27-10-2021 | VĂN HỌC

Cát Bụi Mệt Mỏi, Bản Giao Hưởng Định Mệnh Của Nguyễn Đức Sơn

  NGUYỄN LỆ UYÊN
Ôi thôi mắc tội tày đình
Ngàn năm cái giống phê bình thơ ca
Hồn không bằng chiếc lá đa
Múa may chữ nghĩa làm cha tôi kìa!
(Tịnh Khẩu)



    Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn
    (1937 - 11.6.2020)

Với thơ thì đã đành, nhưng còn thế giới truyện của Nguyễn Đức Sơn, tuy để lại không nhiều, nhưng ở mỗi truyện, khi bắt đầu và chấm dứt, người đọc như đang bước vào khu rừng rậm rạp, um tùm. Ở đó có cây cỏ, hoa lá, có tiếng chim hót, có dòng suối lượn lờ, thác nước ầm ầm trút xuống nhưng không thiếu bóng tối âm u, hoang vu vắng lạnh. Đó là nỗi cô đơn khôn cùng của chàng “du sỹ"!


Khu rừng ấy, không có đường mòn, cũng chẳng ai dẫn lối. Người đi phải tự gỡ những dây gai đan mắc chằng chịt, vẹt những đám cỏ lau ngút đầu và khám phá.

 

Chỗ này là đồi cây mênh mông, núi rừng trắng trời hoang vắng.


Xa hơn là bãi cát trắng phau. Xa chút nữa là biển mênh mông, là vực thẳm...


Tất cả ở những nơi quạnh hiu lẫm liệt đều có mặt những nhân vật mang vóc dáng, suy nghĩ của một Nguyễn Đức Sơn trong thứ chữ nghĩa ấm áp và lạnh lẽo đến tận cùng.

 

Những nhân vật ấy, cũng là người như bao nhiêu con người khác tồn tại trong cõi ta bà, đeo mang theo đời sống nhấp nhô, phập phồng đầy những tâm trạng lo âu, thắc thỏm với vô vàn dấu hỏi. Những nhân vật ông dựng nên, luôn có những suy tưởng và hành vi phân thân làm hai nửa mộng và thực. Họ luôn tìm kiếm những hụt hẫng, bất toàn trong đời sống, thậm chí và đôi khi liều nhắm mắt đánh tráo số phận để tiến gần hơn với cái đẹp. Nhưng khốn thay, cái đẹp lơ lửng đâu đó chỉ nhìn thấy mà chưa hề với nắm được.


Hầu hết truyện của ông thuộc loại truyện không truyện, đôi khi mông lung đến huyễn hoặc. Chữ nghĩa cứ tự do tuôn trào trên đầu ngọn bút và bay và nhảy, thỏa thuê, mặc sức tỏa chiếu trên từng trang giấy cho đến lúc chiều tà, tắt nắng, vẫn mải miết loanh quanh. Vậy là người đọc phải chịu khó xâu chuỗi, chắp nối, sắp xếp lại để có thể cảm được những điều ông viết ra.


Đọc truyện ông, đôi lúc tôi ví chúng như những tảng đá chồng xếp lên nhau, mỗi tảng lại chứa nhiều hang hốc mờ mờ hư ảo, phải căng thật lớn đôi mắt, nín thở để dò tìm lối bước vào và bước ra.



Ngay như truyện đầu tiên, Những ngày xuân hoang vu (trong Cát Bụi Mệt Mỏi) ông ghi lại mối quan hệ giữa hai nhân vật trẻ bằng lối dẫn dắt người đọc lang thang trên một đoạn đường khá dài về huyết thống, về những trống vắng, cô đơn chí đến bối cảnh chung quanh là rừng cây vây phủ, đêm vắng, gió lạnh, trăng khuya, những cuộc gặp gỡ, hẹn hò không ước định... để cuối cùng nhận ra một loại tình cảm, rất lạ, gần như là tình yêu mà không hẳn là tình yêu thông thường. Giữa My, con gái của em mẹ và Tôi, là tình cảm được đặt ra trong một khoảng không hoang vu của vùng đất cao nguyên nào đó. Mối tình không rõ ràng, thiếu minh bạch khiến cả hai vừa có cảm giác ấm áp vừa như có khoảng cách, khiến họ luôn cảm thấy cô đơn: “Chúng tôi đã đứng bên nhau nhìn về phía trước dù xung quanh hoang vắng ngùn ngụt bốc lên vây bủa chúng tôi... kể cho My nghe những mùa xuân vô vị và những mẫu đời buồn chán tôi đã trải qua”.


Nỗi cô đơn trở thành những dấu hỏi lớn gần như là thuộc tính trong tất cả truyện ngắn của ông. Một người đàn bà vừa sẩy thai, tiếp đến mất chồng vì tai nạn. Sự trống vắng ấy dẫn đến những âu lo, tra vấn quá khứ ngay trong quá khứ, vừa để phủ nhận sự tầm thường của chồng, vừa chấp nhận nó như phần số xô đẩy nàng; nửa kia là cách chối bỏ sự thỏa hiệp với cái quá khứ đó một cách không dứt khoát: “Nàng lại thức giấc, vùng dậy, sửng sốt. Nơi đây là đâu?” (Khoảng rừng trước mặt).


Nhân vật nữ trong truyện không bao giờ trả lời được. Và ông cũng vậy, không trả lời được. Phần ấy dành cho người đọc!


Đó cũng là trường hợp của Hoan, ở truyện Người tù chung thân, đi tìm cái chết bằng cách bốc thăm biển, đá, thác đến năm lần bảy lượt, và rồi lần nào cuộc tự tử cũng thất bại. Đó chính là sự bất lực rực rỡ nhất của đời Hoan. Sống và chết đều có ý nghĩa cân bằng như nhau, một điều tối thậm phi lý trong cõi tồn sinh, một thứ ngậm ngùi của hiện sinh bế tắc như ngày đầu tiên Thu có kinh nguyệt để biết rằng “cô không còn bé nữa rồi đó” đồng thời cũng không thể nhận ra mình có hay không thời thơ ấu hay “ấu thời đã băng qua đời tôi quá nhanh đến nỗi tôi không ý thức được...” (Niềm cô đơn của tuổi trẻ). Cái còn lại là niềm trống vắng, hoang lạnh, cô đơn: “... em chỉ là một thoáng hương mà gió lạnh như chiều nay sẽ đánh tan nát, chị không hiểu em sao, em đang cô đơn dù ngồi sát bên chị, gần như đối diện với anh Đức chiều nay” (NCĐCTT).


Truyện Nguyễn Đức Sơn không có cái nổi cồn dậy sóng như thơ đã từng. Nó êm đềm, lấp lánh như hạt sương đọng trên lá, như một thứ ánh sáng rực rỡ xuyên thấu cả niềm đau khắc khoải ngân rung những cung bậc của hạnh phúc và khổ đau, tồn tại và biến mất như hai vợ cồng trẻ tìm chỗ chôn xác con, nơi cũng từng chôn xác con chim nhỏ thuở ấu thơ trên bãi biển chỉ có cát, mênh mông... như bày ra kiếp phù sinh cho mọi người chiêm nghiệm về sự sống và sự chết (Một vùng biển). Việc tìm kiếm lại gốc cây phi lao ngày xưa, nơi chôn xác chim dường như ông đưa người đọc suy nghiệm về sự sáng tạo, tồn tại, hủy diệt như trong dòng triết học Shaivism, Ấn Độ.


Tư tưởng này, Nguyễn Đức Sơn càng thể hiện rõ hơn về cuộc đối thoại giữa đứa con nuôi và bác sĩ Hoàn vào buổi sáng sớm ở bệnh viện, khi Hallie nhìn thấy làn mây trắng bay qua trước mặt rồi biến thành hơi nước, rồi tan biến đi "và trời trở nên trong sáng lạ thường” (Buổi sáng trong bệnh viện).


Qua lời giải thích của bác sĩ, thời khắc đó có một đám tang đang diễn ra, âm thầm, băng giá. Trong khuôn viên bệnh viện này có một nghĩa trang, chỉ dành riêng cho các hài nhi. Những hình hài bé nhỏ đó chỉ tồn tại trong cõi nhân gian rất ngắn ngủi, không kịp nhận biết bất cứ điều tốt hay xấu. Chúng chưa kịp làm người. Chúng bước ra từ bụng mẹ và lại trở về ngủ yên trong bụng Mẹ. Cõi tồn sinh siêu hình chí còn lại hình ảnh “một làn mây trắng rất nhẹ đang bay qua". Khung cảnh ấy, với những con người ấy trên balcon bệnh viện như thể Nguyễn Đức Sơn đang cho chúng ta nghe bản giao hưởng Định mệnh của Beethoven. Một làn ánh thăm thẳm sáng lóa cứ lắc lư trong lớp khí đục màu xám chì xoay tròn, nhấp nháy trong niềm hân hoan lẫn khắc khoải.


Sáng tạo và hủy diệt, hạnh phúc và khổ đau. bóng tối và ánh sáng... đã thống trị bằng những âm thanh rung nấc, nhẹ thoát ra từ người đàn bà với hình ảnh bà ngã bám vào cánh tay chống bước đi trong nỗi âm u bùi ngùi cùng tiếng xẻng xúc đất... trong buổi sáng sớm khiến “bác sĩ cảm xúc hết tất cả cái đẹp la lùng của nó mà ít người nhận thấy... Ông choáng váng nhè nhẹ và say sưa. Nó lạ lùng lắm.”


Những giao khúc trong thứ âm thanh định mệnh này được ông bác sĩ phụng lệnh Nguyễn Đức Sơn chuyển đến Hallie như một nốt ngân dài như bọt sóng biển mơn man, lướt nhẹ trên bãi... để kết thúc bản giao hưởng: “Nếu tâm hồn con lớn hơn bệnh viện này, nghĩa là lớn bằng ba, con sẽ thấy đám tang đi dưới kia... đẹp vô cùng.”


Đọc những truyện ngắn của Nguyễn Đức Sơn, tôi thấy tâm hồn ông thanh khiết lạ thường, trái với những điều người ta tìm thấy trong thơ là cuồng nộ, bi phẫn, ngông nghênh, dung tục... Ông có tất cả, từ ngôn ngữ đến hành vi. Nhưng đào xới đến tận cùng thì ông đã thoát ra khỏi mọi hệ lụy, bay bổng vào thế giới siêu tượng, hòa nhập với thiên nhiên “Đôi lúc bất chợt Sơn thấy rất nhiều màu sắc tinh vi bay trong nắng như đỏ, trắng, xanh, vàng, tím và nhiều biến thái mà Sơn tin rằng không thể có họa sĩ nào pha trộn được. Trước cái huy hoàng của thiên nhiên, mọi nghệ thuật đều bất lực” (Ngàn khơi).


Ngay đến những thứ mà thế giới đạo đức chính thống luôn kinh tởm, dè bỉu thì đối với ông nó lại thanh sạch như khí trời trong suốt, mỗi khi nằm bên cạnh cô bé Sáu Nhỏ mười bảy tuổi “đang sống bằng một nghề bi thương nhất trong xã hội ngàn năm thiếu hụt và bất toàn của loài người", và cảm thấy như nằm cạnh người yêu? (Ngồi chung một chuyến xe – Cái chuồng khỉ). Truyện này ông viết trước năm 1969, nghĩa là trước khi G. García Márquez viết Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, hay như Người đẹp say ngủ của Kawabata. Cả ba nhà văn đã tìm thấy cái đẹp đích thực trong bóng tối đổ nát của phẩm hạnh loài người.


Và, mặc dù ông có thông báo mấy dòng ngắn ngủi khi tập thơ Lời ru ấn hành (1966) răng "Cát bụi mệt mỏi, tập truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Đức Sơn viết trước khi trở thành đàn Ông", nhưng thật ra ông đã bước qua gần hết đoạn đường làm người để trở thành một nghệ sĩ tài hoa rồi.


Ngồi đọc lại những tác phẩm của ông, viết mấy dòng cảm xúc như nén nhang tiễn ông, một người đã vượt ra ngoài cõi mộng mị chiêm bao, để về bên những gốc thông vi vu ngàn năm không mỏi mệt như ông đã viết: “... và tấm lòng yêu rừng cao cả của tôi nổi dậy bừng bừng... Nhưng rừng thì ấm áp hơn nhiều, nhất là rừng cây cao và đầy gió hú. Tôi tưởng tượng nếu ngày kia may mắn tôi chết có mồ có mả đàng hoàng thì tôi sẽ xin đặt thân thể bên những gốc thông già ngàn muôn năm vi vu gió thối” (Những ngày xuân hoang vu).


Đánh giá về phong cách viết truyện của ông, nhà phê bình Nguyễn Nhật Duật đã đưa ra nhận định: “Nguyễn Đức Sơn cho thấy một nhân dáng ở bên lề cuộc đời bình thường, luôn luôn nhìn vào thực tại cuộc đời bằng một cái nhìn trân trối đầy giễu cợt mỉa mai và chất chứa một dự phóng tàn phá toàn diện, dự phóng phát xuất từ một tâm trạng vừa phẫn nộ vừa ngạo nghễ. Tác giả chưa vượt khỏi chân trời hư vô chủ nghĩa mà hậu quả là thái độ vô chính phủ của ông trước xã hội.” (tuần báo Khởi Hành số 35 ra ngày 25.12.1969)


Nguyễn Lệ Uyên

(Sàigòn, tháng 6/2020)

Nguyễn Lệ Uyên

Nguồn: Thư Quán bản Thảo Số 95 tháng 10-2021
Mừng sinh nhật thứ 20 tạp chí TQBT (10/2001 - 10/2021)