20-08-2012 | VĂN HỌC

Nén Nhang Cho Người Bạc Mệnh

  PHẠM NGỌC LƯ


   Nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc

Con đường nhỏ tráng xi măng vào nhà cố thi sĩ Nguyễn Nho Sa Mạc ở thôn Bồng Lai khá thơ mộng với hai hàng cau thẳng tắp, những hàng chè tàu trồng đã lâu đời được cắt tỉa tỉ mỉ, công phu. Anh Nguyễn Nho Châu (em ruột của NNSa Mạc) chống gậy ra cổng đón chúng tôi. Châu thoát chết sau cơn bạo bệnh nhưng nay chân tay run rẩy yếu ớt, đi đứng không được bình thường như trước nữa. Ngôi nhà ngói cũ, tường vôi, cột kèo bằng gỗ, nơi mà NNSa Mạc đã sống thuở thiếu thời vẫn không thay đổi mấy qua đằng đẵng bể dâu. Thấy chúng tôi đến, mẹ anh bật khóc khiến mọi người rơm rớm nước mắt theo.


Đa số anh em chúng tôi đều đã mất mẹ từ lâu nên rất bồi hồi khi bất ngờ được thấy thân mẫu tác giả Vàng lạnh còn tại thế. Châu cho biết, bà cụ sinh năm 1910, Tết Đinh Hợi nầy đã 98 tuổi, tuổi đại thọ. Đây là bà mẹ quê chơn chất nhân hậu đã sinh ra một nhà thơ trẻ tài năng và chính Nguyễn Nho Sa Mạc đã rưng rưng nhắc đến trong bài Cuộc đời: Mẹ già ăn khoai sắn / Nuôi con lớn chừng nầy / Đời vẫn còn tay trắng / Nuốt từng quả đắng cay.


Chúng tôi đặt ít lễ vật đạm bạc lên bàn thờ anh cùng với tập Vàng lạnh và Thư Quán Bản Thảo số 26 do cơ sở Thư Ấn quán của Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn ấn hành “như là một tấm lòng… về một nhà thơ tài hoa bạc mệnh”. Trước di ảnh của NN Sa Mạc, Uyên Hà đại diện anh em, đốt nhang, rót rượu và “thưa” với anh về những gì mà lâu nay các thân hữu trong nước và ngoài nước đã làm để phục hồi tên tuổi của anh và thơ anh, dẫu rằng hơi muộn nhưng chắc rằng hôm nay, trong ngày giỗ thiêng liêng nầy, hương hồn anh sẽ toại nguyện… Nhìn lên ảnh NN Sa Mạc, chúng tôi thấy anh đang cười, cười nhưng có vẻ còn suy tư gì đó…


Rất tiếc chúng tôi không thể đến xã Điện Nam, cách Vĩnh Điện hơn 10 cây số để viếng mộ anh, xem nơi anh yên nghỉ đời đời có đúng như anh từng linh cảm khi còn sống : “Máu sẽ khô xin tim nầy đừng rụng. Giữa hư vô phần mộ nhỏ yên nằm”.


Mấy năm nay quán cà phê Thạch Trúc Viên của Đinh Trầm Ca ở Vĩnh Điện đã trở thành nơi thỉnh thoảng gặp nhau của một số bạn bè văn nghệ gần xa, cũ và mới. Quán được kiến trúc và trang trí rất thơ mà cũng rất dân gian: hầu như toàn thể đều bằng vật liệu mây tre nứa lá; tả hữu lại có mấy cánh đồng lúa xanh và những lũy tre già phối cảnh. Mới tháng trước, Lê Văn Trung từ Đồng Nai mang tập thơ Cát bụi phận người của mình về đây giới thiệu, đông đảo bằng hữu đã đến tham dự. Chiều nay, nhân ngày giỗ thứ 43 của NN Sa Mạc, cũng ở Thạch Trúc Viên, lại tề tựu một số bạn văn chương cùng thời, bạn đồng môn và những người yêu thơ NN Sa Mạc ở Điện Bàn, từ Đà Nẵng vào, từ Hội An lên cùng với các người em trai em gái và bà con của anh.


Đinh Trầm Ca dẫn chương trình, chậm rãi, trang trọng. Trước chân dung Nguyễn Nho Sa Mạc có tập Vàng lạnh, TQBT 26, hoa và rượu. Sau khi “tương tiến tửu” hương hồn cố thi sĩ, Nguyễn Nho Châu thay mặt gia đình tri ân mối thâm tình văn chương mà bằng hữu gần xa đã dành cho anh mình. Tựa hai tay vào chiếc gậy để giữ thế đứng, giọng Châu nghẹn ngào cảm xúc khi kể lại thời niên thiếu của NN Sa Mạc cũng như cái chết bất ngờ của anh trai mình: “… cả đêm hôm đó, không hiểu sao tôi cứ bồn chồn không ngủ được. Sáng hôm sau, tôi còn nhớ, đó là buổi sáng ngày chủ nhật, trên bộ phản giữa nhà, ba tôi và bác tôi đang ngồi uống trà chờ anh Bửu ở Đà Nẵng về ăn Tết… 8 giờ sáng có người ở Đà Nẵng đạp xe vào báo tin anh Bửu đã chết… Ba tôi ngã xuống đất bất tỉnh, còn bác tôi nằm ngửa ra giữa nhà kêu trời than khóc…”.


Có lúc giọng Châu trở nên khảng khái hùng hồn khi anh phản bác một cây bút của miền Bắc sau 1975 đã viết rất sai lệch và xuyên tạc Nguyễn Nho Sa Mạc. Anh nói, “cũng may, bây giờ cha con tôi không còn nóng nữa, bằng không, nhà văn nọ sẽ “mệt”với tôi”.


Sau những năm dài lặng lẽ làm ăn, bước vào tuổi lục thập, bỗng dưng Uyên Hà “nổi máu” văn nghệ lại, dĩ nhiên chín chắn hơn, cẩn trọng hơn, chứ không thể tung hê hết mình như thời thanh xuân cùng Phương Tấn, Xuân Thao, Lữ Thứ, Yến Nguyên Thanh… làm Rừng và Vỡ. Có thể nói sự ra đời của Vàng lạnh có sự đóng góp tâm huyết và công sức rất lớn của anh, sau khi nghe anh Luân Hoán gợi ý. Khi nhận được 2 tập Vàng lạnh do Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn gởi về, Uyên Hà đã bỏ tiền ra nhờ người in lại 20 tập nữa gởi cho gia đình Nguyễn Nho Sa Mạc như là một nén nhang dâng lên hương hồn cố thi sĩ trong ngày giỗ thứ 43 nầy. Cũng chính Uyên Hà lâu nay đang xin giấy phép để xuất bản Vàng lạnh; anh nói, “nếu như cả tập thơ không bị xoá bỏ bài nào, câu nào thì anh sẽ kết hợp với Nguyễn Nho Châu để in và phổ biến rộng rãi trong năm 2007 nầy”.


Hai mươi tập Vàng lạnh ít ỏi ấy chiều nay được Nguyễn Nho Châu “thay mặt hương hồn” anh mình, ký tặng cho những bằng hữu yêu thơ Nguyễn Nho Sa Mạc. Rất tế nhị, những người bạn khi nhận Vàng lạnh đều bỏ ít tiền vào bì thư gởi lại cho gia đình gọi là “một chút lòng” để sau nầy nhang khói cho nhà thơ tài hoa bạc mệnh. Quả như Nguyễn Du đã chiêm nghiệm, xưa nay, “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”; từ cái cảm xúc bùi ngùi đó, Vàng lạnh 1, Vàng lạnh 2, Sinh nhật, Mùa xuân của một người và các bài thơ khác lần lượt được các bạn bè tham dự diễn ngâm với lòng bâng khuâng, nỗi ngậm ngùi cùng tiếng sáo, tiếng đàn tranh phụ hoạ.


Đặc biệt bài Sinh nhật được đọc và ngâm đến mấy lần. Nguyễn Nho Sa Mạc viết Sinh nhật vào tháng 1 năm 1964, trước khi anh từ trần năm ba hôm gì đó thôi, nên có thể đây là bài thơ tuyệt mệnh với hai câu kết gần như là một tiếng than não nuột của một người biết mình sắp tới giờ lâm chung:

“Hỡi ơi khi ở trong lòng mẹ.

Ta muốn đi cho trọn kiếp người”.


Theo chúng tôi, Sinh nhật là bài thơ hay nhất trong tập Vàng lạnh.


Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó mà một cái Tết nữa sắp đến, mới đó mà Nguyễn Nho Sa Mạc ra đi đã 43 năm rồi, những người bạn còn lại của anh chiều nay cùng nâng ly rượu bồi hồi nhìn nhau: tóc đã bạc, ý chí đã mòn! Chúng tôi lại nhìn lên di ảnh Nguyễn Nho Sa Mạc: chỉ có anh là trẻ mãi, bởi vì anh chỉ “sống trên đời vừa đúng hai mươi năm”.


Bên ngoài, nắng chiều vàng tươi ấm áp, nắng rọi thẳng vào Thạch Trúc viên, đan vào những bàn ghế mây tre chúng tôi đang ngồi, đọng lại trên chân dung NN Sa Mạc và tập Vàng lạnh. Chiều nay và có lẽ từ nay, Vàng lạnh sẽ không còn “lạnh” nữa. Người bạn ngồi cạnh tôi chợt nói, “giả như ngày xưa Nguyễn Nho Sa Mạc là cử nhân tiến sĩ, hoặc là quan lớn nầy ông lớn nọ thì hôm nay cũng đã vô danh cùng cát bụi. Nhờ có thơ mà tên tuổi anh còn sống. Đó là hạnh phúc của người làm văn chương…”.

Đúng vậy. Tất nhiên phải là thứ văn chương chân chính, trung thực!

Phạm Ngọc Lư

Nguồn: luanhoan.net