25-11-2019 | VĂN HỌC

Cung Tích Biền Những Năm 2000

  NGUYỄN VY KHANH


    Nhà văn Cung Tích Biền

Cung Tích Biền, công dân của miền Nam với thân phận đi giữa hai lằn đạn - ông có hai người anh, một “anh là Cộng sản chết không mồ, em là Quốc gia chết không tìm ra xác” (người tập kết, người bị tù “cải tạo”, hai cái chết đều do Cộng sản Hà-Nội gây ra!). Trước 1975, ông từng bị nghi ngờ nếu không vì xuất thân từ vùng kháng chiến chống Pháp thì cũng vì gia đình ông, cũng như nhiều người khác có anh em ở chiến tuyến đối nghịch; đời sĩ quan của ông không hanh thông, từng bị chỉ định nơi cư trú và giải ngũ sớm. Nạn nhân cả sau biến cố 30-4-1975, ông đã phải chịu đựng và câm lặng hơn 30 năm. Nhưng dù muốn dù không, Cung Tích Biền cũng đã chứng kiến nhiều cảnh bạo lực, “nhân tình éo le” và chướng tai gai mắt. Tình cảnh nạn nhân và chứng nhân đó đã được ông đưa vào sáng tác, đã là nguồn, là chất liệu làm nền cho văn-chương Cung Tích Biền.


Trong các sáng tác khi có thể và không nhiều, ngọn bút của ông mang nặng tính nhân bản và không pha hận thù, nếu có chăng là suy tư, hài hước tình đời, là nhắc nhở để tránh, để khỏi... Dùng ẩn dụ, ví von xa xôi, xa xưa và không gian khác, lạ lẫm thay vì hiện thực dễ dàng thấy sao nói vậy. Đề tài thời nhiễu loạn, “gió chướng”, do đó không hề thiếu, quan điểm và phê phán ông cũng không thiếu, nhưng biến thành con-chữ và đến được với người đọc là vấn nạn mà một nhà văn có bản lãnh như Cung Tích Biển không thể không đắn đo. Đó có lẽ là lý do khiến những sáng tác hiếm hoi của ông sau 1975 khi còn ở lại trong nước khá cô đọng, kiệm lời, không thừa chữ, không phải lý lẽ cho ra lẽ, nhưng từ khi ông định cư ở Hoa-Kỳ, hết “kiểm duyệt”, hết phải “sống trong phòng đợi”, thì ngòi bút ông như ngựa mất cương, tha thiết hơn, dài hơi hơn và phê phán triệt để hơn. Người đọc sẽ thấy diễn biến đó từ những truyện trong Thằng Bắt Quỷ (Tân Thư, 1993) đến Xứ Động Vật (“tân truyện”; Nhân Ảnh, 2018) và gần đây, Mùa Xuân Cô Mơ Bay (CA: Thao Thao, 2019).


Kinh nghiệm sống cũng như các biến cố lịch sử cận đại đã được và tiếp tục hiện hữu, “sống-còn” trong các sáng tác của Cung Tích Biền, và ông xác tín trong một phỏng vấn của Đặng Thơ Thơ rằng “viết là một cách tự cứu rỗi, cũng là cách tối an tử dần dà. Đó là Mệnh”. Vì theo ông, “Một văn chương hoàn chỉnh chính là Một Nạn Nhân./ Một Hoàn chỉnh Văn chương là tật nguyền ráp lại./ Một thường-trực-trả-lời, trong hoàn cảnh Việt Nam hôm nay, phải là một trung-thực-chịu-nạn./Văn chương có thể huyền ảo, nhưng trách nhiệm của Nhà văn không hề là một hư ảo” (Trích từ “Cung Tích Biền nói chuyện với Đặng Thơ Thơ”, 24-3-2008: https://damau.org/17335/ ctb-noi-chuyen-voi-dang-tho-tho).

*

Bài này chúng tôi ghi lại vài nhận xét về hai tác phẩm mới nhất của Cung Tích Biền: Xứ Động VậtMùa Xuân Cô Mơ Bay là những sáng tác độc đáo mang tính Cung Tích Biển những năm 2000. Thật vậy, các truyện của tập Thằng Bắt Quỷ, dù viết sau 1975 vẫn được Cung Tích Biền viết cẩn trọng hình thức, chữ dùng. Bút pháp ẩn dụ hoặc chạm đến dị thường, huyễn hoặc, nhưng trung dung trong bày tỏ cũng như tâm trạng và còn cho thấy niềm tin mang tính nhân bản và hữu-thần, thù hận, hằn học có chăng cũng vẫn mang tính văn hóa phổ quát, tức đã bắt đầu rời bỏ văn hiện-thực của những tác phẩm viết trước năm 1975. Với Xứ Động VậtMùa Xuân Cô Mơ Bay, Cung Tích Biền đã nhất quyết rời xa “nền" văn chương dẫu sao cũng còn “lịch sự” của Thằng Bắt Quỷ. Hai tập sau, ông viết với sự chân thành của nạn nhân trí thức, nhưng nay toàn trí toàn tâm, viết như không còn gì để mất. Xứ Động Vật được ghi là “tân truyện” gồm 3 liên-tiểu-truyện Xứ Động Vật, 2 liên-tiểu-truyện khác và một truyện ngắn, viết về xã hội Việt Nam thời hậu-1975 và “hội nhập”, “mở cửa” dưới ngòi bút sắc sảo và rất nhân bản. Mùa Xuân Cô Mơ Bay là những mảnh rời đời sống và tự duy của người Việt đôi bờ.


Tai tập truyện này được viết ra khi còn ở trong nước – mà Cung Tích Biền cho là “bị rất nhiều rủi ro, thiệt thòi mọi mặt trong đời sống, nhưng trong vị thế một người Cầm bút, Tác giả lại được hưởng nhiều may mắn, về phần 'thu gom thực tế”' (Lời Thưa của Tác Giả, MXCMB, tr. 9) và cập nhật chỉnh sửa sau này ở ngoài, Cung Tích Biền đã đưa người đọc đến một thế giới văn chương khác, dị thường và quỷ quái và nói chung dễ khiến người đọc có cảm tưởng choáng ngợprùng mình. Cung Tích Biền đã sử dụng người chết, ma quỷ để nói chuyện người sống và cảm nhận hiện thực. Cái Chết ở Cung Tích Biền trở nên siêu thực, mang mặt nạ “lãng mạn”, “văn chương” cho cái bi đát, cùng khổ hôm nay. Cung Tích Biền thường xuyên chiêm nghiệm về nỗi chết và những cái chết cùng những "kiểu” chết. Ông nói đến như thân thiết với cái Chết mà ông xem như là một tất yếu, một xác-thực lớn nhất mà từ đó, trên đó, con người có thể dựa vào để dựng xây cuộc đời, tức là cuộc sống đem ý nghĩa đến cho cái Chết hay nói khác, vì cái Chết mà cuộc sống có ý nghĩa.


Con người sống và kiếm tìm tâm linh nhiều hơn, hay cái Chết là một lối thoát đáng được chuẩn bị hơn? Trang Tử chủ trương vui cái sống gắn liền với cái Chết. Ngoại thiên Chí Lạc chép truyện Trang Tử gõ bồn, theo đó sống chết cùng một thể, thế nên cứ vui sống cái sống gắn liền với cái Chết. Cái Chết hiện hình trong chiếc đầu lâu khô-khốc bên đường của cái sống. Cái Chết kề bên như trời che đất chở, và cái sống kề bên cái Chết, đầu lâu nói với Trang Tử trong mộng: chết còn vui sướng hơn sống nữa. Và thế là quên hẳn cả cái sống cùng cái Chết. Đó là đạt được thuật chí lạc đạt tới Đạo và quên hẳn cái sống và cái Chết. Nhưng dĩ nhiên khác với thân phận người Việt.



Xứ Động Vật: Sau 1975, miền Nam bị kẻ Ác cưỡng chiếm, đã trở thành “Xứ động vật”, “Xứ toàn-chuồng” đầy ác thú: “Cuộc sống đã được cái lưới thép an ninh thắt chặt, bủa vây từng ly hiện hữu vật chất, lẫn một sợi mơ tưởng trong tâm hồn mỗi con người. Cuộc sống đã là toàn bộ trần truồng. Bày ra trước đám đông cả cái lỗ chân lông riêng tư. Phải làm sao mọi người hiểu rằng trong đầu của anh là cái khuôn đúc cài sẵn, tư tưởng được phát đều chỗ công cộng” (tr. 93).


Một đại-úy cộng-hòa trốn trại tù tìm gặp Hiền, người yêu cũ và Tảo, đứa con tám tuổi, đã bị hàng xóm nay được ác thú chỉnh huấn, trở thành “đàn quỷ dữ” lùng bắt:

“Trong cái nền gọi rằng “công lý” đỏ tươi dưới ánh trăng úa bạc quê nhà về sáng, nó nhờ nhờ ma cỏ, như đâu trong một phiên tòa chốn địa ngục (...) Một giọng nói lanh lảnh, đanh như thép: “Phải đập nó một trận thôi bà con ơi. Thằng ngụy này da thịt bằng sắt như vỏ xe tăng Mỹ.”


Chỉ một lời hô hoán khích động bất ngờ là biển bão trở nên sóng thần. Một lúc thôi không ai nhận ra anh. Chỉ loáng, người yêu xua của Hiền, thần tượng một thời bỗng hóa màu. Con người khốn khổ như một bức tượng sáp bôi kín máu là máu (...) Những phần da thịt anh vỡ ra dính lại trên tay, trên mặt đám người thực hiện “công lý của nhân dân”. Bọn này hóa Đỏ bởi máu người...”

Người phụ nữ đau khổ tận cùng:

“Hiền ôm lấy xác người. Những dây thừng quấn quanh anh nhuộm đỏ. Tóc đỏ. Áo quần đỏ bầy nhầy thịt nát. Mà làm sao thế này? Làm sao lúc đầu chỉ một đôi mắt sáng, rất buồn, cũng rất hờn căm; nó cô đơn nhìn một rừng mắt cũng rực hờn căm. Mà làm sao? Một mái đầu trung niên sớm bạc trắng vì lao tù trong núi trời phương Bắc, giờ đây phải chịu đựng nghìn xỉa xói chửi bới. Bỗng cái làn tóc sương ấy, từ đôi mắt rực lửa hận cô đơn ấy thét lên: “Chúng mày giết tao đi. Chúng mày mới chính là thú. Giết tao đi. Tao không bao giờ đội trời chung với chúng mày.”


Mà chao ôi, những bão bùng là thoi đấm, chân đạp tập thể; rồi ai xui chúng dùng cán cuốc lưỡi sắt; từ quằn quại với một ít máu bầm chuyển qua máu vọt thành vòi. Thay vì thấy thịt nát đã chùn tay, chúng lại cuồng máu say thù, bằm thêm cho nát, cho vụn cái khúc ruột không đâu xa nghìn dặm, mà ngay đây, cái đống đồng bào đã máu nát thịt tan...” (tr. 93, 96, 97, 98).

Liên-tiểu-truyện Xứ Động Vật Mưa Hồng dùng hai anh em sinh đôi Tảo và Jim để kể chuyện khốn cùng của sinh linh đất Việt. Song sinh nhưng chiến tranh khiến đôi ngả chia ly, người rơi rớt làm con nuôi khó nghèo trong nước, kẻ bị / được ném lên tàu vượt biên. Số phần Tảo không may, được những người mẹ nuôi rồi bà ngoại nuôi nhưng tất cả đều đã chết, Tảo phải sống lây lất, ăn mày, ăn xin, làm ma đói giữa một Sài Gòn đã đổi chủ:

“Trong đêm Sàigòn, Đô thành xưa, hôm nay ngập mưa, từng đoàn người ma ốm o, đầu đội nón lá, trong lớp áo mưa mỏng, còng lưng trên xe đạp chở những bao tải nilông vụn, đồ ve chai. Gió thổi ngược đánh bật cả nón bay, đến xiêu vẹo người. Bọn ma đói này là dân nhập cư từ Bắc vào Nam, từ những miền quê đói khó, không công ăn việc làm, không phải là quân có chức có quyền, lận lưng con dấu đỏ thủ trưởng rất mau chóng giàu có. Bọn ma đói này dai sức đến khiếp. Muốn có dăm đô la trong một ngày đêm hai-mươi-bốn-tiếng-đồng-hồ làm việc chết bỏ, bọn ma sống phải vượt trên năm mươi cây số trên chiếc xe đạp cà tàng, đến bến cảng Sàigòn phía nam thành phố, chờ chực tranh nhau mua/lượm các loại phố liệu mang về giao cho các lò ve chai tận phía bắc thành phố, miệt Hốc Môn Củ Chi.


Đèn Đa Kao mờ tối một lúc. Rồi điện cúp luôn. Tảo ngủ vùi trên băng ghế trạm xe buýt chỗ lề đường. Bỗng hắn nghe một câu chửi thề: "Đù mẹ thằng thầy chùa ngũ sắc tí hon này nhường cái bằng đá cho tao ngủ chút coi.» Tảo chưa kịp phản ứng đã bị thằng to bự đá văng xuống nền mưa lạnh nhơm nhớp bùn đất. Thằng to bự vật ngay một đứa con gái đi cùng xuống cái băng đá, lột quần. Rồi hắn đút cái gì ấy vào cửa khẩu con nhỏ. Con nhỏ cười trong đêm ma” (tr. 114)

Người em Việt-kiều Jim trở về tìm máu mủ, khi sắp gặp lại thì Tảo đã vừa bị bọn giang hồ giết, cũng vì giành nhau kiếm ăn và chỗ ngủ. “Xưa kia, ở vùng C., thằng bé Tảo từng chứng kiến một bọn người mắng một con người là thú; rồi cùng nhau giết người bị mắng nhục không nương tay. Hôm nay một đứa có tiền án giết người cướp của, đồng lõa với một tập thể cùng khắp thượng tầng, đã hạ thủ một người dám mắng chúng: “Mày là thú trong lũ thú”.” (tr. 123)


Chuyện đã được viết ra, nhưng vẫn có những sự thật bên kia bờ mà ở bên này chưa chắc đã rõ, ngay cả văn chương cũng khó lột tả hết sự thật. Theo Cung Tích Biền, “Văn chương, khó thể lột tả tận ngọn nguồn, dẫn tới. Chỉ ra chỗ di căn của hoạn nạn, hố thẳm của đọa đày trong kiếp con người, như tiểu thuyết phô bày, dù dưới ngòi bút của một nhà văn đầy tài năng. Chữ nghĩa cổ kim chỉ mô tả cái vỏ của từng số phận con người. Lắm khi tô màu một cách vô tội vạ lịch sử, chỉ làm con người mủi lòng, khóc đau chốc lát, hoặc kiêu hãnh trong ngu mê dại muội, mà thôi. Mỗi việc riêng của thằng điên Tảo, hậu trường chưa muốn khép. Nó mở dần, mở dần những hang động.” (tr. 98, 99)


Trong liên-tiểu-truyện Xứ Động Vật Vào Ngôi, thời đảo điên “Xã hội trong hầm chuột hun khói. Nhân ảnh dị dạng. Mọi thứ bậc đổi ngôi. Cái gì lạ lùng quái gở nhất cũng có thể thường trực xảy ra (...) Không có gì phải đau lòng, là đáng ngạc nhiên cả. Đó là chuyện thường ngày trên một xứ Rồng Tiến mọi sinh hoạt xã hội đang bình thường lật ngửa, bỗng nhiên nhào đầu, lật úp cái rụp. Bộ não đang dạng tươi, bỗng một chiều được sấy khô giống nhau, trong cái lò bát quái. Một người bị nhức đau hàm dưới, nha sĩ - từng có hơn ba cái bằng tuyên dương chống Mỹ - nhổ một lúc sau cái răng hàm trên, cả răng cấm, Bệnh nhân trợn ngược mắt trắng, giãy đành đạch bất tỉnh, giống con cá lóc bị đập đầu trước khi hy sinh cho bàn nhậu...” (tr. 139).


Qua cái chết và những con người chết, Cung Tích Biền muốn mổ xẻ lịch sử cận và hiện đại. Khúc, một kiến trúc sư nay ngoài 30 tuổi, vào năm lên tám, từng “tình cờ thấy một người đàn ông nhàn nhã giết vợ mình”, mà lại có những nạn nhân kỳ lạ: “Người bị giết chừng như sẵn sàng, âm thầm thụ hưởng như được ban một chung nước thánh”, làm như “để thoát khỏi Xứ-Toàn-Chuồng, con người có một phản ứng tuyệt vọng, như một hội chứng, rất mực phản kháng cái gọi rằng Khí-hậu-động-vật”. Người ta dùng chính sinh mạng thân ái để giải quyết, chung chi cho một rủi may lúc hỗn mang” (tr. 133-4). Một “người đàn ông khởi đầu cuộc tháo rời một con người” - một người chồng muốn “tháo lồng tử sinh” cho vợ mình mà ông “từng ôm nựng hôn hít làm tình” (tr. 151). Người đàn ông sau đó bỏ các phân mảnh người vào bao bố “nhân ái” rồi “cất công” đi bỏ phân tán mỗi góc phố xa cách nhau một phân mảnh.

“Nhãn hiệu chính là Máu, Nỗi đau, cái Nhục phải được nhân gian nhận diện, không lập lờ. Ông định lấy viết ghi tên trên mỗi chiếc bao:


“Phải có tiếng nói. - Không hề vô danh.

Không thể không tháng ngày.

Cuộc tự xử này không mang tính huyền thoại.

Nó là có thật trên một quê hương có thật,

được tác dụng bởi một hành sự mang tính gội rửa, tháo gỡ. »

“Sống nơi này Sống cách nào cũng là một cách Chết” (tr. 158).

Giết vợ xong ông mới nhìn thấy đứa nhỏ 8 tuổi nhưng không nỡ giết - “Không. Nó phải sống và phải Đợi chờ”. Ông rời nhà, bỏ Khúc lại, dặn tìm người nhà khác; Cung Tích Biền đặt tựa cho câu chuyện là Hành Trình Minh Triết.


Người đàn ông vào tù chung thân, nay thành một ông lão tâm thần, suốt ngày "với hàm răng rụng sạch, chỉ còn hai cái lợi hôi hám, màu thịt tim tím, lão già ra sức gặm một cục đá to bằng nắm tay. Lão thè lưỡi liếm đá. Nụ cười trắng, lão nói nước chảy đá mòn mà con ... 'cha liếm đá cho mòn, cho nhỏ nhỏ nỗi đau”.


Khúc thăm nuôi, được ông xác nhận làm đúng năm xưa:

“Ta đã nói rồi, ta chỉ thanh lý cái Đã-Bi-Giết. Những Công dân Xác chết. Ta không chịu được quanh ta đầy hơi thở một nhung nhúc thây người. Lạy Cha, con không là thần tiên (...) Con ơi tao là cha mày. Tao từng ngồi nhẵn ghế nhà trường, đã ung vữa đôi mắt vì chữ nghĩa thánh hiền. Tao hiểu cái đời hạ ngươn này từ khi các hiện tượng càn khôn thoạt nảy sinh từ phôi. (...) Cũng như mày không thể nào hiểu vì sao một kẻ sát nhân, sát từng bộ phận, giết từng con vi khuẩn trong xác người thân yêu như tạo, hãy còn vừa đang thở lại vừa đã chết trên cái Xứ-Toàn-Chuồng này. (...) Vì bọn khát máu giết triệu người chỉ xem như một rủi may lịch sử. Nó giết chục triệu người không hề bị quy tội sát nhân. Tao giết một người, dù không thể còn một giải pháp nào khác, cũng đã đủ sức nặng rơi tõm xuống địa ngục. Nhưng số mệnh đểu cáng không cho tao vé tàu. Chúng bỏ tạo lại trên một cõi đất vừa trơ trụi vừa rợn người này. Chúng hiểu rõ là tao sẽ bị băm vằm dưới nhiều hình thái vi diệu khác, lâu dài và hờ hững dưới bóng trời nghi hoặc này. Cái ngày Hôm qua, Hôm nay, và mãi ngày Hôm kia sẽ đến, chúng đốt lửa người...” (tr. 161-162)

- Ông sẽ chết, “tắt thở vì một cục đá tròn trĩnh chẹn ngay ở cổ họng. Thay vì nghẹn cơm ông ta nghẹn đá”!


Ở Hàn Chính Khúc phát triển thuyết lý “minh biện” về Mùi: “Có phải vì mùi mà có những cái chết kia không? Có phải vì thương yêu mà kẻ thân yêu bị tàn sát? Và muốn trọn vẹn nên phải nhai nuốt cái đau thương mang hình hài kia không?”. Nhân vật “tôi” thì nghĩ rằng: “Như thế, “không đành lòng” thì phải giết người sao? Tôi đồng ý rằng khác mùi thì khó thể hòa đồng, mùi vô sản hay tư bản? Tôi hiểu, tôi chia sẻ cái tang chế bất khả tư nghị của người cha giết vợ. Nhưng luân lý đã đóng đinh lên thường hằng, rằng anh có quyền tự hủy nhưng không có quyền hủy một con người. Cái quan điểm xem con người là phương tiện, hay giải pháp e rằng không nhân văn tí nào. Cứ lùa người vào chỗ chết hàng loạt, cứ cứu cánh biện minh cho phương tiện, cái đó chúng ta hình dung ra sức mạnh của một bọn dã thú” (tr. 164).


Theo Cung Tích Biền, “Nỗi đau đã biến thành Mùi”. “Mùi Mậu thân tre trúc che chắn. Nhưng chiếc mành thời gian không lọc được mùi. Tàn tật có thể hàn gắn. Chết chóc có thể giải thích. Mùi, nó nghìn thu”. Và “Mùi Tự do bị thiêu cháy” gây hoang mang “Tự do bị thiêu cháy. Nó là ánh-sáng-mùi tệ hại nhất trong vạn mùi. Nó ở mãi với bao la” (tr. 165, 167). Miền Nam đã trở thành “cái lồng cu ngột ngạt” và cuối truyện thêm một xác người phân mảnh, được xem như một “cuộc trở về – không là tái sinh - của Nàng khá ly kỳ. Cái đầu, chỗ công viên, về trước. Hai cánh tay thiếu bàn tay về sau một chút. Một ngày rưỡi sau Nàng về tạm đủ nhưng còn thiếu quả tim. Hai bàn chân về sau cùng. Nàng chậm chạp và khiếm khuyết như Lịch sử. Cái được gọi là Lịch sử giống nòi tôi luôn là một bất toàn cho bất cứ ai, và luôn là một Mong Đợi Hạnh phúc cho tới giờ nhắm mắt mỗi đời người...” (tr. 180).


Ở Cung Tích Biền, văn-chương về cái chết là một thứ văn không yên ổn, vì con người bị bứng ra khỏi đất, từ một thế giới chuyển qua thế giới khác, cõi sống/cõi chết, từ một hiện hữu bình thường đổi sang một thế-trạng không thể định nghĩa, từ “to be” sang “not to be" («đổi sang từ trần"). Cái Chết nói chung xưa nay vẫn là mối kinh hoàng, là nỗi sợ chính của con người: sợ cõi lạ, cõi hư vô không thể biết vì không thể có kinh nghiệm khi sống, khi còn ở một trạng thái trước, khác. Tuy từng được xem là một cấm-kỵ, nhưng tabou cái Chết không là một đối tượng, mà là một thứ trực giác, cảm nghiệm cá nhân. Cái Chết là một biểu tượng, là một chấm dứt; nhưng vì không phải là mục-đích tự thân, cái Chết không phải là hết, là kết thúc một cuộc đời hay cái gì, mà là một bắt đầu khác, một sự sống khác tùy theo cách cắt nghĩa của các tín ngưỡng, tin tưởng (Thiên đàng, Vương quốc trí tuệ, Trí huệ, Cõi sống đích thực!).


Cái Chết nặng nề và thường trực với Cung Tích Biền; cái Chết luôn có mặt ở đó, như một chứng cứ không thể bác được về những tàn độc của một loại người và sự phi lý của cuộc sống, của một cuộc chiến. Cái Chết và những cách/kiểu chết là nhóm chủ-đề mà Cung Tích Biển đã đưa đến cho sáng tác văn-chương của ông cái nhạy-cảm rất hiện đại và một trực giác hiện sinh, thực hữu: cái Chết có mặt trong các truyện, trong dàn dựng hình thức, nội dung cũng như tâm lý các nhân-vật chủ chốt.


Liên-tiểu-truyện Xứ Động Vật Màu Huyết Dụ ba phần chuyện lão Kiên, như một giải thích phân tâm về cái chết oan trái của tha nhân, người khác. Cái Chết trở thành một đối đầu bị thảm, một thất bại, một bất công tuyệt đối, nhưng đồng thời cái Chết khiến cho cuộc sống có ý nghĩa, giá trị và cuối cùng, sự khẩn thiết phải sống và hiện hữu! Không phải vì chết mà Cung Tích Biển nghĩ đến cái chết, chính ra là để vượt qua cái Chết và sống! Ông đã nói đến cái Chết như là quên lãng của thân xác và có những cái Chết khiến cho cuộc sống có ý nghĩa,


Con ma đàn bà tên Bóng sẽ quấy rầy lão suốt hành trình tàu đường sắt xuyên Việt, “Cái Bóng đen hóa thực. Vẫn ngồi đây. Một trực diện. Mà mâu thuẫn đồng hành”. Lão dù thức, ngủ đều khó khăn nhận ra chân, hư và “ác mộng là của riêng mình, là bạn lữ, là bệnh, là thường trực cái bóng đen lơ lửng, to lớn. Nó huyễn hoặc. Nó lẫn pha giữa cái thực và ảo giác. Nỗi đau nhức không rời trên sân khấu tồn tại. Lão phải thường trực đánh vật với ranh giới thực, mộng. (...) Làm sao lão có thể tự khấu trừ những trò hư ảo tàn phá, ăn sâu át-xít vào những tháng năm xương máu có thực, đời lão. Khấu hao xong những trò vong mạng phung phí, đời lão chẳng còn gì. Một cục cứt trôi sông. Mà con sông lịch sử chẳng hiền hòa chi. Nó đánh tan tác không còn một-đơn-vi-cứt-nào-được-riêng-cuc-hòn. Tất cả hòa thành bãi rộng bùn hôi. Tập thể. Tăm tắp. Tất cả là một mênh mông hư huyễn” (tr. 188, 189).


Hóa ra "Kiên đã ngụy trang, đã trung hòa nỗi nhục riêng tư, vợ ngoại tình, vào một nỗi nhục lớn hơn. Ông đã bỏ một con sâu nhỏ vào cái môi trường nghìn triệu sâu bọ, rồi phong kín, tô vẽ và tôn xưng nhãn hiệu. Cái lý tưởng nào vĩ đại đủ che bóng, hào nhoáng cho lớp sâu trùng đen. Cái lăng tẩm tổ tiên vua chúa nào rực hào quang trang nghiêm để cứu chữa, rửa sạch ung thư cho những thế hệ bị lừa. Những thế hệ lừa đã biến thành sói, cực hung hăng trong hoang mạc đồng loại Toàn-Chuồng”. Ông tự hối với con ma Bóng: “Bây giờ có thể chồng bà đã hiểu ra là có những nỗi nhục gấp nghìn lần cái nhục bị vợ cắm sừng. Con mụ vợ đưa đồ cho thằng khác xài là chuyện nhỏ. Cả một dân tộc này bị lôi lên giường gian dâm với những tên đồ tể, bị hôn mê bởi những lời dụ dỗ, bị chủ thuyết hôn ám ma đưa lối quỷ dẫn đường. Nhục thời thế chẳng hạn. Nhục mình hát ru, tự lừa phỉnh để tiêu pha vô nghĩa cả sinh mệnh riêng mình chẳng hạn.” (tr. 192)


Sau mấy mươi năm biệt tích, lão Kiên trở về làng cũ. Vẫn bên mình cái lọ xương cụt của người phụ nữ của đời lão. Xe ôm đưa lão đến bờ sông Thu, “Ở đó bỗng xuất hiện mờ thoáng một người đàn bà trong trang phục màu đen. Bà phảng phất như mây núi sớm Kiên đã thấy khi ngồi trên chuyến tàu về sáng. Như cái dáng xa vắng, vàng lạnh giới thiệu cái lọ xương cụt trong toa tàu. Như cái bóng lênh đênh trong giấc ngủ hằng đêm lão Kiên rơi rụng.” Bà kể lể: “Con đường này dẫn về vùng tháp Chàm Mỹ Sơn đây. Tôi có một tuổi nhỏ với rêu. và cỏ hoang, với những đỉnh tháp lá xanh thưa và chim mùa đông. Những cơn mưa hoang mị cùng những tiếng vang động mơ hồ không thể định hướng từ dĩ vãng Chàm. Có một lần tôi thấy xác người và máu giữa những khe đá. Những bầy dơi thiêng. Và những vỗ cánh trong không, khi chiều xám...” (tr. 197, 198)


Sông Thu đã hơn một lần đổi bờ với những giành đất, chiến tranh. Lần mới nhất khiến “Trên bãi chiến trường giành đất tanh hôi, càng lúc gió càng mạnh hơn. Reo réo. Từ bờ Bắc vào xóm làng phương Nam. Ra đầu ngõ thấy xác người. Đêm nằm đầy ác mộng. Tỉnh giấc là tứ phương thổi hoắc. Dân bờ Nam hoảng loạn bỏ làng xóm miếu mộ già trẻ nhất tề bỏ xứ mà đi. Tre trúc có hồn mà không có đôi chân, đầu thể ra đi, đành đau đành úa. Những sinh linh, hồn phách và cội nguồn đã lỡ cắm rễ sâu trong Mẹ. Đành ở lại thì đành tan, chịu gục. Tương truyền, sau khi dân bờ Nam bỏ chạy, dân bờ Bắc được nhiều vùng đất mới, đã lập Lăng thờ quan. Là Người đã định danh lịch sử, đã tân lập địa giới mới, thông qua mùi tử khí, và xác người ngập ngụa.” (tr. 200)


Cuối cùng, lão Kiên cũng tìm tới được mộ của Bóng đang bốc, được tặng cái xương tàn từ nay lão dùng làm gương soi, nhưng lão trả lại cho cô gái để bình cốt được vẹn toàn và Bóng được “giải kiếp”. Lão đã nhận ra mình có lỗi với máu xương!


*

Trong hai tập truyện này, cái Chết thường trực hiện diện và quy hồi qua những hình ảnh sọ người, xương cốt, ma quỷ, ma sống chuyên hút máu, ... Rồi những chuyện ăn thịt người, ngậm xương, quật mổ, xác chặt từng khúc, xác hồn tìm nhau, sống chung, v.v...

Đất nước nay trở thành “Xứ sở Những nấm mồ hoang”, như ở Nghĩa trang Gò Dưa Sàigòn “có âm vang âm khí, trang nghiêm rất mực, lạ lắm cái điệu đời nghêu ngao, cái ngất ngưởng riêng nó. Nó bao gồm, thu tóm mọi sắc màu, một trần gian dị dạng đêm trăng tỏ trăng mờ. Có bóng ma đi rảo hô hào đoàn tụ, hòa giải. Có ma hát lời thịnh nộ. Ma hưu trí già nua bảo thủ rị mọ, hoặc bần thần hối lỗi một tuổi trẻ của mình bị ung vữa, bèn tức tốc dạy cho xấp nhỏ sau này biết nhìn lại lịch sử. Rất nhiều hồn ma thời đại. Hồn ung dung. Hôn phẩm hạnh. Ma đúng ma. Ma tuổi xuân tóc xanh đã ung thư gan. Ma yên hùng vỡ sọ não do tốc độ đua xe nơi xa lộ. Ma đa tình ngồi vắt vẻo trên mộ bia đêm trăng tỏ, thổi kèn xắc xô “Trở về mái nhà xưa”. Ma thời thượng, uống rượu Mỹ, ôm đàn ghi-ta Đỏ, hát nhạc Nâu thời Đổi gió, “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Rất ư phóng khoáng chỗ lập trường. Nơi đây nắng tháng Tư chuyển mùa. Trời mất máu. Bia đá đổ mồ hôi” (XĐV. Nghiệp Chưa Hề An Nghỉ, tr. 57).

Riêng mộ anh Thiếu úy T.V.Nghiệp - sinh ngày 4-8-1954 và tử trận ngày 11-3-1975, gần như chiều dài của miền Nam Cộng-hòa, cuối cùng đã được trùng tu.

 

Trong Mùa Xuân Cô Mơ Bay, Người Đi Theo Bóng cũng là chuyện người sống thân thiết thích gần người quá cố – nói như tác giả “Tiền thân tôi ở Cõi Ngoài”: “Trong khí hậu một xã hội bất an, tôi vẫn thích nghĩa địa (..) tôi hợp với nghĩa địa hơn những nơi đông người như cắm trại hay hội họp, vì cái hiu quạnh, an phận, tắt giấc mơ đời, của nó”. “Tôi” cũng có chủ ý: “Tôi làm kẻ đi trong giữa cuộc đời tìm một phần đời đã mất. Có thể, chỉ là một tìm kiếm, như bao tuổi trẻ đi tìm, chỉ là tìm kiếm mà thôi. Cái đích phía trước, chính là niềm vô vọng, là ngõ huyền hư. Cuộc nội chiến còn dài lâu. Bao là cánh cửa trong khuya khoắt hãy còn khép hờ, chờ một người sẽ trở lại. Có một người đã trở lại. Không đến chỗ cánh cửa chờ mong. Mà nơi mộ chí tôi thường đến. Người con gái ấy, Túy Nha” (tr. 159). Người con gái đến từ xa lắm và ngôi mộ nàng chăm sóc là một người lính. Họ bất ngờ ôm lấy nhau - “Thấy ma thì ma nó chụp liền. Ma ám mà.” Họ bên nhau qua đêm, rồi chàng đưa nàng về nghĩa trang - “tình yêu đến từ nghĩa trang và trở về nghĩa trang", thực hư không rõ với quãng thời gian sáu tiếng trong một không gian mộ chí!


Để chống cái Chết, thơ văn siêu-thực dùng con người để tra vấn sự im lặng, tìm bí mật của sự hiện diện và biến mất của im lặng. Cung Tích Biển đã trình bày rõ ràng sự bạo-động mờ ám của những im hơi lặng tiếng và từ đó ông không thể giữ im lặng. Cần phải mở miệng, lên tiếng, dù chỉ một mình! Trong nghịch cảnh và tình cảnh văn hóa, xã hội bi thảm, buồn thiu như thế, ông chủ trương “Đành lòng sống trong phòng đợi của lịch sử" như đã cắt nghĩa trong phỏng vấn của Lý Đợi năm 2007. Cung Tích Biền đã cho biết ông viết Xứ Động Vật “trong một hoàn cảnh rất khó khăn. ... thời gian trước và sau khi Tác giả bị giải phẩu ung thư tại bệnh viện PV thập tử nhất sinh. Lại đang còn ở trong nước, dưới một chế độ độc tài, toàn trị, triệt tiêu mọi quyền tự do..." (XDV, tr. 241).


Căn bản là chuyện tình cảm giữa người sống và người chết, liên hệ hôm nay với hôm qua, mà còn là lời ta thán của những hồn oan của dân lành. Biến cố Tháng Tư 1975 đã biến đổi cả một đất nước thành địa ngục và tác hại mấy chục triệu người dân miền Nam. Ai đã từng kinh qua làm nạn nhân của biến cố lịch sử đó sẽ không bao giờ quên, mỗi lần nhớ lại vẫn bàng hoàng. Đảng Cộng sản đã là thần chết đầy ma lực dang rộng cánh tay dài hung hãn sát hại và cướp đi mạng sống nhiều sinh linh. Chết vì lao động cưỡng bách, đày đọa, vì tù khổ sai. Chết vì những trận đòn thù, tra khảo tàn bạo. Chết giữa rừng thiêng nước độc của trại “cải tạo”. Chết vì đói khát, tem phiếu, kỳ thị, lý lịch. Chết nơi hoang dã của những vùng gọi là kinh tế mới. Chết khi vượt biển và xuyên núi rừng tìm tự do. Chết vì không lối thoát, vì bất hạnh, oan khiên đổ lên đầu lên cổ. Thần Chết thường trực ám ảnh con người sống, nhất là người Việt miền Nam sau 1975!


Nhưng trong cái Xứ Động-vật Toàn-chuồng là Việt Nam sau 1975, con cháu của "giai cấp” thăng, “Hồng Chuyên”, “quan lại triều đình” mới, tung hoành phá phách để chết, sống trong “chuồng người mênh mông thịt-chạy-thây-đưa” như để chết cho đúng với tam-đoạn-luận. Chúng xưng là “Việt kiều nội địa” đua xe, gây gổ, đập phá, “xã hội hóa giao cấu toàn triệt”. Để chết, như Xíu Mại. Gia đình tan nát, như của Liu, v.v... “Bọn trẻ con nhà thế lực hôm nay có sự khoái lạc mù mờ khi bố mẹ chúng là đám thiêu thân. Bọn Họ đấy, lịch sử can qua, một đời dùng nhân mạng, thân phận riêng mình, có khi cả danh phẩm của tộc họ, làm củi đun cho lý tưởng, chủ nghĩa. Ac nỗi, ngọn đèn lý tưởng, hấp lực bọn thiêu thân ấy, nay chỉ còn là một Màu Đỏ hung hiểm và bệnh hoạn. Một cái biển máu khô.” (Một Phần Khí Hậu, tr. 29).



Mùa Xuân Cô Mơ Bay là những chuyện xảy ra thường ngày ở Việt-Nam hậu-1975: các trụ điện lẻ loi sau những khai thông đường đã trở thành chỗ “treo linh hồn” cho những tay lái say rượu đêm khuya, cô Chơi lấy chồng tàn phế người Hàn quốc, anh em người Bắc kẻ Nam, nay Bắc thắng trở về đòi nhà [“Chú khỏi phải lo giấy tờ chuyển nhượng cái nhà chú đang sở hữu này cho tôi. Pháp luật, công lý ở trọn nơi chúng tôi. Nội bộ chúng tôi sẽ tự làm tất. Lịch sử này, số phận các chú chúng tôi còn đầy đủ quyền tẩy sạch huống chi việc giấy tờ để sở hữu một ngôi nhà” (Anh Em Cùng Một Mẹ)]. Hai người bạn thân từ nhỏ, tấm ảnh cũ tình cờ cha con Cù mới khám phá ra cha mẹ Cuội đã chiếm nhà mình và đuổi họ ra đường từ tháng Tư năm 1975 (Bọn Mầm). Ngành y tế bất tài, tàn ác, nguy hiểm chết người cho những ai lỡ phải vào bệnh viện. Giá Rai, Có Những Ngày Như Thế là bút ký chuyện Cung Tích Biền làm “cu li” cho Công ty Xây dựng số 8 tính xây một trại chăn nuôi ở Giá Rai thời cuối năm 1978 cùng Nguyễn Thụy Long.


Vỡ Hoang Trước Bình Minh của một hôn nhân ma mị, hoài thai với mộng và "màu của thời gian trong hồn người bị mộng đuổi miệt mài...”. Rừng Đom Đóm là chuyện Mạnh, một người đàn ông tuổi 50 “lúc vợ còn sống thì thờ ơ, hành hạ vợ tới độ tàn ác; lúc vợ qua đời lại ôm thi hài vợ khóc than thảm thiết... Khóc mưa bão suốt sáu tiếng đồng hồ, Mạnh mời cô Trâm, cô gái vốn thường sơn móng tay móng chân cho các bà các cô, đến làm sắc đẹp cho vợ mình” trước khi chôn cất.


Đêm Hoang Tưởng nói chuyện nơi các vùng đất của tháp Hời vàng tự nhiên xuất hiện và nhiều, trồi lên cả mặt đất đưa đến hiện tượng dân đi tìm vàng rồi có công ty và cả cướp cạn. Một Lão ông xuất hiện mắng đám cướp cạn

“Ta không phải là tiên sinh của các ngươi, theo nghĩa thông thường. Ta là Tiền nhân. Trong xác thân du côn du kề các người đã có một phần xác mỗi phần hồn của ta. Trong bình sinh gieo rắc, Ta là các người, các người cũng là Ta. Hãy nghe đây, mau rời bỏ mê cuồng, hãy nhặt lấy vàng rồi cút đi. Hãy trả lại quê hương này cuộc bình yên (...) Chớ đắm mình trong điệp điệp mơ hoang rừng vàng biển bạc. Chớ lênh đênh theo khí chất mong đạt giàu sang qua ngõ tắt. Hãy rời khỏi nơi nương náu ngủ ru trùng trùng hứa hão, hẹn bừa, những điều hiện thực không thể. Hãy bừng sáng một thế linh tiên niệm. Hiểu Núi sông và giữ lấy Tự nhiên... Khó thể toàn bộ giang sơn là một tổng thể kim loại. Còn nơi nào cái lỗ chôn nhau cắt rún. Tìm đâu cát bụi mơ mòng. Đâu nơi sở trụ một linh hồn cân nương náu quê hương. Mơ hão. Khó thể một dân tộc, thể chế, đất đai, một sớm mai vui mừng đã kim loại hóa toàn phần” (tr. 106, 107).

Nhưng hôm sau khi trời sáng tỏ, một trận gió lớn thổi tung bụi. “Bọn cướp đường choàng dậy ngó quanh. Không Tiền nhân. Chẳng có xác Đại ca nào đây. Không có núi không có sông. Không nhìn ra mặt núi sông. Không một mảy may vàng. Chỉ quanh đây những luống cày, màu đất vàng khô. Một chị vải thô chân đất đem mong chờ đến cho một ai đó trên những luống cày. Một thằng bé truồng cười trong nắng” (tr. 108).


Nhị Xuân là chuyện cô gái xa xứ đã lâu nay trở về tìm lại quê nhà. Cô quả thật là “một tâm hồn dị chủng khắc khoải trong một xác thản dị chủng. Nhớ một vẻ đẹp thánh nữ đành cưu mang một mùa Xuân nơi cội nguồn giống nòi cha cô hằng trải qua nhiều nghìn năm. Lòng người trong nhân gian ấy xuống cấp, lạc đường vào nẻo quỷ. Nhưng thiên nhiên ấy vẫn còn một lời thân ái chào cô. Quê hương ấy, vẫn còn một phần lương tri tận hiến sau cùng, đưa dắt cô trên những nẻo đường hy vọng", Nhị Xuân, cô “thấy nơi đây luôn có một cái gì ở trỏng”“Mùi thời gian thật buồn”, cho nên ngày cuối “sâu trong mắt nàng nỗi buồn như tan chảy, xoắn tròn, và kêu rít. Nàng đưa cái hoa giò giè cánh trắng nhỏ, phần trong tâm cánh hoa có màu vàng nghệ lên tầm mắt. Nàng nghe hoa nói bằng đôi mắt!” (tr. 152, 153).


Bí Ẩn Ba Nô là chuyện Ba Nô, một người điên luôn ở truồng ở chợ Diêm, “đang phơi chim dưới bóng trời... Cái dương vật trần trụi to bự như một quả chuối già đưa qua đánh lại. Nó lại rất hình tượng chuối, vì không thẳng chìa ra như khi hành lạc, mà cong khum vào bộ dái. Cứng, mới cong được. Đây có thể là biểu hiện cái khí dương nơi một người đàn ông còn mạnh mẽ, nhưng không bị giựt dây, kích dục thường tình... Ba Nô hằng ngày đi qua các cửa hàng, đứng giữa một bầy gái, nó vẫn thế. Hình như dâm lực trong cõi này, cái khí Nữ, dù âm ma tới cỡ nào cũng không gợi dục được hắn” (tr. 176, 177). Thân với Ba Nô, “tôi” nghi ngờ Ba Nô là một Lộng Giả – như Bùi Giáng, nên quên cả ngày phải trở về đơn vị sau một tháng nghỉ phép. “Ba Nô được lệnh vác một khối thuốc nổ TNT đút dưới lườn xe thiểu tá quận trưởng" nhưng cuối cùng, “Ba Nô thân yêu của tôi đã cháy. Một phần nghìn giây sau tiếng nổ, Ba Nô bay lên trời. Ba Nô thành những mảnh. Máu thịt tung tóe một vùng rộng, trong sân vận động, trước một cổng trường mà hôm qua bọn học trò đã học bài sử ký”. Ba Nô đã tự chọn cái chết khi nổ thay cho gia đình viên quận trưởng.


Mùa Xuân Cô Mơ Bay, cô gái “Mơ Bay còn trẻ. Mộng ước của cô lớn lao, ngoài giới hạn. Thông thường, những ý tưởng lớn lao của tuổi trẻ luôn lồng trong đó cái hoang mơ, hư tưởng. Cô hiểu rằng, với đôi tay có ngày cô sẽ bay như chim. Hoặc mái tóc cô, sẽ là đôi cánh. Tư tưởng sẽ biến cố nhẹ tênh. Y chí là nhiên liệu. Mơ Bay sẽ bay ngọt ngào. “Anh ạ, vì em có một đôi cánh vô hình. Siêu nhiên là lực đẩy em lên cao” (tr. 193). Sống ngoài thực tế, cô té gãy cần cổ, phải qua giải phẫu. Nhà văn, “con người đang trôi hoang giữa hai bờ, bên này Mơ, bên kia là Mơ Bay” được người cha cô Mơ yêu cầu:

“Anh là nhà văn. Anh có thể vẽ ra thần linh, điều động ma quỷ. Một tay viết tài tình, đa mộng tưởng của anh, như anh, mà ra. Lần này, mong anh chỉnh lại nhân vật của anh đi, trong đó có con gái tôi. Anh có thể dùng những giọt mục huyền ảo, vẽ lại được những giấc mơ của mình một cách khác kia mà. Đâu cần có Mơ Bay nhà chúng tôi anh mới thực hiện được cuộc đào thoát của anh ra khỏi cái vực thẳm siêu hình này. Tôi không phê phán rằng anh đúng sai, tốt xấu, chỉ mong cái phúc huệ của nhà tôi.”


Nhà văn từ tốn: “Đa tạ. Tôi sẽ sửa lại bản thảo. Nhung nhặt Mơ ra khỏi trang chữ thì tôi còn gì để viết. Bóng tối chính là nền. m bản là phản chiếu kỳ ấn. Đôi khi mồ-hoi-nước-mắt-luong-cay-tiếng-chimnúi-non-suoi-nguồn, chúng từ trang viết biến ảo đi ra. Cõi đời, cuộc sống có thật đã biến hình thay dạng qua ngọn bút. Tôi chỉ là phần hôn của Mơ. Đúng ra Mơ là ngọn đèn, tội ánh sáng. Đèn tắt, chẳng còn tội” (tr. 199).

Thật vậy, nhà văn ở đây viết là “tra vấn cái Viết Văn” trong một thế giới ảo vì luôn “truy tìm cái uyên nguyên, cái ngẫu nhĩ tương phùng giữa Mộng và Thực”, còn cái hiện thực trước mặt có là ảo hay không là “do nơi mỗi tâm thức. Con người ngoài nhục nhãn hãy còn tâm nhãn, tuệ nhãn. Có thể đó là cái có thực trong một Mặt Đất luôn Mùa Đông. Mặt Đất ấy không muốn chuyển mình”. Cô Mơ, như thế giới văn chương, vẫn còn bay vì cô “có một đôi cánh vô hình, một lực siêu nhiên sẽ đưa em Ra Ngoài...” (tr. 203).


Mối Tình Thời Gió Chướng, truyện cuối của tập truyện, viết ở ngoài vào tháng 3-2019, đã như một hồi tưởng qua nhiều biến cố lịch sử của đất nước – Cung Tích Biền gọi chung là "thời gió chướng”. Khởi từ khi đất nước bị chia đôi tháng 7-1954, “Ngưng tiếng súng, chia cắt đất nước ra làm hai, sông Bến Hải là giới tuyến giữa hai bên, là chuyện có thực. Hai thế lực đối kháng tập kết về mọi miền, để chờ một Ngày Thống Nhất Đất Nước, hai miền Bắc-Nam sẽ hợp một. Trên Văn bản ký kết là hai năm sau. Nhưng mọi người ai cũng biết, cứ xung khắc này, khó mà hợp nhất trong một giải pháp hòa bình. Từ nay, phân ly sẽ còn lâu dài, là không thể chối từ. Một toàn diện đổi trắng thay đen trong xã hội mới, giữa lòng người với nhau sẽ là một hiện tình, Đứa con ra đi, người chồng tình nghĩa ra đi, khi trở lại, nếu họ muốn chiến thắng bằng súng đạn, họ sẽ là kẻ ngoại xâm”.


Một loại người mới xuất hiện trong buổi giao thời:

“Quốc gia tự do, quốc gia có nhân từ, bác ái, mở lòng, nhưng Quốc gia cũng thừa sự tàn nhẫn tuyệt đối, dành cho những ai không là “Quốc gia” với mình. Ác nhơn, cái chính kiến nó bèo bọt nổi trôi theo phận người, là vi trùng lớp lớp trong não thùy, nó ăn dần xương máu. Bên mô cũng rứa. Là triển miên bao năm, trong cộng-đồng-người đó đây, cuộc sống gọi rằng mỗi bên ấy, chẳng thấy đâu một giống nòi thuần nhất. (...) Lịch sử sao oái ăm!. Trong cõi Không đội-trời-chung ấy, năm chầy tháng chẵn, từ phổ thị tới làng quê, luôn là một xã hội, ít nhiều, lẫn lộn Xội với Đậu. Một thằng người, hai mắt toàn đỏ huyết. Một anh hiền hòa tươi sáng, hai con mắt vàng ròng. Cùng một vùng thôn dã, lũy tre làng. Dưới chung một ánh đèn phố thị. Lại một lũ nửa nọ nửa kia, khuôn mặt một con mắt này Nam, con kia Bắc; nhìn gà hóa cuốc. Một bọn lé-tư-tưởng ... Miền miền, làng xóm, nhà nhà, đã âm thầm tạo ra một giống-nòi-xôi-đậu” (tr. 215, 7, 8).

Mùa Hè năm 1975, người chồng tên Lương tập kết nay trở về, phê phán dáng ngoài của Vọng, con trai chung, “bảo nó đi hớt tóc cạo râu. Cho xong tàn tích. Sau đó mới tính chuyện cha con”. Rồi y vui nhận mấy thùng quà mà chị Bạc, người vợ cũ cho, y “quơ tất” và trở ra Bắc. Chị "đã hiểu, đã rõ thấy. Những ngày chạy loạn vừa qua, sự đổi trắng thay đen đến cửa nhà tan nát, của tiền có đó mất đó, thân thuộc chia lìa, kẻ ở người đi, nào ai mang theo được gì. Chế độ mới, gia sản này của chị ai cướp đi cũng được, ngay cả Lương. Lương cướp ngày cũng được. Biên biệt cái tình nghĩa vợ chồng. Đã xa lắm với người từng đầu ấp tay gối”. Vài tháng sau thì Yến, bà vợ “lô-gích” Đảng kết cho Lương [“Mấy cụ lớn chỉ thị lấy thằng chồng nào mụ vợ nào, thì phải đớp vào đấy”], vào gặp chị Bạc. Thị đã nhận xét rằng: “Người trong Nam này không chút thiện cảm gì với chúng em. Cũng một thời chiến chinh gian khó, sao trong Nam này người ta sống thoải mái, giàu có, rộng lòng. Còn chúng em khố rách. Dù rất mới mẻ, nhưng em đã gặp, em rất hiểu. Vì sao người Miền Nam rất nhớ thương quá khứ. Và, vì sao quá khứ là cái gì chúng em luôn rất sợ hãi.” Cung Tích Biền kết chuyện tình chị Bạc cũng như “thân phận chung. Những hình nhân đen đẫm nôn nao in hình trên nền ánh sáng lồng đèn kéo quân. Bị điều động bởi ánh đèn trung tâm. Anh sáng trung tâm càng sáng, càng nóng, bọn hình nhân càng chạy quay tít, càng trước sau miệt mài đuổi theo nhau. Không người sau nào kéo được chéo áo người trước. Chẳng ai bắt gặp ai. Tất cả đều chạy về phía trước. Cuộc tìm kiếm, hóa là mãi mãi thất lạc nhau. Hôm nay Bầy Sói đã vào làng. Lương đã Trở Lại. Chị Bạc và Vọng, đành phải Bỏ nước Ra Đi” (tr. 227, 232, 233).


Những giấc mơ khởi đi từ những tình cảnh bi hài. Với Cung Tích Biền, cái tàn khốc nhất vẫn là ở những con người chủ động ra tay đối xử với đồng loại xem họ như những con thú. Như nạn nhân, mang thân phận nạn nhân – và hơn thế, nạn nhân bị hiểu lâm, ngộ nhận là đứng cùng phe với tập đoàn tàn bạo đó, ông tự cho cái quyền viết ra, nói lên sự thực và phỉ nhổ đám tàn độc đó. Đã hơn một lần, Cung Tích Biền cho biết ông chỉ ghi lại cái hiện thực của “thế gian ngột ngạt, phũ phàng ấy, một xã hội vào thời mạt pháp, kẻ lương thiện thua trận, lũ lang sói đã vào ngôi" và khiêm tốn thú nhận “chỉ không đủ tài năng để mô tả cái thảm trạng Đã-Có. Chỉ không đủ dũng khí để Viết-Cho-Đúng, Cái mà bọn Sài Lang muốn giấu nhẹm trước lịch sử, muốn chúng ta Không-nên-làm-một-con-người-chân-thật, đối với sự Thật” (Lời Thưa của Tác Giả, MXCMB, tr. 9-10).


Nhân vật của Cung Tích Biền, những con người hướng thượng hoặc tự khẳng định là con người, đã từ cõi chết hoặc sống như đã chết, dù trong hoàn cảnh nào, cũng tìm sự sống. Họ nếu chưa đã thì sẽ ngoi lên từ cái Chết tâm linh hoặc từ hầm mộ xương và xác người; sống vì phải sống nhưng khi tình cảnh xảy ra, có thể chấp nhận chết để người khác được sống!

*

Với hai tác phẩm này, thiển nghĩ Cung Tích Biền đã cho độc giả nhìn thấy và tin rằng, miền Nam và Việt Nam Cộng Hòa đã bị chôn sống, nhưng vẫn chưa chết, ít ra ở phẩm chất và sức sống! Viết để trần thuật, làm chứng và ở một vị thế cực chẳng đã, Cung Tích Biền đã thành công phá đổ tất cả, từ nội dung đến hình thức cũng như đặt lại các vấn đề, vấn nạn. Sáng tác trong tinh thần hậu-hiện-đại, con chữ mang dấu ấn cấu trúc của thời đại, các chuyện kể được viết ra như những liên-văn-bản, nội dung, tình tiết, lớp lang bị đảo lộn, cắt khúc hoặc xuất hiện như không hẹn trước, như đã là lịch sử của đất nước. Văn chương Cung Tích Biền như một cõi mê cung, siêu thực đồng thời như hiện thực huyền ảo, nhưng phong phú và chân thật.


Trước 1975, Cung Tích Biền từng có những sáng tác về hòa bình và thời sự. Sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản, ông hiếm khi Xuất hiện trên báo chí và xuất bản chính thức trong nước nhưng vẫn bị một số ngộ nhận. Ông định cư ở Hoa-Kỳ năm 2016 nhưng trước sau đã có mặt với sinh hoạt văn học hải ngoại; đó là lý do chúng tôi viết về ông như một nhà văn Việt Nam hải ngoại.


Nguyễn Vy Khanh

9.2019

Nguyễn Vy Khanh

Ngôn Ngữ số 4, 1-11-2019