Nhà thơ Tô Đình Sự
(1-5-1944 - 13-10-1970)
Với Tô Đình Sự là những kỷ niệm thâm sâu khởi nguồn một tình bạn không hẹn trước giữa chúng tôi, cùng vượt qua trong tình thân ái với hầu hết anh em cùng khóa chót, mà hầu như phần đông dành cho những người ngoài Trung, từ Phan Rang trở ra. Tôi là ngoại lệ cùng với chỉ khoảng hơn chục anh em trong Nam khác lọt vào đây. Đồng thời Tô Đình Sự và tôi cùng gia nhập vào ban biên tập mới của một tờ nguyệt san, mà trong bộ môn sáng tác tội còn nhớ được có Y Uyên, Lê Bá Lăng, Tô Đình Sự, Hoàng Lộc... Một kỷ niệm nhớ đời là, một đêm bộ ba YUyên, Tô Đình Sự và tôi nhậu say lướt khướt, về tới Vũ Đình Trường trống vắng bảo nhau nằm nghỉ một lúc trên hàng bục khán đài. Không ngờ cả bọn đều ngủ quên, giật mình trở dậy chạy về đơn vị thì đã gần hai giờ sáng!
(Thi phẩm Vùng Trú Ngụ tự xuất bản năm 1967, phổ biến giới hạn trong bạn bè, nay đã thất lạc bản in. Tập bản thảo này thay thế sự tưởng niệm của anh em với Tô Đình Sự)
Trước khi rời áo dân sự, Tô Đình Sự ra được hai tập thơ. Một chung với Ngọc Thùy Khanh, Phạm Nguyễn Gyiễm, Lê Thị Bích Ngọc, tập Tầm Tay Của Tuổi năm 1965, và tập kia là Vùng Trú Ngụ năm 1967, đều in theo dạng ronéo. Rất tiếc, hai tập này đến nay vẫn chưa tìm thấy lại được, ngay tập Vùng Trú Ngụ, Sự tặng tôi từ ngày đó hơn 40 năm cũng không còn. Trong tập này có một bài thơ được nhiều anh em thích, tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng như: Anh chọn cho anh một chỗ nằm/ Em chọn cho em một chỗ nằm/ Không chỗ nằm nào giống chỗ nằm nào... và một chỗ ăn năn...
Nhưng nó lại có một kỷ niệm... vui!. Tình cờ, một hôm Sự và tôi cùng vào cầu tiêu của đơn vị, mới vừa ngồi xuống thì thấy Tùng "sữa" kề bên (cầu tiêu đâu có vách ngăn). Chưa kịp làm gì thì Tùng ngó tụi tôi cười cười, cao hứng đọc to lên mấy câu thơ: Anh chọn cho anh một chỗ ngồi/ Tôi chọn cho tôi một chỗ ngồi/ Không chỗ ngồi nào giống chỗ ngồi nào (?!). Rồi cười hic hic... rất thoải mái! Không ngờ, Sự đứng bật ngay dậy, kéo vội quần lên, mặt đỏ gay, lớn tiếng, đu me mày nói gì. Tùng đâm ngỡ ngàng, bối rối. May phước tôi ngồi ở giữa nên kịp thời dằn lại cơn nóng của Sự! (Sau này thân hơn tôi biết Sự tính nóng, nhưng dễ thương!).
Nhân, xin ghi chút về Tùng “sữa”. Sau khi ra trường, một thời gian|, một hôm khi chạy gần khoảng nhà Tùng ở Phú Nhuận tôi chợt nhớ Tùng. Tự nhiên tôi quyết định ghé qua xem bây giờ Tùng thế nào. Vừa tới trước cửa nhà, tôi chợt bàng hoàng khi thấy một quan tài và tấm hình “còn rất sữa” của Tùng đang mỉm cười phía trước.
Tùng vừa ngã xuống và anh (đã) chọn cho anh một chỗ nằm!
Tôi nhớ Tùng mãi vì mấy câu thơ trong cầu tiêu!
Ngày ra trường, Tô Đình Sự và tôi bỏ lại phía sau một trái tim thơ lạ, thật nhiều lưu luyến và kỷ niệm. Đó là khoảng tháng bảy năm một ngàn chín trăm sáu tám.
Tối về phục vụ ở Quang Trung, Hóc Môn. Sự thường hay vào Sài Gòn và điểm hẹn là quán sách (Kiosk) cô Nga ở ngay ngã tư Nguyễn Trung Trực và Lê Lợi. Phía bên kia đường là nhà hàng Kim Sơn, cũng là nơi chúng tôi thường ngồi chờ nhau bên những cái bàn kê ở vỉa hè, rất thoải mái. Đây là nơi anh em văn nghệ chúng tôi thường tụ hội hoặc tìm kiếm nhau. Ở đây có thể bắt gặp hầu hết những khuôn mặt trong cùng khoảng tuổi nhau: Nguyễn Tôn Nhan, Huy Tưởng, Hà Thúc Sinh, Trần Kiêu Bạt, Nguyễn Bạch Dương, Ngô Nguyên Nghiễm, Trần Hoài Thư, Trần Ngọc, Trăng Thệ Hải, Phan Chấn Thanh, Trần Văn Sơn, Lưu Vân, Thụy Miên, Nguyễn Lê La Sơn, Phương Tấn, Quốc Phong (ca sĩ), Nguyễn Thành Xuân. Lưu Nhữ Thụy, Trương Thành Vân, Phù Sa Lộc, Cao Thoại Châu, Nguyễn Ngọc Hải (võ sư), Phạm Chu Sa, Trần Phù Thế... và cả những người đẹp “không tên”.
Quán sách này xem ra cũng là một cái duyên với... Sự. Chủ nhân là một người đẹp độc thân vui vẻ nhưng rất khó tánh. Rất chặt chẽ. Khó có ai mua chịu sách của cô, chỉ riêng Tô Đình Sự. Riêng Sự, kể cả một hai lần tôi được “tham gia” theo Sự dùng cơm do chủ quán... sách mời đãi! Tham gia kiểu này thật là luôn... hồi với hộp!
Về Sài Gòn, Sự thường gặp gỡ Ngô Nguyên Nghiễm bên kia cầu chữ Y, Yên Bằng ở Tân Cảng, Khánh Giang ở Thời Nay, Dương Trữ La ở Khởi Hành, Quốc Phong (ca sĩ khôi nguyên) ở Nguyễn Trãi, Thụy Miên và Nguyễn Lê La Sơn ở Nguyễn Tiểu La. Đây là những điểm trụ của Sự kể cả vườn trầu Bà Điểm của Phạm Nhã Dự. Nếu không hỏi cô Nga quán sách thì cứ chắc Sự có mặt một trong những nơi này. Có thể Sự còn những giao tình thân thiết khác tôi không biết hết được, nhưng đây là “vùng trú ngụ” mỗi khi Sự vào trong nôi văn nghệ Sài Gòn này.
Nhắc đến Dương Trữ La, Khánh Giang là nhắc nhớ đến một trời kỷ niệm. Kỷ niệm với Dương Trữ La thì vô tận. Cả cái vô tận của cuộc chơi. Vô tận của tình bạn. Vô tận của vô tận! Những ngày say xỉn, những đêm ngất ngưỡng, những khuya đưa đít vô nhà trước! Cả một đời rong chơi, phiêu hốt anh! Nhớ tiệc trước khi đi Mỹ định cư, Dương Trữ La hay tin buổi sáng, tức tốc theo ghe cho kịp ngay buổi chiều ở bên cầu chữ Y, gần nhà Ngô Nguyên Nghiễm. Uống cho tới Nguyễn Đạt tuột xuống bàn ngủ, Lê Triều Điển ngất ngư, Minh Nguyễn gật gù... Dương Trữ La theo ghe trở về Duyên Hải lúc ba giờ sáng. Ói đầy trên ghe. Ông chèo đò bảo ông lớn tuổi rồi mà uống chi nhiều quá vậy! Dương Trữ La cười ha hả kể lại. Tôi nghe tim mình mềm lại, thương lạ, gởi anh bốn câu thơ: Đưa ta đi Mỹ ông chết giấc/ Đò đời còn lại ở lòng nhau/ Rượu chìm rượu nổi dăm thằng ngất/ Đời đã muộn màng chuyện bể dâu!
Anh bảo, thấm thía lắm, đời anh!
Riêng Khánh Giang, một kỷ niệm dễ thương nhất là mỗi khi bọn này kéo đến Phạm Ngũ Lão mà rủi không tay nào còn tiền đủ để chi dù một chầu với “dĩa cơm sườn và chai Vĩnh Tòn Ten” (dĩa tôm khô củ kiệu và chai rượu thuốc “dỏm” Vĩnh Tồn Tâm) thì Khánh Giang bắt phải làm ngay một bài thơ để (đăng số sau) có lý do rút tiền trong tòa soạn ra và để không bị “me-xừ Thái xì-nẹt” (cách nói của Khánh Giang về ông chủ nhiệm Thời Nay cũng là chú/cậu của Khánh Giang). Sự thường là người lãnh trách nhiệm từ rượu ra thơ này.
Thời gian trở lại phục vụ tại Ty Thuế Vụ Cam Ranh, Tô Đình Sự sáng tác nhiều và đều đặn. Thơ Sự xuất hiện từ năm 1962 với bút hiệu Song Nguyên Hoài Thảo trên Kỷ Nguyên Mới, Mai, Tiền Phong,..., và sau này với tên thật trên Bách Khoa, Khởi Hành, Văn Học, Thời Nay, Sống, Khai Phá... Khi Sự mất năm 1970, Văn Học phân ưu với bài thơ mới nhất "Thân Tín Đời”, và Khai Phá đi hai bài thơ với cái maquette của Sự để tưởng niệm. Trước đó, Tô Đình Sự có bàn với tôi ra một tờ văn học nghệ thuật ở Phan Rang nhưng in ấn ở Sài Gòn do tội phụ trách. Tôi vì bận bịu những công việc thường ngày, nên hợp tác với Trăng Thệ Hải (tức Vũ Đình Trường tờ Võ Thuật) về phần này. Tờ Thế Đứng ra được hai số thì tự đình bản.
Tô Đình Sự đã lập gia đình trước và đã có ba đứa con. Trong các bài thơ đăng báo Sự thỉnh thoảng còn ký tên (Tô) Phạm Nguyễn Giyễm và Phạm Thị Mùa Hạ. Đó là tên hai đứa con đầu của Sự.
Khoảng tháng 8 năm 1970 tôi ra Phan Rang thăm bà-xã-chưa-cưới đang học thực tập sư phạm Nông Lâm Súc tại trường Nông Lâm Súc Phan Rang ở Phan Lý Chàm. Một công hai việc, tôi được biết thêm Phan Rang và gia đình của Sự. Vợ của Sự là chị Nguyễn Thị Bính, nhà ở cạnh đình Kinh Dinh, gần chợ Phan Rang. Đây là dãy nhà phố ngắn khoảng chừng 7-8 căn, căn của vợ chồng Sự nằm ở cuối. Nhà nhỏ, đủ che mưa đở nắng và đủ ấm cúng cho hai vợ chồng trẻ cùng ba đứa con còn thơ dại. Tôi ở lại Phan Rang những ngày vui vẻ thoải mái. Thăm thú vài thắng cảnh, di tích, đặc sản Phan Rang. Gặp gỡ vài người bạn của Sự, tôi còn được đưa đi Cam Ranh thăm “cây số 9” cho biết sự tình, nơi nổi danh tụ điểm giải trí của cảng Cam Ranh.
Tôi về lại Quang Trung không lâu thì Sự gọi vào bảo nhớ Sài Gòn, muốn vào thăm anh em, nhưng chưa biết được khi nào, đang tìm cách. Đồng thời Sự báo là “bà xã có bầu rồi”. Bầu ngay lúc tôi ở ngoài đó, lúc vợ chồng Sự nhường giường cho tụi tôi, xuống đất nằm.
Tin báo chưa lâu thì Sự vô, thật bất ngờ. Đó là khoảng ngày 7-8 tháng 10 năm 1970. Trước khi đi Sự còn gọi rũ Trần Văn Sơn, đang ở Bình Tuy, cùng vào Sài Gòn chơi... cho vui! Tôi từ Quang Trung xuống, gặp Sự ở quán cô Nga, sau đó kéo về Yên Bằng ở Tân Cảng bên cầu Sài Gòn. Chúng tôi nhìn nhau... ngẩn ngơ! Sự bảo chỉ còn đủ tiền đi xuống Chợ Lách, Bến Tre để thăm... một người đẹp. Yên Bằng thì ngó tôi. Tôi hẹn về nhà kiếm xem rồi mai sẽ xuống.
Buổi sáng hôm sau, tới giây phút này, tôi vẫn nhớ rõ sự việc như vừa xảy ra hôm qua. Tôi dựng xe Honda 67 trước thềm, bước xuống định đi, nhưng lại chợt không muốn đi. Suy nghĩ, nếu không đi thì thật buồn, mà đi thì túi không nhiều tiền, không thể vui. Nhưngrồi lại nghĩ, phải xuống với Sự, không thể bỏ Sự khi vô Sài Gòn. Tôi lại bước xuống thềm, bên chiếc Honda. Rồi lại nghĩ, đi không vui (không tiền) thì đi làm gì. Tôi lại bước lên thềm. Rồi lại bước xuống bên xe lần thứ ba. Lại suy nghĩ. Cuối cùng tôi bước lại lên thềm, vô nhà, dứt khoát không đi.
Không đi cũng thể là số mệnh! Theo lời kể lại, chiều ngày định mệnh đó, Lâm Chương từ xa về với người tài xế lái chiếc xe Jeep đầy bụi khói ghé qua Yên Bằng. Sự và Bằng reo lên: “Có cứu tinh tới rồi". Đêm đó, cứu tinh đã trở thành khắc tinh. Bốn người trên xe đã rơi ra ngoài bên cầu Phan Thanh Giản, ngay đầu xa lộ. Sự là người nặng nhứt. Tất cả được cấp tốc đưa ngay vô bệnh viện gần nhất là Tổng Y Viện Cộng Hòa.
Sáng hôm sau tôi xuống quán sách cô Nga. Vừa gặp tôi Nga xanh mặt hỏi tôi có nghe tin gì chưa. Chưa kịp phản ứng, Nga bảo đêm qua Sự, Lâm Chương, Yên Bằng và tài xế đi chơi về khuya lật xe, hình như bị thương nặng, đang nằm ở Tổng Y Viện Cộng Hòa, vào thăm ngay đi. Tôi thật không thể tin điều gì, nhưng nhìn mặt Nga, tôi lặng người.
Yên Bằng tương đối nhẹ hơn hết. Lâm Chương khá nặng nhưng không có gì nguy hiểm, nằm phòng bên cạnh Sự. Sự trông tỉnh hơn Chương, có thể đi tới lui, nhưng phải có kèm chai nước biển. Nhưng qua ngày thứ hai, người y-tá báo muốn có người nhà thân thiết nhất của Sự vào. Sau cùng y-tá nói thẳng ra Sự bị nặng lắm, không thể qua khỏi quá hai ngày nữa. Tôi nghe lạnh dọc xương sống, không hiểu mình có nghe lầm không!
Hôm sau tôi xuống Tổng Y Viện Cộng Hòa sớm. Chương bảo Sự vẫn tỉnh, vẫn đi tới lui, tuy nhiên tối có đi hơi nhiều và đêm kêu trong người bứt rứt. Tôi tìm gặp y-tá, anh ta hỏi người nhà (Phan Rang|) vô chưa. Tôi bảo đã điện-tín trưa qua rồi. Y-tá nghiêm mặt và buồn bảo Sự không thể qua tới ngày mai! Tôi nắm chặt cánh tay anh ta, anh nhẹ nhàng nói, hết cách rồi!
Hôm sau tôi xuống thật sớm. Chương đợi tôi tại hành lang trước cửa phòng và khóc lớn nói Sự đã chết rồi, vừa mới đưa xuống nhà xác. Y-tá bảo Chương vừa lết bết đi không vững theo sau xác Sự vừa khóc thê thiết. Trời đất quanh quanh đầy hơi sương, lẫn khuất linh hồn Sự chấp chới mờ ảo hòa trong ánh đèn nhập nhòa Tổng Y viện. Tôi không còn biết tôi đứng nơi nào.
Vợ Sự vào. Bạn bè thân thiết đến nhà xác Tổng Y Viện để chia buồn cùng chị Bính và chứng kiến, nhìn mặt Sự lần cuối trước khi đưa linh cửu về Phan Rang bằng máy bay. Tôi nhớ không hết như Ngô Nguyên Nghiễm, Lưu Nhữ Thụy, Yên Bằng, Lâm Chương, Trần Phù Thế, Dương Trữ La, Quốc Phong, Thụy Miên, Nguyễn Lê La Sơn, Lưu Vân, cô Nga quán sách... đều hiện diện. Trong không khí đau buồn đưa xác thân Sự vào trong hòm kẽm, bỗng nghe một tiếng kêu to và mọi người cùng bật cười ồ lên. Không ai có thể nhịn cười được khi người âm-công đặt thi thể Sự ngay ngắn trong hòm, anh thuận tay lấy cái nón lưỡi trai kế bên đặt lên đầu Sự. Nhưng không phải. Nón đó là của Trần Phù Thế. Thế đang sụt sùi bỗng chợt thấy cái nón của mình đặt lên đầu Sự, anh hốt hoãng la to “Nón của tôi!". Mọi người giật mình đồng bật cười ồ lên. Không khí chợt nhiên tan loãng ít nhiều bị thương.
Sau đó một thời gian ngắn tôi trở lại Phan Rang. Bà-xã-chưa-cưới của tôi vẫn còn đang học thực tập. Chị Bính đưa chúng tôi ra nghĩa trang Cà Đú để thăm ngôi mã của Sự. Chị đang mang bầu và ba đứa con còn quá nhỏ. Cháu trai đầu lòng đang bị bịnh kinh phong khá nặng. Chị nói tội nghiệp cháu sắp chào đời. Ra đời không thấy mặt cha. Chị định đặt tên Bất Hạnh, nhưng thấy càng tội nghiệp hơn, nên giữ tên Hạnh. Hạnh, để nhớ nó ra đời trong bất hạnh không thấy mặt cha, nhưng cũng mong nó gặp nhiều hạnh thông trong đời hơn.
Dãy núi Cà Đú không xa chợ Phan Rang nhưng thật hoang sơ, tiêu điều. Dọc theo chân núi một số mồ mã lác đác, cỏ mọc hoang vu, Gió luôn thổi, như những hoang hồn phiêu diêu... như cõi trần ai trống rỗng... Những nén hương gió thốc... Tiếng nấc nghẹn...
Tôi về, hồn phiêu hốt. Cái cảnh hoang sơ của nghĩa trang và tâm cảnh của gia đình bạn theo đuổi tôi. Và bài thơ “Buổi Chiều Ở Nghĩa Trang Cà Đú” hình thành. Tôi bắt đầu bài thơ: Trở lại Phan Rang lần này nữa Thăm mày không biết ngắn hay lâu/ Thăm mày, đù má mày đã chết/ Hay chỉ thăm cỏ mọc xanh màu...
Bài thơ này cũng là cái vận đã đưa tình bạn chúng tôi rong ruỗi trên khắp nẻo đường cho tới ngày hôm nay, dù bạn đã mất đúng bốn chục năm qua. Bởi vì, bài thơ này được hầu hết bạn bè gần xa khắp nơi cảm nhận, nhất là về sau này, sau cuộc “tu du hốt biến đổi đời, tan tác.
Thời gian ngắn sau, trong những lần gặp gỡ, lúc khề khà bên ly rượu, nhắc nhớ đến Tô Đình Sự, Khánh Giang và Dương Trữ La bàn cùng tôi đứng ra tổ chức một đêm tưởng nhớ Tô Đình Sự. Trước là để có dịp nhắc nhở ít nhất một lần một thằng bạn thật dễ thương và sau là kiếm chút ít tiền giúp đỡ vợ Sự. Không ngờ “Đêm Tưởng Nhớ Tô Đình Sự” tổ chức tại quán Phấn Thông Vàng đường Nguyễn Thông lại thành công vượt ngoài dự kiến anh em. Tài chánh cũng như tổ chức. Mọi sự tốt đẹp, vui vẻ, duy có một bất ngờ xảy ra là tay Lãng Tử, bạn ta, lên xin đọc một bài thơ... phản chiến. Bọn tôi gần đứng tim. Khánh Giang ra can thiệp ngay. May là mọi sự sau đó đều êm xuôi.
Vài hôm sau chúng tôi gởi được cho chị Bính một số tiền tương đương với một cây vàng thời đó (khoảng mười lăm ngàn đồng hơn).
Sau đó không lâu tôi lập gia đình. Khoảng sau một năm Sự mất. Một lần, sau đám cưới chừng một tháng, tôi đưa bà-xả tôi về thăm gia đình ở Thị Nghè. Ngồi chưa yên vị, bà mẹ vợ tôi hỏi có quen ai tên Sự không. Tôi nhanh miệng nói, không. Trong tâm trí lúc ấy tôi không hề nghĩ đến Tô Đình Sự, vì Sự đã mất khá lâu, Vả lại tôi cũng không thể nghĩ bà mẹ vợ tôi biết hoặc nhớ Sự dù trước đây tôi có đưa Sự đến chơi một hoặc hai lần, rất ngắn. Nghệ tôi trả lời 'không' bà lập lại hỏi tôi nhớ lại xem có quen ai tên Sự không. Tôi hỏi có gì không Mợ. Bà bèn kể là mới đêm qua, khoảng chừng hơn 11 giờ khuya, sau một thời kinh công phu như thường lệ, bà nằm xuống dỗ giấc ngủ. Đang lim dim mơ màng (chưa ngủ hẵn) bỗng bà chợt có cảm giác như ai xô cửa sau bước vào. Bà ngó ra thấy bóng một cô gái không rõ mặt đi vào. Cô gái cúi đầu chào bà lễ phép và hỏi bà có phải là mẹ vợ của anh Hải (Phạm Nhã Dự) không. Bà đáp phải và hỏi cô là ai. Cô gái trả lời là bạn anh Sự. Bà hỏi anh Sự đâu. Cô bảo anh Sự đang đứng bên ngoài và bảo con vào gặp Bác. Anh Sự là bạn của anh Hải, con Bác. Bà hỏi cô và anh Sự kiếm Bác có việc gì. Cô gái trả lời chúng con đi lỡ đường, đói quả vào xin Bác chút cơm ăn đỡ bụng. Vía bà nói tưởng ai chứ các cháu là bạn anh Hải nhà tôi thì cũng như con tôi. Các cháu cứ tự nhiên xuống nhà bếp phía sau mà ăn uống cho no. Bác hai mắt kém lắm, ban đêm không thấy rõ gì cả nên không lo cho hai cháu được. Có gái nói cám ơn và thoáng mất sau cánh cửa. Bà chợt giật mình thức dậy. Đồng hồ chỉ gần đúng 12 giờ đêm. Nằm thao thức mãi, không biết thực hư.
Tôi có cảm giác thực lẫn lộn, đi từ ngạc nhiên rồi cảm thương đến tức cười khi nghe xong. Ngạc nhiên là câu chuyện phải có thực một trăm phần trăm vì bà mẹ vợ tôi không hề nhớ đến Sự, hơn nữa bà là người trường chay. Có thể hiểu Sự ghé qua nhà đêm khuya vì nơi Sự mất bởi tai nạn rất gần với khu cư-xá Canh Nông Thị Nghè (đối diện bên kia đường với chợ Thị Nghè), tính theo đường chim bay chưa tới hai cây số. Nghe bà kể Sự đói ghé vào xin chút cơm, tôi hiểu. Một hồn ma chết dọc đường không ai nhớ cúng kiến và nhất là không nhờ Thầy rước vong linh về chùa hoặc về gia đình hồn phách họ sẽ phiêu bạt như thế rất lâu dài. Tôi kể chuyện cho bạn bè nghe, hình như phần lớn họ chỉ nhớ và lấy làm thú vị chuyện chết xuống âm phủ rồi mà vẫn còn dẫn "mèo” đi chơi!
Sau này, tôi được biết hình như Sự có một bạn gái thân thiết cũng chết vì tai nạn xe cộ trước Sự không lâu. Có thể, âm dương cũng... vui vẻ như trần gian thôi!
Sau một thời gian dài vì những lo toan và xáo trộn của đời sống, đến tháng 2 năm 1975 tôi có viết cho chị Bính một lá thư dài từ Lackland Air Force Base, San Antonio, Texas, nơi tôi tu nghiệp gởi đi. Trong thư tôi tỏ ý sau này sẽ làm một bức tượng bán thân cho Tô Đình Sự, và xin ý-kiến chị. Thư hy vọng tới, nhưng không thấy hồi âm vì kể từ tháng 3 tình hình Việt Nam đầy biến động và rối loạn...
Rồi mất liên lạc luôn cho mãi tới khoảng tháng 10 năm 1988, nhân dịp ra Tuy Hòa, Tuy An tôi và bà xả tôi ghé qua dãy phố cũ tìm lại thăm chị Bính và các cháu. Tôi chỉ gặp người em trai ruột của Sự trong một ngôi nhà trống rỗng, xơ xác, âm u. Tôi được biết chị Bính mất khá lâu. Các cháu đã dọn hết về trong quê sống nhờ ruộng rẫy. Tôi vì bận đi chung một nhóm đông bạn bè nên đành không thể đến thăm các cháu được.
Thời gian sau tôi đi tái định cư ở Hoa Kỳ. Sau khi ổn định gia đình, tôi tìm cách liên lạc với các con Sự. Sau nhiều năm lưu tâm, cuối cùng tôi may mắn liên hệ được với thầy giáo Võ Tấn Khanh, cũng là nhà thơ, là bạn thân Tô Đình Sự, là chỗ dựa tinh thần các con Sự ở Phan Rang.
Qua Võ Tấn Khanh tôi được biết thêm nhiều về cuộc sống chị Bính và các cháu từ sau tháng 4 năm 1975. Cũng nhờ qua Võ Tấn Khanh chủ trì, ngôi nhà tường cấp bốn được xây mới cho cháu Gyiễm do Nguyễn Lê La Sơn, Huỳnh Ngọc Quang (Thọ) và Phạm Nhã Dự trợ giúp. Cháu Gyiễm là đứa con trai đầu lòng đã mắc bệnh bao năm qua. Trước đó, Thụy Miên có nhận cháu làm con đỡ đầu để chữa trị cho cháu. Tiếc thay, Thụy Miên cũng mất sau Sự ít lâu. Cháu hiện có vợ, ba con còn nhỏ. Cuộc sống rất khó khăn. Yếu kém nhất so với ba cô em.
Cuộc sống ở quê Phan Rang là con đường không có ngõ ra đối với gia đình các con Sự. Tôi góp ý rồi giúp hai con của cháu Mùa Hạ và sau đó một con của cháu Dung (em kế, chị của Hạnh) vào làm một công ty của một người thân tôi ở ngoại ô Sài Gòn. Được vài năm nay, một chút thay đổi tốt hơn có thể thấy được. Tôi nghĩ có thể ở một nơi nào đó Sự cũng thấy... vui hơn.
Cuối cùng còn một điều cũng không thể bỏ quên. Tô Đình Sự còn một tập bản thảo viết tay, theo Nguyễn Lê La Sơn, đó là tập Thơ Viết Ngày Yêu Em. Tập thơ này, Sự đã giao cho La Sơn trong dự định xuất bản (trước khi mất). Sau nhiều vật đổi sao dời, như một phép lạ, Nguyễn Lê La Sơn tìm thấy lại và cưu mang nó theo hành trình đến Mỹ năm 1992. Nơi đây, tập thơ được giao cho Hà Thúc Sinh với hy vọng có thể làm gì cho Tô Đình Sự. Nhưng đời sống mới lạ đầy lo toan và đối phó đã chìm khuất nhiều ước vọng. Nhiều năm sau, năm 1999, khoảng hạ tuần tháng 6, nhân được mời tham dự đọc tham luận về chủ đề “Văn học và Chiến tranh” giữa các nhà văn đến từ nhiều quốc gia (Writers' Workshop) do Trung tâm William Joiner Center nghiên cứu về “Chiến Tranh và Các Hệ Quả Xã Hội, và Chương Trình Sáng Tác” của đại học UMass Boston, Massachussets, Hà Thúc Sinh lưu lại nhà tôi, và trao tập thơ viết tay của Tô Đình Sự cho tôi. Sinh nói muốn trao tôi giữ vì tôi thân với Tô Đình Sự hơn. Tôi có hướng in tập thơ này cho Sự nên giao nó nhờ Lâm Chương đánh máy và lay-out. Bây giờ tập thơ di cảo viết tay này Lâm Chương đang giữ. Hơn sáu năm nay nhiều lần tôi muốn lấy lại nhưng Lâm Chương vẫn... làm ngơ, ngay cả tôi nhờ vàị bạn bè can thiệp. Cho đến cháu Mùa Hạ (con Tô Đình Sự) viết thư gởi qua Lâm Chương xin lấy lại, cũng không được trả lời. Một thái độ thật khó hiểu đối với một người bạn đã chết trên tay mình!
Thật buồn. Cũng không hiểu buồn gì! Nhìn lại thấy đã nhiều mất mát. Đã những ra đi thật sự: Y Uyên, Tô Đình Sự, Lê Bá Lăng, Hoàng Đông Trước, Thụy Miên, Trương Thành Vân, Dương Trữ La, Khánh Giang, Trần Kiêu Bạt, Ngọc Thùy Khanh, Nguyễn Bạch Dương, Nguyễn Phan Thịnh, Tô Nhược Châu... bạn ta.
Những dòng chữ, một đời người. Những kỷ niệm hiu hắt, một dòng phù sinh. Có ai thấy được bước chân mình đi về phía nào của dòng sông!
PHẠM NHÃ DỰ
Boston, mùa hạ 2010
* Lời nói thêm: Tác Giả Tác Phẩm Người Đồng Hành Quanh Tôi trích dẫn bài thơ nổi tiếng khóc Tô Đình Sự, đã nằm trong lòng độc giả 40 năm nay, được đăng tải trên nhiều tạp chí trong và ngoài nước. Thiển nghĩ, ghi lại như thêm một tài liệu tưởng niệm với người bạn quá cố: Buổi Chiều Ở Nghĩa Trang Cà Đú.
Buổi Chiều Ở Nghĩa Trang Cà Đú
Gởi linh hồn mày, Tô Đình Sự
Trở lại Phan Rang lần này nữa
Thăm mày, không biết ngắn hay lâu
Thăm mày đù má mày đã chết
Hay chỉ thăm cỏ mọc xanh mồ.
Chiều nay sao gió nhiều mày nhỉ
Gió nổi trong tao đến lạnh mình
Đù má, nhang mày sao chẳng cháy
Đốt mãi que diêm đến cạn cùng.
Bên kia dãy núi trơ thân chó
Cỏ dưới chân tao lại sụt sùi
Mẹ kiếp, vợ mày đang khóc mướt
Con mày, trời hỡi nó cười vui.
Còn tao, tao chẳng cười chẳng khóc
Chẳng ngậm ngùi chi lũ kiếp người
Đù má, tao chửi thề đây Sự
Chửi suốt trăm năm chửi hết đời.
Bây giờ mày đã nằm yên phận
Còn vợ, bào thai, hai đứa con
Đù má, một đời làm thi sĩ
Chẳng đủ cho con lấy một đồng.
Tụi mình dăm đứa đời lang bạt
sống chẳng ra chi, chẳng bận lòng
Việc nước, việc đời đem dẹp hết
Uống rượu quanh năm đếch ngại ngùng.
Mày nhớ đêm tàn trên xa lộ
Thằng Chương đem xế lái quanh trời
Đù má, cũng còn cười khi sắp chết
Ngỡ rằng mình hái được hoa mơ!
Thằng Chương giờ đã nằm biên giới
Mày ở nơi đây biết được gì
Rượu chắc đã thèm, môi đã tím
Hơi nồng theo gió núi bay đi.
Chẳng khóc được mày mà nước mắt tao rơi
Bạn bè dăm đứa chết dần với
Đụt núi mà tìm quên tri kỷ
Còn thôi nấm mộ phủ quanh người.
Tao trở lại đây đường dịu vợi
Đốt nén hương tàn hát biệt ly
Thăm mày, đù má lòng buốt xót
Ngó trời chỉ biết chửi thề thôi.
Thôi hãy ngủ yên thằng chó chết
Tao về đây - vui với cỏ cây
Nếu nhớ tìm tao nơi thôn nhỏ
Rượu với lang thang vẫn ngất trời.
Phạm Nhã Dự
(Phan Rang 1971)