Chuyến xe định mệnh đã đưa Tô Đình Sự vào Tổng Y Viện Cộng Hòa lúc 23 giờ 50 đêm 9.10.70 cùng với ba kẻ đồng hành, trong đó may mắn thay có kẻ viết bài này. Sự đã thực sự bỏ chúng ta mà đi sau ba ngày nặng trĩu u buồn, nằm vật lộn với vết thương xoàng xĩnh trong khu ngoại thương 4. Tin Sự vĩnh viễn nằm xuống đã làm cho mọi người tưởng chừng như chìm đắm vào giấc mộng du, vì không ai có thể nghĩ rằng một người làm thơ đầy sinh lực như Sự lại có thể từ giã cuộc đời một cách quá vội vàng và tức tưởi như vậy, và vào giữa lúc con đường anh đi có nhiều hoa nở.
Sự từ Phan Rang vào Sài gòn thăm bạn bè, anh nhờ Phạm Nhã Dự đèo Honda lên tìm tôi ở Tân Cảng chiều 6.10 và ngỏ ý ở lại với tôi nửa tháng. Tôi đồng ý dễ dàng như lần đầu tiên dễ dàng quen Sự ở quán báo Cô Nga. Phải chăng anh coi tôi là một người thân trong số bạn bè làm văn nghệ với anh. Trong ba ngày vui sống, Sự kéo theo nhiều bằng hữu như Phan Việt Thủy, Lâm Chương, Trần Phù Thế, uống rượu liên miên hồ như bất tận. Cũng trong thời gian này Sự đã viết một truyện ngắn cuối cùng trong đời anh với nhan đề: Hoàn hoài cách ngăn, một truyện ngắn nói lên nỗi khốn cùng của một người tuổi trẻ bị cuộc đời xô về phía chân tường, và một điều khiến xui thật ngộ nghĩnh, Sự đã mở đầu truyện ngắn này bằng hai câu thơ:
Buổi ra đi không hẹn ngày về
Mai với một biết bao giờ gặp gỡ?
Sự làm thơ cũng như viết văn quá dễ dàng, viết không cần thảo trước và nhanh không thể tưởng tượng được.
Gian phòng tôi ở vỏn vẹn chỉ có một chiếc ghế bố nhà binh độc nhất, thế mà hai đứa nằm chen cũng thấy vui. Sự kể cho tôi nghe một vài kỷ niệm vui vui về Trần Hoài Thư, Nguyễn Sa Mạc trong lúc hai người này tá túc tại nhà anh ở Phan Rang. Sáng 9.10, Sự vác truyện ngắn Hoài hoài cách ngăn ra tìm Khánh Giang ở báo Thời Nay. Trước khi đi Sự nói:
- "Tao ra tìm Khánh Giang vất truyện này lấy hai ngàn xài trước, vào Sài gòn tao đói quá."
Sự biết tôi đã cháy túi từ mấy hôm trước vì cảnh tiền lính tính liền. Sẵn hôm nghỉ việc, tôi liền chở Sự ra sạp báo Cô Nga. Buổi chiều chập choạng Sự về đến Tân Cảng, tôi thấy anh bơ phờ thay đồ đi tắm, tôi đang lui cui đánh đô-mi-nô với vài thằng bạn giải sầu thì Sự tìm sang rủ tôi đi ăn cơm ghi sổ. Tôi vội thay đồ định đi với Sự thì Lâm Chương cùng gã tài xế tên Tiên lái xe jeep đến. Gặp Chương, Sự la lên: "Cứu tinh đến Bằng ơi! Cứu tinh đến!" Tôi chạy ra đón Chương và sau vài ba mẩu chuyện vụn về văn nghệ, Chương mời tôi và Sự đi uống rượu. Từ trước chúng tôi vẫn thường kết chặt thêm tình thân bằng những chầu rượu chết bỏ, do đó dù trong người không được khỏe tôi vẫn phải theo Sự và Chương đi lu bù trong thành phố đầy hơi người.
Tôi đi băng ngang qua đời, băng qua hạnh phúc đang dong chờ. Băng qua ngày tháng sầu mơ. Rồi bến bờ xa lạ, rồi đồi núi chập chùng, rồi tình người theo nhau rụng xuống dưới nổi trôi của cô đơn bốn bề vây hãm. Cô đơn phỉnh phờ tôi mệt nhọc đi xa đời người... Đi về một ngơi nghỉ, một ngơi nghỉ thật dịu dàng nôn nóng từ lúc nào cũng đã tới cái chốn đinh sẵn, cái chốn gọi tà ngày về.
Không là ngày về của một đứa con hoang. Không là ngày về của một lãng tử. Không là ngày về của một người đã bỏ đi rồi trở lại. Không phải ngày về là quay lui con đường đã qua. Ngày về là chốn trước mặt. Những viễn mơ tương phùng định đặt sẵn một phía trời nhạt thếch.
Đó là một đoạn trong nhật ký của Sự viết dở dang, vỏn vẹn chỉ có năm trang giấy học trò. Có lẽ, người làm thơ trẻ ấy đã nhìn thấy, tiên tri thấy giây phút cuối cùng ngơi nghỉ, sự ngơi nghỉ muôn đời trùng lấp. Có lẽ, Sự đã hình dung được định mệnh mình được an bày ở một cõi hư vô nào, chỉ còn chờ thời gian. Lúc ấy, 23 giờ 50 đêm 9.10 chúng tôi ra về trong sự quên lãng. Gã tài xế nhấn hết ga đảo lộn trên mặt đường sũng nước. Trong một giây phút thật ngỡ ngàng, tôi thấy hồ như chiếc xe chao đi rồi băng thẳng qua bên kia đường như một ánh sao sa. Tôi hét to lên một tiếng vô nghĩa rồi im lặng không cùng, tất cả đều nhạt nhoà chìm đắm...
Tôi tỉnh dậy trên băng ca của Quân Y Viện Cộng Hòa cùng với mùi thuốc xông nồng đến độ buồn nôn. Quay sang bên cạnh, tôi còn lờ mờ nhìn thấy Sự nằm thở đều, phía trái trên đầu anh bị lủng một lỗ khá lớn và máu tươi vẫn còn rịn chảy. Sáng hôm sau Sự và Chương được đưa vào nằm ở trại Tổng Quát 7 còn tôi được xuất viện vì thương thế không mấy quan trọng.
Tôi về chạy nợ mua năm hộp sữa và một chục cam mang vào cho Sự. Tôi thấy Sự hồi tỉnh và tươi vui như lúc nào. Tôi ngỏ ý được đánh điện tín ra Phan Rang cho gia đình Sự hay để vào săn sóc cho anh, nhưng Sự không bằng lòng và tin rằng số bạn bè ở Sài gòn lo lắng cho anh cũng đủ lắm rồi. Tôi thấy yên tâm phần nào khi thấy Sự quá tỉnh táo và bình tĩnh như không có gì xảy ra.
Lâm Chương trốn ra khỏi bệnh viện tìm đến báo tin Sự chết lúc 7 giờ sáng ngày 13.10, tôi bàng hoàng không ngờ đời Sự lại kết thúc một cách thê thảm như thế:
khi ra đi không kịp chào nhau
khi ra đi không kịp chúc nhau
khi ra đi còn nhiều vướng bận
xin gởi tới mùa xuân sắp đến
gửi lại anh em bè bạn âm thầm xót xa
gửi lại những người yêu sắp chia lìa
như đã biết
các em khóc với anh hôm nào
mùa xuân sẽ đến
sẽ đi như anh như gió
(Gửi tới mùa xuân - Tô Đình Sự)
Tôi vội theo Chương vào nhà xác Cộng Hòa thăm Sự nhưng người ta đã đưa anh vào phòng lạnh, tôi hé cửa nhìn vào thấy xác Sự nằm bất động trên băng ca, gương mặt thật bình thản. Tôi biết Sự đã chết rồi, đã chọn cho mình một ngày về theo cuộc viễn mơ của anh. Một người sống hai mươi bảy năm, viết văn làm thơ như Sự, lúc chết đi chỉ để lại cho đời một tập thơ đã in, một tập thơ nằm ụ vì không có tiền xuất bản, một vài đoạn nhật ký rời và vài câu thơ viết dở dang.
Thế là hết. Sự đã bỏ lại tất cả trên cuộc đời thống khổ này mà đi. Hỡi cơn gió heo may những chiều ảm đạm vẫn thổi qua, ta lại tiếp tục thở không khí, tiếp tục hoài mơ, tiếp tục sống làm người mong có một ngày về giữa thân yêu, về giữa những rộn ràng yêu dấu, những môi hồng ngát nụ cười... Nên cứ ngỡ cái cuối đời của mình nào xa. Cái cuối đời như thoáng hiện. Cái cuối đời không một ai biết đến, không một ai ngó ngàng.