Nhà ái quốc Nguyễn Bá Trác
(1881-1945)
Ông chính là Chủ bút phần Hán văn Nam Phong, cùng với Phạm Quỳnh trông coi tờ báo khi mới ra. Về phần quốc văn thỉnh thoảng ông có những bài luận thuyết (như bài Bàn về Hán học) đăng trong số 40, đưa ra cái thuyết các nhà Hán học trước khi rút lui nên tận lực làm công việc "bàn giao", kê khai tất cả cái gì mình biết để truyền lại cho đàn hậu tiến) và nhất là có một thiên ký sự được người đương thời hết sức tán thưởng: Hạn mạn du ký. Đây là một tập du lịch ký sự. Tác giả thuộc lớp nhà nho duy tân hồi đầu thế kỷ 20 đã hưởng ứng phong trào đông du, xuất dương cầu học, qua Nhật qua Tầu. Sự học kết quả chưa ra sao mà cái hy vọng cứu quốc về sau cũng thành chuyện viển vông cả (cho nên coi như một cuộc hạn mạn du nghĩa là đi chơi phiếm), nhưng trong sáu năm trời ông phiêu lưu hải ngoại, bước chân kể đã lịch lãm lại gặp nhiều phen gian nan mà cũng biết lắm điều lý thú, ông thuật lại một câu truyện mua vui cho độc giả.
Ông viết trong lời mở đầu: "Tôi về nước đã 5 năm nay, kể từ 1908 bước chân ra đi, đến 1914 tôi trở về Sài Gòn giữa ngày tháng tám, tính đốt ngón tay một dạo phiếm du chốc đã 6 năm có lẻ. Loanh quanh trong nước một năm, tạm trọ ở Xiêm La hơn 10 ngày, khách qua Nhật Bản một tháng, rồi lại sang Trung Hoa, bao nhiêu thương phụ to, tỉnh thành lớn, như Ba Thục miền Tây, U Uyên đất Bắc, Quế Việt cõi Nam, đều là chỗ mình có để ít nhiều vết xe dấu ngựa. Nay đem đường lối phong cảnh mà mình đã trải qua nơi đất khách, chép nhặt một vài, còn chuyện chi chi (ý nói cái chí lớn về quốc sự) không rồi mà nói đến".
Thiên du ký này trước viết bằng chữ Hán đăng ở phần Hán văn, sau mới dịch ra Việt văn đăng ở Nam Phong từ số 38 đến số 43, tất cả chia làm 14 chương. Tác giả có một câu Việt văn khá mạch lạc suông sẻ, đôi chỗ đăng đối du dương. Những tình tiết ly kỳ của cuộc phiêu lưu nơi đất lạ đã đem lại cho câu truyện nhiều vẻ hấp dẫn. Nhất là đối với nho gia ta khi ấy từng ôm cái mộng Đông du nếu không thì trí não cũng đầy kỹ niệm văn chương về danh nhân danh thắng Trung Hoa, đọc Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trác thật là thú vị. Cả nữ giới cũng hoan nghênh lắm. Bà Tương Phố từng kể hay gối Nam Phong ở đầu giường để đọc du ký của ông Quỳnh ông Trác mà mộng du đất Pháp đất Tàu. Dương Quảng Hàm khi làm sách Quốc văn trích diễm (1925) dành hẳn cho thiên du ký của Nguyễn Bá Trác hai bài trích (Đường đi Hương Cảng và Điếu Kim lăng), đủ thấy độc giả đương thời đã thưởng thức dường nào. Trong thiên du ký, đặc biệt có một bài ca do một người bạn tác giả gặp ở Thượng Hải, cùng trong cái cảnh đào vong vì quốc sự, thường nghêu ngao hát những lúc mượn chén tiêu sầu nơi lữ điếm. Bài ca ấy, độc giả bấy giờ và nhất là bọn cách mạng lớp sau, ai cũng thích, thường học thuộc và ngâm nga. Bài ca ấy như sau:
Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường,
Hà tất tiêu dao bốn bể luân lạc tha phương.
Trời Nam ngàn dặm thẳm, mây nước một màu sương.
Học chẳng thành công chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng bầu mà hỏi, trời đất mang mang ai là tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường, hồ trường, ta biết rót về đâu?
Rót về Ðông phương, nước bể Ðông chảy xiết sinh cuồng lạn.
Rót về Tây phương, mưa Tây rơi từng trận chứa chan.
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút đá chạy cát dương.
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh nào ai say?
Chí ta ta biết lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.