Xin thưa ngay rằng bài viết này là để giới thiệu bản dịch ra Pháp ngữ cuốn Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam. Bản dịch do Liễu Trương thực hiện với tựa đề Un été embrasé được nhà xuất bản L’Harmattan phát hành và xếp ngay vào bộ Mémoires du XXème siècle. Đọc tới đây, chắc có người đã thầm nhủ: « Ôi dào! Tưởng cái gì mới lạ, chứ Mùa hè đỏ lửa ai mà chẳng biết tỏng tự hồi nảo tới giờ. Vậy mà cũng bày đặt đem ra giới thiệu; mà lại trịnh trọng giới thiệu một bản dịch cơ chứ. Nỡm chưa. Rõ thật là chán mớ đời ». Nghĩ vậy kể cũng đúng thôi. Chính vì có phần nào đúng mới lại xin thưa thêm rằng tựa sách Un été embrasé không phải là cho quí bác quí chú đâu, những bậc đàn anh đã trưởng thành trong khói lửa của thập niên 70 thế kỷ trước. Giờ này quí bác, quí chú đều ngấp nghé tuổi cập kê thấp tuần, bát tuần cả rồi nên tóc đã ngả màu muối tiêu, đầu óc bắt đầu sền sệt, còn cặp mắt hơi kèm nhèm cũng chỉ nhìn ra chữ nghĩa của một vài khảu hiệu đấu tranh quen thuộc qua đôi mắt kiếng ngày càng mờ đục với thời gian. Bản dịch ra Pháp ngữ, do đó, là dành cho các thế hệ con cháu quí vị kia đấy, lớp người đã phải theo ông bà, cha mẹ rời bỏ quê hương khi còn nhỏ, hoặc được sinh ra nơi xứ người. Sống lâu năm nơi đất khách, thành phần thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba này không còn quen sử dụng tiếng mẹ đẻ và cũng chỉ có những hiểu biết mơ hồ về quê hương xứ sở, về các biến cố khiến ông bà, cha mẹ đã phải bỏ đất nước ra đi. Với lớp người thuộc các thế hệ sau này, được sống trong môi trường sinh hoạt tự do với tinh thần tìm hiểu khách quan hơn, bản dịch Mùa hè đỏ lửa sẽ là một tài liệu hữu ích, như lời người dịch khi thông báo, giúp họ được «hiểu biết thêm về cái thời khói lửa đau thương, để nhớ ơn những người đã nằm xuống và càng yêu thương đất nước hơn».
Hồi ấy… Lần đầu mở cuốn Mùa hè đổ lửa, tôi đã đọc say mê, đọc thích thú do cách tường trình sinh động về tình hình chiến trường sôi sục đang diễn ra lúc đó. Và tôi xếp ngay cuốn sách vào loại phóng sự chiến trường xứng đáng với danh hiệu, nghĩa là bản tường thuật của người phóng viên về diễn biến các trận đánh, cùng những điều tai nghe, mắt thấy nơi trận địa. Mà những bài viết thuộc loại này tôi lại cho là hiếm hoi, chỉ gặp được nơi một số phóng viên có lương tâm chức nghiệp như trường hợp phóng viên Gérald Hébert, người Canada. Là phóng viên tự do yêu nghề, không để bị ràng buộc bởi khuynh hướng chính trị của bất kỳ phe phái hay cơ quan truyền thông nào, Hébert chỉ lấy câu «sinh nghề tử nghiệp» làm phương châm hành động. Ông không ngại dấn thân vào nơi dầu sôi lửa bỏng bên cạnh những chiến sĩ nhảy dù để ghi lại những điều tai nghe mắt thấy nơi trận địa. Do tình cảm gắn bó với con người, với đất nước nơi ông tới thi hành chức nghiệp nên ông có ý nhận nơi này làm quê hương thứ hai và đã ngỏ ý với bác sĩ Liễu, y sĩ trưởng tiểu đoàn 11 Dù: «Nếu tôi chết, hãy chôn tôi tại Việt Nam và ghi trên mộ hàng chữ: Đây là nơi an nghỉ Gerald Hébert, người bạn của lính nhảy dù Việt Nam» (Si je meurs, enterrez-moi au Viet Nam, avec cette inscription sur ma tombe: Ici repose Gerald Hébert, l’ami des paras vietnamiens.) (Un été embrasé. tr. 237) (1). Ông cũng không quên dặn dò phải ghi hàng chữ trên mộ bằng tiếng Pháp vì ông là dân Canada gốc Pháp và cho rằng chữ Para của Pháp hay hơn là chữ Airborne của Mỹ.
Có được những con người như Gerald Hébert thi ít. Trái lại, thành phần phóng viên tự phong hay được gán cho danh hiệu «nhà nghề» hay «chuyên nghiệp» do thành tích «lâu năm lên lão làng» thì lại thấy nhan nhản trên đường phố Sài Gòn thời bấy giờ. Dựa vào kinh nghiệm hay mánh lới học hỏi, các phóng viên sành sỏi «chuyên nghiệp» dần dà biến thiên chức làm phóng sự của mình thành một loại công việc sáng tác hay phóng tác. Thay vì đến tận nơi trận địa để quan sát và ghi nhận, họ lại chỉ tới dự các buổi họp báo để nghe thuyết trình về tình hình chiến sự. Sau đó, dựa vào kinh nghiệm sẵn có rồi qua những mẩu giai thoại nghe lóm được tại phòng trà hay quán cà phê, họ mới về thêm mắm thêm muối viết ra bản phóng sự. Nếu chỉ viết bài theo kiểu «nhà báo nói láo ăn tiền» như vậy cốt để mua vui giải trí độc giả hậu phương, thì cũng chẳng có gì đáng nói. Đôi khi, họ còn lạm dụng ảnh hưởng ngòi bút của mình để, vô tình hay hữu ý, biến bài viết thành công cụ tuyên truyền cho những chuẩn bị thay đổi chiến lược hay mưu đồ chính trị. Chính vì có những bài viết phóng sự thuộc loại này mà đại úy Võ Tín, đại đội trưởng đại đội 33 nhảy dù đã phải giận dữ hét lớn sau khi được đọc bài tường thuật của một nhóm phóng viên ngoại quốc về trận đánh Đức Cơ: «Đồ thối tha! Nếu tao biết được những điều tòi bại chúng sẽ viết ra như vậy, tao đã cho chúng mỗi đứa một viên đạn cái lần chúng tới gặp bọn mình». (Les fumiers! Si je savais qu’ils écriraient des choses aussi ignobles, je leur aurais foutu une balle dans la tête quand ils sont venus nous voir.) (Un été embrasé, tr. 235) (1).
Để hiểu được lý do phẫn nộ của đại úy Võ Tín, chúng ta cần đặt trận Đức Cơ trong bối cảnh lịch sử của nó. Trận đánh diễn ra vào năm 1965, chỉ hơn một năm sau khi chính quyền Mỹ thời bấy giờ chủ mưu giật giây một đám tướng lãnh làm đảo chánh rồi hạ sát anh em ông Diệm. Các tài liệu lịch sử ngày nay cho thấy sở dĩ có chủ mưu sát hại cố tổng thống Ngô Đình Diệm bởi vì ông Diệm đã không chịu để Mỹ đưa quân vào tham chiến tại Việt Nam. Là con người Việt yêu nước và hiểu người dân Việt hơn ai hết, ông Diệm biết rằng nếu để Mỹ đưa quân vào Việt Nam, «lợi bất cập hại» bởi vì sự tham chiến này sẽ giúp cho CSBV có cớ mồm loa mép dài «đế quốc Mỹ xâm lược» khích động lòng yêu nước của thanh niên miền Bắc, thúc đảy họ tích cực tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Diễn biến lịch sử ra sao, chúng ta đều đã biết rồi. Riêng về trận Đức Cơ, tuy không rõ nội dung bài báo đó ra sao, nhưng tôi đoán chắc chỉ để nói lên tinh thần chiến đấu yếu kém của người lính VNCH hầu biện minh với nhân dân Mỹ lý do tham chiến của Mỹ tại Việt Nam. Trường hợp phát biểu của đại úy Võ Tín như trên cho thấy không phải bài phóng sự nào cũng nói lên sự thật chiến trường. Về phần các bài nhận định hay phân tích thời cuộc cũng vậy. Và càng bước vào thời đại truyền thông internet ngày nay, mỗi khi gặp phải lời bàn «thánh phán» của những cái được mô tả là bình luận gia (hay bình «loạn» gia) ưu thời, mẫn thế ta lại cần đề cao cảnh giác hơn bao giờ hết.
Trở về Mùa hè đỏ lửa. Hồi đó tôi đã đọc say mê cuốn sách của Phan Nhật Nam do phẩm chất xác thực và sống thực những điều ông viết ra. Tôi bị lôi cuốn không riêng vì những phần tường thuật sống động về các pha chiến đấu ác liệt để gìn giữ hay giành nhau từng tấc đất, các trận pháo kích ào ạt dẫn đến cái chết thảm thương của cố trung tá Nguyễn Đình Bảo tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 nhảy dù, khiến tên tuổi ông được đi vào huyền sử qua bản nhạc mang tên Người ở lại Charlie do Trần Thiện Thanh cảm tác. Bên cạnh đó còn cái màn đấu khẩu hào hứng giữa Phan Nhật Nam với tên cán bộ tuyên truyền cộng sản: Sau khi lớn tiếng hô «đả đảo đế quốc Mỹ», ông mạnh dạn thách thức đối phương dám hô lại «đả đảo đế quốc Nga-Tàu» (sđd, tr. 145), khiến cái loa phía bên kia đang lải nhải bỗng tắ
t tiếng luôn. Qua các phần đọc trên, tôi đã tìm thấy bên cạnh phóng viên chiến trường Phan Nhật Nam còn có một nhà văn quân đội.
Là nhà văn quân đội bởi vì bút pháp của Phan Nhật Nam không chỉ có là bút pháp của một phóng viên chiến trường. Người làm phóng sự, cho dù là một phóng viên chuyên chính ưu tú, cũng chỉ ghi lại khách quan những điều tai nghe, mắt thấy tại trận địa. Còn Phan Nhật Nam không chỉ có làm công việc ghi chép các sự kiện, mà còn tham dự, còn sống với các biến cố đó như người trong cuộc. Phải chăng vì lẽ đó Mùa hè đỏ lửa không chỉ cung cấp cho ta những sự kiện xác thực, sống thực về chiến sự, về con người trong chiến sự. Hơn thế, cuốn sách còn nói lên nhũng cảm nhận xót xa trước những điều được chứng kiến, những ưu tư trăn trớ của người trong cuộc về ý nghĩa, về hậu quả của các trận đánh thuật lại. Tôi gọi Phan Nhật Nam nhà văn quân đội là thế, là bởi lẽ ông không viết ra Mùa hè đỏ lửa chỉ để làm văn chương.
Nhà văn Phan Nhật Nam
Phan Nhật Nam không thuộc loại một số nhà văn đương thời cũng thích trưng nhãn hiệu nhà văn quân đội, nhưng không hề biết mùi đánh đấm nơi trận địa là gì. Lúc nào cũng tươm tấp trong bộ quân phục thẳng nếp, giầy sô bóng lộn, đám người này hết tối ngày la cà các tiệm nhảy, phòng trà lại tới bám trụ các quán Givral, Pagode thời đó để tán láo, nghe ngóng một vài tin tức, lượm lặt một vài mẩu giai thoại. Sau đó, họ mới về thêm mắm thêm muối phóng bút ru ngủ dân thành phố bằng những câu chuyện tình ướt át giữa người lính áo trận phong sương bạc màu, hung hãn như con Trâu Điên (biệt danh của Tiểu Đoàn 2 TQLC) hay như bày Cọp Ba Đầu Rằn (phù hiệu của binh chủng Biệt Động Quân) nơi chiến địa, nhưng lại ngoan ngoãn hiền lành như con nai vàng ngơ ngác mỗi lần đi phép bên cạnh người em gái nhỏ hậu phương, yểu điệu thướt tha trong tà áo trắng trinh nguyên trên các nẻo đường phố Sài Gòn những chiều nắng vàng rực rỡ. Không như đám người này, Phan Nhật Nam xuất thân Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đã ra nhập binh chủng nhảy dù ngay từ khi ra Trường cho tới khi mang cấp bậc đại úy. Ở cấp bậc này, ông đã từng đối mặt với thực tế chiến trường qua không biết bao trận đánh nên đã hiểu được thế nào là tình đồng đội, là quyết tử, là hi sinh, cũng như thế nào là tình người, tình đồng bào, là hận thù, là chém giết.
Đặc tính nhà văn quân đội nơi Phan Nhật Nam được biểu lộ trước hết, khi ông giúp ta hiểu được, cảm thấy được thế nào là tình đồng đội gắn bó trong tinh thần huynh đệ chi binh. Ta có thể nhận ra được tinh thần huynh đệ chi binh qua cung cách xưng hô như gọi cấp trên của mình là anh Năm (trung tá), anh Ba (đại úy), hay thằng em (binh sĩ dưới quyền), hoặc đứa con (đơn vị trực thuộc). Nhưng cách xưng hô hay chỉ danh như vậy, dẫu sao mới chỉ là hình thức cho thấy những người cùng một đơn vị, cùng chung chiến tuyến coi nhau như anh em ruột thịt trong gia đình. Để cảm thấy được tình cảm gắn bó trong tinh thần huynh đệ chi binh của người lính VNCH, chúng ta cần phải đọc lại đoan văn dài ngót 12 trang (sđd, tr. 51-62) Phan Nhật Nam dành để nói về cái chết của cố trung tá Nguyễn Đình Bảo trước khi được truy thăng đại tá. Có đọc lại đoạn văn này, ta mới hiểu được nỗi lòng của Phan Nhật Nam tiếc nhớ một đồng đội đã ra đi mang theo biết bao kỷ niệm, biết bao tâm tình cùng nhau chia sẻ. Bên cạnh đó, còn có lòng ngưỡng mộ trước sự hi sinh cao cả của một cấp chỉ huy để hoàn thành sứ mạng giao phó.
Nhưng tình huynh đệ chi binh trong Quân lực VNCH không có đẳng cấp. Bởi vậy Phan Nhật Nam không chỉ có những lời cảm kích, trang trọng để bày tỏ nỗi tiếc nhớ của mình với một cấp chỉ huy, với bậc đàn anh Nguyễn Đình Bảo. Cũng cần phải đọc, chú ý đọc đoạn văn Phan Nhật Nam dành cho thằng em Phúc con (Phúc le Petit), từng là binh sĩ dưới quyền. Vừa nghe nói tới tên của chỉ huy cũ, Phúc con đã vội chạy tới vui vẻ chào hỏi và không quên gọi Phan Nhật Nam là «Xếp» như xưa. Lúc này Phan Nhật Nam mới nhận ra Phúc con một người lính cương trực, không thuộc loại chuyên nghề «điếu đóm» nên không hề kiếm lời «bốc thơm» để tìm cách «nâng bi» mình. Có lẽ vì thế mà hồi đó Phan Nhật Nam mới hay «đì» thằng em khiến Phúc con có lúc phải oai oái lên tiếng phân bua than phiền. Bây giờ hiểu được thì đã muộn rồi. Càng ân hận hơn nữa khi ông được đơn vị trưởng mới của Phúc con, Trung tá Nguyễn Chí Hiếu cho biết Phúc con đã anh dũng hi sinh như thế nào trong đợt xung phong chót để đem lại chiến thắng cho đơn vị. Không biết làm gì hơn, Phan Nhật Nam đành trải dài trên hai trang giấy dưới hình thức tâm thư thay cho lời ai điếu (sđd, tr. 146-149) để tâm tình với thằng em đã bị mình hiểu lầm. Không phải bất kỳ phóng viên chiến trường hay nhà văn quân đội phòng trà nào cũng có thể viết ra những lời như trong bức tâm thư thay cho lời ai điếu ấy được.
Mấy đoạn văn kể trên, dù chỉ là qua bản dịch, đã cho thấy Phan Nhật Nam trong Mùa hè đỏ lửa không chỉ có là thông tín viên quân sự, là nhà văn quân đội mà còn là, để mượn lời của Voltaire nói về tập Les Essais của Montaigne, «đằng sau tác giả ta được gặp một con người». Và con người Phan Nhật Nam đằng sau tác giả Mùa hè đỏ lửa không chỉ biểu lộ qua tình cảm gắn bó và nỗi niềm thương tiếc với đồng đội đã gục ngã. Con người Phan Nhật Nam còn được bộc lộ bằng cái nhìn nhân bản về thân phận con người trong cuộc chiến
Phải đã từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, phải có những lúc lồng lộn như con thú điên chỉ lo đến chém giết để bảo vệ thân xác. Và cũng phải có những lúc bất lực đứng nhìn đồng đội thân thiết nhất rên la thảm thiết, tay chân đứt rời hoặc ôm bụng cố giữ chặt mớ ruột khỏi phòi ra ta mới nhận ra được tác hại của chiến tranh như thế nào. Con người lúc đó hầu như không còn nhân tính, chỉ là bản năng hoang dã thức giấc để chỉ nghĩ đến chém giết để tự vệ, để trút bỏ hận thù. Phan Nhật Nam đã từng trải qua những trạng huống như vậy. Nhưng ông vẫn còn giữ được phẩm chất con người, bởi vì Phan Nhật Nam không chiến đấu vì bị mê hoặc bởi chủ nghĩa, ý thức hệ, vì bị khích động bởi hận thù, mà vì tình yêu đát nước, mà vì tình yêu dân tộc. Ông dấn thân vào cuộc chiến cũng như Nguyễn Đình Bảo, cũng như Phúc con và vô vàn chiến hữu khác chỉ nhằm mục đích duy nhất là để bảo vệ, như điều ông viết trong lời tựa «quyền được sống một cuộc đời đáng sống, cuộc đời của một Con Người Tự Do» (…une vie qui vaut la peine d’être vécue, une vie de l’Homme Libre.) (sđd, tr. 13) (2).
Cũng vì chiến đấu chỉ nhằm mục đích ấy, nên dù phải lao đầu vào nơi trận địa sặc mùi gió tanh mưa máu, Phan Nhật Nam cũng không để mất phẩm chất con người nơi mình. Bởi vậy ông không chỉ dành tình thương xót xa cho các chiến hữu đă gục ngã, mà cho cả với kẻ thù đói địch với mình, cũng như với người thân của họ. Bằng cặp mắt nhân bản, ông hiểu được rằng không phải những kẻ cầm súng đối địch ông trong bộ trang phục màu xanh lá cây và chiếc nón cối trên đầu đều là những tên lính Việt cộng xâm lược cuồng tín. Trái lại, phần đông cũng là những con người Việt yêu nước như ông. Họ bi xô đẩy vào cuộc chiến là do bị ép buộc hoặc bị mê hoặc bởi những lời tuyên truyền xảo trá của một nhóm đồ tể say mê chủ nghĩa, say mê quyền lực, say mê danh vọng. (… des bouchers dont le cœur est endurci par le pouvoir et l’honneur. Ils sont ivres d’une ivresse la plus criminelle de toutes les ivresses. Ils sont ivres d’honneur et de célébrité.) (sđd, tr. 140).
Cũng vì có cái nhìn sáng suốt và cảm thông như vậy nên Phan Nhật Nam đã không cảm thấy hận thù mà còn ái ngại cho cái chết của anh bộ đội tên Lê Văn Hưu mang quân số 271003 TB 004, và xót xa cho niềm ước mơ ảo vọng của cô giáo Nguyễn Thi Hằng trong bức thư gửi cho chồng. Bức thư dài bốn trang, nhưng Phan Nhật Nam chỉ trích lại có hai trang thôi. Hai trang ngắn ngủi nói lên tình yêu thương vợ chồng gắn bó cũng như niềm ước mơ thầm kín được gặp lại người chồng sau ba năm thi hành nghĩa vụ quân sự, để hai đứa được «cùng cười đùa dưới vòm cây và cùng thưởng thức hương vị mùi bắp mới những năm được mùa». Ước mơ mộc mạc đơn giản vậy thôi, tưởng ở tầm tay bất cứ công dân lương thiện yêu nước nào, ai ngờ lại trở thành ảo tưởng do sự đam mê chủ nghĩa, ý thức hệ của một nhóm người cuồng tín hay do tranh giành ảnh hưởng giữa hai khối quyền lực quốc tế đã biến họ thành nạn nhân. Có đọc lại đoạn thư của cô giáo Nguyễn Thi Hằng ở Nghệ An viết cho chồng, cũng như đoạn văn kế tiếp (sđd. tr, 140) nói lên sự phẫn nộ của Phan Nhật Nam trước bàn tay nhúng máu của những tên đồ tể nhân danh chủ nghĩa này, lý thuyết nọ xô đẩy con người vào những lò sát sinh khổng lồ, ta mới hiểu được tại sao, trước ông, nhà văn Mỹ Ernest Hemingway đã cho là trơ trẽn những từ ngữ trừu tượng cao siêu như nào là vinh quang, anh dũng, danh dự…, khiến Hemingway cảm thấy không hửi nổi (2). Và có đọc lại đoạn văn nói về cái chết của Nguyễn Đình Bảo trên đỉnh đồi Charlie khiến Tiểu đoàn 11 nhảy dù đã có lúc bị xóa sổ, cũng như cái chết của Phúc con tại chiến trường An Lộc ta mới hiểu tại sao Hemingway lại cũng viết rằng chỉ có tên của một vài địa danh, của một vài đơn vị, của một vài con đường là còn giữa lại được phần nào phẩm cách (2). Bởi vậy tôi tin rằng sự ái ngại Phan Nhật Nam dành cho cái chết của cán binh Nguyễn Văn Hưu là thành thực. Cũng vậy, tôi tin rằng lòng thương cảm xót xa của Phan Nhật Nam trước niềm ước mơ trở thành ảo tưởng của cô giáo Nguyễn Thị Hằng, không chỉ có là những giọt nước mắt cá sấu nhân nghĩa kiểu bà Tú Đễ, mà là một trắc ẩn cảm thông xuất phát từ một lính chiến vẫn giữ được nơi mình trái tim con người. Mà con tim, những lúc ấy, được trở nên chân chính có bao giờ lại nói dối đâu? Không tin cứ đi hỏi những cặp mới yêu nhau thì biết.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, tính từ khi cuốn Mùa hè đỏ lửa được ra mắt tới nay (1973). Sau gần nửa thế kỷ nay đọc lại, dù phải qua một bản dịch (nhưng là bản dịch được chăm sóc), tôi không hề thấy cuốn sách mất đi tính hấp dẫn của nó. Trái lại, với thời gian và dưới ánh sáng của những bí mật thời sự ngày được phơi bày, tôi lại thấy Phan Nhật Nam đã nêu lên được một số sự kiện sống thực, xác thực đem lại cho cuốn sách giá trị của một tài liệu lịch sử hữu ích. Ý nghĩa của tài liệu lịch sử đó, Phan Nhật Nam đã nêu ra ra trong lời Tựa (Préface): «Trước các hiểm họa, dân ta đã biến thành một dân tộc thần thánh, một dân tộc tử vì đạo, một dân tộc dũng cảm, can trường, cao cả sẵn sàng chấp nhận đương đầu với mọi hiểm nghèo để tồn tại. Mùa hè đỏ lửa 1972, với cường độ lớn nhất, đã khiến chúng ta trở nên kiên cường. Người dân Miền Nam muốn sống một cuộc đời đáng sống, cuộc đời của một con Người Tự Do.» (3) (Face aux dangers, notre peuple s’est transformé en un peuple de saints, de martyrs, un peuple, vaillant, intrépide et magnanime, et qui a accepté d’affronter tous les périls pour exister. L’embrasement de l’été 1972, avec une intensité la plus forte, nous a endurcis. Les Vietnamiens du Sud veulent une vie qui vaut d’être vécue, une vie de l’Homme Libre) (sđd, tr. 12-13).
Một dân tộc thần thánh là ở mấy đoạn văn ông ghi lại những cảnh chạy loạn thê thảm với cái chết của biết bao nạn nhân thường dân vô tội: Như tiếng thét xé ruột của bà mẹ tuyệt vọng nhìn dứa con sơ sinh lọt khỏi vòng tay rơi vào khoảng không do cái lắc mạnh của trực thăng chở gia đình minh trên đường di tản khỏi An Lộc (sđd, tr. 64). Như trên Đại Lộ Kinh Hoàng (Le Boulevard de l’Horreur (sđd, tr. 190-199), sặc mùi tử khí với những thân xác cháy đen, chân tay đứt lìa trải dài trên 9 cây số. Hoặc, như tại Hải Lăng vừa được quân ta tái chiếm, hình ảnh một thiếu phụ trẻ gầy guộc vẫn ngơ ngác bước đi trên con đường lầy lội máu, đôi quang gánh trên vai một bên là thúng đựng vật dụng cá nhân còn gom góp được, thúng bên kia là đứa con nhỏ mầm sống duy nhất còn sót lại trong khi chồng và các đứa con khác đều đã chết (sđd, tr. 155). Hồi đó tôi chỉ cảm thấy dâng lên một nỗi ái ngại xót xa. Nay đọc lại, tôi còn tìm thấy nơi hình ảnh một ý nghĩa biểu tượng. Người phụ nữ trẻ thân hình gầy guộc đó, phải chăng chính là hình ảnh đất nước Việt Nam mảnh mai hình chữ S vẫn bền vững tồn tại bên bờ Thái Bình Dương bất chấp mọi kinh qua biến động. Còn một bên thúng đựng vật dụng cá nhân phải chăng là biểu tượng cho sự nghiệp cơ đồ đất nước, và thúng bên kia đứa con sơ sinh còn sót lại, phải chăng chính là mầm sống dân tộc cần được nuôi dưỡng. Chồng con đều đã chết vì chiến tranh, nhưng người phụ nữ vẫn mạnh dạn bước đi với đôi quang gánh trên vai, phải chăng đó là biểu tượng cho đất nước Việt Nam, cho lòng can đảm và sức chịu đựng kiên trì của người dân Việt để tồn tại bất chấp mọi kinh qua biến động lịch sử.
Là dân tộc của những con người tuẫn tử hay tử vì đạo (peuple de martyrs), ta không thể hiểu được ý câu nói của Phan Nhật Nam nếu không chú ý đọc phần chót mang tiểu đề «Người lính miền Nam Việt Nam, một bí ẩn» (Le soldat sud-vietnamien, un mystère.) (sđd, tr. 245-252). Trong phần kết này, Phan Nhật Nam bày tỏ trước hết lòng cảm phục sức chịu đựng kiên cường và tinh thần chiến đấu dũng cảm của người lính chiến VNCH trong cuộc tái chiếm Quảng Trị. Thân nặng có năm mươi ký mà phải vác trên người bốn mươi ký đủ thứ nào là súng đạn, nào là ba lô, cuốc sẻng, nào là lương thực, áo pông xô…, rồi còn phải chịu đựng gian nan đói khổ suốt hai tháng trường để giành giật từng tấc đất. Vậy mà họ vẫn một lòng giữ vững niềm tin vào mục tiêu chiến dấu. Họ đâu biết rằng tất cả mọi hi sinh cố gắng đó, rốt cuc chỉ được sử dụng làm con bài tố trong canh bài xì phé với những tính toán ích kỷ giữa hai khối tranh chấp quyền lực quốc tế. Vậy mà người lính VNCH vẫn can trường chiến đấu trên mọi chiến trường, không quản ngại hi sinh thân xác để bảo vệ sự tồn vong của dân tộc, của đất nước. Sự hi sinh dũng cảm vô bờ ấy chính là nguyên nhân khiến Phan Nhật Nam đã có những ưu tư trăn trở khi ông được nghe tiết lộ về những tính toán riêng tư của người bạn đồng minh thân thiết. Thí dụ như trong trận chiến tại phía bắc Đông Hà tháng Tư 1972, một sĩ quan thuộc Trung đoàn 57 Sư đoàn 3 Bộ binh đã cho biết rõ tọa độ của vị trí pháo binh địch chỉ cách mình 3 cây số. Vậy mà khi được kêu gọi yểm trợ, phi cơ Mỹ lại tới oanh tạc cách xa mục tiêu tới 12 cây số. Hay như ngay từ sáng ngày 25-7-1972, Tiểu đoàn 5 Dù đã tới sát được chân tường Cổ thành Quảng Trị. Vậy mà mãi quá trưa phi cơ Mỹ mới tới thả bom yểm trợ. Không những thế, lại còn dội lầm hai trái bom vào đơn vị bạn khiến quân nhảy dù phải tháo lui. (sđd, tr. 250-251).
Ta chỉ có thể hiểu ra những «bé cái lầm» to tổ bố ấy bằng nhớ lại rằng các trận chiến được thuật lại trong Mùa hè đỏ lửa đều diễn ra vào năm 1972, là năm bắt đầu khai diễn Hôi đàm Ba Lê để hai phe chủ mưu tham chiến bước vào thương thảo để giai quyết vấn đề Việt Nam trên cơ sở đôi bên đều thủ lợi. Trong cương vị sĩ quan thông tin liên lạc, Phan Nhật Nam có điều kiện để được biết ít nhiều về những gì đang diễn ra bên trong hậu trường sân khấu. Bởi vậy Phan Nhật Nam mới chọn cho cuốn sách của ông cái tựa Mùa hè đỏ lửa với dụng ý nhắc nhở ta rằng các trận đánh ông tường thuật đều là những cuộc giao tranh không chỉ có ác liệt, mà còn tác nhẫn khốc liệt do chúng được sử dụng như những con bài tảy trong canh bạc xì phé đang diễn ra tại Hội Đàm Ba Lê. Dịch giả Liễu Trương hẳn cũng nhận thức được dụng ý sử dụng kết quả của các trận đánh khốc liệt trong Mùa hè đỏ lửa ấy, nên mới không dịch tựa sách ra L’ été embrasé, mà là Un été embrasé hẳn muốn lưu ý độc giả về ý nghĩa chiến lược của các trận đánh đang diễn ra vào cái năm đó, mà quyết định thắng bại không tùy thuộc vào quyết tâm của người chiến sĩ, mà lại do sự mặc cả tại bàn thương thảo. Như Phan Nhật Nam đã phải chua chát nhận định: «Các chiến sĩ của chúng ta không phải chỉ chiến đấu trong một không khí chết chóc. Họ còn là nạn nhân bi đát cho những trò chơi chính trị, những cuộc mặc cả bần tiện trong các buổi họp bàn trong phòng kín.» (Non seulement nos soldats devaient se battre dans un climat de mort, ils étaient encore des victimes tragiques des jeux politiques avec des marchandages mesquins dann des bureaux secrets.) (sđd, tr. 250). Bởi thế ông mới có những ưu tư trăn trở về ý nghĩa hành động hi sinh của người lính VNCH, về tương lai dân tộc đất nước, về tiền đồ tổ quốc. Cái chết của Nguyễn Đình Bảo, của Phúc con cũng như của vô vàn chiến sĩ vô danh khác, liệu có lợi ích gì; hay chỉ là một sự hi sinh vô ích? Và cái chết của họ liệu có đóng góp được gì cho quốc gia, cho dân tộc? Kết cục cuộc chiến ra sao, chúng ta đều đã biết cả rồi.
Nhưng thắng được một trận chiến chưa hẳn là đã thành công trường kỳ, nếu như chiến thắng đó chỉ nhằm phục vụ mưu đồ tham vọng cá nhân hay chạy theo chủ nghĩa, ý thức hệ ảo tưởng. Trong truyện Chuông gọi hồn ai (Pour qui sonne le glas), nhân vật Robert Jordan, hiện thân của công dân Mỹ Robert Merriman, giáo sư đại học Berkeley ngoài đời, đã phải hi sinh tử thủ để giúp cho người yêu Maria cùng đồng đội rút lui được về nơi ẩn náu an toàn. (2) Nhưng chế độ độc tài phát xít của tướng Franco cuối cùng rồi cũng sụp đổ, nhường chỗ cho chế độ tự do dân chủ được phục hồi để người dân Tây Ban Nha lại vui sống với vũ điệu Flamenco truyền thống cùng với tiếng kèn của những nốt nhạc Espana Cani trổi lên thúc giục rộn rã nơi đấu trường thu hút được hàng triệu du khách trên thê giới. Nhìn vào quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phân tán, chia rẽ như thời thập nhị sứ quân hay thời Trịnh- Nguyễn phân tranh, hoặc trỏ thành miếng mồi cho những tham vọng bành trướng quốc tế. Nhưng rồi nhân dân ta vẫn giành lại được quyền tự chủ và giữ vững cõi bờ. Và, nêú như lịch sử nước ta đã có những Trần Ích Tắc, những Lê Chiêu Thống, thì chúng ta cũng đã có Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Bởi vậy tôi vẫn tin tưởng vào một đất nước Việt Nam tương lai sẽ sáng lạn. Không phải chỉ nhờ có các nhân vật tên tuổi như nêu trên. Mà vì Việt Nam là đất nước của một dân tộc thánh thiện (un peuple de saints), một dân tộc tuẫn tử (un peuple de martyrs), như lời Phan Nhật Nam trong phần Tựa. Một dân tộc thánh thiện bởi đất nước thường được dùng làm sân chơi cho những cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực quốc tế khiến không biết bao người dân phải trở thành nạn nhân vô tội. Nhưng rồi người dân đất nước đó vẫn kiên cường chịu đựng và tin tưởng vào tương lai, như hình ảnh người thiếu phụ trẻ, chồng và mấy người con lớn đều đã chết, nhưng vẫn đôi quang gánh trên vai, một bên là đứa con nhỏ còn sót lại, một bên là tài sản nhặt nhạnh được, vẫn mạnh dạn bước đi để xây dựng lại cuộc sống. Một dân tộc tuẫn tử (peuple de martyrs) với những con người như Nguyễn Đình Bảo, như Phúc con, như anh cán binh Nguyễn Văn Hữu cũng như vô vàn chiến sĩ vô danh bên này hay bên kia chiến tuyến sẵn sàng quên mình dâng hiến thân xác cho tổ quốc. Hoặc những con người như các tướng, tá Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Hồ Ngọc Cẩn, Trần văn Long…, hay những người lính nhảy dù đã đồng loạt tự sát tập thể khi nghe tướng Dương Văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng. Cũng như cái chết của những kẻ tử vì đạo để thắp sáng Đức Tin tôn giáo, cái chết của các nhân vật kể trên đều là những cái chết tự nguyện để cho thế giới biết họ hi sinh chiến đấu là cho đất nước, cho dân tộc, chứ không phải để làm tay sai cho ngoại bang hay để phục vụ cho một chủ nghĩa, ý thức hệ ngoại lai. Những cái chết ấy không thể là vô ích hay vô nghĩa được, bởi vì dù có chết đi thân xác họ cũng sẽ là phân bón, máu họ cũng sẽ là nước tưới để vun xới, giũ gìn đất nước Việt Nam luôn luôn bền vững bất kể mọi mưu toan lũng đoạn bằng quyền lực hay ý thức hệ. Nói khác đi, tôi xin mượn hình tượng sau đây của văn hào Goethe, người Đức, để trình bày ý tưởng được ngắn gọn và cụ thể hơn:
«Mọi lý thuyết đều màu xám, nhưng cây đời vẫn mãi mãi xanh tươi»
Có những người thích viết văn để ra điều ta đây có sống. Phan Nhật Nam cũng viết văn vì ông đã từng sống và còn được sống. Nhờ còn được sống, ông mới có nhu cầu trải lên giấy trắng những điều được tai nghe mắt thấy về những trạng huống bi đát trong một giai đoạn tang thương đầy máu và nước mắt của đất nước. Phải chăng những điều ông viết ra đều mang tính chất sống thực, xác thực có giá trị lời của một nhân chứng lịch sử nên nhà xuất bản L’Harmattan mới xếp bản dịch Mùa hè đỏ lửa ra Pháp ngữ của Liễu Trương vào bộ sách «Mémoires du XXè siècle»? Nếu quả là vậy, tôi nghĩ rằng sự có mặt của Un été embrasé trong tủ sách gia đình, đặc biệt với cộng đồng người Việt hải ngoại thuộc khối Pháp ngữ, là hữu ích. Bởi vì, để lập lại thêm lần nữa lời dịch giả Liễu Trương, ít ra nó cũng giúp cho các thế hệ con cháu họ: «hiểu biết hơn về cái thời khói lửa đau thương, để nhớ ơn những người đã nằm xuống và càng yêu thương đất nước (Việt Nam) hơn.».
(Bắt đầu đọc để viết ngày 10-12-2018. Viết xong ngày 08-02-2019)
(1) Do không có nguyên tác trong tay, tôi phải viết lại lời của Đại úy Võ Tín qua bản dịch của Liễu Trương. Nếu phần dịch lại của tôi có chỗ nào sai, xin tác giả Phan Nhật Nam sửa lại cho đúng và miễn chấp.
(2) Mời coi bài viết «Ernest Hemingway, nhà văn con người và cõi sống», phần hai và ghi chú (3)
(3) Cần để ý hai chữ Tự Do ở đây được viết hoa. Phải chăng Phan Nhật Nam muốn lưu ý rằng «Tự Do», với ông, không phải là thứ «tự do» theo thói quen sử dụng của một số người trong cuộc sống hàng ngày. Với những người này, nếu «tự do» không phải là quyền chỉ biết tung hô, ca ngợi theo chỉ thị, thì họ lại cho rằng «tự do» là quyền phát ngôn tùy tiện: ưa chuộng cái gì thì tâng bốc đến tận mây xanh, còn ghét bỏ thì quay ra chửi rủa tưới hạt sen, sỉ vả vung tứ mẹt. Theo tôi, Tự Do với Phan Nhật Nam, chỉ là quyền được tùy nghi tim hiểu và nói lên những điều mình cho là đúng, là hợp với lẽ phải. Tự Do, theo nghĩa này cần được đi kèm với tinh thần trách nhiệm, bởi Tự Do đích thực chính là thước đo mức trưởng thành của trí tuệ.