14-02-2017 | VĂN HỌC

Nhìn Lại Một Năm Văn Chương Hải Ngoại

  NGUYỄN MỘNG GIÁC

Học Xá đăng bài viết của nhà văn Nguyễn Mộng Giác (Chủ bút tạp chí Văn Học) tuy đã cũ nhưng cũng giúp chúng ta biết khái quát sinh hoạt văn học nghệ thuật hải ngoại cho đến sau biến cố cộng sản sụp đổ ở Liên xô và Đông Âu.


   Nhà văn Nguyễn Mộng Giác
     (1940 - 2.7.2012)

Năm 1995 đánh dấu hai mươi năm trưởng thành của cộng đồng tị nạn Việt Nam hải ngoại, nên trong tất cả mọi ngành sinh hoạt, người ta đều muốn nhìn lại hai thập niên qua, tổng kết những thành quả, tìm hiểu những gì được và chưa được của ngành mình.


Ngành văn trong năm qua đã có nhiều cố gắng làm công việc tổng kết ấy.


Trên tạp chí Văn Học đã có nhiều ý kiến đánh giá thành quả và triển vọng của văn học hải ngoại. Từ tháng 7 năm 1994, trên Văn Học số 99, Ban Chủ biên Văn Học đã phát động một cuộc thảo luận rộng rãi về vấn đề này, hy vọng đến tháng 4 năm 1995 cuộc thảo luận sẽ mang lại một bản sơ kết về hai mươi năm văn học hải ngoại, làm tài liệu căn bản cho những công trình nghiên cứu về sau.


Văn Học đã đưa ra mười câu hỏi gợi ý:

1 Lấy tiêu chuẩn nào để một tác phẩm được xem là một tác phẩm văn chương?

2. Lấy tiêu chuẩn nào để xác đính một tác phẩm là thuộc về dòng văn học hải ngoại?

3. Văn học hải ngoại có phải là dòng nối dài của văn học Miền Nam trước 1975 hay không?

4. Những khác biệt căn bản giữa văn học hải ngoại và văn học Miền Nam 1954-1975, giữa văn học hải ngoại và văn học quốc nội?

5. Các trào lưu, giai đoạn hình thành của văn học hải ngoại.

6. Đặc tính của văn học Việt Nam hải ngoại, so với văn học các sắc tộc di dân khác.

7. Khả năng và triển vọng của văn học hải ngoại: Sẽ phát triển hay sẽ suy tàn? Vai trò của giới trẻ trong sáng tạo và thưởng ngoạn văn chương.

8. Đời sống người cầm bút hải ngoại.

9. Các tác giả được ưa chuộng? Những tác giả tiêu biểu cho từng thời kỳ?

10. Các cuộc tranh luận bút chiến trên văn đàn hải ngoại.

Thành thực mà nói, hồi đó Ban Chủ biên Văn Học quá lạc quan, nghĩ rằng với cái mốc đáng nhớ là hai thập niên xa quê hương, giới cầm bút sẽ tham gia hăng hái vào cuộc thảo luận chung quanh 10 câu hỏi gợi ý. Trên 9 số báo dẫn đến số kỷ niệm 30.4.1995, cũng có những bài phỏng vấn, những ý kiến đóng góp, những cuộc hội thảo bàn tròn... nhưng nhìn chung, những phát biểu ấy chỉ mới là những suy nghĩ trực phát đầy chủ quan. Một ý kiến đưa ra, không có những ý kiến khác "đối thoại" về ý kiến trước, nên không có "thảo luận" đúng nghĩa với chữ thảo luận. Một số nhà văn, nhà nghiên cứu ban đầu nhận phần việc sơ kết một thể loại văn chương nào đó theo yêu cầu của Văn Học, nhưng khi bắt tay vào việc, họ mới kinh hoảng trước trở ngại chất chồng: làm sao thu thập được hết tài liệu sách báo của thể loại, làm sao liên lạc được với các tác giả định cư rải rác trên khắp thế giới, chưa kể những ràng buộc khe khắc của cuộc mưu sinh.


Dự tính tổng kết qui mô hai mươi năm văn học Việt Nam hải ngoại không thành, nhưng nhu cầu nhìn lại, đánh dấu đoạn đường đã qua vẫn còn đó. Sau số 109 ra đâu tháng 5.1995, Văn Học tự lượng sức mình, mở ra mục giới thiệu "Tác giả và Tác phẩm" để cung cấp những tài liệu sơ khởi về một số tác giả hải ngoại. Nói cho đúng, không phải Văn Học đứng ra "giới thiệu" các nhà văn với bạn đọc bốn phương. Văn Học chỉ làm nhiệm vụ trung gian, để các tác giả "tự giới thiệu" với bạn đọc. Chính các tác giả cung cấp tài liệu về tiểu sử, thành quả sáng tác của mình, chính các tác giả lựa chọn những bài thơ, truyện ngắn vừa ý để gửi cho bạn đọc. Việc "tổng kết" trở thành "sưu tầm tài liệu". Lực bất tòng tâm, Văn Học xin thú nhận điều đó.


Trong năm 1995, có những tuyển tập văn chương đánh dấu hai mươi năm văn học hải ngoại thực hiện bằng phương thức "sưu tầm tài liệu" như Văn Học đã làm. Các nhóm thực hiện cố gắng cho sách ra đời đúng vào thời điểm 30.4.1995, cho đúng với ý nghĩa kỷ niệm hai mươi năm và thuận lợi cho việc phát hành. Nhưng vì nhiều lý do, nhiều công trình hoàn tất trễ. Chúng tôi ghi nhận được các tuyển tập sau đây:


1. Hai mươi người viết tại Canada 1975-1995, do Nắng Mới Montréal xuất bản. Nhóm thực hiện gồm Hồ Đình Nghiêm, Lưu Nguyễn, Luân Hoán, Song Thao, Trang Châu, Vũ Ngọc Hiến. Trong "Lời vào tập", nhóm thực hiện nói rõ:

"Tuyển tập Hai Mươi Người Viết Tại Canada được hình thành ngày hôm nay không nói lên được tất cả những sắc thái của nền văn học Việt Nam tại Canada trong hai thập niên lưu vong, nhưng cũng hy vọng ghi lại được những nét tiêu biểu của nền văn học này. Tuyển tập được ấn hành nhằm, củng với các cộng đồng Việt Nam trên khắp thế giới, ghi dấu một đoạn đường khởi đầu chông gai nhân kỷ niệm hai mươi năm văn học hải ngoại."

2. Tuyển tập truyện ngắn hai mươi năm văn học Việt Nam hải ngoại, do Trung tâm Văn bút Việt Nam hải ngoại và Trung tâm văn bút Tây Nam Hoa kỳ phối hợp thực hiện, một công trình đồ sộ dày 900 trang sưu tập truyện ngắn ưng ý nhất của 49 tác giả hải ngoại thuộc nhiều thế hệ khác nhau, với lời giới thiệu của nhà thơ Viên Linh. Công lao thực hiện, trên thực tế phải ghi nhận là của nhà thơ Định Nguyên, nhà thơ Cao Mỵ Nhân và nhà văn Ngọc Anh. Truyện do các tác giả tự chọn lấy rồi gửi cho nhóm thực hiện tuyển tập, nhưng nhóm thực hiện quyết định việc chọn mời những ai vào tuyển tập, nên sau khi sách ra, vẫn có lời ra tiếng vào về những kẻ đáng lẽ có mặt mà vắng mặt, những kẻ đáng lẽ chưa đáng có mặt mà có mặt... Trăm người trăm ý biết theo ai, dù sao người bỏ công lao tiền bạc ra thực hiện một công trình như vậy cũng phải có chút quyền lựa chọn theo yêu ghét của mình.


3. 20 năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-1995 do nhà xuất bản Đại Nam chủ trương. Cao Xuân Huy, Khánh Trường, Trương Đình Luân thực hiện, in 2 tập dày 1600 trang khổ lớn, qui tụ 158 tác giả gồm cả văn, thơ, phê bình, họa, nhiếp ảnh, với lời nhận định chung của nhà phê bình Nguyễn Hưngg Quốc. Phương thức thực hiện cũng giống như tuyển tập của Văn bút, nghĩa là sau lời vào tập có tính tổng quan, nhóm thực hiện lần lượt giới thiệu từng tác giả theo thứ tự ABC, không phân dòng, không xếp theo thể loại, không chia khuynh hướng theo một tiêu chuẩn nào đó. Số tiền bỏ ra thực hiện công trình này dĩ nhiên là rất cao, công phu thực hiện cũng cao không kém, dù chỉ có vài ba người. Những ai muốn sưu tầm văn liệu cho việc nghiên cứu về sau phải cảm ơn nhà xuất bản Đại Nam và nhóm thực hiện, vì sưu tầm được 1600 trang tư liệu như thế không phải dễ. Người đọc muốn tìm biểu thành quả hai mươi năm văn học hải ngoại, thấy bề dày của bộ sách, cũng phải cảm phục tâm huyết của những người cầm bút lưu vong. Những ai muốn phủ nhận nền văn học ấy, chắc phải cảm thấy lương tâm bất an.


4. Lý luận và Phê bình, Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước, biên khảo của Bùi Vĩnh Phúc, nhà Văn Nghệ xuất bản, dày trên 600 trang gồm những bài nhận định về vãn học hải ngoại mang tính văn học sử lẫn những bài phê bình về tác giả, tác phẩm. Động cơ thúc đẩy Bùi Vĩnh Phúc thực hiện cuốn phê bình văn học này, như các nhóm khác, vẫn là cái mốc hai mươi năm.


5. Once Upon A Dream - The Vietnamese-American Experience, nỗ lực qui tụ đầu tiên của những cây bút trẻ trưởng thành trên đất Mỹ, đánh dấu hai mươi năm định cư trên xứ người. Tuyển tập văn chương, hội họa, nhiếp ảnh viết bằng Anh ngữ do Andrew Lâm, Trần Đệ, Nguyễn Quí Đức, Nguyễn Đại Hải thực hiện, nhà báo lão thành Stanley Karnow viết bài giới thiệu, nhà xuất bản Andrews and McMeel và nhật báo San Jose Mercury News bảo trợ, ấn hành. Rõ ràng đây là một tuyển tập văn học nghệ thuật thực hiện đúng theo tiêu chuẩn cao của thị trường sách báo Mỹ, khác hẳn các tuyển tập tiếng Việt của thế hệ lớn tuổi. Tuyển tập này nhắc nhở cho thế hệ cầm bút đi trước nhiều điều, quan trọng nhất là vấn đề ngôn ngữ sáng tác của thế hệ trẻ. Tôi sẽ đề cập đến vấn đề này ở phần sau.


6. Cái mốc kỷ niệm hai mươi năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam cũng thúc đẩy một số các tạp chí, nhà xuất bản ngoại quốc thực hiện những số báo, những cuốn sách lấy chủ đề Việt Nam hoặc ba nước Đông Dương như tạp chí Serpent A Plumes ở Pháp ra số mùa Xuân 1995 với chủ đề "Rives du Mekong, Rives du Fleuve Rouge" giới thiệu 7 tác giả Đông Dương: Ngọc Khôi, Chuth Khay, Đỗ Kh., Cung Tích Biền, Trần Vũ, Outhine Bounyavong, Võ thị Hảo; nhà xuất bản Mỹ Curbstone Press phát hành tuyển tập văn chương hậu chiến The Other Side of Heaven do Wayne Karlin, Trương Vũ và Lê Minh Khuê chủ biên, qui tụ thơ truyện của 16 nhà văn Mỹ, 8 nhà văn Việt Nam hải ngoại, và 12 nhà văn Việt Nam quốc nội.


Việc sưu tập, đánh giá, tổng kết thành quả của hai mươi năm văn học hải ngoại tương đối dễ dàng cho các nhóm thực hiện, do một sự thực không mấy vui: là trong năm năm cuối cùng của haimươi năm, văn học hải ngoại gần như không có biến chuyển gì mới mẻ. Năm 1990, tờ Văn Xã của nhà thơ Nguyễn Hữu Nghĩa ở Canada ra một số chủ đề tổng kết 15 năm văn chương hải ngoại, tôi có viết một bài nhận định đóng góp. Ba năm sau nhận thuyết trình về đề tài này tại Đại hội Y sĩ Việt Nan ở Houston, đọc lại bài viết ba năm trước, tôi thấy những điều viết cũ vẫn còn đúng. Năm 1995, viết về văn xuôi hải ngoại từ 1975 đến l995, tôi bàng hoàng nhận ra rằng bài viết mới chỉ khác bài viết trên Văn Xã một vài tiểu tiết. Những năm 1982, 1985, 1987, 1989 đâu có tình trạng trì trệ như thế. Những cây viết mới xuất hiện hàng loạt, nhiều truyện ngắn mới đăng báo đã làm cho làng văn xa gần bàn tán xôn xao. điện thoại hỏi nhau Mai Kim Ngọc là ai, Thế Giang là ai, Phan thị Trọng Tuyến là ai, Vũ Quỳnh Hương là ai, Trần Vũ là ai... những điều tiên đoán năm trước, năm sau đã lỗi thời. Sinh hoạt văn chương báo chí chuyển động càng hào hứng thì những người đứng bên lề "nhìn lại" càng bối rối. Đằng này, trên con đường trước mặt cảnh xe cộ vắng vẻ quá, người "nhìn lại" cứ thong dong nhìn gần rồi lại nhìn xa, không sợ những chuyện bất ngờ.


Thật vậy, suốt năm 1995 vừa qua không có tác phẩm quan trọng nào của các tác giả mới, chỉ có tác phẩm của những nhà văn đã thành danh trước 1975 tại miền Nam, như Thơ tuyển Tô Thùy Yên, Thơ Nguyên Sa tập 3, Tiếng thì thầm bên bụi tre gai của Thảo Trường, Ra biển gọi thầm của Trần Hoài Thư, Vết xước đầu đời của Trần Doãn Nho, Thơ viết hai tay của Cung Trầm Tưởng, Tuyển tập truyện ngắn của Duy Lam, Mình lại soi mình, Người vái tứ phương, Dấu chân cát xóa của Doãn Quốc Sỹ, Những chuyện cần được kể lại, Đường trường xa xăm của Phan Nhật Nam, Quê nhà, bốn mươi năm trở lại của Phan Lạc Tiếp. Những nhà văn vừa sang trong các đọt H.O. chưa tạo ra những biến chuyển lớn trên văn đàn như đợt thuyền nhân vượt biển đã tạo ra trong những năm đầu thập niên 80, tuy có làm thay đổi không khí sinh hoạt chính trị ở các cộng đồng người Việt. Sự phát triển ồ ạt của ngành truyền thanh truyền hình trong năm 1995 không ảnh hưởng gì tới văn học, dù có tạo những khuấy động lớn lao trong dư luận đại chúng. Thật khác hẳn với giai đoạn năm năm đầu thập niên 80, lúc đó sinh hoạt chính trị và sinh hoạt văn chương song hành với nhau, cả hai đập chung một nhịp tim, có chung một niềm tin, nuôi chung một niềm hy vọng.

Tại sao thế?


Trong bài "Hai mươi năm văn học Việt Năm ở hải ngoại" dùng làm tổng quan cho bộ sách đồ sộ của nhà xuất bản Đại Năm, Nguyễn Hưng Quốc cho rằng văn học hải ngoại những năm gần đây uể oải bế tắc vì "thái độ hờ hững dửng dưng đối với văn học của chính những người cầm bút".


Vì sao những người cầm bút hải ngoại lại hờ hững với niềm đam mê của chính mình? Nguyễn Hưng Quốc trả lời: Vì sự sụp đổ bất ngờ và nhanh chóng của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô, Đông Âu và Việt Nam áp dụng chính sách "mở cửa".

Anh giải thích:

"Bao nhiêu bản cáo trạng văn chương nguy nga từng làm say mê hàng triệu người đọc trên khắp thế giới không làm lung lay được ngay cả một viên gạch trên bức tường Bá Linh, thế mà, thoắt một cái, vì một nguyên nhân nào đó không ai biết chính xác, tự nhiên bức tường kiên cố đầy máu nước mắt và tội ác ấy đổ nhào. Bài học đầu tiên người ta rút ra là: văn học chẳng phải là một thứ vũ khí gì ghê gớm lắm, nó chẳng làm chết ai cả, chẳng làm thay đổi điều gì cả. Văn chương chỉ là đồ vô dụng. Phát hiện này làm cho nhiều người cầm bút hoang mang, cuối cùng đâm ra hoài nghi văn học nói chung...."


Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản còn một ý nghĩa khác. Trước viễn tượng Việt Nam sắp được tự do dân chủ, mỗi người Việt Nam lưu vong đều tự đặt cho mình câu hỏi: đến lúc ấy, mình có hồi hương hay không? Câu trả lời, với hầu hết mọi người, chắc chắn là: không... Chúng ta bỗng phát hiện ra một sự thực: quê hương không phải là cái chúng ta không thể rời xa. Phát hiện này không những làm nguội lạnh niềm mơ ước về nước một thời đau đáu trong mỗi chúng ta, mà còn làm lung lay cả sự tồn tại của văn học lưu vong vốn trong suốt mười mấy năm chúng ta ra sức xây dựng như một thứ quê hương thứ hai, quê hương bằng chữ nghĩa và bằng hoài niệm, hầu thay thế cho cái quê hương thứ nhất đã quá xa xôi và ngỡ chừng không bao giờ trở lại được.


... Lưu vong là những kẻ, hoặc tự nguyện hoặc bị cưỡng bức rời khỏi quê hương và không thể trở về quê hương được. Mặc dù chế độ cộng sản trong nước chưa sụp đổ nhưng, thành thực mà nói, rất hiếm người nào trong chúng ta là những kẻ không thể trở về. Trên thực tế, rất nhiều người đã trở về. Có điều không ai về hẳn. Không về chỉ vì không muốn, thế thôi. Sự đối kháng chính trị, yếu tố làm nên bản chất của văn chương lưu vong, là lý do tồn tại của văn chương lưu vong, không còn nữa, hoặc nếu còn, còn một cách khá mờ nhạt. Khái niệm lưu vong đang từ từ lui vào quá khứ. Văn học lưu vong, do đó, đang chuyển mình thành một thứ văn học hải ngoại, hay một cái gì tương tự".

Tôi đồng ý với Nguyễn Hưng Quốc, khi anh cho rằng phong trào cộng sản sụp đổ ở Liên xô và Đông Âu ảnh hưởng lớn tới đà sáng tác của nhà văn hải ngoại, tạo ra tình trạng uể oải cầm chừng suốt năm năm qua. Nhưng tôi không đồng ý với anh, khi anh đi xa hơn, nghĩ rằng giới cầm bút khám phá ra rằng văn chương thực là thứ vô dụng.


Trước biến chuyển lớn lao, cả nhân loại ngỡ ngàng, băn khoăn chưa biết trật tự mới hình thù thế nào, đâu riêng những người cầm bút. Huống chi Việt Nam chưa có những thay đổi ngoạn mục lớn lao như Liên xô và Đông Âu, người trước đây dùng cây bút làm vũ khí đấu tranh vẫn thấy nó còn là vũ khí cần thiết, nó chưa trở thành vô dụng. Chỉ khác là bây giờ người chiến sĩ ấy không còn lao thẳng ngọn bút về phía trước. Anh ta vừa viết vừa hoang mang. Những lời lẽ tranh đấu đanh thép, nhũng khẩu hiệu rực lửa thời đầu thập niên 80 nay chỉ còn nghe thấy trong các cuộc biểu tình và chương trình hội thoại trên đài phát thanh, không còn thấy trong văn chương. Chứng liệu về chế độ cộng sản do các nhà văn H.O. mang sang không tạo dư luận xôn xao như thời Phạm Quốc Bảo viết Cùm Đỏ, Hà Thúc Sinh cho in Đại học máu, Hoàng Liên đăng từng kỳ Ánh sáng và Bóng tối trên Văn Học. Giới cầm bút hoang mang ngưng viết hoặc viết ít đi, theo tôi, không phải vì họ cảm thấy văn chương vô dụng, mà vì họ đứng ở ngã ba đường. Nhà thơ Nguyễn Bá Trạc nhận mình trở thành một người ba phải. Anh nói hộ cho nhiều người:

Đâu là phải

Giữa lãng mạn hay tinh thần thực dụng

giữa chiến tranh và giữa hoà bình

bóng tối đêm đen, vẻ đẹp bình minh

Phát triển kinh tế

   hay công bằng xã hội

Phải. Phải. Phải.

Hay cả hai?

Phải. Phải. Phải.

Đâu là phải

Phút giây này hay vĩnh cửu

đống nhật trình hay cuốn chân kinh

tấm khẩu hiệu

   hay lời khấn nguyện

chỉ một quả tim

   mà chứa biết bao tình.

Tôi thú thật

Tôi là người ba phải

giữa hận thù và giữa yêu thương

giữa lẳng lặng, dửng dưng, không giận ghét

Tôi vẫn bơ vơ giữa ngã ba đưòng.

Nguyễn Hưng Quốc phân tích sâu sắc và chính xác hơn về văn chương lưu vong. Đúng như anh viết, chế độ cộng sản tan rã (như ở Liên xô, Đông Âu) hay biến thể đột ngột (như ở Việt Nam) đặt người cầm bút lưu vong vào cái thế bất ngờ, khó xử. Nếu chế độ cộng sản ở Việt Nam vẫn y như cũ, nếu bị cắt đứt đường về vĩnh viễn, người cầm bút ở hải ngoại sẽ sống và viết như một nhà văn lưu vong, với hai chủ đề quen thuộc của mọi nền văn chương lưu vong là phản kháng chính trị và lòng hoài niệm. Mũi nhọn phản kháng chính trị bị chùn lại vì hoang mang. Đường về dễ dàng giết chết nốt văn chương hoài niệm, nhớ thương từ một ngọn cau, mái rạ, cây cà, vạt cải...Một cái vé máy bay đủ giải quyết hết những nhớ nhung xa cách, để sau đó mang về "chốn tạm dung" cái cảm giác chua xót mới tinh khôi của chuyến hồi hương. Cảm giác lạc lõng của người khách lạ. Cảm giác bất lực vì thấy rõ mình đã trở thành người ngoài trong ánh mắt thân nhân bạn bè. Cảm giác chua xót của một số ảo tưởng cũ bị thực tế cải chính, những ảo tưởng từng làm rộn rã văn chương hải ngoại. Không phải ngẫu nhiên mà năm năm trước đây, cụm từ "văn học lưu vong" gần như được mọi người chấp nhận tự nhiên, không hề thắc mắc tranh luận. Và không phải ngẫu nhiên mà ngày nay đa số người cầm bút và nghiên cứu đều tránh dùng cụm từ trên, và dùng một cụm từ "ba phải" nhạt chất chính trị là "văn học hải ngoại".


Năm 1995 đánh dấu sự bế tắc của văn chương lưu vong, nhưng đồng thời cũng đánh dấu bước khởi đầu của một dòng văn chương khác. Dòng văn chương này không mang tính chất lưu vong của thế hệ trước, không thuộc về văn học Việt Nam nhưng thuộc về văn học hải ngoại. Đó là dòng văn chương sẽ dần dần lớn mạnh và giữ vai trò chủ đạo trong vòng mười năm, hai mươi năm tới: Văn chương của thế hệ trẻ viết bằng ngôn ngữ của xứ sở định cư. Tôi dám xác quyết như thế vì tuyển tập Once Upon A Dream ra đời hồi cuối năm 1995 ở miền bắc tiểu bang Caliìornia Hoa Kỳ và may mắn tham dự buổi ra mắt tuyển tập đó.


Tuyển tập này, như đã giới thiệu ở trên, qui tụ sáng tác của những người viết trẻ trưởng thành nơi xứ người, dược đào tạo kỹ lưỡng tại các đại học Hoa kỳ, hội nhập trọn vẹn vào dòng sống chính (khác với lớp đi trước hai mươi năm qua vẫn sống bên lề và sinh hoạt trong những ghetto tự tạo), và dĩ nhiên là viết bằng Anh ngữ. Đây không phải là kết quả của một sớm một chiều. Tuyển tập không ra đời một cách bất ngờ, ngẫu nhiên. Nó chỉ bất ngờ đối với lớp người lớn tuổi lâu nay ít quan tâm đến tâm tình của con cháu mình, tự cao tự đại rằng chỉ có thế hệ mình là hiểu biết cộng sản, chỉ có thế hệ mình mới tha thiết đến quê hương. Chiều sâu của tư tưởng, kỹ thuật văn chương cao trong các truyện ngắn, bài thơ viết bằng Anh ngữ trong tuyển tập cho thấy thế hệ này gặp nhiều may mắn hơn thế hệ cha anh. Họ được giáo dục đầy đủ ở các đại học danh tiếng của Âu châu và Bắc Mỹ, hưởng được thành quả của cuộc cách mạng tin học nên tầm nhìn mở rộng ra khắp thế giới, lại không bị vướng mắc vào những tranh chấp thù hận của quá khứ.


Câu hỏi họ đặt ra cho mình là: Ta là ai? Như mọi thế hệ di dân thứ hai, họ khắc khoải đi tìm căn cước, đi tìm nguồn cội, bằng chính kiến thức và kinh nghiệm của mình. Họ tìm trong sách vở, báo chí. Họ kín đáo quan sát và lễ độ đánh giá thế hệ trước. Họ trở về Việt Nam không phải để nhìn mái nhà xưa như cha mẹ, mà để quan sát, nhận định, bình tĩnh tìm cho ra cái đáng yêu đáng ghét của dân tộc mình. Trở về, họ không bi quan như thế hệ trước. Phần đông sau chuyến hồi hương, thế hệ cầm bút trẻ cảm thấy họ Việt Nam hơn, hăng hái tự tin hơn. Văn chương họ viết ra nặng tình dân tộc, không hề mất gốc lai căn như thành kiến của lớp già.


Nếu họ viết bằng Việt ngữ, chúng ta có lý do để vui mừng là văn học hải ngoại lại khởi sắc, làm phong phú giàu có cho kho tàng văn chương Việt Nam. Nhưng họ không viết được tiếng Việt, để in ra vài trăm bản và tổ chức những buổi ra mắt sách ở quán cà phê, mong bạn bè hảo tâm mua giúp gỡ lại tiền vốn in sách. Họ viết truyện làm thơ bằng Anh ngữ, các cơ sở xuất bản Mỹ in vài vạn bản phát hành khắp thế giới, sách ra mắt trong khung cảnh trang trọng hết sức văn chương với gần 400 độc giả ngồi yên lắng nghe từng câu thơ, đoạn truyện... Dự buổi ra mắt tuyển tập Once Upon A Dream hôm ấy, tôi thấy rõ mồn một sự trưởng thành chín chắn của thế hệ cầm bút mới. Họ trưởng thành và kết tụ thành nhóm từ lâu, nhưng nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm, họ "ra mắt" với độc giả Mỹ và với thế hệ đi trước. Họ đã có đủ người viết và người đọc để tạo một dòng văn chương cho thế hệ của họ.


Do ngôn ngữ, họ không thể thuộc về văn học Việt Nam dù nội dung sáng tác của họ đậm đà tính dân tộc. Họ thuộc về văn học hải ngoại nếu chúng ta đừng buộc văn học hải ngoại phải nối liền với văn học Việt nam bằng ngôn ngữ. Trên lợi ích và uy tín chung của dân tộc, biết đâu một ngày không xa nào đó, thế hệ trẻ trở thành niềm vinh dự của dân tộc trước cộng đồng thế giới mặc dù trên pháp lý họ không còn là công dân Việt Nam và trong ngôn ngữ họ không nói và viết bằng tiếng Việt. Nhờ tiến bộ vượt bực của khoa học truyền thông, thế giới ngày càng thu nhỏ. Rào cản của ngôn ngữ tới ngày không còn gì quan trọng nữa, mà điều quan trọng là nội dung của các tín hiệu.


Trong năm 1995, lớp trẻ đã phát đi một tín hiệu tốt. Mùa Xuân.


Nguyễn Mộng Giác

Văn Học số 117&118-Xuân Bính Tý, 1996