Nhà văn Nguyên Minh
Tưởng rằng văn chương chỉ là một đam mê nhất thời của tuổi trẻ. Cuộc sống ê chề, nặng đè làm còng lưng với những lo toan về cơm áo... Cơn lốc biến động lịch sử đã cuốn mất hút những dấu tích của một thời làm văn học nghệ thuật mà chúng tôi đã gầy dựng qua tạp chí và nhà xuất bản Ý Thức tại miền Nam trong thập niên 70. Kể từ năm 1975, bao nhiêu năm sau đó, những khó khăn về kinh tế của đời sống áo cơm cùng những khổ đau về tinh thần, nhiều người trong chúng tôi đã im lặng, xếp bút. Anh em sống tản mác, trong nước có, hải ngoại có. Bây giờ tuổi đã xế chiều, tóc bạc phơ và lòng cũng chùng xuống. Văn chương chữ nghĩa của một thời trai trẻ giờ lại thôi thúc mình như cái nghiệp trọn đời phải trả.
Đầu tiên, tại Huế vào năm 1957, vào thời ấy ở Huế thường có những nhóm văn thơ tập trung chín mười anh em, tuổi chưa tới hai mươi, thường là những học sinh, sinh viên, như nhóm Thiên Thanh, Hai Mươi, v.v… Nhóm chúng tôi được mang tên Gió Mai. Gồm có Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Hoài Linh, Thùy Linh (Ngy Hữu Trần Hữu Ngũ), Hồ Thủy Giũ, Nguyên Thạnh (Nguyễn Mậu Hưng), Thiên Nhất Phương (Châu văn Thuận), Nguyên Minh. Hồ Thanh Ngạn… Hàng tháng ra một số báo, bài vở tác giả tự viết tay, tập trung lại đóng thành một tập duy nhất, rồi truyền tay nhau mà đọc. Thỉnh thoảng ra một vài tập thơ của từng tác giả như U Hoài thơ của Lữ Kiều, Thác Loạn của Lữ Quỳnh, Những Người Cùng Đi tuyển tập thơ của nhiều tác giả. Tuyển tập thơ văn Gió Mai, in ronéo. Hết bậc trung học ở trường Quốc Học, anh em bắt đầu tản mác. Lữ Kiều, Nguyên Thạnh vào Sài Gòn học Y Khoa, Thùy Linh, Hồ Thủy Giũ, Nguyên Minh vào Sư Phạm Qui Nhơn, Lữ Quỳnh, Hồ Thanh Ngạn nhập ngũ, ở Huế chỉ còn Châu văn Thuận vào Đại học Sư phạm. Từ đó Gió Mai không ra báo thường xuyên. Tại Qui Nhơn, Thùy Linh, Nguyên Minh, Hồ Thủy Giũ, cùng bài vở của anh em trong nhóm từ xa gởi về làm một số Gió Mai tha hương, Chủ biên: Thùy Linh (Trần Hữu Ngũ).
Năm 1967, tại Phan Rang, khi Ngy Hữu và Nguyên Minh về dạy học tại đó, tập họp bài vở anh em trong nhóm ở xa làm một số Xuân Gió Mai, in roneo, khổ 21x30. Đến năm 1969, Gió Mai mở rộng và đổi tên là Ý Thức, hai tháng ra một số báo, in ronéo. Lúc này, nhóm chủ trương có thêm Trần Hữu Lục, Lê Ký Thương, Võ Tấn Khanh, Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc). Tòa soạn : Theo chân người viết. Thực ra là 11 Nguyễn Thái Học. Phan Rang.
Báo ra được 6 số thì dọn vào Sài Gòn, ra chính thức Bán nguyệt san văn học nghệ thuật, in Typô rồi đến Offset, phát hành rộng rãi toàn quốc. Tòa soạn đặt tại 666 Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Chủ nhiệm trên pháp lý là Dược Sĩ Nguyễn thị Yến, một người bạn gái của Nguyên Minh, không biết gì về văn chương, trên thực tế là Nguyên Minh với chức danh trên giấy phép do Bộ Thông Tin cấp là Tổng Thư Ký. Tại tòa soạn, những số báo đầu tiên có Thái Ngọc San, Nguyễn Mai phụ tá, sau đó có Võ Tấn Khanh, Lê Ký Thương vào giúp sức với Nguyên Minh. Báo ra 24 số thì tạm đình bản. Đầu năm 1975, Ý Thức ra bộ mới do Lữ Kiều chủ biên. Báo vừa in xong số 2 tháng 3 năm 1975 xảy ra, chưa kịp phát hành.
Kể từ Ý Thức thời quay ronéo đã có thường xuyên các truyện ngắn, thơ của Tần Hoài Dạ Vũ, Mường Mán, Đông Trình, Doản Dân, Nguyễn Kim Phượng, Hồ Minh Dũng, Từ Hoài Tấn, Luân Hoán, Chu Trầm Nguyên Minh, Thế Vũ, Nguyễn Lệ Tuân, Thái Ngọc San…
Ý Thức thời in Typô và offset có thêm Trần Nhựt Tân, Huỳnh Hữu Ủy, Nguyễn Ước, Huỳnh Ngọc Sơn, Bảo Cự, Trần Duy Phiên, Nguyễn Lệ Uyên, Mang Viên Long, Bùi Giáng, Huy Tưởng, Từ Kế Tường, Nguyễn Tôn Nhan, Lê Văn Thiện, Phạm Ngọc Lư, Phan Việt Thủy, Trịnh Công Sơn, Kinh Dương Vương, Nguyễn Xuân Thiệp, Huỳnh Phan Anh, Cao Hữu Huấn, Phan Tấn Uẩn, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Phan Thịnh…
Hình Thức: Chữ Ý Thức thời ronéo do Lê Ký Thương kẻ. Khổ báo là 21x30. Đánh máy trên stencil là Chị Hồ Thị Kim Phương, một người bạn gái của Nguyên Minh, rất sính văn chương, tẳn mẳn đếm từng chữ để canh hai bên lề ngay ngắn, không khác gì sắp chữ chì in typô.
Khi Ý Thức chính thức có giấy phép của Bộ Thông tin, khổ báo được đổi thành 14x2O. Số 1 bìa do Lê Ký Thương trình bày. Số 2 do Đỗ Quang Em. Số 3 do Vị Ý. Số 4 đến số 7 trở lại Lê Ký Thương. Số 8 tranh bìa Hoàng Ngọc Biên.
Bắt đầu số 9, Ý Thức lại thay đổi khổ báo, hình vuông 19x19. Bìa và ruột do Nguyễn Bom trình bày, rất mới lạ. Số 12, tranh bìa của Bửu Chỉ: Quê hương ta ngày trùng tu. Số 18, tranh bìa của Hồ Đắc Ngọc. Số 21 Ý Thức chuyển qua in offset. Lê Ký Thương trình bày và kỹ thuật in do Nguyên Minh chăm nom.
Rô-nê-ô Nguyễn, 11 nguyễn Thái Học, Phan Rang.
Khi báo còn mang tên Gió Mai, số Xuân 67, bài vở của anh em Ngy Hữu đánh máy chữ trên tờ stencil bằng máy đánh chữ xách tay của nhà trường mà Ngy Hữu làm hiệu trưởng, và tôi nghĩ ra cách in rô-nê-ô không cần máy quay, chỉ cần một quai guốc nylon kẹp giữa hai miếng gỗ, đổ mực đen lên thẳng tờ stencil, phía dưới là tờ giấy trắng, rồi kéo mực xuống, thế là có một trang in. Bằng cách thủ công đó chúng tôi đã in xong một tập san văn nghệ dày cả 100 trang, số lượng 100 cuốn. Chữ nghĩa rõ ràng không lem nhem như một số báo thời đó in rônêô, phổ biến hạn chế thỉnh thoảng xuất hiện trong vài nhà sách.
Sẵn dịp tôi đến chơi với anh Mạch Chí Quang, chủ nhà in Nghệ Thương, Phan Rang, thấy có một máy quay Rônêô bỏ không trong một xó phòng. Anh Mạch gợi ý tôi đem về mà dùng, tiền bạc chẳng bao nhiêu, đưa làm hai lần, mỗi lần là một tháng lương của tôi, 5000 đồng. Trị giá một lượng vàng. Tôi mừng quá, đồng ý ngay và khiêng máy ngay về nhà. Để khỏi phiền phức, nguy hiểm cho tôi, người chị kế của tôi lo giấy phép của Tỉnh được quyền mở cơ sở in ấn mang tên Rônêô Nguyễn. Tôi phải mua thêm hai máy đánh chữ đặc biệt có corp Roman để giống như chữ chì in sách. Chị Hồ Kim Phương, ngồi gõ từng chữ, thật chậm và mạnh tay để làm thủng đều màn sáp trên tờ stencil. Tôi làm vệ sinh và trang bị lại những phần hư hỏng của máy quay. Tôi phải nhờ Lữ Kiều, lúc bấy giờ còn là sinh viên Y khoa tìm mua hộ tôi một máy xén giấy rồi gởi qua chành về cho tôi. Thế là tôi có đủ phương tiện để in báo, làm đẹp tờ Ý Thức. Trong thời điểm này Ý Thức đã xuất bản tập truyện “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang” của Trần Hoài Thư. Bìa do Lê Ký Thương trình bày. Số lượng 1000 cuốn. Độc giả và bạn hữu không thể nghĩ tập truyện đó in bằng phương pháp rônêô, cứ nghĩ là in Typô tại nhà in lớn ở Sài Gòn.
Nhà in Đăng Quang 734A Phan Thanh Giản, Sài Gòn.
Khi chị Mai, người chị đầu của tôi, từ Nha Trang về thăm nhà, thấy tôi hì hục quay tài liệu sách giáo khoa cho các trường học, anh em bạn bè có Lê Ký Thương, Võ Tấn Khanh, Trần Hữu Ngũ, chị Hồ Thị Kim Phương và các em tôi cùng nhau làm việc, người xén giấy, kẻ đánh máy, tôi quay máy in, các em tôi cùng phụ nhau bắt cuốn, đóng thành tập. Chị gợi ý tôi vào Sài Gòn cùng chị, mua nhà cũ ở mặt tiền, cất lại thành nhà cao tầng và mở nhà in. Tôi phải giải thích cho chị, vào Thủ đô muốn mở nhà in phải trang bị máy móc tối tân hiện đại. In Typô tôi chưa rành nói chi đến offset. Chị khuyên tôi: Không biết thì học. Đúng. Thế là tôi nhờ các bạn trông coi tạm thời Cơ sở Rônêô để theo chị Mai vào Sài Gòn. Tôi phải vào tập sự ở nhà in riêng của Nhà xuất bản Thương Yêu của Nhã Ca, Trần Dạ Từ. Ở đây tôi nắm rõ về sắp chữ chì và máy in Typô khổ lớn.
Trong khi chờ đợi ngôi nhà bốn tầng cất xong của chị Mai và chờ đợi máy in offset tự động chị Mai đặt mua ở Ý chuyển về Việt Nam, tôi tạm thời tìm một nhà in ở gần nhà để in Tạp chí Ý Thức mà tôi đã được cấp giấy phép chính thức. Đó là Nhà In Đăng Quang, cách nhà chị tôi 100 mét. Chủ nhà in là một bà già gốc người Huế. Quản lý nhà in là anh Trần Quang Huề. Sau này giữa tôi và anh Trần Quang Huề gắn bó với nhau trong hệ thống phát hành Hàm Thụ.
Nhà in Thanh Bình, 666 Phan Thanh Giản, Sài Gòn.
Sau khi máy in offset tự động cùng các máy móc khác đã ráp xong hoàn chỉnh, tôi bắt đầu tổ chức từ tổ xếp chữ chì, máy Typo, máy offset tự động, thư ký văn phòng, kế toán… Và tờ báo Ý Thức được in ofset. Lúc bấy giờ có Võ Tấn Khanh nhân dịp nghĩ hè, và Lê Ký Thương vào phụ giúp cho tôi từ kỹ thuật cũng như viết bài phỏng vấn… Từ căn phòng ấm cúng làm tòa soạn báo Ý Thức, nhà xuất bản Tiếng Việt, Hoa Niên, một phòng khác dùng để làm văn phòng nhà phát hành Hàm Thụ, đến việc in ấn báo Ý Thức và sách đều không tốn tiền, tất cả đều trừ vào lương bổng của tôi như đã thỏa thuận ngay từ lúc lập nhà in Thanh Bình. Vào thời này, năm 1971, tại Sài Gòn những nhà in trang bị máy offset chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một nhà in tối tân như thế, mà từ chủ đến giám đốc và nhân viên đều mới tập tễnh bước vào nghề. Bây giờ nghĩ lại mà giật mình. Ngoài cơ sở Ý Thức in ấn tại đây, tôi cũng yểm trợ tiếp tay với Cha Nguyễn Ngọc Lan in mấy sách của nhà xuất bản Đối Diện như Cho Cây Rừng Còn Xanh Lá của Nguyễn Ngọc Lan, Cách Một Giòng Sông của Trần Hữu Lục, Phía Sau Mặt Trời Mọc của Trần Duy Phiên.
Nhà in Tiếng Việt 11 Nguyễn Thái Học, Phan Rang.
Năm 1974 tôi thành lập một nhà in riêng cho cơ sở Y Thức, không đặt tại Sài Gòn mà lại tại Phanrang, cũng 11 Nguyễn Thái Học, trước đó vài năm đã thành nhà sách Tiếng Việt. Tất cả máy móc rất gọn nhẹ và tối tân. Một máy offset tự động in khổ giấy A3. Hai máy đánh chữ điện IBM quả cầu. Cũng nhờ chị Hồ Thị Kim Phương và một cô em gái của người bạn tên Đỗ thị Hương Lan xử dụng. Phơi bản kẻm tôi tự làm lấy. Đứng máy in tôi và các bạn như Lê Ký Thương, Võ tấn Khanh thay phiên nhau. Tôi vẫn thường xuyên vào Sài Gòn trông nom cơ sở chính và trở về Phanrang bắt tay in báo Y Thức bộ mới và các tác phẩm của anh em trong nhóm.
Song song với nhà xuất bản mang tên Ý Thức còn có Tiếng Việt, Hoa Niên, Thời Xanh. Từ lúc còn mang tên Gió Mai, in ronéo, phát hành hạn chế, chúng tôi đã xuất bản: - Nội chiến, tập truyện của Ngy Hữu, Miền Hoang Vu, tập truyện của Nguyên Minh.
Khai trương nhà xuất bản Ý Thức thời ronéo là tập truyện Nỗi bơ vơ của bày ngựa hoang của Trần Hoài Thư.
Khi cơ sở Ý Thức dời về Sàigòn, tập truyện Cát Vàng của Lữ Quỳnh được xuất bản, bìa in offset do Nguyễn Trung trình bày, phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Tuần tự, cũng mang tên Ý Thức, đã xuất bản: Những vì sao vĩnh biệt, tập truyện thứ hai của Trần Hoài Thư. Sau đó là Sông Sương Mù , tập truyện thứ hai của Lữ Quỳnh, Bìa của Hoàng Ngọc Biên. Sách được in tại nhà in Thanh Bình.
In tại nhà in riêng offset đặt tại Phan Rang: Bếp lửa thơm mùi bả mía, tập thơ của Lê Ký Thương, Tình người, tập thơ của Đỗ Nghê (một bút hiệu khác của Đỗ Hồng Ngọc), Kẻ phá cầu, tập kịch của Lữ Kiều (chưa kịp phát hành thì giải phóng).
Ý Thức, tủ sách Hoa Niên, dành cho thiếu niên, đã xuất bản: Đám tang đa đa, truyện dài của Nguyên Minh, Mưa qua thành phố, tập truyện của Nàng Lai (một bút hiệu khác của Lữ Kiều). Em bé bất hạnh, Anh hùng tí hon, của Trần Quang Huề. Tranh bìa bốn cuốn sách trên của họa sĩ Nguyễn Trung. Chim bay về đâu, truyện dài dành cho lứa tuổi 16, của Võ Tấn Khanh. Sách dịch có Cậu bé gỗ của Châu Lang (một bút hiệu khác của Châu văn Thuận), Trên ngọn hải đăng của Lê Ký Thương …
Mang tên nhà xuất bản Tiếng Việt, có Ngọn cỏ ngậm ngùi, tập truyện thứ ba của Trần Hoài Thư, Sông sương mù, tập truyện của Nguyễn Mai. Sách dịch có Mười hai năm bên cạnh Hitler của Nguyên Thạnh (bút hiệu của Nguyễn Mậu Hưng).
Do sự giới thiệu của anh Trần Quang Huề, cựu giám đốc Nhà Phát hành sách báo Thống Nhất, nhà Đồng Nai nhận độc quyền phát hành báo Ý Thức. Nhưng chỉ được 4 số thì họ trả về số lượng hơn một nửa, và các độc giả cho biết là các nhà sách tại tỉnh họ đều thiếu vắng khuôn mặt tờ báo. Muốn báo và sách do Y Thức xuất bản được có mặt mọi nơi, cũng nhờ anh Trần Quang Huề gợi ý là chúng tôi phải lập một hệ thống phát hành riêng. Sau khi tôi và anh Trần Quang Huề đi một chuyến từ Sài Gòn đến tận Quảng Trị, giao thiệp với các nhà sách có uy tín và sẳn sàng cung cấp sách mà họ yêu cầu. Về lại Sài Gòn, chúng tôi thành lập Nhà Phát hành sách mang tên NHÀ SÁCH HÀM THỤ do anh Trần Quang Huề làm giám đốc. Văn phòng cũng đặt tại 666 Phan Thanh Giảng. Được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà xuất bản có uy tín thời bấy giờ như An Tiêm, Lá Bối, Ca Dao, Cảo Thơm, Trí Đăng, Thương Yêu…, tạo điều kiện cho cơ sở phát hành chúng tôi vững mạnh. Ngoài sách ra chỉ có độc nhất có tạp chí Ý Thức kèm theo.
Để dể dàng chuyển sách đi miền trung và cao nguyên, tôi lập một nhà sách tại 11 Nguyễn Thái Học Phan Rang. Còn các tỉnh miền Nam thì kho sách tại Sài Gòn phụ trách. Hàng tuần chúng tôi đều chở sách bằng xe Toyota riêng đến các tỉnh.
Như chiếc ghế bốn chân, vững vàng không ngã. Dây chuyền đã khép kín. Trong tay đã có nhà in, nhà xuất bản, tạp chí Ý Thức và nhà phát hành, chúng tôi mới yên tâm, chuẩn bị cho ra tờ tạp chí Ý Thức bộ mới, và in các tác phẩm của anh em trong và ngoài nhóm.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Mọi việc đều tan tành theo mây khói…