30-01-2018 | VĂN HỌC

Khoảng cách xa gần giữa truyện ngắn và thơ Đặng Kim Côn

  NGUYỄN LỆ UYÊN
"Từ khách cho đến đám háu đói trên núi,
thằng nào cũng chỉ coi em là đồ chơi,
để hành hạ, dày vò, để lợi dụng, sai khiến..."
(Đặng Kim Côn)


   Nhà văn Đặng Kim Côn

Trong vòng vài năm trở lại đây, Đặng Kim Côn viết nhiều: Cả thơ lẫn truyện ngắn, đều đặn đăng tải trên các trang mạng và báo Việt ngữ ở Hoa Kỳ. Ở tuổi 60, viết đều tay như vậy không phải chuyện dễ dàng và ai cũng làm được. Đặng Kim Côn càng không là một biệt lệ.


Đầu năm nay, Thư Ấn Quán (HK) đã tập hợp những trang văn của ông và cho xuất bản: tập truyện ngắn Một Ngày Một Ngàn Ngày cùng tập thơ Để Trăng Khuya Kịp Rót Đầy Sớm Mai.


12 truyện ngắn trong tập này là tập hợp những bản thảo viết trước và sau 75, thời kỳ ông là sĩ quan pháo binh, đồn trú ở những nơi đèo heo hút gió: Cheo Reo, Phú Bổn, Củng Sơn… cùng những truyện viết trong những năm tháng đi tù cải tạo và một ít lúc định cư tại Hoa Kỳ.


Với truyện ngắn, Đặng Kim Côn chọn lối kết cấu cũ để xây dựng những nhân vật với bối cảnh thường gặp thời chiến tranh là anh lính đi phép hay trên đường trở lại đơn vị, hay người tù cải tạo trên đường trở về trại, gặp một thiếu nữ, đôi khi là sương phụ trên cùng một chuyến xe. Những chuyến xe đò thời chiến đầy bấc trắc trên những đoạn đường lắm bom mìn vùi bừa bãi trên mặt lộ, hay quân hai bên đang đụng trận phía trước dẫn đến chàng và nàng quen nhau trong cảm giác miên man sợ hãi. Cũng có lúc chuyến xe bị “pan” nơi một thị trấn nhỏ nào đó, xóm làng heo hút, mất an ninh để sau đó chàng và nàng chia sẻ những bồn chồn bất an cho nhau trong một quán trọ qua đêm. Kết thúc những câu truyện này hoặc họ hôn nhau hoặc đôi khi làm tình với nhau…


Nếu chỉ đọc theo lối giải trí, đọc cho có đọc thì rõ ràng truyện ngắn Đặng Kim Côn chỉ là một lớp khói cuộn lên khỏi mái tranh buổi sớm mai hay khi chiều xuống. Nó sẽ tan đi theo cái nắng chói chang hay màn đêm mịt mùng sau đó. Nhưng nếu đọc để tìm kiếm lời giải, nhất lại là lời giải cho những chiến binh một thời trầm mình trong dòng lửa đạn tơi bời ở thời điểm kinh hoàng nhất của tuổi trẻ, như chính tác giả đã tham dự; hay thân phận của người tù binh lao cải trong các trại tập trung thì lại là chuyện khác.



Và tôi đã phải lặn hụp trong dòng suy cảm thứ hai với 12 truyện ngắn trong Một Ngày Một Ngàn Ngày để có thể hiểu tâm trạng của những chiến binh 36 năm trở về trước.


Truyện đầu tiên: Đâu Đó, Ngày Mai là một câu chuyện tình giữa một sĩ quan và cô giao liên. Kết cấu truyện khá đơn giản. Nhưng cái không hề đơn giản là Đặng Kim Côn dám nói lên sự thật: “- Anh sợ liên lụy với Việt Cộng không? / - Sợ thì anh không tới đây” (sđd, trg 23). Dẫn ra một câu đối thoại ngắn để thấy rằng những người bên này không hề giấu giếm và luôn chịu trách nhiệm trước mọi hành động của mình. Tình yêu (nếu quả thực Thúc và Cúc đến với nhau bằng cả trái tim) với họ, những người lính miền Nam hình như không hề có ranh giới. Đó là sự hòa nhập, rung cảm giữa người nam và người nữ; là sự thăng hoa giữa chàng và nàng, không hề có sự trốn tránh, như kiểu: “Nó là của Đảng! Tất cả là của Đảng” (Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp-Thảo Trường). Không phải nhân vật nữ không rõ chuyện đó, chuyện rạch ròi ta địch, nhưng vượt lên trên tất cả, nó là tình yêu chân thật. Bởi cuối truyện Cúc hạ một câu: “Anh không là sĩ quan, em yêu anh dễ hơn” (trg 27), mặc dầu nàng đã thật lòng yêu anh sĩ quan kia rồi?


Tới đây, tôi lại tự hỏi, giữa phong cách hư cấu truyện và sự thật ngoài đời, trong tình yêu, người ta đã đặt bao nhiêu phần trăm lý trí chính trị vào tình cảm? Và cái chất nhân văn trong những mối tình đời thường như vậy sẽ đẩy con người tới những ngã rẽ nào của cuộc sống đầy bất toàn, oan nghiệt trong thời điểm đó? Có một điều dễ hiểu, cũng như bao nhiêu nhà văn miền Nam khác, cùng một cảnh ngộ, cùng một thời khắc, họ đã chứng tỏ nhân cách họ và nhân vật họ luôn là những con người chân thật, không hề ngụy trá! Bởi chức năng văn học không thể và không bao giờ làm đầu sai cho chức năng chính trị: Văn học là giá trị của cái đẹp hiện hữu muôn đời, trong khi chính trị là những hổ lốn man trá, ngụy ngôn nhất thời, là màu máu đen thẫm dưới lưỡi dao cùn!


Từ trong tiềm thức sâu thẳm, nhà văn chân chính nào cũng nhận ra điều này. Và dẫu chỉ khởi viết, nhưng tôi tin Đặng Kim Côn đã nhận ra điều đó. Không nhận ra, thì tại sao trong Chiếc Bánh Giáng Sinh, ông lại vẽ ra sự nhục nhằn về thân phận tuổi trẻ. Đó là chàng sĩ quan pháo binh đang đóng quân ở nơi rừng sâu núi thẳm nào đó “gọi là quận lỵ, nhưng nhỏ xíu như một cái làng rộng” (trg 45). Chàng và Nàng lại quen nhau trong quán nước, sau đó tiến xa hơn trong thứ tình cảm “trong suốt như khí trời”. Trong cơn chập chờn mê tỉnh, nhân vật hồi tưởng lại những giây phút “ầm ĩ” nơi chiến trường: pháo kích, tấn công, phản pháo, người chết; để sau đó chen vào cõi chết là Nàng. Lại một du kích, hay đặc công gì đó lọt vào khu đóng quân, không phải để cài bom mìn mà là “nắm tình hình địch” bằng cách bán đi tiết trinh quí hơn ngàn vàng của người nữ! Dưới mắt những người lính trong căn cứ thì Nàng chỉ là một con điếm đã qua tay nhiều lượt người, không hơn kém. Và ngay cả đồng đội, nàng cũng không hơn gì: “…Em đã khổ quá, anh biết không? Từ khách cho tới đám háu đói trên núi, thằng nào cũng chỉ coi em là đồ chơi, để hành hạ, dày vò, để lợi dụng, sai khiến. Nếu anh biết không chỉ một mình em phải làm vậy, thì anh sẽ thông cảm cho em hơn” (trg 58).


Chỉ một đoạn rất ngắn thôi, tác giả đã phơi trần ra, không phải cho thế hệ ông mà cho cả con cháu sau này, hiểu rằng: Đất nước này đã có một thời kỳ bị bọn người cuồng tín, mất cả lương tri, nhúng tay buôn bán máu và nhân phẩm con người để đạt mục đích chúng muốn. Nhân vật Chàng biết khá rõ điều Nàng đang làm, nhưng vượt trên tất cả những bỉ ổi của cuộc sống trần trụi, Chàng coi đó như là một vết sướt trên tấm phông màn có chút vệt màu dở dang để trân trọng và giữ gìn. Tiềm thức Chàng đã dậy lên: “Đối với kẻ khác em là con đĩ. Nhưng đối với anh, em là người yêu, người vợ… Anh sẽ tìm cho ra em… Nhất định…” (trg 52).


Và rồi họ nhận ra nhau, gặp nhau trong trại tù cải tạo với ám hiệu ban đầu là chiếc bánh Giáng Sinh làm bằng bột sắn đường đen? Những chi tiết thật nhỏ. Cả đến chiếc bánh làm bằng đường đen bột sắn mì thời sau 75 cũng là những đồ vật tầm thường, nhưng với Chàng, trong hoàn cảnh bi thương, thì lại trở thành chiếc bánh quý giá nhất cõi đời: “Chàng đã có một cái bánh, cái bánh No-en đầu tiên trong cuộc đời một gã không đạo, sao mà nó thiêng liêng, nó quý giá, nó thánh khiết, nó sáng lóa…”.


Cái mô-típ chàng là chiến binh, nàng là gái làng chơi vẫn nhan nhản trong những truyện ngắn trước 75, như Một Chỗ Của Huệ của Doãn Dân hay truyện ngắn Cơn Gió Mát của Lê Văn Thiện. Nhân vật Huệ của Doãn Dân hay Hiền Chi của Lê Văn Thiện đều là gái giang hồ tràn đầy nhân tính trong con người lương thiện, đã bị hoàn cảnh xô đẩy tới chốn đen tối. Cả hai đều là những cô gái bình thường trong một giai đoạn xã hội không bình thường. Nhưng với con đĩ trong Chiếc Bánh Giáng Sinh thì khác hơn nhiều. Nàng phải nhận nhiệm vụ “làm đĩ”. Nàng ý thức rất rõ “bổn phận và trách nhiệm” bị sai khiến của mình sau khi bị bắt lên núi, chưa qua hết bậc trung học, nhưng đó là cái bị áp đặt, bị xô đẩy:

“Khi em phát hiện ra cái con người khác kia không phải là bản chất của em, mà là bị áp đặt, đã bị lợi dụng, em vô cùng đau đớn nghĩ tới anh… họ hứa hẹn với nó sẽ đưa ra Bắc, đưa đi Liên Xô học. Trong khi chờ đợi, cái đám chuẩn trí thức đó phải đi thực tế. Mấy chàng trai đầy nhiệt huyết bạn em, đã hăng say nhảy xổ vào chỗ chết trước khi thấy thiên đường” (trg 57).

Đã đành chất liệu của truyện ngắn là những mảnh đời sáng tối, tươi rói hay bầm dập được nhào nặn nên làm thành chiếc bánh thiêng liêng, thánh khiết. Nhưng sâu thẳm bên trong là một đốm lửa ấm áp của niềm tin, sự lương thiện. Nói khác: cái chất Con Người không hề thay đổi, chỉ bị thay đổi một khi “khờ khạo” tra chân vào gông cùm bởi những xảo ngôn lừa mị kiểu Aldoff Goebel thời phát xít!


Chàng trong truyện này không là hiệp sĩ để cứu vớt một sinh linh bị vùi dập. Ở Chàng cũng không thể nhìn thấy và tìm đâu ra tính chất tâm lý chiến, kiểu độ lượng, nhân ái với các cán binh thời đó, mà chỉ đơn giản là mối tình thuần khiết giữa một thiếu nữ bị đọa đày và một chàng thanh niên đang lao vào vòng binh lửa. Vì nếu không thì kết câu chuyện Đặng Kim Côn không vẽ ra cảnh này: “Chàng buồn bã nhìn theo dáng nàng chìm trong sân đội nữ. Con đường cũng đã thưa dần, nhưng sương núi thì chừng đã dày hơn, đã xám xịt như cái đầu u uất của chàng. Làm sao để anh lau nước mắt cho em” (trg 59).


Đến Một Ngày, Một Ngàn Ngày được lấy làm tựa chung cho tập truyện thì cũng một mô-típ cũ, chỉ khác chi tiết: Chàng sĩ quan pháo binh đóng quân ở một chi khu nhỏ, được vợ chồng (đóng giả) ông sĩ quan ban 3 chi khu “bảo bọc”. Nhân vật chính trong truyện xưng Tôi cũng là một cô giao liên đã phải lòng anh chàng pháo thủ kia. Cả Tôi và Vũ đều biết mối quan hệ “bạn của chồng”. Cái cách sắp đặt thường xuyên vắng nhà của chồng nằm vùng, hay những lúc hai người đi ra rẫy bắp, không khiến Vũ bận tâm. Nhưng bản năng gốc của nhân vật Tôi, một nữ binh vận thì biết rất rõ ràng. Nó nổi cuồng cuộn trong người khi Tôi tắm suối, nó trở thành nỗi ghen tuông xa gần khi Vũ nằm bệnh viện với những trái cam, bó hoa của các em gái hậu phương; để cuối cùng bật nảy lên như một mảnh vỡ thiên thạch chạm vào tầng khí quyển: “Anh dậy đi, anh mở mắt nhìn em đi, có được không? Em sẽ tung hê không cần đè nén gì nữa, em sẽ trải lòng cho anh hiểu, và anh cũng sẽ biết người ta lợi dụng chúng ta thế nào” (trg 165).


Ở một đoạn khác, nỗi khao khát cồn cào, sự thèm muốn của bản năng gốc đã trỗi dậy thật mạnh mẽ trong con người nhân vật xưng Tôi như những đợt sóng dữ dội đập liên tu bất tận lên kè đá:

“Nhiều đêm tôi không ngủ được và tôi biết anh cũng vậy. Tôi vùng vẫy dẫy dụa trong cơ thể đôi mươi của tôi, tôi vật vã núp trong con tim nóng hổi gào thét từng giờ. Nhưng tôi chẳng thích thú gì với cuộc chiến đấu đức hạnh này. Tôi muốn thua. Em muốn gục đầu vào lòng anh, khóc hả hê cho tuôn hết những ngày tháng chịu đựng. Có lần nửa đêm em phải rên rỉ vì đau bụng, hay rú lên vì ác mộng?” (trg 169).

Tôi của Đặng Kim Côn thì kêu lên “Tôi muốn thua”, trong khi đó, người đàn bà có chồng đi tập kết trong Những Cơn Mưa Mùa Đông của Lữ Quỳnh đang cuộn người trong vòng tay gã đồn trưởng thì nhận ra: “Chị biết con đê cuối cùng ngăn dòng nước lũ sắp vỡ”. Mới hay, giữa nhục cảm và tình yêu chỉ cách nhau trong gang tấc!


Nếu truyện được dừng lại tại đây, ở chỗ anh chàng pháo thủ từ bệnh viện trở về căn nhà trọ, với tầng suất độc thoại để phơi hết nội tâm ra trang viết, tôi nghĩ có lẽ sẽ là một truyện ngắn tuyệt vời. Tuyệt vời bởi bắt người đọc phải tự tra hỏi những dòng chữ kia đã phô diễn cảnh bi hài của một mối tình “Ta Địch” đến đâu, nghĩa là cái kết thúc lơ lửng luôn là kết thúc “có hậu” nhất đối với truyện ngắn. Đằng này, ông, Đặng Kim Côn như còn nuối tiếc chất đa cảm trong mạch máu cô cán binh “đẹp não nùng” nên kéo thêm đoạn cuối kiểu Kim Kiều tái hợp sau những tang thương dằn xé của mối tình lơ lửng giữa hai người .


Ở các truyện khác, sau khi đọc, tôi có cảm giác như rằng, đấy chính là những tự sự về cuộc đời ông. Đó là những lần đi thi đấu võ, tình cờ gặp cô con gái một góa phụ, quen cô gái rồi quen mẹ như trong Đêm Sâu; hay trong Thế Kỷ Nào cũng là sự gặp gỡ tình cờ trên những chuyến xe đò sau 75 cùng với những tình cảm lan man giữa hai người như có như không… Có lẽ đây cũng là chất đa tình, đa cảm của tác giả chăng?


Nếu thật vậy, thì tôi không lầm rằng, truyện ngắn Đặng Kim Côn là những bài thơ xuôi, càng ngọt ngào hơn nếu như ông bỏ bớt đi những lời thoại, như một cách cố tình kéo dài cảm giác mộng và thực đan xen nhau, đôi khi lại phơi ra sự trần trụi như cách giúp cho người đọc thấy rõ hơn chân tướng của các nhân vật, một bên là những tình cảm chân thành và bên kia là sự ngụy trá: "Ông nhớ kỹ cho, tôi nói cho rõ, ông chưa bao giờ được coi là bạn của ông ấy. Ông thì quá ngây thơ, quá tử tế với đời. Nghĩa là... ông có cần phải áy náy với những người đã từng coi ông là địch không? Chỉ là... ông chưa kịp chết thôi.” (trg 173).


Thật dễ dàng khi chúng ta bước vào thế giới thứ hai (thơ ca), trên nền tảng những truyện ngắn đọc trước đó, để lần theo những tầng sâu tâm cảm của tác giả.



Để Trăng Khuya Kịp Rót đầy Sớm Mai cũng do Thư Ấn Quán xuất bản cùng lúc với tập truyện ngắn. Gần 80 bài thơ là những mộng mị, ướt át thực hư; là những cung bậc thấp cao của con người leng keng, đầy những va chạm trong cuộc sống được cố ý sắp xếp theo thứ tự thời gian viết, từ 1973 dến 2010.


Thời gian đầu, trong thập niên 70 là sự cô đơn nhọc nhằn, là nỗi u uẩn tấc lòng nhuộm trắng sương. Ban đầu, nỗi cô đơn là cảnh cô quạnh một mình trên đỉnh núi nào đó, có thể đó là đỉnh núi với những khẩu pháo của đơn vị ông, nhưng lẻ loi, cô độc, để phải tự hỏi lòng:

Trời đất thấy ta ngồi trên đỉnh núi không?

Ngọn thấp ngọn cao, đá dựng đá chồng

Đã rêu phong ta (?) nghìn năm sinh tử

Mưa nắng cõi người bao giờ đơm bông? (trg 10)

Con người đang ngồi trên đỉnh núi kia, thật ra không đặt ra câu hỏi cho trời đất, nắng mưa, mà chính thật là tự hỏi mình để không bao giờ tìm thấy câu trả lời. Và đúng như cái tựa trên đầu bài thơ, nhân vật đang chìm trong cõi mê u mù tăm của thời trai trẻ chinh chiến! Mà đã là trai trẻ thì không ai không một lần yêu, thất tình; rồi lại thất tình rồi lại yêu. Những chàng thi sĩ thì có muôn ngàn cách yêu và muôn ngàn kiểu thất tình, chẳng ai giống ai. Nhưng Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử yêu, thất tình một kiểu khác, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Tất Nhiên thời hiện đại thất tình cách khác, và dĩ nhiên Đặng Kim Côn cũng thất tình theo cái cách của những chàng tráng sĩ ngàn đêm nơi rừng sâu vắt muỗi để, một ngày về phép ngồi đâu đó trong quán cà phê bỗng dưng thấy cô hàng café "duyên dáng", rồi thất tình một cách dễ dàng vậy.


Tôi (NLU) muốn hỏi "cái em" "trêu ngươi ta những vòng tròn khói, nhởn nhơ từng giọt trong ly, và, lập lòe trên đóm thuốc" ấy là ai? Nàng thơ nào đã ám chàng đến độ, ngày tháng chỉ còn những "uống rượu, cạo đầu và vô rừng..."


Có phải cái bóng kia, lớn lao đến nỗi làm bùng cháy trong chàng nỗi nhớ em trộn lẫn trong nỗi nhớ rừng, nhớ suối? Mới hay, những chàng thi sĩ chỉ mới nhìn thấy "da em trắng, vòng tròn khói, em lập lòe...", chỉ một thoáng đó thôi mà đã kêu lên: "... mai mốt thất tình..." thì quả là "nòi tình" có thừa, sẵn sàng thất tình một cách hồn nhiên; ẩn sau một cô nàng cà phê để "ta ghẹo ta chơi" là một bóng hình thấp thoáng, lờ mờ khi ẩn khi hiện của một nàng là tâm điểm để chàng hướng tới, bắt chàng phải thoi thóp, phải ngóng trông tìm kiếm với con tim gần như tan nát!


Gần 40 năm sau khi bài thơ ra đời, có dịp gặp ông, được tác giả úp mở chia sẻ "em" trong bài thơ đó là định mệnh của đời ông: Binh nghiệp, tù tội, lưu vong! Vì nếu không có cuộc thất tình kia, biết đâu ông đã không trở thành một người khác: kỹ sư, xe thồ, nông dân, mà cũng có khi là một cán bộ trong guồng máy cầm quyền hiện nay?


Ô hay, chỉ mới nhìn “da em trắng, vòng tròn khói, em lập lòe…” thôi mà đã:

Mai mốt thất tình ta đi cạo đầu

Vất mẹ nó đi những buồn, những đau

Mai còn thất tình ta đi uống rượu

Nữa sẽ quên em khi về rừng sâu” (trg 11).

Một cuộc thất tình thật dễ dàng và hồn nhiên của những chàng lính trận năm xưa!


Có điều, những mối tình sâu nặng hay vật vờ của các hình tượng là người lính chiến từ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan, Bên Kia Sông Đuống của Hoàng Cầm… đến những Linh Phương, Lâm Hảo Dũng, Hà Thúc Sinh … sau này hoặc “Không chết người trai khói lửa”, hoặc “Anh trở về hòm gỗ cài hoa” thì Đặng Kim Côn không là ngoại lệ. Ông cũng có người yêu, trong thời chiến tranh, chắc chắn. Xóm làng ông cũng khói lửa mịt mù, không thể thoát ra tình cảnh bi thương chung. Cuối cùng:

Khắp xóm làng chông, mìn, hầm hố

Nhà cháy đêm qua, người chết chiều nay

Để một hôm, bìa làng, tiếng nổ

Sao là em! Lệ đẫm dốc bên này. (trg 15)

Có phải vì “thất tình”, có phải vì “chết người em gái hậu phương” nên đã nảy sinh một tâm trạng hụt hẫng trong ông?


Trong vòng tròn còn mất

Từ muôn kiếp muôn đời

Ta là ai mà khác

Cũng đến rồi đi thôi (trg 22).


Cũng lạ, trong một hoàn cảnh như nhau, cũng mất mát, thương đau như nhau trong cuộc chiến tranh “ta với ta”, trong sự thua và thắng giữa “ta và ta” thì những chán ngán, thất vọng, mỏi mệt… kia với Nguyễn Bắc Sơn:


Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái

Để được làm người theo ý riêng ta

Ngày hôm nay ta muốn thọc mù con mắt phải

Ngày hôm nay ta muốn bỏ đi xa

(NBS, Cười Lên Đi, Tiếng Khóc Bi Hùng).


Trong khi đó, Đặng Kim Côn lại kêu lên:

Giọt rượu cùng đã cạn

Ta quẳng chiếc bầu khô

Bầu đựng ta đựng biển

Bềnh bồng trong hư vô” (trg 19).

Một người thì chặt tay thọc mù mắt chỉ để được làm người; còn người kia thì hóa thân vào rượu để chiếc bầu khô đưa ta ra biển xa!


Hai cách suy nghĩ và hành động khác nhau, nhưng cùng chung tâm trạng: thất vọng, đau đớn, não nề…!


Chắc chắn, thời gian là dấu ấn in đậm nơi tâm khảm nhà thơ từng lăn lóc ê chề, đánh trận, thua trận, tù đày. Thời gian đó là những mối tình đã xẹt qua cuộc đời ông trong truyện và bây giờ lại hiện trong thơ. Nếu tình là món nợ đời như cách nói của nhiều người, thì với Đặng Kim Côn, ông còn phải trả nhiều món nợ như vậy, mà thời gian trước sau đã gói gọn:

Anh đã trả nợ em

Thời gian

Hồn

Xác

Một nửa đời mất mát

Một nửa đời nát tan

Sao còn bắt anh vay một nửa đời còn lại? (trg 23).

Đây là bài thơ làm trong trại lao cải. Và người thăm nuôi là một Dạ Ngọc nào đó để những đêm sâu, trên sạp tre trại giam ông phóng bút đến hơn 800 câu lục bát có tựa Dưới Trời Dạ Ngọc. Không rõ tập lục bát này có trước hay sau bài thơ Thăm Nuôi, nhưng dù trước hay sau, nhà thơ cũng đã vương vào món nợ tình bi lụy:


Em về đi

Tháng sau

Thôi đừng đến nữa (trg 23).


Cuộc đời cứ như thế trôi đi

Tới ngã năm ta như thành một ngả…

Tới ngã năm ta như thành sáu ngả…

Giữa ngã năm ta thấy mình lạc lối

Không phố, không đèn, không núi, không sông

Ngã năm tìm ta chập chùng bóng tối

Con đom đóm gầy lơ lửng giữa cuồng phong (trg 34).

Có phải đây là thời gian ông mới từ trại lao cải trở về hay là những năm tháng long đong với những mối tình lỡ? Nên chi những ngày không còn tiếng súng, với ông không hẳn là một khoảnh khắc bình yên, bởi tâm thức ông luôn là tâm thức của kẻ bị lưu đày của những Chiêm dân trên chính quê hương mình:

Giọt lệ, giọt mưa, giọt trăng, giọt rượu

Cạn chén binh đao chưa thấy thanh bình

Chiêm nữ thôi không lên đồi hái nguyệt

Lạc tiếng ru Hời bên tháp rêu xanh (trg 38)

Cái tâm thức kia được ông đẩy lên cao hơn một chút:


Trăng Cali trăng Tuy Hòa

Ngồi chi dưới gốc cây đa mà buồn (trg 54).


Gốc đa là một lựa chọn có ý thức. Không ngồi dưới gốc đa thì ông ngồi đâu? Mà dẫu có buồn dưới gốc đa, hẳn cũng đỡ hơn phải nhìn thấy cảnh:

Bầy ngạ quỷ nhe răng từ cổ tích

Trăng bỗng tan như thuở ấu thơ nào

Xa ánh mắt cha, xa vòng tay mẹ

Ta đi hoài như mất lối chiêm bao (trg 44).

Bắt đầu từ trang 67 trở đi, bỗng dưng xuất hiện những bài lục bát ngắn, tất thảy đều nói lên tâm trạng cô đơn của mình giữa chốn trần gian, bất kể là ở ngay chính trên quê hương mình hay nơi xứ người tuyết băng giá buốt. Hình như những câu lục bát kia cũng mang theo cái lạnh lẽo bên ngoài để “đông cứng” tâm hồn ông. Nó, những câu lục bát như những con sóng bạc đầu cứ dồn dập xô lấp nhà thơ chìm lún trong màu trắng buốt giá.

Ừ đi như rồi sẽ đi

Ngày mai thì sẽ khác gì hôm qua

Núi này gần, núi nọ xa

Ta về khép lại hồn ta cuối đường (trg 67)

Ta có thể hiểu cái màu trắng lóa kia là nỗi ám ảnh của những ngày tháng kinh hoàng không? Ngày mà có nhiều hình dung từ đi kèm phía sau để bật ra tiếng kêu trầm uất của hàng triệu con người bỗng chốc trở thành thứ “hàng thần lơ láo”:

Tháng Ba lội máu màu xuân

Tháng Tư buông kiếm ven rừng, ngẩn ngơ

Tháng Năm ăn bụi ngủ bờ

Trói gô tháng Sáu bên bờ ngụy ngôn (trg 82)

Và tất cả bể dâu cuộc đời, cuối cùng gói gọn trong mấy câu:


Chiều này rừng núi theo về phố

Lủng lẳng trên vai những đất trời  (trg 30)


Đó cũng là dấu chấm hết khi mà:

Ừ ta nửa gánh giang hồ mỏi

Thân đã mòn như que củi khô

Buông cương chiến mã chào sông núi

Sông núi buồn không đứng lặng lờ? (trg 17)

Cả 78 bài thơ, đúng như chủ ý của tác giả, sau bao nhiêu biến cố ngoài đời và trong lòng đã được gói gọn bằng 4 câu trong bài lấy làm tựa chung:

Trăng bờ tây sáng bờ đông

Khuyết tròn, mọc lặn giữa giòng đời quay

Xin em cạn một chén này

Để trăng khuya kịp rót đầy sớm mai (trg 86)

Nỗi lòng ưu uất của Đặng Kim Côn đã được dàn trải bằng chất liệu ngôn ngữ đa cảm từ truyện đến thơ: trải lòng, bi phẫn, yêu thương, hờn giận, thất chí, bao dung… gói đủ men bụi hồng trần một thời sôi bùng bệnh hoạn và một thời yên ả buồn hiu, dẫn người đọc lần theo những cảm xúc chân thật có phần bỡn cợt “Ta muốn nhảy xuống hồ tự tử/ Nhưng hồ nhỏ quá e hồ đau”. Một câu thơ đẹp, rất đẹp như đôi môi mọng đỏ, rất thuần khiết của người trinh nữ, bao hàm nỗi niềm, thân phận nhà thơ.


(Tháng 7/2011)


Nguyễn Lệ Uyên

Trang Sách & Những Giấc Mơ Bay, Tập II
Thư Ấn Quán xuất bản 2012