31-07-2009 | VĂN HỌC

Mai Thảo người kể chuyện bằng văn

  TRẦN THANH HIỆP
L'art est une méditation de la vie, non de la mort.
Nghệ thuật là một suy tưởng về đời sống, không phải về cái chết.
 (Jean Paul Sartre)


     Mai Thảo ở trại tị nạn 1977

Mai Thảo chết đến nay đã được mười năm. Trong mấy anh em chúng tôi, quen biết nhau ở miền Nam từ 1954 - mà người ta thường gọi là nhóm Sáng Tạo - sau 1975 ra được hải ngoại, Mai Thảo là người ra đi chuyến vân du của anh sớm nhất. Sau đó lần lượt đến Ngọc Dũng rồi Nguyễn Sĩ Tế, Thanh Tâm Tuyền và mới đây là Thái Tuấn. Sự vắng mặt của Mai Thảo cũng như của các bạn khác, tôi khi nhớ khi quên. Nhưng khi chợt nhớ thì lúc nào cũng là một sự mất mát vĩnh viễn không có gì bù đắp được.


Một vài lần tôi có nói về những liên lạc thân tình giữa Mai Thảo và tôi. Lần này tôi muốn nói qua một vài nét về sự đóng góp của Mai Thảo cho văn học Việt Nam, từ phần nửa sau của thế kỷ XX. Với những hiểu biết, cách nhìn của riêng tôi về Mai Thảo mà tôi coi như những cái nhìn từ bên trong. Để mong cung cấp thêm ít nhiều dữ liệu cho hai trong những nhà nghiên cứu văn học ở hải ngoại tôi đã có dịp đọc là Bùi Vĩnh Phúc và Thụy Khuê.


Sáng Tạo, như một hiện tượng văn học


Sáng Tạo là tên của tờ báo anh em chúng tôi xuất bản hàng tháng ở Sài Gòn từ 1956 đến đầu thập niên 1960 thì ngưng. Sáng Tạo cũng còn là tên mà người ngoài hay gọi anh em chúng tôi là "Nhóm Sáng Tạo". Nếu hay hội họp với nhau, lúc nhiều lúc ít mà là Nhóm thì cũng có thể nói rằng có Nhóm Sáng Tạo. Nhưng bên trong chúng tôi thì thật ra không có Nhóm ấy. Sáng Tạo không phải là một văn đoàn. Chúng tôi không thành nhóm, không thành văn đoàn chỉ vì tôn trọng sự tự do của nhau ... Nguyễn Sỹ Tế kể lại rằng "có lúc dân Sài Gòn đã vui đùa mà nói đến chơi nhà Sáng Tạo chỉ thấy bốn năm ông nhà văn mỗi ông ngồi một xó trước cái bàn thờ tổ sư riêng. Tạp chí Sáng Tạo không hề có chức chủ bút và tổng thư ký tòa soạn đích danh ..." Nhưng sự gắn bó giữa những người bạn với nhau thì lại rất chặt chẽ. Hình thức gắn bó đặc biệt này người ta cũng tìm thấy dưới ngòi bút của nhà văn dấn thân kiêm phi công người Pháp, Antoine de Saint-Exupéry: "chỉ năm sáu người, không còn gì ở cuộc đời này nữa, ngoại trừ những kỷ niệm của họ ... Thương nhau, không phải mắt nhìn mắt mà là tất cả cùng nhìn về một hướng".


Tôi không có ý định đi sâu thêm vào tình thân giữa anh em chúng tôi, "giữa đất trời nhau", nói theo kiểu Mai Thảo. Tôi chỉ muốn bàn về cái "hướng" chung mà Saint-Exupéry đã nêu lên, trong một hoàn cảnh khác.


Miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Genève 1954, đối với những người từ miền Bắc di cư vào, giống như một thứ Viễn Tây của những di dân từ Anh đến đất Mỹ. Một triệu người đã bỏ lại đằng sau lưng quê hương ở miền Bắc và bằng tàu biển, máy bay lũ lượt kéo nhau đến sinh sống, lập nghiệp trên đất mới ở miền Nam.


"Cuộc di cư năm 1954, một cuộc di cư ào ạt, vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc so cả với thời kỳ Lê (Trịnh) Nguyễn phân tranh cốt yếu là một cuộc chọn lựa chính trị, chọn lựa chế độ cai trị giữa guồng máy Cộng Sản và guồng máy Quốc Gia. Cuộc di cư lớn lao từ Bắc vào Nam đó có điều đáng ghi nhận là nó bao gồm đủ mọi thành phần quốc dân từ nông thôn qua thị thành, từ bình nguyên lên cao nguyên, nào quân nhân, công chức, nào văn nghệ sĩ, giáo chức, học sinh, sinh viên ... thôi thì sĩ nông công thương đủ cả. Nguyễn Đăng Quý, sau này là chủ nhiệm Mai Thảo của Tạp chí Sáng Tạo, ở trong làn sóng di cư này với tư thế là một người trẻ không có trường để học, một công tử lang thanh hết chỗ để ngao du, một nhà văn vào nghề không có nơi dụng võ. (...) Tạp chí Sáng Tạo đã bắt nguồn từ biến thiên lịch sử nói trên, nhất là cuộc di cư của anh em sinh viên Hà Nội. (...) năm 1956 (...) sau cuộc triển lãm của Duy Thanh và Ngọc Dũng, với sự giúp đỡ tận tình của nhiều nhân vật các giới, tờ nguyệt san Sáng Tạo của Mai Thảo ra đời ..." (theo lời Nguyễn Sỹ Tế). Cuộc di trú với qui mô lớn và được hoàn tất trong một thời gian tương đối ngắn này là biến cố có thể ghi chép vào những trang đầu của lịch sử đi tìm tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam vào thời điểm giữa thế kỷ XX. Những người dắt díu nhau ra đi chỉ mang theo trong hành trang hình ảnh, kỷ niệm đậm nét về quá khứ và một niền hy vọng mong manh về tương lai. Họ phải nhìn vào cuộc sống trước mắt và phải suy nghĩ về cuộc sống những ngày sắp tới.


Cả một lớp người cầm bút thuộc nhiều thế hệ bỗng dưng được đặt trước những câu hỏi lớn về cuộc đời. Ta phải sống như thế nào? Còn có thể trở lại tắm ở những dòng sông cũ, sông nay đã đổ ra biển cả? Với anh em chúng tôi các câu trả lời đã đến rất mau lẹ và dứt khoát. Không làm người gác cổng nghĩa trang cho những tác giả đã khuất (lối nói khiêu khích của J.P. Sartre). Không nhắm mắt cặm cụi sao chép văn chương "khuôn vàng thước ngọc" thời tiền chiến (làm nhiều người không vui). Dứt khoát và kịch liệt chối bỏ mọi thứ chính trị viên văn nghệ. Sẵn sàng đương đầu với tuyên truyền dối trá để huyễn hoặc và bạo lực khủng bố để toàn trị (nhiều người chưa dám). Trước mắt, thời đại đang mở ra cả một chân trời tự do. Với niềm tin mới, chúng tôi hăng hái nhập cuộc, mang hoài bão tìm được mạch sáng tác mới trong hoàn cảnh mới của đất nước.


Có hai vấn đề đã được đặt ra là "nội dung" và "hình thức" của sáng tác. Đối với những nước đã có sẵn một nền văn học có bề dày, bề dài rồi, thí dụ nước Pháp, thì tiến bộ thường chỉ là thay đổi các "hình thức" diễn tả. Cũng thời điểm này ở bên châu Âu, văn học của Paris đang chuyển mình. Thế hệ những người cầm bút kiêm triết gia từng làm mưa làm gió trong những năm 1930 đã phải nhường chỗ cho một thế hệ những người cầm bút mới, mang ý thức mới, không thiên về thuần suy tưởng mà về hành động, về trách nhiệm trước lịch sử. Cuộc giải phóng năm 1945 không xóa đi được những vết tích của cuộc chiến bại năm 1940 và những nỗi nhục của 4 năm chiếm đóng. Pháp đã thua trận vì, như chính một nhà phê bình Pháp đã nhận xét, văn hóa Pháp là nếp sống của một "tỉnh nhỏ" với những tiệm cà phê, những bài thơ tình, những lời hẹn hò thơ mộng ... Mùa xuân năm 1945, Mauriac đã thốt ra những lời lẽ rất bi quan: "nhân loại đã già đi ghê gớm và bước ra khỏi cuộc tắm máu mới, đầu óc lạnh lùng, không mơ mộng nữa. Nó ôm trên tay và ghì sát ngực một con bé đã chết, con bé mà Péguy gọi là con nhỏ 'Hy vọng'".


Ở miền Nam Việt Nam trái lại đã có cảnh tượng những cuộc lên đường. Một sức sống đang bung ra trong tin tưởng và lạc quan. Phải chụp bắt và phô bày được trọn vẹn cái không khí phiêu lưu này của cuộc phục hưng chờ đợi từ lâu. Và như vậy có nghĩa là phải đẩy cho văn học Việt Nam bước được một bước phát triển mới. Về hai mặt. Trước hết phải cải thiện thân phận của người cầm bút. Thời trước, hình như Lê Văn Trương có than rằng nhà văn ở Việt Nam "khổ như chó". Tại sao khổ? Vì nó chưa có cơ hội để sống đời sống xứng đáng làm con người. Nhà văn nay phải có được nhân phẩm khả kính ở trong xã hội. Nó tự trọng và buộc xã hội tôn trọng nó. Phải có những nhà văn mới với bản lĩnh kết hợp ngôn ngữ với thẩm mỹ để làm đẹp cho cuộc sống trong đời người và trong xã hội. Cuộc sống ấy đang triển khai trong những không gian được mở rộng dưới những hình thức chưa từng thấy trong quá khứ. Người Việt Nam đã trực tiếp chạm mặt với nhiếu nguồn văn hóa ngoại quốc nhờ truyền thông đại chúng. Không có lý do gì để đi vào cuộc sống này với vốn liếng cũ, rung cảm sáo mòn, kỹ thuật diễn tả chưa thoát khỏi thô sơ. Tờ báo Sáng Tạo được ra đời trong hoàn cảnh lịch sử này. Và những người khai sinh ra tờ Sáng Tạo, mỗi người một cách, đã cùng nhìn về "hướng" chung ấy, từ "hình thức" đến "nội dung".


Thanh Tâm Tuyền đã ghi lại công việc cùng làm chung bằng cách riêng trong hai câu thơ của anh:

Đau như thú dữ cháy rừng

Ta đập vỡ hình hài và thức giấc.


Mai Thảo "nhìn xuống dưới ấy" với cặp mắt riêng. Văn phong của tác giả Đêm giã từ Hà Nội là của riêng anh, không phải là công trình tập thể những người thường được gọi là Nhóm Sáng Tạo. Doãn Quốc Sỹ tiếp tục kể đủ thứ chuyện bằng ngôn ngữ nguyên chất dân tộc. Trần Thanh Hiệp, làm thơ, viết truyện ngắn và tiểu luận cổ võ đường lối đem nghệ thuật thắng định mệnh. Nguyễn Sỹ Tế trầm tĩnh suy tư về nhân bản và làm thơ, viết văn. Duy Thanh, Ngọc dũng rung động với màu sắc và thi ca. Thái Tuấn vẽ tranh và khi rảnh rỗi thì bàn về nghệ thuật... Trong chừng mực này, Sáng Tạo thực chất là một hiện tượng văn học. Chống Cộng, đương nhiên. Nhưng chống cộng bằng ngôn ngữ, bằng nghệ thuật, bằng văn hóa. Không theo cung cách của những người làm chính trị chống cộng vì quyền lực, đảng tranh.


Với khoảng cách thời gian gần một nửa thế kỷ nay đã đến lúc nên nhấn mạnh trên đặc tính văn học này. Chúng tôi chống cộng để chống mọi thứ quyền lực chà đạp lên nhân phẩm, cướp đoạt tự do của con người. Chúng tôi không theo đuôi, không về hùa với những kẻ làm chính trị chống cộng để cầm quyền. Vì chúng tôi nhờ linh tính đã không thể đánh giá cao đạo đức cũng như khả năng của những nhân vật giữ vai trò lãnh đạo.


Những gì đã đưa tới biến cố 1975 ở miền Nam và sau đó những ứng xử thấp kém diễn ra ở hải ngoại đã biện minh, tuy muộn màng, cho linh tính của chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn minh bạch đứng dưới ngọn cờ chống cộng và anh em chúng tôi như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên v.v... đã phải trả giá rất đắt cho thái độ lấy đất đứng này. Chính để cho thái độ chung đó được sáng tỏ mà tờ Sáng Tạo đã tự ý đình bản đầu thập niên 1960.


Sáng Tạo đã nói bằng sự im lặng tâm trạng thuận tình tự chế của nó. Tâm trạng của không ít người cầm bút ở Pháp những năm 1940 bị Đức chiếm đóng mà Antoine Saint-Exupéry đã không e ngại phơi trần: "Tôi không bao giờ chối bỏ anh em cùng chiến tuyến của tôi. Nếu họ làm cho tôi phải hổ thẹn thì tôi giữ sự riêng trong lòng sự hổ thẹn ấy mà chẳng cần nói ra...". Thanh Tâm Tuyền khi phải đi học tập đã trình diện với tư cách Đại úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Dzư Văn Tâm ... Doãn Quốc Sỹ được tiếng chỉ coi nhà tù là nơi để thiền. Nguyễn Sỹ Tế năm lần bảy lượt bị biệt giam và nhân đó lại sáng tác ra hàng trăm bài thơ tiếng Pháp. Trong hồ sơ nghiên cứu về Sáng Tạo những chi tiết kể trên vẫn còn ít người biết ...


Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn


Nói Mai Thảo kể chuyện bằng văn có vẻ như muốn lập dị, cho lạ, cho kêu. Đổi lại là Mai Thảo viết văn để kể chuyện thì bình thường hơn, dễ hiểu hơn. Nói như vậy không phải là không có phần xác đáng. Nhưng tôi thấy cần phải tiếp cận vấn đề từ độ góc kể chuyện để tìm hiểu tận gốc văn chương của Mai Thảo. Muốn kể chuyện thì phải có chuyện mà kể và phải biết kể. Khởi đầu là những huyền thoại được truyền tụng bằng miệng. Khi có văn từ thì dùng chữ viết ghi chép. Chuyện là gốc của văn học. Kể chuyện là bước khởi đầu của văn chương. Nhà văn là người có cách kể chuyện đặc biệt bằng thứ tiếng nói đặc biệt mà người ta gọi là văn chương.


Mai Thảo là một trong những nhà văn có số lượng tác phẩm đáng kể (trên 60 đầu sách truyện ngắn, truyện dài, thơ v.v...). Với Thụy Khuê thì Mai Thảo là "nhà văn tài hoa nhất và sáng tác sung mãn nhất của thế hệ ông ... (trước 1975 ở trong nước) là đầu tầu của nhóm Sáng Tạo ... (sau 1975) ở hải ngoại vẫn là đầu tầu". Theo một ngòi bút phê bình khác, Bùi Vĩnh Phúc thì "Mai Thảo đã đóng dấu ấn văn chương của mình xuống những trang văn học Việt Nam". Nhưng lại cũng có người cho rằng Mai Thảo với nhóm Sáng Tạo đi theo con đường "nghệ thuật vị nghệ thuật". Ông "đã đóng góp cho một cách làm mới hành văn ... những thử nghiệm thành công ... những chữ dùng nay đã quen nghe quen thấy nhưng vào những năm 1956-1962 là những cái mới đã làm hơn một người nhăn mặt!". Tôi cho rằng nếu đổi cách nhìn coi Mai Thảo là người kể chuyện thay vì là nhà văn thì có lẽ sẽ tránh được cho Mai Thảo nhiều lời phê bình thiếu chính xác.


Truyện ngắn hay truyện dài đều là những câu chuyện kể (récit). Mai Thảo đã viết các truyện của mình như thế nào? Tất nhiên không ai phủ nhận được rằng Mai Thảo đã mang lại những điều mới - nếu chưa nói được đã đổi mới - cho văn học Việt nam. Cho tới nay phần lớn chúng ta hay thấy Mai Thảo được phê bình theo tiêu chuẩn văn học sử. Cho đến 1975, văn học sử Việt Nam chưa có được công trình nghiên cứu tương xứng với giá trị đích thực của số tác phẩm văn học ấn hành vào thời điểm nửa phần sau thế kỷ XX. Sự thiếu hụt này cũng chưa được những công trình nghiên cứu, ở hải ngoại, mới và khách, quan bù đắp. Nhưng trong mọi trường hợp thì cũng cần phải nhờ ngôn ngữ học hỗ trợ để có những cái nhìn mới về văn học trước khi muốn hoàn thiện văn học sử. Mới, vì nó phải quay về bên trong và có phương pháp luận (méthodologie) để nắm bắt cấu trúc của ngôn ngữ văn học thời đại. Dưới ánh sáng mới này, Mai Thảo sẽ cho thấy quả thật ông đã góp công làm mới văn học Việt Nam.


Xin mở một dấu ngoặc. Hãy tạm rời lãnh vực của môn văn học sử Việt Nam hãy còn ở giai đoạn sơ lập để bước vào thế giới của ngôn ngữ học mà khám phá hiện tượng văn học Mai Thảo. Bước đi này đòi hỏi phải mang theo dụng cụ khảo sát thích hợp nghĩa là khái niệm về các thành tố chính của câu chuyện kể (récit). Câu chuyện này trước tiên phải có "chuyện" (énoncé) để "kể chuyện" (énonciation). Chuyện thì phải thành chuyện rồi để nói cho ai nghe. Trong khung cảnh (thời gian, không gian) nào và kể với mục đích gì. Như thế việc kể chuyện này sẽ đặt ra nhiều vấn đề và một ngành học chuyên môn mới về kể chuyện đã xuất hiện (narratologie). Môn học này có tham vọng cung cấp một thứ siêu-ngôn-ngữ (méta-langue) để thấu hiểu được hết mọi câu chuyện khác nhau.


Áp dụng vào trường hợp nhà văn Mai Thảo, qua các tác phẩm văn chương của ông thì có thể phân biệt "ba" Mai Thảo khác nhau: Mai Thảo trong tác phẩm, Mai Thảo ở ngoài đời và Nguyễn Đăng Quý là con người bằng xương bằng thịt mang bút hiệu Mai Thảo. Mặt khác, khi kể chuyện trong tác phẩm, Mai Thảo có thể ở ngôi thứ nhất trực tiếp kể hay mượn người khác ở ngôi thứ ba kể hay kể chung chung không xác định là ai kể. Ngoài ra, Mai Thảo kể cho người trong chuyện hay người đọc chuyện nghe hay kể cho người ngoài đời nghe, đời nay, đời sau. Và bởi là câu chuyện kể bằng văn chương chữ viết không phải kể truyền khẩu nên người kể và người nghe (đọc) rất cách biệt nhau, khó có thể khẳng định theo một chiều hướng nhất định, nhất là người kể và người đọc lại không cùng thuộc một thế hệ.


Sau nữa, nếu không phải là chuyện có thât thì phải bịa ra một câu chuyện không có, tiếng chuyên môn gọi là hư cấu (fiction). Tức là có thể mượn phần nào sự thật, bóp méo đi, thêm bớt hoặc hoàn toàn tưởng tượng ra từ khung cảnh cho đến nhân vật, tình tiết. Hư cấu để kể cho ai nghe. Điểm này sẽ quyết định cách kể chuyện và trong văn học thì đó là khuôn mặt của văn chương. Có thể nhận định với nhiều dè dặt rằng nhiều nguồn dư luận đã phát biểu cho đến nay về Mai Thảo chưa miêu tả được đủ các mặt của văn chương Mai Thảo. Và cũng có nhiều thiếu sót, sai lầm vì thành kiến hay vì dựa vào phương pháp nghiên cứu lỗi thời (*).


Mai Thảo là Sáng Tạo nhưng Sáng Tạo không phải là Mai Thảo


Tạp chí Sáng Tạo tự ý đình bản đầu thâp niên 1960. Sau đó sinh hoạt văn nghệ của mấy anh em chúng tôi vẫn tiếp tục, mỗi người một hướng. Mai Thảo tích cực nhất, Doãn Quốc Sỹ và Thanh Tâm Tuyền dành nhiêu thời giờ cho công việc "cầm phấn trước bảng đen" nhưng vẫn không gác bút sáng tác, Nguyễn Sỹ Tế tham chính qua bộ Ngoại giao, vẫn không quên chuyện văn chương, Trần Thanh Hiệp trở lại hành nghề luật sư đều đặn còn gắng thiết lập với Doãn Quốc Sỹ Nhà xuất bản Sáng Tạo trước khi qua Paris tham gia cuộc hòa đàm. Năm 1975 một bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam, bức màn sắt của chuyên chính toàn trị buông xuống cả nước. Sáng Tạo im tiếng từ gần mười lăm năm trước coi như đã đi hẳn vào dĩ vãng nếu đầu thập niên 1980, Mai Thảo không xuất hiện ở hải ngoại và lên tiếng cho Sáng Tạo. Mai Thảo lại "giữ vai trò hải đăng Đêm Giã Từ Hà Nội thời năm tư" (Thụy Khuê).


Người ta nhớ lại tiếng nói Sáng Tạo của Mai Thảo: "Sài Gòn, thủ đô văn hóa Việt Nam. Không phải là một danh từ, một câu nói suông nhạt (...). Sài Gòn đã đứng vào vị trí, đã nhận nhiệm vụ mình sau khi Hà Nội đã từ bỏ nhiệm vụ của Hà Nội. Lửa văn hóa đã sáng lên ở đây hôm nay. Sự tê liệt, sự hủy diệt, sự đổ ngã ở một nơi nào đẩy những sức sống trẻ mạnh về Sài Gòn, hợp làm một với những sức sống trẻ, mạnh sẵn có của Thành phố hòn ngọc của châu Á, tinh hoa của đất nước - đã chứa đựng cái sắc thái của một mảnh đất màu văn hóa, trên đó đua nở những cỏ hoa tươi tốt của một mùa văn hóa mà những thành tích, kết quả cụ thể đang được thu lượm dần dần, đang được sắp thành biểu đồ hệ thống ..." (Sáng Tạo số ra mắt, 10-1956, do Nguyễn Vy Khanh trích dẫn, Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX, nxb Đại Nam 2004). Năm 1971, được yêu cầu kể lại chuyện Sáng Tạo, Mai Thảo đã nói: "Chất nổ ném vào. Cờ phất. Xuống núi, xuống đường. Ra biển, ra khơi. Và cuộc cách mạng biện chứng của văn chương đã bắt đầu (...). Trong những thực trạng dày đặc những chất liệu của sáng tạo và phá vỡ như vậy, văn học nghệ thuật mặc nhiên không còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn Thanh Châu, những khái niệm Xuân Thu, những luận đề Tự Lực" (sđd). Mai Thảo đã quảng diễn đoạn kết luận Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam, nhân cuộc thảo luận năm 1960 của một số người đã viết cho Sáng Tạo như sau: "Chúng ta đã làm một cuộc thanh toán với thế hệ trước qua việc xác định lại giá trị đích thực của văn chương nghệ thuật tiền chiến. Chúng ta đã kiểm điểm nhận định trong ý thức hoàn toàn chủ quan của chúng ta với mục đích và hy vọng duy nhất: Cùng với nhau bỏ những ám ảnh quá khứ để nhìn vào thực trạng, khơi mở con đưnờg tiến tới nghệ thuật hôm nay. Có thể thế hệ sau chúng ta sẽ làm lại hành động này với thế hệ chúng ta. Và chúng ta chấp nhận đó là một hành động tất yếu cho sự tiến hóa của nghệ thuật. Nghệ thuật là một vận động biện chứng của hủy diệt và sáng tạo." (Thảo luận giữa Cung Trầm Tưởng, Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Huỳnh Văn Phẩm, Lê Huy Oanh, Mai Thảo, Ngọc Dũng, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Tô Thùy Yên, Trần Thanh Hiệp, nxb Sáng Tạo, Saigon, 1968).


Mai Thảo tuy đã vĩnh viễn vắng mặt nhưng văn chương của ông vẫn hiện diện. Bùi Vĩnh Phúc trong cuốn Lý Luận và Phê Bình của ông xuất bản ở hải ngoại, viết rằng "Mai Thảo chính là tiếng còi. Văn chương của ông cũng là tiếng còi (...) mang lại cho ta những tiếng quê nhà. Làm ta tỉnh thức (...). Nó mở lại cho chúng ta những cảm xúc và những cái đẹp mà, trong chúng và với chúng, ta đã nhìn thấy ta lớn lên".


Tòa kiến trúc văn học đồ sộ Mai Thảo để lại cho đời sau, theo tôi quả thật Sáng Tạo chẳng có công lao gì.

Trần Thanh Hiệp

Paris, Xuân 2008
(Hợp Lưu 100, tưởng niệm Mai Thảo)

(*) Vì thiếu chỗ nên xin gác lại đoạn khai triển về câu chuyện và cách kể chuyện tuyệt vời bằng văn của Mai Thảo trong truyện ngắn Giữa Hai Cơn Mưa đăng trong tập Ngọn Hải Đăng Mù (Toronto, 1987).