30-7-2019 | VĂN HỌC

Thu Thuyền, Trần Trung Ðạo, Đức Phổ, Phan Xuân Sinh, Lâm Chương

  TRẦN DOÃN NHO

Thu Thuyền   • Trần Trung Đạo   • Ðức Phổ

Phan Xuân Sinh   • Lâm Chương

Tháng 8. Một nửa mùa hạ đã trôi đi êm ả. Trời dịu. Những tia nắng gay gắt dường như có phần chùng lại. Hơi thu nghe vướng vất đâu đây. Nhất là lúc sáng sớm và chiều về. Khi khuất nắng. Boston, quê tôi,  đang đợi chờ một mùa thu mới. Không lâu nữa.


Trong bồn chồn nỗi đợi, Boston đón khách. Từ Canada. Từ Washington DC. Từ Philadelphia. Từ New Jersey. Từ Texas. Từ Georgia. Từ California. Từ …vân vân. Khách đến Boston để tham dự một buổi sinh hoạt văn học đặc biệt: giới thiệu 5 khuôn mặt văn nghệ và 5 tác phẩm mới nhất của họ. Ba trong số họ là “cây nhà lá vườn”: Lâm Chương, Phan Xuân Sinh, Trần Trung Đạo. Hai là khách phương Nam, một đến từ Texas, Thu Thuyền và một đến từ Georgia, Đức Phổ. Đây là lần đầu tiên, Boston tổ chức một sinh hoạt giới thiệu tác phẩm có tính tập thể như vậy. Năm tác giả và năm tác phẩm mới nhất: một thơ và bốn văn. Một điều khá thú vị cần ghi nhận là, ba tác giả trong bốn tác phẩm văn xuôi lại là những nhà thơ nổi tiếng.




• Tác phẩm thơ duy nhất trong lần sinh hoạt này là “Mùa tình, Xin Kịp Gặt” của Đức Phổ. Tuy chưa quen thuộc mấy với người dân Boston, Đức Phổ là một trong những nhà thơ nổi tiếng của văn học hải ngoại.

Thơ anh đăng trên nhiều báo xuất bản ở hải ngoại, từ những tạp chí chuyên về văn học như Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ, Văn Tuyển, Chủ Đề cho đến các đặc san của các hội ái hữu hay những tờ báo địa phương khác.

Tuy xa xôi, nhưng hễ có dịp là anh đến Boston khi Boston có sinh hoạt văn hóa. Anh hiện cư trú ở bang Georgia, một tiểu bang miền Nam. “Mùa tình xin kịp gặt” là tập thơ thứ hai của anh sau “Một chỗ về” do Sông Thu xuất bản vào năm 2000. Theo nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, nhà thơ quê làng Phụng, Thừa Thiên Huế này “Làm thơ từ lâu, dường như chỉ thích rong chơi hơn là va chạm với thực tế cuộc đời. Gần đây, người bỗng trở nên… hiện tượng. Qua mạn đàm với bằng hữu trên liên mạng, tôi gọi Đức Phổ là thi sĩ “hot” nhất hiện nay”.

Hoàng Xuân Sơn nhận xét rằng “Đức Phổ nắm bắt được và sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ thơ. Sở trường của anh là thơ lục bát … xuống dòng. Vâng, một thể loại sáu tám ngắt đoạn, chia ý có dụng công tạo nên một nhịp điệu mới, khác hẳn với lục bát nguyên thủy”. Hãy thưởng thức vài đoạn:


đêm

buồn, lẻ

chiếu

đơn chăn

không em

tội, một chỗ nằm…

rộng rinh


Hay:


khi không

ở đậu quê người

giữa

cơn ấm lạnh

kéo trời che nhau.

nụ môi chia

phần xót đau

quê nhà đứt ruột

mùa ngâu

muộn màng


Thật đã!


Nhà văn Vĩnh Hảo nhận xét: “Ở bất kỳ thể thơ nào, từ lục bát, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, thơ mới, thơ tự do, thơ cách tân... ông cũng hay cả. Ông như một "chiến sĩ thơ" tinh nhuệ, sử dụng vũ khí nào cũng thấy vừa tay, thoải mái. Tùy theo hứng cảm mà chọn lấy thể loại cho mình. Đúng hơn, cảm hứng đã tự chọn lấy thể loại, bút pháp cho một người điêu luyện như ông, kết tinh những bài thơ rất "thần".


Đúng như vậy, Đức Phổ tuy thuộc giới “già”, nhưng anh làm thơ theo tinh thần “trẻ”, nghĩa là tự do, phóng túng. Gì anh cũng có thể đưa vào thơ. Là thơ. Kiểu nào cũng có thể là thơ. Không nề hà tân, cổ. Không sợ vần điệu. Không lo lạc hậu. Cũng chẳng ngán cách tân. Anh chọn lựa hình thức thơ phù hợp với nội dung. Để diễn tả một xúc động, thơ anh nhuốm vẻ “cổ điển”:

Sớm mai thân sóng ôm triền đá

Mây trời u tịch chẳng buồn trôi

Nhớ nhau. Môi thẹn lời yêu dấu

Hồn xanh rêu mưa mọc kín trời

… có phải khóc không mà mắt ướt

khi đời ráo hoảnh bóng trăng soi

sầu chở đầy khoang, sầu dựng ngược

ngỡ ngàng, bờm giục ngựa về xuôi

Nhiều cảm giác và hình ảnh bình thường (có thể đã trở thành ước lệ) được làm mới lại bằng nét diễn tả lạ, qua một hình thức cũ: thân sóng ôm triền đá, mưa mọc kín trời, ráo hoảnh bóng trăng, sầu dựng ngược.


Khi nói về cái vô nghĩa của hiện sinh, một ngày như mọi ngày, anh đẩy thơ đi xa hơn, tiếp cận với văn xuôi, trong lúc ngôn ngữ trở nên cụ thể hơn và pha chút trào lộng bất ngờ:

có nhiều nhện, nhện vợ nhện chồng

nhện trai nhện gái yêu nhau và

sinh sản rất nhanh… tổ nhện chiếm

hết chỗ tôi nằm, chỉ còn một

chỗ ngồi đọc thơ bằng hữu, nếu…

Không còn chỗ nằm, nên Đức Phổ đến Boston. Đừng lo, ở đây còn rất nhiều chỗ cho anh …l àm thơ và đọc thơ.


Boston xin chào Đức Phổ!




Thu Thuyền là khách văn thứ hai. Cũng như Đức Phổ, tên tuổi cô chưa quen thuộc với Boston, nhưng từ lâu, đã là một trong những nhà văn nữ thành danh ở hải ngoại. Tên thật là Hoàng Lưu Thu Thuyền, cô nhà văn “Bắc kỳ nho nhỏ” này là con gái của nhà đạo diễn điện ảnh nổi tiếng thời VNCH: Hoàng Anh Tuấn. Tuổi đời cô không còn trẻ, nhưng so với thế hệ của Lâm Chương, Trần Doãn Nho hay Phan Xuân Sinh, cô thuộc lứa những “khuôn mặt trẻ” trên văn đàn hải ngoại. Là dân trường Tây (học sinh Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux), cô sang Hoa Kỳ khá sớm, 1981.

 

Sau khi ổn định cuộc sống, cô bắt đầu viết từ năm 1998, cộng tác với tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Chủ Đề, Phố Văn, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, Ca Dao, Viet Nam Weekly News, Viet Mercury. Những Nhánh Sông Mất Biển là tác phẩm thứ hai của Thu Thuyền sau tác phẩm đầu in chung với 14 tác giả khác như Nguyễn Thị Thảo An, Hoàng Chính, Kinh Dương Vương, Nguyễn Trung Hối, vân vân. Những Nhánh Sông Mất Biển gồm 24 truyện ngắn. Có thể gọi đó là 24 mẩu chuyện đời - diễn ra ở Hoa Kỳ có, ở Việt Nam có - được cô kể lại với một giọng văn ngắn, gọn, trực tiếp, trong sáng, nhẹ nhàng, ẩn chứa một chút tếu đáng yêu. “Yifat chưa chồng, tuổi độ 26. Thân hình cô cao dong dỏng, mái tóc đen bóng óng ả phủ tấm lưng ong. Yifat có khuôn mặt thanh với hàng mi rậm, mắt đen thăm thẳm và chiếc mũi hơi quá khổ. Đặc biệt hôm nào Yifat mặc áo thun vừa ngắn vừa bó, bộ ngực cô vun lên ngồn ngộn, hai cái núm vú be bé cũng không vừa gì. Chúng nổi hẳn trên nền vải thun, cho mọi người biết sự hiện diện của mình. Còn cái rốn xinh nhất định không chịu lép vế, cứ ngập ngừng nửa kín nửa hở, trêu ngươi cả những người không tà ý” (Bức Tranh Vĩnh Cửu). Đấy, văn Thu Thuyền: hóm hỉnh, có duyên. Những đoạn văn đại loại như vậy rất nhiều trong tập truyện.


Đó là những chuyện tản mạn, vụn vặt đâu đó trong đời cô, những chuyện lỉnh kỉnh trong gia đình cũng như trong đời học trò, những chuyện mà ai cũng có thể tìm thấy một phần mình trong đó: nỗi hồi hộp, phấn khích của người mẹ chờ đợi đứa con đầu lòng của mình ra đời, một bữa ăn gia đình sau khi mẹ mất, hai vợ chồng giận nhau vì một chuyên vu vơ, một ông chú Việt Cộng tập kết trở về với nhiều điều cảm động pha thêm chút trái khoáy khôi hài, chuyến về quê hương tìm thăm người tình cũ cuối cùng gặp một chuyện bất ngờ, một Việt kiều về Sài Gòn vào quán đèn mờ thấy cô gái bán “ba” đẹp bèn nổi máu dê, muốn làm ẩu bỗng khám phá ra cô ta là …đàn ông. Một số truyện chẳng khác gì đoản văn. Đặc biệt, cô viết lại chuyện Lưu Bình-Dương Lễ với một bố cục khác, thực tế, hữu lý và …buồn cười hơn.


Tôi thú vị với cách viết đoạn kết của cô trong nhiều truyện.


“Tình mẫu từ kỳ nhiệm tự nhiên ửng màu lấp lánh trong máu, dồn dập chảy về tim. Cô chợt thấy biết ơn. Biết ơn quá đỗi!” (Con đầu lòng).


Ở một truyện khác:


“Anh bung người tới chộp lấy bàn tay với những chiếc móng còn ướt sơn hồng của chị, kéo tuồn tuột vào bếp. Tay trái anh đè nghiến cổ tay chị lên thớt, tay phải anh cầm con dao phay ghì lên những ngón tay trắng xanh của chị. Anh muốn nhìn thấy cảnh chị rúm nhũn ra vì sợ nhưng anh chỉ thấy ánh mắt khinh khi của chị. Có lẽ chị đoán được anh đang kiếm chuyện để rửa cái nhục ban chiều”.

Sau đó, anh chồng phản ứng làm sao, quý vị có biết không? Thu Thuyền viết đoạn kết:

“Anh điên tiết lên ‘Coi rẻ tau nè…’

Phập!” (Giận)


Khiếp! Gọn và nhanh đến thế thì thôi! Y như chặt thịt.


Ở một truyện khác nữa:


“Cái chết của cụ chẳng khác một phép lạ! Lần đầu tiên sau 25 năm dài, tất cả con cái tám người, mau mắn tụ về dưới một mái nhà. Anh Cả Vị hấp tấp bỏ mặc phòng mạch đương đông khách, cùng các hội đoàn bề bộn công việc của anh. Anh Quan hôn vội cô vợ mới cưới được vài năm, bước vào máy bay một mình. Chị Trâm dẹp nỗi giận mẹ đeo đẳng trong lòng, hối hả cùng chồng lái xe xuyên đường hầm từ Anh vào Pháp. Những đứa con tứ phương, không ai bảo ai, nhập lại như những nhánh sông cuồn cuộn nước lũ tìm về đại dương, chỉ để ngỡ ngàng đau xót trước một vùng biển cằn khô trơ đáy. Đưa mẹ ra nghĩa trang xong, buổi tối hôm ấy, bên bàn ăn, tám anh chị em cùng ngồi ngơ ngẩn không ai nói với ai câu nào (…) Chị Trâm ôm nhẹ vai em, giọng chị nghẹn ngào “Phải chi có mẹ ngày hôm nay, em nhỉ? Cả nhà về đông đủ thì lại thiếu bóng mẹ…” (Những Nhánh Sông Mất Biển).


Thật ngậm ngùi! Chúng ta dường như ai cũng đợi đến khi mẹ chết mới biết … thế nào là tình thương của mẹ. Tôi đã trích đoạn văn trên vào trong một bài viết về mẹ tôi nhân lễ Vu Lan, bốn năm trước, sau khi đọc truyện này in trên tờ Văn Học. Còn nhớ, tôi đã rưng rưng khi đọc cái truyện ngắn giản dị và thấm thía này. Nó nhắc đến trường hợp của tôi: mẹ tôi mất ở Việt Nam mà tôi, tự viện đủ lý do, để tìm cách không về. Rồi lại tiếc! Thực chẳng ra gì.


Đọc một số nhà văn khác (kể cả đọc tôi), tôi thấy dường như mình bị lấy mất một cái gì. Riêng đọc Thu Thuyền, tôi lại thấy mình được thêm một cái gì đó. Có thể là một chút vui hay một chút bâng khuâng hay một chút cười hay một chút tình hay một chút giận hay một chút tiếc rồi một chút tếu, một chút vân vân. Và có thể cả một chút…buồn. Để dùng, khi cần. Cám ơn Thu Thuyền!




• Khỏi nói, ai cũng biết Phan Xuân Sinh là một trong những khuôn mặt văn nghệ quá thân quen với cộng đồng Việt Nam ở Boston và cũng quá thân quen với nhiều cộng đồng ở nhiều tiểu bang khác trong Hoa Kỳ. Anh nổi tiếng trên văn đàn hải ngoại như một nhà thơ. Sau hai tập thơ Chén Rượu Mời Người (xuất bản chung với nhà thơ Dư Mỹ) và Đứng Dưới Trời Đổ Nát, lần này anh cho ra đời một tập văn xuôi: Bơi Trên Dòng Nước Ngược. Trong lời mở đầu, anh thành thật cho biết: “Đây là một tạp văn gom góp lại những mẫu chuyện nho nhỏ của tôi được đăng rải rác trên các báo và tạp chí tại hải ngoại. Vì sợ thất lạc và để dễ dàng gìn giữ nên tôi quyết định in ra để bạn bè, những người thân thuộc, những anh chị em quen biết, như một món quà giữ làm kỷ niệm, chứ không có hoài bão lớn lao nào khác”. Trong đoạn cuối, anh viết “Trong tạp văn này tôi gom đủ mọi thứ, buồn vui lẫn lộn, hư thực xen lẫn nhau. Để người đọc mua vui trong chốc lát…”.


Quả là nhà thơ của chúng ta quá khiêm tốn! Nhà văn Lương Thu Trung, trong lời giới thiệu, nhận định “Đọc thơ ông tôi trân quý tấm lòng hào sảng bao nhiêu, đọc văn ông tôi càng quí trọng tâm hồn ông bấy nhiêu. Cái đức khiêm cung và độ lượng, cái lòng thành thật và nhân hậu của tác giả nó toát ra từ những lời văn bình dị mà trong lành, bút pháp không trau chuốt mà hấp dẫn, chữ nghĩa không cầu kỳ mà vẫn làm mới được những trang đời...”. Quả thật thế, đọc hết 14 bài viết trong “Bơi trên dòng nước ngược” thuộc nhiều thể loại (truyện ngắn, tùy bút, ký, tự truyện), cảm giác bàng bạc toát ra từ hơi văn, ý văn là tấm lòng của tác giả. Khác với những bài thơ vừa chân thực lại đượm mùi “lý sự”, văn của anh toát ra một sự chân thật đến dung dị vô cùng tự nhiên. Chuyện thực cũng như chuyện hư đan xen vào nhau y như … thực! Đọc những nhân vật “tôi” của anh, tôi không biết cái nào là “tôi” thiệt, cái nào là “tôi” giả. Cái nào là “tôi” của chị Nga, và cái nào là “tôi” của…những người tình đã qua. Anh gói trọn tất cả mọi biến cố, bi kịch cuộc đời trong tình người. Chính vì thế, nhiều truyện của anh – tuy đầy kịch tính – lại kết thúc, dẫu không hoàn toàn có hậu, nhưng lúc nào cũng tỏa ra một không khí nhân hậu, kể cả những lúc tưởng mọi chuyện như phải vỡ toang ra. Và có lẽ vì thế mà truyện của anh dễ dàng exit.


Một trong những truyện cảm động nhất là “Con tàu chỉ có một người”. Truyện kể chuyện một tù nhân cải tạo, không hề được thăm nuôi, bỗng nhiên một hôm, nhận được quà gửi qua đường bưu điện. Điều trái khoáy là quà không do vợ anh mà do vợ một người khác gửi cho anh vì tưởng anh là người chồng còn sống của chị. Sử dụng món quà bất ngờ, nhưng lòng không yên tâm, anh bèn viết cho người phụ nữ nọ một lá thư ám chỉ xa gần rằng chị đã gửi nhầm. Tưởng thế là yên, không ngờ, anh lại nhận được thư và quà nữa, cũng của chị. Một hôm, anh được gọi ra thăm nuôi. Tưởng ai, hóa ra người thăm nuôi chính là người phụ nữ không quen. Anh ngỡ ngàng, nhưng chị ra dấu cho anh im lặng. Cả hai làm như vợ chồng thực sự. Anh được chị cho hay, chị biết mình gửi không đúng người nhưng vẫn cứ gửi và đi thăm, vì thương cho hoàn cảnh tù tội của anh. Mặt khác, chị còn nuôi dưỡng một hy vọng mong manh là biết đâu chồng mình còn sống. Gặp anh, biết chắc chồng mình đã chết, chị tuyệt vọng nhưng bù lại, chị cảm thấy vui vì đã làm được một việc tốt: mang chút ấm áp cho một người tù. “Đêm nay anh nằm đây, nghĩ lại cái cảnh chị lầm lũi bước lên tàu trở về Sài Gòn. Con tàu chạy vùn vụt trong đêm tối. Chỉ còn một mình chị thức, nhìn ra bên ngoài với sự trống vắng. Chị ôm một nỗi buồn sâu lắng (…) Anh thấy trên con tàu trở về kia, chỉ có mỗi một mình chị. Còn tất cả đều nhạt nhòa. Một mình chị thôi, chứa trên đó nỗi đoạn trường, bất hạnh của môt đời người. Nhưng thật quý báu cho một tấm lòng. Anh cảm thấy chị và con tàu đang lao vào màn đêm, xé tan bóng tối và lạnh lẽo” (Con Tàu Chỉ Có Một Người).


Không khí thương cảm và tấm lòng như thế trải dài trên những trang viết của anh. Hãy đọc thêm một đoạn nữa, đoạn kết của Bơi Trên Dòng Nước Ngược. “Cuộc đời qua Mỹ của tôi chính là cuộc đời của các bạn, chỉ khác nhau một vài tình huống, một vài cá biệt. Chúng ta đều bị sự khó khăn hoành hành đày đọa. Chúng ta không thể ngã ở chiến trường nhưng chúng ta có thể ngã ngay trên vùng đất tự do này. (...) Chúng ta phải ngoan cường chiến đấu với cuộc sống hiện tại, cũng như trước đây chúng ta đã từng cầm súng chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của Bắc phương”. Một lời khuyên chân thành và chí lý!


Nhưng thú vị nhất có lẽ là đọc những kỷ niệm lỉnh kỉnh của anh về tuổi thơ, về mối tình đầu, về những tinh nghịch thuở học trò và nhất là về Quảng Nam, về Đà Nẳng của anh. Vui, buồn, tếu, cay đắng, khổ đau, hạnh phúc…. Đủ cả. Anh vẽ lên mồn một một Quảng Nam nghèo, một Quảng Nam lý sự, một Quảng Nam tình nghĩa. “Con gái Bắc tế nhị, khéo léo bao nhiêu thì con trai Quảng Nam cộc cằn, độc đoán bấy nhiêu, họ kín đáo thầm lặng bao nhiêu thì mình huỵch toẹt, ồn ào bấy nhiêu. Ôi cái xứ mình tạo ra những con người như thế, quá thẳng thắn, quá cứng rắn, mà cái gì quá thì nó cũng căng dễ đứt, không hay. Vừa phải chừng mực thì tốt hơn. Thế nhưng người Quảng Nam thì không chịu thái độ không dứt khoát này, chấp nhận tràn đầy chứ không thể lưng chừng” (PXS nhấn mạnh) (…) “Tôi ở vùng ngoại ô Boston, bạn của tôi là mấy ông Quảng Nam rất cực đoan ở cách xa nhau, họ cho tôi là thứ Quảng Nam mất gốc bởi cái tính ba phải cả nể của mình, “thằng mô không phải là chửi vô mẹt hắn, chớ đừng nhân nhượng ốt dột như rứa” (PXS nhấn mạnh). Dẫu vậy, người Quảng Nam “Đi càng xa càng thấy nhớ và càng thương cho những con người không thể rời bỏ quê cha đất tổ, mồ mả ông bà. Những con người suốt cả cuộc đời bám chặt với ruộng vườn, không màng đến của ngon vật lạ, khoai sắn là chất độn trường kỳ” (Đà Nẳng Của Tôi).


Xin chào mừng đứa con tinh thần thứ ba của anh, Phan Xuân Sinh quảng nam đầy mình!




• Ta vẫn thường quen gọi là nhà thơ Trần Trung Đạo. Nhưng – cũng như Phan Xuân Sinh - tác phẩm mới nhất của anh bây giờ lại là một tập văn xuôi: Giấc Mơ Việt Nam. Vậy là nhà thơ chuyển thành nhà văn? Không hẳn thế! Nếu theo dõi các hoạt động văn hóa và cộng đồng bao nhiêu năm qua của anh, ta nhận thấy ngay anh vẫn viết văn khi làm thơ và anh vẫn làm thơ khi viết văn. Hay nói một cách khác, anh dùng văn thơ như một phương tiện bày tỏ cái tâm. Những bài viết trong Giấc Mơ Việt Nam đã được viết từ lâu, in rải rác trên nhiều báo và tạp chí hải ngoại, có thể là đồng thời với những bài thơ của anh. Nhưng tôi đoán là anh thích nhận mình là một nhà thơ hơn. Có lần, nếu tôi nhớ không lầm, trong một cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do, anh không nhận mình là nhà văn. Vì sao? Có thể là vì hai chữ “nhà thơ” nghe hiền lành hơn hai tiếng “nhà văn” chăng? Tôi không rõ.


Nhưng hề gì, với Trần Trung Đạo, làm thơ hay viết văn, chỉ có một mục đích: tải đạo. Văn dĩ tải đạo, như người xưa nói. Văn chương được dùng để chuyên chở tâm ý của người viết và muốn qua đó, làm cho đời sống cá nhân và sinh hoạt xã hội được tốt đẹp hơn. Có lẽ tư tưởng này áp dụng cho Trần Trung Đạo là đúng nhất. Suốt trong một thời gian dài, anh dồn mọi nỗ lực để chuyển tải cái “đạo” của anh: tình yêu đối với quê hương đất nước. Có lẽ không mấy ai chí thú với con đường mình đi như Trần Trung Đạo. Anh dấn thân, nhập cuộc. Anh bận bịu với hết tổ chức này đến tổ chức khác, từ hội thảo tuổi trẻ cho đến các hoạt động cộng đồng, cứu trợ và văn hóa. Không ngưng nghỉ.


Giấc Mơ Việt Nam gồm bốn truyện ngắn, hai tùy bút, một ký, một tiểu sử, một tham luận, phần còn lại hơn một nửa là tâm bút. Tâm bút có lẽ là từ được Trần Trung Đạo dùng nhiều nhất để chỉ các bài viết của mình. Sao lại là tâm bút? Tâm bút là bài viết xuất phát từ trái tim của mình. Đó là tấm lòng, là hoài bão. Thực sự, theo tôi, dường như tất cả những gì anh viết ra, ít nhiều và cách này hay cách khác, đều có tính chất tâm bút. Thơ, văn, nhạc, truyện, ký, tùy bút và cả tham luận đều có cùng một hơi thở: da diết, bứt rứt, trằn trọc, dằn vặt, thao thức, ước mơ và hy vọng. Trần Trung Đạo viết văn làm thơ không để triết lý, đề buồn vu vơ, để than thân trách phận, để chưởi đời, để tự trào, để tiếc nuối mà để kêu gọi, động viên mọi người thực hiện “giấc mơ Việt Nam”. Tuy gọi là văn, thực sự, trong Giấc Mơ Việt Nam, anh đã đưa vào rất nhiều bài thơ anh sáng tác trước đây, khi cần, để làm sáng tỏ thêm những gì không thể nói hết bằng văn.


Đặc điểm của văn thơ Trần Trung Đạo là nhiều bài thơ của anh đượm hơi văn, và ngược lại, nhiều đoạn văn của anh lại đượm hơi thơ. Đọc thử hai đoạn thơ dưới đây mà nếu không cho xuống dòng, ta sẽ thấy chẳng khác gì văn xuôi:


Bên bờ biển Palawan có một em bé gái, tuổi mới chừng lên sáu lên năm, đang ngồi đếm từng viên sỏi nhỏ, và nói chuyện một mình, như nói với xa xăm. (Em bé Việt Nam và những viên sỏi)


Những ngày tôi sống ở đây, tôi đã đi qua những con đường cháy nắng, những con đường không một bóng cây xanh, kinh tế mới Đồng Xoài, Bù Đóp, Bù Đăng, những đứa trẻ mồ côi không quần ngồi giữa chợ, cúi nhặt từng vi cá đuôi tôm (Những Ngày Ở Lại Sài Gòn)


Ngược lại, đoạn văn sau đây, tôi cho xuống dòng, lại nghe như thơ:

Tôi viết bài này trong lúc quê tôi

đang trong mùa lụt lớn.

Quê hương miền trung của tôi vốn đã nghèo

chắc sẽ nghèo hơn.

Những bản tin xé lòng đứt ruột

được gởi ra nước ngoài

từ nửa vòng trái đất. (Theo Bước Chân Người Linh Mục)

Trong không khí tổng hợp văn và thơ đó, Trần Trung Đạo kể cho chúng ta nghe rất nhiều chuyện, về những ngày u buồn, đói khó sau 30/4/75, về nơi chôn nhau cắt rún của anh, về Hội An, Trà Kiệu, về những ngôi chùa, về những vị thầy, những huynh trưởng Phật tử, về người nữ tu Theresa, về người cha, người mẹ, về những chuyến vượt biên gian khổ, về nỗi lòng kẻ ở người đi, về tuổi trẻ hải ngoại… Kỷ niệm nối kỷ niệm, hình ảnh nối hình ảnh, ý tưởng nối ý tưởng, dù là trong bài tham luận hay tâm bút hay truyện ngắn… tất cả đều xoay quanh tình tự quê hương và giấc mơ Việt Nam, với giọng văn lúc nào cũng đầy nỗi niềm và tha thiết. Xin trích vài đoạn:

Xin hãy đến với tuổi trẻ, những người đang khao khát tìm về nguồn cội, để dẫn dắt họ, dạy họ làm thơ, tập họ viết văn. Xin các bậc cha mẹ chú bác hãy đến với tuổi trẻ bằng một tấm lòng bao dung, rộng mở, tự nhiên, không định kiến. Xin hãy thương yêu và chăm sóc họ như chăm sóc cây xanh, hoa lá trong khu vườn sau nhà quý vị vì chính họ cũng là những cây xanh, hoa lá trong khu vườn văn hóa của dân tộc Việt Nam sau này. (tham luận: Tuổi trẻ hải ngoại và cuộc cách mạng Internet)


Trên con đường Dorchester, tôi đã gặp những quán ăn thanh lịch, những tiệm quán dễ thương, những cơ sở thương mại tiện nghi và đa dụng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nơi gặp gỡ của những người quen thân đầy ắp chân tình. Buổi sáng đi ra đường là nghe tiếng nói Việt Nam, nghe tiếng cười Việt Nam, tiếng chào hỏi Việt Nam vang lên ríu rít. Nụ cười đâu mất tiền mua nhưng tặng nhau nụ cười là món quà tinh thần quý giá nhất, làm ấm lòng nhau trong những mùa đông nơi đất khách như thế này. Trong những chiếc áo còn dính đầy sơn, những chiếc quần còn đóng bụi, các anh các chị đã quây quần, quấn quít lấy nhau. Cần gì phải biết tên biết họ. Trên thế giới này người ta có thể giả mạo nhiều thứ, tiền bạc, máy móc, dung mạo, nhưng tôi tin không ai có thể giả mạo được tiếng cười và tiếng khóc Việt Nam. (tâm bút: Hai Gánh Quê Hương)

Giấc mơ Việt Nam, theo Trần Trung Đạo, “Bắt đầu từ đó”: tuyệt vọng, biển khơi, biệt xứ, đói khát, hải tặc, trại tỵ nạn, mong chờ, lạc lõng, bơ vơ, nhớ tiếc… để rồi “Hai mươi tám năm sau”: vươn lên và hy vọng. “Những con nước nhỏ dưới chân cầu đã trôi ra biển rộng. Nhưng không phải vì thế mà tan loãng trong đại dương bát ngát như hàng triệu con nước khác. Trái lại, những giọt nước từ sông Hồng, sông Hương, sông Ba, Thu Bồn, Trà Khúc, Cửu Long, Vàm Cỏ, vẫn hẹn một ngày bốc thành hơi, bay về tưới mát ruộng đồng xứ Việt thân yêu đã nhiều năm đại hạn” (…) Qua tập sách nhỏ này, Trần Trung Đạo “xin được làm một que củi nhỏ để ngọn lửa hy vọng, tình người, tình đất nước, trong lòng mỗi một chúng ta, đừng tắt” (Tựa).


Xin được chia xẻ ước mơ đó với Giấc Mơ Việt Nam.




Truyện Và Những Đoản Văn là tác phẩm thứ tư của Lâm Chương xuất bản ở Hải Ngoại, sau Đoạn Đường Hốt Tất Liệt, Lò Cừ, Đi Giữa Bầy Thú Dữ (truyện vừa). Cũng như Trần Trung Đạo và Phan Xuân Sinh, anh “xuất thân” là nhà thơ, vốn nổi tiếng từ trước 1975 tại Sài Gòn. Năm 1998, anh viết văn và chỉ trong một thời gian ngắn sau, nhà văn Lâm Chương dường như che khuất hẳn nhà thơ Lâm Chương, khiến cho có người mới biết không ngờ rằng Lâm Chương đã từng làm thơ và làm thơ rất hay. Anh nổi tiếng ngay với tác phẩm văn xuôi đầu tay: Đoạn đường Hốt Tất Liệt. Nói cho đúng ra, anh nổi tiếng ngay khi mới viết những truyện đầu tiên. Vững vàng, điêu luyện, thâm trầm. Sau đó, anh viết đều đặn với những truyện ngắn càng ngày càng sống, càng cay, càng nồng, càng …thâm (và càng… ngạo đời!).


Hầu hết những truyện của anh đều lấy khung cảnh đời lính, trong trại tù hoặc trong thời gian đầu khi Cộng Sản mới chiếm miền Nam. Tại sao anh cứ viết mãi về chuyện tù và chuyện lính?

“Tuổi lớn rồi, học không vô. Tiến thân bằng cái đầu không được. Thôi thì đi làm cu li, cơm áo qua ngày. Sống mà không nhìn về tương lai, không chờ đợi điều gì cả là một bi thảm. Ngoái trông về quá khứ cũng thấy đầy những gai góc tai ương, nhưng đó là phần đời gắn liền với chúng tôi. Đó là da thịt, là vốn liếng một đời người. Mang cái vốn liếng u buồn này đi vào tương lai, cũng giống như vác cái quá khứ bốn ngàn năm lac hậu lên phi thuyền bay vào vũ trụ. Lâu lâu, giở lại quá khư săm soi, như người ta nâng niu gìn giữ một món đồ cổ. Cổ vật càng xưa càng quý. Tâm trạng chúng tôi bây giờ là thế” (Con Suối Và Chiếc Cầu Treo), Lâm Chương giải thích.


Ở một truyện khác, anh viết “Sau một lần viết về trại tù Cộng Sản, tôi lại tự nhủ với lòng đây là bài cuối cùng, không nhắc đến nữa. Nhưng nó như cái bóng đen ám ảnh tôi hoài. Và tôi lại viết về nó. Tôi viết như người kể chuyện để giải tỏa nỗi ám ảnh” (Lê Thơm).


“Truyện và những đoản văn” gồm có 19 đoản văn và 15 truyện ngắn. Tôi để ý, càng ngày, Lâm Chương càng viết ngắn đi. Anh vốn đã “kiệm lời” (từ của Lê Minh Hà nói về văn Lâm Chương), dường như càng ngày càng kiệm hơn. Tôi có cảm giác anh tỉa chữ, tỉa ý rất kỹ đến nỗi một số truyện của anh dường như không thừa hay không thiếu một cái gì cả. Chúng vừa đủ. Gọn, nhẹ và toàn cả tinh chất. Tôi đoán chừng anh đã tìm cách loại hết những gì có vẻ “hoa lá cành”, rườm rà, vô bổ hoặc tán hươu tán vượn, nghĩa là loại hết những chi tiết lỉnh kỉnh không cần thiết cho ý tưởng nòng cốt của anh. Mười chín đoản văn có thể là biểu hiệu cao nhất của lối viết này.


Thực ra, 19 đoản văn là một câu chuyện có thể là rất dài, dài... dằng dặc, loại chuyện dài hậu-30 tháng 4, được ngắt ra từng mảng, mỗi mảng chứa một sự kiện, một chủ đề hay là một bi kịch nhân sinh nhỏ (mà cũng rất lớn). Một số mang tính ngụ ngôn. Hài mà lại rất bi. Tếu mà đau. Rất thường tình mà đầy kịch tính. Tóm lại, cái chất suy gẫm thế sự nghe như cứ bàng bạc trong từng câu, từng đoạn văn, từng mẩu đối thoại, từng chi tiết. Đọc qua vài đoạn:

Sau một thời gian đi đày tơi tả, tôi trở lại nhà ba tôi. Nhà nghèo lắm. Gia đình sa sút thảm hại. Cơm rau đắp đổi qua ngày. Tôi hỏi ba tôi “Sân trước vườn sau trống trải. Sao không nuôi con gà con vịt, để thỉnh thoảng có thêm miếng thịt cho bữa ăn gia đình?” Ba tôi nói: “Nuôi sao được? Gà vịt chạy qua nhà hàng xóm thì không về nữa.”. – “Lòng người biến đổi đến thế ư?” – “Lòng người không biến đổi. Chỉ thời thế thay đổi thôi” _ “Trước kia, gà vịt nhà ta chạy qua nhà hàng xóm không mất. Nay, vượt qua rào giậu thì không còn. Như thế, không phải tại lòng người ngày nay tham hơn ngày trước sao?” (Đoản văn).


Tôi vừa ăn ổi vừa đập muỗi. Con nhỏ cháu nói: “Đêm nay muỗi nhiều quá”. Thằng em nói: “Muỗi đánh hơi được mùi lạ” _ “Con có nghe mùi gì lạ đâu?” – “Có chứ. Mùi Mỹ”. Con nhỏ cháu cười hì hì, trong khi thằng em tôi mặt lạnh như tiền. Tôi nói: “Chó sủa người lạ. Muỗi nhà này chỉ bu vào tao thôi” – “Đúng vậy. Nó biết lựa người có da có thịt béo bở. Chứ bu vào bọn khô máu thì ăn được cái giải gì?” (Đoản văn)


“Ở bên Mỹ anh làm nghề gì?” – “Chẳng làm gì cả” – “Làm sao sống?” – “Xứ Mỹ không thiếu khí trời. Cứ tiếp tục thở là sống” – Vợ thằng em lắc đầu: “Anh hiểu lầm ý em. Em muốn hỏi, tiền đâu mua đồ ăn để sống?”. Tôi nói: “Mỹ cung cấp” – “Phải làm việc gì, chứ không lẽ tự nhiên họ cấp tiền cho anh?” – “Anh khai bị bệnh khùng” – “Nhưng anh có điên khùng gì đâu?” – “Thì cứ khai như vậy là được”. (…) Lúc sau nó hỏi nữa: “Anh nghĩ vợ chồng em khai bị gì thì chắc ăn nhất?” – “Điếc” – “Ô hay! Điếc mà cũng được ăn tiền à? Nhưng phải nói thế nào cho người ta tin?” – “Không cần phải nói gì cả. Mình mới qua Mỹ, không rành tiếng Anh. Ai nói gì, mình cũng ú ớ không trả lời. Nó tưởng mình bị điếc. Thế là ăn tiền” (Đoản văn)

Ở các truyện ngắn khác, cách viết kết luận của Lâm Chương cũng rất độc đáo. Chẳng hạn như:

Ông ái ngại: “Nếu vấn nạn Y2K xảy ra, bà sẽ không sống nổi” – Bà nói: “Cùng lắm là tôi chết. Ông tục huyền với người đàn bà khác” – “Trên đời này, không dễ gì kiếm được người nào như bà” – Lâu lâu, nghe ông nói một câu chí tình, bà cảm động cầm tay ông: “Ông cũng biết thương tôi hả?” – Ông choàng tay ôm bà: “Thương thì chưa chắc. Nhưng biết tìm đâu ra một người bạn đời chịu khó cãi vã với tôi, suốt mấy mươi năm không hề mệt mỏi?” (Khắc khẩu).


“Bao nhiêu năm đi lính, sát phạt đã nhiều. Những người chưa từng quen biết, không hề ân oán, vừa chạm mặt là ra tay bắn giết nhau. Nghĩ cũng lạ! Chẳng biết phía bên kia, họ có thù mình không?” – Tôi nói: “Ông thắc mắc những vấn đề kỳ cục. Cứ hãy tưởng tượng vào thời trung cổ, người ta đưa hai tên giác đấu lên đài. Với điều kiện, sau trận đấu chỉ còn một tên được quyền sống sót. Đặt mình vào hoàn cảnh tên giác đấu, ông phải làm sao?” – Thượng sĩ Mai Chò Gãi khẳng định: “Giết đối thủ” – “Đấy. Những thằng đi trận của cả hai phe đều ở vào cái thế của tên giác đấu. Mình không giết nó, nó giết mình. Đâu cần chi phải hận thù?” (Sóc Con Trăng)

Đấy, Lâm Chương! Đọc truyện anh, là phải suy. Càng suy, càng đau. Càng suy, càng thấm.


Boston chào mừng các anh chị và các bạn phương xa!

Chào mừng Thu Thuyền! Chào mừng Lâm Chương, Phan Xuân Sinh, Đức Phổ, Trần Trung Đạo!

Cùng tất cả những đứa con tinh thần của các bạn!


8/2004

Trần Doãn Nho

Từ Ảo Đến Thực, Nxb Văn Mới 2005