Lời Nói Đầu:
Cùng lúc tập thể tỵ nạn của người Việt khắp thế giới nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, kỷ niệm Tháng Tư Đen lần thứ 44, là sự xuất hiện của bộ sách “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại” do 3 tác giả Khánh Trường, Nguyễn Vy Khanh và Luân Hoán chủ biên.
Bộ sách gồm 7 cuốn khổ lớn, bìa cứng, mỗi cuốn dầy trên dưới 800tr, tổng cộng 4,900 trang, được dư luận ghi nhận là công phu, đồ sộ nhất của sinh hoạt văn học hải ngoại trên 40 năm qua.
Chúng tôi mở cuộc phỏng vấn trực tiếp 3 tác giả này, hầu gửi đến bạn đọc cái nhìn sát thực với ít nhiều trân trọng dành cho công trình đó.
Kính mời quý ban đọc theo dõi.
Họa sĩ Khánh Trường
(Hình: Triết Trần)
Du Tử Lê (DTL): Dường như ông và 2 người bạn đồng tâm huyết là Nguyễn Vy Khanh và Luân Hoán, muốn đánh dấu 44 năm tỵ nạn của người Việt ở hải ngoại bằng bộ sách đồ sộ 7 cuốn khổ lớn, bìa cứng? (*)
KhánhTrường (KT): Vâng. Đúng vậy.
DTL- Ông hay ai là người đầu tiên đưa ra ý kiến phải gọi là rất “hoành tráng” này?
KT: Tôi. Một lần tái khám định kỳ, BS khuyên tôi tìm việc gì đó làm, một hình thức vật lý trị liệu, nếu không muốn rơi sâu vào trầm cảm, và đáng sợ hơn, sẽ vướng phải bệnh mất trí nhớ mà đa số người già thường mắc. Làm gì nhỉ? Nghề chính của tôi là vẽ. Nhưng do tai biến đột quỵ, phải ngồi xe lăn, tay vụng về, chỉ sử dụng được khoảng 30%. Cũng có nghĩa tôi không còn vẽ được chi tiết. Nói rõ hơn, tôi không vẽ được nữa loại tranh có hình thể. Vì thế tôi chuyển qua trừu tượng.
Tranh trừu tượng nghiêng về biểu cảm, qua màu sắc, bố cục, không đòi hỏi sự chính xác, những đường cọ sai trật có khi lại hay. Sau ngày bị bệnh cho đến hôm nay tôi đã có bốn cuộc triển lãm với trường phái này. Nhưng càng ngày tay tôi càng vụng về, cầm nắm rất chật vật, điển hình, ăn cơm, tôi không cầm đũa được, phải dùng muỗng. Trước đây khoảng 5 năm, tuy vụng về nhưng tôi vẫn sử dụng được cọ sơn, nay gần như vô phương.
Một họa sĩ không thể vẽ, có lẽ không có nỗi buồn và tuyệt vọng nào lớn hơn. Triệu chứng trầm cảm có nguy cơ ló dạng. Theo lời khuyên của BS, tôi mở fb để có cớ bận rộn. Và rồi không biết từ bao giờ tôi lại bị cuốn vào vòng xoáy chữ nghĩa. Trên fb, tôi “gặp” nhà thơ Hoàng Hưng, trong nhóm chủ trương Văn Việt online. Anh muốn đăng lại trên trang này những tác giả hải ngoại, tài liệu lấy từ bộ bộ 20 Năm VHVNHN (1975-1995) do tôi đồng thực hiện với Cao Xuân Huy, Trương Đình Luận 20 năm trước.
Hoàng Hưng nhờ tôi tìm người scan lại bộ sách. Từ đó tôi nẩy sinh ý định sẽ thực hiện bộ mới: 44 Năm HVNHN (1975-2019V), dựa trên bộ cũ. Cập nhật những tác giả đã có, đồng thời bổ sung những tác giả mới. Nhưng do bệnh tật (từ ngày bị tai bị đột quỵ, ngót 20 năm gần như tôi xa lìa hẳn thế giới văn nghệ, cắt đứt mọi quan hệ và mù mịt những diễn biến đã xảy ra trong một thời gian dài, 2 thập niên), một phần nữa, do khả năng hữu hạn về nội lực, chắc chắn một mình tôi không làm nổi. Phải mời thêm vài người cùng thực hiện. Mời ai? Tôi nghĩ ngay đến Nguyễn Vy Khanh, một nhà phê bình văn học, và cũng là cựu quản thủ thư viện.
Do nghề nghiệp (tay phải và trái), anh NVK hẳn không xa lạ gì với văn học Việt Nam hải ngoại. Người thứ 2, nhà thơ Luân Hoán, chủ nhân website Vuông Chiếu. Dễ chừng trên 15 năm nay, hầu hết mọi tác giả hải ngoại đều có mặt trong Vuông Chiếu. Với nguồn tư liệu phong phú từ Vuông Chiếu. Với óc làm việc khoa học, qui củ và nguồn tư liệu dồi dào của một cựu quản thủ thư viện. Hai vị khách mời này quá lý tưởng. Cả hai vui vẻ nhận lời, chúng tôi bắt tay thực hiện bộ sách.
Đầu tiên, tôi nhờ nhà thơ Thành Tôn, anh Nguyễn Vũ (một người rất giỏi về computer) scan nốt bộ 20 năm VHVNHN đã scan một phần theo yêu cầu của Hoàng Hưng, Sau đó tôi lại nhờ kỹ sư Tạ Quốc Quang (em ruột nhà văn Song Thao) chuyển bản scan từ pdf sang word. Công việc khá cực nhọc. Tạ Quốc Quang đã suốt ba tháng ròng rã đọc, sửa, đánh máy lại những sai trật, thiếu sót (rất nhiều), do phải scan từ bộ sách in đã lâu, chữ nhỏ, nhòe, giấy mỏng. Cuối cùng cũng xong. Tôi chuyển đến Nguyễn Vy Khanh, Luân Hoán mỗi vị một bản, làm nền.
Chúng tôi email, gọi điện thoại cho các văn thi hữu đã góp mặt trong bộ 20 năm… yêu cầu họ cập nhật. Những vị đã chết hoặc không tìm ra địa chỉ (emal hay nơi cư trú), nếu có được tư liệu mới, chúng tôi tự động cập nhật, bằng không đành giữ nguyên như trong bộ cũ. Song song, chúng tôi mời thêm những khuôn mặt mới hoặc lấy từ website Vuông Chiếu, Thư Ấn Quán của nhà văn Trần Hoài Thư. Hai nơi này luôn có nguồn tư liệu vô cùng phong phú, từ tiểu sử, hình ảnh đến những sáng tác tiêu biểu.
DTL: Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm, chính ông cũng là người vận động, thực hiện bộ sách “20 năm VHNT VIệt Hại Ngoại” cùng một số bằng hữu khác. Và hôm nay là “Tuyển tập 44 năm Văn học Việt Nam hải ngoại 1975-2019”. Câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng ông luôn thích làm những việc tạm gọi là “cực kỳ khó khăn”, khi mà tình trạng sức khỏe của ông thực sự không cho phép?
KT: Không phải tôi muốn làm những việc “cực kỳ khó khăn” như anh nói đâu. Tất cả hình như bắt nguồn từ những cơ duyên.
20 năm trước tôi làm tờ Hợp Lưu, nhờ vậy tôi có dịp tiếp xúc khá nhiều anh chị em cầm bút hải ngọai. Ông Trương Đình Nho, giám đốc nhà xuất bản Đại Nam, gợi ý: “KT quen biết nhiều giới văn nghệ, nên chăng thực hiện một bộ sách đánh dấu 20 năm VHVNHN? Tôi in cho.” 20 năm trước việc in ấn còn khó khăn và tốn kém. Giám đốc một nhà xuất bản lớn nhất hải ngoại đã nói thế, còn gì bằng. Tôi bàn với nhà văn Cao Xuân Huy. Phân công: tôi chịu trách nhiệm soạn thảo nội dung, mời các văn thi hữu tham gia. Cao Xuân Huy đánh máy. Trương Đình Luận (em ruột Trương Đình Nho) đọc, sửa lỗi chính tả. Ngoài phần văn học, bộ sách có thêm mảng tranh tượng của gần 100 họa sĩ, điêu khắc gia hải ngoại, in màu tiêu chuẩn cao. Bộ sách gồm 2 cuốn, tổng cộng gần 2.000 trang, khổ lớn, bìa cứng. Ông Trương Đình Nho khá hào phóng, bộ sách được in ở Hồng Kông tốn 20.000 đô, chưa kể 10.000 tiền nhuận bút cho tôi và Cao Xuân Huy.
Nay, bộ 44 năm VHVNHN hình thành và hoàn tất vẫn từ một cơ duyên không định trước.
Nguyên nhân thứ 1: Do yêu cầu của nhà thơ Hoàng Hưng muốn giới thiệu mảng VHVNHN trên Văn Việt online, do anh và vài văn hữu chủ trương, lấy bộ 20 năm… làm chủ đạo. Sẵn trớn tôi nhờ scan lại toàn phần bộ sách và đổi từ dạng pdf sang word để có thể thêm bớt, cập nhật nếu tái bản.
Nguyên nhân thứ 2: Bs khuyên tôi chống trầm cảm và bệnh mất trí nhớ bằng phương pháp vật lý trị liệu, cho cả thể xác lẫn tinh thần: Tìm một công việc nào đó thật bận rộn để trí óc không chạy rông, suy nghĩ tiêu cực. Tôi nghĩ, thay vì tái bản bộ 20 năm… sao không thực hiện bộ mới, đánh dấu 44 năm, kể từ 1975? Đã có bộ 20 năm… làm nền, việc thực hiện bộ 44 năm… ắt không khó.
Và mọi việc cứ thế, tuần tự nhi tiến.
Du Tử Lê: (DTL): Theo đánh giá chủ quan của ông thì ông và các bạn thu thập được khoảng bao nhiêu phần trăm tác phẩm và tác giả Việt hải ngoại kể từ tháng 4-1975?
Khánh Trường: Không đánh giá được đâu. Kể từ sau Tháng Tư 1975, hầu hết giới cầm bút của miền Nam cũ đã di tản ra nước ngoài. Sau này, qua nhiều đợt, từ vượt biên đến đoàn tụ và nhiều hình thức khác, lực lượng cầm bút ở hải ngoại không ngừng được bổ sung, giàu có từng tháng, từng năm. Do hoàn cảnh lịch sử, nhu cầu viết của người Việt hải ngoại rất cao. Dù chỉ là nghề tay trái, nhưng hầu như ai cũng muốn viết, có hàng trăm nghìn câu chuyện, từ vượt biên đến hội nhập, từ thảm kịch cá nhân đến gia đình… Ngót nửa thế kỷ, làm sao thu thập, đánh giá nổi lực lượng cầm bút ở hải ngoại? Trong tổng tập này chúng tôi đã cố gắng thu gom càng nhiều càng tốt, nhưng do giới hạn đến từ nhiều mặt, nhất là phân cách địa dư, người Việt sinh sống mọi nơi trên hành tinh bao la này, chúng tôi khó lòng mời đủ mọi văn thi hữu, dù đã nổ lực tối đa có thể.
DTL: Nhóm thực hiện có đặt ra một số tiêu chí nào đó, về việc chọn lọc tác phẩm để giới thiệu?
KT: Như bất cứ một công trình tập thể nào, chúng tôi cũng có một vài tiêu chí. Những tiêu chí này nặng phần hành chánh hơn nội dung văn bản. Chả hạn người tham gia phải sinh sống ở nước ngoài, phải có tác phẩm đã xuất bản hoặc cộng tác thường xuyên với báo chí (báo “dưới đất” lẫn "Trên trời”), đừng quá cực đoan trong quan niệm chính trị, bênh hoặc chống phải thấu tình đạt lý. Phải bình tĩnh, chừng mực, phải mang tính phê phán khách quan hơn chửi rủa cho sướng miệng, hả dạ.
DTL: Như ông biết thì khoảng có bao nhiêu sáng tác đã bị loại vì phẩm chất hay nội dung không thích hợp?
KT: Ít thôi, do nội dung không phù hợp với những tiêu chí vừa nêu.
DTL: Một thân hữu của chúng ta, như tôi biết, đã từ chối đóng góp sáng tác của ông ta vào bộ sách này, vì theo ông ấy, tên tuổi của nhân vật chủ trương bộ sách chưa đủ uy tín “phủ sóng” mọi lãnh vực của sinh hoạt nền VH Việt hải ngoại. Nhân vật này cũng cho thấy nhóm chủ trương không quan tâm tới việc mời những nhân vật có thẩm quyền ở từng lãnh vực để họ có bài viết giống như tổng kết hay tham luận về các bộ môn đó?
KT: Thứ nhất, “thân hữu” nào đó “của chúng ta” cái tôi hơi vĩ đại (!), tên tuổi của người chủ trương lớn hay nhỏ chả liên quan gì đến sự tham gia của vị “thân hữu” ấy. Cái cốt lõi là thành tựu văn học của ông ta, có mặt trong bộ sách là ông ta có cơ hội để giới thiệu thành tựu của mình đến độc giả và những nhà nghiên cứu sau này. Tôi, người chủ trương, có thể ví như anh bồi bàn. Mọi món ngon vật lạ đã có người cook, nhiệm vụ duy nhất của tôi là bưng đến, bày biện, sắp xếp sao cho hợp lý, ngon mắt, để thực khách ngon miệng. Giản dị và khiêm tốn thế thôi.
Thứ hai, hãy hiểu rõ, bộ sách là tổng tập, không phải tuyển tập. Mục đích của chúng tôi là cố gắng giới thiệu càng nhiều càng tốt mọi ngòi bút ở hải ngoại. Bên cạnh những tên tuổi lớn, có không ít những vóc dáng nhỏ, rất nhỏ, đóng góp của họ mỏng lắm, nhưng không thể phủ nhận đóng góp ấy dù thế nào vẫn là nhân tố góp phần hình thành diện mạo văn học hải ngoại. Chúng tôi không chủ trương mời những “nhân vật có thẩm quyền ở từng từng lãnh vực để họ có bài viết giống như tổng kết hay tham luận về các bộ môn đó”. Không phải mục đích và bổn phận của chúng tôi. Xin nhắc lại và nhấn mạnh, chúng tôi chỉ là những tên bồi bàn. Nói cách khác, bộ sách chỉ làm vai trò thu gom tư liệu, bên cạnh những trân châu bảo ngọc hẳn không thiếu những viên sỏi thô nhám. Sau này các nhà phê bình, nghiên cứu chuyên nghiệp sẽ phân loại, đãi cát tìm vàng.
DTL: Tôi cũng nghe nói, có một tác giả đã viết thư (hay điện thoại) cho nhóm chủ biên, yêu cầu bỏ tên tác giả đó ra khỏi bộ sách? Diễn tiến của sự việc này ra sao thưa ông?
KT: Vâng. Chuyện nặng tính khôi hài, không đáng quan tâm, nhưng ông đã hỏi, tôi kể lại, cho vui. Một hôm chúng tôi nhận được email của một người mần thơ, nguyên văn: “Cái tên (…) tôi đã khai tử từ lâu, sao các anh còn dùng? Làm ăn tắc trách như thế hỏi quyển sách có xứng đáng nằm trong tủ sách hay không? Yêu cầu bỏ tên tôi ra.” Người này có mặt trong bộ cũ, 20 năm… Trên trang nhà của tôi, Nguyễn Vy Khanh, Luân Hoán đã nhiều lần thông báo những tác giả đã tham gia trong bộ sách cũ hãy cập nhật thông tin cá nhân, nếu không, buộc lòng chúng tôi sẽ phải sử dụng information đã có. Anh mần thơ này hẳn đã đọc thông báo (chúng tôi tin thế, vì anh ta mấy mươi năm nay chả làm gì cả, sống nhờ trợ cấp bệnh… tâm thần – chả hiểu thật hay giả - ăn ở miễn phí trong khu vực dành riêng cho người điên, thường trực lang thang suốt ngày sáng đêm trên mạng), nhưng không thèm cập nhật, dù anh ta đã thay đổi bút hiệu. Dĩ nhiên chúng tôi phải sử dụng tư liệu cũ. Thế là anh ta giũa chúng tôi và yêu cầu rút tên!
DTL: Mục đích sâu xa của bộ sách của ông và 2 bạn là gì?
KT: Chả có “mục đích sâu xa” nào cả. Luân Hoán: Một cách tiêu khiển của tuổi già. Nguyễn Vy Khanh: Cũng vậy. Tôi: Chống trầm cảm và bệnh mất trí nhớ. Tôi không thích lên gân, biểu diễn bắp thịt. Thực chất công việc của chúng tôi chả có chi gọi là to tát. Nhắc lại một lần nữa: những tên bồi bàn ấy mà. Nổ vung vít, xấu hổ lắm. Có điều chúng tôi đã hết lòng trong công việc, bằng tất cả lương thiện và khách quan.
DTL: Dư luận chung (phía độc giả) cho tới giờ này, đã đón nhận bộ sách thế nào?
KT: Ông hẳn không lạ, chả có việc làm tập thể nào mà không bị chê bai, dè biểu, dèm pha, tẩy chay. Bản chất con người vốn thế. Nhưng rất may, dư luận tiêu cực này không nhiều, lại bắt nguồn từ quan điểm chính trị cực đoan và buồn cười đến ngô nghê. Chả hạn có một độc giả đã email cho anh Nguyễn Vy Khanh nguyên văn thế này:
Chú Nguyễn Vy Khanh kính, Cháu chia sẻ bài của chú về bộ sách 44 năm trong một số diễn đàn. Cháu đã bị một số chú bác, anh chị lạ quá chừng vì họ nói trong bài viết dùng chữ của Cộng Sản. Thập niên thay vì thập kỷ; liên lạc thay vì liên hệ. Họ không ủng hộ để mua sách, mặc dầu cháu đã cố gắng giải thích.
DTL: Câu hỏi chót dành cho ông: Nếu phải đi lại từ đầu, ông có nghĩ ông vẫn có “lửa” như đã?
KT: Củi với lửa!
Tôi đã lên kế hoạch, đã mời một số họa sĩ uy tín cùng thực hiện tiếp bộ 45 Năm Nghê Thuật Tạo Hình Việt Nam Hải Ngoại – 1975-2020, nhưng rất tiếc các họa sĩ hình như không mặn mòi gì lắm chuyện cùng đứng chung trong một tổng tập. Cũng có thể tôi chưa đủ tầm vóc để “phủ sóng”, nên sự đáp ứng của các họa sĩ rất rời rạc. Chả lẽ tôi cứ ca mãi bài bản cũ rích, tôi chỉ là một tên bồi bàn! Nhiều họa sĩ còn thẳng thừng, tôi mà lại đứng chung với thằng A, con B à? Cho nên, cuối cùng tôi đành chọn giải pháp, in riêng cho mỗi “ông, bà trời” một tuyển tập, chừng vài mươi đến trên 100 trang tranh màu do các vị tự chọn. Tôi làm, vẫn vì mục đích: chống trầm cảm và bệnh mất trí nhớ của tuổi già, không liên hệ gì đến củi lửa cả (cười), vả, tôi có nhà xuất bản Mở Nguồn mà, chủ trương của nxb: “Cơm nhà ngà voi”. Phải chu toàn chủ trương ấy chứ (cười).
(*) "Tuyển tập 44 năm Văn học Việt Nam Hải ngoại” do Mở Nguồn xuất bản tại Hoa Kỳ, 2019.