Sau gần nửa thế kỷ, ngày 30 tháng 4 năm 1975 vẫn còn có nhiều nhận định khác nhau. Saigon mất tên có “triệu người vui và triệu người buồn” thì lịch sử không thể chỉ được viết bởi kẻ thắng cuộc mà phải còn có tiếng nói của những người trong cuộc, bắt đầu những tháng ngày “vo gạo bằng nước mắt”, kể từ ngày xe tăng Cọng quân tiến vô dinh Độc Lập.
Trong cuốn Hồi Ký nhà văn Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) viết, chánh quyền mới coi dân miền Nam này, coi đồng bào của họ như bọn da trắng coi dân da đen. Họ đối xử dân Nam “có khi còn tồi tệ hơn thời thực dân”. Nhà văn viết, “có cái không khí giữa thực dân với dân bị trị”. Như vậy, ”mà muốn đoàn kết thì khác gì leo cây bắt cá”.
Nhận thức rằng , một dân tộc không thể có tương lai, nếu dân tộc đó không biết được sự thật về quá khứ. Vì vậy, nhằm có được tác phẩm phản ảnh cuộc sống của thế hệ trải qua các biến động cận đại – vài mươi năm nữa họ không còn – Hội Văn Hóa & Giáo Dục Phan Thanh Giản tổ chức cuộc tuyển chọn cho Giải Văn Học Phan Thanh Giản các sáng tác bằng văn xuôi của mọi người Việt.
Giải văn học này (gồm các bộ môn : truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, bút ký) chưa phổ biến dưới mọi hình thức, do các tác giả trong và ngoài nước sáng tác bằng tiếng Việt hay được thân hữu giới thiệu. xin gởi đến điạ chỉ email: khanhp1988@yahoo.com.
Ban tuyển chọn gồm nhà văn, nhà báo, không phải là thành viên của Hội Phan Thanh Giản, hoàn toàn độc lập, đã hoạt động văn hóa trước và sau 75, từ trong nước tới hải ngoại: Trương Anh Thụy, Lê thị Huệ, Trần Doãn Nho, Nguyễn văn Sâm và Từ Thức.
Mọi thông báo tin tức về Giải Văn Học và Học Bổng của Hội Văn Hoá & Giáo Dục Phan Thanh Giản Foundation cùng tài liệu, bài vở liên quan đến Cụ Phan và tiểu sử thành phần ban tuyển chọn giải văn học xin vào website: www: ptgdtdusa.com hay liên lạc với: khanhp1988@yahoo.com
Dưới đây là chi tiết kỹ thuật về tác phẩm dự thi, hộp thư gởi bài, địa chỉ liên lạc, ngày giờ công bố kết quả và trao giải.
1. Thể loại: văn xuôi như hồi ký, bút ký, truyện dài, tuyển tập truyện ngắn.
Dùng kích thước 12 (font size 12), khoảng cách bình thường (normal space). Khoảng cách 2 dòng (double space) để phân biệt hai đoạn văn. Tất cả thể lệ viết văn được áp dụng: dùng từ ngữ chính xác, không thô tục (ngoại trừ dẫn chứng), đúng chính tả, văn phạm, cấu trúc câu văn, bài văn, v.v.
2. Sách dự thi chưa phổ biến dưới mọi hình thức, viết bằng tiếng Việt có dấu, dài từ 200 trang tới 300 trang, một tác giả có thể gởi hai tác phẩm dự thi và gởi cho ban tuyển chọn qua địa chỉ điện thơ: khanhp1988@yahoo.com. Xin quý vị gởi qua dạng PDF theo dạng đính kèm. Không nên “copy” rồi “paste” trực tiếp trên mặt trang điện thơ (email).
Trước khi đính kèm “file”, xin quí vị ghi vài dòng về tiểu sử và số phone, nếu có thể, để tiện liên lạc. Phần tiểu sử không để chung với sách dự thi.
3. Mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều có thể tham dự giải. Người ngoại quốc có thể dự thi nhưng vẫn phải viết bằng tiếng Việt.
4. Thời gian nhận bài gia hạn đến cuối tháng 12 năm 2020. Kết quả sẽ công bố vào đầu tháng 5 năm 2021.
5. Sáng tác của nhiều tác giả sẽ được xem là của một người đứng tên. Sáng tác của một tác giả qua sự giới thiệu của độc giả phải có sự đồng ý của tác giả đó.
6. Các tác phẩm dự giải thuộc bản quyền của tác giả và tác giả chịu mọi trách nhiệm về tác phẩm của mình. Nếu có tranh chấp ban tổ chức giải sẽ không có liên hệ nào
7. Nếu có điều gì không đúng về bản quyền, giải thưởng có thể bị hủy bỏ.
8. Sáng tác dự giải gởi thẳng đến ban tuyển chọn sẽ không được chấp nhận.
Hội Văn Hóa & Giáo Dục Phan Thanh Giản thành lập năm 2014 tại Arizona Trụ sở hội ở thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
Liên lạc với Ban Tổ Chức Giải qua điện thư: ptgculturefoundation@gmail.com
TM Hội Văn Hoá & Giáo Dục Phan Thanh Giản Foundation
Ngày 22 tháng 5 năm 2020
Phan Thanh Tâm
Dưới đây là tiểu sử những thành viên trong Giải Văn Học Phan Thanh Giản (ban tuyển chọn các tác phẩm dự gỉai có dấu **).
Trần Doãn Nho, bút hiệu, sử dụng khi sáng tác; Trần Hữu Thục, tên thật, sử dụng khi viết tiểu luận. Sinh trưởng tại Huế. Theo học đại học Huế và Sài Gòn, tốt nghiệp ngành Triết.
Trước 1975, dạy học: Phụ khảo Triết Đại Học Văn Khoa Huế; đi lính: sĩ quan quân đội VNCH; viết: cộng tác với các tạp chí văn học Sài Gòn: Văn, Tân Văn, Bách Khoa, Vấn Đề, Khởi Hành, Đối Diện.
Sau 1975, ở tù đến 1981. Định cư ở Hoa Kỳ 1993, làm việc cho Sở Giáo Dục Công Lập Thành Phố Worcester, bang Massachusetts.
Cộng tác với các tạp chí văn học giấy hải ngoại: Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21 và các tạp chí mạng: Da Màu, Gió-O, Talawas, Diễn Đàn Thế Kỷ, Diễn Đàn Forum, Bauxite Việt Nam, Văn Việt. Đã xuất bản 8 tác phẩm: 2 tập truyện ngắn (Vết xước đầu đời, Căn phòng thao thức), 1 tập ký và tùy bút (Loanh quanh những nẻo đường), 1 tạp bút (Từ ảo đến thực), 1 truyện dài (Dặm trường), 3 tập biên khảo văn học (Viết và Đọc, Tác giả tác phẩm và sự kiện, Ẩn dụ cuộc phiêu lưu của chữ); Bút ký Một đêm (One Night) trong tập "Loanh quanh những nẻo đường" được dịch đăng ở tạp chí văn học Meanjin, Melbourne University, số 2, 2015, dịch giả: Tôn Thất Quỳnh Du.
Hiện cư ngụ tại Dallas, bang Texas.
Trương Anh Thụy (TAT) ra đời tại Hà Nội. Di cư vào Nam năm 1954. Học trung học Trưng Vương. Du học Hoa Kỳ 1961. Hiện sống tại Virginia.
Được huấn luyện trong ngành sư phạm, theo đuổi ngành này cho đến ngày về hưu. Bên cạnh công việc, TAT tích cực đóng góp vào các công tác từ thiện, xã hội: Sáng lập hội Vietnam Refugee Fund, Inc. (1975); Chủ tịch chi nhánh Hoa Thịnh Đốn của Ủy Ban Báo Nguy Cứu Người Vượt Biển (Boat Peple S.O.S. Commitee) - San Diego, CA. Thành viên sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của Boat Poeple S.O.S. Inc. (Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, Virgina).
Thành lập Tủ Sách Cành Nam năm 1984. Cùng với GS Nguyễn Ngọc Bích thành lập Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ (1985). Từng giữ chức phó chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, nhiệm kỳ 1991-1993 (thời nhà thơ Trang Châu làm chủ tịch). Tham gia trong Ban Giám Khảo Giải Thưởng Văn Học 2008 do Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do tổ chức.
Sự nghiệp văn học của Trương Anh Thụy được nhắc đến trong The Oxford Companion to Women's Writing in the United States (Oxford University Press, 1995).
Tác phẩm đã xuất bản: Của Mưa Gửi Nắng (Tập thơ, 1984); Trường Ca Lời Mẹ Ru (Kèm theo bản dịch Anh ngữ của GS Nguyễn Ngọc Bích và 30 bức minh họa của họa sĩ Võ Đình, năm 1989); Trạm Nghỉ Chân, tập 1 trong bộ Trường thiên Chuyển Mùa; Ánh Mắt (tập truyện, 1998; Chuyển Mùa (bộ trường thiên tiểu thuyết - Giải Văn Học 2004 của Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do). Một số bài điểm sách và bài bình luận văn học… đăng trên các báo.
Được giới thiệu trong tuyển tập 20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (Đại Nam xb, 1995); G.S. Nguyễn Đình Hoà trong World Literature Today- Đại Học Oklahoma (1994); Indochina Chronology (Vol. IX, number 3, July-September 1990); Từ Điển Tác Gia Việt Nam/Vietnamese Authors (Lê Bảo Hoàng sưu tập - Sóng Văn, 2005) và trong một số các tác phẩm biên khảo văn học của nhà văn Hồ Trường An như: Giai Thoại Hồng, Thông Điệp Hồng, Núí Cao Vực Thẳm, Chân Dung 10 Nhà Văn Nữ, Giữa Đất Trời Giao Hưởng...vv...
Sanh tại Sài gòn, 1940. Từng dạy ở trường Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Ðại Học Văn Khoa (Sài gòn) và các trường Ðại Học Vạn Hạnh, Cao Ðài, Hoà Hảo, Cần Thơ.
Sang Mỹ từ năm 1979, vẫn sống bằng nghề dạy học. Viết cho Văn, Văn Học và các tạp chí Việt ngữ của người Việt. Trước 1975 chuyên viết về biên khảo văn học. Đã in:
Văn Học Nam Hà (1971, 1973), Văn Chương Tranh Ðấu Miền Nam (1969), Văn Chương Nam Bộ và Cuộc Kháng Pháp (1972).
Qua Mỹ viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt, ngay trên quê hương, hay lạc loài tha hương. Ðã in ở Mỹ:
Câu Hò Vân Tiên (1985), Ngày Tháng Bồng Bềnh (1987), Khói Sóng Trên Sông (2000); Gần đây, trở về gia tài cổ của dân tộc bằng cách phiên âm các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lôi Phong Tháp Sơn Hậu Diễn Truyện Trương Ngáo v.v...
Thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn. Trưởng ban Văn chương, Viện Việt-Học.
Sinh năm 1953. Trước 1975 là sinh viên năm thứ tư ban Việt Văn trường Đại Học Văn Khoa Đà Lạt; tỵ nạn chính trị đến Mỹ năm 1975 . Lê thị Huệ tốt nghiệp cao học các ngành Tâm lý, Hướng dẫn giáo dục, làm giáo sư hướng dẫn tại đại học cộng đồng Evergreen, Valley College, California.
Tác phẩm đầu tay, "Cánh Hoa Trước Gió", chuyện ngắn, đăng trên tờ Văn Học Nghệ Thuật do nhà văn Võ Phiến chủ trương ở Nam California năm 1979. Một mình sáng lập và điều hành trang văn triết sử Gió O www.gio-o.com trên net từ 2001 đến nay.
Tác phẩm đã xuất bản:
Bụi Hồng, chuyện ngắn, 1984. Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh, truyện vừa, 1987. Rồng Rắn, chuyện dài, 1989. Khởi Đi Từ Ngây Thơ Để Đến Gần Sự Thật, tùy bút, 1995. Canh Thức Cùng Thơ Mộng, tuyển thơ, cùng Trân Sa và Vũ Quỳnh Hương, 1996. Văn Hóa Trì Trệ, Nhìn Từ Hà Nội Đầu Thế Kỷ 21, ký, 2001. Tiếng Dỗi Hờn Của Thân Xác, chuyện vừa, 2007 …
https://www.tuthuc-paris-blog.com/
Lúc Sài Gòn mất thì Khanh đang học trung học. Sống với cộng sản cho tới năm 1981 thì vượt biển thành công.
Thời trung học & đại học học ban toán
Học sinh ngữ Anh từ lớp 6 đến 12 và qua Mỹ học tiếng Mỹ.
Có 2 bằng cử nhân và 1 bằng cao học ở Mỹ. Thời gian học y khoa, kỹ sư và giáo dục ở đại học, học viết văn theo kiểu Mỹ: kiểu văn chương, kiểu kỹ thuật, kiểu viết báo từ dạng Word Perfect qua Word Document rồi Excell (để thiết kế bản đồ, biểu đồ, data...)
Trải qua nhiều năm làm việc bên y khoa, giáo dục, sản xuất và dịch vụ có học xử dụng rất nhiều chương trình cho máy vi tính như chương trình để làm sổ học bạ, thiết kế đề thi….
Thi đậu bằng viết văn theo lối Mỹ, ở Mỹ.
Sách đã xuất bản:
1. Caodaism (bằng Anh Ngữ). Hiện sách nầy có mặt ở nhiều thư viện ở Úc, Anh Quốc và Mỹ. 2000
2. Lịch Sử Dòng Họ Phan Thanh (tiếng Anh). 2016
3. Lịch sử Dòng Họ Phan Thanh (tiếng Việt). 2017
3. Hồi ký thời trung học (tiếng Việt, trong đó có lịch sử trường)- chỉ cho nội bộ. 2015
4. Hồi ký tỵ nạn (tiếng Việt)-đang chờ xuất bản. 2019
Đoạt nhiều giải thi đua văn chương:
1. Hai tạp chí nấu ăn của Mỹ (hai đề tài nấu món ăn)
2. Báo Hoa Phong Lan của Mỹ
3. Thi văn Việt Báo
Thời gian còn là sinh viên, Khanh và một số bạn thành lập trường Việt Ngữ Âu Cơ ở San Francisco, tiểu bang California. Lúc đó Khanh phụ trách lớp dạy tập làm văn và học thơ văn của Việt Nam cho các em nhỏ (trình độ lớp 5 đến 11).
Hiện tại vẫn đang đi làm kiếm sống. Khi rảnh thường viết rất nhiều sách hoặc bài văn nhỏ.
Xuống thuyền vượt biển ở cầu Hà ra, Nha Trang năm 1976.
Trước 1975, trưởng phòng phóng viên và ký sự của Việt Nam Thông Tấn Xã Sài Gòn (Việt Tấn Xã). Cuối thập niên 60 đã cùng một số nhà báo trẻ thành lập nhóm Việt Nam Ký Sự. Năm1974 tu nghiệp báo chí tại International Institute For Journalism In Berlin (Germany).
Sang Mỹ làm việc trong ngành điện toán computer programmer.
Hiện là nhà báo tự do (freelance journalist); sáng lập Viet Minnesota Radio năm 2000, một giờ hàng tuần trên đài KFAI; trưởng chương trình Việt ngữ phát thanh, phát hình VBM (Vienamese Broadcasting of Minnesota ) từ 2012-2016.