12-03-2015 | VĂN HỌC

Lâm Chương Trong Mắt Tôi

  MINH NGUYỄN


     Nhà văn Lâm Chương

Trước năm 70, tôi được đọc thơ của Lâm Chương đăng trên các tạp chí Văn, Văn Học, Bách Khoa, Khởi Hành, Nghệ Thuật... nhưng ở vào thời buổi ly loạn, tuổi trẻ chúng tôi ít có dịp gặp gỡ nhau để hàn huyên tâm sự. Vì thế, chỉ cần đọc một bài thơ hay cái truyện ngắn mà mình thích, coi như đã có sự quen biết, đâu cần đến phải gặp mặt. Cho dù, mãi tới năm 1971 qua giao tiếp với anh em trong nhóm chủ trương tạp chí và nhà xuất bản Khai Phá, tôi nhận được tập thơ "Loài Cây Nhớ Gió" của anh từ tay nhà thơ họ Ngô Nguyên Nghiễm gửi cho.


Tập thơ đầu tay "Loài Cây Nhớ Gió" của Lâm Chương gồm tất cả 29 bài thơ, 64 trang, phụ bản 1 tranh Charles Blachman, phụ bản 2 tranh Allen David, bìa lấy từ tranh của nhà danh họa Picasso. Ngoài những bản in trên giấy croquis thường, còn in thêm 50 bản giấy croquis đặc biệt, 7 bản hồng phấn, 5 bản couché dành cho tác giả và NXB tặng bạn bè. Trong một lần bù khú cùng bạn bè bên bàn rượu, nhân nhắc về tập thơ LCNG của Lâm Chương, nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm tiết lộ, giấy phép tập thơ do chính tay nhà thơ Phạm Nhã Dự đúng tên xin giấy phép, vì thời gian đó Lâm Chương đang bận nhiều việc ở miền Trung. Nhân dịp đó tôi còn được nghe kể, Lâm Chương sinh năm 1942, tại làng Phước Trạch, huyện Gò Dầu Hạ, tỉnh Tây Ninh. Mồ côi mẹ từ nhỏ, cha lấy vợ kế, thường bỏ học đuổi theo tiếng chim, tiếng dế bên những vườn cây hay bên những vạt ruộng quê nhà khô cháy. Lớn lên trong đời sống luôn thiếu thốn, anh phải vật lộn với cuộc sống để tồn tại. Vì thế, khi mới 16 tuổi anh đã phải nếm trải mùi đời ở hang cùng ngõ hẹp của cái gọi là Sài gòn hoa lệ. Sau miền Trung lập nghiệp. Trên đương đi, định mệnh đã giữ chân anh lại thành phố biển Nha Trang. Tại đây, tuy phải mưu sinh vất vả nhưng anh may mắn nhận được nhũng tấm lòng bao dung, sẳn lòng giúp đở anh trong mọi công việc. Vốn là người yêu thơ văn, anh có dịp tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi tại đây, qua đó giúp anh có thêm cảm hứng để sáng tác.


Bài thơ đầu tiên trong tập "Loài Cây Nhớ Gió" có tựa đề "Tuổi Đời Băng Giá", bài thứ hai mới là bài mà tác giả chọn làm tựa đề cho cả tập thơ.

"Từ buổi đến rừng cao như mắt nhớ

Áo sương che lá ngủ ướt lệ người

Chiều lên đứng đồi xa trông bốn hướng

Hồn mơ bay cánh én liệng ngang trời...

Từ buổi đến rừng cao cây nhớ gió

Mình nhớ đời đêm nhớ gối trên tay

Mong trở lại một ngày thương tóc đó

Có tình người trên vầng trán mây bay."

Nhiều người gọi đây là tập thơ tình vì trong đó có những bài: Hai Bàn Tay Lạnh, Nhớ, Nhìn Về, Như Kẻ Hành Hương, Nhện chờ Mối Ai, Đêm Giáng Sinh Và Cô Bé...?


Sau tập thơ Loài Cây Nhớ Gió, tôi được đọc Lâm Chương qua nhiều bài thơ khác, Dắt Tay Vào Địa Ngục, Mùa Hạ, Đời Ta Rất Tầm Thường, Tình Ơi... nhưng bài thơ để lại trong tôi nhiều xúc cảm nhất vẫn là bài: "Những Năm Đi Xa Trở Về, Viết Bài Thơ Giỗ Má". Giọng thơ nghe thật cảm động và buồn đến nẩu ruột:

Má tôi mất năm tôi mười hai tuổi

Tôi ra ngoài hiên đứng khóc

Ngó lên cây me già buồn hiu trước ngõ

Mây trắng bay qua tàn cây lá nhỏ

Nắng xế chiều héo hắt trên sông

Đàn gà con kiếm ăn trong hàng dâm bụt

Tôi biết từ đây tôi như con gà côi cút

Phải tập bươi tập sống một mình..."

Không chỉ có bấy nhiêu, đọc hết bài thơ gồm 11 khổ, dài 110 câu, tôi thấy đây đó hình ảnh anh lầm lũi đưa tang má trong đám dân nghèo chân đất, hình ảnh người con rất thương mẹ nhưng mắt không dám nhìn cảnh người ta hạ huyệt chôn mẹ; thấy hình ảnh người cha mang thân gà trống đi tha về từng hạt gạo nuôi đàn con ốm; thấy hình ảnh anh-chị phải bỏ học đi ra đồng mót lúa; thấy hình ảnh đàn em thò lò mũi đứng vô tư nhìn mọi người, thấy hình ảnh ngôi nhà trống trước trống sau, trơ lại chiếc ấm sứt vòi, chén sành mẻ miệng, bàn gỗ mọt ăn, giường sắp làm củi chụm. Đau đớn hơn, đêm tháng 7 chứng kiến thằng em bị chết, nhà nghèo không có gì chôn, may có lối xóm cho chiếc hòm gỗ tạp, đưa em trên chiếc xe trâu về nằm cạnh mẹ. Đọc hết bài thơ, tôi nghe hai mắt mình như bị ai hong khói để rồi hình dung ra sự tủi cực của tác giả trong thuở thiếu thời.


Bạn bè văn nghệ cùng thời của Lâm Chương rất nhiều, nhưng tai nạn tại cầu Tân Cảng năm 1970 không chỉ để lại trong anh nỗi buồn mà là câu chuyện thời sự văn nghệ, khiến bạn bè cùng nhiều đọc giả bị bất ngờ và vô cùng thương tiếc cho cái chết của nhà thơ Tô Đình Sự. Sau tai nạn thương tâm xảy ra, nhà thơ Phạm Nhã Dự có thuật lại:

"... Sáng hôm sau tôi xuống quán sách cô Nga. Vừa gặp tôi Nga xanh mặt hỏi tôi có nghe tin gì chưa. Chưa kịp phản ứng, Nga bảo đêm qua Sự, Lâm Chương, Yên Bằng và tài xế đi chơi về khuya lật xe, hình như bị thương nặng, đang nằm ở Tổng Y Viện Cộng Hòa, vào thăm ngay đi. Tôi thật không thể tin điều gì, nhưng nhìn mặt Nga, tôi lặng người. Yên Bằng tương đối nhẹ hơn hết. Lâm Chương khá nặng nhưng không có gì nguy hiểm, nằm phòng bên cạnh Sự. Sự trông tỉnh hơn Chương, có thể đi tới lui, nhưng phải có kèm chai nước biển...

Hôm sau tôi xuống sớm. Chương đợi tôi tại hành lang trước cửa phòng và khóc lớn nói Sự đã chết rồi, vừa mới đưa xuống nhà xác. Chương vừa lết bết đi không vững theo sau xác Sự vừa khóc thê thiết..."

Trong một cuộc phỏng vấn văn học nghệ thuật dành cho Lâm Chương, tôi đã nghe anh bộc bạch: "Tôi cũng có thời gian mon men muốn ngồi vào chiếc chiếu dành cho các nhà thơ. Hằng đêm mất ngủ, bóp trán làm thơ. Có lúc gần đạt được danh hiệu thi sĩ, nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc. Làm thơ thật vô cùng vất vả, phải kiên trì mới được bài thơ cho ra hồn. Tôi vốn ù lì cục mịch, tính thiếu kiên nhẩn, lại không có năng khiếu đặc biệt về thơ, thì làm sao có thể ngồi chung chiếu với những bậc thầy chữ nghĩa mà tác phẩm của họ tinh túy của ngôn ngữ?".


Trước đây tôi nghĩ Lâm Chương chỉ giỏi làm thơ, nhưng sau khi từ Nha Trang trở về Sài gòn anh kể: "Những năm về Sài gòn tôi tập viết văn xuôi. Ông Mai Thảo đăng trên Nghệ Thuật, trong mục 'Những Người Viết Mới'. Tôi mắc cỡ, không gửi cho Nghệ Thuật nữa. Tôi gửi cho báo khác, chẳng thấy đăng. Nghệ thuật lại rằng, có một nhà văn lớn (đã mất) đọc bài bản thảo của tôi lần nào cũng kêu lên: 'Thằng Phá Hoại. Thằng Phá Hoại' và ném vào thùng rác. Từ ấy tôi không viết văn xuôi. Sau này, nghĩ thấy thương ông Mai Thảo. Ông cho 'Thằng Phá Hoại' vào mục 'Những Người Viết Mới' là nâng đỡ lắm rồi".


Bẵng đi một thời gian khá lâu không thấy thơ anh xuất hiện, tôi nghĩ chắc anh đang bận nhiều việc, bỗng một hôm bạn bè cho đọc Đoạn Đường Hốt Tất Liệt, Lò Cừ, Đi Giữa Bầy Thú Dữ, Truyện & Những Đoản Văn của Lâm Chương. À! Ra vậy. Thời gian qua anh sở dĩ không chuyên tâm vào chuyện làm thơ mà trải lòng mình qua các tác phẩm truyện ngắn. Anh thú nhận "... tôi không xây dựng thành một cái truyện ngắn của một người làm nghệ thuật viết văn. Tôi kể chuyện...". Và, qua giọng văn kể chuyện bình thản, gọn gàng không chút màu mè, anh đã kể lại sự việc thật đến 90 phần trăm, về những gì mắt thấy tai nghe.


Sau này, nhờ mối duyên văn nghệ tôi đã gặp Lâm Chương và nhiều lần nữa, nhưng thực sự không nhớ lần đầu tiên đã gặp anh trong dịp nào. Có khi đi với Ngô Nguyên Nghiễm, đi với Phạm Nhã Dự, đi với Nguyễn Tôn Nhan, Mịch La Phong hay cả với Trần Hữu Dũng... song kỷ niệm đáng nhớ là, lần tôi đi cùng vợ chồng Lê Triều Điển-Phạm Thị Quí lên Gò Dầu, đến trạm xăng tên gì đó (quên tên) đối diện nhà chị ruột của Lâm Chương theo lời hẹn; mặc dù đã đứng ngay trước cổng nhà, nhưng khi hỏi thăm nhiều người sống ở các nhà cạnh bên, ai cũng lắc đầu. Buộc lòng, tôi gọi điện thoại cho Mịch La Phong, vì Phi hẹn đi chung xe do tôi chở, có lẽ do nôn nóng gặp lại bạn nên anh đã nhảy xe đò đi từ sáng sớm. Té ra, ngôi nhà mà bọn tôi đang đi tìm, chính là nhà có cây vú sữa, nơi chúng tôi đang đứng chờ ở phía ngoài hàng rào. Và, ngoại trừ lần gặp gỡ có hẹn trước, về sau tôi cũng như bạn bè chỉ gặp được anh ở nơi này hay nơi kia một cách rất tình cờ. Vì vậy, sụ có mặt thoáng hiện thoáng biến của anh trong chốc lát, khiến cho ai đó có việc cần, muốn gặp anh xem ra cũng rất khó.


Riêng trương hợp tôi cũng vậy, nghe tin Lâm Chương từ "quê" ghé lên Sài gòn chơi, định hởi thăm việc viết lách thế nào, nhưng anh lặn đi đâu mất tiêu. Thôi thì, tôi mượn tạm câu trả lời cửa anh dành cho nhà thơ Triều Hoa Đại:

"... tôi không phải là người viết văn chuyên nghiệp, cũng không thích chiều theo thị hiếu của người đọc, nói thế nghe dễ mất cảm tình, nhưng đấy là sự thực. Xua nay tôi chưa từng được đồng xu cắc bạc nào từ bài viết của mình. Nhưng tôi vẫn viết, vì tôi thích và chỉ viết những gì tôi muốn viết. Tôi không hề đắn đo xem phải viết như thế nào, hành văn ra sao. Cứ nghĩ thế nào, viết thế ấy... Tôi không viết tự truyện, phần hư cấu rất ít... Tôi khó má viết khác với lòng mình. Đang sống nơi thế tục, muốn vươn lên trên nhũng điều thế tục, không dễ... Tôi nhớ kẻ hành xác tôi hơn nhớ người yêu. Nếu tôi viết khác đi, nghĩa là viết như người cao thượng là tôi viết láo. Ai mà cảm thông với kẻ giả dối bao giờ... Tôi chỉ là chứng nhân thời đại và đang viết bản tường trình về những gì đã nghe đã thấy mà thôi".

Tôi tin câu trả lời của Lâm Chương rất thực, thực như chính đời sống của anh đang sống và đang viết vậy.


Minh Nguyễn

Nguồn: Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi, VI - 2014(Viên Mãn)