Nhà văn Hoàng Ngọc Biên
(1938 - 16.5.2019)
Nhà văn, dịch giả, họa sĩ Hoàng Ngọc Biên vừa từ trần ở San Jose, tiểu bang California, lúc 8 giờ sáng ngày 16-5-2019, hưởng thọ 81 tuổi. Sinh năm 1938 ở Quảng Trị, ông là một nghệ sĩ đa tài và độc đáo, tác giả của nhiều tập thơ, tập truyện, bức tranh, công trình biên khảo được nhiều người biết từ khi còn ở Sài Gòn đến khi định cư ở Hoa Kỳ.
Về thơ, ông đã cho xuất bản: Uống trà sớm mai, Đất và người và thần thoại Việt Nam, Biển ngày đêm, Chân mây cuối trời (đồng tác giả với Đỗ Trung Quân).
Về văn xuôi, ông là tác giả của những cuốn sách Đêm ngủ ở tỉnh, Người đạp xe vào thành phố buổi sáng, Chuyến xe, Quê hương, người về.
Với tư cách dịch giả, ông chuyển ngữ nhiều tác phẩm của Boris Pasternak, Joseph Brodsky, Samuel Beckett, Jean Tardieu, Georges Perec, Alain Robbe-Grillet, trong đó có tác phẩm dịch chung với người bạn đời là Nguyễn Thu Hồng, cũng là một dịch giả tài năng.
Trên lĩnh vực hội họa, Hoàng Ngọc Biên là họa sĩ sáng tác và trình bày, đã triển lãm tranh ở Viện Đại học Đà Lạt, Viện Goethe, Pháp văn Đồng minh Hội, Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam…; đồng thời phụ trách mỹ thuật, vẽ bìa, minh họa cho nhiều ấn phẩm trong và ngoài nước.
Ngoài ra, ông còn sáng tác nhạc, thân hữu còn ghi nhớ những ca khúc ông viết thời trẻ tuổi về Huế (Nắng hoàng hoa, lời Hoàng Phủ Ngọc Tường), về Đà Lạt (Hồ thu)…
Nhà văn – hoạ sĩ này là người am hiểu sâu sắc các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại phương Tây và có đóng góp nổi bật trong việc tiếp thu các trào lưu văn học hiện đại để cách tân văn học miền Nam những năm trước 1975. Với hai cuốn sách Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại (Nxb Trình Bầy, Sài Gòn, 1969) và Marcel Proust - con người xã hội (Nxb Trình Bầy, Sài Gòn, 1974), Hoàng Ngọc Biên trở thành nhà nghiên cứu chuyên sâu về tiểu thuyết dòng ý thức và Tiểu thuyết Mới (Le Nouveau Roman). Soạn giả dành 60 trang mở đầu Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại để “ghi nhận về một chuyển biến trong văn chương Pháp”. Theo ông, chuyển biến đó chính là sự xuất hiện của tiểu thuyết “dòng ý thức” và Tiểu thuyết Mới. Ông cho rằng Tiểu thuyết Mới là sự tiếp nối hợp lý của Tiểu thuyết “dòng ý thức” - tiểu thuyết như một cái nhìn. Tác giả trích dẫn hai câu nói của nhà văn M. Proust (“Thực tại đích thực là ở nội tâm”) và họa sĩ Paul Klee (“Nghệ thuật xứng danh với tên gọi không tạo ra cái để nhìn: nó phác họa những con mắt”), rồi đi đến nhận xét: “Mấy chục năm trước Proust đã phát biểu đâu đó là vấn đề đặt ra không phải là thực tại (hay mơ mộng) nữa mà là lối diễn tả thực tại, bắt nguồn từ cái nhìn của chúng ta” (Hoàng Ngọc Biên: Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, NXB Trình Bầy, Sài Gòn, 1969, tr. 25).
Marcel Proust – con người xã hội, cuốn sách dày 150 trang của Hoàng Ngọc Biên cho thấy tình yêu của soạn giả đối với nhà văn lớn này. Cuốn sách gồm bốn chương “Marcel Proust, cuộc đời thí nghiệm cho tác phẩm”, “Những chủ đề rời thời trẻ tuổi”, “Thời gian tìm thấy lại”, “Marcel Proust, con người xã hội” và hai bài viết của Nguyễn Đăng Thường (Proust, một kỷ niệm trong mùa mưa) và Cao Thanh Tùng (Quê hương của nhạc sĩ). Ngoài ra, cuốn sách còn trích dịch ba đoạn văn nổi tiếng trong tác phẩm Đi tìm thời gian đã mất (A la Recherche du Temps Perdu): “Chiếc bánh madeleine”, “Những gác chuông nhà thờ ở Martinville”, “Vũ trụ của Vinteuil”. Bằng những câu văn nhiều mệnh đề của một ngòi bút tài hoa, Hoàng Ngọc Biên đã phân tích sắc sảo thế giới nghệ thuật đầy bí ẩn của M. Proust. Điều thú vị là soạn giả đã kết nối sáng tác của Proust với thực tại đầu những năm 1970 : “Cuộc tìm kiếm của Marcel Proust - A la Recherche du Temps Perdu, sản phẩm lao động, và là lao động đấu tranh, bởi vì đấu tranh với thời gian, và đấu tranh cho con người – một trăm năm sau, vẫn còn là một tài liệu xã hội và nhân bản bất diệt, soi sáng những thảm kịch mà mọi xã hội văn minh, mọi xã hội kỹ nghệ ngày nay đang phải chịu đựng” (Hoàng Ngọc Biên: Sđd, tr. 99).
Văn xuôi Hoàng Ngọc Biên, trong Đêm ngủ ở tỉnh (NXB Cảo Thơm, Sài Gòn, 1971) và nhiều truyện ngắn khác, mờ nhạt yếu tố sử thi mà đậm đà chất liệu tự truyện, được thể hiện với kỹ thuật dòng ý thức. Tác giả còn là một nghệ sĩ dấn thân, nên tinh thần xã hội vẫn lấp lánh trong những trang viết của ông. Truyện ngắn Hoàng Ngọc Biên hoàn toàn không có cốt truyện sự kiện, chỉ có những hình ảnh trôi chảy theo một giọng văn giàu chất thơ. Theo chúng tôi, ông là một trong số ít nhà văn viết văn xuôi một cách kỹ thuật và nghệ thuật nhất ở miền Nam. Thật khó mà chọn ra để trích dẫn một đoạn văn của Hoàng Ngọc Biên, bởi vì văn ông có rất nhiều đoạn tinh tế và phải trích thật dài mới thể hiện hết phong cách của ông. Thử chọn một đoạn cho thấy sự hoà quyện giữa văn tự sự, thi ca và hội họa trong tác phẩm Hoàng Ngọc Biên:
“Tiếng súng giữa khuya làm anh giật mình tỉnh giấc. Cũng vẫn là những tiếng súng anh thường nghe giữa khuya vào những đêm trễ xe chiều phải ngủ lại tỉnh, vẫn là những tiếng súng xa vọng về xen lẫn những tiếng đại bác từ châu thành bắn ra — những âm thanh cuồng nộ giữa cái im vắng tĩnh mịch của đêm khuya nổi lên làm rung chuyển cả căn nhà, cả bốn bức tường vây quanh anh, cả trời đất ngoài kia — nhưng giữa những cơn đau buốt trong tim nhói lên theo mỗi tiếng đại bác, anh mơ hồ thấy hiện lên trong căn phòng, qua các khe cửa và các chấn song dưới trần nhà một thứ ánh sáng màu đỏ nhạt chiếu mù mờ lên những đồ vật khá quen thuộc, chiếc bàn ở đó tối nay trước khi đi ngủ anh đã có ngồi chuyện vãn với vợ chồng người bạn, chiếc ghế dựa trên đó anh đã ngồi hút thuốc một mình hàng giờ trước khi lên giường, chiếc máy thâu thanh, những tranh ảnh lồng kính, những tấm lịch màu, chiếc tủ kính cao, những ly tách, những chồng giấy tờ sách vở ngổn ngang, anh mơ hồ thấy hiện lên trong căn phòng thứ ánh sáng màu đỏ nhạt của những trái hoả châu bên kia sông chiếu mù mờ lên mùng màn chăn gối trên giường anh. Cũng vẫn là những tiếng súng anh thường nghe giữa khuya vào những đêm trễ xe chiều phải ngủ lại tỉnh, nhưng giữa những cơn đau buốt trong tim nhói lên theo mỗi tiếng đại bác, anh chợt tỉnh giấc sợ hãi, tưởng như thấy lại những ngôi trường tiểu học bốc cháy trong buổi rạng đông trên đường đi của anh, tưởng như nghe rõ từ bên kia sông hay từ những quận lỵ và những làng mạc lân cận tiếng kêu khóc của những đoàn người bồng bế xô đẩy nhau chạy qua những cánh đồng đỏ rực hoả châu và lửa đạn” (Đêm ngủ ở tỉnh).
So với những tác phẩm thuộc loại hình văn xuôi - chứng từ, hình ảnh và tiếng vọng chiến tranh trong Đêm ngủ ở tỉnh dường như được gián cách qua một màn sương của ký ức.
Những tác phẩm khác viết trước năm 1975 của Hoàng Ngọc Biên như Buổi sáng, Một góc phố, Thành phố dốc đồi, Quê hương, người về, Người đạp xe vào thành phố buổi sáng, Một đoạn giữa mùa hè (trích tiểu thuyết Về giữa mùa hè) đều là những áng văn xuôi không có cốt truyện, gần với những thiên tùy bút nên có thể gọi đó là những truyện ngắn – tùy bút.
Trong công trình biên khảo Văn học miền Nam, Võ Phiến có nhận xét về truyện ngắn Người đạp xe vào thành phố buổi sáng của Hoàng Ngọc Biên:
“Trong truyện ông không có nhân danh, không có địa danh. Người chờ chuyến xe là chờ ở tại ga nào? Không biết. Tỉnh nào? Không biết. Định đi đâu? Không biết. Để làm gì? Không biết. Người đạp xe vào thành phố, người ấy tên gì? Ở đâu? Không biết. Người đọc có biết ông ta đạp xe đi mần kiếm sống. Thế thôi. Những cái người đọc biết rõ là trời tối, trời sáng, trời sáng hơn, là dãy tường, con đường, chiếc áo xanh, cái quần không còn màu, v.v... Người viết chỉ ghi nhận những cái ấy. Bằng cái nhìn objectal. Nhìn cái bên ngoài: hình dạng, màu sắc, cử động, khua khuống... Nhìn, và loại trừ mọi xúc động, nhận xét, suy tưởng” (Võ Phiến: Văn học miền Nam. Truyện [Cuốn 1], NXB Văn nghệ, California, 1999, tr. 780).
Đó chính là do ảnh hưởng của những nhà tiểu thuyết mới như A. Robbe-Grillet, N. Sarraute, M. Butor… Nhưng không hẳn lúc nào Hoàng Ngọc Biên cũng chỉ có cái nhìn khách quan và loại trừ mọi xúc động, nhận xét, suy tưởng: đoạn văn trích từ Đêm ngủ ở tỉnh trên kia là một dẫn chứng. Không phải ngẫu nhiên mà Saint-Exupéry và Hoàng Ngọc Biên cùng yêu thích một câu văn của Marcel Proust: "Mơ tưởng đời mình vẫn hơn là sống thật cuộc đời ấy, cho dù rằng có sống thật đi nữa, thì cũng hãy còn mơ tưởng nó”. (Il vaut mieux rêver sa vie que la vivre, encore que la vivre ce soit encore la rêver). Tác phẩm của họ là sự mơ tưởng về cuộc đời hơn là chính cuộc đời ấy.
Bây giờ, ở thế giới bên kia, chắc hẳn Hoàng Ngọc Biên vẫn không thôi mơ tưởng về cuộc đời, về quê hương đất nước - mười năm qua chưa thấy bóng người về.