Tác giả Đào Như, tên thật là Đào trọng Thể, sinh năm 1936 tại Ninh Thuận, Việt Nam. Ông tốt nghiệp Đại học Y Khoa Sàigòn trước năm 1975, và làm Bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa - Cần Thơ, 1970-1979. Ông đã cùng gia đình vượt biên tới Hoa Kỳ vào cuối năm 1979, và tiếp tục hành nghề bác sĩ, nhưng chuyển qua lĩnh vực tư vấn bịnh tâm thần. Trong những năm đầu ở Mỹ, ông giữ vai trò coordinateur of mental health program, nhưng sau đó ông lãnh trách nhiệm Giám Đốc của Chương trình bịnh tâm thần (Director of Mental Health Program) của một Tổ chức Tương trợ Người Á châu (Mutual Aid Organization - Asian Human Service tại Chicago). Và cho tới năm 1996, với sự hỗ trợ của tổ chức trên, ông đã thành lập Trung tâm Phục Hồi Chức Năng Tâm Thần và Xã Hội (Psycho - Social Rehab Center) tại đây, dưới sự chuẩn nhận của Chính Phủ Liên Bang Mỹ, và ông cũng đã đảm nhận chức vụ Giám đốc điều hành của tổ chức này cho tới ngày ông về hưu vào năm 2004. Tựu chung, kể từ ngày ông tới Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 1979, tới lúc hưu trí 2004, ông đã luôn luôn phục vụ cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Illinois, nhất là với các sĩ quan VNCH đến Mỹ theo diện H.O. (Humanitarian - Operation) mà rất nhiều người đã là nạn nhân của « Hội chứng hậu chiến » - PTSD (Post Traumatic-stress Disorders Syndromes). Chính do các công việc này, mà tác giả Đào Như đã có dịp hiểu rõ được những góc khuất trong tâm trạng của các bệnh nhân đã làm nên chất liệu nội dung của tập truyên CUỐN THEO CHIẾN TRANH- một tác phẩm chủ lực của ông.
Tập truyện ngắn «Cuốn Theo Chiến Tranh» là tác phẩm thứ tư của ông, được nhà xuất bản Nhân Ảnh tại Hoa Kỳ ấn hành vào năm 2022. Tác giả Đào Như vốn là một nhà văn, nhà bình luận, quen thuộc với quí vị độc giả tại Hoa Kỳ và các quốc gia Âu, Á, về các đề tài chính trị, văn hóa, xã hội, cũng như tiểu thuyết và truyện ngắn. Ông cũng đã từng đoạt giải Danh Dự trong cuộc thi viết về nước Mỹ do tờ Việt Báo tổ chức tại California, Hoa Kỳ, năm 2005, với tự truyện «Tự Khúc».
Hôm nay, tôi xin được mạn phép giới thiệu với quí vị độc giả về tuyển tập truyện ngắn mới vừa ra mắt của ông, cuốn «Cuốn Theo Chiến Tranh».
Tập truyện này gồm 16 truyện ngắn và tùy bút, được tác giả Đào Như viết trong khoảng thời gian từ 1972 tới hiện nay, với bối cảnh là cuộc chiến tại Việt nam trước kia cũng như những ngày tháng tại Hoa Kỳ kế tiếp sau đó, với các tựa đề: « Quê hương - dấu binh lửa », « Chôn súng », Nhận định lịch sử », « Chuyện thằng Henri », « Cuốn theo chiến tranh », « Còn đâu ngày tháng cũ », « Về một buổi chiều cuối năm », « Chết tại Buôn Mê Thuộc », « Quê hương và lưu đầy », « Hợp lưu », « Mặt trời tổ quốc », « Thương nhớ lề đường Sàigòn », « Có những đỉnh núi biết hát », « Đêm thu – bình trà ngủ quên », « Nội trú bệnh viện Bình dân thời khói lửa », « Linda Lê – tác phẩm và cuộc đời ». Tất cả tập truyện bao gồm trong 291 trang với khổ giấy khá lớn, 15 x 23 cm.
Bàng bạc suốt trong các truyện mà ông viết, chúng ta thấy một sức sống nhiệt tình, dấn thân trong môi trường sinh động, đầy ắp tình người, với lòng bao dung, cùng sự cảm thông rộng lớn, và trên hết tất cả, một ý thức nhân sinh nồng nhiệt, thiết tha, xây dựng, và tràn đầy nhân bản tính, dù đối với người thân hoặc kẻ đối nghịch, dù cùng chiến tuyến hay khác biệt về quan điểm , lập trường, nhưng luôn sẵn sàng thể hiện một ý thức nhân sinh nghiêm túc, tuy quyết liệt nhưng bao dung, nhân ái. Không có một sự khắt khe hay tàn nhẫn nào được khích lệ, và đối nghịch hẳn lại với tinh thần sắt máu, vô nhân, cuồng tín, thường hiện hữu nơi các thể chế toàn trị. Rất nhiều xúc cảm đã được ghi lại trong các truyện kể, với bề sâu của một bác sĩ giải phẫu, cũng như của một bác sĩ chuyên khoa về thần kinh đối với các bệnh lý tâm thần.
Chúng ta hãy thử lược qua dưới đây, một số nội dung của các truyện ngắn tiêu biểu trong tác phẩm «Cuốn Theo Chiến Tranh » của nhà văn Đào Như.
Trong truyện ngắn mở đầu : “Quê hương - dấu binh lửa” được ông viết năm 1972, cho thấy lòng trắc ẩn và sự xung khắc giữa lòng nhân ái và nỗi hận thù giữa bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Chúng ta không thấy bóng dáng quyết liệt của tinh thần đấu tố cải cách ruộng đất tại miền bắc VN vào năm 1954, bỏ cho chết đói ngay cả các con cái còn ấu thơ của các địa chủ bị xử án, mà trái lại, ta thấy được sự bao dung, cố gắng cứu chữa ngay cho các kẻ thù bị thương nặng của người y sĩ miền nam VN, dù sự xung khắc cũng có, nhưng đã lui buớc trước ý thức nhân bản.
Còn trong truyện ngắn « Chôn súng », tác giả Đào Như diễn tả nỗi niềm cay đắng của một người chiến sĩ, một sĩ quan, đứng ở vị thế của một người thua trận khi chính trị quốc tế đổi chiều, nhưng lòng không muốn chấp nhận, thà chôn súng chứ không thể nạp súng vào tay đối phương. Một hành động bi thảm, cay đắng, nhưng tự trọng, như nhiều người lính Nhật đã trốn tránh trong rừng sâu sau khi thua trận năm 1945.
Trong hồi ký khác, tác giả cũng nhắc lại sự can đảm, chừng mực và đầy phong cách của Bác sĩ Hoàng như Tùng khi bị phe thắng cuộc bắt ông tới nhận diện xác của Tướng Nguyễn khoa Nam sau khi tướng Nam tự sát tại Quân đoàn 4 Cần Thơ. Bác sĩ Tùng đã biểu tỏ tư cách của người tuy thua cuộc nhưng không hèn.
Trong các truyện kế tiếp, như « Chuyện thằng Henri » tác giả nhận định về cuộc đổi đời của những người Việt trắng tay, không nghề nghiệp, không vốn liếng ngoại ngữ, đã cố vươn lên trong bối cảnh ngặt nghèo của thực tế tại nước người, và đã chỉ dựa vào sự quyết tâm để can đảm tiến tới trong cuộc sống.
Mặt khác, chúng ta thấy tác giả cũng đã đào sâu thêm sự phấn đấu này qua hình ảnh những người tới Mỹ theo diện H.O (Humanitarian Operation - Chiến dịch Từ Thiện), để làm lộ rõ sự tự tín, tự lập trước vô vàn khó khăn của những người Việt lớn tuổi phải phấn đấu để tồn tại trong những hoàn cảnh bi đát trên vùng đất mới.
Ngoài những bối cảnh thực tiễn tại Mỹ, tác giả cũng đưa người đọc trở về với những kỷ niệm đau buồn tại Việt Nam sau năm 1975 khi tác giả phải đơn độc với ba trăm thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày tiếp quản tại Bệnh viện Cần Thơ sau tháng 4, dưới chế độ nghiêm khắc, độc đoán, tàn nhẫn của bên thắng cuộc, qua truyện « Còn đâu ngày tháng cũ ».
Tình cảm chua xót, buồn thảm, nhưng đầy bao dung, ngay cả trong những giây phút suy tư phẫn nộ, luôn luôn được biểu hiện trong tâm thức và lời văn của tác giả, như từ truyện « Chết tại Ban Mê Thuột », cũng như « Quê hương và lưu đầy », ý thức của tác giả luôn hiện rõ : Cô đơn thì ở đâu cũng cô đơn. Tất cả tùy lòng mình mà thôi.
Ngược lại, trong truyện « Hợp lưu », chúng ta thấy tác giả ghi nhận những nét đa tạp trong bối cảnh cũa những người đã từng cùng chiến đấu bên nhau, nay tụ hội, tham gia một cuộc thảo luận, và tuy đã mang chung một thân phận lưu đầy, nhưng những người tụ hội đa tạp này cũng không thật cảm thông với nhau, mà vẫn đầy mâu thuẫn trong các quan điểm và phương cách sống. Cho nên, có lẽ phải chăng, sự « hợp lưu » giữa những người không cùng lý tưởng sẽ còn khó khăn, và cách biệt nhau biết chừng nào !
Bàng bạc suốt trong tác phẩm của tác giả Đào Như, chúng ta bắt gặp những nỗi thao thức suy tư, những dằn vặt khắc khoải của một người luôn luôn mơ ước niềm hòa dịu, nhân ái, và bao dung giữa các nhân sinh, nhưng luôn luôn đã phải đối chất với những cảnh đời cam go, tàn nhẫn. Những truyện ngắn và tùy bút khác, như « Có những đỉnh núi biết hát », « Đêm thu - bình trà ngủ quên », « Nội trú bệnh viện Bình Dân thời khói lửa », và ngay cả bài tùy bút, phê bình văn học như « Linda Lê – tác phẩm và cuộc đờỉ » nơi cuối tập truyện, cũng vẫn nằm trong một chuỗi dài thao thức, đắn đo, dằn vặt khôn nguôi, của một người suốt cuộc đời, đã trải qua bao kinh nghiệm của chính mình, cũng như qua các nhân chứng khác, với những đau đớn, hoài nghi, bao quanh nghề nghiệp và cuộc sống. Nhưng tựu chung, chúng ta vẫn thấy thấp thoáng một nhân sinh quan bao dung, lạc quan, luôn luôn hiện hữu.
Đọc tập truyện « Cuốn theo chiến tranh » của tác giả Đào Như, có lẽ ai cũng sẽ tìm thấy một phần nào tâm tư của chính mình trong đó. Nỗi bi thảm, sự đắng cay, niềm hy vọng, thì thời nào, và nơi đâu cũng có. Vấn đề là mình nhận định, dấn thân, hội nhập, và cảm thông, cũng như phải đối kháng ra sao thôi.
Trên đây là những nhận định chân thành của tôi về tập truyện « Cuốn Theo Chiến Tranh » của tác giả Đào Như. Nếu cùng tâm đắc, xin tác giả Đào Như cứ tùy nghi sử dụng.
Tháng 6-2022
Tuyển tập truyện ngắn
CUỐN THEO CHIẾN TRANH
Khổ giấy 15x23cm- dày 294 trang
NHÂN ẢNH ấn hành 3-2022
Bìa: Lê Uyên trần thiết
Dàn trang: Lê Hoàng
Đọc bản thảo: Nguyễn Viết
Copyright C 2022 by Dào Như
All Rights reserved
ISBN: 9781088015568
Hiện sách có bán trên Amazon-LuLu và Bookstore- Burns & Nobles