31-05-2012 | VĂN HỌC

Những kỷ niệm với Bách Khoa, VĂN ĐÀN TÌNH THOẠI

   PHAN DU


     Ban Biên tập tạp chí BK: Lê Thanh Thái, Lê Ngộ Châu, Võ Phiến, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh (từ trái sang phải). Nguồn: TQBT

“… Gởi thêm sáng tác vào. Truyện "Ả Xíu" được anh em tán thưởng nhiều, cho là có lời bố cục rất ngộ. Riêng tôi, tôi lại khoái truyện "Chiếc quạt tím" hơn. Nên cộng tác với Bách Khoa vì anh em trong này là những người đứng đắn, có nhận thức, có khả năng thẩm định giá trị văn chương. Chúng tôi vừa đi một chuyến Đà Lạt về. Cố gắng vào chơi. Anh em mong chờ.”


Bức thư trên đây của Vũ-Hạnh có kèm theo một tấm ảnh. Đến nay tấm ảnh đã bị thất lạc vào dịp biến cố tết Mậu Thân, lại vì lâu ngày quá, tôi không còn nhớ rõ ngoài anh Lê Ngọc Châu và Vũ Hạnh ra, là anh Hoàng-Minh-Tuynh? Ngu-Í? hay Cô Liêu? Ảnh chụp trên đường từ Đà Lạt về.


Tôi có duyên với Bách-Khoa kể từ dạo ấy, nghĩa là từ năm 1960. Cái mộng nam-du, gặp anh em một chuyến cứ ve vãn tôi hoài. Và sau đó ít lâu, tôi cố thu xếp để lên đường vào Nam lần đầu. Tình hình an ninh thuở đó còn khá tốt đẹp nên tôi đi tàu suốt thay vì đáp phi cơ, như thế vừa đỡ tốn lại vừa vui hơn. Đi chơi xa, chẳng có chuyện gì còn phải tranh thủ thời-gian, thì dùng tàu suốt là khoái nhất. Trên tàu đã có lắm chuyện vui, lại được ngắm nhiều cảnh trí, tận hưởng được cái thú của một cuộc du lịch thong dong nhàn nhã. Cái may của tôi khi lên tàu là gặp được một ông bạn đồng hành có đủ đồ lễ để cùng nhau đối ẩm, cả trà lẫn rượu. Và không có cái thú nào cho bằng, trong lúc con tàu xê dịch, ngồi ngắm cảnh rừng âm u, trùng điệp dưới ánh trăng mờ, qua cái ngà ngà của hơi men, hay cảnh mặt bể vào buổi thanh thản, với cái hương vị của những chén trà thơm nóng, cái đẹp muôn vẻ của đất nước, non sông, vào những lúc này, có một sức quyến rũ thực là kỳ diệu…


Nhưng dù vui đến đâu, sau mấy ngày đêm bị nhồi lắc, lại mất ngủ, khi đến gần Sàigòn tôi nghe đã mệt nhoài. Nhìn vào gương tôi đâm hoảng, vì thấy mình mất hẳn phong độ. Tuy lấy vé hạng nhì về đêm cùng bạn đồng hành sửa soạn được chỗ nằm cũng khá thoải mái, ăn uống lại rất ngon miệng, vì thực phẩm - từ trái cây đến các món ăn mua ở ga vừa rẻ lại vừa dồi dào - nhưng tư thái của tôi lúc ấy trông thực chẳng khác gì một tên Bô-hê-miêng đói khát lâu ngày. Mắt lõm sâu, mặt mày bơ phờ, hốc hác, thân hình có vẻ gầy gập, quần áo lại nhầu nát, thay đổi trên tàu cũng bất tiện, tôi đâm ra hối hận đánh điện tín báo trước ngày vào.


Tàu càng tiến vào Sàigòn, tôi càng đâm lo. Mới lần đầu tiên hội ngộ với anh em thuộc giới cao nhân, mặc khách ở Thủ-đô, mà phô trương cả một cái tác phong “bụi đời” như thế này coi sao cho được và tránh sao cho khỏi cái tiếng khiếm nhã. Tôi thầm mong chỉ Vũ-Hạnh ra đón tôi, về nhà tắm rửa, nghỉ ngơi cho lại sức rồi sau đó sẽ hay. Nhưng mặc cho lòng tôi áy náy, bánh xe lạnh lùng vẫn cứ quay nhanh trên đường sắt, rồi rú còi báo hiệu cuộc hành trình ngàn dặm đã đến hồi chấm dứt, và ngừng lại trước ga Sàigòn.


Tôi đang loay hoay với mớ hành lý ở sát cửa toa, đã nghe tiếng gọi, tiếng cười quen thuộc của Vũ-Hạnh. Và nhìn ra thì không phải chỉ có mỗi Vũ-Hạnh, mà còn có những bốn năm anh em khác nữa cũng vẫy tay vui vẻ chào mừng. Tôi đâm ra ngượng ngùng lúng túng, nhưng rồi cũng phải liệu bài “phớt tỉnh” chớ biết làm sao bây giờ. Tôi bước xuống tàu, tiến thẳng tới, tươi cười đáp lễ, và rồi, chỉ trong giây lát, sau khi tay đã bắt tay, tôi cảm thấy dễ chịu, tự nhiên, thoải mái như đang đứng giữa thân bằng đã từng sống với nhau rất lâu ngày, như một người đi xa trở về giữa những linh hồn thân yêu cùng chung mái ấm. Thái độ, cử chỉ, cung cách tiếp đón và từ nụ cười ánh mắt cho đến những lời thăm hỏi, có gì xóa tan trong tôi tất cả mọi áy náy, ngại ngùng. Trời mùa hè, nóng bức với ánh nắng chói chang, nhưng tôi cảm thấy không khí vẫn êm ả như khí trời mùa Xuân. Sài thành lần đầu tiên như cố khoa trương, chưng bảnh với tôi, cái vẻ sôi động, phồn vinh, hoa lệ của nó, nhưng trên chuyến xe từ nhà ga về tòa soạn, tôi không hề ngó ngàng tới nó, chỉ vì cái vui hội ngộ và những câu chuyện hàn huyên đã choán hết tâm trí của tôi…


Về sau này, theo với thời gian, tôi càng nghiệm thấy rõ hơn cái thắm thiết của mối tình giữa tôi với Bách-Khoa. Thực ra tôi đâu có cộng tác thường xuyên, nhưng Bách-Khoa đối với anh em cộng tác lại rất mực chung thủy. Có khi gián đoạn cả năm không hề viết lách, nhưng báo biếu vẫn được gởi tới đều đều, tình trạng sức khỏe công việc làm ăn vẫn được thường xuyên thăm hỏi. Và đáng cảm động hơn, là sau khi biến cố Tết Mậu- Thân xảy ra, Bách-Khoa, trước hơn ai hết, đã tỏ ra băn khoăn, lo lắng vì tôi và một số anh em văn hữu bị kẹt trong vòng máu lửa, dò thăm tin tức, tìm hiểu tình trạng với tất cả cái chân tình huynh đệ, vui, buồn, sướng, khổ không hề quên nhau.


Riêng về phần tôi, tôi nghĩ rằng không phải chỉ tấm thạnh tình ấy là yếu tố duy nhất đã tạo ra mối liên hệ, ràng buộc vô hình giữa tôi với tạp chí này. Phải nói là do nhiều yếu tố khác nữa, và mối liên hệ keo sơn ấy quả đã được kết dệt ngay từ trong cái khung cảnh, không khí đặc biệt của tòa soạn Bách- Khoa.


Quả vậy. Ở Sàigòn, ngoài Bách-Khoa ra tôi cũng còn cộng tác với một số tạp chí khác: Tiểu thuyết thứ bảy (miền Nam), Văn hữu, Tin Văn, Tin sách, Văn, Tân Văn, Văn hoá nguyệtsan, Nhân loại v.v… Có những tạp chí tôi chưa hề đến tòa soạn. Có một vài tòa soạn thỉnh thoảng tôi ghé thăm chơi, nhưng không nơi nào tôi cảm thấy thoải mái, lưu luyến như tòa soạn Bách-Khoa. Ngay cả đến tòa soạn của Văn cũng vậy. Anh Trần Phong Giao là một văn hữu rất tận tâm với bạn bè, rất tốt với tôi. Anh Nguyễn Đình Vượng cũng dành cho tôi một cảm tình nồng hậu. Mỗi khi tôi vào Saigon mà ghé lại thế nào cả hai cũng vì tôi, tổ chức một tiệc tẩy trần khá thịnh soạn.


Tuy nhiên tòa soạn Văn lại không hấp dẫn. Không phải vì nó lộn xộn, tấp nập, ồn ào. Tôi đã quá quen và cũng biết yêu cái ồn ào của nhà in, của máy in. Cũng không phải vì cái thói quen cố hữu của anh Trần Phong Giao vừa tiếp khách, vừa tiếp bạn, vừa chúi mũi chúi lái vào công việc sửa chữa bản vẽ, trình bày ấn phẩm, sắp xếp bài vở. Có thể là vì cái không khí ở những nơi này thiếu một cái gì phù hợp với bản chất của tôi, với cái ý niệm tôi thường có về một tòa soạn, thiếu cái phong vị êm ả, ấm cúng, thân mật của một nơi hội hữu. Tôi tìm thấy những đặc tính này ở tòa soạn Bách Khoa.


Trong thời gian chín tháng lưu trú ở Saigon, vào khoảng năm 1964-1965, tôi thường tới lui tòa soạn. Một phần là vì cái mỹ ý của anh Châu, thường khuyên tôi những lúc rảnh rỗi nên đến xem sách, xem báo, và tôi vốn cũng thích như vậy, vì Bách Khoa có nhiều sách, báo tạp chí Pháp ngữ mới và có giá trị. Một phần là vì nơi đây tôi có nhiều dịp được gặp gỡ, hiểu biết một số văn hữu, được đàm đạo hoặc dự thính những cuộc mạn đàm vui và bổ ích, qua những chén trà thơm nóng, những điếu Bastos De Luxe.


Tòa soạn Bách-Khoa quả đã khéo tạo được cái không khí phù hợp với chủ trương của Bách-Khoa. Nơi đây thực đúng là thứ “quán tha hồ muôn khách đến”, là loại “vườn chim nhả hạt mười phương”. Bất luận là trẻ, là già, là mới, là cũ, là duy vật hay duy tâm, là Phật giáo hay Công giáo, là cấp tiến hay bảo thủ, quan niệm, khuynh hướng, chính trị, nghệ thuật, văn chương như thế nào đều được đón nhận với sự cảm thông và được chung đụng trong cái thế hoà đồng cởi mở. Từng được nghe có người gọi là nhóm Bách-Khoa, nhưng theo tôi thiển nghĩ, gọi như vậy thì không được ổn. Nói riêng về sáng tác, người ta không thể sắp xếp Võ Phiến cùng Vũ Hạnh chẳng hạn vào cùng một nhóm. Còn về quan điểm, khuynh hướng, lập trường, chính trị lại càng không thể nhốt tất cả các anh em nòng cốt trong ban biên tập vào cùng một cái khung duy nhất.


Phải có sống qua trong cái không khí của những buổi họp tòa soạn mới càng nhận rõ những điểm này. Dạo còn ở Sai-gon, mặc dù tôi không ở trong ban biên tập thường xuyên, nhưng thỉnh thoảng cũng được tham dự. Thật là sôi nổi và hào hứng, và lắm lúc do tình hình chính trị mà có nhiều pha gay cấn, làm nổi bật vai trò và cái nghệ thuật “hoá giải” của anh Lê Ngộ Châu, con người trầm mặc, tế nhị, hiền hòa, giọng điệu lúc nào cũng khoan thai, hòa hưỡn, đĩnh đạc, và có thể anh thành công nhiều trong vai trò này là do ở thái độ cởi mở cũng như nụ cười đặc biệt của anh, cái cười của một sứ giả hòa bình. Với anh thì Sừng với Mỏ khó thể mà còn hục hặc với nhau, Mặt Trời với Mặt Trăng khó thể còn tìm đường tránh mặt, mọi sự khắc xung đột về ý kiến, quan điểm đều tiến tới chỗ dung hòa, vui vẻ cả làng.


Con thuyền “Bách-Khoa” không phải lúc nào cũng được xuôi dòng, thuận gió. Nó cũng gặp nhiều xoáy nước hiểm nghèo vì tình hình chính trị, vì tình trạng tài chính. Qua những bước thăng trầm của nó, nhiều lúc tôi cũng tự hỏi nếu là một người nào khác chứ không phải anh Châu chèo chống, thì tạp chí này có kéo dài được đời sống của nó như vậy hay không?

Tôi còn nhớ, sau cuộc đảo chính 1-11-63 ít lâu, đã có một lúc Bách-Khoa bị đặt trước hai con đường phải chọn. Một là phải cải đổi danh tánh, hai là phải chịu một đòn khai tử. Một tạp chí như Bách Khoa mà phải chịu bề khai tử thì ngay độc giả xa gần cũng đã thấy đau lòng rồi huống nữa là chính những người từng dày công gầy dựng, vun tém, tài bôi. Chấp nhận chuyện đó làm sao cho được. Nhưng chịu cải đổi danh tánh thì có khác gì đưa nó xuống mồ. Thực là nan giải. Ấy thế mà rồi mọi chuyện đã qua đi một cách êm ru bà rù. Bách-Khoa thoát nạn. Mà thoát nạn là nhờ cái sáng kiến khéo léo của anh, cái tài quyền biến. Cải đổi danh tánh thì cải đổi, nhưng quả là một lối cải đổi của nhà ảo thuật. Trên mặt pháp lý, Bách-Khoa rõ ràng đã đổi họ, đổi tên, nhưng trong thực tế Bách-Khoa lại vẫn là Bách-Khoa như thường, chỉ chắp vá thêm hai chữ “thời đại” nhỏ xíu, để rồi sau đó, theo với thời gian, cái phụ bộ ghép chắp tạm thời ấy, một sớm nào đó, đã lặng lẽ biến đâu mất hút.


Vào cái thuở vàng son của Bách-Khoa, những cuộc họp báo như trên bao giờ cũng đi đôi với những cuộc “yến ẩm” khá thịnh soạn.


Chiếu rượu thường được mở ra ngay tại tòa soạn, và cái khí thế tao đàn hùng biện của một số anh em, từ cuộc họp lại kéo dài ra bàn ăn thao thao bất tuyệt. Cũng có khi họp xong lại kéo nhau đến tiệm. Và thông lệ của Bách-Khoa là mỗi lúc có một văn hữu nào ở xa về thì thế nào cũng có tiệc tẩy trần, đông đủ bá quan toà soạn.

Tôi đã được đãi ngộ như vậy nhiều lần và cũng được đóng vai tiếp tân như vậy nhiều lần, vui và cảm động biết bao. Nhưng bữa tẩy trần mà tôi cho là thích thú nhất, còn lưu giữ nhiều kỷ niệm nhất, là bữa ăn thân mật ngay ở tòa soạn, vì tổ chức gấp rút, nên chỉ có anh Châu, Võ Phiến và tôi. Đó là một ngày mưa. Trời mưa lâm râm bên ngoài. Khí trời hơi lạnh. Chúng tôi cùng ăn món chả cuốn do chị Châu làm. Món ăn đã khoái khẩu, không khí gian phòng lại đầm ấm và câu chuyện của hai anh càng làm tăng thêm cái ý vị, tình thân mật của cuộc tái ngộ. Chính trong bữa ăn hôm ấy, anh Châu còn dành cho tôi một sự ngạc nhiên đầy thú vị. Từ trước, qua cái vẻ điềm đạm, trầm lặng của anh, tôi thường nghĩ anh là một Chủ nhiệm, Chủ bút chỉ biết chí thú, hăng say với công việc tòa báo, một loại người hiền lành, vô sự. Ai hay, trong bữa ăn này, anh đã khiến tôi phải sửng sốt đến bật ngửa và đâm hoảng, vì nhận ra người đang đối diện với mình quả là một tay nguy hiểm quá chừng! Thì ra mặt ngoài trông có vẻ dửng dưng, thinh lặng như Bụt, cũng chẳng hay xuất môn, xuất ngoại, vậy mà lại am tường quá nhiều về thiên hạ sự, lại nắm hết hồ sơ bí mật của bọn anh em, từ chân tơ đến kẽ tóc.


Trông người mà ngẫm đến ta, nghe chuyện anh em mà, trong suốt bữa ăn, tôi cứ thỉnh thoảng phải giật mình sờ tay lên ót, để phập phồng lo ngại về nỗi hồ sơ của mình! Cũng trong dịp này, tôi càng nhận rõ được cái khiếu phúng thích, trào lộng của anh Võ Phiến qua lối trò chuyện của anh, nhất là những mẩu chuyện về “chính quyền”, về một số nhân vật tai to mặt lớn ở vào thời ấy. Trong lúc dùng đồ tráng miệng, tôi đã phải cười đến gập người vì mẩu giai thoại liên hệ đến một cuộc kinh lý của Tổng-thống họ Ngô. Đó là vụ cãi vã tùm lum giữa một ông Quận-trưởng và một đại diện chính quyền xã sở tại về một vấn đề cực kỳ trọng đại: về cái cầu tiêu dựng riêng cho Cụ. Cái đáng nêu ở Võ Phiến, theo tôi nhận thấy là cái bản chất chân thực, hiền hòa của con người Bình Định cộng thêm cái tinh nhã, mẫn nhuệ của hạng có nhận thức và cái láu lỉnh khả ái của con người văn nghệ. Lối tỏ vẻ ngạc nhiên của anh rất là đặc biệt và lối cười thực là dễ cảm.


Nói đến cái khiếu phúng thích, trào lộng thì trong tòa soạn Bách-Khoa còn phải kể đến Vũ Hạnh. Có Vũ Hạnh là có sự ồn ào, có sự vui nhộn và có đủ chuyện cười. Lại thao thao bất tuyệt. Trong số văn hữu quen biết, tôi phục cái tài nói của hai người: Vũ Hạnh và Nguyễn văn Xuân. Nếu xét về cái kỷ lục cả tiếng lại dài hơi thì Nguyễn văn Xuân ăn đứt. Trong một dịp gần đây, cũng tại tòa soạn Bách-Khoa, anh Trí Đăng đã tiết lộ với tôi rằng khi ra Đà Nẵng tìm nhà anh Xuân, vì nhớ lộn số nhà, đã tưởng không sao gặp được, thì may mắn quá, ngay giữa lúc đang loay hoay ngoài lộ, vẫn nghe được tiếng nói, giọng nói của giáo sư họ Nguyễn - ý chừng đang tranh luận về một vấn đề gì đó - vọng ra rõ mồn một từ tư thất ở tận cùng ngõ hẻm. Tôi còn dám nghĩ rằng nếu anh Trí Đăng đứng cách xa độ vài trăm thước nữa vẫn cứ nghe rõ như thường. Nhưng xét về mặt bay bướm, hóm hỉnh, hấp dẫn thì Vũ Hạnh có phần trội hơn. Có tài lôi cuốn người nghe, ngay cả những lúc nhà hùng biện này cố tình ngụy biện cho… vui sự đời.


Với Vũ Hạnh, tôi còn giữ lại một kỷ niệm khá vui về cái gác của tòa soạn Bách-Khoa. Tôi không ngờ với ông chủ nhiệm kiêm chủ bút họ Lê, cái gác ấy lại có một công dụng rất ngộ. Một hôm, cũng vào dạo còn ở Saigon, tôi có chuyện cần gặp Vũ Hạnh. Đến nhà không gặp, tôi liền tới ngay toà soạn Bách- Khoa. Tôi đã thất vọng, vì thường Vũ Hạnh ở đâu thì dù chưa thấy người cũng đã nghe được tiếng rồi, nhưng đằng này hình cũng không mà tiếng cũng vắng. Tôi liền hỏi anh Châu. Câu hỏi vừa dứt, tôi đã nghe có tiếng động trên gác và cái giọng vừa bông đùa, vừa đau khổ của Vũ Hạnh:


- Cậu đó à? Tôi bị câu lưu trên này từ sớm đến giờ. Chờ tôi giây lát.

Tôi chưa hiểu chuyện gì đã nghe anh Châu dõng dạc lên tiếng:

- Suỵt! Không có lộn xộn Anh cứ ở yên trên ấy cho đến lúc nào viết xong hãy xuống…

Rồi anh mỉm cười và chậm rãi phân trần:

- Vũ Hạnh chưa có bài. Hẹn mãi vẫn không có. Hôm nay bắt được anh ấy đến đây, tôi phải dùng "biện pháp mạnh" nhốt kỹ trên đó, buộc phải viết cho xong mới được đi.


Tôi nhận thấy vụ câu lưu này quả cũng chính đáng và không phải là trường hợp có thể thuyết phục, nên tôi đã rút lui sau khi đã cạn mấy chén trà thơm. Thực ra thì Vũ Hạnh chậm trễ bài vở hồi đó, một phần là vì công chuyện làm ăn. Dạo ấy Vũ Hạnh có nhiều “áp phe văn nghệ”, chẳng hạn như việc soạn thảo loại sách kiến thức thời đại và công việc dịch thuật. Tôi được biết rõ vì được yêu cầu góp phần bằng cách xem lại và góp ý về những bản dịch, đi lùng các tiệm sách với Vũ Hạnh và T.Đ.C để chọn sách cần dịch. Chúng tôi thường gặp nhau ở tiệm cà phê bên cạnh tòa soạn Bách-Khoa hay ở gần Thanh Bạch để thảo luận, bàn bạc về chương trình soạn thảo và các tác phẩm cần dịch. Tôi nhớ vào khoảng tháng 7-1964, bản dịch mà tôi được Vũ-Hạnh trao để coi lại là truyện Lettre d’une inconnue trong quyển Amok của Stefan Zweig, do Thời Mới xuất bản.


Cũng vào khoảng đó, tôi bắt đầu soạn thảo tập Truyện Con Người. Công việc của Vũ Hạnh có phần bộn bề mà tình hình lúc đó lại quá đỗi chộn rộn. Các vụ khủng bố bằng chất nổ xảy ra rất thường trong thành phố. Dư luận xôn xao, chào xáo nhiều về chuyện Cabot Lodge ra đi với khăn đống, áo dài Việt Nam và một quân nhân, một Tham mưu trưởng liên quân là Maxwell Taylor thay thế. Không khí càng căng thẳng với các vụ thi đua xuống đường, biểu tình bạo động, với cuộc thi đua biểu dương thanh thế của các giáo phái, sự cọ xát giữa Công giáo với Phật giáo, giữa mỗi tôn giáo này với Chính-phủ Nguyễn Khánh, giữa chính phủ này với các chính đảng, với đại khối quần chúng bất mãn vì mất tin tưởng, ngày càng gia tăng dữ dội như lửa đổ thêm dầu. Rồi vụ các chiến hạm Maddox và Turner Joy tấn công hay bị tấn công gì đó ở ngoài khơi Bắc Việt. Chủ trương Bắc tiến được tung ra ồn ào. Vụ oanh tạc Vinh và Bến Thủy. Rồi xáo trộn càng gia tăng với việc ban hành Hiến chương 16-8-1964 và những vụ báo động khai diễn tại nhiều đường phố giữa đồng bào Công giáo và Phật giáo. Vũ Hạnh đã trễ nải bài vở là vì công việc và cái không khí rộn ràng như vậy.


Riêng tôi, dạo ấy, càng đến Bách-Khoa thường hơn, vì có lý do. Quả thực tôi có nhiều chuyện buồn phiền, nói là bực mình thì đúng hơn. Xin nghỉ việc ở Huế, vào Saigon là tôi quyết định chuyển qua nghề dạy học, từ bỏ hẳn đời công chức. Cho nên dù được giữ lại để trông coi Sở Sưu tầm Nghiên cứu, tôi vẫn nhờ Vũ Hạnh giới thiệu với một số tư thục. Nhưng rồi tình hình ngày càng rối ren, chuyện lãng khóa, bãi khóa xảy ra như cơm bữa, và sau lần đến thăm anh Nguyễn văn Xung, bị thất nghiệp vì tình trạng chung của giáo giới, nằm co trên gác vắng, uống nước lã, ngâm thơ và chửi đổng giải sầu, Vũ Hạnh bàn với tôi nên ẩn nhẫn để chờ tình hình sáng sủa. Mà càng nấn ná chờ đợi thì càng thêm bực mình với bao nhiêu bê bối, bất công, luộm thuộm ngay dưới các cơ quan mình phải trông coi. Thêm vào đó còn cái buồn vì phải xa gia đình. Hơn nữa, vì trọ ở dãy lầu Chà, đường Trần Hưng Đạo, tôi phải trải qua nhiều đêm thức trắng. Tại đây, đêm nào cũng ồn ào, náo động với cảnh tụ tập đông đảo, hỗn loạn, cùng những tiếng la ó, hò hét, đập phá, xen lẫn tiếng ca hát đùa nghịch của đám người xuống đường, chiếm đường tự do tung hoành trong cái không khí hoàn toàn vô chính phủ.


Trong cái tình hình sôi động và cái tâm trạng chán chường ấy, tôi càng thích đến tòa soạn Bách-Khoa, vì ít ra ở đây cũng còn tìm được sự yên tĩnh, còn có những giây phút di dưỡng tinh thần, có sự đồng thanh đồng khí lại nghe ngóng được nhiều nguồn tin hiếm lạ.


Đến tòa soạn, tôi thường ngồi ở một chiếc ghế đặt ở sát tường phía bên phải từ ngoài đi vào, và ngay tầm mắt tôi, trên bức tường đối diện, có mấy họa phẩm. Tôi còn nhớ tôi thường để ý đến bức họa của anh Phạm Tăng. Để ý, nhưng không muốn nhìn ngắm lâu, vì bức họa có gì quái dị, âm u gieo cho tôi một ấn tượng lạnh lùng, rờn rợn. Khi được anh Châu cho biết về trường hợp và động cơ sáng tạo họa phẩm, tôi không còn ngạc nhiên về cái ấn tượng ấy nữa. Một bức họa khác khiến tôi ngơ ngác ngác về sự hiện diện của nó. Tôi hỏi Vũ Hạnh. Vũ Hạnh mỉm cười, rỉ tai cho tôi biết đó là tác phẩm của anh Xuân Hiển, hồi đó đang giúp việc cho tòa soạn, liên lạc với nhà in. Tôi hỏi ngay tác giả, anh cũng mỉm cười nhìn nhận với cái dáng lúng túng, ngại ngùng của một phạm nhân thú nhận tội lỗi của mình.


Bức họa trình bày cảnh ngoại ô hay một phố vắng thì phải, nhưng khi tôi biết tác giả của nó, mỗi lúc nhìn tới tôi cứ phải nghĩ đến một cái gì đó khác hơn. Tôi nghĩ đến cái ao rau muống mà anh thường ước mơ. Đó là cái mộng thầm kín và rất tha thiết của anh, cái mộng rất thiết thực của một anh em miền Bắc phải di cư vào Nam, phải vật lộn với cuộc sống khó khăn, phải lăn lộn theo một cái nghề vốn thường bạc bẽo và phải ấp ủ nuôi dưỡng mãi trong lòng một mối sầu xa xứ khó có thể lãng khuây. Anh đã nói nhiều với tôi về cái mộng ấy, đã làm cho tôi phải cảm động nhiều vì cái mộng ấy, khi cùng đi với nhau suốt quãng lộ trình từ tòa soạn đến đường Trương Minh Giảng.

Đến đây, anh không còn theo đuổi nghề cũ, cái mộng ấy còn ấp ủ hay không tôi cũng khó biết vì đã lâu ngày không gặp, và cũng như bức họa của họa sĩ Phạm Tăng, tác phẩm bốc đồng và độc nhất của anh đã vắng bóng, nhưng mỗi lúc có dịp ghé Bách- Khoa, nhìn lên tường tôi lại nhớ cái “Ao rau muống”, vẫn nghĩ tới cái mộng ấy, cái mộng có gì khiến tôi phải liên tưởng, với một nỗi buồn thương mênh mang, đến cảnh phân qua lãnh thổ.


Và cũng trong cái không khí cởi mở, cái khung cảnh “dĩ văn hội hữu” của tòa soạn Bách-Khoa, với cái chân tình văn nghệ, người ta cũng dễ đi sâu vào một vài cạnh khía nhân cách của nhau, qua bên kia cái tư thái bề ngoài vốn thường đánh lạc hướng nhận xét. Chính tại đây, tôi mới khám phá được, chẳng hạn cái bản chất lãng mạn, phóng khoáng, cái văn nghệ tính đáng yêu ở bên dưới và bên trong vẻ đạo mạo, nghiêm trang, chững chạc của một văn hữu cao niên như anh Đoàn Thêm. Tôi không bao giờ quên được cái cảm thức dễ chịu tạo nên bởi cái thái độ xuề xòa, cởi mở, nhã nhặn của anh, cái dáng bất bình, đau khổ của anh vào dịp anh ngồi than thở, phàn nàn về cái dùng ngôn từ thô tục được phát biểu trong văn chương, nhất là trong một số báo hàng ngày. Lại một lần khác, cũng gặp tôi ở tòa soạn, anh đã vỗ mạnh vào vai mà trách móc:

- Tôi có đọc bài anh ở Tin Sách, bài phê bình Chất Ngọc. Chưa được, tại sao lại nhẹ nhàng quá thế? Phải mạnh hơn lên! Dù có Vũ-Hạnh ở đây tôi cũng cần đưa ra nhận xét này.


Anh nói đúng. Nhưng thực ra tôi viết bài này cho Tin Sách chỉ nhằm chủ đích giới thiệu tác phẩm mà thôi, chứ không phê bình. Tôi cho anh biết rõ như thế và nói thêm rằng tôi không phê bình vì món đó tôi thiếu sở trường.

Trước sau tôi chỉ gặp anh ở tòa soạn độ dăm ba lần thôi, nhưng tôi rất cảm mến cái phong thái cao nhã, nhất là cái tinh thần tự trọng, cái bản chất trung hậu, chung thủy của con người khi đắc thế không vênh vang, kiêu hãnh, không lợi dụng chức vụ, địa vị, khi thay đổi cảnh ngộ vẫn an nhiên tự tại.

Trong một lần thuyết trình ở một đại hội Văn hoá sau ngày đảo chính không lâu, nhắc đến chính sách đường lối của Ngô-Đình-Diệm anh vẫn giữ cái thái độ trân trọng, cái chân tình đối một nhân vật đang bị đả đảo và cái không khí đả đảo, lên án vẫn còn sôi động nơi nơi, bên ngoài đại hội anh vẫn thản nhiên, điềm tĩnh, nhắc lại: “Tôi đã thưa với Cụ như thế này, như thế nọ, và Cụ đã dạy rằng, Cụ đã quyết định rằng... Tôi đã biện luận rằng...”


Dù vốn thù ghét chế độ gia đình trị, thù ghét chế độ lãnh chúa ở miền Trung, đã vì nó mà bị giam cầm nhân cuộc đấu tranh của Phật–giáo, nhưng tôi vẫn thấy mến phục cái thái độ của anh, tôi vẫn thấy nó đẹp, một cái đẹp phải có của những con người thực sự là người, tôi thấy có cái gì đó đáng quý, đáng yêu.


Cũng trong tòa soạn, tôi được có dịp nghe Linh mục Trần Thái Đỉnh nói về Phật giáo, với cái cảm tưởng như đang đối diện một Thượng tọa mặc lộn áo dòng. Và đôi lúc được ngắm nhìn cái dáng uể oải, mệt mề tố cáo về sự suy nhược của thể xác thì ít, mà những khoắc khoải, dằn vặt về tâm tư thì nhiều, ở một con người có óc cấp tiến và giàu suy tư như giáo sư Nguyễn văn Trung, những khi anh ngồi buông mình với gương mặt xa vắng và cái nhìn lơ láo trên chiếc đi-văng. Và một Cô Liêu không cô liêu chút nào. Một Cô Liêu rất vui nhộn, rất yêu đời. Gần anh thì khó mà buồn, trái lại còn được biết thêm lắm điều hay, điều ngộ, bao nhiêu bí ẩn, ẩn tàng bên trong bóng khuất tối hay mặt trái của Sài thành hoa lệ. Chiếc xe hơi màu đen của anh, một hình ảnh tôi khó có thể quên và còn lưu giữ từ nó khá nhiều kỷ niệm vui.


Và Lê-Tất-Điều, văn-hữu nhỏ con vào bậc nhất, lúc nào cũng sẵn có cái giọng khôi hài và hóm hỉnh, đặc biệt nhất là lối cười ngửa mặt, cái cười rất dễ dàng, hồn nhiên, dí dỏm, dễ làm cho người ta cười theo và dễ vui lây. Trùng Dương, trong cái khung cảnh của tòa soạn Bách-Khoa, khác hẳn với Trùng Dương tôi gặp ở Huế sau đó. Điềm tĩnh, chững chạc, sầu mộng, giọng nói rất khoan thai trầm buồn, và chỉ khi nữ văn hữu này đứng lên dùng máy điện thoại, nghe và đối đáp, ánh mắt, sắc diện lúc ấy mới giúp tôi cảm đoán được một thứ trùng dương dậy sóng ẩn tàng bên trong.


Lê Phương Chi với cái dáng hăm hở, hăng say, nhiệt thành về nghề nghiệp của một phóng-viên. Dạo ấy anh còn làm cho tờ Tin Sách, nhưng vẫn thường lui tới Bách-Khoa. Chính anh đã săn đuổi tôi như một tay lạp thú bám riết con mồi, từ tòa soạn qua bộ Thông-tin, từ bộ Thông-tin đến gác trọ số 73 đường Trần-Hưng-Đạo không biết là bao nhiêu lần, để rồi cuối cùng dồn tôi vào tận chân tường. Rõ là bí quyết nhà nghề!


Sau cùng là Ngu-Í. Tòa soạn Bách-Khoa đã giúp tôi biết rõ thêm những điểm bất thường rất lý thú của Ngu-Í hay Ngê Bá Lí, rất nhiều giai thọai về anh để tôi thấy khoái và yêu cái “điên” của anh hơn là cái “tỉnh” hay cái “quá tỉnh” ở một số người. Gần anh, người ta đâm ra bàng hoàng trong sự phân biệt cái tỉnh với cái điên.


Chiều ngày 17-7-1964, tôi còn nhớ cùng các anh Lê-Ngộ- Châu, Võ Phiến, Vũ-Hạnh và Xuân Hiến, tôi xuống thăm anh tại Dưỡng trí viện Biên-Hòa. Đi thăm một người điên Ngu-Í, tôi đâu ngờ chính bịnh nhân Ngu-Í lại đóng vai hướng dẫn chúng tôi đi thăm khắp nơi trong khu dưỡng trí, từ khu hướng nghiệp đến phòng hội họa, phòng dệt, phòng gia chánh, phòng lò rèn v.v… Cuối cùng, khi đến khu vực dành riêng cho những phần tử hung bạo, trên cửa lầu cao có khung sắt lớn, hiện ra một hình thù đen đúa, vạm vỡ, cười nhe răng, hết đu vào song sắt lại ngồi dùng bàn tay này vuốt mạnh cánh tay kia, cứ lần lượt thay đổi tay và vuốt mãi không biết mệt mỏi, trông y cái phong thái của một con khỉ đột ở trong rừng già. Tôi mãi ngắm và muốn tiến lại gần hơn, thì Ngu-Í đã cầm tay tôi kéo lại, khuyến cáo: “Đây là loại điên nguy hiểm không nên tới gần, chúng ta đi xem nơi khác”. Rồi anh cười với hàm răng trắng nổi bật với bộ râu mọc rậm hơn nhiều, và lại tiếp tục hướng dẫn chúng tôi một cách đàng hoàng y như người tỉnh!


Mối tình của tôi với Bách-Khoa quả thực đã được cấu thành, kết dệt từ những người và sự việc cùng bao nhiêu kỷ niệm vui buồn như trên, để dù không cộng tác được thường xuyên, tôi vẫn thấy một liên hệ thắm thiết đậm đà và mỗi lần có dịp vào Saigon, thế nào tôi cũng phải ghé vào tòa soạn, dù gặp trường hợp gấp rút, hạn hẹp thời gian tới đâu, tôi cũng cố tranh thủ để tạt vào, ít nhất cũng uống cạn được một chén trà, hút tàn được một điếu thuốc mới nghe thỏa lòng.


oOo


Thấm thoát, Bách-Khoa đã được mười lăm tuổi tròn. Ở con người cái tuổi ấy mới là cái tuổi dậy thì. Ở một thiếu nữ cái tuổi ấy chỉ mới báo hiệu thời kỳ cài trâm. Nhưng với một tạp chí, nhất là tạp chí sống tại miền Nam, thì cái tuổi mười lăm quả đáng coi là một kỷ lục đáng hãnh diện về cái tư thế vĩnh tồn trường mệnh.


Được anh Lê Ngộ Châu yêu cầu viết bài cho số kỷ niệm mười lăm năm, tôi tự nhiên nghĩ tới mối tình sẵn có. Và đã nghĩ tới mối tình sẵn có, tự nhiên tôi lại nhớ tới bao nhiêu kỷ niệm êm ái, bao nhiêu hình ảnh quen thuộc từng chiếm cảm tình của tôi ngay trong cái khung cảnh của tòa soạn Bách-Khoa. Tôi nghĩ rằng nhớ lại, ghi lại những kỷ niệm này, nhắc lại chuyện cũ, có thể cũng góp được phần nào trong việc giải thích cái lẽ vì sao tạp chí Bách-Khoa đã tồn tại được lâu dài như vậy.


Phan Du

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo tập 48 Tháng 9-2011”
(Chủ đề: Viết về tạp chí Bách Khoa)