Khái Hưng (1896 - 1947)
qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Tỵ
Lý Bạch (701-762) là đại thi hào bậc nhất thời Thịnh Đường, ra đời cách đây hơn 13 thế kỷ. Ông sống một cuộc đời phóng túng, cao ngạo, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài. Là nhà thơ, ông lại thích múa kiếm làm hiệp sĩ, thích ở ẩn, dù có một thời gian được vua Đường Minh Hoàng qúy mến vời vào cung uống rượu, làm thơ. Ông được người đời mệnh danh là “trích tiên”. Thơ của ông tự nhiên, mạnh mẽ, khoáng đạt, dào dạt, ít dụng công lựa chữ. Đề tài của thơ ông rất đa dạng, phong phú. Ông đề cập đến thú uống rượu và thưởng trăng, tình yêu thiên nhiên, ngày tháng rong chơi trên nhiều nơi của đất nước mênh mông. Tình bạn và cảnh biệt ly cũng được nhiều lần nhắc đến. Có khi ông cảm khái làm “thơ biên tái”mô tả cảnh dãi dầu, bi hùng của chiến sĩ ngoài sa trường. Ngược lại ông cũng không quên ca tụng giai nhân chốn cung đình.
Lại cũng có khi ông quan tâm đến thân phận người con gái vừa mới về nhà chồng một vài năm thì đã phải nếm mùi chia cách. Bài Trường Can Hành thuộc về đề tài đó. Dù là một lãnh vực ít được ông chú ý, nhưng một khi ông ghé mắt vào, bài Trường Can Hành vẫn một kiệt tác.
Thơ của ta cũng có bài chịu ảnh hưởng đôi chút của Trường Can Hành. Trong Chinh Phụ Ngâm có hai câu:
Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ
Thiếp dạo hài lối cũ rêu in
Câu thứ hai phải chăng lấy từ ý trong hai câu:
Ngoài cửa thưa chân bước
Rêu xanh mọc thành hàng
(Khái Hưng dịch Trường Can Hành)
Cũng thế, trong Truyện Kiều có những câu:
Sân rêu chẳng tỏ dấu giày
Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân
hoặc:
Xập xè én liệng lầu không
Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày
Và có thể nào Xuân Diệu đã nghĩ đến:
Tháng tám ngoài vườn cỏ
Nhởn nhơ đôi bướm vàng
Tự cảm đau lòng thiếp
Nhìn tàn tạ hồng nhan
(Khái Hưng dịch Trường Can Hành)
khi trong bài Đơn Sơ có những câu:
Em viết trong thư mấy bữa rày
Sao mà bươm bướm cứ đua bay
Em buồn em nhớ, chao em nhớ
Em gọi thầm anh suốt cả ngày
Gần đây, trong một lần trò chuyện với nhà phê bình Đặng Tiến, tôi được biết ông thuộc rất nhiều thơ. Một điều đặc biệt nữa là không những thuộc thơ, ông còn biết bài thơ nào in trong báo nào, tạp chí nào, sách nào. Quả vừa là nhà phê bình, vừa là nhà văn bản học. Riêng tôi chỉ nhớ được một ít thơ và tên tác giả mà thôi. Tôi không để ý đến nhà in, nhà xuất bản.
Khi tôi bảo Khái Hưng có dịch Trường Can Hành ra tiếng Việt, ông ngạc nhiên hỏi tôi bài đó đăng ở sách báo nào, lúc nào. Tôi chịu thua. Theo Đặng Tiến, Khái Hưng có dịch thơ, trong đó bài dịch Sonnet d’Arvers ra tiếng Việt được nhiều người biết đến. “Lòng ta chôn một mối tình/Tình trong giây lát mà thành thiên thâu ....”, ông đọc hai câu đầu tiên của bài thơ ấy. Nhưng đối với bài Trường Can Hành của Lý Bạch, ông chưa biết Khái Hưng có dịch hay không. Ông nói thêm có lần tạp chí Khởi Hành của Viên Linh dành nguyên một số báo viết về Khái Hưng, nhưng không thấy bài nào đề cập đến chuyện Khái Hưng dịch Trường Can Hành. Trước khi chia tay, ông bảo nếu tôi nhớ rõ bài dịch ấy, thì nên cho đăng lên báo để rộng đường dư luận.
Sau câu chuyện nói trên, tôi trở về nhà tìm đọc trên các sách báo mà tôi có, và trên Internet. Có đến 10 tác giả đã dịch Trường Can Hành ra tiếng Việt; không thấy tên Khái Hưng. Nhưng tôi nhớ rõ đã đọc bài dịch của Khái Hưng trên một cuốn sách hay tạp chí cũ nào đó từ khi tôi còn học trung học, nghĩa là cách đây hơn nửa thế kỷ, và đã thuộc lòng vì đó là bài dịch hay. Nếu so bài ấy với 10 bài vừa kể trong đó có bài của Trần Trọng San, Trúc Khê, theo tôi, bài của Khái Hưng hay nhất.
Bạn đọc có thể nghĩ rằng tôi nói vớ vẩn, vô căn cứ, hoặc nhớ sai. Cho nên tôi thử soát lại một loạt bài thơ Tiền Chiến tôi đã đọc, đã thích, đã nhớ, cùng một lúc. Nào một số thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, nào một số thơ của Hàn Mạc Tử, Vũ Hoàng Chương, Thâm Tâm, Đinh Hùng, vân vân, và cả bài dịch Trường Can Hành của Khái Hưng cũng theo lối thơ ngũ ngôn. Tôi nhận ra rằng tôi đã nhớ đầy đủ và gần đúng hết. Ai cũng thế, hồi còn trẻ, đầu óc gần như trang giấy trắng, những gì đã được ghi vào ký ức sẽ khó bị xoá nhoà.
Khái Hưng, một tiểu thuyết gia biệt tài, một tấm lòng bao la, man mác, đã xây dựng nên Hồn Bướm Mơ Tiên như một bài thơ xuôi thật dài, thật duyên dáng, êm đềm, thơ mộng, và đã nhập vào hồn Trường Can Hành để chuyển thành một bài thơ tiếng Việt đầy xúc cảm dù có một vài chi tiết không theo sát với nguyên tác chữ Hán.
Tôi xin ghi lại dưới đây bài Trường Can Hành nguyên tác chữ Hán của Lý Bạch, bài dịch nghĩa và dịch thành thơ của Trần Trọng San, và cuối cùng là bài dịch của Khái Hưng.
Nguyên tác của Lý Bạch:
Thiếp phát sơ phú ngạch
Chiết hoa môn tiền kịch
Lang kỵ trúc mã lai
Nhiễu sàng lộng thanh mai
Đồng cư Trường Can lý
Lưỡng tiểu vô hiềm sai
Thập tứ vi quân phụ
Tu nhan vị thường khai
Đê đầu hướng ám bích
Thiên hoán bất nhất hồi
Thập ngũ thủy triển mi
Nguyện đồng trần dữ hôi
Thường tồn bão trụ tín
Khởi thướng Vọng Phu đài
Thập lục quân viễn hành
Cồ Đường Diễm Dự đôi N
gũ nguyệt bất khả xúc
Viên thanh thiên thượng ai
Môn tiền cựu hành tích
Nhất nhất sinh lục đài
Đài thâm bất năng tảo
Lạc diệp thu phong tảo
Bát nguyệt hồ điệp lai
Song phi tây viên thảo
Cảm thử thương thiếp tâm
Toạ sầu hồng nhan lão
Tảo vãn há Tam Ba
Dự tương thư báo gia
Tương nghinh bất đạo viễn
Trực chỉ Trường Phong sa.
Dịch nghĩa:
Nhớ lại ngày còn nhỏ, tóc thiếp mới rủ xuống trán. Thiếp bẻ hoa chơi trước cổng. Chàng cưỡi con ngựa tre chạy lại, vòng quanh giường nghịch cành mai xanh.
Chàng và thiếp cùng ở làng Trường Can, vì cùng còn nhỏ tuổi nên việc giao du không có sự nghi ngờ. Khi mười bốn tuổi, thiếp về làm vợ chàng, mặt thẹn thùng chưa từng hé mở.
Thiếp ngượng ngùng quay đầu vào vách tối. Chàng gọi trăm nghìn lần, thiếp không một lần quay lại. Năm mười lăm tuổi, lông mày mới bắt đầu giải rộng, thiếp nguyện cùng chàng gian khổ có nhau.
Thiếp thường giữ vững lòng tin như Vĩ sinh ôm cột ngày xưa. Có bao giờ nghĩ rằng phải lên đài Vọng Phu. Khi thiếp mười sáu tuổi, chàng phải đi xa đến mãi Cồ Đường và Diễm Dự đôi.
Tháng năm, không đến được miền đó. Trên trời, tiếng vượn kêu bi ai. Trước cổng, rêu đã mọc xanh trên những vết chân xưa.
Rêu mọc dày, không sao quét hết. Năm nay, gió thu thổi, lá vàng rơi sớm hơn mọi năm. Tháng tám, những con bướm lại, bay đôi trên cỏ vườn tây.
Cảm xúc trước cảnh ấy, lòng thiếp đau thương. Thiếp ngồi buồn thấy hồng nhan thêm già. Sớm muộn chàng sẽ xuống miền Tam Ba, xin hãy báo tin về nhà.
Thiếp không ngại đường sá xa xôi, sẽ thẳng tới Trường Phong sa gặp chàng.
Dịch thơ của Trần Trọng San:
Tóc thiếp vừa buông trán,
Hái hoa trước cổng ngoài.
Chàng cưỡi ngựa tre đến,
Quanh giường đùa nhánh mai.
Trường Ca cùng một xóm,
Hai trẻ đều thơ ngây.
Mười bốn về làm vợ,
Thiếp còn e lệ hoài.
Cúi đầu vào vách tối,
Gọi mãi chẳng buồn quay.
Mười lăm vừa hết thẹn,
Thề cát bụi không dời.
Bền vững niềm son sắt,
Há lên Vọng phu đài.
Chàng đi năm mười sáu,
Cồ Đường, Diễm Dự đôi.
Tháng năm không đến được,
Tiếng vượn kêu vang trời.
Dấu chân ngoài cổng trước,
Rêu biếc mọc xanh tươi.
Rêu đầy không quét hết,
Gió thổi lá vàng rơi.
Tháng tám đàn bươm bướm,
Trên cỏ vườn bay đôi.
Cảm xúc đau lòng thiếp,
Má hồng sầu pha phôi.
Tam Ba chàng sẽ đến,
Xin báo tin về nhà.
Đón chàng thiếp chẳng ngại,
Thẳng đến Trường Phong sa.
Dịch thơ của Khái Hưng:
Thiếp ngắt hoa trước cửa
Tóc chấm trán vừa ngang
Chàng cưỡi ngựa trúc đến
Tung hoa chạy quanh giường
Làng Trường Can cùng ở
Hai trẻ một lòng thương
Mười bốn về làm vợ
Thiếp e thẹn bẽ bàng
Cúi đầu vào vách tối
Gọi mãi chẳng quay sang
Mười lăm mi mới nở
Nguyện ghi tạc đá vàng
Chàng không hề lỗi hẹn
Thiếp rất được yêu thương
Mười sáu chàng ra đi
Trơ vơ lối Cồ Đường
Tháng năm ai dám tới
Tiếng vượn kêu thảm thương
Ngoài cửa thưa chân bước
Rêu xanh mọc thành hàng
Rêu đầy không thể quét
Lá rụng gió thu mang
Tháng tám ngoài vườn cỏ
Nhởn nhơ đôi bướm vàng
Tự cảm đau lòng thiếp
Nhìn tàn tạ hồng nhan
Sớm chiều đến Ba Quận
Mong ngóng đợi tin chàng
Xa xôi đâu dám ngại
Trường Phong bao dặm đàng.
Nếu quý vị nào tìm được trên báo chí, sách vở cũ bài Trường Can Hành do Khái Hưng dịch, tôi xin được chỉ giáo, và xin vô cùng cảm tạ.
5/2016