Nhà thơ Nguyên Sa
(1932 - 1998)
Trong buổi nói chuyện tại đại học St. Louis University tôi thuyết trình đề tài "Người Việt Nam tại Hoa Kỳ, 23 năm nhìn lại". Trong bài nói chuyện tôi có nhắc đến Nguyên Sa, đến nhà thơ Octavio Paz vì có nhiều sinh viên gốc Mễ Tây Cơ tham dự. Thế mà hai người này đã lìa đời trong một thời gian thật tình cờ: Nguyên Sa mất ngày thứ Bảy 18.4.1998 và Octavio Paz chết vào Chủ Nhật 19.4.1998. Các kỷ niệm bùng lên xúc động trong tôi...
Tôi gặp Nguyên Sa Trần Bích Lan lần đầu vào khoảng cuối năm 1957, khi ông viết cho tạp chí Sáng Tạo, còn tôi làm thơ trên tạp chí Bách Khoa. Ông có lối nói chuyện thân mật lôi cuốn mà vẫn giữ khoảng cách với nhũng người mới gặp. Lúc đó tôi hài thước làm một bài thơ vui về tạp chí Sáng Tạo: tôi tả cảnh ông Mai Thảo đứng trước bàn thờ có hình ông Mai Thảo đang vái lia lịa, ông Thanh Tâm Tuyền đứng trước bàn thờ có hình ông Thanh Tâm Tuyền cũng đang vái lia lịa, xong rồi hai ông quay lại vái lẫn nhau, tôi bèn làm thơ vui. Nguyên Sa gặp tôi bảo ngay: "còn Bách Khoa là một tập họp hỗn tạp lố nhố đủ hạng người, có những ông khăn đóng áo dài, áo the thâm, có những ông bộ đồ lớn quần tây cà vạt nghiêm chỉnh, có chị mặc áo dài trắng tinh khiết, có anh sinh viên áo bỏ ngoài quần và có cả những người mặc bộ bà ba đen". Tôi hỏi ai là người mặc bộ áo bà ba đen vậy, Nguyên Sa bảo: "'Toa' về xem kỹ nhận biết ra ngay".
Khoảng hai năm sau, năm 1959, ông xuất bản tập thơ đầu tay Thơ Nguyên Sa chúng tôi gặp lại nhau, thân mật hơn lần đầu, Nguyên Sa hỏi tôi: "đã biết ai là người mặc áo bà ba đen trong nhóm Bách Khoa chưa?", tôi vẫn lắc đầu.
Năm 1970, có một phái đoàn hùng hậu của Việt Nam tham dự hội nghị các Nhà Văn Á Châu họp tại Đài Loan và sau đó bay luôn qua Hán Thành Đại Hàn tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế. Ông Phạm Việt Tuyền, Tổng thơ ký Trung Tâm Văn Bút Việt Nam làm Trưởng phái đoàn, còn tôi nói tiếng Anh thông thạo làm Phát ngôn viên phái đoàn. Trong phái đoàn có Võ Phiến, Nguyễn Thị Hoàng, Đỗ Quý Toàn, Lương Minh Đức, Nguyên Sa, Trần Dạ Từ v.v... Trong khoảng thời gian hai hội nghị hơn hai tuần và chuyến thăm viếng cuộc triển lãm quốc tế EXPO tại Osaka Nhật Bản, chúng tôi cùng làm việc, hội họp du ngoạn du hí với nhau, tôi hiểu rõ tính hài hước trào lộng qua bộ mặt nghiêm trang, lời nói văn hoa ý nhị của Nguyên Sa. Nguyên Sa và Trần Dạ Từ thường ở chung một phòng và cùng nhau đi với nhau như cặp bài trùng.
Một đêm tại Hán Thành thủ đô Đại Hàn, phòng ngủ của tôi trong khách sạn được một văn hữu mượn để thảo luận văn nghệ với người đẹp bản xứ, tôi phải sang gõ cửa phòng Trần Dạ Từ để ngủ nhờ. Tràn Dạ Từ chỉ chiếc giường trống bên cạnh của Nguyên Sa đang đi vắng, bảo tôi tạm nghỉ. Họp hành liên miên, tiệc tùng khoản đãi, thưởng thức trình diễn văn hóa dân tộc, thăm viếng di tích lịch sử địa phương, tôi quá mệt mỏi nằm xuống là ngủ vùi một giấc đến bốn giờ sáng mới thức dậy. Khi mở mắt tôi thấy bóng đen Nguyên Sa mập tròn trên khung cửa kính, không biết thi sĩ về lúc nào, thấy tôi ngủ quá say không nỡ đánh thức bạn dậy, đành đứng nhìn Hán Thành lóng lánh trong đêm để tìm ý thơ cho một bài thơ với địa danh mới, như Paris có gì lạ không em?
Tôi đứng dậy rối rít xin lỗi Nguyên Sa đã làm mất giấc ngủ của bạn, Nguyên Sa chỉ cười, tôi vô vùng cảm động và ghi mãi cử chỉ đáng yêu này mỗi khi nhớ đến Nguyên Sa.
Trong hội nghị Văn Bút Quốc Tế tại Hán Thành, tất cả các phái đoàn được Tổng Thống Đại Hàn Phác Chung Hy khoản đãi, nhưng đặc biệt đáng ghi nhớ nhất là dạ tiệc của Thủ Tướng Đại Hàn.
Chúng tôi được yêu cầu đến đại sảnh đúng giờ. Trước khi vào phòng tiệc, một chiếc bàn chạm xà cừ, trên để một mâm thau vàng rực rỡ lóng lánh với hàng trăm phù hiệu nhỏ xíu xinh xắn hình đủ loại hoa, đủ loại thú, sặc sỡ chạm trổ khéo léo tinh vi. Sau khi viết tên mình cùng quốc gia đại diện trên quyển sổ vâng "Đại Hàn quốc khách", mỗi tham dự viên được mời chọn một phù hiệu để cô hướng dẫn đẹp như mộng gắn lên trên cổ lật bộ áo lớn mỗi người.
Tôi chọn phù hiệu hoa hồng, cái đẹp thông thường của cuộc sống, nhà văn Võ Phiến chọn phù hiệu con chuột, cái ý nghĩa tinh nghịch láu lỉnh của cuộc đời. Không ngờ mỗi phù hiệu là tượng trưng cho hình ảnh của mỗi cô geisha để hầu rượu, chiêu đãi, khiêu vũ, ca hát nhảy múa với mỗi thực khách trong dạ tiệc này. Sau vài câu chào mùng xã giao thường lệ, buổi tiệc tưng bừng náo nhiệt lên một cách bất ngờ, khi Thủ tướng Đại Hàn đưa cao hai tay lên vỗ mạnh vào nhau ra hiệu, hàng trăm cô geisha uyển chuyển tiến tới chỗ ngồi hàng trăm quan khách.
Cô geisha mang phù hiệu hoa hồng khuôn mặt diễm lệ tươi đẹp tiến đến cúi đầu chào, rồi khép nép ngồi bên cạnh tôi, vị quan khách mang phù hiệu hoa hồng. Cô geisha mặt choắt mang phù hiệu con chuột đến ngồi hầu Võ Phiến, vị quan khách mang phù hiệu con chuột đang tê điếng gượng làm vui nhìn bạn mình đùa giỡn uống rượu với người đẹp, hối hận về việc chọn lựa phù hiệu tinh nghịch của mình. Nguyễn Thị Hoàng cũng được một chàng geisha tận tình chiêu đãi. Sau buổi tiệc, Nguyên Sa bảo Võ Phiến: "Huy Lực xuất ngoại nhiều lần biết rõ trò chơi này nhà còn giấu kín để đượcc con geisha đẹp nhất đêm nay". Quả thật oan cho tôi, vì đây là lần đầu tiên và duy nhất tham dự tiệc geisha trong đời.
Trên chuyến máy bay về lại Sài Gòn Nguyên Sa hỏi tôi: "'Toa' đã biết văn hữu nào là người mặc bộ bà ba đen trong nhóm Bách Khoa chua?". Tôi vẫn lắc đầu.
Sau năm 1975, vượt thoát ra khỏi nước, định cư ở Houston Hoa Kỳ, tôi đã biết rõ người mặc bộ bà ba đen trong nhóm Bách Khoa là ai nhưng đã quá trễ. Năm 1979 Võ Phiến đến ở chơi với tôi tại Houston. Chúng tôi, Võ Phiến, Mặc Đỗ, Trần Ngọc Bích ở Pháp qua trò chuyện vui chơi suốt ngày, nhắc nhở đến những kỷ niệm cũ với Doãn Quốc Sỹ, Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo, Nguyên Sa.
Mặc Đỗ tuyên bố gác kiếm tuyệt tích giang hồ. Tôi dã tổ chức được buổi lễ tưởng niệm Vũ Hoàng Chương có trình diễn ngâm 10 bài thơ đắc ý nhất của ông tại đại học Houston, hơn 500 người đến dự. Tôi đã nhờ Thượng nghị sỹ Phil Gramm tận tình can thiệp cho Doãn Quốc Sỹ. Với Mai Thảo tôi đã đôi lần tái ngộ tại Houston. Nhưng tôi vô cùng ân hận chưa gặp lại Nguyên Sa một lần nào, sau năm 1975.
Khi Nguyên Sa đến Houston ra mắt tập truyện "Giấc mơ" tôi đang tham dự một đại hội giáo dục ở Nữu Ước. Khi qua Los Angeles thăm anh Võ Phiến, thời gian quá ngắn ngủi, chỉ tự hẹn lần sau, nhưng chẳng bao giờ nữa có cơ hội gặp lại Nguyên Sa để trả lời câu hỏi của anh, mà tôi vẫn luôn luôn lắc đầu.
Trước năm 1975, tôi diễn thuyết tại Hội Văn hoá Việt Mỹ về hai chữ "Phù du" trong văn chương Việt Nam, hôm ấy có Nguyên Sa lên góp ý. Bây giờ anh vĩnh viễn ra đi, tôi muốn lấy bốn câu thơ của bài Phù du tôi sáng tác năm 1995 để tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng:
Phù Du
Ta gởi đời sau dấu chấm than
trời đêm một vệt ánh sao ngang
trăm năm một thoáng là bao nhỉ
cuộc sống lăn nhanh lệ nửa hàng!
Sau Nguyên Sa mất một ngày, nhà thơ lớn của ngôn ngữ Tây Ban Nha, Octavia Paz người Mễ Tây Cơ giã từ cuộc sống, không bao giờ trở lại, cũng cùng một căn bệnh ung thư.
Nhà thơ Octavio Paz
(1914 - 1998)
Năm 1984, tôi được thành phố Houston bầu vào làm Houston's Poet Laureate - Nhà Thơ Công Huân Danh Dự của thành phố Houston - nhà văn John Updike và nhà thơ Octavio Paz đến tham dự chúc mừng trong buổi lễ được tổ chức thật long trọng tại thành phố lớn thứ tư của Hoa Kỳ. John Updike, nhà văn hàng đầu Hoa Kỳ đã được giải thưởng văn chương Pulitzer Prize lên diễn đàn giới thiệu tôi: "Ông là nhà thơ vĩ đại nhất viết về đề tài ty nạn gây ảnh hưởng sâu xa trong lịch sử văn học loài người". Còn nhà thơ Octavio Paz phát biểu: "Tôi kính phục ông trong một nỗ lục phi thường để làm Mỹ châu hiểu biết người Việt Nam và văn hóa Việt Nam hơn".
Octavio Paz lớn hơn tôi 23 tuổi, khi ôm tôi chào mừng sau lời phát biểu, ông thì thầm vào tai tôi: "Ông còn tuổi trẻ, còn quá nhiều thì giờ để sáng tác". Sau đó ông tặng tôi bài thơ "Youth" gồm mấy câu sau đây bằng tiếng Tây Ban Nha và bằng tiếng Anh.
Juventud
El salto de la ola
Más blanca
Cada hora
Más verde
Cada día
Más joven
La muerte
Youth
The leap of the wave
Whiter
Each hour
Greener
Each day
Younger
Death
Tạm dịch ra Việt ngữ:
Tuổi Trẻ
Những bước nhảy chồm lên của đợt sóng
Trắng hơn
Mỗi giờ
Xanh hơn
Mỗi ngày
Trẻ hơn
Và sự chết
Octavio Paz xuất bản tập thơ đầu tay khi ông đang theo học một đại học ở Mễ Tây Cơ năm 19 tuổi. Tính đến nay ông đã xuất bản hơn 70 quyển sách về thơ, phê bình và khảo luận văn chương. Trong năm 1937 ông tình nguyện đến quốc gia Tây Ban Nha và sau đó làm việc trong chương trình ty nạn tại Mễ Tây Cơ để giúp những người Tây Ban Nha ty nạn sang Mễ tránh sự khủng bố của chính phủ độc tài quân phiệt phát xít do tướng Franco lãnh đạo. Octavio Paz tâm sự với tôi trong năm 1984: "Tôi đã làm việc với người ty nạn Tây Ban Nha, nên tôi hiểu rõ và khâm phục nhũng cố gắng phi thường của người tỵ nạn Việt Nam, khởi sự cuộc đời mới với hai bàn tay trắng tại Hoa Kỳ."
Năm 1944, ông gia nhập ngoại giao đoàn và đến năm 1962 ông được cử làm đại sứ Mễ Tây Cơ tại Ấn Độ. Trong những năm ở ngoại quốc, ông đã có một cái nhìn rộng rãi và một kiến thức sâu sắc trong tác phẩm phê bình được dịch ra Anh ngữ với nhan đề: The Labyrinth of Solitude: Life and Thought in Mexico (Tạm dịch: Tính chất cực kỳ phức tạp của sự cô độc: Đời sống và tư tưởng ở Mễ Tây Cơ). Trong quyển sách này ông đưa ra một sự so sánh chính xác thực tế giữa xã hội Mễ Tây Cơ và các quốc gia khác ông đã sống qua, với một cái nhìn thật nghiêm khắc, không khoan nhượng. Ông viết: "Theo tôi, người Mễ là loại người tự khép kín cô độc, tự xa cách tránh né để tự bảo vệ. Người Mễ chúng ta, khuôn mặt chỉ là cái mặt nạ, ngay cả nụ cười cũng chỉ là mặt nạ". Ông tiến xa thêm: "Người Mễ luôn luôn tách rời ra khỏi thế giới mà họ đang sống, người Mễ xa lánh những dân tộc khác và họ cô đơn lạc lõng ngay trong chính bản thân họ". Nhìn chung cả quốc gia Mễ Tây Cơ, ông nhận định: "Trong một ý nghĩa nào đó, lịch sử của quốc gia Mễ Tây Cơ cũng như người Mễ Tây Cơ đã có một sự chiến đấu trường kỳ gay go giữa hình thức (form) và công thức (formula) và sự kiện này đè nặng lên chúng ta và nó đã nổ tung lên như một cuộc tự trả thù của mỗi cá nhân".
Quyển sách ra đời cách nay hơn 40 năm, như một quả bom thả xuống xã hội Mễ Tây Cơ bảo thủ, trì trệ, tự mãn, đạo đức giả. Nhiều người, trong đó có những nhà văn, nhà trí thức, nhà báo giàu có lên tiếng chỉ trích ông, đả kích những nhận định của ông. Octavio Paz chỉ im lặng tiếp tục sáng tác, vì ông được đa số người Mễ Tây Cơ nhận đúng chân giá trị của những điều ông viết để sửa chữa tiến lên.
Năm l982, ông được giải thưởng Miguel Cervantes Prize, giải thưởng cao quý nhất của quốc gia Tây Ban Nha. Fidel Castro, Chủ tịch nước Cộng Sản Cuba thấy ảnh hưởng của ông quá rộng lớn tại Châu Mỹ La tinh liền ve vãn, nhưng ông đã cực lực chỉ trích chính sách cai trị độc tài ngu dân của Castro chỉ đưa nước Cuba đến nghèo đói. Ông cũng nặng nề lên án chính quyền thiên cộng tại Nicaragua là không hợp lý và tàn bạo.
Năm 1990, cuộc đời của ông lên đến tột đỉnh danh vọng khi được trao tặng Giải thưởng Nobel văn chương, với những lời nồng nhiệt ca ngợi về toàn bộ tác phẩm đố sộ của ông với một tầm nhìn rộng rãi sâu sắc. Được tin ông được giải thưởng Nobel văn chương, tôi vội gởi cho ông một bài thơ ngắn, chúc mừng.
Nhận được bài thơ của tôi, Octavio Paz liền viết ngay cho tôi một bức thư cảm ơn và ông tiết lộ việc làm ưu tiên kế tiếp của ông là thành lập một cơ sớ văn chương mang tên ông tại thành phố Mexico.
Đó là bức thư cuối cùng của ông tôi nhận được. Năm 1993 tôi đến thuyết trình tại đại học Rice, tình cờ gặp con gái của Octavio Paz, nữ văn sĩ Elena Paz. Cô đến thăm viếng đại học này cho một dự án văn hóa. Tôi mừng rỡ rối rít hỏi thăm Octavio Paz, cô cho biết cha cô không được khỏe nhưng ông vẫn ngồi vào bàn viết suốt ngày trong căn nhà toàn là sách vây quanh. Ông là người yêu của chữ nghĩa và sách báo.
Tháng 12 năm 1996 căn nhà của ông đột nhiên phát cháy, toàn bộ sách quý và hiếm của ông trở thành một đống tro tàn. Tôi nhận được tin này qua nhật báo, liên tưởng ngay đến tủ sách quý, một trong những tủ sách tư tưởng lớn nhất Sài Gòn của người bạn tôi Hoàng Tổng, cũng tan theo lửa khói, sau năm 1975. Sau trận hỏa hoạn tôi có viết thư thăm ông, nhưng thư bị hoàn trả lại, có lẽ ông đã dọn đến một địa chỉ khác.
Trong đám tang của Octavio Paz, Tổng thống Mễ Tây Cơ Ernesto Zedillo phát biểu: "Chúng ta vĩnh biệt nhà thơ, nhà tư tưởng vĩ đại nhất của quốc gia chúng ta, những tư tưởng, tác phẩm văn chương và cuộc đời của ông đã làm phong phú xứ sở chúng ta. Chúng ta không bao giò quên ông".
Và tôi sẽ không bao giờ quên khuôn mặt hay cười đầy nhân ái hiền từ của một nhà thơ lớn. Và ông sẽ sống mãi, vì "tử nhi bất vong, thọ giả," chết nhưng không bị đời lãng quên là sống mãi vậy.
2009-04-23