Vào một buổi chiều, tôi đương làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu, được Quân Cảnh báo:
- Có một người muốn gặp, Trung úy có tiếp không?
Tôi trả lời:
- Có, anh đưa vào!
Khi gặp, tôi không biết ai, chỉ thấy người muốn gặp tôi, một thanh niên gầy guộc, mắt đeo kính trắng, nước da mét, đôi môi thâm đen! Tôi nghĩ ngay, anh chàng này hút thuốc phiện, không biết gặp tôi có chuyện gì? Tôi mời ngồi, anh tự giới thiệu: Nguyễn Mạnh Côn và cho biết, anh rất mến tài vẽ của tôi, nên muốn nhờ tôi trình bày mẫu bìa (manchette) cho tờ báo của anh sắp ra đời. Lúc ấy, quả tình, tôi không còn chút thì giờ nào rảnh rang, nên từ chối khéo để anh khỏi buồn. Nhưng anh vẫn buồn qua nét mặt và giọng nói. Tôi biết mà chẳng làm gì hơn được vì đã phụ lòng một người yêu quý mình. Sau vài câu chuyện, tôi tiễn anh ra đến cổng Trại. Từ đó bẵng đi vài năm, tôi không hề gặp lại anh lần nào.
Nhưng một buổi, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy Nguyễn Mạnh Côn đeo cấp bậc Thiếu úy đến tìm tôi ở nơi làm việc tại đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè, ngang Sở Thú.
Anh cho biết đã được đồng hóa vào Quân Đội với cấp Thiếu Úy để phụ trách một tờ báo do Bộ Quốc Phòng chủ trương, anh đến nhờ tôi trình bày mẫu bìa cho tập san đó. Người chỉ huy trực tiếp anh là Đại Úy Quân, bạn tôi. Quả thực tôi cũng không hiểu bằng cách nào, anh qua mặt được sự giảo nghiệm y khoa về sức khoẻ, nhất là bệnh ghiền của anh đã in dấu trên khuôn mặt. Vấn đề này tôi không bao giờ đề cập tới, mỗi lần nói chuyện với Nguyễn Mạnh Côn.
Vì là tờ báo của Bộ Quốc Phòng nên tôi vui lòng vẽ giúp mẫu bìa, nhưng Nguyễn Mạnh Côn cũng tế nhị lắm, nói với Đại úy Quân trả tiền cho tôi, vì tờ báo có ngân khoản riêng để mua bài của các nhà văn, bất luận ở trong hay ngoài quân đội.
Nhờ có tờ báo trong tay, Nguyễn Mạnh Côn mới có cơ hội chứng minh tài năng của mình. TRUYỆN BA NGƯỜI LÍNH NHẢY DÙ LÂM NẠN do anh viết được đón nhận nồng nhiệt. Anh dùng thuyết tương đối trong Toán học của Einstein để giải minh cho một phương trình vận tốc trở ngược của thời gian. Câu chuyện vừa ly kỳ vừa khoa học làm say mê người đọc.
Sau đó đến hồi ký ĐEM TÂM TÌNH VIẾT LỊCH SỬ được đăng trường kỳ rồi in thành sách như Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn vậy. Cuốn hồi ký, vạch trần những âm mưu xảo trá của Đảng, của những con người Cộng Sản nhằm tiêu diệt các Đảng Phái đối lập để giữ trọn cường quyền trong tay. Cuốn sách là một bản cáo trạng dài với những chứng cớ hiển nhiên của lịch sử, do đó Cộng Sản khó bề chối cãi.
Ngoài ra, Nguyễn Mạnh Côn còn viết rất nhiều bộ sách khác do Cơ Sở GIAO ĐIỂM ấn hành. Cơ sở này của Trần Phong Giao chứ không phải của Nguyễn Đình Vượng như nhiều người tưởng lầm. Ngoài vấn đề viết văn, làm báo Nguyễn Mạnh Côn còn viết nhiều bài bình luận bằng Pháp ngữ cho Đài Phát Thanh Sàigòn.
Ca sĩ Minh Trang, xướng ngôn viên Pháp ngữ Đài Phát Thanh Sàigòn, có tú tài Pháp, và Trần Phong Giao rất kính phục Nguyễn Mạnh Côn, vừa là bạn, vừa là thầy. Mỗi khi Trần Phong Giao dịch cuốn sách nào đều đưa cho Nguyễn Mạnh Côn đọc và sửa lại cho gần đúng với nguyên tác.
Nhưng Nguyễn Mạnh Côn (cũng như Mặc thu) không ở trong Quân Đội lâu. Vài năm sau họ đều xin giải ngũ trở thành dân sự cho dễ hoạt động hơn.
(Thằng Mõ, SF xb, 1990)