.
Hoa Kỳ tháng 11.89
(1) Trong tập này tôi chỉ đề
cập tới những truyện ngắn.