18-10-2022 | VĂN HỌC

Tiếng Việt, yêu & ghét

   LÊ HỮU

  

Bức xúc, ảnh Thành Nguyễn

“Chào mọi người!”


Giả sử bài này bắt đầu bằng câu chào ấy, “Chào mọi người!” Lại giả sử câu tiếp theo là “Mọi người ơi! Hôm nay mình chia sẻ với mọi người về tiếng Việt giàu và đẹp nhé.”


Nghe lối chào hỏi ấy, có người cho là bình thường vì cách nói năng này khá phổ biến hiện nay, nghe mãi cũng quen tai. Có người nhăn mặt nhíu mày, cho đấy là cách nói kém văn hóa, thiếu tôn trọng người khác vì đánh đồng mọi đối tượng. Già trẻ lớn bé gì cũng “mọi người”, cũng đồng vai đồng vế, không đẳng cấp thứ bậc chi cả.


Những thuật ngữ khôi hài


“Mọi người”, “cả nhà”, “mình”… là cách gọi, xưng hô ngày càng phổ biến ở trong nước và cả ngoài nước, trong giao tiếp hàng ngày hoặc trên sân khấu của các diễn viên, các MC hay các Youtuber.


“Nếu mọi người thích vi-đeo này thì nhấn nút lai cho mình nhé.”


Ở đâu ra cách chào hỏi “Chào mọi người!”, “Mọi người ơi!” ấy? Nhiều người cho rằng đấy chỉ là bắt chước lối chào thân thiện của người Mỹ, “Hello, everyone!”, “Hi, everybody!” Nếu là cuộc họp bạn hoặc cùng một đối tượng ngang tầm ngang lứa thì cũng tốt thôi. Người Việt, nhất là các bạn trẻ phát huy lối chào này bất kể mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi, địa vị xã hội. Một em học sinh đứng trước đông đảo bạn học, thầy cô, phụ huynh và khách mời trong buỗi lễ mãn khóa, lên tiếng “Chào mọi người!” Trên sân khấu, một cô ca sĩ trẻ hát xong nhận được tràng pháo tay từ khán giả, phần lớn là các cô chú bác lớn tuổi, bèn cười cười “Cám ơn mọi người” và kêu gọi “mọi người” đóng góp vào chương trình từ thiện nào đó. Cô MC thì liên tục “Xin mọi người một tràng pháo tay.” Kết thúc chương trình cô “Chúc mọi người ngủ ngon!” Hoặc, những câu chào cửa miệng của các Youtuber, “Chào mọi người! / Chào cả nhà! / Mọi người ơi! / Cả nhà ơi! / Tạm biệt cả nhà nghe…” (“Cả nhà” là cách gọi thân thương, gom tất cả mọi người vào chung một “nhà” cho tiện).


“Mọi người ơi!” thì có thể hiểu được, nhưng đến “quý vị ơi!” thì không hiểu ở đâu ra. “Quý vị” là cách xưng hô trang trọng để tỏ lòng tôn kính đối tượng. Ngày trước ta chỉ nghe những “Kính chào quý vị”, “Kính thưa quý vị”, “Xin mời quý vị”, “Xin quý vị vui lòng thứ lỗi”… chứ không có kiểu “Quý vị ơi! Quý vị à!” luông tuồng, suồng sã như là… bá vai bá cổ “quý vị” vậy.


Chưa hết, lại còn những cách nói “các quý vị”, “những quý vị”, chẳng hạn “Thưa các quý vị”, “Xin các quý vị thông cảm”, “Cám ơn những quý vị đã ủng hộ”, “Những quý vị nào là công dân Mỹ…” vân vân (làm như “quý vị” chỉ là… một vị vậy).


“Quý vị” là số nhiều, từ dăm ba người cho đến vài chục, vài trăm, vài ngàn người. Nói “các quý vị” là thừa ra chữ “các”. Hoặc “quý vị”, hoặc “các vị” chứ không thể “các quý vị”. Đã “quý” thì không “các”, đã “các” thì không “quý” nữa. Nói “nhị vị” (hai vị) thì hiểu được, như “Xin mời nhị vị nâng ly!” hay “Nhị vị có cao kiến gì chăng?”


Tương tự, không thể nói “các quý khách / các quý khán giả / các quý thính giả / các quý độc giả / các quý thân hữu”..., như “Xin cám ơn các quý độc giả góp ý cho bài viết này.”


Vẫn chưa hết, cách nói “nhiều những” hay “rất nhiều những…” (“nhiều” chưa đủ nhiều nên phải thêm “những” vào) cũng khá phổ biến trong và ngoài nước, cả những người trước đây chưa hề nói năng cách ấy, chẳng hạn:


Có rất nhiều những khán giả gọi vào.

Có rất nhiều những câu chuyện thương tâm.

Mình học hỏi được nhiều những kinh nghiệm trong cuộc sống.

Xã hội vẫn còn nhiều những vấn đề bức xúc.


“Bức xúc” là một trong những “từ” mà người Việt ở nước ngoài khá “dị ứng” (cách nói ở trong nước). Không dễ gì truy nguyên được xuất xứ của cái “từ” lạ lùng này để biết ai là người phát minh ra nó và nó được sử dụng lần đầu khi nào. Có người nói đấy là tiếng Việt mình, có người nói là “từ Hán Việt”, có người chịu thua chả biết là… tiếng gì. Có người lại nói “từ” ấy viết… sai chính tả. Cũng chẳng sao, viết sai, nói sai nhưng người nghe vẫn hiểu đúng là được. Nếu thay bằng chữ khác chưa chắc người ta đã chịu, “Không phải là bực tức, ý tôi muốn nói là bức xúc.”


Một trong những lý do cái “từ” nghe tức anh ách ấy vẫn được sử dụng rộng rãi cho dù bị công kích, ghét bỏ, là vì người ta không tìm được chữ nào khác hơn để mà thay thế. Khi muốn thuyết phục ai đừng sử dụng “từ” ấy nữa thì phải cho người ta cái “từ” gì tốt hơn để thay vào chứ. Bực tức, bực bội, tức tối, ấm ức, bất bình..., những chữ này chỉ gần gần chứ không hoàn toàn đồng nghĩa với “bức xúc” nên không thay thế được, nếu thay được thì đã thay rồi. Gần đây nhiều người muốn thay “bức xúc” bằng “bức bối” (thay chữ “xúc”, giữ lại chữ “bức”) nhưng cũng không khá hơn, không được hưởng ứng mấy và nghe không… đã bằng “bức xúc”.


Nghĩ cho cùng, nếu ta không yêu nổi cái “từ” ấy thì cũng chả việc gì phải ghét nó. Có ghét cũng chẳng làm gì được nó, chi bằng cứ phớt lờ nó cho nhẹ nhõm đầu óc, xem như nó không có trên đời này vậy. Nếu không quên được, có thể “dĩ độc trị độc” bằng cách mạnh dạn tiếp cận nó và biến nó thành “từ”… diễu, vừa làm dịu bớt cảm giác khó chịu vừa làm giàu thêm “thuật ngữ khôi hài”, chẳng hạn:


“Làm gì mà mặt mũi trông bức xúc như là bị vợ bỏ vậy?”

“Cái gì bức xúc thì… xúc nó đi là xong chuyện.”

“Tôi đang xin giấy phép thành lập Hội Người Việt Bức Xúc.”

“Xin nhất trí bầu chị làm Hội trưởng Hội Bức Xúc.”


Nếu “bức xúc” là một trong những “từ” bị dị ứng nhất trong số những “từ” phát sinh trong nước thì vẫn có những “từ” ít bị dị ứng; hơn thế nữa, lại còn được người Việt ở nước ngoài sử dụng nhiều. Có thể kể một vài, như “tham gia”, “bài viết”, “ca từ”, “tranh cãi, “trân quý”, “thân thương”…, trong số ấy cái “từ” được sử dụng nhiều nhất lại là “từ”…“từ”. Nói như cách nói trong nước, “từ” này “có tần suất sử dụng cao nhất” từ trong nước ra tới hải ngoại, cả trong ngôn ngữ nói và viết. Từ báo chí cho đến các phương tiện truyền thanh, truyền hình, các xướng ngôn viên, các thầy cô giáo dạy tiếng Việt trong các trường Việt ngữ và trên cửa miệng người Việt định cư ở nước ngoài hầu như luôn nghe thấy, đọc thấy những “từ” này “từ” kia, “từ” cũ “từ” mới, “từ Hán Việt”, “từ thuần Việt”, “từ trước 75”, “từ sau 75” và cả “từ Việt cộng”.


Từ đây trở đi, xin được bỏ dấu ngoặc kép trước và sau chữ “từ” cho bớt... rối mắt.


Ngày trước, hiếm thấy chữ “từ” đứng riêng lẻ một mình mà chỉ có “từ ngữ”, “ngôn từ” hoặc từ nào ra từ đó như danh từ, động từ, trạng từ… Chỉ có một trường hợp, trên những tờ nhạc ngày xưa thỉnh thoảng thấy ghi “Từ và nhạc” (lời ca và nhạc điệu), như: Thu Vàng, từ và nhạc Cung Tiến; Chiều Vàng, từ và nhạc Nguyễn Văn Khánh; Gợi Giấc Mơ Xưa, từ và nhạc Lê Hoàng Long. Về sau đổi thành “Lời và Nhạc” hay “Nhạc và Lời”.



Từ dị ứng đến đồng hóa ngôn ngữ


Chữ “từ” sử dụng nhiều ở trong nước, trong một số trường hợp hoặc thay cho “chữ”, hoặc là cách gọi tắt của “từ ngữ” (bỏ “ngữ”, chỉ lấy “từ”), kiểu gọi tắt thường thấy ở trong nước, như gọi “viện” thay cho “bệnh viện”, gọi “bang” thay cho “tiểu bang”.


Đọc được trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, trang nói về “Thơ”:


Thơ là hình thức nghệ thuật dùng từ trong ngôn ngữ làm chất liệu, và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới hình thức lôgíc nhất định… Từ thơ thường được đi kèm với từ câu để chỉ một câu thơ, hay với từ bài để chỉ một bài thơ.


(Nhất định phải là “từ”, thay vì cách nói thông thường, “Chữ thơ thường được đi kèm với chữ câu để chỉ một câu thơ, hay với chữ bài để chỉ một bài thơ”).


Từ chữ “từ” này, lại đẻ ra những “cụm từ”, “ca từ”… cũng được người Việt trong và ngoài nước ưa chuộng. Trước năm 1975 ở miền Nam không thấy có chữ nào phổ biến với nghĩa “phrase” trong tiếng Anh. Không muốn dùng “cụm từ”, nhiều người bèn đổi thành “nhóm chữ”, nghe không được hay lắm. Riêng tôi dùng “cụm chữ” (thay chữ “từ”, giữ lại chữ “cụm”). “Cụm” nghe cũng hay hay, trong “cụm mây”, “cụm khói”, “cụm hoa”… Tương tự, “chùm thơ”, “chùm ảnh” nghe cũng hay hay bên cạnh những chùm nho, chùm khế, chùm hoa. Nếu không thích những cách gọi ấy thì cũng chẳng việc gì ghét bỏ chúng vì chúng cũng… vô hại.


“Ca từ” cũng là một từ tốt với nghĩa lời ca, câu hát.


Có những từ quen thuộc nhưng cách nói dễ gây “phản cảm”, như “Màn trình diễn cực kỳ ấn tượng” hay “Khán giả rất ấn tượng với sân khấu hoành tráng” hay “Em rất thần tượng siêu mẫu Kate Moss”…, thoạt nghe khá chướng tai, nghe riết cũng quen tai. Một từ ngữ vừa là danh từ vừa là động từ hay tính từ cũng thường gặp trong các từ điển ngoại ngữ. Người nghe cảm thấy khó chịu vì những “cực kỳ”, “hoành tráng”, “siêu mẫu” hơn là những chữ ấn tượng, thần tượng lâu nay vẫn dùng.


Một anh bạn tôi ghét thậm tệ những từ mà anh nghe ra rả trong “trại cải tạo”, như: nhất trí, khẩn trương, sự cố, đột xuất, tranh thủ, bồi dưỡng, chất lượng…, tuy nhiên ít lâu sau đó, khi hội nhập vào dòng chảy của cuộc sống thì anh cũng từ này từ kia, cũng ca từ cụm từ, cũng bài viết bài nói, cũng tham gia tham quan, cũng tâm đắc tâm huyết, cũng trân quý thân thương… như bao nhiêu người khác. Vô hình trung, anh đã bị/được “đồng hóa ngôn ngữ” từ lúc nào không hay.


Tương tự cách nói “Nhiều người cùng đi trên một lối, lâu ngày thành ra con đường”, ở đây là nhiều người cùng nói một chữ ấy, lâu ngày thành ra… từ ngữ thông dụng. Yêu, ghét gì cũng đành chịu. Đã từng có không ít bài báo phê phán, chê trách những ai sử dụng những từ “đặc trưng” ấy nhưng rồi vẫn chẳng đi tới đâu khi mà người dùng vẫn cứ dùng thoải mái và đâu đâu cũng gặp, cũng nghe nói năng kiểu ấy.


Nhiều từ ngữ phát sinh ở trong nước vẫn đang được cộng đồng người Việt ở nước ngoài sử dụng trong mọi sinh hoạt, giao tiếp thường ngày, như: tham gia, tham quan, đăng ký, đăng nhập, ngoại hình, bóng đá, bài viết, bài nói, ca từ, giáo án, đứng lớp, nhạy cảm, phản cảm, phản hồi, phản bác, tranh cãi, năng nổ, tản mạn, nối kết, trực tuyến, truy cập, cập nhật, thư giãn, nhắc nhớ, trân quý, thân thương, lạ lẫm, im ắng…, kể ra không hết. Hoặc, do không biết đấy là các từ “đặc trưng” ở trong nước, hoặc biết nhưng vẫn sử dụng sau khi lọc lựa, thẩm định.


Như thế, liệu có phải tất cả những từ phát sinh ở trong nước đều không dùng được và đáng sổ toẹt? Những người chống “từ Việt cộng” (cách gọi sau này ít dùng) thường làm công việc liệt kê ra những từ mà người trong nước hay dùng, đối chiếu với những từ ngữ trước năm 1975 ở miền Nam và cũng chỉ làm đến đó. Việc tiếp theo cần làm thì lại không làm, đó là cũng liệt kê ra những từ ngữ nào có thể sử dụng được trong số những từ ấy sau khi đã gạn lọc, nhất là những từ ngữ mới đáp ứng nhu cầu tiến hóa của xã hội, như các thuật ngữ khoa học, kỹ thuật. Giả sử chính thể miền Nam Việt Nam còn tồn tại thì các bộ tự điển tiếng Việt hẳn phải được bổ sung nhiều từ ngữ mới thông dụng.


Người ta không thể vừa phê phán, chế diễu những người sử dụng các từ này từ kia lại vừa vô tư sử dụng các từ ấy, cũng như không thể vừa kêu gọi tẩy chay lại vừa tiếp tay truyền bá chúng cách nào đó. Người ta cũng không thể bảo các em nhỏ không nên dùng những từ này từ nọ khi không cho các em được những từ nào tốt hơn, hoặc cho những “từ cũ” ít còn được sử dụng.


Những từ bị ghét hẳn là những từ khó ưa, thế nhưng cái lý do tiềm ẩn sâu xa khiến chúng bị ghét bỏ là vì người ta ghét cay ghét đắng kẻ đẻ ra nó, sử dụng nó. “Ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”, các cụ nói không sai. Ghét người nào là ghét cái nhà nó ở, cái xe nó chạy, con chó nó nuôi, cái từ nó dùng. Vì thế, thứ nhất, thật khó mà bảo người ta đừng có ghét nữa hoặc đổi ghét thành yêu; thứ hai, lối ghét “cả cụm” ấy không khéo lại thành ra ghét oan những từ vô can.


Trong số những từ đáng ghét ấy có các từ thuần Việt. Chúng ta không việc gì phải “ghét” tiếng Việt cả. Nếu có ghét hay khó chịu là vì những tiếng ấy không phải là tiếng Việt hoặc tiếng Việt lai căng kệch cỡm, hoặc ngớ nga ngớ ngẩn, hoặc tối mò tối mịt đến không hiểu nổi và không còn nghe ra “tiếng nước tôi”.


Lê Hữu

Nguồn: Tác giả gởi