“Câu chúc Tết nào là hay nhất của người Việt mình?” một anh bạn hỏi tôi.
Câu hỏi bất ngờ, tôi chưa kịp nghĩ ra để trả lời.
Từ lâu, người Việt không còn thói quen gửi cho nhau những “cánh thiệp đầu Xuân”. Thay vào đó, người ta gửi lời chúc Xuân qua email, text, facebook… Thường, mỗi khi gửi đi hay trả lời một câu chúc tôi phải nghĩ ngợi, thay đổi một vài chữ, để không lặp lại rập khuôn câu chúc từ những năm trước. Một anh bạn tôi trả lời email chúc Tết bằng câu ngắn gọn “Tôi cũng vậy”, hay “Anh chị cũng vậy nhé” (phỏng theo cách nói “Me too”, “You too” của người Mỹ) và đề nghị các bạn mình cũng làm theo như vậy cho… gọn. Sáng kiến hay ho ấy được nhiều người hưởng ứng. Một chị bạn nói không làm như vậy được vì máy móc quá và thấy “ngượng tay” khi gõ bàn phím.
Cho dù gửi lời chúc Tết theo cách nào thì những câu chúc quen thuộc lặp đi lặp lại mãi cũng bị “mòn” ít nhiều tình cảm ấm áp, chân thật nằm trong câu chúc.
Người Việt, câu chúc tiếng Việt
“Câu chúc nào hay nhất?” anh bạn lặp lại câu hỏi.
“Chịu,” tôi nói, “nhưng nếu hỏi câu chúc nào phổ biến nhất thì tôi trả lời được.”
“Câu gì?”
“Chúc năm mới an khang thịnh vượng!”
Tôi trả lời vậy khi bắt được câu ấy nơi trang đầu một tờ báo Xuân. Cả tuần nay, đâu đâu tôi cũng nghe, cũng đọc được câu chúc quen thuộc ấy. Từ những trang báo Xuân cho đến các đài phát thanh, truyền hình luôn phát đi câu chúc ấy gửi tới đồng hương người Việt. Cũng không chỉ Tết năm nay mà năm nào cũng như năm nào, vẫn là câu chúc ấy, vẫn là chúc “an khang thịnh vượng”.
Vì sao câu chúc ấy lại phổ biến và được yêu chuộng đến vậy? Hẳn là được yêu chuộng vì có yêu chuộng thì mới phổ biến chứ. Có thể do câu chúc ngắn gọn, phát âm nghe thuận tai, vừa có khí thế lại vừa trang trọng. “Chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng!”, nghe như một khẩu hiệu ròn rã, như tiếng pháo nổ ngày xuân.
Tôi nhớ, một trong những màn trình diễn quen mắt trên sân khấu của cộng đồng người Việt vào những ngày Tết là các em nhỏ, lứa tuổi tiểu học với lễ phục khăn đóng áo dài, khoanh tay cúi đầu trước khán giả người lớn trong lúc thốt ra những câu chúc như “Con xin kính chúc quý vị năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, phát tài phát lộc.”
Trong lúc người lớn vỗ tay tán thưởng tôi lại cảm thấy chút gì ái ngại cho các cháu. Trong khối óc non nớt và trong số vốn ngữ vựng tiếng Việt ít ỏi của các cháu chắc không có những tiếng lạ lùng ấy. Hẳn các cháu phải vất vả học thuộc lòng để “trả bài” là những câu, chữ lủng cà lủng củng mà người lớn gắn vào miệng các cháu như “quý vị”, “an khang thịnh vượng”, “vạn sự cát tường”, “tân niên vạn phúc”, “mã đáo thành công”… mà không làm sao hiểu nổi những chữ ấy có nghĩa gì.
Giả dụ các cháu hỏi bố mẹ, “An khang thịnh vượng nghĩa là gì vậy Bố?”
“Đấy là tiếng Hán-Việt. An là yên ổn, khang là khỏe mạnh, thịnh vượng là khá giả.”
“Tiếng Hán-Việt là tiếng gì vậy Bố?”
“Là tiếng Hán, tức là tiếng Trung quốc, đọc theo âm Việt.”
“Vậy sao mình không nói theo nghĩa tiếng Việt của mình cho dễ hả Bố?”
Ông bố chắc cũng hơi khó trả lời, chả lẽ lại nói “Bố cũng không rõ, mọi người đều… nói vậy”, hay là “Nói an khang thịnh vượng thì nghe… hay hơn.”
Nếu cứ phải vay mượn tiếng Hán-Việt hoặc tiếng nước ngoài trong sinh hoạt hàng ngày, trong lúc kho tàng tiếng Việt không hề thiếu thốn những chữ ấy thì không dễ gì thuyết phục được các cháu rằng “Tiếng Việt giàu và đẹp” (đã “giàu” rồi thì còn đi vay mượn làm gì nữa). Những tiếng Hán-Việt nặng nề và tối tăm ấy hoàn toàn không giúp gì được cho việc “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” mà những người làm công tác giáo dục ở trong và ngoài nước vẫn hô hào như một khẩu hiệu phổ biến, đẹp ý đẹp lời.
Dạy trẻ em câu chúc Tết cũng là một cách dạy trẻ học tiếng Việt. Thiết nghĩ, chỉ nên dạy những câu, chữ đơn sơ giản dị, dễ phát âm và dễ hiểu hơn là bắt các cháu lặp lại như cái máy những câu chúc của người lớn, cũng chẳng khác nào tập cho trẻ em hát những bài tình ca của người lớn, không phù hợp với lứa tuổi thơ ngây, hồn nhiên của các cháu.
Thay vì nói “vạn sự như ý, vạn sự cát tường”, nói “ước gì được nấy, mọi chuyện tốt lành”.
Thay vì nói “Con chúc mọi người năm mới an khang trường thọ, phúc lộc trường tồn”, nói “Con xin chúc ông bà, bố mẹ năm mới vui vẻ, khỏe mạnh sống lâu, ăn ngon ngủ ngon.”
Ông bà, bố mẹ nào cũng chỉ mong được vậy và rất vui vẻ… lì xì cho các cháu.
Cứ mỗi mùa Tết đến Xuân về là câu chúc quen thuộc ấy lại theo về. Từ các cơ sở kinh doanh thương mại, các cơ quan truyền thông báo chí cho đến các sinh hoạt văn hóa giáo dục và giải trí ngày Tết, nếu không “Kính chúc quý khách hàng /quý thân chủ /quý thân hữu /quý khán giả /quý độc giả /quý đồng hương /quý thầy cô…” thì cũng “Chúc các bạn /chúc mọi người /chúc cả nhà năm mới an khang thịnh vượng”.
Người Việt trong nước chúc an khang thịnh vượng. Người Việt ngoài nước cũng chúc an khang thịnh vượng. Nhiều nhất, phổ biến nhất vẫn là câu chúc ấy. Trong những bức thư pháp bốn chữ ngày Tết thì “An khang thịnh vượng” là “cụm từ” được yêu chuộng nhất.
Liệu có cần phải vay mượn những từ ngữ Hán-Việt ấy cho câu chúc Tết của người Việt? Nói khác, liệu có cần phải “xổ nho”, “xổ Mỹ” trong ngày Tết truyền thống của người Việt? Nói Cung Chúc Tân Xuân nghe trịnh trọng hơn, nói Happy New Year nghe sành sõi hơn những câu chào Xuân, đón Tết của tiếng Việt mình chăng?
Nếu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là nói thuần tiếng Việt, là dùng “hàng nội hóa” thì người Việt mình hẳn không thiếu những câu chúc hay ho và ý nghĩa không kém gì… “chúc an khang thịnh vượng”.
Chúc mừng hay chào mừng năm mới?
“Chúc mừng năm mới” và “An khang thịnh vượng” vẫn sánh đôi nhau như cặp bài trùng.
“Chúc mừng năm mới” là câu chào hơn là câu chúc, cho dù có chữ “chúc” trong câu. Nếu là câu chúc, câu ấy chưa trọn nghĩa, phải là chúc mừng năm mới… như thế nào thì mới ra câu chúc. Chẳng hạn, “Chúc mừng năm mới hết dịch bệnh”, khi cả nước sạch bóng Covid-19; hoặc “Chúc mừng năm mới phát tài”, cho người bạn đầu năm trúng số; hoặc “Chúc mừng năm mới, nhà mới” trong tiệc tân gia đầu năm.
Vì là câu chào, nói “Chào mừng năm mới” hoặc “Đón mừng năm mới” nghe thuận tai và hợp nghĩa hơn là “Chúc mừng năm mới”, với nghĩa vui mừng chào đón mùa xuân mới vừa sang, cũng tựa như vui mừng chào đón khách quý đến thăm nhà hay người thân vừa đi xa trở về.
Tương tự, câu “Chúc sức khỏe”, người Việt trong nước hay dùng, chưa đủ nghĩa của câu chúc. Nếu nói “Chúc nhiều sức khỏe” hay “Chúc khỏe” thì hiểu được, cũng tựa cách nói “Chúc vui”, “Chúc lành”, “Chúc may mắn”, “Chúc bình an”. Còn nếu chỉ nói “Chúc sức khỏe” hay “Chúc công việc” thôi thì chưa đủ nghĩa, mà phải… như thế nào, ra làm sao. Chẳng hạn, “Chúc sức khỏe dồi dào”, “Chúc công việc thuận lợi” thì mới là… chúc.
Nhân nói chuyện lời chúc câu chào, các xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình thường kết thúc một bản tin với câu chúc tốt lành, “Chúc quý khán thính giả một ngày vui tươi và hạnh phúc” hoặc “Chúc quý vị một cuối tuần thật nhiều niềm vui và hạnh phúc bên gia đình và người thân”. Lời chúc ngọt ngào, chỉ có điều vui sướng với hạnh phúc cũng chẳng khác nhau bao nhiêu. Hạnh phúc là đủ, không cần sánh đôi với vui vẻ, vui tươi hay nhiều niềm vui. Hoặc nếu muốn có thể chúc “bình an và hạnh phúc”, “khỏe mạnh và hạnh phúc” hoặc “nhiều niềm vui và nhiều sức khỏe”… để không phải lặp lại cùng một ý.
Lại có đôi lúc, người đọc bản tin, đúng hơn là người biên soạn bản tin, trộn lẫn tin tức với bình luận. Tin tức là thông tin về sự kiện lớn, nhỏ, có sao nói vậy, không có ý kiến, nhận xét, phê bình chi chi cả. Không thể đang nói về tình hình chiến sự sôi động giữa Nga và Ukraine thì tiếp theo là “Điều này cho thấy là Putin ngày càng để lộ tham vọng chính trị qua hành động xâm lược Ukraine”. Câu “Điều này cho thấy là…” không phải là tin tức mà bình luận về tin tức. Không thể vừa thông tin vừa bình luận. Nếu có ý kiến, nhận xét gì về bản tin ấy thì đưa sang mục “Bình luận” sau mục “Tin tức”, khi ấy tha hồ bình phẩm, khen chê hay dở, tốt xấu. Khán thính giả cũng chỉ muốn được nghe tin tức khách quan, trung thực hơn là thông tin theo lối “hướng dẫn dư luận quần chúng”.
Hoặc có đôi lúc, người đọc bản tin đưa vào cụm chữ “Trong khi đó” (thường là để chuyển tiếp sang một sự kiện có ít nhiều liên hệ đến nội dung của mẩu tin đang đọc) khi hai sự kiện chẳng có ăn nhập gì với nhau, khiến người theo dõi bản tin phải hụt hẫng. Chẳng hạn, cũng tin về tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, “Nga tuyên bố vừa chiếm thêm được một thị trấn ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó…” Khán thính giả ngỡ “Trong khi đó, phía Ukraine bác tin…” hoặc “… khối NATO”, hoặc “… Liên Hiệp Quốc” có phản ứng sao đó, nhưng lại không phải vậy mà là “Trong khi đó, Pháp đánh bại Maroc với tỷ số 2-0 ở vòng bán kết, giành được tấm vé vào trận chung kết World Cup 2022 với Argentina”. Hoặc mới đây, “Hoa hậu Mỹ R'Bonney Gabriel, 28 tuổi giành được vương miện Miss Universe 2022 vào tối thứ Bảy, 14 tháng Giêng tại New Orleans. Trong khi đó…, người Mỹ gốc Việt ở Cali rộn rịp mua sắm chuẩn bị đón Tết bất chấp cơn mưa tầm tã.” Thay vì nói “Trong khi đó”, nói “Tin cộng đồng người Việt ở Mỹ” chẳng hạn, nghe thuận tai hơn.
Thiết nghĩ, các xướng ngôn viên, ngoài ngoại hình và giọng đọc tốt cũng cần thêm tính chuyên nghiệp thể hiện qua những cách ứng xử nho nhỏ, chẳng hạn trong lúc đọc nếu có hắt hơi, ho sù sụ hoặc đọc vấp, đọc nhầm thì cũng nên xin lỗi một tiếng như các xướng ngôn viên thạo nghề, hơn là “à…, à quên” hoặc cứ vô tư đọc tiếp.
Chỉ là những chuyện nhỏ, chuyện lan man, chuyện “tản mạn ngày Tết” nên không đi xa hơn. Do bài nói về lời chúc, câu chào ngày Tết, cũng xin kính chúc người Việt mình Năm Mới yên vui và mọi chuyện tốt lành.