Mỗi khi ngày lễ Noel về, hồn chúng tôi ngây ngất với biết bao hoài niệm của thuở thiếu thời, về một Sàigòn xa xưa như nhớ về một thiên đường đã mất. Nhà thờ Đức Bà-Notre Dame Cathédrale-vẫn sừng sững trong trí nhớ, nơi chúng tôi đã từng đứng trong giáo đường nghe thời gian rơi theo từng hồi chuông nhà thờ đổ. Con đường Catinat, phố Bonnard, phố Nguyễn Huệ... biết bao lần thay đổi, nhưng cái nét Hòn Ngọc Viễn Đông từ ngàn xưa của Sàigòn không một phai mờ.
Trong đêm Giáng Sinh biết bao thanh niên sinh viên nam nữ Sàigòn cùng nhau đổ xô ra đường tràn ngập Thủ đô Sàigòn. Các cô Sàigòn mặc váy ngắn, váy dài, các cô từ Hà Nội mới di cư vào Nam năm nào, chiếc áo dài của các cô vẫn giữ nguyên duyên dáng của phố Thăng Long. Các học sinh, thanh niên, sinh viên nam nữ, chia thành nhóm nhỏ, cùng nhau ca hát những bài hát mừng Chúa Giáng Sinh bằng lời Việt, lời Pháp, lời Anh, The Jingle Bells, The Silent Night... họ đã vô tình biến Sàigòn thành một thủ đô quốc tế. Họ cùng nhau ca hát dưới mái hiên của các cửa hàng, các quán ăn, khu thương mại Eden, những quán cà phê Continental, La Pagode, Givral, Lido, Imperial, Caravelle, Pacific... dọc theo đường Catinat đến bến Bạch Đằng. Họ chia sẻ niềm tin yêu sâu sắc vào ngày lễ Giáng Sinh, ngày của hòa bình, của tình thương, mặc dầu phần nhiều họ là người ngoại đạo.
Hình ảnh những chiếc bánh buche de Noel chưng bày trong tủ kiến ở các cửa hiệu đã gần 50 năm xa cách, vẫn còn đâu đó trong trí nhớ của các cụ già nay đã ngoài 80, 90... Đến 12 giờ khuya các thanh niên, sinh viên Sàigòn nam nữ họp lại với nhau trong các quán cà phê họ chia nhau từng mẩu Buche de Noel ăn mừng lễ Réveillon. Làm sao quên được các cô cậu sinh viên Sàigòn thuở ấy của các cư xá sinh viên – những cư xá Phục Hưng, cư xá Đắc Lộ, cư xá Minh Mạng, các cư xá nữ sinh viên, Thanh Quan Lưu Xá, cư xá Trần Quí Cáp, họ tổ chức những buổi gặp gỡ nhau trong mùa Giáng Sinh để cùng nhau ca hát, cùng nhau đóng những vỡ kịch, cùng nhau trao đổi tìm hiểu, yêu thương... Còn đâu hình ảnh và giọng ca của cô sinh viên Dược khoa, Văn Khoa, Y khoa, Luât khoa... những giọng hát Sylvie Vartan của Sàigòn, trong các ca khúc thời danh của Pháp với những ca từ trử tình, diễm lệ.
Bây giờ mỗi khi đi ngang qua Nhà Thờ Đức Bà Sàigòn, người dân Saigon chợt thấy lại vào ngày 30-4-1975, hình ảnh một chiến binh cộng sản đang quì gối cầu nguyện ngay trên bệ cửa của giáo đường, một dấu ấn trong tâm tưởng của mọi người Việt và thế giới.
Thôi hết rồi những năm tháng thần tiên ấy đã mất hút theo chiến tranh. Sàigòn quê hương yêu dấu của ta, giờ đây ở tận phia Tây bờ biển Thái Bình Dương, nhưng sao ta vẫn thấy gần gũi yêu thương như chưa bao giờ xa cách...