Nhà thơ Khoa Hữu
(1938-2012)
Khoa Hữu là bút hiệu của một người hoạt động văn nghệ tại miền Nam Việt Nam từ những năm 60 hay trước nữa (?). Chủ trương giai phẩm Góp Gió, anh đã cho đăng một bài thơ dài của tôi vào những năm tháng ấy. Trong trí nhớ lúc này đã bắt đầu mịt mờ của tôi, anh vẫn xuất hiện như một chàng trai sức vóc với sắc diện luôn luôn hồng hào và một tiếng cười trẻ trung làm rung rung hàng ria mép đa tình! Tôi và các bạn tôi, Thế Nguyên, Đinh Trần Nguyễn (sau này là Đinh Phụng Tiến) và có lẽ cả Vũ Kình và Tạ Quang Trung nữa, đã hợp tác với anh trước khi chúng tôi khởi sự tờ Văn Mới với nhà xuất bản Hoa Phương Đông...
Tất nhiên những nỗ lực của anh, của chúng tôi, chỉ như gió đồng nội trước cơn bão báo thời đại. Tôi không rõ anh đã gặp phải thứ bão nào trong cuộc đời sau đó. Nhưng bóng anh trong đầu óc bộn bề của tôi mờ dần. Những diễn biến buồn và thảm hại liên tiếp đổ ập lên đầu chúng tôi, và tôi đã tưởng anh, cũng như bao người thân khác, đã mệnh một trong một cánh rừng hoang vắng nào... Thời gian qua đi như một loài thú vô thừa nhận...
Cho tới một ngày tôi nhận được, từ Paris, một bài thơ gửi tặng ký tên Khoa Hữu. Nhìn nét chữ sắc gọn trẻ trung tôi đã tự hỏi: Khoa Hữu, Khoa Hữu... là ai? Tôi đoán anh là một người bạn trẻ ở quê nhà và đã viết một bài thơ ngắn gửi lại người bạn trẻ ấy! Sau này, những người bạn chung của chúng tôi đã cho tôi thêm một vài chi tiết về "người bạn trẻ", và như thế, người chết đã sống lại, tôi đã tìm được một chiếc bóng thương mến cũ.
Anh Đỗ Mạnh Trí của báo Tin Nhà, của nhà xuất bản Tin ở Paris, gửi cho tôi bản sao một xấp thơ của Khoa Hữu, với mấy dòng ghi chú: "... Bản chính viết trên những trang giấy học trò rất mỏng và nghèo nàn. Chắc Khoa Hữu còn làm nhiều thơ khác?..." Anh cũng nêu thêm lý do khiến Khoa Hữu đã gửi cho anh đa số những bài trong xấp thơ nói trên: "Ảnh biết tôi thích thơ lục bát... " Tôi lục lọi trí nhớ và chợt nhận ra Khoa Hữu thường làm thơ bảy chữ với vần điệu khá nghiêm chỉnh. Đã có một vài bài đăng trên một tờ tạp chí ở miền Tây Hoa Kỳ vào những năm 80. Nhưng hình như Khoa Hữu chưa bao giờ làm thơ tự do.
Tôi lựa ra những bài lục bát của Khoa Hữu và để dành những bài còn lại cho một tập thơ khác. Tôi muốn nói với người bạn vong niên của mình ở Paris: "Lục bát, không phải chỉ có mình anh thích..." Lục bát của những câu ca dao, lục bát của "lời quê chắp nhặt", lục bát "thơ ta" trong lối nói của Tản Đà, lục bát của Nguyên Sa lúc sau này. Lục bát của biết bao người khác. Và bây giờ, của Khoa Hữu. Tất nhiên lục bát của Khoa Hữu có những điều khác với mọi người. Nhưng tôi không phải là nhà phê bình. Tôi không muốn so sánh. Tôi chỉ muốn nói tới những gì mình nhận được như một tín hiệu.
Lục bát của Khoa Hữu như một tín hiệu?
Đối với một người đã quen với kỷ luật... của lối thơ bảy chữ như Khoa Hữu, lục bát chắc chắn không phải là một thể thơ quá khắt khe gò bó. Thế nhưng, nói theo Đới Vọng Thư (1905-1950), một nhà thơ Trung Quốc, không ai ngu dại gì mà lại tự cắt chân mình cho vừa một đôi giày của người khác... Sau khi đã lựa chọn thể thơ này, Khoa Hữu, với đôi nét "phóng túng" trong âm vận, có lẽ đã muốn cho thấy mối quan tâm thực sự của mình, không phải là hình thức, không phải là lục bát như một thể thơ, mà là một điều gì khác hơn thế: hình thức như một ý nghĩa, chẳng hạn. Khuôn mình vào thể thơ ấy, Khoa Hữu chắc chắn cũng không phải đã lựa chọn như nhiều người Sài Gòn của một thời nào: tự động từ bỏ những đôi giày êm ái của mình để... "xuống dép râu". Vả lại, lục bát cũng chẳng bao giờ là dép râu. Hay ngược lại!
Một nhận xét khác có thể soi sáng thêm: Dưới tất cả những trang thơ của mình, Khoa Hữu thường ghi mấy chữ "Sài gòn VN" (và ở bài chót, anh còn ghi thêm năm viết). Sài gòn? - "một miền không biết tới mùa đông" theo kiểu nói quen thuộc của Lữ Phương? Sài gòn, một miền không bao giờ muốn biết tới cái lạnh lẽo của xa cách, chia ly, cô lập? Không, những hình ảnh này, dù có đáng để ý cách mấy, cũng vẫn thuộc về ngoại vi. Nếu nhiều người sống ở Tây Phương nhiễm cái thói quen nhìn các tác phẩm văn nghệ lọt ra từ "thế giới bên kia" như những bản cáo trạng, những lời phản kháng, tố cáo, ... những "tài liệu xã hội" thuần túy - và như thế, đã mặc nhiên phủ nhận tính văn nghệ của các tác phẩm ấy, thì một khối lượng thông tin nào đó vẫn không phải nét thiết yếu của lục bát Khoa Hữu.
Dù sao, tất cả những nhận xét trên cũng vẫn chỉ chạy vòng quanh... Có lẽ hay hơn cả là trở lại với chính lục bát, với lý do thiết thực mà họ Đỗ đã nêu ra: Lục bát là một lối thơ quen biết hơn cả của người Việt Nam, một lối thơ được nhiều người Việt Nam ở bất kỳ đâu ưa thích, "thơ ta"... Tất nhiên, một món quà "lý tưởng" cũng không thể chỉ là một món ta ưa thích. Nó chỉ ra mối liên hệ giữa người gửi và người nhận, nhưng nó còn nhắc nhở một điều gì đó. Người lập tín hiệu có thể có muôn vàn điều gởi gắm. Tôi, một trong những người nhận, tôi muốn đọc thấy ở lục bát của Khoa Hữu một điều gì như nỗi nhớ, động lực khởi đầu cho một cuộc tìm lại những người anh em của mình ở một quê hương đích thực.
Nhân dịp này, tôi cũng xin được ghi lời cảm tạ Anh Đỗ Mạnh Trí và nhà xuất bản Tin đã dành cho tôi hân hạnh được in lần đầu những bài lục bát của Khoa Hữu.
Lộ trấn 22-5-1994
Bạt tập thơ Hai mươi bài Lục Bát Khoa Hữu, Trình Bầy xuất bản 1994, minh họa: Nguyễn Thị Hợp, bìa: Huỳnh Dàn.