12-11-2018 | VĂN HỌC

Hoàng Lộc, Ngắn… Dài Tình Si

  NGUYỄN LỆ UYÊN
“Ta mãi lơ mơ suốt một đời tình
Mãi lưu lạc những hiên nhà gái đẹp“
(Hoàng Lộc)


    Nhà thơ Hoàng Lộc

Sau khi nhóm Sáng Tạo “hoàn thành sứ mệnh” làm mới nền văn học nghệ thuật Việt Nam bằng những tuyên ngôn, thảo luận bàn tròn, tung hê đầy dẫy trên tạp chí Sáng Tạo bộ cũ và mới với những tên tuổi “lớn”: Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, Nguyễn Sỹ Tế… thì có một khoảng trống lộ ra, nhưng không lâu.


Lấp vào khoảng trống của Sáng Tạo, giữa thập niên 1960, là các tạp chí Văn, Khởi Hành, Văn Học… nơi tụ hội của các cây bút trẻ, lần đầu thử sức với văn chương. Và họ đã thành công, với những tên tuổi như Y Uyên, Trần Hoài Thư, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị NgH. Cao Huy Khanh, Luân Hoán, Huy Tưởng, Lâm Chương, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bắc Sơn, Ngụy Ngữ, Phạm Ngọc Lư, Lê Văn Thiện… trải dài từ bờ nam sông Bến Hải tới tận Cà Mau. Nhưng công tâm mà nói, thì dải đất miền Trung xương xẩu, ôm gọn núi rừng, đồng bằng, duyên hải đã phải giang tay đỡ lấy máu, xương trắng, khăn tang… là chốn xuất hiện nhiều nhà văn nhà thơ trẻ. Số đông vẫn là Huế và Quảng Nam.


Thế hệ giữa thập niên 1960 trở đi như những chồi xanh vươn thẳng trên “phiến đá chưa mòn” (1) và cho dẫu có nhiều khuynh hướng dị biệt trong sáng tạo, song gia tài họ để lại như “một miền trái chín” cho văn học nghệ thuật Miền Nam, không thể phủ nhận.


Riêng với thơ, phong cách của mỗi người một khác, nhưng có một điểm chung là họ không chạy theo cái mới, cách tân, tự do của Sáng Tạo; cũng không ôm giữ vẻ cổ kính của Văn Hóa Ngày Nay cố gắng níu kéo thời hoàng kim Tự Lực Văn Đoàn. Trong thơ của họ, hơi thở của những Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu hay Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp chỉ phảng phất bên lề trang giấy. Họ có cái riêng, một phong cách không cổ điển, cũng không quá mới theo các trường phái Tây phương (mà Sáng Tạo khởi xướng).


Thơ ca trong thời kỳ này như một vườn hoa muôn màu vạn sắc: Viễn mơ, lãng mạn, tình tự dân tộc, phản kháng lẫn phản chiến… cùng nhau xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ Miền Nam, mỗi người mỗi vẻ, mỗi phong cách riêng, như nhận xét của Huy Tưởng: “nó vui nhộn, đa dạng, lôi cuốn, hấp dẫn và nhất là, tự do ngất trời!…từ đó tung ra nhiều trường phái, giọng điệu và sắc màu phong phú…đúng là trăm hoa đua nở thực sự mà không phải kiêng dè sợ sệt điều gì, để sau rốt nổi trội lên những tên tuổi ngời sáng, mỗi người đứng riêng một cõi, một tiếng thơ biệt lập nguy nga” (https://damau.org/archives/44584).


Trong số những tên tuổi ngời sáng đó, tôi chú ý đến Hoàng Lộc, không phải vì ông được giải thi ca của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam năm 1970, khi còn rất trẻ, (2) để khẳng định tên tuổi nơi trường văn trận bút, mà hơn hết là những bài thơ tình của ông, mượt mà như cô thôn nữ vừa tắm suối bước lên bãi cỏ non xanh, long lanh như giọt sương đọng trên nụ hoa hàm tiếu, như hương thơm thiếu nữ xuân thì. Tôi đọc và nhìn thấy như vậy từ giữa thập niên 1960 lúc còn là học sinh trung học, với những cơn tình mộng thuở đầu đời… cho tới tận hôm nay, đang bắt đầu chạm mốc bảy mươi, nhìn thấy thơ ông vẫn nồng nàn hơi thở tình yêu với những tình dài, tình ngắn, tình già, tình si, tình ngẩn ngơ ngơ ngẩn, tan bay theo một cơn gió, một nụ hoa, nơi chân cầu, một góc phố buồn…đến nỗi đã làm rung động biết bao trái tim giai nhân, như một cô nữ sinh Tường Vy đã chép những câu thơ của ông vào tập vở của mình:


Ta khổ quá chừng cô bé hỡi

Em như hoa cúc nở trong vườn

Mùa thu bay qua đời rất vội

Mà dấu tình chưa kịp lãng quên ...

(http://saigonline.com/tho/interview/hoangloc.htm)


Những gì mắt ông vừa chạm vào bóng giai nhân, tức thì len vào tâm hồn ông, đánh thức trái tim ông để ngơ ngác ngẩn ngơ. Rồi với những cuộc tình đã qua, đang có và sắp tới cứ đầy ắp trong thơ ông, như thể đó là những tình của tâm tưởng và tâm bệnh. Bệnh tình.


Và như vậy, có thể nói rằng, Hoàng Lộc là thi sĩ duy nhất “sống chết” với thơ tình trong suốt cuộc đời cầm bút của ông.


Từ tập đầu tiên, Thơ Học Trò, xuất bản năm 1965 cho đến những bài thơ gần đây nhất, tình yêu luôn quấn chặt lấy ông. Nó là hơi thở, là máu thịt, là trái tim luôn làm ông rung động và tan chảy với những mối tình thấp thoáng trong ánh mắt và trí não. Vì vậy “xếp” ông vào ngăn nhà thơ tình ái cũng không mấy sai lạc? Bởi trên một trang mạng, ông đã khẳng định trong cuộc phỏng vấn ngắn:

“ Tôi làm thơ tình từ thuở tưởng đã biết yêu. Sau vài ba cuộc tình, tôi nghĩ tôi biết yêu thật. Tôi tiếp tục làm thơ tình. Tuy vậy, đời sống vẫn có nhiều chuyện làm cho mình điêu đứng như chữ tình - nên lắm lúc, tôi có những xúc động khác… Có thể nói, như bạn tôi, cố thi sĩ Vũ Hữu Ðịnh: "tôi chỉ làm thơ khi tôi xúc động". Với riêng tôì, hình như chữ tình dễ quyến rũ thơ tôi hơn !”

(http://saigonline.com/tho/interview/hoangloc.htm).

Và trên FB của ông, tôi đọc được mấy câu này, như một khẳng định một đời thơ.

Thơ cứu đời anh những lần hụt hẫng

Để giữ trái tim nguyên vẹn tới giờ


Nếu như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương…thơ tình của họ là những man mác mây khói, những rung động còn dồn nén e ấp, lãng mạn từ nền văn hóa phương Đông vừa bước ra ngõ sáng phương Tây, đủ để người đọc có cảm giác êm đềm, vỗ về với một chút hụt hẫng, thẫn thờ, nhớ thương; hay Tình trong thơ Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên là những mất mát không thể tìm lại, với những đau đớn tột cùng; thì đến Hoàng Lộc, thơ tình là những bùng vỡ thăng hoa, là những ngậm ngùi tiếc nuối, là ca tụng nhan sắc như một hệ lụy kiếp người. Tình với ông không là thiên sứ trần truồng nhan sắc “khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa/Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi”. Hay như tình khởi phát từ thị giác xa gần của Từ Thế Mộng như nét đẹp của trời ban tặng trần gian:


Ban mai

cõng áo lụa hồng

ngó em anh gửi cả lòng anh theo”.


Và:


Áo trắng ngây thơ đôi vú nhỏ

Áo xanh mơn mởm mông non

Áo hồng chúm chím môi vừa nụ

Ôi gái tơ nào hoa chẳng thơm

(Từ ThếMộng - Gái tơ)

 

Đọc Hoàng Lộc, cũng không thấy tình kiểu “ba trợn” mà thiết tha của Nguyễn Bắc Sơn:

Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt

Nhưng vì sao ta lại yêu em?

Ôi mắt em nhìn như là bẩy chuột

Ta quàng xiên nên đã sa chân

(Nguyễn Bắc Sơn – Trên đường đến nhà Xuân Hồng)


Cũng không trần trụi để khơi gợi và chạm nhẹ vào sex như Linh Phương:

Đêm qua/ rớt xuống vai ngà/ Câu thơ tình/ đọng giữa tà áo em/ Cỏ hoa/ và bướm ngoan hiền/ Nương nhờ ngực/ chỗ xốp mềm/ nằm mơ/ Áo em/ cài cúc hững hờ/ Để cho gió/ nhẹ/ xoa bờ vú căng/ Môi em đỏ/ lúc anh hôn/ Ngã nghiêng/ trời đất Sài Gòn đêm qua/ Đêm qua/ trăng xế nguyệt tà/ Có hai người nói:“ Mình là của nhau”

(Linh Phương – Đêm qua rớt xuống vai ngà).

Ngược lại, tình của Hoàng Lộc đằm thắm, nhẹ nhàng, chân tình, sâu lắng với những gì đã qua đi hay sắp tới hay đang là. Cả quá khứ, hiện tại và tương lai đều hiển lộ sự ngưỡng vọng nồng nàn, không điểm dừng về phái đẹp. Sự nồng cháy là điểm tựa cho tình si nhưng chưa đến dại khờ. Trong một bài thơ, ông thú nhận biết yêu từ “thuở mới lớn” khi còn là cậu học sinh có trái tim bắt đầu va đập lộn xộn không thành nhịp. Nó khởi đi bằng tận cùng cảm xúc, từ nhìn thấy để rung động sau đó:

Thuở mới lớn anh rình cô bạn học

Tháng ngày ai thơm áo trắng không ngờ

Khi cô thả tóc thề ngang cửa lớp

Là khi lòng cậu bé rối như tơ.

(Chuyện người đi theo thơ)


Bài thơ không thấy ghi ngày tháng, nên không biết ông làm từ lúc nào, nhưng chắc chắn cách đây không dưới 50 năm?


Chính mái “tóc thề ngang cửa lớp” là tác nhân chính để thơ tình của ông chiếm riêng một cõi, xuyên thấu đời thơ của ông:


Không thể theo nhau, thôi đừng ngó lại

Cô đi theo chồng - anh đi theo thơ”.


Sự khẳng định của ông là hệ lụy của một cuộc chơi dằng dặc. Và, ông chấp nhận làm một cuộc hành trình miên viễn nơi cõi mộng mị ba đào với những bóng hình bay ngang qua đời ông. Sự với cầm không nắm bắt được (ở trên) như tiếng chim họa mi đang hót rộn ràng, bỗng dưng nín bặt, như nụ hoa còn ngậm sương, bỗng tan chảy đâu đó quanh ông không nhìn thấy nữa. Cái còn lại cho ông là những mùi hương bay theo những bước đi. “Đi theo thơ”!


“Rình” cô bạn học đi ngang cửa lớp chưa hẳn là yêu hay yêu thầm, bởi chưa cầm tay bày tỏ, chưa đón nhận được nụ hôn đầu đời. Đó là những rung-động-xao-xuyến-cuộc-yêu một chiều, cuộc yêu bằng mắt bị đứt khúc như kiểu đứng bên này sông ngó bóng nàng bên kia khi chiều tắt nắng với chút bồi hồi, xúc động, man mác! Đó chỉ là một thị chứng của tình; thuộc nhóm tình si.


Trái tim Hoàng Lộc hình không có vách ngăn, bởi mỗi khi thần xác ngoại giới xuất hiện, thì liền ngay đó, giẫm nát phần hồn của ông, rồi nẩy bật ra tiếng thơ từ những ẩn ức nội tại trong tâm hồn ông? Điều này cho ta thấy, thế giới thi ca của Hoàng Lộc không hề là những ẩn ngôn. Thơ đến với ông và thoát ra là cả một phơi bày nội tâm luôn hướng đến cái đẹp. Cái mà cả thế giới mãi đổ xô kiếm tìm và chưa bao giờ định hình, thỏa mãn. Nó ở thật gần và cũng xa hun hút khiến thi sĩ luôn hụt hơi, luôn bị ám thị.

Đã biết rằng yêu nữ sinh rất khổ

Nào hay yêu cô giáo lại khổ hơn

…Ai áo trắng của ngày xưa biền biệt

Vang trong hồn nỗi nhớ cuối tà bay

Để thơ dại tưởng sắc màu chỉ một

Trắng không màu là màu trắng không phai

(Gửi cô giáo)

Câu cuối cùng đẹp và trong suốt tựa khí trời, tinh khiết như giọt sương mai mà không hề vẩn bụi “thiên khổ lụy, vạn cổ sầu” vì tình, như mấy câu thơ Bùi Giáng khóc Marylin Monroe, dẫu là “khóc giỡn”:


Giữa hư vô nếu em còn

Nhớ ta em gửi cái hồn cho ta

Úp môi ôm mặt khóc òa

Cồn lê lên miệng là ba bốn lần

(Bùi Giáng – Bốn lần)


Ở nơi ông, trắng không màu là màu trắng không phai, phải chăng là cuộc lữ thi ca tình tang tình tứ không mệt mỏi cả đời ông?


Hơn một ngàn năm trước, hoàng thành thi ca phương Đông lấp lánh một Lý Hạ khởi cuộc ngao du thi thơ một thuở nơi Đài Thành một thuở Thi Thơ/ Xe Vàng còn mộng quanh tà áo Thu/ Tóc Mai về, sương Ngô điểm mái/ Thân tàn như cỏ dại bờ đê…(Lý Hạ, bản dịch Tuệ Sỹ) với những mộng mị quỷ thi, hướng đến một thế giới cực kỳ quỷ dị, mãi vật vờ trong chốn u minh âm âm những bi lụy… thì hơn một ngàn năm sau khởi cuộc của Hoàng Lộc là những bay bổng trắng phau một trời mê mệt với tình một cách diễm lệ, chưa bao giờ nhòa phai; bởi tình từ thiếu thời đến thanh xuân, qua một thời bi thảm trại tù… và tới nay nơi xứ người, tình vẫn luôn sóng đôi với ông bước qua trời đông tuyết giá, qua những con đường mùa thu lá phong vàng, mùa xuân bướm hoa. Tình và ông cùng khoác vai nhau lúc ấm áp, khi lạnh buốt… như hai bóng hình trên con đường vạn dặm với những nhan sắc trần gian mà cả hai được “diễm phúc” diện kiến.


Không rõ tới khi nào thì trái tim ông giảm nhịp độ rạo rực để tình ông có những phút thanh lặng bên thơ và nhìn lại như ông tự hỏi rồi tự trả lời bằng những ngôn ngữ cười cợt, bông đùa, dù rằng, những cuộc tình bằng mắt ấy, nhiều khi cũng làm cho trái tim ông rơm rớm những run rẩy?

Ta đã ớn rồi cái nạn văn chương

bốn mươi mấy năm đi hoài không tới

bên quán trần gian ai người đứng đợi

có phải là em, cô vợ trần thân

có phải là em, thường gọi tình nhân?

ta mãi lơ mơ suốt một đời tình

mãi lưu lạc những hiên nhà gái đẹp

bởi thứ giả vẫn nhiều hơn thứ thiệt

ngó trăm lần không rõ nổi vàng thau

nếu em hỏi ta ai là tình đầu

ta sẽ trả lời không ai tình cuối

như chú ngựa hoang mấy trời dong ruổi

gặm miếng cỏ nào cũng thấy thơm ngon

(Thơ viết dở cho vợ và tình nhân)

Ở một bài thơ khác, hồi tưởng lại mối tình cũ (không rõ thứ bao nhiêu) tan vỡ, Hoàng Lộc không sử dụng ngôn ngữ bi lụy mà “cà rỡn” đến tận cùng cà rỡn, dốc bầu tâm sự với thế hệ thứ ba là cháu nội:

Tụi bây đâu cần biết ta là ai?

ta, như ông nội (mà hơn ông nội

chẳng quan trọng gì tiếng xưng tiếng gọi

ta là ai thì cũng chẳng ăn nhằm)

chỉ biết bà tụi bây thời thanh xuân

như trang kinh thi lắm thằng chụp giật

ta cũng có lần qua nhà đọc được

để đến nằm lòng từng chữ từng câu

chỉ biết bà tụi bây thời khuynh quốc

lòng hoa thơm học một tỏa mười

để hằng đêm ta chịu trời thức suốt

làm ngọn đèn chong cho bà bây vui

ta hồn nhiên yêu, hồn nhiên khóc

khi bà tụi bây yêu để lấy chồng

ông nội tụi bây ranh ma hết biết

bưng bà nội bây về bên kia sông

ấy thế mà nên giang hồ đại loạn

dẫu chút tình kia mơ hồ như mây

cả đời thơ ta là đời ân oán

(sinh du côn hơn ông nội tụi mày)

hãy nhận giùm ta một lời tạ lỗi

chuyện đời trước là chuyện chẳng may

tụi mày lớn lên chắc nhiều điều muốn hỏi

xin ngó lên trời mà hỏi mây bay…

(Gửi lũ cháu một phu nhân)

Bàn về thơ tình và đời tình của Hoàng Lộc, có thể từ sáng tới chiều, từ tuần này sang tháng khác vẫn không thể nào luận cho tới hồi kết được. Và vì vậy, có lẽ mượn những nhận xét sau của bạn văn, đã viết về thơ và đời thơ của ông trên trang https://thotinhhoangloc.wordpress.com/ để ngã mũ bái phục tình thơ và thơ tình của ông:


-Du Tử Lê: “Không gian lãng mạn với ngôi ngữ mới và diễn tả trung thực, khiến những trang thơ tình của ông là những trang thơ tình rất đẹp. Tính đẹp của thơ tình Hoàng Lộc, đến nay không còn là một nghi vấn cho bất cứ ai từng đọc thơ ông”.


-Phan Xuân Sinh: “Viết về Hoàng Lộc thì phải nói đến thơ tình. Mấy chục năm nay Hoàng Lộc vẫn mang mãi cái nòi tình nầy trong thơ. Anh đã trau chuốt nó, đã nắn nót nó, nên nó thành lão luyện, thượng thừa như một người luyện kiếm đến hồi không cần kiếm trong tay, chỉ cầm một cành cây vẫn chém đá ngọt như róc mía. Dù rằng cố tìm trong thơ anh một sự ẩn hiện khác, chứa một nội dung khác thì thơ tình của anh vẫn là số một”.


- Trần Doãn Nho: ““… tứ thơ, không khí thơ và trái tim nhà thơ thì dường như vẫn thế: yêu. Chan chứa yêu, đằm thắm yêu, say sưa yêu. Yêu không biết mệt mỏi. Ta có thể nói, anh bày ra "cuộc yêu" trong đời của anh và trong thơ của anh. Ở hoàn cảnh nào, Hoàng Lộc cũng có thể làm thơ tình một cách hồn nhiên, một cách bình thường, y như thể thế giới này không có gì khác hơn ngoài tình yêu trai gái, bởi vì suốt đời anh là một “đời tình”: Ta mãi lơ mơ suốt một đời tình/ Mãi lưu lạc những hiên nhà gái đẹp”.


Bài thơ Mệnh Phụ là một minh chứng cho những nhận xét trên:

Em tóc gió trần gian kia quạnh quẽ

xưa tiểu thơ - nay mệnh phụ bên trời

khi diện kiến, ta run lòng ngưỡng mộ

nỗi bồng bềnh đau sắc áo hoa khôi

ta, có lẽ, bút nghiên chừng đã hỏng

tưởng không còn riêng ánh mắt tình si

sao vướng vất tiếng cười em sóng cuộn

mà oan khiên xanh ngắt buổi xa lìa

kể từ đó dấu đời ta mộng ước

quá chừng em áo mỏng thuở về ai

ta muốn chết một lần cho sắc nước

để em còn nguyên vẹn giữa tàn phai.

___________

(1) Số chủ đề của tạp chí Văn về các nhà văn trẻ.

(2) Giải thưởng của TT Văn Bút Việt Nam tặng Hoàng Lộc với tác phẩm “Trái tim còn lại”

Tiểu sử:


Tuổi Quý Mùi (1943) Quê Hội An, Quảng Nam

Làm thơ, làm lính trước 1975. Sau 75 ở tù cải tạo và đang lưu lạc xứ người. Định cư tại Memphis Tennessee từ 1993.

Khởi viết năm 1958 trên Văn Nghệ Tiền Phong, Thời Nay. Sau đó có thơ trên Bách Khoa, Văn, Văn Học, Khởi Hành tại Sài Gòn... Một số thơ trên các tạp chí văn học hải ngoại như Hợp Lưu, Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21… và các trang mạng văn chương.


Tác phẩm đã in:

- Trái tim Còn Lại (giải thi ca Trung Tâm Văn Bút Việt Nam 1970)

- Qua Mấy Trời Sương Mưa, Văn Mới xuất bản 1999 ở Mỹ

- Cho Dẫu Phù Vân, nhà xuất bản Hội Nhà Văn Việt Nam 2012

- Ngắn ngắn Tình Si, nhà xuất Bản Hội Nhà Văn Việt Nam 2016


Tác phẩm sẽ in:

- Thơ Tình Ở Hội An

- Thơ Viết Bên Trời

Nguyễn Lệ Uyên

Nguồn: Tác giả gởi