Nhà văn Nhất Linh
Những ngày tháng bảy năm 1963, người dân bàng hoàng xôn xao khi nghe tin nhà văn Nhất Linh đã tự tử bằng độc dược! Từ lâu (1951) ông đã tuyên bố không hoạt động chính trị, sống ẩn dật với hoa lan ven suối Ða Mê ở Ðà Lạt (1953), đến năm 1958 mới về Sài Gòn cũng chỉ để hoạt động văn hóa: chủ trương tờ báo Văn Hóa Ngày Nay. Không ngờ ông lại có đứng tên trong Mặt Trận Quốc Dân Ðoàn Kết chung với Phan Khắc Sửu và Nguyễn Xuân Chữ tức dính líu vào vụ đảo chánh ngày 11 tháng 11 năm 1960, ông bị chính quyền Ngô Ðình Diệm gọi ra trước tòa án quân sự để xét xử ngày 8 tháng 7 năm 1963. Ông phản ứng bằng cách tự tử ngày 7-7-1963 để lại di chúc như sau: "Ðời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả ....".
Những lời tâm sự với con sau đây có thể giải thích nguyên nhân tại sao ông phải hoạt động chính trị lại: Vào khoảng 4 giờ chiều ông uống thuốc độc thì 11 giờ trưa ông trò chuyện với con là Nguyễn Tường Thiết (dĩ nhiên không biết đến ý định quyết liệt của cha) và thốt ra những lời tâm can, rất chân thành:
Bức thư tuyệt mệnh của Nhất Linh
viết ngày 7-7-1963
"Chuyện chính trị nhiều khi cái không khí nó bắt buộc mình phải tham gia, như cái tình trạng hồi Pháp thuộc, lúc đó, nếu cậu không đứng ra làm việc nước thì trong lòng áy náy chẳng làm được việc gì khác... Ngay cả hồi chơi hoa phong lan ở Ðà Lạt, cậu vẫn thấy mình không thể đứng ngoài vòng trách nhiệm ấy, nên phải về hoạt động lại ở Sài Gòn." (1)
"Vào cái tuổi 57 chưa hẳn quá về chiều của cuộc đời, ông đã lấy cái chết của mình để cảnh cáo những người cầm quyền bạo ngược...
Không phải ai cũng lấy được một quyết định như vậy. Phong thái lẫm liệt ấy hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Người Việt Nam có thể tự hào đã có một nhân vật Nhất Linh Nguyễn Tường Tam trong lịch sử" (2)
Nhất Linh tên thật là Nguyễn Tường Tam, sinh ngày 25 tháng 7 năm 1906, tại huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Nguyên quán của gia tộc nguyễn Tường ở làng Cẩm Phô, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Hội An). Trừ người anh cả Nguyễn Tường Thụy (công chức), sáu người sau đều có tham dự vào văn chương: Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long (Tứ Ly Hoàng Ðạo), Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) và Bác sĩ Nguyễn Tường Bách.
Lúc năm tuổi, Nguyễn Tường Tam được cha gởi lên thụ giáo cụ Bùi Ðình Tá và Ðào Trinh Nhất ở phố Hàng Bạc. Lên 13 tuổi, độ tuổi khá trẻ so với thời ấy, ông đỗ đầu kỳ thi Tiểu học tại Cẩm Giàng. Cha mất, nhà nghèo, ông phải nghỉ học hai năm để hai anh ăn học. Sau khi hai người anh đã đỗ đạt và có việc làm, ông được mẹ cho nộp đơn thi vào trường Bảo Hộ. Nhờ đậu cao, ông được 50% học bổng. Trong năm đầu học trường Bảo hộ, ngoài năng khiếu về hội họa, ông đã tham gia bình luận văn chương truyện Kiều trên Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh, ông còn làm thơ Ðường luật khá vững và được chọn đăng trên báo Trung Bắc Tân Văn -tờ báo lớn có uy tín lúc ấy- của Nguyễn Văn Vĩnh, ông càng được thầy, bạn nể trọng.
Thấy hai người anh chỉ học 3 năm đã đỗ bằng Thành chung, ông nôn nóng lắm. Ðược sự giúp đỡ âm thầm của hai người anh, ông bỏ trường Bảo hộ ra học trường tư và khai lớn thêm một tuổi để đủ tuổi thi. Sau một năm hết sức cố gắng, ông đỗ đầu bằng Thành chung (1923). Trong lúc chờ đợi thi vào trường Cao Ðẳng Ðông Dương (vì chưa đủ tuổi), ông xin vào làm ở Sở Tài Chánh Ðông Dương để phụ giúp mẹ nuôi em ăn học. Tại đây ông gặp thầy phán trẻ Hồ Trọng Hiếu, và hai người trở thành bạn tâm giao. Trong khi ông viết tiểu thuyết đầu tiên: Nho Phong, ông khuyên Hồ Trọng Hiếu làm thơ hài hước để chế giễu những cái rởm, cái dở của người đời. Chính Nhất Linh chọn bài "Phú thầy Phán", bài phú đầu tiên của Hồ Trọng Hiếu để gởi đăng báo Nam Phong và đề tác giả vô danh! Thấy hay, lập tức có báo khác đăng lại và đề tên tác giả là Tú Xương!! Ðiều này làm Hồ Trọng Hiếu hân hạnh và tiếp tục chuyên làm thơ châm biếm, hài hước rồi trở thành nhà thơ trào phúng nỗi danh: Tú Mỡ.
Năm 1924 học ngành Y được một năm thì bỏ, chuyển sang học Mỹ Thuật, được một năm cũng bỏ! Bỏ là vì lòng dạ nào mà học thuốc, cầm cọ khi "người ở trang giấy đẹp đẽ, sạch sẽ khác xa với những người thật xấu xí, bẩn thỉu, tiều tụy đi diễn qua trước mắt chàng từ sớm đến giờ ... đứa bé con trần truồng, đi ra cầu ao, bụng to và hai chân lẳng khẳng trông tựa một con nhái dựng đứng ... người đàn bà là bạn của mẹ chàng, nét mặt tiều tụy, quần áo rách rưới, trong bao nhiêu năm vẫn vất vả kéo dài cái đời sống khốn khó, nghĩ đến cảnh đời không đáng sống của mẹ chàng ngày trước, của hết thảy những người chung quanh chàng, và những người nghèo bị bóc lột đến xương tủy mà vẫn quỳ lụy: Bẩm, chúng con lòng thành xin cụ lớn và quan nhận cho ...." (3) cứ ám ảnh trong tâm trí ông!
Chính ám ảnh đó mà năm 1927 ông sang Pháp học nhiều thứ nhất là nghề làm báo, nhưng cũng đậu cử nhân về Khoa học. Khi nhận được công văn của chính phủ Nam Triều mời làm giáo sư trường Trung Học Khải Ðịnh - Huế, ông đã khéo léo từ chối dù là được lương cao bổng hậu.
Hoài bão của ông là: "hạnh phúc của chàng từ nay chàng đã thấy rõ rệt rằng nó phải có liên lạc với hạnh phúc của những người chung quanh; đời chàng, một đời người dân đã nhờ sự may mắn được sáng sủa, cần phải ăn nhịp với đời đám dân quê tối tăm, bạn cũ của chàng. Sự nhịp nhàng ấy cần cho hạnh phúc đời chàng cũng như sự hòa hợp của các màu cần cho vẻ đẹp những bức tranh chàng vẽ " (3). Theo ông, chỉ có làm báo mới có thể thực hiện được hoài bão đó.
Trong thời gian chờ giấy phép ra báo, ông dạy học tại trường tư thục Thăng Long. Một hôm đọc bài khảo luận trên Văn Học Tạp chí, ông không biết tác giả Bán Than là ai mà viết có nhiều ý lạ, sau khi dò hỏi mới biết là đồng nghiệp cùng trường của mình và đang dạy môn Văn: Trần Khánh Giư. Từ đó hai người trở thành bạn thân.
Rồi ông cũng đạt được mộng ước: Ngày 22-9-1932, Nguyễn Tường Tam chủ trương báo Phong Hóa (mua lại của Giáo sư Phạm Hữu Ninh vừa đình bản) tục bản từ số 14 và đổi mới cả hình thức đến nội dung.
Chủ trương của báo:
- Hăng hái theo con đường mới, tìm lý tưởng mới;
- Không chịu khuất phục thành kiến;
- Không làm nô lệ ai, không xu phụng một quyền thế nào;
- Lấy lương tri mà xét đoán, theo lẽ phải mà hành động;
- Lấy thành thực làm căn bản;
- Lấy trào phúng làm phương pháp; tiếng cười làm vũ khí."
Tháng 3-1933, Ông thành lập Tự Lực Văn Ðoàn (tự sức mình gây lấy một cơ sở chứ không cậy nhờ bàn tay chính phủ hoặc một thế lực tài chính nào, do đó có tư cách độc lập, không tuân theo một chỉ thị nào, ngoài đường lối chính họ vạch ra) (4).
Dấu hiệu: Chim Phượng Hoàng.
Thành phần:
Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh, Nhị Linh, Bảo Sơn, Ðông Sơn),
Trần Khánh Giư (Khái Hưng),
Nguyễn Thứ Lễ (*) (Thế Lữ, Lê Ta),
Nguyễn Tường Long (Hoàng Ðạo, Tứ Ly),
Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam),
Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ),
Nguyễn Gia Trí. (4)
Tôn Chỉ: Gồm 10 điều, xin trích vài điều tiêu biểu:
1.- Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là để làm giàu thêm văn chương trong nước.
....
4.- Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.
5.- Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
....
7.- Trọng tự do cá nhân.
8.- Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
Tự Lực Văn Ðoàn chủ trương "cười cợt để sửa đổi phong hóa" nên tạo ra hai nhân vật Lý Toét (một anh nhà quê học đòi) và Xã Xệ (một anh giàu sổi học làm sang) trong các loại tranh cười trên báo Phong Hóa và Ngày Nay. Những hí họa Lý Toét, Xã Xệ chỉ cho thấy thế nào là nhà quê, hủ lậu, thế nào là văn minh, tân tiến để người dân bỏ những tập tục cũ lỗi thời, theo con đường mới văn minh tiến bộ... Bất cứ nơi đâu phong hóa suy đồi, đều bị cười cợt. Tiếng cười như tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người sửa đổi cách suy nghĩ của mình. Có những vấn đề mà báo Phong Hóa, Ngày Nay nêu lên từ năm 1932 tới nay vẫn còn nguyên mới như: tham nhủng, cửa quyền, bè đảng, bóc lột ..... Chẳng hạn bức tranh kèm bên nhằm mục đích đả phá tư tưởng của người dân mình phần đông coi của công là chẳng phải của ai.
Báo còn công kích, phê phán cả những nhân vật chóp bu như Toàn quyền Brévié, Thống sứ Châtel, Khâm sứ Graffeuil, Ðốc lý Virgitti, vua Bảo Ðại, Thượng thư Phạm Quỳnh, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu ....không úy kị một ai. Chẳng hạn:
"Hồi đó, phó toàn quyền Ðông Dương là Châtel. Y là một tên thực dân vừa ranh ma quỷ quyệt vừa hám danh, vừa hiếu sắc. Nắm được bản chất đó, một họa sĩ đã hiến cho độc giả một trận cười thú vị bằng bức biếm họa có nội dung như sau: Lý Toét từ nhà quê ra Hà Nội tay ôm một con gà mái tơ đem biếu Phó Toàn quyền Ðông Dương. 'Gà mái' dịch sang tiếng Pháp là 'la poule' mà 'la poule' còn có nghĩa thứ hai là 'con đĩ'. Ðộc giả biết tiếng Pháp tất nhiên hiểu được thâm ý của tác giả." (5)
Nhà phê bình văn học Trương Chính trong tập Tiểu Luận Phê Bình, NXB Văn Học, 1993 đã đánh giá: "...trong vòng 8 năm, từ 1932 đến 1940, Tự Lực Văn Ðoàn chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn công khai; sách báo của họ in đẹp nhất, bán chạy nhất, có một ảnh hưởng nhất định trong giới trí thức tư sản và tiểu tư sản thành thị, điều đó không ai phủ nhận được người đứng đầu là Nhất Linh, tức Nguyễn Tường Tam, viết văn hay đã đành, lại có óc tổ chức, có nhiều sáng kiến: những người ghét ông cũng phải phục, muốn bắt chước cũng không bắt chước được....". Phong Hóa, Ngày Nay là một bước tiến đáng kể trong cách làm báo về phương diện tổ chức, phân công, biên tập, trình bày, sáng kiến ...
"Về đường tư tưởng, chủ trương duy tân và cấp tiến họ đưa ra tác động như một cơn lốc thổi vào cái xã hội trì trệ trước 1932. Nhất là với cái cười Phong Hóa,không gì họ nhằm đả phá mà đứng vững được. Cụ Nguyễn Văn Tố phải cắt búi tó, Tản Ðà hết ngông ...Tờ Nam Phong, thành trì của văn hóa cũ, sau những cố gắng liên tiếp phục hưng, nhưng không chịu nổi những 'nhát dao cạo' của Phong Hóa, đành để sụp đổ ....
Về đường văn học, đứng trên lập trường văn học sử, không ai có thể chối cãi vai tuồng xây dựng, những tiến bộ quan trọng mà họ đã thực hiện cho văn quốc ngữ sau năm 1932 ..." (4).
Sự thành công vẻ vang đó một phần cũng nhờ Nhất Linh có biệt tài trong việc khám phá tài năng mới. Ngoài Tú Mỡ và Khái Hưng, ông cũng đã tìm ra tài thơ của Thế Lữ, và viết bài "Nguyễn Thế Lữ - một nhân vật mới trong làng thơ mới ..." đăng trên báo Phong Hóa, số 54, ngày 7 juillet 1933 để nhiệt tình giới thiệu thì Thế Lữ mới nổi bật và phong trào thơ mới ngày càng phát triển. Sau Thế Lữ là Xuân Diệu, Huy Cận, Huyền Kiêu, Thanh Tịnh,....thường xuyên có thơ mới đăng trên báo Phong Hóa, Ngày Nay. Nhất Linh cũng giới thiệu trân trọng tài thơ Tế Hanh và phân tích tinh tế những bài thơ hay của ông trong tập "Nghẹn Ngào". Chính báo Phong Hóa nhiệt tình cổ võ thơ mới bằng cách thường đăng các bài thơ ấy, nhờ đó mà thơ mới bắt đầu thành lập và thịnh hành.
Ông lại biết khai thác hết sở trường, sở đoản của từng người. Mọi thành viên trong văn đoàn đều có viết tin, bài, sáng tác, phê bình, điểm sách ... tùy khả năng từng người mà ông giao phó. Bằng cái tâm và bằng chính lòng nhiệt thành của mình mà ông thuyết phục được anh em lao vào công việc thật hăng say, bất kể giờ giấc. Tú Mở kể lại :
"Trước đây, lúc chuẩn bị ra báo, tôi đã thấy các anh làm việc không biết mệt. Nay báo Phong Hóa ra hàng tuần với nội dung súc tích như vậy, tôi lại càng thấy các anh có một sức làm việc ghê gớm, đáng phục: làm ngày, làm đêm, nhất là làm đêm, tốn khá nhiều cà phê thuốc lá, làm việc đến rạc người, hom hem, xanh xám như Khái Hưng ai không biết cứ tưởng là 'dân làng bẹp' (nghiện thuốc phiện)." (5)
Ông cũng rất thẳng thắn trong việc phê bình, góp ý với họ: Lúc đầu Trần Khánh Giư viết những bài nghị luận, nhưng Nhất Linh khuyên ông nên viết truyện ngắn, truyện dài và quả thật ông rất thành công trong thể loại này với bút hiệu: Khái Hưng.
Trong thời gian làm báo Ngày Nay, Tú Mở "còn viết thử vài đoạn đầu một bài trường thiên nhan đề: Tháng Ngày Qua (nói về lòng người thay đổi với thời gian), thấy không được đăng, tôi hỏi, thì anh Tam nói thực ngay, không cần úp mở: 'Dở quá! Anh cứ nên chuyên về thơ trào phúng, tốt hơn' ". (5)
Ðối với con cháu ông cũng vậy: nhà văn Duy Lam có lần hỏi ý kiến ông về một truyện ngắn, ông trả lời: "Cháu viết được lắm, Bác nhắc lại: chắc chắn viết được." (5) Còn với Nguyễn Tường Giang (con trai Thạch Lam) thì ông khuyên: "Cháu gắng học làm bác sĩ hợp hơn là làm thi sĩ" (5), và Nguyễn Tường Giang đã trở thành bác sĩ.
Không chỉ lãnh vực thơ văn, Nhất Linh còn giới thiệu được những họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân ...mà tài năng đến ngày nay cũng chưa ai vượt được. Ngoài ra còn có họa sĩ Nguyễn Cát Tường (Lemur) đã vẽ những kiểu quần áo mới làm tôn vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.
Ngoài lãnh vực thơ mới, tiểu thuyết và báo chí, TLVÐ còn đóng góp vào âm nhạc, kiến trúc và y phục nữa:
- Âm Nhạc: Ngày Nay số 124 ngày 29-8-1938 ngỏ lời cùng các nhạc sĩ: "... Báo ngày Nay đã nhận lấy cái vinh hạnh đầu tiên công bố những nhạc phẩm ban đầu của nền âm nhạc đổi mới. Báo Ngày Nay sẽ là một thứ đài triển lãm cho những bài âm nhạc khác, là một diễn đàn để các bạn bày tỏ ý kiến và là một khách thính phòng phong nhã để các nhạc sĩ các nơi gặp nhau... và để tâm khảo cứu , sáng tác, biên soạn ra những bài mới, không ủy mị, không có cái buồn một giọng như bản đàn cũ. Những bài mới ấy sẽ du dương, hay nhanh nhẹn, uyển chuyển, vui vẻ, êm ái, hay mạnh mẽ, nhưng cốt nhất phải có tính cách Việt Nam ..."
- Kiến Trúc: Hai kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Nhữ Tiếp thiết kế kiểu nhà rẻ tiền, hợp vệ sinh: nhà "Ánh Sáng" thay cho các nhà "ổ chuột" cho dân nghèo. Cụ thể đã xây được cho dân nghèo hai làng Ánh Sáng: Phúc Xá và Voi Phục. Ngày 16-8-1937 tại nhà hát lớn Hà Nội, Nhất Linh hô hào thành lập Hội Ánh Sáng: " Nhiều tia yếu ớt hợp lại sẽ thành một luồn ánh sáng lớn."
- Y Phục: Họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ áo dài Lemur (Lemur: cái tường --> Cát Tường). Báo Ngày Nay số 1 (30-1-1935) đăng ảnh cô Nguyễn Thị Hậu, thiếu nữ đầu tiên mặc áo dài lối mới kiểu Lemur. Ðó là "thủy tổ" của những mẫu áo dài muôn màu muôn vẻ ngày nay. Báo Ngày Nay số 5 (10-3-1935) cũng có bài của Chiêu Anh Kế phỏng vấn cô Hồng Vân với quần áo mới: Cô Hồng Vân là người thiếu nữ đầu tiên ở trong Nam mặc quần áo lối mới kiểu Lemur. Cô mỉm cười đáp lời: "Thưa ông, cách đây hai năm, ai nào được trông thấy một cái áo "hở ngực" hay một chiếc quần "rộng ống". Mà nếu may mắn có một cô thiếu nữ ăn mặc như thế, người ta đã vội cho cô ấy là gái chơi bời, lẳng lơ và trắc nết ... Nhưng mấy kiểu áo rộng lụng thụng, dài chấm gót của mấy bà già đời xưa không ai mặc nữa rồi. Thấy quần áo mới vừa đẹp người lại vừa gọn, , các cô đã nô nức đua nhau mà ăn mặc như thế ..."
Bìa báo Văn Hóa Ngày Nay
do Nhất Linh phác họa
Trong những năm 30, Nhất Linh tự làm lấy nhiều công việc khác nhau trong tòa soạn, từ việc trình bày tờ báo, làm maquette tới việc vẽ vignette minh họa. Về sau này, năm 1958 rời Ðà Lạt về Sài Gòn chủ trương tờ Văn Hóa Ngày Nay; ông cũng tự làm lấy hầu hết mọi việc kể cả vẽ bìa. Tranh bìa mỗi số báo là một loại hoa lan do ông tự vẽ. Tường Hùng và Tô Hoàng giữ việc trình bày bài vở. Giai đoạn làm báo sau này ông cũng vẫn hết lòng tìm và gây dựng nhân tài , giúp đở và khuyến khích những người ông biết là có khả ngăng viết văn hay làm thơ. Ðiển hình là tờ Văn Hóa Ngày Nay có mục "Lan Hàm Tiếu" đăng những sáng tác của các người trẻ như: Duy Lam, Tường Hùng, Nhật Tiến, Trần Dạ Từ, Lê Tất Ðiều, Trần Tuấn Kiệt .... sau này trở thành những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Nhưng Văn Hóa Ngày Nay chỉ ra được 11 số thì bị đình bản, mặc dầu được độc giả khắp nơi hoan nghênh.
Do tên tuổi của Nhất Linh mà chính quyền lo ngại và chú ý, tờ báo không được phép xuất bản như một tạp chí mà chỉ là một giai phẩm phát hành không định kỳ, nên Bộ Thông Tin kiểm duyệt cố tình giữ lâu mới trả bản thảo để in gây chậm trễ ngày ra báo, đồng thời qua Nhà Phát Hành Thống Nhất (độc quyền của Chính Phủ), "bắt tất cả mọi báo chí phải đưa cho cơ sở này phân phối" (10)
Ðã vậy, "Nhà Phát Hành không làm đúng nhiệm vụ, đã giữ báo của chúng tôi trong kho, không phân phối đi." (10). Và như vậy, báo bị thua lỗ, đành phải đình bản!
Ngày nay, Sau một thời gian dài bị cấm, sách của Tự Lực Văn Ðoàn đã được in lại trong nước như một phong trào: "Những trang viết của Nhất Linh trong thời kỳ hưng thịnh của Tự Lực Văn Ðoàn (1932-1940) đã được các nhà xuất bản từ trung ương đến địa phương in lại hầu hết, thậm chí không ít tác phẩm được hai, ba nhà xuất bản cùng in và tái bản nhiều lần ...". (5)
Cả trong lãnh vực phê bình cũng đã thấy đổi giọng: "Phan Cự Ðệ có lúc lên án gắt gao nhũng tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, nhất là thể loại tiểu thuyết, nhưng gần đây cũng đã viết: Nhìn chung, tiểu thuyết TLVÐ (chủ yếu của Nhất Linh và Khái Hưng) có kết cấu và cốt truyện chặt chẽ, lối kể chuyện hấp dẫn, duyên dáng, ngôn ngữ trong sáng, trang nhã, còn thiếu cái gân guốc, khỏe khoắn nhưng gợi cảm và giàu chất thơ, những đoạn miêu tả thiên nhiên, đất nước đậm đà màu sắc dân tộc, những dòng tâm lý tinh tế xen kẻ với độc thoại, đối thoại rất sinh động." (5)
Tất cả đều công nhận công lao to lớn của Nhất Linh và nhóm Tự Lực Văn Ðoàn trong việc cải tạo xã hội, giải phóng phụ nữ, đặt nền móng cho một nền văn học quốc ngữ với lối viết trong sáng, giàu chất thơ và họa, lối diễn đạt mới mẻ, gọn gàng nhưng sắc bén, khiến tâm hồn người đọc cực kỳ rung động!
Ðời mưa gió lạnh lùng bướm trắng, buổi chiều vàng đâu nhỉ nắng thu?
Hai câu trên là câu đối khóc Nhất Linh của thi sĩ Vũ Hoàng Chương viết ngày 14-7-1963 ghép tên muời tác phẩm của ông. Những tác phẩm sau đây đã được xuất bản: Nho Phong (viết năm 1924), Người quay tơ (1926), Anh phải sống (viết chung với Khái Hưng 1932-1933), Gánh hàng hoa (viết chung với Khái Hưng 1934), Ðời mưa gió (viết chung với Khái Hưng 1934), Nắng thu (1934), Ðoạn tuyệt (1934-1935), Ði Tây (1935), Lạnh lùng (1935-1936), Hai buổi chiều vàng (1934-1937), Thế rồi một buổi chiều (1934-1937), Ðôi bạn (1936-1937), Bướm trắng (1938-1939), Xóm Cầu Mới (1949-1957), Viết và đọc tiểu thuyết (1952-1961), Giòng sông Thanh Thủy (1960-1961).
1) - Người quay tơ: là tên tập truyện ngắn đầu tiên của ông kể chuyện ông Tú làm chính trị: "Ta không nên hỏi tại sao, nhưng nên tự hỏi làm thế nào? Vẫn biết việc gì cũng là ảo mộng, nhưng đã để tâm đến việc gì thời phải cố đạt cho kỳ được." Ông Tú bị đầy ra Côn Ðảo, tự vẫn chết. Vợ là Từ Nương thủ tiết, về nhà cha mẹ để: " lấy cái guồng năm xưa ra quay tơ, quay cả ngày mà không biết mỏi...nàng chỉ ngày ngày thơ thẩn một mình trên đỉnh đồi cao mà đứng trông." Truyện này hao hao giống cuộc đời của ông, đề cập đến triết lý sống mà ông đã theo đuổi đến cuối cuộc đời mình.
2) - Ðời mưa gió: xoay quanh hai nhân vật chính: Chương- giáo sư, yêu Tuyết- một phụ nữ mới, có ăn học, do sắp xếp cuả gia đình nên lấy phải người chồng đần độn -con cưng của nhà quan, đã mười bảy tuổi mà ngây ngốc như đứa bé lên mười, phải hầu hạ gia đình chồng như một con ở, mẹ chồng lại bắt bẻ con dâu từng li từng tí. Tuyết không chịu đựng nổi phải bỏ trốn đi rồi sa vào đời đĩ điếm. Tác giả không đề cập đến vấn đề Tuyết có đáng lên án không? chỉ mô tả Tuyết thật đáng thương giữa cái xã hội ăn chơi vô tình ấy. Ðêm giao thừa, Tuyết bơ vơ, đói khát, không tiền bạc, nhà cửa, thân mang bệnh lao, lang thang, thất thểu như một oan hồn phiêu bạt. Thế nhưng, Chương vẫn thương yêu và sẵn lòng chờ đón Tuyết về để săn sóc, thuốc thang.
Nhất Linh là nhà văn đầu tiên viết tiểu thuyết luận đề. Theo ông: "Viết luận đề tiểu thuyết nghĩa là viết tiểu thuyết để nêu lên một lý thuyết, để tán dương, tuyên truyền một cái gì tác giả cho là tốt đẹp, để đả đảo một cái gì tác giả cho là xấu xa." (6). Ðoạn Tuyệt và Lạnh lùng là hai tiểu thuyết luận đề chính của ông đả kích dữ dội chế độ gia đình và luân lý lỗi thời cũ (mẹ chồng hành hạ, gia trưởng áp chế, hủ tục tai hại).
3) - Ðoạn Tuyệt: Nhất Linh vẻ nên cảnh xung đột trực tiếp giữa lối sống cũ và mới và dĩ nhiên cuối cùng là để bênh vực quyền của phụ nữ trong một xã hội phong kiến khắc khe, lỗi thời mà thân phận của người đàn bà bị vùi dập, bị đối xử quá bất công. Loan là phụ nữ mới, không chấp nhận lối sống hủ lậu nên đã "đoạn tuyệt" với gia đình để sống tự lập.
Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Ðã quyết không mong sum họp mãi,
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi? (Giây phút chạnh lòng - Thế Lữ)
Sở dĩ phải chống đối quyết liệt là vì thời điểm đó (đầu năm 1934) đã manh nha "một nhóm Tây học với Nguyễn Tiến Lãng đứng ra làm tờ Nam Phong toan trở lại thuyết dung hòa, ca tụng luân lý và văn hóa Ðông phương" (4). Tờ Nam Phong thành trì của văn hóa cũ vẫn sống và muốn phục hưng. Uy tín và ảnh hưởng tinh thần của Phạm Quỳnh (chủ bút báo Nam Phong) cũng còn rất lớn trong giới trí thức. Vì thế ông phải ra tay quyết liệt bằng cách dùng phương tiện nghệ thuật (tiểu thuyết) để tác động thẳng tới tâm hồn người đọc và thuyết phục dư luận bác bỏ hẵn chủ trương dung hòa. Tiểu thuyết Ðoạn Tuyệt đăng trên báo Phong Hóa gây được tiếng vang lớn . Cuối năm 1934 báo Nam Phong phải đóng cửa hẳn. "Tin ấy được Phong Hóa in chữ lớn đóng khung ở trang đầu như một hỉ tín, một tiếng reo mừng đắc thắng". (4) Xem thế mới thấy quý trọng nhiệt tâm của ông quyết theo đuổi đến cùng công cuộc giải phóng phụ nữ.
4) - Lạnh Lùng (1936): Nhất Linh tả một người đàn bà góa chồng khi tuổi còn trẻ, phải yêu vụng trộm vì sợ tập tục và dư luận, phải sống giả dối để giữ danh giá và thể diện cho gia đình.
"Báo Sông Hương, số 32, ngày 27-3-1937, Trần Thanh Mại cho rằng: "Với một văn tài uyển chuyển mạnh mẽ như rắc những chiếc bùa mê, ông Nhất Linh, như vẫn khoan thai khỏe khoắn mà đánh đổ cả một cổ tục, ông đã thổi vào tâm hồn các bà sương phụ những luồn điện mà sức mạnh đủ làm cho các bà chỉ: 'Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra' ... Toàn quyển đã là một tác phẩm kiệt tác của ông Nhất Linh, của làng tiểu thuyết Việt Nam, về tài quan sát, phân tích và hành văn ... Suốt quyển Lạnh Lùng đầy rẫy những điều suy nghĩ hay, những điều nhận xét đúng, những tư tưỏng cao xa, thâm thúy, xác đáng ..." (5)
5) - Hai Buổi Chiều Vàng: diễn tả mối tình của Triết yêu Thoa, cô bạn láng giềng ở quê. Triết đi Hà Nội học, định đỗ xong Tú Tài thì xin cưới Thoa. Nhưng Thoa đã lấy Lộc. Lộc hoạt động cách mạng bị bắt. Triết ôm mối tình tuyệt vọng, săn sóc Thoa lúc cô đơn. Cả hai cùng biết là đang yêu nhau nhưng không ai dám nói ra: "Chàng chưa hiểu rõ Thoa mà chàng cũng không muốn tìm hiểu rõ nữa, cái tình trạng mập mờ ấy đã cho chàng cái cảm tưởng êm thú rằng trong cuộc đời hiu quạnh của chàng có một người mà chàng yêu, hai người yêu nhau lúc nào cũng nghĩ đến nhau và không ai dám thú nhận. Chàng cho ở đời chỉ có tình yêu như vậy là lâu bền nhất." (trích Hai Buổi Chiều Vàng)
Tiểu thuyết của ông tiến hóa rất nhanh, mỗi cuốn là một khai phá mới:
6) - Ở Ðôi Bạn (1938), Nhất Linh đi sâu vào phân tích nội tâm con người, gây cho người đọc những rung động mới. Thấy cuộc đời của một nhà cách mạng bị xử đày ra Côn Ðảo có vài điểm hay, ông lấy làm mẫu để tạo ra nhân vật Dũng. Những nhân vật nữ trong Ðôi Bạn đã tự biết giá trị của mình, họ cũng có những suy nghĩ táo bạo trong tình yêu và dám sống theo cách nghĩ đó: "Có lẻ Dũng sẽ đi trốn và sẽ rủ nàng cùng đi, hai người liều bỏ hết cả vì đã không thể nào yêu nhau được thì chỉ còn một cách trốn đi biệt để yêu nhau. Loan nhìn Dũng và thấy cái ý tưởng ấy không có gì là táo bạo liều lĩnh nữa; nếu Dũng ngỏ lời tha thiết muốn nàng cùng đi thì chắc Loan sẽ có đủ can đảm ... Loan không sợ hão gì khi nghĩ đến những sự trốn tránh, ẩn núp, một đời sống biệt lập hẳn ra ngoài khuôn sáo tầm thường nếu lúc nào cũng có Dũng bên cạnh nàng." (trích Ðôi Bạn)
7) - Ở Bướm Trắng, Nhất Linh lại chú trọng đến khía cạnh triết lý cuộc sống. Trương, sinh viên Luật khoa, bỏ học vì bị bệnh lao. Khi chàng được Thu yêu thì chàng cũng biết mình sắp chết. Thần ái tình và thần chết đến gõ cửa cùng một lúc! Sợ làm hại đời người mình yêu, Trương xa Thu rồi sa vào cuộc đời trụy lạc, trác táng, tù tội ... Ngòi bút ông phân tích tâm lý phức tạp của con người trước sự giàng co giữa tình yêu và cái chết đạt đến chỗ tiinh vi, sâu sắc. "Người ta tưởng thấy rõ ảnh hưởng của Dostoievsky, của Gide khi đọc những đoạn nhân vật Trương xem xét cái thiện cái ác dưới con mắt hòa đồng hay cúi xuống thăm dò cái hố sâu tội lỗi trong tâm hồn mình." (4)
Nhà phê bình văn học Thụy Khuê còn nhận xét rằng: "Nhất Linh viết Bướm Trắng năm 38-39. Bốn năm sau, 1942 ở Pháp, Albert Camus cho in tập tiểu luận Le mythe de Sisyphe (huyền Thoại Sisyphe), rồi tiểu thuyết L'étranger (Người Xa Lạ), tiếp theo là kịch bản Le malentendu (Ngộ Nhận) và sau cùng là tiểu thuyết La chute (Sa Ðọa). Tất nhiên là hai nhà văn này không đọc nhau, ít nhất là Nhất Linh không đọc Camus trước khi viết Bướm Trắng, nhưng có một ngẫu nhiên trùng hợp lạ lùng là những chủ đề ẩn trong Bướm Trắng về tính chất phi lý của cuộc đời, về vấn đề tự tử, về sự ngộ nhận, về tính sa đọa của con người -những đề tài chủ yếu của Camus- đều có mặt trong tác phẩm của Nhất Linh...." (7)
Trên bãi biển, cuối thu 1940
(Thư họa Nhất Linh)
8) - Bộ truyện Giòng sông Thanh Thủy gồm 3 cuốn Ba Người Bộ Hành, Chi Bộ Hai Người, Vọng Quốc, bắt đầu viết ngày 28-11-1960, viết xong ngày 28-1-61: Hai tháng, non năm trăm trang sách viết sau ngày xảy ra chính biến 11-11-1960 thời Ðệ Nhất Cộng Hòa; đó là thời điểm ông bỏ nhà lánh mặt hơn một năm trời vì dính líu vào những hoạt động chính trị chống lại chế độ. Ðây là cuốn tiểu thuyết duy nhất viết về chính trị của ông, có giá trị lịch sử và nhân văn. Ông mô tả tường tận thế tương tranh quyết liệt giữa Việt Nam Quốc Dân Ðảng và Việt Minh (thời điểm 1944-1945 tại Trung Hoa trên trục Côn Minh, Khai Viễn, Mông Tự, Hà Giang) đã không từ một thủ đoạn nào kể cả ám sát và thủ tiêu tàn bạo nhất để thanh toán nhau.
Ba Người Bộ Hành, mô tả ba nhân vật Ngọc, Tứ và Nghệ đã theo dõi, rình rập rồi dùng những thủ đoạn dối trá, gian xảo, độc ác để hạ thủ nhau nhân danh một lý tưởng mà mình cho là cao đẹp.
Chi Bộ Hai Người gồm nhân vật chính: Ngọc (Việt Quốc), giữ việc giao liên và thủ tiêu những phần tử Việt Minh. Thanh (Việt Minh) được lệnh quyến rũ Ngọc để trà trộn vào hàng ngũ Việt Quốc mà triệt hạ. Họ giết người không gớm tay khi bị guồng máy cách mạng cuốn về hai đảng đối đầu.
Vọng Quốc: Khi Ngọc và Thanh đã biết nhiệm vụ của nhau, họ cùng về biên giới, vượt cầu sang sông Thanh Thủy, về Hà Giang để phụng sự đất nước. Nhưng cách phụng sự đất nước của đảng họ khác nhau nên họ phải giết nhau mặc dầu họ yêu nhau tha thiết. Trên cuộc hành trình, có lúc "chàng nghĩ đến hôm đi chơi hồ, Thanh ngâm bài phú Xích Bích và nói bây giờ còn đâu Tào Tháo, Chu Du nhưng câu thơ hay của Tô Ðông Pha và ánh trăng trong trên dòng Xích Bích thì còn mãi mãi. Chàng nghĩ Thanh và chàng có thể lát nữa sẽ chết, Việt Quôc, Việt Minh ám hại lẫn nhau cũng không còn nữa. Nhưng tiếng ngâm của người yêu thì như mãi mãi bàng bạc trong không gian của những đêm sương lạnh." (trích Vọng Quốc). Ðó là những dòng ký thác tâm sự: Tào Tháo, Chu Du và âm vang long trời lỡ đất của trận Xích Bích rồi cũng mất đi, nhưng Tô Ðông Pha và bài Xích Bích phú bất hủ thì vẫn mãi mãi tồn tại . Sự nghiệp chính trị dễ chìm vào quên lãng, nhưng sự nghiệp văn hóa sẽ sống mãi trong lòng người.
9) - Xóm Cầu Mới là tác phẩm khởi đầu viết rất sớm. Ngay trang đầu tác phẩm có lời đề tặng: "Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã khuyên tôi trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn Xóm Cầu Mới này mới ra đời. Hương Cảng, trên núi, ngày 16-10-1949." (8) Ðây là một bộ trường giang tiểu thuyết mà ông mang nhiều kỳ vọng nên đã viết đi viết lại nhiều lần đến năm 1957 mới hoàn tất. Không gian Xóm Cầu Mới là một cái huyện nhỏ ở quê ông -Huyện Cẩm Giàng- nằm bên con đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, tỉnh Hải Dương. Ðó là: "một cuốn Ðông Chu Liệt Quốc của những đời sống tầm thường, vui lẫn buồn, những vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày của những nhân vật, những gia đình sinh hoạt ở trong một cái xóm nhỏ ở đầu một chiếc cầu gỗ từ lúc cầu bắt đầu mọt cho đến khi cầu gẫy và xóm nhỏ và các gia đình cũng tan tác theo với chiếc cầu gỗ...." (8). Ông tự vẽ từng chân dung nhân vật một, kể rõ nét đặc biệt và tính tình của họ. Ông còn vẽ cả sơ đồ xóm của xóm Cầu Mới.
Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Ðảng bị tử hình, các chiến sĩ khác bị đàn áp dã man nhưng tinh thần bất khuất cao cả, gương hy sinh anh dũng của Nguyễn Thái Học cùng các liệt sĩ đã làm bùng lên ngọn lửa yêu nước, nhất là giới thanh niên muốn xả thân đấu tranh chống Pháp dành độc lập cho tổ quốc. Trong không khí hào hùng đó, Nhất Linh không thể tự hài lòng trong khuôn khổ hoạt động văn hóa, xã hội. Ông chuyển sang hoạt động chính trị. Lập trường của ông có thể hiểu một phần qua lời kể của Tú Mở:
"Một buổi tối họp mặt, anh Tam bão tôi: 'Ðã đến lúc chúng ta phải hoạt động chính trị để giành lấy chính quyền. Cái chính phủ Trần Trọng Kim này không làm nên trò trống gì đâu. Nhật không nuốt ta được, vì Mỹ không để cho nó chiếm cái cửa ngõ Á Ðông. Chúng ta cần phải vào một tổ chức cách mạng để khi thời cơ đến, sẽ đứng ra giành chính quyền. Hiện giờ anh em trong đoàn đã vào đảng Việt Cách hoạt động bí mật, anh cũng nên vào ... Tôi hỏi lại anh: Sao anh không vào Việt Minh? Anh trả lời: Việt Minh là cộng sản. Họ chủ trương giành chính quyền bằng súng, sẽ gây ra chiến tranh chết chóc và tàn phá. Vả lại Mỹ sẽ chống cộng. Mỹ vừa giàu vừa mạnh. Ta đi với một đảng thân Mỹ rất có lợi, ta sẽ đấu tranh bằng chính trị. Mỹ nó chả cần cướp nước để cai trị như Tây. Ta đi với Mỹ, để cho nó buôn bán với ta, đem tiền của mở mang kỹ nghệ, nó có lợi mà ta cũng có lợi." (5)
- Năm 1939, ông lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Ðại Việt Dân Chính.
- "Năm 1942, Nguyễn Tường Tam ra ngoài nước để sang Trung Quốc, đứng vào hàng ngũ phe tranh đấu người Việt xu hướng quốc gia tại Liễu Châu. Ông hoạt động trong Việt Nam Cách Mạng Ðồng Minh Hội với cụ Nguyễn Hải Thần và một thời gian có cả Hồ Chí Minh. Sau đó, ông về Côn Minh tranh đấu dưới màu cờ Việt Nam Quốc Dân Ðảng... Ðể có lực lượng đối lập công khai với chính quyền Cộng Sản, một Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ra đời với Nguyễn Tường Tam phó chủ tịch, bên cạnh Nguyễn Hải Thần, chủ tịch." (2)
- Năm 1946, ông hợp tác với chính phủ liên hiệp kháng chiến, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, cầm đầu phái đoàn Việt Nam dự hội nghị trù bị Ðà Lạt. Tại bàn hội nghị, Nguyễn Tường Tam trả lời bằng tiếng Việt, Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Mạnh Tường phụ trách thông ngôn, để thể hiện ý chí quyết dành độc lập cho dân tộc. Ông Hoàng Xuân Hãn nhận xét về phong độ Nguyễn Tường Tam - lúc đó là Bộ trưởng Ngoại Giao , chủ tịch phái đoàn Việt Nam (Võ Nguyên Giáp là phó trưởng đoàn) họp với Pháp ở hội nghị Ðà Lạt năm 1946 : "Cử chỉ lễ độ, ăn nói chững chàng, trong buổi xã giao hội họp với kẻ chức trách, hoặc phái viên Pháp, ảnh đã có thái độ cử chỉ đoan nghiêm và đúng mức, không làm thẹn chức vụ Bộ trưởng Ngoại Giao và chủ tịch phái đoàn Việt Nam" (9).
Một ngày đến thăm trưởng đoàn bị ốm, Hoàng Xuân Hãn bàn đến chuyện chính trị, ông nói: "Những việc chính trị, thôi để các anh làm. Còn tôi thì về văn hóa thôi." (9) Vậy mà Hoàng Xuân Hãn thoát được chuyện chính trị, còn ông thì cuối cùng lại không thoát được! Sau này có dịp ông tiết lộ với con là Nguyễn Tường Thiết rằng: "thời gian khổ sở nhất trong cuộc đời của ông là lúc ông đảm nhận chức vụ bộ trưởng bộ Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hệp." (1)
Sau hội nghị trù bị Ðà Lạt, ông cũng được cử làm trưởng phái đoàn đi dự hội nghị Fontainebleau (Pháp), nhưng ông từ chối, từ luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao (5-3-1946) rồi sang Côn Minh, Trùng Khánh, Thượng Hải (Trung Quốc). Ông muốn cùng với cựu hoàng Bảo Ðại tìm giải pháp chính trị tranh thủ độc lập cho nước ta, nhưng thất bại. Thời điểm đó cũng xảy ra nhiều cái chết của những người thân làm ông xuống tinh thần không ít. Ngoài Thạch Lam mất năm 1942 lúc mới có 33 tuổi; năm 1946, Nguyễn Tường Cẩm mất tích ở gần Hà Nội; Khái Hưng bị giết. Nổi đau mất bạn chưa nguôi, năm 1948 lại đến Hoàng Ðạo Nguyễn Tường Long chết bất ngờ trên xe lửa (tuyến xe lửa Quảng Châu - Hồng Kông) khi đến trấn Thạch Long làm Nhất Linh đau đớn khôn tả, vì đã mất đi một người em ruột, mà còn là một đồng chí thân tín, tài giỏi, đắc lực nhất.
Thế giới chính trị là một thế giới tàn bạo, hiểm độc. Tấm lòng nhân hậu và tâm hồn ngệ sĩ của ông không thể dung hợp được với những lọc lừa, phản trắc, gian trá, ... của thủ đọan chính trị nên sức khỏe sa sút. Năm 1951, ông trở về Hà Nội và tuyên bố từ bỏ chính trị. Năm 1953 ông sống ẩn dật với hoa lan ven suối Ða Mê, Ðà Lạt. rồi về Sài Gòn (1958) chủ trương tờ Văn Hóa Ngày Nay cho đến khi dính vào chuyện chính trị và chết như ta đã biết.
"Nhất Linh người dong dỏng cao gần 1m80, trán cao, mắt sáng với đôi lông mày rậm, mũi cao, thẳng, đầu mũi thường hoe đỏ khi ông uống nhiều rượu. Ông để ria mép trông như người Âu." (10)
Ông ăn mặc rất giản dị và khiêm tốn như bản tính của ông. Ði đâu cũng xách một cái cặp lớn đựng giấy tờ, bản thảo, vài gói thuốc lá Bastos, với một bộ đồ ngủ để tiện đâu ngủ đấy. Ông làm việc rất say mê, bất kể ngày đêm. Tiền nhuận bút bao giờ cũng trả cao hơn các nhà xuất bàn khác. Thơ cũng được hưởng nhuận bút vì ông quan niệm làm thơ cũng phải dụng công, lao tâm khổ trí như viết văn. Ông cũng thích làm món ăn, rửa bát, quét nhà. Ông bảo: "Ðó là cách nghỉ ngơi, giải trí của tôi!" Ông còn cho rằng: "Rửa chén bát mà rửa một cách kỹ càng say sưa như nghệ thuật thì không thấy việc rửa bát là nặng nhọc nữa ..." (13)
Ông quan niệm: "Bất cứ làm gì cho mình hay cho người, bao giờ cũng đầy nhiệt thành. Làm việc với nhiệt thành không bao giờ nản, đối thoại với nhiệt thành không bao giờ chán, sống với nhiệt thành thì thời gian không bao giờ trôi qua một cách nặng nề." (11) Ðó là lời khuyên chí tình của ông với một nhà văn lớp sau. Mà quả thật, ngay chính đời ông là một cuộc sống thật sinh động, đầy nhiệt thành cho mình và cho người. Cái nhiệt tình đó còn lây sang rất nhiều người khác như ông đã làm dấy lên phong trào chơi lan của dân Ðà Lạt những năm 1956-57.
Ông là một người đa năng, đa tài. Ngoài văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, ông còn là nhạc sĩ trình tấu clarinette trong ban nhạc của Lê Ngọc Huỳnh cùng với Nguyễn Khắc Cung (violon), Thẩm Oánh (Saxophone) v.v. Nhất Linh còn có một cái sĩ mà có lẽ ông hãnh diện nhất là hàn sĩ! Ông sống nghèo, trong sạch, và rất kiêu hãnh về điều này. Theo Nguyễn Tường Thiết, con trai ông, kể lại lúc gia đình sống chen chúc trong một gian nhà ở Khu chợ An Ðông, năm 1962-63, có lần trong bữa ăn có ai than thở về cảnh sống bần hàn chật chội. Ông cáu, cầm bát đứng dậy, cái bát run run trong tay: "Mình phải hãnh diện là nhà mình nghèo chứ!". (12)
Cũng vào năm 1962, con gái ông bà Nguyễn Tường Tam ngồi ở vỉa hè bán thuốc lá lẻ, họ hàng nội ngoại đều cho là chướng mắt; nhưng ông quyết liệt đồng ý và nói rằng: "không có nghề nào là hèn hạ miễn đồng tiền kiếm được là đồng tiền sạch." (12)
Ông thường sống xa nhà, bà thì tất bật mưu sinh; nhưng lúc có dịp "... Nhất Linh viết xong và xuất bản được một cuốn truyện mới thì dù mẹ tôi có bận rộn buôn bán đến mấy đi nữa, ông cũng buộc mẹ tôi bỏ hết để cùng sống với ông riêng biệt một thời gian bên bãi biển Sầm Sơn. Ông còn tập cho mẹ tôi hút thuốc lá, uống rượu, thưởng thức thú pha và uống trà tàu buổi sáng, để rồi sau bà cũng nghiện không thua gì ông. Sau này, trong những ngày ở Ðà Lạt lạnh lẽo, những buổi sớm mai khi chúng tôi còn nằm vùi trong chăn, thì bố mẹ tôi đã rù rì tâm sự với nhau bên tách trà nóng, rất là tương đắc." (13)
"Ông sống chưa đầy 60 tuổi, nhưng đời ông trải rộng và dài ra như cuộc sống nhân lên dăm bảy lần, bằng mấy cuộc đời cộng lại, ăm ắp tri hành ...Cái chết của ông đã định nghĩa luôn cả cuộc sống, sống cho ra sống, chết cho ra chết, ông là một chiến sĩ, tới cùng, chọn da ngựa bọc thây. Dòng sử Việt, quả thật lâu lâu mới phát ra một hào kiệt như vậy." (14)
Tưởng niệm Nhất Linh để nhớ lại công lao của ông và nhóm Tự Lực Văn Ðoàn do ông thành lập đã góp phần cãi tạo xã hội, gột bỏ những hủ tục và luân lý phong kiến lỗi thời, giải phóng phụ nữ, canh tân nghề làm báo và ngành xuất bản, khởi xướng và đẩy mạnh phong trào thơ mới, đổi mới hẵn cách viết văn khiến tiếng Việt trở nên trong sáng, giản dị, gọn gàng, nhưng không kém phần thi vị. Qua Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, chúng ta hãnh diện thấy tiếng Việt có đủ khả năng diễn tả thơ ca (văn vần) đến chỗ trác tuyệt, thì qua các tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn mà công đầu là Nhất Linh đã chứng tỏ rằng tiếng Việt cũng có đủ khả năng diễn đạt văn xuôi đến chỗ hoàn mĩ vậy.
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sở dĩ có thì giờ và thần trí để làm được nhiều việc công ích như vậy là nhờ người vợ thật hiền thục và đảm đang, suốt đời nhọc nhằn, tần tảo, hết lòng hy sinh cho chồng con. Chính cụ Nguyễn Hải Thần cũng phải ngợi khen: "Anh Tam nếu không có chị ấy thì không thể làm nên sự nghiệp này". (8)
Nhất Linh và vợ, bên dòng suối
Đa Mê, Đà Lạt 1957
Bà Nguyễn Tường Tam tên thật là Phạm Thị Nguyên ở làng Phượng Dực, Thường Tín, Hà Ðông (cùng quê với Nguyễn Văn Vĩnh). Bà buôn bán cau khô và rất giỏi kinh doanh, dần dần trở thành bà chủ hiệu cau khô Cẩm Lợi nổi tiếng Hà Thành. Trong loạt bài phỏng vấn vợ các nhà văn của nữ sĩ Anh Thơ, bà tâm sự:
"Tôi lấy nhà tôi là do hai bên cha mẹ có mối manh, dạm hỏi và cưới xin linh đình. Khi tôi về nhà chồng rồi, thì chỉ biết lo gánh vác giang sơn nhà chồng ... Nào phải lo làm ăn buôn bán (cau khô, cau tươi) để có tiền nuôi bảy đứa con. Lại thỉnh thoảng lo tiền cho nhà tôi tiêu, mà nhà văn thì tiêu nhiều lắm cô a.! Nào anh ấy tiếp đãi bạn bè, nào lo góp vốn ra báo, in sách. Lại còn lo cả việc dựng khu nhà "Ánh Sáng" cho dân nghèo." (15)
Trong trí tưởng tượng của Anh Thơ thì vợ nhà văn nổi tiếng Nhất Linh mà bà rất hâm mộ - người đã từng giới thiệu nhiệt tình, in ấn và xuất bản tập thơ đầu tay "Bức Tranh Quê" của bà - phải là cô Loan ngây thơ xinh đẹp, mặc áo trắng hái rau ngót dưới trời mưa như những nhân vật nữ trong tiểu thuyết của ông. Nhưng lần đầu tiên gặp bà để phỏng vấn, nữ sĩ Anh Thơ ngạc nhiên đến sững sờ khi thấy bà lại là một phụ nữ còn nhuộm răng, ăn trầu, mặc quần áo đen, dáng tất bật, vất vả vì phải lo lắng nhiều cho gia đình! Cái hàm răng đen này, ông Nhất Linh năn nỉ mãi bà mới chịu đi chà lại cho trắng.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ bà có hàm răng đã trắng, nhưng không quên chi tiết trên tay bà còn cục thuốc xỉa. Bà có đôi mắt rất đẹp, đôi mắt ấy từng là nguồn cảm hứng của Nhất Linh khi mô tả cho những nhân vật nữ trong tiểu thuyết của ông. Từ hơn nửa thế kỷ trước, qua đôi mắt đẹp ấy, nữ sĩ Anh Thơ cũng đã tìm thấy sự hy sinh cao cả, âm thầm một đời của bà cho chồng con .
"... Ðôi mắt bà đẹp quá! Một đôi mắt to mênh mông, có hàng mi dài óng ả. Ánh sáng vừa dịu, vừa có một cái gì như sẵn sàng vì mọi người. Tôi nhớ mãi mãi đôi mắt ấy. Cặp mắt có vẻ chịu đựng mọi hy sinh, vì người thân yêu của mình. Cặp mắt của một người đàn bà Việt Nam cũ kỹ, tảo tần, không ý thức được rằng những việc mình làm đã đóng góp cho sự nghiệp của chồng không nhỏ." (15)
Hạnh phúc cho ông đã có được một người vợ tuyệt vời như thế, ông không dấu được niềm xúc cảm chân thành khi viết di chúc cho vợ: "Mình, Mối tình của đôi ta trong bao năm đẹp đẽ lắm rồi, không mong ước gì nữa." (15)
Tài Liệu Tham Khảo:
(1) Ðọc bản thảo của Nhất Linh, Võ Phiến, TK21-số 159, July 2002, trang 16.
(2) Ðể trả Nhất Linh Nguyễn Tường Tam về cho lịch sử, Trần Thanh Hiệp, TK21/159, trang 33, 31.
(3) Thế Rồi Một Buổi Chiều, Nhất Linh, NXB Ðời Nay, 1968, trang 79, 91.
(4) Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Phạm Thế Ngũ, tập III, NXB Ðại Nam, trang 433, 434, 444, 454, 451, 463.
(5) Nhất Linh Trong Tiến Trình Hiện Ðại Hóa Văn Học, Vu Gia, NXB Văn Hóa, 1955, trang 69, 87, 42, 66, 351, 268, 371.
(6) Viết Và Ðọc Tiểu Thuyết, Nhất Linh, NXB Ðời Nay, 1972, trang 17.
(7) Nỗi Ðau Hiện Sinh Trong Bướm Trắng, Thụy Khuê, TK21/160, August 2002, trang 66.
(8) Xóm Cầu Mới, Nhất Linh, NXB Văn Mới, 2002, phần mở đầu.
(9) Một vài kí vãng về Hội nghị Ðà Lạt, Hoàng Xuân Hãn, NXB Văn Hóa, 1996, trang 116, 148.
(10) Những Kỷ Niệm Riêng Với Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Trương Bảo Sơn, TK21/159, trang 25, 20.
(11) Bài học "nhiệt thành", Linh Bảo, TK21/159, trang 27.
(12) Tâm Tình Của Người Con, Nguyễn Tường Thiết, TK21/160, trang 76.
(13) Nhất Linh, Cha tôi, Nguyễn Tường Thiết, Khởi Hành số 57, 7-2001, trang 25.
(14) Nhất Linh người định nghĩa sống và định nghĩa chết, Lưu Văn Vịnh, TK21/159, trang 82.
(15) Nữ sĩ Anh Thơ Viết Về Nhất Linh, TK21/159, trang 93, 89.
(*) Có tài liệu ghi là Nguyễn Ðình Lễ.