15-8-2021 | VĂN HỌC

Thời Đại Thần Tiên

  VIỆT THẠCH NGUYỄN THỤY ĐAN
Dã hỏa thiêu bất tận
Xuân phong xuy hựu sinh
Bạch Cư Dị, Phú đắc cổ nguyên thảo tống biệt

Xu hướng “lão hóa” trong sinh hoạt văn đàn Việt Nam hải ngoại đã được các cây bút danh tiếng của làng văn hải ngoại đề cập và dự đoán từ những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990. Có lẽ, trên văn đàn hải ngoại một trong những người trầm tư và lập luận nhiều nhất về hiện tượng này, chính là cố tiểu thuyết gia Nguyễn Mộng Giác (1940 – 2012). Trong các bài tiểu luận của Nguyễn Mộng Giác phân tích về quan điểm tương đối tiêu cực của ông về quang cảnh và tiền đồ văn đàn hải ngoại, chúng ta thấy nhắc đi nhắc lại vấn đề rào cản ngôn ngữ giữa thế hệ tiền bối và con em hậu sinh ở hải ngoại như một yếu điểm của lập luận ông về tương lai ảm đạm của sinh hoạt văn đàn hải ngoại. Dù gì, lập trường của Nguyễn Mộng Giác ít nhiều đã được một phần đáng kể của văn đàn hải ngoại mặc nhận là đúng, hoặc chí ít là đi đúng hướng. Ngày nay, khái niệm “lão hóa” đã không còn là lý thuyết viễn cảnh, mà đã được chính thức hóa thành một lập trường phê bình văn học để nhìn nhận và phân tích một giai đoạn văn học sử của văn đàn hải ngoại hoặc đang diễn ra và sắp lui dần về cuối, hoặc – theo cái lập trường cực đoan hơn – đã yên tiêu vân tán theo hai thập niên đầu của đệ tam thiên niên kỷ. Xin đơn cử bài tựa trong tập 44 năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975 – 2019) của nhóm Nguyễn Vy Khanh, Luân Hoán, Khánh Trường thực hiện và xuất bản năm 2019, trong đấy đã phân loại những năm từ 2001 đến 2019 là “Giai đoạn lão hóa” của văn đàn hải ngoại.


Rào cản ngôn ngữ – cụ thể từ phía giới “trẻ” (dù bây giờ khái niệm giới “trẻ” cộng đồng hải ngoại đã bao gồm những nhà văn bước sang tuổi trung niên như Viet Thanh Nguyen) không đủ hiểu biết về tiếng Việt để vận dụng trong việc sáng tác và thưởng thức văn chương – dẫn đến hiện tượng lão hóa, cũng như các hệ quả của hiện tượng này đối với văn đàn hải ngoại, dù có đóng vai trò lớn cỡ mấy, nhưng không phải là rào cản duy nhất, cũng không phải là nguyên nhân duy nhất, đã đưa văn đàn hải ngoại vào cái thế vãn tiết mạt lộ của ngày nay. Cụ thể ở đây, tôi muốn nói đến một rào cản khác – dường như là căn bệnh ảnh hưởng nhiều đến thế hệ tiền bối hơn là giới trẻ – đấy chính là sự tách rời và cô lập của văn đàn hải ngoại ra khỏi cộng đồng tri thức bản xứ, cụ thể là ra khỏi hệ thống trường ốc đại học Hoa Kỳ. Di dân học giới Việt Nam Cộng Hòa chúng ta chịu thiệt hơn di dân Trung Hoa, dù gì vẫn có các trường đại học danh tiếng ở Đài Loan và Hương Cảng làm đất dụng võ của họ, vừa tạo được môi trường cho họ đối thoại với nhau, vừa tạo được sân chơi đường đường chính chính để họ giao lưu và đối thoại với học giới và độc giả quốc tế, trong đó cố nhiên bao gồm Đại Lục. Cộng đồng di dân Trung Hoa đã sản xuất được một vị Tiền Mục (1895 – 1990), vì sao bắc đẩu của sử triết Trung Hoa thế kỷ 20, chính là nhờ vào hệ thống đại học của Hương Cảng và Đài Loan. Cộng đồng di dân Việt Nam, dù có những học giả tầm cỡ như Tạ Chí Đại Trường (1938 – 2016) hay Nguyễn Văn Sâm, nhưng vì thiếu điều kiện “danh chính ngôn thuận” của học giới chính thức, một bên ít được học giới Hoa Kỳ công nhận, một bên phải nhờ vào giấy cấp phép và sự ưu ái cực kỳ “nay nắng mai mưa” của học giới hải nội để tìm đến tay độc giả đủ kiến thức để đọc, phê bình, và đối thoại với những công trình nghiên cứu tâm huyết và chuyên sâu của mình. Chưa kể, bản thân chất lượng của những công trình học thuật được thực hành trong môi trường lâu ngày thiếu sự mài giũa của phản biện và những cập nhật tối tân của học giới, cũng khó có thể tránh khỏi thảm trạng mai một và lỗi thời.


Cụ thể hơn, học giới tôi đề cập ở đây là riêng nói học giới ngành Việt Nam học (Vietnamese studies), một danh xưng vụng về để gọi chung các ngành học thuật văn sử triết liên quan tới Việt Nam. Cứ ngu ý, sự chia cách giữa học giới Việt Nam học Hoa Kỳ và tri thức trong cộng đồng di dân hải ngoại, cơ hồ là nhị phân, nước sông không phạm nước giếng. Nói về sử trung đại, giáo sư Keith Taylor – theo tôi, với tư cách là môn sinh của đệ tử nhập thất của ông – đã thành công trong việc giải cấu trúc gần như toàn bộ các diễn ngôn chủ lưu đã chi phối sử học Việt Nam xuyên suốt hạ bán thế kỷ 20, đặc biệt trong học giới hải nội. Tuy nhiên, tôi hầu như chưa gặp nhà cầm bút nào trong cộng đồng di dân nhắc đến tên tuổi hay đại tác A History of the Vietnamese (2013) của ông. Nói về sử thế kỷ 20, có những vị gốc di dân như cựu giáo sư Hue-Tam Ho Tai, trong học giới thì ai ai cũng biết, nhưng lại tương đối vô danh trong cộng đồng hải ngoại. Nói về văn học, lại có những vị như giáo sư Peter Zinoman, chuyên sâu về văn học Việt Nam thế kỷ 20, có ảnh hưởng và tiếng nói khá quyền lực trong học giới Việt Nam học quốc tế, nhưng lại hoàn toàn vắng mặt trong tác phẩm phê bình văn học của văn đàn hải ngoại. Đương nhiên, lỗi không nằm về riêng một bên – những công trình nghiên cứu và tác phẩm học thuật của học giới Hoa Kỳ liên quan đến văn đàn hải ngoại cũng tương đối ít. Gần đây nhất, có thể kể đến cuốn Vo Phien and the Sadness of Exile (2006) của John C. Schafer viết về Võ Phiến hoặc luận án tiến sĩ Lê Thị Huệ: Writing between Exilic Homelessness and Situated Nomadism (2012) của Nguyễn Vũ Khuyên viết về nhà văn Lê thị Huệ. Giao lưu với giới Việt Nam học tại Hoa Kỳ, lâu dần tôi đã quen khi đồng nghiệp – kể cả những người gốc Việt – không hề hay biết, thậm chí, không hề quan tâm đến những sinh hoạt và nhân vật văn đàn hải ngoại vốn đang tồn tại song song với họ trong cùng một quốc gia, thậm chí trong cùng một thành phố.


Cố nhiên, sự ngăn cách giữa tri thức hải ngoại – tri thức theo nghĩa rộng, bao gồm cả văn nghệ sĩ – và tri thức học giới Việt Nam học một phần có thể giải thích đơn thuần là một dạng hợp tác phân công giữa hai cộng đồng vốn có căn cước và mục tiêu khác nhau – học thuật lo đàng học thuật, nghệ thuật lo đàng nghệ thuật. Dù vậy, trước hiện trạng lão hóa nhãn tiền của văn đàn hải ngoại, đã đến lúc – cứ ngu ý – việc kết nối giữa văn đàn hải ngoại và học giới Hoa Kỳ đã trở nên vấn đề cấp bách, thậm chí là vấn đề then chốt có khả năng định đoạt sự tồn vong của di sản văn học Việt Nam hải ngoại trong một thời kỳ đầy rẫy những biến huyễn bất trắc trong sinh hoạt cộng đồng và quốc tế. Cũng như nhà văn Trần Hoài Thư đã khâu lại văn học sử Việt Nam Cộng Hòa từ lưu trữ của thư viện đại học Cornell, có lẽ tháp ngà của học giới Hoa Kỳ và hệ thống thư viện của các trường đại học uy tín sẽ là một nơi trú ẩn bền vững cho văn học sử Việt Nam hải ngoại. Nói cách khác, tôi không sợ sẽ không có một Trần Hoài Thư tái thế, có chí hướng và tài học để thực hiện một công trình sưu tầm văn thơ hải ngoại tương tự bộ Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến – điều tôi sợ là sẽ không có một kho lưu trữ văn học hải ngoại tương tự thư viện Cornell lưu trữ văn học Việt Nam Cộng Hòa. Dù có những bộ sưu tầm đồ sộ và chất lượng như tập 44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975 – 2019) nói trên, song việc sưu tầm, đọc, và phê bình cùng một nền văn học ấy của những người đến sau sẽ có giá trị riêng, cũng như tác phẩm của Trần Hoài Thư mang ý nghĩa và sắc thái khác những tuyển tập văn thơ miền Nam đã được xuất bản trước năm 1975 – ý nghĩa của việc Trần Hoài Thư sưu tầm lại văn học miền Nam sau biến cố 1975 đã biến thiên hẳn so với cùng một công trình ấy nếu đã diễn ra trước đó chỉ vài năm. Vậy nên, tôi hằng mong khi đến ngày chúng ta có đủ khoảng cách lịch sử để đọc lại văn học hải ngoại, bấy giờ chúng ta cũng sẽ có những môi trường và điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và sưu tầm tài liệu gốc đủ rộng và đủ sâu để phát hiện ra và phân tích những hiện tượng, những khuynh hướng, những mạch lạc ly kỳ và bất ngờ trong văn học sử hải ngoại mà ngày nay chúng ta – khi còn đang thất thểu giữa cuộc – chưa chắc có thể nhận ra cho đúng đắn.


Sự kết nối này – nếu muốn thành sự cho mỹ mãn – sẽ cần đến sự hiệp lực và thiện chí của cả hai bên học giới và cộng đồng hải ngoại. Tôi không rao giảng những khẩu hiệu suông – điều tôi nói đến ở đây là sự cần thiết của những mối kết giao và hợp tác rất cụ thể và, thậm chí, mang ít nhiều tính cá nhân giữa con người và con người. Như bao điều nghịch lý thú vị khác trong vũ trụ khó hiểu này, qua sự kiện thường niên Đêm Thơ Việt Nam của ngành Việt Nam học, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á Đại học Columbia, Nữu Ước, tôi đã đích thân chứng kiến chồi non của sự phối hợp lý tưởng này manh nha giữa cơn thế nạn đại dịch Vũ Hán năm 2020. Như một phép lạ, giữa nghìn muôn cản trở của đại dịch, nhờ công nghệ hiện đại, tôi đã có dịp giúp tổ chức và tham dự sự kiện này với tư cách là một trong bốn diễn giả, bao gồm Nguyễn Quốc Vinh – học giả Hoa Kỳ, nhà thơ Nhã Thuyên tham gia trực tuyến từ Hà Nội, nhà thơ kiêm dịch giả Nguyễn Hoàng Quyên tham gia trực tuyến từ Saigon, và tôi. Ngành Việt Nam học của Đại học Columbia tuy mới được chính thức thành lập từ năm 2019 – song le, giáo sư John D. Phan đã bắt đầu tổ chức Đêm Thơ Việt Nam từ trước đó, cho đến nay Đêm Thơ đã trở nên một sự kiện thường niên được tổ chức vào học kỳ mùa thu của mỗi học niên.


 

INTRODUCTION OF SPEAKERS & TOPICS

• Nguyễn Quốc Vinh (Adj. Lecturer in Vietnamese Language): "Homoeroticism in a bouquet of poems by Xuân Diệu and Huy Cận" (Dục cảm đồng tính trong một chùm thơ Xuân Diệu và Huy Cận).

• Nhã Thuyên (poet, literary critic, translator): Nhã Thuyên's most recent books are bất\ \tuẫn: những hiện diện [tự-] vắng trong thơ Việt (self-published) and its English edition: un\ \martyred: [self-]vanishing presences in Vietnamese poetry (Roofbook, USA, 2019), and moon fevers (Tilted Axis Press, UK, 2019). With Kaitlin Rees, she founded AJAR in 2014, a micro bilingual literary journal-press, a precariously online, printed space for poetic exchange. She’s been talking to walls and soliloquies some nonsense when having no other emergencies of life to deal with. NT’s blog: www.nhathuyen.com.

• Nguyễn Hoàng Quyên (translator, writer, and curator based in Vietnam): “translational poetics” (dịch thơ thơ dịch)

• Nguyễn Thụy Đan (diasporic essayist, translator, poet, Ph.D. student in Pre-modern Vietnamese literature & intellectual history): “Anthologizing an Affective Community: Glimpses into the Poetic Psychologies of Wartime South Vietnam via Trần Hoài Thư’s Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến”


Vốn dĩ, ngành Việt Nam học ở Columbia, tuy có sự tham gia của giáo sư Liên Hằng Nguyễn, chuyên về chính sách miền Bắc thời chiến, nhưng xét chung có khuynh hướng thiên nặng về văn sử triết trung đại hơn là thế kỷ 20 và đương đại. Vì vậy, nội dung của đa phần những buổi Đêm Thơ Việt Nam cũng phản ánh khuynh hướng này – thường các tác giả và tác phẩm được giới thiệu trong những buổi trước đây đều là những tác giả viết thơ cổ điển, hoặc Hán hoặc Nôm, và sống trước thế kỷ 20. Năm 2019, tôi cũng đã tham gia với tư cách là diễn giả thuyết trình về thơ Hán đương đại của tôi và một số tác giả sinh sống ở hải nội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sang năm 2020, tôi lại cảm thấy thời cơ đã chín muồi để đem lại một luồng gió mới đến ngành – văn học trung đại, dù vẫn là sở trường và đam mê của tôi, song cứ ý tôi ở một nơi như Columbia, trung tâm Hán học của học giới toàn cầu, chẳng thiếu ai ai đủ am tường để thuyết trình về thơ cổ điển, mà, nói từ phía sinh viên, họ cũng thường xuyên tiếp cận nền văn học ấy trong quá trình đào tạo và học tập, nên có bớt đi một buổi thuyết trình về thơ cận thể đời Nguyễn, thiết nghĩ chung quy vẫn vô thưởng vô phạt.


Đồng thời, về mặt cá nhân, sau nhiều trăn trở về thao tác viết thơ trong bối cảnh đương đại cũng như một số biến cố lớn trong đời tư, suốt năm 2020 tôi đã dần dần bớt sáng tác thơ cổ điển mà, thay vào đó, lại tập trung đọc rộng thơ hiện đại, cụ thể là từ các tuyển tập thơ miền Nam của Trần Hoài Thư. Vậy nên, khi lên kế hoạch tổ chức Đêm Thơ năm 2020, tôi đã muốn cho sự kiện này bứt phá với những năm trước kia bằng cách là hoàn toàn lược ra phần thơ trung đại, mà chỉ tập trung vào thơ thế kỷ 20 và đương đại. Buổi Đêm Thơ trực tuyến đã bao gồm phần trình bày của Nguyễn Quốc Vinh về motif đồng tính luyến ái trong thơ Huy Cận và Xuân Diệu, phần đọc sáng tác cá nhân của Nhã Thuyên, phần trình bày của Nguyễn Hoàng Quyên về quan điểm mỹ học và thi học của Hàn Mặc Tử, nhóm Dạ Đài, và Nguyễn Thanh Hiện, và, sau cùng, phần trình bày của tôi, đọc thơ Nguyên Sa, Trang Châu, và Nguyễn Xuân Thiệp trích từ tuyển tập Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến của Trần Hoài Thư.


Một năm trôi qua. Dịch tình ở Hoa Kỳ tuy đã nguôi đi vài phần, nhưng hiện nay khi tôi viết những dòng chữ này, thì cả Saigon lẫn Hà Nội đều đang phong thành, dân chúng nơi nơi đều khổ sở, bất an. Tuy câu cửa miệng của chúng ta hai năm qua vẫn là “khi hết dịch”, “khi đỡ dịch”, v.v… song thực tế trước mắt cũng chẳng còn mấy tia hy vọng rằng sinh hoạt xã hội và việc đi lại quốc tế sẽ trở lại bình thường trong tương lai gần. Đặc biệt, đối với những người không có quốc tịch Việt Nam, việc trở về hải nội vào lúc này đã trở nên hết sức phức tạp, nếu không nói là không tưởng. Tuy nhiên, dịch Vũ Hán đã thúc đẩy chúng ta vào cái thế bất khả kháng, buộc phải nhờ đến những phương tiện trực tuyến để liên kết con người với con người để tiếp tục những sinh hoạt và giao lưu cần thiết cho đời sống thường nhật, cũng như đời sống tinh thần.


Thời gian vừa qua, lại có thêm một số hiện tượng thú vị và khả quan cho văn đàn hải ngoại. Sự “trực tuyến hóa” của toàn bộ cuộc sống từ năm 2020 đến nay đã tạo ra nhiều điều kiện cho người ngoài tiếp cận những sinh hoạt của học giới mà trước kia chỉ diễn ra trong môi trường cao cổng kín tường của tháp ngà học giới. Chẳng hạn, tháng 6 vừa rồi, đại học Hamburg, Đức đã tổ chức hội thảo trực tuyến về “Văn học và Báo chí Miền Nam và sự tiếp nhận tư tưởng phương Tây”. Trong đấy, tuy đa phần các vị diễn giả là học giả hải nội, song bất cứ ai hứng thú cũng đã có cơ hội ghi danh tham dự hội thảo – một điều không thể tưởng tượng được trong thế giới tiền dịch Vũ Hán. Vài tuần trước đây, tôi cũng đã tham gia trực tuyến một buổi ra mắt số mới của tạp chí Quán Văn ở Saigon, cũng là một điều chưa từng dám nghĩ đến trước năm nay. Điều thú vị trên hết là – thật ra những phương tiện kết nối trực tuyến này vốn dĩ đã có từ lâu nay, bất quá hoàn cảnh xã hội và những thói quen xã giao cố hữu của người ta, trong đó – cứ ý tôi – phải nói một phần đáng kể chẳng qua là những hư lễ rườm rà, đã không thúc đẩy và ép con người chúng ta vào cái thế buộc phải tìm đến công nghệ trực tuyến để duy trì những thứ căn bản nhất thuộc về bản tính con người và những nhu cầu linh thiêng của đời sống tri thức.


Gần đây, trong một cuộc nói chuyện điện thoại với nhà thơ Nguyễn Thanh Hiện, nhà thơ đã nói với tôi đại ý rằng, việc hai chú cháu mình có thể gọi điện thoại, nhìn mặt nhau, nghe giọng nhau như thế này là một phép lạ. Chúng ta sống trong thời đại thần tiên, phải cẩn thận đừng biến thành ác quỷ. Tôi riêng yêu lời này của nhà thơ. Tuy nhiên, tôi trộm mượn cùng một ý đó để nói, rằng: Hiện nay quang cảnh văn đàn hải ngoại dù lướt qua thoạt đầu có phần tịch mịch, nhưng kỳ thực chưa bao giờ kỹ thuật in ấn sách, trao đổi thông tin học thuật, nghệ thuật, hay việc kết nối hải nội hải ngoại chư quân tử lại thuận tiện như ngày nay. Rất có thể, chúng ta đã bước vào những năm đầu của một thời đại đêm trường hắc ám, nhưng ít ra chúng ta cũng đã có những ngọn đèn sẽ giúp soi đường bước qua ghềnh u tối. Chúng ta đã được ban cho lửa – đừng nên vội tự dập tắt đi. Vì chưng, đêm vừa buông, mà canh gác hãy còn dài.


Placerville, Tiết Tiểu Thử, Tháng 7, 2021


Việt Thạch Nguyễn Thụy Đan

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 94 tháng 8-2021
Viết về văn chương thời chiến