Tao Đàn Miền Nam, Tao Đàn Hải Ngoại (Viên Linh)
Đinh Hùng (1920 - 1967)
thi sĩ sáng lập Ban Tao Đàn,
tháng 11.1955
Sau khi Khởi Hành số 117 (tháng 7) phát hành, được tin người biên tập nòng cốt cuối cùng của Ban Thi Văn Tao Đàn lâm bệnh, tôi đã quyết định ngay cần phải tổ chức một buổi nói chuyện để ghi nhớ công lao và sự đóng góp của ban thi văn này vào sinh hoạt Văn hoá Miền Nam trong "thời kỳ dựng nước" sau 1954, trước khi người cuối cùng của ban này ra đi. Tạm gọi buổi nói chuyện đó là Chiều Tao Đàn. Tôi bàn chuyện đó với nhà thơ Thái Thuỷ, người đã vào Ban Tao Đàn từ năm mười chín tuổi. Năm nay anh đã 71. Anh đồng ý.
Ý kiến được mang ra bàn lại với anh em bên nhật báo Người Việt, và thế là cả hai tờ báo đều đứng ra tổ chức Chiều Tao Đàn. Người đại diện cho Khởi Hành là Viên Linh; người đại diện cho Người Việt là nhà thơ Đỗ Quí Toàn. Ngày được chọn là Thứ bảy 29.7.06.
Chương trình cuộc nói chuyện sẽ gồm:
1. Sự thành lập Ban Tao Đàn. (Viên Linh phụ trách.)
2. Về Thành phần chủ trương của Tao Đàn: Đinh Hùng, Thanh Nam, Huy Quang, Thái Thủy, Tô Kiều Ngân. (Tìm người viết về các nhân vật trên.)
3. Về Thành phần diễn ngâm: Mộng Hoàn, Hồ Điệp, Hoàng Thư, Giáng Hương, Nguyễn Thanh, Thái Hằng, Quách Đàm, Hoàng Oanh. (Tìm và mời và nói về những người này, nhất là cái chết của Hồ Điệp.)
Nguyễn Thanh
ngâm 23 thể điệu thơ Việt Nam
4. Mai Hương và Quỳnh Giao trình bày bài ca Lá thư gửi mẹ do Nguyễn Hiền phổ thơ Thái Thuỷ. Hà Phương, Hải Bộ ngâm - sáo bài thơ trên.
5. Nguyễn Thanh và các điệu ngâm thơ Việt Nam.
6. Bán vé hay miễn phí? (Vô cửa tự do.)
7. Tưởng lệ, Giải khát (Người Việt đảm nhận.)
Đây sẽ không phải là một đêm văn nghệ giúp vui, mà là một sinh hoạt văn hoá, nên phần thuyết trình quan trọng hơn phần trình diễn; mà trình diễn là để minh hoạ chủ đề, không phải chỉ để ngâm thơ hát múa linh tinh. Cũng không cần MC, kiểu MC mà câu nói hữu dụng nhất là "xin quí vị cho một tràng pháo tay."
Một tuần trước ngày khai mạc, Trưởng Ban tổ chức mắc việc tang, phải rời California đi New York. Tin dữ không thông báo với ai, để chương trình tiến hành không xáo trộn. Cô Nguyễn Tà Cúc được nhờ thay thế, và được nhờ "ngay cả khi Trưởng Ban tổ chức không về kịp ngày khai mạc, cô sẽ thay thế làm việc tới khi bế mạc chương trình." Đó là lý do trong Chiều Tao Đàn hôm 29.7 cô Tà Cúc đã đại diện Khởi Hành điều khiển chương trình, giới thiệu chương trình, với sự đồng ý của nhà văn Phạm Quốc Bảo, đại diện Người Việt (thay thế anh Đỗ Quí Toàn đi Canada không về kịp) và bổn báo chủ bút chỉ đọc phần phát biểu về sự thành lập Ban Tao Đàn, Cái chết của Hồ Điệp, là hai phần chưa kịp viết thành bài mà chỉ ứng khẩu, và vào phút chót của chương trình, lên ngâm bài thơ Khóc Con, thay vì điều khiển chương trình như dự định.
Buổi sinh hoạt đã diễn ra toàn mỹ, từ bốn tới năm trăm người tham dự [xin xem hai bài tường thuật của phóng viên Nguyên Huy trên báo Người Việt, in lại dưới đây] trừ việc vì quá đông, các nghệ sĩ Giáng Hương, Thái Lâm, Minh Trúc dự trù có tham dự trình diễn, vì chúng tôi có mời, nhưng không thể đi lên phía sân khấu nên Ban Tổ chức không biết là các vị ấy đã đến, để mời lên.
Sau đây là hai bài thuật sự của báo Người Việt thuật lại Chiều Tao Đàn và các bài viết mới nhất về nhân sự Tao Đàn của nhà văn Văn Quang từ Việt Nam gửi qua, của nhà báo Phan Lạc Phúc từ Úc gửi qua, và các bài phát biểu của các diễn giả Cao Tiêu, Trần Ngọc Ninh và Viên Linh. Hình chụp của các nhiếp ảnh gia Phan Diễn và Dương Thanh Liêm.
Bạn đọc có thể vào Website: FREEVN.NET của nhà truyền thông Bùi Bỉnh Bân để xem toàn bộ buổi sinh hoạt.
Nhà thơ Tô Kiều Ngân
Ban Tao Đàn, "tiếng nói thơ văn miền tự do", do nhà thơ Đinh Hùng thành lập, xuất hiện trên làn sóng điện của Nha Vô Tuyến Truyền Thanh Việt Nam từ tháng 11.1955, thời ông Đoàn Văn Cầu (hay Cừu) làm Giám đốc.
Các biên tập viên nòng cốt, ngoài thi sĩ đầu đàn, còn có Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, Thái Thủy và Huy Quang. Với 45 phút phát thanh, chương trình đòi hỏi lượng bài vở rất lớn, cho nên một buổi Tao Đàn được chia ra làm ba hoặc hai phần, gồm ba hoặc hai bài. Những người viết nhiều nhất là Đinh Hùng, một tuần sáu bài; Thanh Nam, Thái Thủy, một tuần bốn bài, Huy Quang và bất thường, một tuần hai bài.
Mỗi bài viết cho thời lượng phát thanh 15 phút được trả nhuận bút 240 đồng. Để biết giá trị của đồng bạc thời đó, chúng ta có thể hình dung qua sự việc, là cơm tháng cho một người hồi ấy chỉ cần 600 đồng, nghĩa là viết ba bài là đủ ăn trong một tháng. Các diễn viên diễn ngâm được trả 200 đồng cho một chương trình, thường là ngâm hai hoặc ba bài Các tên tuổi diễn ngâm hồi đó có thể kể là Mộng Hoàn, Hồ Điệp, Thiếu Lang, Hoàng Thư, Nguyên Thanh (Nguyễn Thanh Hùng), Quách Đàm, Giáng Hương, và sau này có Hoàng Oanh, Quang Minh, bên những tiếng sáo Tô Kiều Ngân, Thanh Hà... Đệm nhạc có Phạm Đình Chương và Ngọc Bích.
Trong hai năm đầu, Chương trình Tao Đàn phát thanh một tuần sáu lần, từ 9 giờ 15 tới 10 giờ tối. Đây la hai năm cực thịnh của nó. Năm 1957, khi Phủ Tổng Thống (thời ông Ngô Đình Diệm), đưa ông Bửu Thọ qua làm Giám đốc, thì Tao Đàn rút xuống một nửa, chỉ còn ba tuần một lần, thứ hai thứ tư thứ sáu. Sự xuống cấp còn tệ hơn nữa vào năm 1963, năm có cuộc đảo chính, vật giá leo thang, mà "tiền cachet", cách gọi hồi ấy, không tăng, cho nên có nhiều nghệ sĩ rời bỏ các chương trình phát thanh, trong có chương trình Tao Đàn.
Hồ Điệp (diễn ngâm)
Năm 1967 thi sĩ Đinh Hùng qua đời, Chương trình Tao Đàn được tiếp tục bởi các nhà thơ Thanh Nam, Thái Thuỷ, Thục Vũ, Phổ Đức.
Tổ chức Chiều Tao Đàn hôm nay, 29 tháng 7, chúng tôi không chỉ làm tưởng niệm những người đã đóng góp lớn lao cho Thi Văn Việt Nam qua một hình thức phô diễn đặc thù, đến nỗi sau này người ta nhiều khi không gọi là ngâm thơ, mà gọi là ngâm Tao Đàn; Tao Đàn, một danh từ riêng đã trở thành danh từ chung bởi vì phẩm chất của chương trình, từ kỹ thuật đến mục đích hướng tới, đã được nhìn nhận là có nghệ thuật cao, bài vở chọn lọc, hướng tới tinh hoa, và có cung cách nhà nghề, phổ biến thơ văn cũng như phát triển tâm hồn, vừa thể hiện tâm tư người nghệ sĩ chân chính vừa phục vụ nghệ thuật ca ngâm trước thính giả, và nhất là sống trong lòng người, nghĩa là nói được tâm tư thời đại.
Đọc thơ, ngâm thơ, hát thơ là nghệ thuật có tính cách truyền bá đơn giản, nhờ cậy ở làn hơi, tiếng ngân, cách diễn tả ngôn ngữ rành rọt, đúng thật, trực diện và trực tiếp, không thể nhờ vả ở kỹ thuật tân kỳ để che lấp đi những khuyết điểm, do đó cần luyện tập cho thành thạo trước khi trình diễn thật. Người ta không thể ngâm lại một câu thơ hỏng trước đám đông, hay khi trình diễn sống, cũng không thể uốn éo đóng kịch mà mong thành công để thể mang câu thơ tới người thưởng thức. Bởi vậy chúng tôi nghĩ rằng Miền Nam đã sản xuất ra Tao Đàn, Hải Ngoại phải tiếp tục Tao Đàn.
Hãy cùng chúng tôi thành lập Hội Thi Văn Tao Đàn. Hàng tháng chúng ta gặp nhau, bình thơ và nghe thơ. Văn ôn, võ luyện may ra mới làm nên chuyện, cho nên chúng tôi không mong có được thiên tài, chỉ mong có bạn đồng hành, đồng tâm, mở ra những buổi diễn tập, bình thơ, tìm hiểu thi văn hàng tháng.
Cần thực tế và thực dụng. Chúng ta cần những trái tim mà cũng cần những bàn tay, hy vọng tạo nên một sinh hoạt thi ca nghiêm chỉnh và đều đặn. Quí bạn có thể liên lạc với Ban Tổ Chức qua địa chỉ của nguyệt san Khởi Hành.
(Viên Linh, Lời Khai Mạc)