Vào ngày 16 tháng 4 năm 2016, đang ngồi uống cà phê tại Nguyễn Ngọ, Houston, nhà thơ Phan Xuân Sinh nói với tôi là anh chị Đặng Tiến từ bên Pháp mới qua. Tôi hỏi anh có số điện thoại của anh Đặng Tiến không, cho tôi xin? Khi về nhà anh Phan Xuân Sinh gọi cho tôi nói là đã cho số điện thoại của tôi cho anh Đặng Tiến rồi.
Đêm đó, anh ĐT gọi cho tôi. Hai anh em nói chuyện thật vui. Ngay từ lúc đầu, anh rất ủng hộ việc làm của anh Trần Hoài Thư, và cũng ngay từ ngày đầu đó cho mãi đến hôm nay anh vẫn trân quý việc làm của nhóm chủ trương Thư Quán Bản Thảo. Từ đó, tình cảm giữa chúng tôi có một cái gì đó rất thân tình trên tinh thần của người cầm bút biết trân quý nhau. Qua những cuốn sách mà Thư Ấn Quán đã xuất bản. Qua những lần giới thiệu với bạn bè của anh, cũng như qua những bài viết mà anh đã dành cho TQBT.
Ngày 20/4/2016 nhà thơ Tô Thẩm Huy mời anh Đặng Tiến và những người mà anh quen, trong đó có tôi, Phan Xuân Sinh, Cái Trọng Ty, Lương Thư Trung, vợ chồng anh Tô Thùy Yên đi uống cà phê tại một cửa tiệm cà phê mang tên Pháp "la madeleine" rồi sau đó đi ăn tối. Ngồi uống cà phê buổi chiều thật vui và đầm thấm. Một buổi uống cà phê mà tôi nhớ mãi.
Bên ngoài trời như muốn đổ mưa. Ngồi trước hiên của ngôi quán những câu chuyện văn nghệ văn gừng của một thời miền Nam cũ được khơi lại qua sự hiểu biết của anh Đặng Tiến và anh Tô Thùy Yên kể cho anh em nghe. Một nền văn học không thể chối bỏ được, đầy tính nhân bản từ năm 1954 đến 1975.
Khi nói chuyện, tôi có cho anh Tô Thùy Yên xem bài viết của anh Nguyễn Đạt viết về một quán cà phê ở Sài Gòn có tên: Chiêu Anh Quán nằm trên đường Hoàng Sa bên bờ kinh Nhiêu Lộc có viết một đoạn thơ trong bài Ta Về của anh Tô Thùy Yên trên vách. Bài Ta về, được anh Cái Trọng Ty hỏi anh TTY trong trường hợp nào anh sáng tác bài thơ này. Chúng tôi được biết thêm sau một lời giải thích của nhà thơ thật thú vị khi anh còn ở trong trại cải tạo.
Bên cạnh đó, qua bài viết của Nguyễn Đạt có thấy trên kệ sách của quán Chiêu Anh còn có những tập sách do Thư Ấn Quán của hai anh Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn bên Mỹ in và phát hành. Xin trích một đoạn:
Chúng tôi xúc động khi thấy những quyển sách của Thư Ấn Quán do nhà văn Trần Hoài Thư và nhà văn Phạm Văn Nhàn chủ trương thực hiện tại Hoa Kỳ. Những quyển sách này là công trình lưu giữ di sản văn hóa văn nghệ của miền Nam tự do, trong đó bao gồm 2 Tuyển Tập Thơ Miền Nam Thời Chiến; 1 tuyển tập thơ lục bát; 1 tuyển tập truyện ngắn...
Anh Nguyễn Đạt khi thấy những ấn phẩm của Thư Ấn Quán in, anh xúc động. Còn Trần Hoài Thư, anh rất vui khi đọc bài viết này trên Người Việt online, gởi ngay bài viết của Nguyễn Đạt qua cho tôi để chia xẻ. Vui. Quả thật tôi rất vui khi thấy những tác phẩm sau một thời lưu lạc được chúng tôi tìm lại và đánh máy in ra trong tủ sách di sản văn chương Miền Nam, không biết sao những tập sách này lại có ở quán cà phê của cô Chiêu Anh. Và, cũng vui lắm, khi có người bạn cùng quê vơi tôi, anh Hữu Định, đang định cư tại Dallas cũng gởi bài viết của anh Nguyễn Đạt đến tôi để chia xẻ cùng với tôi.
Vâng, như anh Đặng Tiến đã viết vào năm 2008 cho tập “Thơ Miền nam Trong Thời Chiến”, đi lại trên Vũ Trụ Thơ tập II của anh, cũng do Thư Ấn Quán xuất bản. Anh viết:
...tham vọng của sách Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến là ghi lại những tác phẩm đang xiêu lạc, của một số tác giả ít được biết đến, mai kia sẽ chìm trong quên lãng. Nó là "nguồi tài liệu cho những nhà phê bình, những người nghiên cứu"....." tham vọng cũng là tâm vọng của người biên tập "suốt cả mấy trăm trang với trên 220 tác giả, ngồi đánh lại như gõ ngay chính tim mình những điều đau buốt lẫn bồi hồi. Tội tình cho cả một thế hệ. Chiến tranh nào có gì vui... (hết trích)
Chiêu Anh Quán ở ngay Sài Gòn, tôi chưa ghé đến một lần. Nhưng đọc bài viết của Nguyễn Đạt, những lời động viên của anh Đặng Tiến như một thôi thúc cho anh Trần Hoài Thư và tôi vẫn phải làm cái gì đó cho những tác giả và những tác phẩm đã một thời lưu lạc.
... ngồi đánh lại như gõ ngay chính tim mình những điều đau buốt lẫn bồi hồi. Câu viết của anh THT mà anh Đặng Tiến trích lại như hiểu thấu cái tâm của những người chủ trương tủ sách di sản văn chương miền Nam.
Cũng như ngày gặp anh ở Houston, cũng là ngày Thư Quán Bản Thảo 69 phát hành với chủ đề MAI. Một bán nguyệt san sống tới 6 năm. 6 năm đã sản sinh ra nhiều cây viết tên tuổi sau này ở miền Nam, do ông Hoàng Minh Tuynh chủ trương. Được biết anh Đặng Tiến là người cộng tác cho MAI và là người bạn rất thân với ông Hoàng Minh Tuynh cho nên tôi gọi điện thoại cho Trần Hoài Thư để Thư và anh Đặng Tiến nói chuyện với nhau. Tôi ngồi nghe. Vui lắm, những câu chuyện văn nghệ đời thường làm cho tôi vui lây, sống lại ở cái tuổi đôi mươi khi mới bắt đầu tập tễnh cầm bút.
Những ngày anh ở Houston, anh hỏi tôi về anh Trần Bang Thạch. Tôi nói anh cũng ở Houston. Anh Đặng Tiến muốn gặp cho biết. Và, hai anh gặp nhau, cũng chỉ là những câu chuyện vui "văn nghệ" và hỏi thăm về sức khỏe. Cái hay trong tình văn nghệ, dù ở đâu, anh em bốn biển cũng là nhà không phân biệt người đi trước người đi sau. Cái tình văn nghệ ấy đầm thấm và chứa chan tình người. Cho nên anh ĐT lúc nào cũng nói và muốn gởi cho THT một ít tiền để Thư làm văn học. Dù ít, chỉ 100 đô thôi. Tôi với anh Trần Bang Thạch không nhận. Tôi phải nói láo cho anh yên tâm (xin lỗi anh ĐT) là anh Cái Trọng Ty đã gởi cho anh Trần Hoài Thư 400 đô vừa rồi để ủng hộ TQBT. Nhưng lần nào gặp anh, anh cũng trách tôi là sao không nhận tiền của anh để gởi cho Trần Hoài Thư. Anh nói: Thư ngó vậy mà tội. Suốt đời chỉ lo cho văn chương chữ nghĩa, mà còn phải lo cho vợ bị bịnh nữa. Tôi nói với anh: Thư là con mọt sách mà. Không có chữ nghĩa con mọt nó chết khô.
Nói láo với anh ĐT Cái Trọng Ty gởi cho 400 Đô (Tôi quan niệm nói láo mà không hại ai là không mang trọng tội với bạn bè). Nói lại cho Ty nghe. Ty cười. Như vậy là tôi được tiếng thơm lây. Nhưng dù gì Cái Trọng Ty cũng gởi ủng hộ THT 100 đô cho TQBT. Tôi nhận. Tấm lòng của những anh bạn cầm bút sao mà cao quý quá...
Nhà văn Trần Hoài Thư
Lão ngồi khâu di sản
Kim đâm mà không hay (THT)
Chân tôi mới mổ. Còn chống gậy. Tôi hay nói chơi: chiếc gậy Trường Sơn. Đi đâu cũng phải chống nó. Đi ra chợ mua món hàng gì đó cũng phải chống nó. Đi đứng còn khó khăn. Muốn đi thăm Trần Hoài Thư và chị Ngọc Yến đang nằm trong nursing home mà đi không được. Muốn lắm. Vợ tôi cứ nhắc hoài. Làm sao mà đi.
Gọi điện tâm sự với anh Trần Bang Thạch, một người bạn văn ở Houston với tôi, anh cũng rất thân với THT và chị Ngọc Yến vì cùng quê ở Cấn Thơ. May quá, anh đồng ý ngay. Anh Thạch rũ anh Lê Cần Thơ và anh Phạm Quang Tân. Hai anh này chủ trương tạp chí Văn Học Việt Nam ở Houston. Thế là chúng tôi gồm bốn người qua thăm anh Trần Hoài Thư và chị Ngọc Yến. Đi thứ bảy (7/5/2016) về ngày chủ nhật 8/5/2016.
Chỉ một ngày thôi vì tôi còn phải chăm sóc cho bà xã tôi. Bà cũng không được khỏe. Một ngày đối với tôi là hạnh phúc lắm rồi vì lâu quá tôi không qua thăm gia đình người bạn tôi.
Không ngờ chiều thứ sáu (6/5/2016) nhà thơ Phạm Cao Hoàng từ bang Virginia gọi điện cho tôi nói là ngày thứ bảy hai vợ chồng Phạm Cao Hoàng và Cúc Hoa, cùng với nhà thơ Lãm Thúy và nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình cũng muốn lên thăm anh Trần Hoài Thư và chị Yến kết hợp thăm tôi luôn thể, khi nghe tin tôi qua. Nghe PCH nói tôi mừng và vui quá đỗi. Đêm thứ sáu tôi thức cả đêm, trằn trọc không sao ngủ được, trông mau tới sáng chờ anh Trần Bang Thạch đem xe tới chở lên phi trường.
Tội cho ba người bạn; vì chân tôi đi chưa bình thường, phải chống gậy. Cho nên các anh mang giùm cái xách tay, và dỉu tôi đi. Từ phi trường về nhà THT khoảng hơn 25 phút (?) thì phải. Trời New Jersey đêm qua mưa. Nước mưa còn đọng trên đường đi và bầu trời ảm đạm. Nhưng, ngồi trên taxi lòng tôi vui, một nỗi vui khó nói lắm. Đường về nhà của người bạn tôi hai bên đường cây cao bóng cả. Những con phố xe chạy qua buồn tênh. Tôi không gọi điện báo trước cho Thư. Khi xe taxi đậu trước nhà, tôi gọi điện. THT cứ nghĩ tôi gọi từ Houston. Tôi bảo ra mở cửa: tôi đang đứng trước nhà bạn đây. Cánh cửa mở, Thư la lên khi thấy 4 anh em chúng tôi đứng trước nhà. Tiếng la của Thư òa vỡ. Nụ cười sảng khoài ngày nào của Thư khi chúng tôi còn trong quân ngủ. Tôi ôm choàng lấy Thư, như thuở nào. Lâu lắm rồi, hằng mấy mươi năm mới gặp lại.
Vào nhà, nhà anh THT đông vì có những người bạn anh đến thăm (hình như đột xuất) cho nên anh Thư cũng không biết trước là có tôi qua. Những người ấy tôi không quen, cho nên phải nói thật là mất tự nhiên đối với tôi.
Thăm anh chị, nhưng lòng tôi muốn xem cơ ngơi in ấn của Thư Ấn Quán ra sao mà tôi với anh chủ trương: Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam. Nói là hai người, nhưng thật sự công ciệc làm đều do một tay anh THT chăm sóc. Từ in ấn, đóng, cắt xén đều do anh làm cả. THT đưa tôi với anh Trần Bang Thạch, Lê Cần Thơ, Phạm Quang Tân xuống hầm nhà (basement) để giới thiệu chúng tôi cơ ngơi in ấn của Thư Ấn Quán.
Một cầu thang nhỏ để xuống basement và từ nơi đây tôi nhìn bao quát thấy những máy móc in, cắt, đóng bìa hoàn toàn bằng thủ công do anh tự tìm kiếm, sáng chế ra để tạo nên những đầu sách có giá trị trong văn học miền Nam.
Tôi nhìn qua cái máy cắt rất cũ xử dụng bằng tay, rồi nhìn lại anh. Với thân hình gầy còm như thế. Thế mà làm sao những cuốn sách dầy 700, 800 trang mà anh cắt được. Nói thật tôi phục anh. Cái ý chí của một người lính thám kích năm xưa chưa biết bỏ cuộc, thì hôm nay anh đã bộc lộ được cái bản năng sinh tồn của môt đầu óc thông minh không bao giờ chịu khuất phục trước một nghịch cảnh. Nhất là hiện nay. Một mình phải lo chăm sóc chị Yến ở Nursing Home. Tôi nhìn lại một người bạn của tôi, anh Nguyên Minh tạp chí Ý Thức ngày xưa và nay là Quán Văn đang sinh hoạt ở VN. Giữa cái khung nhà in chật chội của Thư Ấn Quán và nhà in của anh Nguyên Minh ở Sài Gòn (dù nhà anh Nguyên Minh cũng rất nhỏ hẹp) khác xa. Khác xa lắm. Bỗng dưng tôi có cái so sánh vì THT và Nguyên Minh đều là những người bạn thân của tôi. Hai người đều đam mê chữ nghĩa. Hai người đều đam mê in ấn. Những máy của NM hiện đại bao nhiêu thì của Thư Ấn Quán chỉ hoàn toàn là thủ công bấy nhiêu. Thủ công đúng nghĩa.
Từ cái cưa (Jig Saw) một loại cưa gỗ nhỏ để xẻ những miếng gỗ mỏng (xẻ thẳng hay tròn cũng được, vì là nghề của tôi) nhưng với THT anh đã biến nó thành một cái máy laser phát ra tia sáng màu đỏ ngay thẳng để dùng trong việc xếp gáy sách đến cái chảo điện (fried pan) đóng 9, 10 tập sách một lần. Sự mày mò, óc sáng tạo trí thông minh của THT phải nói là tuyệt vời. Những đầu sách anh gởi qua cho tôi, dù dán keo hay khâu chỉ đều làm chẳng khác nào như một nhà in công nghiệp, hiện đại. Rất đẹp mà còn làm nhanh nữa. Đến nỗi anh Đặng Tiến ca ngợi THT hết mình về công nghệ đóng sách của THT.
Buổi chiều THT đưa chúng tôi vào thăm chị Yến. Anh Thư hỏi chị có nhớ ai không? Chỉ nói vách vách từng tên. Nào Danh, nào Viện, nào Tân, nào Hạ Uyên, và chị quên tôi. Sau anh Thư nói tên chị à lên một tiếng và nói PVN. Nhìn anh mập quá. Anh em chúng tôi cười, chị cười rất vui. Sau đó chị còn hát cho chúng tôi nghe bài Ngậm Ngùi mà Phạm Duy phổ nhạc qua thơ của Huy Cận, qua bắt giọng của cô Hạ Uyên. Tiếng hát của chị không thanh lắm nhưng chị rất nhớ từng con chữ, từng lời.
Vào khoảng 5 giờ chiều, anh em từ Virginia tới: Phạm Cao Hoàng, Cúc Hoa, Lãm Thúy, Nguyễn Thị Thanh Bình ,và quay quanh giường chị nằm. Cúc Hoa khóc nhiều khi nhìn thấy chị. Ai cũng thương và quý mến.
Tối về lại nhà anh THT, chúng tôi ngồi ăn chung một bàn do các em như Lãm Thúy, Thanh Bình và Cúc Hoa làm bữa ăn gia đình mang theo. Chúng tôi ngồi lại với nhau, nói đủ chuyện, về bạn bè, về văn chương. Vui quá, tôi ăn ít, thấy no. Tôi nghe PCH nói là hai vợ chồng phải đi làm ngày thứ bảy. Nghe tin tôi qua thăm anh chị THT. Hai cô em Lãm Thúy và Thanh Bình nói là phải đi kết hợp một cuộc thăm và gặp mặt. Do đó mà PCH và Cúc Hoa (vợ PCH) phải xin hãng nghĩ, về sớm để đi. Tấm lòng ấy làm cho tôi cảm động quá. Cám ơn những người bạn tuyệt vời. Tôi vui lắm khi gặp lại bạn tôi (THT) . Và tôi cũng vui lắm khi gặp lại PCH. 45 năm hơn rồi phải không? Từ khi bạn không còn dạy học ở Duồng nữa.
Trong ngôi nhà 719 của anh Trần Hoài Thư. Với tôi là quá tuyệt vời, dù chỉ là một đêm ngắn ngũi, nhưng trong đêm hôm ấy, tôi đã có được những đóa HOA QUỲNH nở trong đêm tặng tôi. Quỳnh Hoa thơm ngát trong đêm. Để rồi 11 giờ đêm hôm ấy những người bạn của tôi lại từ giã anh THT và chúng tôi trở lại nhà. Nhưng với tôi gặp lại gia đình Phạm Cao Hoàng, Gia đình Trần Hoài Thư, Lãm Thúy, Nguyễn Thị Thanh Bình là tôi vui lắm. Hương Quỳnh hoa vẫn còn động mãi trong tôi. Tuyệt đẹp và trắng ngần. Đêm từ giã bạn tôi, phải trở lại Houston. Cũng như đêm tôi đi qua thăm bạn. Tôi không ngủ được, ngồi nơi phòng khách mà đọc tập thơ: Trốn Vào Giấc Mơ Em của Nguyễn Thị Thanh Bình. Một bài hát tôi nghe đã lâu. Không ngờ là của Nguyễn Thị Thanh Bình do Phạm Duy phổ. Cô Khánh Ly hát. Bài Thuyền Say. Tôi nói với Lê Cần Thơ như vậy.
Những câu hát trong Thuyền Say thật lãng mạn. Thật nhẹ nhàng. Có phải đây cũng là món quà vô tình tôi có được trong đêm nay, tại ngôi nhà của bạn tôi. Ngôi nhà mang con số 719 này khi tôi gặp lại những người bạn mà tôi hằng yêu mến. Thật vậy. Chuyến đi thật kỳ thú. Cho mãi tới hôm nay, ngồi viết bài này, trong tôi vẫn còn ngập niềm vui.
(Houston, 12/5/2016)