31-12-2017 | VĂN HỌC

Vĩnh Biệt Nhà Văn Nguyễn Thạch Kiên

  VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG


  Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên
   (1926 - 13.12.2009)

Sau thời gian lâm trọng bệnh và an dưỡng tại nursing home, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên đã qua đời vào sáng thứ Bảy, 13 tháng 12 vừa qua (2009) tại bệnh viện Garden Grove, California, hưởng thọ 83 tuổi.


Nhà văn Nguyễn Thạch Kiên tên thật là Nguyễn Văn Khánh, sinh ngày 16 tháng 8 năm 1926 (Bính Dần) tại Hà Nội, quê quán ở Ninh Bình, nhưng thân phụ ông làm ngành hỏa xa ở Hà Nội. Mẹ ông người Hưng Yên sinh truởng tại Hà Nội.


Trong quyển Về Những kỷ Niệm Quê Hương ấn hành tại Cali năm 1996, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên nói về tuổi thơ của ông:

"Anh chị em chúng tôi sinh trưởng ở tại Hà Nội... Khu vườn rau gia đình trồng trọt nằm ở phía sau Viện Pasteur, thuộc phố Lò Đúc gần cửa Ô Đống Mác lịch sử... Khi mới lên bốn tuổi, tôi được một ông anh họ học ở trường Puginier dạy truyền khẩu cho từng tiếng Pháp một, để năm sau xin cho tôi vào học lớp mẫu giáo".

Học chương trình Pháp từ năm 1931 ở Hà Nội, sau đó, ông theo học tại Chủng Viện Công Giáo Bắc Ninh ba năm, ở Đồng Giao - Bỉm Sơn, một địa danh thuộc địa đầu miền Trung, hai năm và nguyên quán - gần tỉnh lỵ Ninh Bình - hai năm, các trường tư thục cho đến năm 1945.


Năm 1943, ông làm thơ viết văn và dấn thân vào con đường cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng và sinh hoạt trong Đoàn Thanh Niên Công Giáo tại Hà Nội. Sau khi Việt Minh cướp chính quyền, ông lui vào chiến khu.

"Ở chiến khu một thời gian, ngày 26 tháng 10 năm 1947, chúng tôi hồi cư về Hà Nội... Tôi tiếp tục làm văn nghệ, nghề tôi chọn theo ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường.

Tờ báo tôi viết thường xuyên là nhật báo Thời sự do kỹ sư Nghiêm Xuân Thiện đứng tên chủ nhiệm, ông Đào Hữu Dương làm chủ bút và thi sỹ học giả Nhượng Tống làm giám đốc chính trị".

Ông gia nhập vào làng báo Hà Nội năm 1948.


Tác phẩm đầu tay Hương Lan xuất bản năm 1947, năm 1949, tác phẩm đã đoạt giải nhất văn chương do Nhà Xuất Bản Tân Việt - Sài Gòn tổ chức. Năm 1950 ông lập gia đình.


Tháng 3 năm 1955 ông vào Sài Gòn lần thứ hai (lần đầu vào năm 1954 và trở lại Hà Nội). Từ đó ông cộng tác với tờ Thời Luận và làm tổng thư ký tòa soạn báo Đường Sống do LM Trần Văn Hiến Minh làm chủ nhiệm và LM Vũ Đình Trác làm chủ bút.


Năm 1959, cuốn tiểu thuyết Màu Hoa Phượng đoạt giải thưởng văn chương Trương Vĩnh Ký do hai ông Phạm Đình Tân và Phạm Đình Khiêm chủ trương.


Ông viết feuilleton trên Thời Luận, Thách Đố và tờ Cách Mạng Quốc Gia, viết cùng lúc hai ba chuyện một ngày và sinh sống thực sự bằng nghề tiểu thuyết.


Ông chủ trương nhà xuất bản Phượng Hoàng để ấn hành nhiều tác phẩm của mình và thân hữu. Tham gia trong VNQDĐ, ông lấy bí danh là Khánh Phượng (Phượng là tên con gái của ông).


Các tác phẩm viết đăng báo và đã xuất bản trước năm 1975 tại Sài Gòn:

-Diễm, truyện dài (nhật báo Dân Chủ 1965-1966),

-Ướm Tình, truyện dài (nhật báo Đối Thoại 1967),

-Mái Tóc Huyền, truyện dài (1970),

-Bão, truyện dài (1972),

-Cát Vàng, tập truyện (1950-1975)...


Trước năm 1975, ở trong Hội Đồng Trung Ương kiêm Ủy Viên Báo Chí của Việt Nam Quốc Dân Đảng nên bị tù 11 năm. Năm 1992, ông được tị nạn tại California, Hoa kỳ.


 

Bìa trước và sau của tác phẩm Kỷ Vật Đầu Tay Và Cuối Cùng 1. & 2.
 (Nguồn: Kệ sách Học Xá)

Năm 1994, Nguyễn Thạch Kiên cho ấn hành tập thơ Nắng Hương Cau và sau đó ông bỏ nhiều thời gian để thực hiện tác phẩm ông rất tâm đắc là Khái Hưng, kỷ vật Đầu Tay Và Cuối Cùng dày trên 1000 trang (quyển I năm 1997, quyển II năm 1998), trong đó có hai tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên (đầu tay) và Bóng Giai Nhân (cuối cùng) của nhà văn Khái Hưng cùng với sự góp mặt của các đồng chí trong tổ chức của ông, thân hữu và bạn văn.


Với tuyển tập Kỷ Vật Đầu Tay Và Cuối Cùng này ông cho biết:

"Ngoài việc vinh danh một văn hào của dân tộc Việt Nam, còn là một kỷ vật gửi đến toàn thể bạn đọc và giới trẻ, nhất là các thế hệ tương lai, để các bạn được hiểu tường tận về sự nghiệp văn học của Khái Hưng, nhà văn, nhà báo và là một chiến sĩ cách mạng... cho thật đầy đủ và trọn vẹn".

Khi hiền thê ông qua đời, ông suy sụp tinh thần một thời gian và sáng tác trở lại với tác phẩm cuối cùng Búp Xuân Đầu, ra mắt vào tháng 3 năm 2005, tại Little Saigon, kỷ niệm tuổi bát tuần.


Khi định cư tại Hoa kỳ, ông tiếp tục dấn thân vào con đường cách mạng đã theo đuổi từ thời thanh niên và giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Đồng Chỉ Đạo VNQDĐ Thống Nhất.


Nhà văn nhà thơ Nguyễn Thạch Kiên sáng tác khoảng hai mươi tác phẩm trên nửa thế kỷ cầm bút.


Với tâm hồn nhân bản, có tâm huyết với tiền đồ dân tộc, bản tính trầm lặng và hòa nhã, nhà văn Nguyễn Thạch Kiên vĩnh biệt cõi trần để lại hình ảnh cảm mến trong lòng mọi người.


Cali, Nov 16

Vương Trùng Dương

Nguồn: Tân Văn số 18, Tháng 1.2009