20-08-2012 | VĂN HỌC

Một Người Thơ Quảng Nam: Nguyễn Nho Nhượn (1946-1969)

  DIÊN NGHỊ


 Nhà thơ Nguyễn Nho Nhượn
(1946 - 1969)

Trong những người làm thơ trẻ Quảng Nam; hình như Nguyễn Nho Nhượn và Luân Hoán là hai người viết nhiều nhất. Luân Hoán đã in đến tập thứ năm thứ sáu. Riêng Nhượn, theo Đynh Trầm Ca, đã hoàn thành được năm thi phẩm mà Tiếng Nói Giữa Hư Vô là một, được một số bằng hữu Nhượn khai sinh nhân kỷ niệm giỗ hai năm của anh.


Tiếng Nói Giữa Hư Vô gồm 38 bài thơ đủ thể loại, đã từng đăng rải rải rắc ở Văn Học, Bách Khoa, Ngàn Khơi... thời 1962-1967. Thơ in trên giấy trắng tốt, gần 100 trang do Lê Nghiêm Vũ và Đynh Trầm Ca giới thiệu. Giá bán 180đ.


Tưởng cũng nên nhắc lại, Nguyễn Nho Nhượn sinh ngày 12.3.1946 tại Điện Bàn, Quảng Nam, đã theo học tại các trường Nguyễn Duy Hiệu và Trần Quý Cáp, Hội An. Khởi viết từ năm 1962, là người đồng thời của những Hoàng Lộc, Đynh Trầm Ca, Lê Đình Phạm Phú... Anh đã bị Trung Tâm 1 Tuyển mộ Nhập ngũ chê, phải nằm ở Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng, sau xin qua Non Nước nằm bệnh viện Mỹ rồi qua đời tại đó, nhằm ngày 24.5.69.


Tôi chưa có dịp làm quen với Nhượn mặc dầu con đường Huế Đà Nẵng Vĩnh Điện năm nào vẫn còn trong trí như một nẻo thuộc kỷ niệm. Tôi đã đọc Nhượn trên những tạp chí thời đó bằng nỗi mến mộ chung cho những người thơ đất Ngũ Phụng Tề Phi. Tên của Nhượn nằm thật khiêm tốn bên một Luân Hoán, Phan Duy Nhân, Thành Tôn; những nhà thơ một thuở sáng chói. Tôi yêu thơ Nhượn vì vẻ thật thà, vì dáng dấp bẽn lẽn con gái bàng bạc trong ngôn từ, vần điệu. Nhượn lại là anh em họ với Nguyễn Nho Sa Mạc, sống gần gũi nhau nên hơi thơ hai người này hầu như cùng chung một nguồn cội bẩm sinh nào đó.


Có thể rằng tôi đã ngộ nhận. Những bộc phát tâm linh bằng ngôn ngữ siêu hình của Nhượn, của Sa Mạc đã khiến tôi có nhận xét đó. Cũng có thể tôi quá vội vàng từ cái nhìn tầm thường của một kẻ thưởng ngoạn hơn là một người phê bình? Và vì thế, có những đường nét mịt mù quanh quẩn chưa thành hình rõ rệt trong cõi thơ Nhượn? Cũng vì thế, ở đó thi sĩ rất dễ đàng bị gán ghép một cách tội nghiệp khi lần thăm viếng quá đỗi vô tình?


Thơ Nguyễn Nho Nhượn như những tiếng thở dài. Tiếng Nói Giữa Hư Vô là một chuỗi hơi thở buồn trầm từ một khoảng sống của một người trẻ tuổi sớm ý thức được niềm bất hạnh trên quê hương, thân phận. Nỗi chết đã ám ảnh Nhượn một cách ghê rợn, thường trực. Có lẽ, từ cái chết của Sa Mạc, mầu tang chế miên viễn gần gũi, thành mặc cảm hằn sâu trong hồn của một kẻ bệnh hoạn, Nhượn đã nhìn đời sống bằng đôi mắt thật nghi ngờ, bằng trái tim ngập ngừng khô héo trước một cảm nhận huyền kỳ về nỗi chết bên kia.


Một đám tang đi qua thành phố, một thân chim bay lạc trong bóng mờ một hoàng hôn; tất cả như hấp lực cuốn hút Nhượn vào những bồng bềnh sương khói hư vô để thương cho kiếp làm người...


đám tang qua thành phố

có người cười như điên

không ai là thân thích

thương linh hồn vô danh


cây gục đầu cúi lạy

bụi mờ làm khói hương

mưa phùn làm nước mắt

khóc cho người tha phương

(NNN, Đám tang qua thành phố)


Những ngày nằm bệnh, nỗi ám ảnh đó lại càng tỏa rộng không cùng, thấm thía trong tình, trong ý đã khiến Nhượn linh cảm về sự ra đi vĩnh viễn của mình.


và người ơi một mai tôi chết yểu

xin đừng buồn đừng khóc với khăn tang


hay :

thân lừ đừ vô vọng

mang mang cõi u trầm

một tâm hồn sóng vỗ

một bóng hình tả tơi...

...

từng đêm từng mắt đỏ

thác đổ dồn trong tim

ai gọi tên giữa tối?

đâu bạn bè anh em?

(Thơ từ bệnh viện)


Bên nỗi chết không rời đó Nhượn lại ngày ngày nhìn rõ những cảnh tượng hãi hùng nhất của chiến tranh, dàn trải trên chính nơi chôn nhau cắt rốn Nhượn. Bằng hữu, anh em lần lượt lên đường như một đóng góp nhiệt tình, ở họ cũng như ở Nhượn không có tham vọng gì về cuộc chiến, ngoài những mơ ước đầy thơ cho một ngày quê hương bình lặng. Nhượn viết cho ngày thanh bình đó, dẫu bao nhiêu đổ vỡ, xác xơ mà cứ còn hy vọng:


mẹ gượng vui đón mừng sau mái rạ

đàn em cười - còn may mắn anh ơi

bom đạn nổ nhưng căn nhà vẫn đứng

dáng yêu đời còn đọng lại trên môi


buổi chiều xuống đầy vọng âm tiếng súng

thấy hắt hiu cánh đồng trống bao la

căn hầm nhỏ nhốt bao niềm hy vọng

mong mặt trời xoa dịu nỗi xót xa

(Khi trở về Vĩnh Điện)


Anh tự ví mình như con của phù sa Thu Bồn hiền dịu, biết mình được khôn lớn trên một đất đai vốn ngút cao hào khí cách mạng; đã xót xa về những rách nát tàn phá vì bom đạn, có lần Nhượn muốn dấn thân cùng anh em, vào với chiến trận để tạo dựng lại màu xanh cho những cánh đồng, nương dâu, rẫy sắn:


tôi bây giờ ôm nỗi buồn lớn mãi

những đau thương những nhục nhã vô vàn

dòng máu chảy đọng đôi bờ nam bắc

chút linh hồn dân tộc vỡ tang hoang


bởi quê hương này quý hơn thân xác

bao hình hài ngã gục đắp tương lai

trong trận chiến tôi là người yêu nước

trong đau thương tôi là kẻ bất tài

(Người con quê hương)


Nhượn lại là một người thơ quá nhiều cô đơn, kể cả trong tình yêu. Có thuở, cũng qua các tạp chí, tôi thấy Đinh Hoàng Sa làm thơ cho Ngọc Thoan, Tần Hoài Dạ Vũ cho Ngọc Anh, Hoàng Lộc cho Ngọc Bích, Đynh Trầm Ca cho Thu... Các người thơ đồng thời Nhượn đều may mắn được có một người nữ để ca tụng. Nhượn thì không. Người con gái trong Tiếng Nói Giữa Hư Vô chỉ là một bóng hình tưởng tượng để Nhượn gọi tên, một cái cớ xoa dịu mối cô đơn cho mình?


vòng tay ôm chặt hư vô

mà nghe tình ái đi vào cô đơn

(với tình yêu)


anh đuổi bắt tình yêu không suy tính

nên ngàn năm em vẫn nét sầu thơ

(âm điệu tình yêu)


Thơ Nhượn vẫn đều đặn những chất liệu như thế. Dù sao, anh cũng đã để lại cho chúng ta một tấm lòng ưu ái, quen thân. Chết là một sự quay về. Người thơ chết là quay về một cõi khác, thật hồn nhiên tươi mát, có những kẻ muốn chết như tôi, như anh mà vẫn không dễ dàng thực hiện ý định. Cõi sống hỗn mang, tình yêu khốn khổ, có đứa du tử nào mà chả ao ước một ngày: nửa đời tim máu héo hon / về đây xin mẹ cho con quan tài / xin đời nắm đất vàng khô / xin em giọt nước mắt vờ yêu thương / rồi thôi, tôi sẽ yên nằm / nghìn sau cỏ lá âm thầm nhớ tên. (thơ Đinh Trầm Ca)   1971


Diên Nghị

Nguồn: Khởi Hành số 96 tháng 10-2004
Chủ đề đặc biệt: Các nhà văn nhà thơ Miền Nam chết trẻ