Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc
Đọc thơ Đỗ Nghê Đỗ Hồng Ngọc thấp thoáng ẩn hiện một nét nhân bản cực kỳ hiếm hoi như một viên ngọc bích được hằng soi dưới ánh tinh quang của tháng ngày trôi qua. Nét nhân bản của thơ Đỗ Hồng Ngọc, thật sự mang dày đặc một nỗi thống thiết u trầm, đã đưa đẩy mọi hoạt diện trong cuộc sống, trở về cái cùng cực của một hơi thở dài, quang quả trong một thân phận cô đơn của một kiếp người.
Có lúc, thơ anh khiến tôi liên tưởng nét liên thông sâu sắc giữa hồn thơ của nhân thi Đỗ Phủ, ngàn năm chia xẻ những tang thương, áp đặt lên số phận nhân sinh. Thơ anh trang trải như nỗi lòng, nên đưa được sự chân thật hòa điệu trong từng kỷ niệm, với quê xa, với những gì còn tồn đọng trong nỗi nhớ xót xa giữa những cảnh ngộ con người. Sự hiền dịu, đôn hậu trải dài trong ngõ sáng tác, soi rọi những tia sáng để hồn người bao ngát được con tim.
Cách đây khoảng 10 năm, Bùi Nghi Trang giới thiệu tập nhận định phê bình Thơ Của Bạn Tôi, tôi được dịp đọc lại chùm thơ của Đỗ Hồng Ngọc, rải rác vài bài trước 1975, và những bài thơ khi anh bước qua ngưỡng tháp Eiffel, với bao điều để nói để nhớ những chuyến xe đò ở quê mình... Hay giữa trời Montréal tuyết rơi trắng xóa, tư tưởng đầy nhân bản ghi lại những ảnh tượng sinh hoạt về một nhà giữ lão... hóa hiện thành trụ hoại diệt, như một bức tranh định mệnh dàn trải bi thống của một kiếp nhân sinh... Họ ngồi đó gục đầu nín lặng... Họ ngồi đó không nói năng không nghe ngóng mà mới hôm qua thôi, nào lọc lừa nào thủ đoạn... Họ ngồi đó gục đầu ngửa cổ móm xọm nhăn nheo. Mỗi đoạn thơ, dăm câu, mỗi câu dăm chữ, đánh động nỗi xót xa của ngày tháng trôi qua, mà nào vương, nào tướng, nào tài tử, giai nhân... Nét ghi nhận của thơ như một bắt chộp tự nhiên, tự đến tự đi, nhưng kỳ thực bao nhiêu nếp tử sinh dàn trải thâm sâu và dẫn giải cả một lộ trình hóa hiện cùng cực và bi thống.
Trần Tuấn Kiệt với Triều Miên Ngâm Khúc, 990 câu ru ngủ giấc ngàn đời cho đứa con trai đầu lòng, mà Nguyên Sa cho rằng đó là một tập thơ hay nhất của thời hiện đại. Cái không khí rợn người chua xót đau đớn dằn dặt kéo dài suốt chiều dài tập thơ mang đầy hơi thở Đông phương trầm nặc... Nhưng với chuỗi bài viết cho con của Đỗ Hồng Ngọc, như một lời rỉ rả, nhỏ giọt, thầm lặng nói trọn nỗi lòng của người sinh thành, với con bao giờ cũng còn thơ dại giữa vòng tay. Đến khi con mất rồi, mới biết con đã lớn! Thật kinh thiên trước nỗi thống khổ dày nát tâm can, thì thầm với cái không cùng ước muốn hình bóng con từ một thế giới dị biệt hiện về trong vi tính! Cái đau đớn tột cùng như vậy, tôi cũng trải qua khi đưa đứa em kế đột ngột tích tắc sát na rời cõi tạm phù bình này, của người chị hồi sinh sau một ngày giã biệt thế gian, mà sự hồi sinh chỉ trong tích tắc, lặng câm bên giọt lệ vắn dài, nhểu đầy đôi mắt láo liên nhìn người thân chung quanh. Đau đớn là vậy, và trước linh sàn người chị, giữa tim bấc lung linh tôi sáng tác thi tập Thiên Thu Ca (ấn hành năm 1972), đế đốt trên mộ chị tại Bạch Vân, Núi Sam. Tôi hiểu cái thất thần rối bời như vậy nên khi đọc loạt bài Con Đã Lớn, La Ngà, Tình Yêu, thì nẻo tử sinh là dấu lặn khôn cùng trong sáng tác của anh. Chính vậy, thơ Đỗ Hồng Ngọc nhập diệu vào sự linh thông với thi ca, anh đã chìm ngấm trong một hồn thơ vạn đại, và lời thơ đã rung chuyển được lòng người. Có nhiều lúc, tư tưởng loáng thoáng bay về nẻo vắng quê hương, có lúc dằn dặt ý tưởng chân tình xoay quanh tình bằng hữu... Đỗ Hồng Ngọc đã đong đầy thâm sâu nghĩa tình trên chân lý đạo vị Đông phương, hồn như chất chứa bát ngát cả một vòm trời tinh khôi của tình yêu và hy vọng.
Ngõ bước của thơ Đỗ Hồng Ngọc càng lúc càng thăng trầm, đôn hậu. Cái ồn ào của những thời sinh viên chìm đắm trong khói lửa quê hương, đã vượt thoát qua khỏi bằng tư tưởng tịch tịnh, thời gian trôi nhanh và con người càng phút giây nghiệm lại rõ rệt chặng đường đã qua. Càng lúc tâm trầm lắng đã khiến thơ hóa hiện từng bước nhỏ, hiền hậu, bao trùm bằng ý nghĩ xác tín và đầy chân lý. Đỗ Hồng Ngọc dìu thơ qua nhiều chặng núi cao hiểm trở, đưa thơ càng lúc càng gần với đạo hạnh. Cái hỗn mang trong thơ bao trùm cường điệu của tuổi trẻ ngày xưa không còn. Thơ anh như một cuộc tiệm ngộ chan hòa lẽ sống và diệu pháp. Thiền học đã phủ xuống chân thơ như ánh sáng ngày rằm phủ quanh tinh cầu, làm bay đi những hạt bụi phong trần giữa vùng sương muối mê hoang. Quả thật, mật chú của từng lời thơ, đã khiến xuất hiện một giác linh hiền dịu, gần gũi với vạn vật. Nước xanh như ngọc / Sâu đến tận trời / Vốc lên một vốc / Ơi mùa xuân ơi!
Chầm chậm bước qua lẽ sống như một công phu hành thiền, hành giả đang tạo dáng cho hướng tới của thơ như chiếc bình bát trầm lặng trôi theo pháp thân kiên định. Thơ như hoa ưu đàm chất đầy trong niệm khúc, và người nghệ sĩ đã cất công ngàn thu xưa gọt giũa thành hình: Chàng thi sĩ / Đốt mình lên / Khói lùa trong mắt.
Đỗ Hồng Ngọc đã nhập định trong thơ, hướng ý của bản thể soi rọi uyển chuyển trong từng giai đoạn thơ đi, lúc ẩn lúc hiện làm diệu hoặc ngôn từ như một hóa thân im lặng của chữ nghĩa. Bởi cái trầm lắng, đôn hậu chứa đầy tư tưởng khinh khoái của một dòng thơ tình, mang dầy đặc thông điệp nhân bản gõ cửa tử sinh. Khi anh cắt rún cho em / Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé / Vì từ nay em đã phải cô đơn / Em phải xa địa đàng lòng mẹ. Và Chúng mình cùng chung / Số phận / Con người... Âm điệu chào đón phút góp mặt giữa đời, mà số phận gì đó đã phủ vây quanh ngõ tới. Bài thơ Thư Cho Bé Sơ Sinh mà Đỗ Hồng Ngọc viết tại bệnh viện Từ Dũ, năm 1965, đánh dấu một nghi lễ hiến tế nhập môn của một dòng thơ đầy thân phận, trao đổi sâu sắc một bản thể kỳ diệu trước ngưỡng cửa vô ngã và lai sinh.
Chính vậy, nhiều lúc tôi tìm đọc những bài viết của Đỗ Hồng Ngọc trên những tạp chí Phật giáo, sự thông thấu như cư sĩ hành thiền một cách vi diệu, khiến hình như thơ anh tự nhiên, đơn giản ngôn ngữ, tư hướng giản dị... Có một sức sống thông thấu truyền cảm mãnh liệt nên nhiều lúc đang thưởng thức dòng thơ, bỗng nhiên rợn người, những suy tưởng lẫn lộn giữa cái thực và hư trong cuộc đời sinh tử - trụ không.
Nhà thơ với tầm hiểu biết lắng đọng sâu xa trong mật niệm vi diệu, những bài viết nghiêng về tư tưởng pháp bảo, có lẽ vì thế khiến thơ anh đôn hậu, hiền dịu như một lời truyền rao giữa tầng thanh khí uyên nguyên. Hôm tôi và Phạm Nhã Dự, ra Phan Rang thăm ngôi mộ của nhà thơ Tô Đình Sự, từ trần 40 năm nay, được di trú từ nghĩa trang Cà Đú về góc nhỏ làng quê. Gần đó, ngôi nhà khang trang dựng lên do Phạm Nhã Dự, Nguyễn Lê La Sơn và Huỳnh Ngọc Quang chung vai xây dựng cho đàn con Tô Đình Sự. Nhà thơ Võ Tấn Khanh hướng dẫn anh em suốt buổi cúng tế cho Tô Đình Sự, sau đó anh tặng tôi thi tập Sương Khói Trăm Năm. Điều tôi muốn nói ra, là trong bài Bạt của nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc viết cho tập thơ này, mở bài đầy đặn sâu lắng, thấu đáo tư tưởng dịch lý khiến tôi nhận biết được rằng trong Đỗ Hồng Ngọc là một suy tưởng đầy hiểu biết thâm sâu. Điều đó, nhào nặn trọn vẹn hướng đi riêng biệt của thơ anh, thành một dòng chảy đầy phù sa, lập dựng tinh tế trong ý nghĩa nghiêm túc:
CÓ KHÔNG
Chắt ra cho hết
Giọt hơi cuối cùng
Thả mình như lá
Rơi vào hư không
Tràn vào khắp ngả
Đất trời mênh mông
Nhẹ như không có
Có mà như không!
Đỗ Hồng Ngọc
(Thi tập Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác)
Bài thơ khiến tôi nhớ đến một bài thơ khác của nhà thơ Nguyễn Thành Xuân, mà cái sinh diệt ẩn nấp trong từng câu thơ của hai nhà thơ này:
RỚT NỤ HOA QUỲNH
Một vừng mây bạc
Đậu xuống hồn ta
Trăm ngàn bóng hạc
Xếp cánh bay xa
Dưới khe suối nhỏ
Hiện bát trăng tà
Bẻ đôi lá cỏ
Rớt nụ quỳnh hoa
A ha! A ha!
Trăng vàng vụt nở
Nguyễn Thành Xuân
(Thi tập Lên Đồi Hứng Bát Trăng Vàng)
Tư tưởng bài thơ của Đỗ Hồng Ngọc vượt thoát sắc không, đưa bản thể vào cái uyển chuyển vô ngã. Cái vô trong bài thơ Có Không đã bước vào từ diễn tiến cái hữu hiện giữa mênh mang thiên lý, xóa nhòa ranh giới để cái hoại tan biến không cùng. Sự biến mất nhập diệt của 2 bài thơ cùng một ý nghĩa, nhưng Nguyễn Thành Xuân trong Rớt Nụ Hoa Quỳnh lại nghiêng hoa cho nụ trăng vàng vụt nở, cái sinh mãn khai là làm sáng trưng trời đất. Nét Thiền thi như vậy là như hai công án nhưng cùng một đáp số của thành trụ hoại không, chứng ngộ được lẽ vô thường.
Đỗ Hồng Ngọc là một nhà thơ, nhà văn hóa mang nặng trong trái tim thầy thuốc một vầng sáng bác ái, và lập dựng sáng hóa của một nhà văn nghệ... Tất cả tài hoa được hóa hiện chan hòa, không còn phân biệt giữa đạo và đời...
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Mùa thu 2010
Thư cho bé sơ sinh
Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em
Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen
Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ
Em là gái là trai anh chẳng quan tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến
Anh đã không quên buộc étiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút đó
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu
Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng, với hoang mang,
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người.
Đỗ Nghê
(Bv Từ Dũ, 1965)